Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Ngọc Thủy
Phượng Các
#1 Posted : Thursday, March 3, 2005 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Ngọc Thủy



Ngày và nơi sinh: 1955 tại Phong Dinh, Việt Nam.

Địa chỉ: San José, California.

Những tác phẩm đã xuất bản: Như Giấc Mộng Vàng (tập truyện) - Em Tháng Chạp (tập truyện) - Bé Yêu Đời (truyện thiếu nhi) - Bé Yêu Người (truyện thiếu nhi) - Quả Bóng Tuổi Thơ (truyêän thiếu nhi) Cho Nhau Một Góc Biển Trời (thơ)


viethoaiphuong
#2 Posted : Monday, January 21, 2008 4:34:59 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
Bài nhận được từ Diễn Đàn Tin Tức hôm nay ==>>

Kính gởi quý vị & các bạn bài tùy bút "Thi Sĩ Hà Thượng Nhân Bên Trời Lận Ðận" của thi sĩ nhà văn Ngọc Thủy, chủ nhiệm chủ bút tạp chí Suối Văn. Chị đặc trách chương trình radio Tiếng Việt Mến Yêu hàng ngày trên làn sóng AM 1120 tại San Jose, California. Ðã xuất bản một số tuyển tập truyện ngắn cho thiếu nhi và các tập thơ như: Em Tháng Chạp, Như Giấc Mộng Hoa Vàng, Một Thời Ðể Nhớ, Phi Vụ Cuối Cùng của Trần Thế Vinh, Dọc Ðường Quảng Trị, Mặt Trời Thơ, Trăng Thơ. Ðang in tuyển tập ký sự và tùy bút Giữa Ðời Có Những Niềm Vui . Liên lạc email Ngoc Thuy: suoi_van@yahoo.com

*
Thi Sĩ Hà Thượng Nhân
Bên Trời Lận Ðận



Tôi nhận được lời mời từ nhà thơ Đông Anh từ trước, nhung cách một ngày tới trưa Chủ Nhật tuần qua, tôi mới được chị Ngọc Bích cho biết ngoài lý do là tiệc Tân Niên họp mặt thân hữu của Cơ Sở Văn Thơ Lạc Việt, các anh chị em văn - thi sĩ trong nhóm sẽ tổ chức mừng Thượng thọ thi sĩ Hà Chưởng Môn 90 tuổi với sự bất ngờ dành cho ông, vì nếu biết, e rằng ông sẽ từ chối vì không muốn mọi người phải bận tâm lo nghĩ về mình. Tính
ông là thế, rất hiền lành nhũn nhặn và khiêm cung.

Nên ngay buổi chiều đó, tôi vội chạy đi Shopping Mall để tìm mua cho ông một món quà. Tôi suy nghĩ, thật tình không biết nên mua tặng ông cái gì đây, vì chắc ông chả thiếu cái gì hết. Ghé vào khu vực dành cho quý ông, tôi đi qua hết dẫy hàng quần áo rồi đến gian giày dép, rốt cuộc đành đứng ngó và lưỡng lự một hồi, vì tôi nào biết rõ kích thước của ông ra sao đâu (muốn biết cũng không dám hỏi vì mọi người bảo phải bí mật cơ mà). A, tôi nghĩ ra rồi, phải, tôi sẽ mua tặng ông một cái mũ len để ông đội ấm trong nhà. Mùa đông lạnh lắm, mấy người già lại càng nên phủ ấm trên đầu.

Nghĩ tới cái mũ, tôi bất giác tự mỉm cười khi nhớ tới cái thời nhỏ xíu bướng bỉnh của mình là không bao giờ chịu đội mũ nón dù đi học dưới trời nắng chang chang hoặc mưa dầm, vì khí hậu ở Sàigòn phải chịu nửa năm đầu niên học với mùa mưa, nửa niên sau với mùa nắng (Sàigòn chỉ có hai mùa mưa nắng thôi, nhưng sao
mà nhớ thương quá đỗi).

Tôi còn nhớ dai chuyện này vì đã nhiều bận bị ăn đòn vì cái tội không chịu nghe lời. Bởi trước khi đi, mẹ tôi đã
bắt đội mũ lên đầu, nhưng vừa khuất mắt mẹ, là tôi đã
gỡ ngay xuống, xếp cất vào cặp lẹ làng (thời đó có nón
vành xếp lại được).

Tôi vui sướng được chạy nhảy lò cò trên lề đường hoặc rượt bắt cùng lũ bạn trong sân chơi nhà trường với mái tóc thả tung trong nắng trong gió. Tưởng mẹ không biết nhưng tới lúc về nhà, mẹ tôi ngửi được mùi nắng khét trên đầu nên la mắng cho một chập hoặc có khi bị quất cho mấy roi đau điếng.

Và có khi trời mưa, tôi về nhà với mái tóc ướt nhẹp (những lúc này dù có bị đòn tôi cũng phải ráng chịu thôi
vì mẹ đã dặn để đầu trần nắng hay đi mưa sẽ bị đau bịnh ngay). Bởi tôi thích mưa, thích được hứng mấy giọt mưa nhỏ bay chạm vào mặt, lành lạnh se da mát rượi làm sao, vậy mà cũng đủ ướt tóc khi về tới nhà nên không dấu được. Nhưng cũng có bữa, tôi gan lì đội cơn mưa lớn
về nhà thay vì đứng đợi tan cơn mưa hoặc chờ bố tôi
tới đón tận cổng trường.

Và đôi khi tôi cũng đã bị ốm thật vì không chịu nghe lời đội mũ, lúc đó tôi cũng có hối hận khi thấy bố mẹ phải lo lắng mà mình cũng mệt quá, được ăn phở nóng, uống nước cam vắt mà cổ họng vẫn đắng nghét, đầu thì nóng hầm hập cơn sốt, rồi bị uống thuốc, trời ơi… đắng ơi là đắng! Thiệt dễ sợ hơn là bị nghỉ học cho tới khi hết bịnh, có mấy ngày thôi mà nhớ sân trường, nhớ cô giáo hiền thường hay kể chuyện cổ tích và nhớ nhất là lũ bạn lúc đùa chơi quá cỡ.

Thế là tôi đã tìm mua được một cái mũ len dày mịn màu xanh đen. Tôi nghĩ bác Hà Thượng Nhân sẽ đội vừa, và bác có thể đội đi ra ngoài, ở trong nhà hoặc cả khi đi ngủ cũng vẫn mang được chiếc mũ len giữ lại sự ấm áp trong những ngày, những tối mùa đông lạnh giá.

Trưa Chủ Nhật ngày 13 tháng 1/2008, một số các anh chị em văn nghệ sĩ đã tới dự buổi họp mặt để cùng nhau chúc mừng Thượng Thọ 90 tuổi lão thi sĩ Hà Thượng Nhân ở nhà anh chị Đông Anh, thật vui vẻ ấm áp trong sự thân tình qúy mến. Đặc biệt có mặt Giáo sư Nguyễn Chính Kết (một trong những nhà đấu tranh cho dân chủ Việt Nam của khối 8406 từ trong nước).

Dịp này nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh cũng ngỏ đôi lời tâm sự với người bạn cùng thời Hà Thượng Nhân rất chí tình. Và nhạc sĩ Minh Chánh đã tặng thi sĩ Hà Thượng Nhân cùng các anh chị em văn thi hữu hiện diện bài Tô Châu Dạ Khúc và Nắng Vàng bằng ngón đàn Hạ Uy Cầm điêu luyện.

