Nhạc Sĩ Anh Việt Trở Về Bến Cũngọc thủy Chiều thứ bẩy tuần vừa qua, tôi đến tham dự buổi họp mặt Tân Niên với một số các thân hữu và anh chị em văn nghệ sĩ của thi văn đoàn Bốn Phương tổ chức tại tư gia của nhà thơ Mạc Phương Đình. Chia tay rồi, tôi còn đi tiếp mãi đến tối khuya mới trở về nhà.
Khi mở được hộp thư e-mail, đồng hồ compurter đã chỉ một giờ sáng ngày Chủ nhật, mũi tên đang dò lướt những list thư của tôi bỗng khựng lại trước bốn chữ vỏn vẹn: nhạc sĩ Anh Việt. Thốt nhiên, tôi giật mình có ngay một linh cảm không lành. Bấm vội mũi tên để mở thư, quả nhiên đó là những giòng chữ báo tin nhạc sĩ Anh Việt vừa qua đời ngày 14 tháng 3/2008. Tôi lặng yên trong vài phút sững sờ và hoang mang. Nhạc sĩ Anh Việt đã chết rồi ư?
Sao trong thời gian gần đây, những tên tuổi thân quen ra đi nhiều quá. Có phải lớp tuổi của những bậc đàn anh đó đã tới lúc lần lượt phải rời bỏ cuộc sống đời hữu hạn. Đã khá lâu tôi không có dịp gặp lại nhạc sĩ Anh Việt vì có lần, anh cho biết không được khỏe lắm. Tôi cứ nghĩ anh nói theo sự lớn tuổi của anh mà thôi. Tuy những sinh hoạt văn nghệ ở đây thiếu vắng bóng dáng anh chị sau này, nhưng mọi người lại nghĩ trong sự thông cảm, ấy là anh chị cũng đến cái tuổi thích sống nghỉ ngơi yên tĩnh, ngại đi xa. Chứ khoảng vài năm trước đây thôi, anh chị còn hay đến tham dự các buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật ở San Jose.
Nghĩ tới đây, tôi không khỏi thấy nao lòng khi nhớ đến những lần anh có mặt trong các buổi ra mắt sách của tôi, từ Thánh Đường Tự Do cho đến Coffe Lover, tới những lần đi ăn cùng anh chị ở nhà hàng Cao Nguyên. Nhắc nhớ tới những kỷ niệm chợt ùa về quanh quẩn, sao lòng tôi cứ ngỡ những ngày đó như mới vừa qua đây. Ôi có phải do lòng luyến tiếc đang dào dạt trước sự ra đi vĩnh viễn của anh. Người nhạc sĩ tài hoa đã viết nên những ca khúc sáng đẹp, hiền hòa như giòng sông quê hương chảy tràn trên ruộng lúa miền Nam.
Tôi tới bên tủ sách, cầm lên hai quyển nhạc thiền được in dầy dặn trang nhã theo khổ sách lớn, bìa mầu vàng cam và xanh lá cây non thật đẹp do nhà xuất bản Lá Bối phát hành, đó là quyển Nhạc Kinh và Những Giọt Không luôn đứng trong kệ sách của tôi gần mười năm qua. Thời gian này ông chuyển sang sáng tác nhạc Thiền, tâm đạo, phần nhiều phổ từ thơ Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Nhìn hàng chữ viết tay đề tặng của ông từ mùa thu 1999, gợi nhớ lại lần đó ông và nữ sĩ Tố Oanh, người bạn đời chung thủy yêu thương của ông, đã ghé thăm tôi tại văn phòng nhỏ của Tiếng Việt Mến Yêu Radio trên đường San Jose Ave để tôi thực hiện cuộc phỏng vấn ông về cuốn CD Tình Khúc Anh Việt với Quê Hương & Tình Yêu do trung tâm băng nhạc Giáng Ngọc phát hành, trước ngày ra mắt được tổ chức vào tháng 12 năm 1999 tại Santa Clara Convention Center, San Jose.
Nhạc sĩ Anh Việt tên thật là Trần Văn Trọng, sinh năm 1929 và lớn lên từ mảnh đất quê nhà xanh ngát lúa ruộng trù phú của miền đồng bằng Kiên Giang, tâm hồn được ấp ủ và tưới mát bằng giòng nước ngọt ngào của Cửu Long Giang trôi chảy êm đềm như thời thơ ấu của ông. Đặc biệt nơi mảnh đất ông được dưỡng nuôi có tấm gương anh hùng Nguyễn Trung Trực luôn soi sáng cuộc đời ông điều tiết nghĩa oai phong cùng lòng yêu nước thiết tha.
Đó cũng là động lực đưa ông đến với âm nhạc và bắt đầu nhạc phẩm đầu tay là ca khúc Bến Kiên Giang, sáng tác năm 1945 khi ông mới 16 tuổi. Thời gian ấy, miền Nam thân yêu đang chìm trong khói lửa và phong trào kháng chiến chống lại thực dân Pháp dành lại quyền tự chủ cho nước nhà nổ bùng khắp nơi.
Trong sự xót đau trước thời cuộc nước nhà cùng tình yêu chan chứa đã thúc đẩy ông sáng tác thật hăng say với một số ca khúc được ra đời để góp tiếng nói đấu tranh, chia xẻ tình yêu đôi lứa của lớp tuổi ông ngày đó vì ông cũng là một trong số đoàn thanh niên lên đường theo tiếng gọi núi sông đang vang dội. Vì thế mà nhạc phẩm Bến Cũ được nhạc sĩ Anh Việt sáng tác năm 1946 đã đi vào lòng người sâu đậm mãi tới bây giờ:
Bến Cũ, Hùng Cường hát
http://www.youtube.com/watch?v=sXLIKNF5rSk
“Bến ấy ngày xưa người đi
vấn vương biệt ly.
