" Chị Tuyết Như bạn hàng xóm, vào bệnh viện thăm nàng, một buổi chiều nhiều nắng. Nàng nằm trên giừơng, chị vào ngồi trên ghế, an ủi đôi câu, rồi chị kể những điều vui trong mấy ngày qua, đôi khi làm Hồng bật cười, miệng xệch một bên, khi sức khỏe còn yếu. Chị đứng lên đến bên cửa sổ, vừa tiếp tục câu chuyện, vừa châm thuốc hút, nhả ra vầng khói tròn quyện đan nhau, để rồi tan biến vào không khí. Bàn tay chị đẹp đang kẹp đầu thuốc lá, thứ chất ni-cô-tin the đắng. Tuyết Như và nàng là những thiếu phụ, đã từng chạm môi đàn ông, nhưng tất cả đã trở thành màu nước mắt, của niềm đau hạnh phúc vĩnh hằng, không bao giờ có thể trở lại nữa. Họ tìm đến với nhau, để nghe cảm giác thấy mình vui hơn, và những kỷ niệm được cất kỹ, trong những đêm sáng thu hè. Cái còn lại đâu phải quá khứ, mà là những khoảng trống kỳ lạ trong lòng, thì với gió trăng mây môi với với họ, có cần gì liên hệ với nhau?
Trước khi ra về chị dặn dò : "Nằm đây ráng ăn cho khỏe, kẻo yếu người. Đừng nghĩ chi cho mệt..." Hồng gật đầu nhìn chăm chắm, trên gương mặt chị, phát hiện ra những đường nét quen thuộc. Một đôi mắt buồn, một gương mặt buồn đã phai sắc, nhưng cũng nói lên cái duyên mặn mòi, xưa kia còn giữ lại. Đôi mắt chất chứa nhiều ẩn khúc, thứ men say của một cái gì, đã nằm lại ở cõi lòng, còn phảng phất vời vợi mông lung. Tuyết Như và Hồng cùng ở trong một thành phố cổ già nua, nhưng duyên dáng. Dân thị xã dễ thương tốt bụng. Có những đêm trăng Hồng đến ngôi nhà Tuyết Như, để nói cười giòn tan, giễu cợt bông đùa. Ánh trăng xuyên qua cửa, soi nhòe lên gương mặt hững hờ của hai nàng. Những khuôn mặt bỏ quên nỗi đau tàn chắt, vừa buồn, vừa tủi, vừa sung sướng. Hồng ra về, chỉ có bóng trăng lững thững theo sau, từng bước và từng bước chân, chỉ có gió trời với mênh mông, hoà chung với đất nóng."
(Đoạn văn dễ thương của Bích Xuân)
(ST)
Đầu năm có tin vui - Má đã ăn được vài muỗng cơm rồi.