Có thi sĩ Nhất Tuấn và nàng thơ của ông cũng từ Seattle đến thăm và chúc mừng Sinh Nhật Hà Chưởng Môn với một món quà mừng là bài thơ dài tỏ lòng quý mến người anh lớn trong làng văn nghệ từ những ngày cùng chung sinh hoạt báo chí và ngành phát thanh Quốc Gia thuở trước.

Đã lâu lắm, tôi mới gặp lại anh chị Nhất Tuấn-Phạm Hậu, từ cái buổi tang lễ của anh Phạm Huấn, mới đó mà đã ba năm. Bất chợt anh và tôi cùng nhắc nhớ lại cái ngày anh Nhất Tuấn cũng từ Olympia về San Jose thăm thi sĩ Hà Thượng Nhân khi nghe tin ông vừa sang Hoa Kỳ theo diện HO.

Chiều tối đó, anh cũng đã đưa Hà Chưởng Môn đến nhà chúng tôi lúc ấy còn trên phố Downtown. Tôi lắng nghe ông nói chuyện về những sinh hoạt thời trước của anh em văn nghệ sĩ Quân Đội, đến thời làm báo Tiền Tuyến cho tới những ngày tù Cộng sản cùng anh em với bao nỗi chua xót, ngậm ngùi lẫn bao trìu mến thương yêu. Thấm thoát, từ hôm đó tới nay, thế mà đã mười mấy năm, nhắc lại thời gian, quả thật phải giật thót mình bởi trôi qua quá nhanh, mang theo bao biến đổi không ngừng.

Thi sĩ Hà Thượng Nhân rời quê hương núm ruột miền Bắc theo làn sóng chạy khỏi chế độ Cộng sản để di cư vào Nam. Sau đó ông gia nhập Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, hoạt động trong ngành Tâm Lý Chiến, là chủ nhiệm nhật báo Tiền Tuyến, Giám đốc Đài Phát Thanh Quốc Gia thời TT Ngô Đình Diệm. Ngoài ra ông còn phụ trách mục Đàn Ngang Cung cho báo Tự Do và viết nhiều bài viết sâu sắc, sáng tác nhiều bài thơ trào phúng nói lên những tệ trạng đương thời.

Sau khi miền Nam Tự Do đã rơi vào tay CSBV, ông phải đi tù "cải tạo" như muôn ngàn Quân Dân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa và anh chị em văn nghệ sĩ báo chí khác. Trước kia, khi còn ở chức vụ và địa vị cấp trên, ông làm việc hăng say và luôn tử tế với mọi người trong tinh thần mến thương, nâng đỡ. Khi vào lao tù Cộng sản, các anh em còn quý mến ông hơn bởi tấm lòng bao dung và tự trọng vẫn tồn tại trong con người sĩ khí dù ở vào hoàn cảnh sa cơ lỡ vận nhọc nhằn.

Sau hơn ba mươi năm dâu bể, nhà thơ Sa Giang Trần Tuấn Kiệt từ trong nước đã viết về ông với những lời nhận định chân thành:

"Sự hoạt động của Hà Thượng Nhân xưa cũng như ngày nay ở nước ngoài vẫn vững vàng phong cách của một bậc chưởng môn… Một người anh như thuở nào. Ngày trước ông giữ vai trò trọng yếu như Giám đốc đài phát thanh Quốc Gia, làm Giám khảo các cuộc thi Văn Học Nghệ Thuật, nay ở hải ngoại cũng vẫn cùng một số các nhà văn tên tuổi lớn, hoạt động sâu rộng trong công cuộc phản công ý thức hệ CS, cũng với sự góp mặt ở các giải văn chương chiến đấu không ngừng nghỉ. Riêng về tâm hồn Hà Thượng Nhân trước hay sau đều được người cùng hội cùng thuyền tôn kính. Đối với chúng ta, Hà Thượng Nhân là một nhân vật lớn, sống trong cuộc đời hoạt động rất có ý nghĩa cao cả. Một con người, một sự nghiệp thật quang minh chính đại của
kẻ sĩ thời đại này đáng được khâm phục nhất".

Thời gian đó, tuy thân xác phải gánh chịu nhiều vất vả lao lung, nhưng tâm trí ông vẫn mạnh mẽ kiên trì. Dù đói khổ cực nhọc tới đâu, ông vẫn làm thơ để sống qua vận hạn của dân tộc cùng chính bản thân ông:

"Ôi cơn gió heo may thuở trước
lạnh ngàn năm sông nước Tầm Dương
về đây rừng núi Thanh Chương
nghe heo may nổi canh trường ngẩn ngơ

…làm cho đất lở trời long
giam ta sao nổi mấy vòng kẽm gai
cũng đầu óc, cũng tai, cũng mắt
nghĩ nguồn cơn đau cắt thịt da
tám mươi Lã Vọng chưa già
lẽ đâu ta chẳng là ta thuở nào?!"

Mấy ngàn câu thơ, ông làm ra, ghi chép trong đầu vì nào được viết ra trong thời gian không những rất hạn hẹp mà còn bị kềm kẹp nghiệt ngã ấy. Sau này ông cố gắng nhớ để ghi lại những giòng tâm bút huyệt lệ ấy cho anh em cùng chia xẻ lại những ngày tháng khó quên của một kiếp người trải qua thời đao binh cùng bao điêu linh của đất nước, như lời tâm sự của ông trong tuyển tập Bên Trời Lận Đận (TVĐ Bốn Phương tái xuất bản 2007):

"Tập thơ này tôi viết tất cả gồm 3,000 câu. Tất cả chỉ ghi nhớ trong đầu, không chép ra vì cán bộ bắt được thì phiền phức. Khi về nhà tôi chép hết tập đầu gồm 9 bài và tập hai có 4 bài, càng về sau, lời thơ càng uất hận - viết khi tôi bị biệt giam – tôi thị vào trí nhớ của mình, cứ tự hẹn khi sang Mỹ sẽ chép lại đầy đủ. Sang đây mới biết tuổi tác làm cho mình quên đi nhiều, nên tập thơ đành lỡ dở. Dẫu chỉ còn một nửa, tôi vẫn cho ấn hành để giữ một kỷ niệm khó quên trong thời gian ở tù Cộng Sản".

Riêng tôi, thì rất thích những bài thơ tình cảm
của ông, như bài ông viết khi đi tù ở Long Giao:

"Trời có điều chi buồn,
mà trời mưa mãi thế.
Cây cỏ có chi buồn,
mà cỏ cây đẫm lệ,
mà cỏ cây lệ tuôn.
Anh nhớ em từng phút,
nhớ con từng giây.
Chim nào không có cánh,
cánh nào không thèm bay.
Người nào không có lòng,
lòng nào không ngất ngây.
Gửi làm sao nỗi nhớ,
trao làm sao niềm thương.
Nhớ thương như trời đất,
trời đất cũng vô thường.
Ngày xưa chim hồng hạc,
vượt chín tầng mây cao,
ngày xưa khắp năm châu,
bước chân coi nhỏ hẹp.
Bây giờ giữa Long Giao,
ngồi nghe mưa sùi sụt,
cuộc đời như chiêm bao,
có hay không nẻo cụt?
Anh châm điếu thuốc lào,
mình say, mình say sao?!".