Gió cuốn muôn phương về đây,
thấy bóng người về hay chăng?
Xa nhau bến xưa ngày ấy,
anh đi thế thôi từ đây,
sầu chết bên lòng,
hồn nặng nhớ mong.
Biết đi sầu em mong,
nhưng ngàn dân đang ngóng.
Dưới trời gió mưa,
làn gió chiều đưa...
Xa nhau bến xưa ngày ấy,
anh như bóng mây hồng trôi
về chốn xa vời,
lòng nặng nhớ mong.
Cố quên sầu thương đi.
Anh nguyện đi theo gió,
chớ buồn khóc chi,
càng khổ người đi.
Bến ấy chiều sương chờ mong
vấn vương lòng ta.
Gió cuốn mây trôi về đâu,
cố nén sầu lòng bao năm”.
Hoặc bài Một Chuyến Đi nói lên nỗi lòng người trai ở chốn biên thùy. Vẫn hăng say chiến đấu bảo vệ quê nhà, nhưng tình riêng đôi khi thấy lòng day dứt khôn khuây:
“Ngoài ngàn dặm đoàn người ra đi.
Trong sương lạnh lòng trai bền chí.
Ra biên cương xa xăm ngàn phương
và còn vương tiếng hát trong sương...
Có biết chinh phu giờ đây,
dấn bước theo muôn cờ bay.
Đi nhưng ngày về không mong,
buồn vương ngàn mối tơ lòng...”.
Và đã có biết bao người trong lớp tuổi thanh xuân thời
đó đã từng hát vang bài Chiều Trong Rừng Thẳm với
những lời bi hùng tha thiết:
"Bao ngày chinh chiến nơi đây
nhuộm máu anh tài.
Dấu vết vẫn ghi,
ngàn năm chẳng phai.
Muôn cờ tươi thắm trong sương
gợi chí tang bồng...
Mau cùng nhau tiến,
không sờn nguy biến,
quyết cố đấu tranh dưới ngàn núi rừng,
trong nắng tưng bừng,
quốc dân mong chờ,
trong rừng xa... mờ!”.
Những các ca khúc này đều được nhạc sĩ Anh Việt viết vào khoảng thời gian 1946-1947 là giai đoạn lịch sử, ghi lại những công cuộc đấu tranh thời kháng chiến liệt oanh. Sau đó ông sáng tác thêm nhiều ca khúc mới nữa như: Lỡ Chuyến Đò (Tình Người Nghệ Sĩ), Lúa Vàng, Ai Xuôi Biên Thùy, Thơ Ngây, Hương Thời Gian, Bâng Quơ, Ngày Xưa Yêu Nhau.v.v...
Audio "Tình Người Nghệ Sĩ"
Khánh Ly hát
http://www.vlink.com/zin...=QueHuong_TinhCa/LMNOPQ
Không những là một nhạc sĩ tên tuổi được nhiều mến mộ, nhạc sĩ Anh Việt còn là một sĩ quan ưu tú và cao cấp trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Trước năm 1975 ông nguyên là Đại Tá Cục trưởng Cục Quân Cụ, đồng thời là Chủ Tịch Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội VNCH. Tất cả mọi người từ anh chị em văn nghệ sĩ đến anh em chiến hữu đồng đội hoặc thuộc cấp đều một lòng thương mến kính trọng ông bởi tư cách điềm đạm, hiền hòa chân thật, luôn vui vẻ nhẹ nhàng cùng giọng nói miền Nam chậm rãi từ tốn, nhất là khi nói chuyện thường kèm theo nụ cười hiền.
Ông cũng là một người rất hiếu học, dù đang là một vị chỉ huy cao cấp với nhiêu công việc, trách nhiệm bận rộn, ông cũng cố gắng dành thì giờ ghi danh vào Viện đại học Đà Lạt theo phân khoa Chính Trị Kinh Doanh, tốt nghiệp khóa I năm 1968.
Nhắc đến những sự gương mẫu và thành công của nhạc sĩ Anh Việt, không thể không nhắc đến người vợ hiền luôn cận kề bên ông. Đó là nữ sĩ Tố Oanh, người phụ nữ sính văn chương thi ca, là người bạn đời đã giúp ông rất nhiều trong đời sống bận rộn đa đoan trách nhiệm trong công việc cùng sự nghiệp âm nhạc của ông từ bao năm qua.
Trong những năm sống những ngày tháng ly hương tại hải ngoại, ngoài thì giờ dành cho gia đình, ông vẫn đi làm và tiếp tục sáng tác những ca khúc viết về tình yêu quê hương, đặc biệt những bài Thiền ca sáng rực tâm linh hướng tình yêu tha nhân tới cái đẹp thiện lành của chân-thiện-mỹ.
Nhạc sĩ Anh Việt vừa rời bỏ kiếp nhân gian để trở về
giòng sông ngọt ngào của quê hương Việt Nam yêu
dấu, về Bến Cũ êm đềm để an nghỉ giấc ngàn thu.
Xin được tiễn biệt người nhạc sĩ tài hoa đáng kính Anh Việt bằng những nụ hoa vàng tháng ba đã chớm nở rực trên những sườn đồi Thung Lũng Hoa Vàng, những nụ hoa đã làm tươi đẹp và thơ mộng hơn cho thành phố San Jose, như những nhạc phẩm giòng tình ca Anh Việt đã làm đẹp thêm cho đời và cho nền âm nhạc Việt Nam!
ngọc thủy