Buổi sáng sớm ngày thứ hai, nghe tiếng
chuông reo, tôi vội vàng bắt lên:
-A lô
-Ngọc Thủy đấy phải không? Bác Hà Thượng Nhân đây, cám ơn NT đã tặng cho cái mũ. Bác có làm một bài thơ tặng cô đây, bác đọc cho cô nghe nhé..
-Trời ơi, bác làm cháu cảm động quá, một chiếc mũ nhỏ đâu có gì mà bác phải bận tâm thế ạ. Rồi ông đọc bài thơ bằng một giọng từ tốn:

"Ngày Sinh Nhật đem cho chiếc mũ
cám ơn người bạn nhỏ vô cùng
Cali tuy có lạnh lùng
đội vào ấm áp đồ dùng dễ thương
quà dẫu có tầm thường vẫn qúy
cô thật hay, có lý, có tình
cám ơn đã nhớ đến mình
cám ơn còn mãi chút tình thi ca".

Tôi thật sự xúc động khi nghe ông đọc tặng bài thơ vì không ngờ món quà nhỏ nhoi của mình mà được ông tặng lại món quà lớn như thế. Có lẽ lòng quý mến chân thành đã thể hiện sự đối đãi tốt đẹp.

Tôi phải cám ơn chiếc nón ấy, vì nó đã tạo ra niềm vui đang có, chiếc nón không những có tác dụng đội ấm đầu cho người được tặng mà còn làm cho người nhận được vui vẻ với sự quan tâm kính mến của người mà ông xem như con cháu qua tuổi tác, và hơn nữa (thật hân hạnh cho tôi) ông còn xem tôi như người em, gọi tôi là người bạn nhỏ trong gia đình văn nghệ - thi ca.

Tôi thật sự ước mong mọi người sẽ trao và nhận được nhiều niềm vui, thương yêu và quý mến nhau như thế trong tình thân ái bao dung để làm ấm áp cuộc sống vốn nhiều buồn hơn vui. Tuy giản dị - tầm thường nhưng cư xử chân thành, tốt đẹp để thấy đời mình đáng yêu đáng sống ngọt ngào.

Xin đừng gởi và chụp lên đầu nhau những chiếc nón nặng nề làm đau buồn, thương tổn và cay đắng gieo thành những oán ghét tối đen. Vì những chiếc nón vẫn luôn che chở cho chúng ta đỡ cơn mưa, nắng và lạnh giá. Và đó cũng là món trang sức cho mình thêm đẹp khi đội nó lên đầu, như với tôi vẫn thương hoài chiếc nón bài thơ của tuổi học trò, với tà áo dài trắng thướt tha đi chung cùng vành nón lá nghiêng nghiêng hò hẹn của một thời sáng tươi!!

Ngọc Thủy


Rose
viethoaiphuong
#3 Posted : Tuesday, January 22, 2008 5:52:23 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Anh Hùng Tiếng Để Nghìn Thu

tùy bút Ngọc Thủy
Kính tiễn biệt Trung Tướng Ngô Quang Trưởng

“Anh hùng tiếng để nghìn thu
Sử xanh còn chữ “trượng phu’ lưu truyền”
(Phan Bội Châu)

Buổi sáng đầu tuần, sáng thứ hai của mùa đông Cali sũng ướt sương mù nên tiếng chim kêu của góc vườn nhà tôi hôm nay chợt lặng im, buồn tẻ. Chỉ có tiếng chuông reo điện thoại vang lên liên tục của nhiều anh chị em bằng hữu ở một số nơi gọi báo tin buồn: Trung Tướng Ngô Quang Trưởng vừa vĩnh viễn ra đi vào lúc canh khuya, gần rạng sáng hôm nay, thứ Hai ngày 22/1.2007 .
Tôi bàng hoàng thương - tiếc,… dẫu biết ai cũng một lần phải từ giã chốn trăm năm cõi tạm. Và ông tuổi hạc cũng cao, đau yếu từ mấy năm nay, làm sao cưỡng lại được mệnh số với thời gian. Huống chi theo lời cổ nhân thì “Giai nhân tự cổ như danh tướng, bất hứa nhân gian kiến bạc đầu”, mà ông là một trong hàng danh tướng lẫy lừng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã một thời tung hoành cung kiếm dọc ngang ngày trước. Nhưng hơn ba mươi năm qua, từ ngày quê hương đổ nát, ông đã sống hết cuộc đời còn lại trong thầm lặng cô đơn ở xứ người. Nghĩ tới việc ông đi mà hồn còn vương lại khói bụi sa trường năm xưa cùng đoạn trường gian lao của Tổ Quốc còn giăng giăng vây bủa, khiến tôi không nén được nghẹn ngào cảm xúc trước hung tin.
Trước mắt tôi dường hiện ra dáng người cao gầy với khuôn mặt trầm tĩnh như chất chứa nhiều suy tư của ông, nhưng nụ cười hiền của ông lại làm sáng đẹp hẳn khuôn mặt khi ông vui vẻ trong lúc truyện trò. Bởi ông vốn là người nghiêm trang, ít nói, lại luôn mang trong trái tim gánh nặng Nỗi Sơn Hà từ ngày rời xa Tổ quốc Việt Nam.
Thế là chúng ta đã mất đi người dũng tướng nhân từ thao lược của miền Nam thân yêu thật rồi. Trong nỗi xúc động bàng hoàng, tôi vội liên lạc với một vài người bạn để lo giúp việc mua vé máy bay gấp xem thế nào. Anh Nguyễn Phán (cựu Trung Tá TĐT/TĐ 8 TQLC) từ Houston cho biết sẽ có mặt ngay vào khoảng trưa mai tại DC để phụ lo tang lễ cùng quân cách với các Hội Đoàn Quân Nhân ở Hoa Thịnh Đốn cùng gia đình Tr/T Ngô Quang Trưởng vì ngày an táng ông được dự định vào thứ Năm giữa tuần. Tôi cũng thật tình muốn đến tiễn đưa linh cửu và chào ông lần cuối nên vội nhờ cô bạn NY book vé máy bay đi vào sáng sớm thứ Tư để kịp có mặt tham dự tang lễ. Không ngờ công việc sắp xếp không xong nên cuối cùng phải gọi cho đại huynh Nguyễn Phán biết tin là tôi không thể đi kịp theo như dự tính. Hai anh em chỉ còn biết chia xẻ nỗi ngậm ngùi tiếc thương ông cùng nhau, bởi tôi không muốn gọi đến cô Kim Nhung (hiền thê của cố Tr/T Ngô Quang Trưởng và cũng là người con gái đầu lòng của cố nhà văn Thạch Lam) lúc này vì biết cô đang rất bận rộn với đại tang gia và bối rối với niềm đau mất mát quá lớn. Lời chia buồn xin được chia xẻ cùng cô sau vậy. Và tôi chỉ kịp có được một bài viết ngắn ngay lúc này để tỏ bày lòng thương tiếc của tôi đối với một Người mà tôi luôn luôn kính mến.

Đầu năm 2007, thời tiết không tốt. Cơn bão tuyết bao trùm gần hết nước Mỹ. Nhiều người thiệt mạng vì không chịu nỗi cái lạnh của mùa đông năm nay. Tuy con số người phải rời bỏ cõi đời này trong cái băng giá đột ngột của trời đất không là bao nhiêu nhưng đó vẫn là tấm màn đen bao phủ xuống một xứ sở văn minh và khoa học tiến bộ vượt bậc.
Cũng ngay trên nước Mỹ này, tin Trung Tướng Ngô Quang Trưởng từ trần trong mùa lạnh giá, nhiều người ngẩn ngơ, không tin mà phải tin vì… dù sao thì ông cũng đã già (1929-2007, năm nay ông 78 tuổi)! Trung Tướng Ngô Quang Trưởng ngả bệnh cách đây ba năm, ung thư phổi. Chiều chúa nhật 21 tháng 1 năm 2007, vì sức khỏe yếu, người nhà đưa ông vào bệnh viện, được tiêm thuốc giảm đau, ông ngủ êm rồi yên nghỉ hẳn, lúc đó 3 giờ 20 phút sáng ngày thứ hai 22 tháng 1 năm 2007.
Nhìn tấm hình ông ngày nào, thấy ông rắn rỏi trẻ trung, dù hồi đó, tháng 4 năm 1975, ông đã gần năm mươi tuổi! Không thấy báo nào đưa hình mới nhất của ông. Đài truyền hình Việt ngữ STBN, đài BBC, bản chữ in có đăng, chiếu ảnh ông, nhưng cũng là ảnh cũ. Ôi, tấm ảnh ngày xưa… Xưa, cũng là thời đất nước mình biển dâu dồn dập, dân tộc đang oằn mình trước trận chiến cuối cùng: miền Nam Việt Nam mất vào tay quân xâm nhập miền Bắc…
Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, nguyên Tư Lệnh Quân Đoàn I & Vùng I từ năm 1972 thay thế Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm. Ông luôn luôn làm tròn nhiệm vụ được quốc gia và chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tin cậy giao phó: đánh bật được Cộng quân ra khỏI thành phố Huế trong trận Tổng công kích Tết Mậu Thân 1968, tránh cho dân lành thoát khỏi cảnh máu đổ thịt rơi trong những ngày đón xuân, sau khi hàng chục ngàn người dân đã bị CSBV tàn sát dã man, oan uổng. Chỉ huy thành công việc tái chiếm Cổ thành Quảng Trị, thu hồi toàn bộ những phần đất bị Cộng quân lấn chiếm phía Nam sông Mỹ Chánh.
Đại Tướng Norman Shwarkopf của Mỹ, trong cuốn Hồi Ký viết vào năm 1992 đã ca tụng Trung Tướng Ngô Quang Trưởng là một vị anh hùng. Đ/T Norman Shwarkopf nhớ lại trận đánh tại thung lũng Ia Drang ở Đức Cơ gần biên giới Miên - Việt tỉnh Pleiku. Ông như thấy rõ trước mặt, luôn luôn, một người chiến thắng không kiêu ngạo nhưng vô cùng uy nghi. Riêng tôi khi đọc bài viết “It Doesn’t Take a Hero” của Đ/T Norman Shwarkopf, dường như cũng thấy rõ trước mắt, hoài hoài, một vị Tướng hiền hòa giản dị nhưng vô cùng lẫm liệt. Một vị Tướng giỏi tài thao lược khi ra trận, bén nhậy như ánh sáng sắt thép của lưỡi gươm được tuốt ra khỏi vỏ, không dung tha bất cứ quân thù xâm lấn giết hại dân lành nào. Nhưng vẫn ắp đầy tình người nhân ái trong niềm đau khổ riêng khi xếp lại gươm đao.
Những ngày đầu tháng Tư năm 1975 là những ngày sôi bỏng nhất của cuộc chiến Quốc-Cộng, chính phủ Mỹ không còn nhiệt thành giúp đỡ Việt Nam Cộng Hòa nữa kể từ tháng Giêng năm 1973. Mỹ ký với Việt Cộng và Bắc Việt Nam, Hiệp Định Paris đồng ý rút quân, để mặc miền Nam tự lo liệu lấy sự sống còn. Cuộc tấn công của Cộng quân vào thị trấn Ban Mê Thuột sáng sớm ngày 10 tháng 3 năm 1975 gây kinh ngạc và xáo trộn gần như toàn bộ kế hoạch chiến tranh của Việt Nam Cộng Hòa. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu mất niềm tin ở người Mỹ, ông tha thiết xin viện trợ, Mỹ làm ngơ. Để sẳn sang ứng phó với tình hình ngày càng xấu bởi lãnh thổ quá rộng khó bề kiểm soát, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nhân danh Tư Lệnh Tối Cao của quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, ông ra lệnh… di tản chiến thuật: Quân Đoàn II từ Pleiku rút về Nha Trang, Quân Đoàn I từ Huế lui vào Đà Nẵng. Cuộc di tản chiến thuật ‘không tiền khoáng hậu” gây đổ vỡ từng mảng lớn đất đai và cả lòng dân. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lung túng và mở cấp tốc những phiên họp, hết Sài Gòn ra tới Cam Ranh. Kết quả những phiên họp ấy là… Bỏ hẳn Cao Nguyên Trung Phần và xóa sổ Vùng I! Trung Tướng Ngô Quang Trưởng ngỡ ngàng. Ông không hiểu tại sao Tổng Thống Thiệu lại thay đổi kế hoạch bảo vệ ba cứ điểm Huế, Đà Nẵng, Chu Lai. Tr/T Trưởng muốn tử thủ Huế để giữ Thành lại, vì ông tin các binh lính, lực lượng Quân - Sư Đoàn của ông đủ tinh thần và dũng mãnh để chống trả với địch quân…
Không một ai trách móc Trung Tướng Ngô Quang Trưởng vì ai cũng biết ông là một vị Tướng hết lòng thương Lính thương Dân. Suốt ba mươi mốt năm nương náu xứ người, ông không hề cất tiếng than van hay đổ lỗi cho ai. Ông sống lặng thầm, trong đớn đau, trong tủi thẹn: Chí lớn không tung được trời xanh và Dân Tộc Việt Nam bao giờ mới tìm được Hạnh Phúc - Tự Do.
Đến nỗi ông ngả bệnh mà cũng cắn răng chịu đựng. Ba năm trời dài lê thê… cho tớI khi yếu sức vào bệnh việnường như ông đã yêu cầu Bác sĩ tiêm cho thuốc giảm đau vào những giờ phút cuối cùng. Và ông đã ra đi lặng lẽ… mãi ngàn thu!
Trung Tướng Ngô Quang Trưởng ở mãi mãi trong lòng quân dân Việt Nam mỗi lần nhớ nhắc lại câu “Nhất Thắng, nhì Chinh, tam Thanh, tứ Trưởng”. Đó là bốn vị Tướng có nhiều công trận, quyền uy cao nhưng không hề biết tham nhũng hay hối mại quyền thế!
Tin từ các đài thanh, truyền hình, báo chí Việt & Mỹ cho biết: xác Trung Tướng Ngô Quang Trưởng quàn tạI Fairfax Memorial ở Virginia, bắt đầu thăm viếng từ thứ Tư 24 tháng 1/2007. Ba giờ chiều ngày 25/1/2007 ông được hỏa thiêu sau khi được các Hội Đoàn cựu Quân Nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thực hiện phủ lá quốc kỳ trên quan tài và đầy đủ lễ nghi quân cách long trọng.
Sao tang lễ tiễn đưa ông vội vàng thế nhỉ?!
Ngày thứ Năm giữa tuần, có nhiều người xin nghỉ phép không được để đến nhà quàn chào ông lần cuối?
Tôi thầm hỏi giữa hai giòng nước mắt. Đường quá xa xôi, mà ngày tiễn biệt ôi quá cận gần!
Lúc ông khoác nhung y năm 1954, khóa IV trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, tôi chưa ra đời. Gần hai mươi năm sống trong lòng đất nước, tôi chưa một lần được gặp hay thấy ông. Ra hải ngoại, ít nghe ai nhắc ông bởi ông từ chối mọi tiếp xúc hoặc đề cập ngợi khen, Nhưng tôi nghe qua nhiều anh em bằng hữu, đọc thêm sách báo nên biết tiểu sử, tấm lòng và công lao của ông đối với Tổ quốc. Sau này bổng có cơ duyên gặp gỡ, tiếp xúc với ông, tôi biết thêm, sau ngày đổ vỡ quê hương, ông cảm khái lặng im trong nỗi niềm đau xót riêng mang, tôi càng kính trọng ông hơn.
Ngày ông mất, tôi tiếc mình chỉ có hai giòng nước mắt khóc tiễn đưa… không đến được để chào ông lần cuối.
Thương ông quá chừng, cả một đời binh nghiệp gánh nặng hai vai.
Kính trọng ông biết bao lúc quyền uy không cao ngạo mà luôn nghiêng vai sát cánh thật gần với Lính với Dân.
Xa Tổ quốc, ông thà im lặng để giữ tròn tiết tháo, vẫn một lòng tha thiết mối u hoài nhớ Nước như tâm cảm người chí sĩ Phan Bội Châu khi xưa:
“hằng ngày dựa lầu ngóng về Nam mà ngậm ngùi
lòng rối bời như mây gỡ không ra
cơn mưa rào đêm khuya, ngồi khóc thầm
bóng chiều đã xế, trăng vừa hé, nhạn bay về bơ vơ
không có ngọn lửa rực để đốt hết nỗi sầu
lại thêm cuồng phong mang giận đến
nhìn bóng mình, tự thương rồi lại ngẫm buồn
đồng bào còn như thế, ta có đáng xót xa gì!”

Hôm nay, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng đã hạc nội mây ngàn về phía trời Nam hẳn rồi. Tôi chân thành tiễn biệt ông với muôn vàn kính trọng và luyến tiếc:
“chiến sĩ hành bất khứ hồi
Tướng Ngô Quang Trưởng đúng người Chinh Nhân
ông đi khi Đất Nước cần
ông không về bởi vì Dân chưa Hòa
từ khi đeo kiếm cung ngà
oằn vai hai chữ Nước Nhà tiến lên
Sử xanh ông đã rạng tên
cuộc đời xa xứ hết phiền từ đây
hồn ông thành khói thành mây
bốn phương trời đất vương đầy nhớ thương”
n.t.

Kính chào vĩnh biệt Trung Tướng Ngô Quang Trưởng. Xin được phép miễn chúc ông về miền Cực Lạc mà mong mỏi ông ở hoài hoài, sống mãi mãi trong lòng các chiến hữu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và đồng bào Việt Nam.

Ngọc Thủy




viethoaiphuong
#4 Posted : Tuesday, January 22, 2008 5:54:12 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
Nhạc Sĩ Lê Mộng Bảo, Người Đã Ra Đi
Ngọc Thủy

Chiều tối ngày thứ Hai (Oct/08/2007), tôi đang trên đường từ Louisiana, nơi từng chịu cơn lũ lụt Katrina tàn phá gần tan hoang cách đây hai năm về trước, để về lại Houston. Đường về lúc ấy đang sũng ướt cơn mưa lớn trút xuống ào ào trên những hàng cây thưa ngập bóng tối ở hai bên vệ đường. Khoảng thời gian đó, tôi có người anh thân thiết trong giới văn nghệ vừa nhắm mắt lìa đời mà tôi chẳng hề hay biết. Chỉ thấy trước mắt là cảnh vật nhạt nhòa trong mưa, những cành cây ngả nghiêng trong gió và lòng bổng nhuốm chút buồn bâng khuâng như nghe bên tai tiếng thở dài của mấy chiếc lá bị bứt lay ra khỏi cành, đang rụng rơi chập choạng trong bóng tối đêm đen kia.
Về đến nhà anh chị Bền & Liễu, tôi gọi điện thoại thăm chị Ngọc Bích và Lệ Hằng thì được báo tin qua điện thoại, nhạc sĩ Lê Mộng Bảo vừa qua đời lúc bẩy giờ chiều hôm nay. Tôi bật khóc bởi vừa nghe tin là đã thấy hiện ngay trong đầu cái hình dáng còm cõi của anh Lê Mộng Bảo nằm cong queo, trùm chăn ngủ vùi với hơi thở mệt nhọc trong cơn sốt ốm khi tôi đến thăm vào tối thứ Tư tuần trước tại nhà của anh, tới lời hứa của mình là sẽ viết một bài tặng anh từ mấy tháng qua mà vẫn cứ hẹn lần chẳng chịu làm ngay. Ôi cái điệp khúc hối tiếc này đã lập đi lập lại rất nhiều lần trong đời sống chúng ta, thế mà vẫn cứ để sự bận rộn công việc che lấp, hoá thành sự thờ ơ, hờ hững đối với nhau trong lúc sống, để khi người thân quen ấy mất đi thì lại ăn năn, hối tiếc trong ngậm ngùi đau xót. Nhưng chúng ta còn có thể làm được điều gì hoặc tạo được niềm vui nào cho họ trong sự muôn màng nữa!
Nhạc sĩ Lê Mộng Bảo thực sự là một người nhạc sĩ lớn vì công lao đóng góp cho nền âm nhạc Việt của ông rất hữu ích và phong phú. Không những bằng nhiều nhạc phẩm sáng tác qua nhiều thể loại, trải dài theo ghềnh thác thời gian qua nhiều thập niên với các tên Lê Mộng Bảo & Hoa Linh Bảo, cùng một số bài viết nghiên cứu nghệ thuật và soạn các bài tân cổ hòa theo vọng cổ, tạo thành bài tân cổ giao duyên tình tự. Rồi ông còn tham gia nhiều địa hạt như ký giả, thể thao, nhiếp ảnh .v.v…Ngoài ra ông còn là người điều hành nhà sách & xuất bản Tinh Hoa Miền Nam, chuyên in ấn và phát hành băng, dĩa, nhạc Việt (sau bẩy năm cộng tác với nhà xuất bản Tinh Hoa ngoài Huế của ông Tăng Duyệt).
Thuở ấy, từ giữa thập niên 50, khi là Giám Đốc trông coi cơ sở, nhà sách Tinh Hoa Miền Nam tọa lạc tại số 51 Trần Hưng Đạo ở Sàigòn, ông năng nổ hoạt động để đẩy mạnh phong trào nhạc Việt đến các tầng lớp thính giả trong nước, những người yêu mến tân nhạc ở khắp nơi từ thành thị đến thôn quê được thưởng ngoạn từ những tập nhạc chon lọc do nhà xuất bản Tinh Hoa phát hành. Và ông cũng là một người rất tử tế, dễ chịu trong việc giúp đỡ các anh em nhạc sĩ sáng tác khác có nhiều cơ hội phát hành rộng rãi đến quần chúng những ca khúc cũ, mới của họ trong sự nhiệt tình, quý mến.
Nhắc đến người nhạc sĩ tài hoa và đôn hậu này, tôi nhớ rất rõ kỷ niệm buổi chiều ca nhạc chủ đề: 50 Năm Âm Nhạc Lê Mộng Bảo do một nhóm văn nghệ sĩ vùng Thung Lũng Hoa Vàng tổ chức tại hội trường Le Petit Trianon ở Downtown San Jose ngày 6/8/2000 mà tôi rất hân hạnh được mời đảm nhiệm phần MC, được giới thiệu và nói đến những quá trình đóng góp của người nhạc sĩ tài danh này.
Nhạc sĩ Lê Mộng Bảo sinh năm 1925 tại xứ Huế mộng mơ. Mang hai dòng máu Việt & Hoa, bản chất ông là người khiêm tốn, hiền lành và cũng là người nghệ sĩ tràn đầy sức sống cho tình yêu và nghệ thuật. Học xong bậc Trung Học, ông được thân phụ gởi ra Hà Nội để tiếp tục việc học. Nhờ sự giúp đỡ của ông bà Phạm Cao Củng, ông đã ổn định được nơi ăn chốn ở và học hành được tấn tới. Không những thế, ông còn có dịp quen biết và sinh hoạt chung với nhiều văn nhân, nghệ sĩ ở Hà Nội. Qua những giao tình thân thiết ấy, khoảng thời gian 1941-1943 ông được nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương (tác giả Đêm Đông) vả nhạc sĩ Đặng Thế Phong,(tác giả Con Thuyền Không Bến) hướng dẫn nhạc lý và vỹ cầm nên sau này ông xử dụng bộ môn này rất thành thạo. Từ đó, ông như cánh chim tung hoành trên bầu trời bao la của nền tân nhạc Việt Nam, đã cùng với nghệ sĩ Tô Kiều Ngân chủ trương giai phẩm Sóng Nhạc, tờ báo đầu tiên chuyên đề về âm nhạc VN, diễn đàn chung của giới ca, nhạc, kịch sĩ. Cộng tác với nhạc sĩ Song Ngọc trong chương trình Hoa Tình Thương thường được diễn trên Đài Truyền Hình Việt Nam và tại nhiều tiền đồn trên khắp bốn vùng chiến thuật. Cùng với nhạc sĩ Văn Giảng phụ trách lớp nhạc lý tại Viện Khoa Học Giáo Dục và cũng là sáng lập viên của Hội Nhạc Sĩ VN cùng với các nhạc sĩ Lê Thương, Phạm Duy, Xuân Phát, Nguyễn Hữu Ba.v.v… Ngoài ra ông còn viết một loạt bài biên khảo giá trị về “Lịch Trình Tiến Hóa Của Nền Tân Nhạc Việt Nam Qua Các Giai Đoạn”.
Bằng mối duyên văn nghệ, nhạc sĩ Lê Mộng Bảo bước chân vào lãnh vực sáng tác tân nhạc từ giữa thập niên 40 và tính đến tháng tư năm 1975, ông đã sang tác hơn năm mươi ca khúc và một số ca khúc thịnh hành thời trước như: Không Làm Nô Lệ, Tìm Lại Quê Hương, Dư Hương, Nguyện Cầu Cho Tuổi Hai Mươi, Tiếc Thương, Nửa Đêm Thức Giấc, Đàn Bướm Trắng, Ảo Ảnh Tình Yêu, Sao Không Về Thăm Em, Về Thăm Em, Giọng Hát Tìm Em, Lời Yêu Thành Phố, Nghèo, Bọt Bèo, Tình Chỉ Đẹp Khi Mùa Xuân Đến, Mùa Xuân Quê Hương, Mùa Ve sầu, Nếu Yêu Tôi, Xin Hiểu Cho Lính, Hãnh Diện, Từ Chối.v.v…. Tiêu biều nhiều ca khúc viết cho tâm tư những người lính trẻ như Thương Về Quán Trọ: “Lúc này nơi quán trọ, buồn vui có gì không, biên thư kể chuyện nhé. Làm lính oai hùng đó nhưng cũng nhiều gian lao, anh biết rồi tại sao. Đừng hẹn tôi ngày về, vì đường xa thiên lý, đời trai như chiến sĩ Kinh Kha một lần đi. Bạn anh vì nước, vì máu thắm da vàng người Việt Nam…”. Rồi đến Thân Phận, nói lên tâm trạng của tình yêu đôi lứa trong thời khói lửa: “Tối qua có người đến nhà xin bỏ trầu cau, ba mẹ đón chào chuyện hỏi cưới bàn thật lâu… Vắng anh thấy buồn khóc hoài không ngủ cả đêm. Gió mưa trước thềm, đèn le lói càng buồn thêm. Em là con gái yêu hôm nay, biết sao ngày sau trong cuộc đời…” hoặc Đổi Thay: “ Lá xa cành héo sầu từ tuổi xanh, anh bỏ đi rồi buồn lắm anh ơi. Đời người con gái một lần mất người yêu tan cả cuộc đời. Những kỷ niệm hãy còn nằm ở đây sao nỡ quên rồi để đó cho ai. Anh ơi thôi hết rồi nào còn khi đón khi đưa, những làn hẹn hò khi sớm khi trưa, lời thề anh hứa hôm xưa thành khói mây đâu ngờ. Những ân tình đã một thời nở tươi xin trả cho người màu sắc hoa phôi, đường trần tôi đếm từng nhịp bước lẻ loi riêng một mình thôi…”. Riêng bài Đập Vỡ Cây Đàn được rất nhiều thính giả yêu thích với câu chuyện tình của người nhạc sĩ nghèo: “Đập vỡ cây đàn, giận đời đập vỡ cây đàn. Người ơi người ơi, tình ơi tình ơi. Đập vỡ cây đàn, giận đời bạc trắng như vôi, giân người thay đổi quên lời. Giận người con gái yêu đàn. Buồn ơi buồn ơi. Làm sao để vui. Đập vỡ cây đàn, giận đời đổi trắng thay đen, giận người trở như bàn tay. Chuyện ngày qua, tôi gặp người con gái có giọng ca thật buồn. nàng bảo tôi rằng anh đi học đàn để đàn theo lúc em ca, những ngày hoa mộng đời ta. Tôi yêu nàng nên vội vàng lên tỉnh đi tìm theo học đàn. Sau một năm trường tôi trở về quê hương nhưng người con gái ấy đã đi rồi. Tôi hỏi thăm dò từng người trong xóm tin nàng. Nàng đâu, nàng đâu? Nguời báo tin buồn, nàng gặp nhạc sĩ vang danh rồi cùng xây đắp gia đình…”. Ngoài những nỗi niềm, khắc khoải của tình yêu, ông còn nhiều nhạc phẩm viết cho quê hương với những niềm hy vọng sáng tươi cho mùa xuân quê hương được rực rỡ sau những mảnh vụn đổ nát của chiến tranh. Để tình yêu đôi lứa được nở hoa như đồng ruộng quê hương ngày gặt hái. Thanh bình và êm ả lẫn trong những ca khúc ngọt ngào của người nhạc sĩ tràn đầy niềm đam mê yêu mến âm nhạc Việt Nam.
Gần cuối năm 1974-1975, nhạc sĩ Lê Mộng Bảo còn được bổ nhiệm làm phụ tá Thứ Trưởng đặc trách Báo Chí Bộ Thông Tin Dân Vận Chiêu Hồi và cùng hợp tác với ông Ngô Công Minh chăm sóc tờ báo Lẽ Sống, chuẩn bị chương trình công tác xuất ngoại làm việc cho tòa Đại Sứ tại Nhật Bản.
Vì tất cả những hoạt động trên, sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, ông và một số các văn nghệ sĩ khác đã bị tập trung trong các trại giam. Sáu năm sau ông mới được thả về với hai bàn tay trắng, trắng cả cuộc đời đổi thay. Nước mất, nhà tan… ông và bao người cùng cảnh ngộ phải sống cuộc đời nổi trôi theo thăng trầm dâu bề, lao đao. Mãi tới cuối năm 1993, ông mới được đặt chân tới bến bờ Tự Do theo diện HO.
Qua Mỹ với tuổi già sức yếu, giòng sáng tác âm nhạc cũng kiệt quệ sau nhiều năm tháng dài đau khổ với hoàn cảnh nghiệt ngã nơi quê nhà, ông sống thu hẹp với cuộc đời lặng lẽ. Nhưng rồi ông cũng tìm lại được chút niềm vui bên cạnh những anh chị em thân hữu trong giới văn nghệ. Ông luôn đến với chúng tôi bằng nụ cười tươi tắn, đôn hậu. Anh chị em văn nghệ sĩ ở Thung Lũng Hoa Vàng này ai ai cũng đều quý mến ông ở tâm lòng chân thật, luôn hướng vế âm nhạc và nghệ thuật một cách thiết tha.
Tôi còn nhớ, trước đây đôi ba năm, tuy ông đã vào lứa tuổi hơn bẩy mươi, mắt mờ, sức khỏe kém, cuộc sống bình dị, không lái được xe, phương tiện di chuyển thường xuyên là đi bộ hoặc xe Bus nhưng bất cứ buổi sinh hoạt nào hay của bất cứ ai, ông cũng đều có mặt như một bầy tỏ tấm lòng thân cận với mọi người, anh chị em trong giới văn nghệ sĩ, và cũng thường yểm trợ mua sách bằng đồng tiền già ít ỏi của anh. Ông nói để cho mọi người cùng vui là anh Bảo vui rồi. Ông thường xưng hô và gọi chúng tôi như thế nên tất cả đều xem anh như một ông anh cả đáng kính.
Và tôi cũng được dịp chứng kiến sự vui mừng của nhạc sĩ Lê Mộng Bảo đã hạnh phúc biết bao khi được thành phố Milpitas & nhóm Vietnamese Folk, Arts Institude tổ chức vinh danh ông trong buổi Commermorative Diner. Ban Tổ Chức và hội đồng thành phố Milpitas đã trao tặng nhiều bằng khen cho người nhạc sĩ đã có hơn năm mươi năm góp mặt và cống hiến nhiều tác phẩm cho nền âm nhạc Việt Nam. Tôi và các anh chị em tham dự hôm ấy đều cảm thấy hãnh diện và xúc động lây. Với tất cả sự trân trọng và quý mến, tôi kính tặng anh bốn câu thơ mà hôm đó cũng đã được cô Hằng Nguyễn (nhóm Art Institud) diễn dịch qua Anh ngữ để quan khách ngoại quốc hiện diện hiểu được phần nào sự tôn vinh của chúng tôi dành cho người nhạc sĩ tài hoa đã để hết một đời sống phục vụ cho lý tưởng, văn hóa, âm nhạc Việt Nam:
người nhạc sĩ
đã để một đời nghe nhịp tim
làm bao nhạc khúc thật êm đềm
cho người vui hát hồn tươi trẻ
đẹp mãi tình ca, nhớ-chẳng-quên!
Thế mà, ông đã ra đi thật rồi, dù biết rằng ông đã hơn tám mươi, nhưng sao vẫn nghe lòng nặng nỗi buồn thương tiếc, nhất là sự thương cảm cho những năm tháng cuối đời của ông, khiêm tốn và lặng lẽ quá so với cuộc sống, tài năng, hoạt động và những công lao đóng góp của ông cho âm nhạc nghệ thuật và đời sống xã hội trước đây.
Những chiếc lá đầu mùa thu đã bắt đầu thay sắc. Người nhạc sĩ ấy tuy đã lìa đời nhưng vẫn để lại cho chúng ta biết bao nhạc phẩm êm đềm và quý giá. Xin được tiễn biệt anh bằng những chiếc lá mùa thu đẹp đẽ nhất để nụ cươi hiền hậu của anh luôn lóng lánh trong lòng của tất cả mọi người được thắm thiết cùng anh!

Ngọc Thủy


viethoaiphuong
#5 Posted : Wednesday, March 26, 2008 4:39:50 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
Nhạc Sĩ Anh Việt Trở Về Bến Cũ
ngọc thủy

Chiều thứ bẩy tuần vừa qua, tôi đến tham dự buổi họp mặt Tân Niên với một số các thân hữu và anh chị em văn nghệ sĩ của thi văn đoàn Bốn Phương tổ chức tại tư gia của nhà thơ Mạc Phương Đình. Chia tay rồi, tôi còn đi tiếp mãi đến tối khuya mới trở về nhà.

Khi mở được hộp thư e-mail, đồng hồ compurter đã chỉ một giờ sáng ngày Chủ nhật, mũi tên đang dò lướt những list thư của tôi bỗng khựng lại trước bốn chữ vỏn vẹn: nhạc sĩ Anh Việt. Thốt nhiên, tôi giật mình có ngay một linh cảm không lành. Bấm vội mũi tên để mở thư, quả nhiên đó là những giòng chữ báo tin nhạc sĩ Anh Việt vừa qua đời ngày 14 tháng 3/2008. Tôi lặng yên trong vài phút sững sờ và hoang mang. Nhạc sĩ Anh Việt đã chết rồi ư?

Sao trong thời gian gần đây, những tên tuổi thân quen ra đi nhiều quá. Có phải lớp tuổi của những bậc đàn anh đó đã tới lúc lần lượt phải rời bỏ cuộc sống đời hữu hạn. Đã khá lâu tôi không có dịp gặp lại nhạc sĩ Anh Việt vì có lần, anh cho biết không được khỏe lắm. Tôi cứ nghĩ anh nói theo sự lớn tuổi của anh mà thôi. Tuy những sinh hoạt văn nghệ ở đây thiếu vắng bóng dáng anh chị sau này, nhưng mọi người lại nghĩ trong sự thông cảm, ấy là anh chị cũng đến cái tuổi thích sống nghỉ ngơi yên tĩnh, ngại đi xa. Chứ khoảng vài năm trước đây thôi, anh chị còn hay đến tham dự các buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật ở San Jose.

Nghĩ tới đây, tôi không khỏi thấy nao lòng khi nhớ đến những lần anh có mặt trong các buổi ra mắt sách của tôi, từ Thánh Đường Tự Do cho đến Coffe Lover, tới những lần đi ăn cùng anh chị ở nhà hàng Cao Nguyên. Nhắc nhớ tới những kỷ niệm chợt ùa về quanh quẩn, sao lòng tôi cứ ngỡ những ngày đó như mới vừa qua đây. Ôi có phải do lòng luyến tiếc đang dào dạt trước sự ra đi vĩnh viễn của anh. Người nhạc sĩ tài hoa đã viết nên những ca khúc sáng đẹp, hiền hòa như giòng sông quê hương chảy tràn trên ruộng lúa miền Nam.

Tôi tới bên tủ sách, cầm lên hai quyển nhạc thiền được in dầy dặn trang nhã theo khổ sách lớn, bìa mầu vàng cam và xanh lá cây non thật đẹp do nhà xuất bản Lá Bối phát hành, đó là quyển Nhạc Kinh và Những Giọt Không luôn đứng trong kệ sách của tôi gần mười năm qua. Thời gian này ông chuyển sang sáng tác nhạc Thiền, tâm đạo, phần nhiều phổ từ thơ Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Nhìn hàng chữ viết tay đề tặng của ông từ mùa thu 1999, gợi nhớ lại lần đó ông và nữ sĩ Tố Oanh, người bạn đời chung thủy yêu thương của ông, đã ghé thăm tôi tại văn phòng nhỏ của Tiếng Việt Mến Yêu Radio trên đường San Jose Ave để tôi thực hiện cuộc phỏng vấn ông về cuốn CD Tình Khúc Anh Việt với Quê Hương & Tình Yêu do trung tâm băng nhạc Giáng Ngọc phát hành, trước ngày ra mắt được tổ chức vào tháng 12 năm 1999 tại Santa Clara Convention Center, San Jose.

Nhạc sĩ Anh Việt tên thật là Trần Văn Trọng, sinh năm 1929 và lớn lên từ mảnh đất quê nhà xanh ngát lúa ruộng trù phú của miền đồng bằng Kiên Giang, tâm hồn được ấp ủ và tưới mát bằng giòng nước ngọt ngào của Cửu Long Giang trôi chảy êm đềm như thời thơ ấu của ông. Đặc biệt nơi mảnh đất ông được dưỡng nuôi có tấm gương anh hùng Nguyễn Trung Trực luôn soi sáng cuộc đời ông điều tiết nghĩa oai phong cùng lòng yêu nước thiết tha.

Đó cũng là động lực đưa ông đến với âm nhạc và bắt đầu nhạc phẩm đầu tay là ca khúc Bến Kiên Giang, sáng tác năm 1945 khi ông mới 16 tuổi. Thời gian ấy, miền Nam thân yêu đang chìm trong khói lửa và phong trào kháng chiến chống lại thực dân Pháp dành lại quyền tự chủ cho nước nhà nổ bùng khắp nơi.

Trong sự xót đau trước thời cuộc nước nhà cùng tình yêu chan chứa đã thúc đẩy ông sáng tác thật hăng say với một số ca khúc được ra đời để góp tiếng nói đấu tranh, chia xẻ tình yêu đôi lứa của lớp tuổi ông ngày đó vì ông cũng là một trong số đoàn thanh niên lên đường theo tiếng gọi núi sông đang vang dội. Vì thế mà nhạc phẩm Bến Cũ được nhạc sĩ Anh Việt sáng tác năm 1946 đã đi vào lòng người sâu đậm mãi tới bây giờ:

Bến Cũ, Hùng Cường hát
http://www.youtube.com/watch?v=sXLIKNF5rSk


“Bến ấy ngày xưa người đi
vấn vương biệt ly.
Gió cuốn muôn phương về đây,
thấy bóng người về hay chăng?

Xa nhau bến xưa ngày ấy,
anh đi thế thôi từ đây,
sầu chết bên lòng,
hồn nặng nhớ mong.
Biết đi sầu em mong,
nhưng ngàn dân đang ngóng.

Dưới trời gió mưa,
làn gió chiều đưa...
Xa nhau bến xưa ngày ấy,
anh như bóng mây hồng trôi
về chốn xa vời,
lòng nặng nhớ mong.

Cố quên sầu thương đi.
Anh nguyện đi theo gió,
chớ buồn khóc chi,
càng khổ người đi.
Bến ấy chiều sương chờ mong
vấn vương lòng ta.
Gió cuốn mây trôi về đâu,
cố nén sầu lòng bao năm”.


Hoặc bài Một Chuyến Đi nói lên nỗi lòng người trai ở chốn biên thùy. Vẫn hăng say chiến đấu bảo vệ quê nhà, nhưng tình riêng đôi khi thấy lòng day dứt khôn khuây:

“Ngoài ngàn dặm đoàn người ra đi.
Trong sương lạnh lòng trai bền chí.
Ra biên cương xa xăm ngàn phương
và còn vương tiếng hát trong sương...
Có biết chinh phu giờ đây,
dấn bước theo muôn cờ bay.
Đi nhưng ngày về không mong,
buồn vương ngàn mối tơ lòng...”.

Và đã có biết bao người trong lớp tuổi thanh xuân thời
đó đã từng hát vang bài Chiều Trong Rừng Thẳm với
những lời bi hùng tha thiết:

"Bao ngày chinh chiến nơi đây
nhuộm máu anh tài.
Dấu vết vẫn ghi,
ngàn năm chẳng phai.
Muôn cờ tươi thắm trong sương
gợi chí tang bồng...
Mau cùng nhau tiến,
không sờn nguy biến,
quyết cố đấu tranh dưới ngàn núi rừng,
trong nắng tưng bừng,
quốc dân mong chờ,
trong rừng xa... mờ!”.

Những các ca khúc này đều được nhạc sĩ Anh Việt viết vào khoảng thời gian 1946-1947 là giai đoạn lịch sử, ghi lại những công cuộc đấu tranh thời kháng chiến liệt oanh. Sau đó ông sáng tác thêm nhiều ca khúc mới nữa như: Lỡ Chuyến Đò (Tình Người Nghệ Sĩ), Lúa Vàng, Ai Xuôi Biên Thùy, Thơ Ngây, Hương Thời Gian, Bâng Quơ, Ngày Xưa Yêu Nhau.v.v...

Audio "Tình Người Nghệ Sĩ"
Khánh Ly hát
http://www.vlink.com/zin...=QueHuong_TinhCa/LMNOPQ


Không những là một nhạc sĩ tên tuổi được nhiều mến mộ, nhạc sĩ Anh Việt còn là một sĩ quan ưu tú và cao cấp trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Trước năm 1975 ông nguyên là Đại Tá Cục trưởng Cục Quân Cụ, đồng thời là Chủ Tịch Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội VNCH. Tất cả mọi người từ anh chị em văn nghệ sĩ đến anh em chiến hữu đồng đội hoặc thuộc cấp đều một lòng thương mến kính trọng ông bởi tư cách điềm đạm, hiền hòa chân thật, luôn vui vẻ nhẹ nhàng cùng giọng nói miền Nam chậm rãi từ tốn, nhất là khi nói chuyện thường kèm theo nụ cười hiền.

Ông cũng là một người rất hiếu học, dù đang là một vị chỉ huy cao cấp với nhiêu công việc, trách nhiệm bận rộn, ông cũng cố gắng dành thì giờ ghi danh vào Viện đại học Đà Lạt theo phân khoa Chính Trị Kinh Doanh, tốt nghiệp khóa I năm 1968.

Nhắc đến những sự gương mẫu và thành công của nhạc sĩ Anh Việt, không thể không nhắc đến người vợ hiền luôn cận kề bên ông. Đó là nữ sĩ Tố Oanh, người phụ nữ sính văn chương thi ca, là người bạn đời đã giúp ông rất nhiều trong đời sống bận rộn đa đoan trách nhiệm trong công việc cùng sự nghiệp âm nhạc của ông từ bao năm qua.

Trong những năm sống những ngày tháng ly hương tại hải ngoại, ngoài thì giờ dành cho gia đình, ông vẫn đi làm và tiếp tục sáng tác những ca khúc viết về tình yêu quê hương, đặc biệt những bài Thiền ca sáng rực tâm linh hướng tình yêu tha nhân tới cái đẹp thiện lành của chân-thiện-mỹ.

Nhạc sĩ Anh Việt vừa rời bỏ kiếp nhân gian để trở về
giòng sông ngọt ngào của quê hương Việt Nam yêu
dấu, về Bến Cũ êm đềm để an nghỉ giấc ngàn thu.

Xin được tiễn biệt người nhạc sĩ tài hoa đáng kính Anh Việt bằng những nụ hoa vàng tháng ba đã chớm nở rực trên những sườn đồi Thung Lũng Hoa Vàng, những nụ hoa đã làm tươi đẹp và thơ mộng hơn cho thành phố San Jose, như những nhạc phẩm giòng tình ca Anh Việt đã làm đẹp thêm cho đời và cho nền âm nhạc Việt Nam!

ngọc thủy

Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.