Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

24 Pages«<222324
Nhac & Bảo Tàng tranh ảnh nghệ thuật...
viethoaiphuong
#461 Posted : Saturday, April 4, 2020 8:25:53 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Vivaldi và mùa xuân vĩnh hằng

RFI/Tiếng Việt - Hoài Dịu : 04/04/2020
Giữa bể cả thơ nhạc thênh thang, có cuộc gặp gỡ xúc cảm tưởng chừng như tình cờ đã để lại cho chúng ta một kiệt phẩm mà giá trị nghệ thuật của nó vẫn giữ trọn màu tươi tắn như vừa mới chào đời, đó là Tổ Khúc Bốn Mùa của nhà soạn nhạc, nghệ sĩ violon người Ý Antonio Lucio Vivaldi, tính đến nay có tới hơn 1000 phiên bản trình tấu và được biểu diễn nhiều nhất hành tinh.

Bốn Mùa và Vivaldi đã đi vào lịch sử âm nhạc như một biểu tượng chuẩn mực của trường phái baroque. Ông Karol Beffa, nhà lý luận và nhà soạn nhạc đánh giá « Đó là thứ âm nhạc có sự tương phản mạnh mẽ về tính kịch : giữa những sắc thái forte (mạnh) và piano (nhẹ), giữa những đoạn tutti lúc mà cả dàn nhạc cùng chơi và những đoạn chỉ có một nhóm nhạc cụ hay một cây đàn độc tấu… Sự đối lập nhau này chính là trái tim của âm nhạc baroque ».

Vivaldi, một nhà soạn nhạc thành công rực rỡ đặc biệt ở thể loại concerto (một thể loại âm nhạc viết cho nhạc cụ độc tấu cùng dàn nhạc) người đã làm hậu thế kinh ngạc trước một di sản đồ sộ : trong hơn 1000 tác phẩm có 450 bản concerto có tiêu đề và không tiêu đề. Khi mà violon được coi là niềm kiêu hãnh của nước Ý thời bấy giờ, thì sự ra đời của 12 bản concerto cho violon opus số 8 là điều rất dễ giải thích.

Bốn Mùa nằm trong số 12 concerto tinh hoa, mở đầu với lời tựa « sự thử thách giữa hòa thanh và khám phá » trình diễn bởi violon 1, (bè violon chơi ở âm vực cao nhất), violon 2, viola, phần basse continuo (bè basse trình diễn theo số hiệu của hợp âm, hòa thanh) được chơi bằng violoncelle, contrebasse và clavecin.

Tác phẩm xuất bản năm 1725 và thực sự nổi tiếng khắp Châu Âu vào đầu 1728. Tổ khúc bao gồm bốn bản concerto, mỗi bản có tiêu đề thứ tự theo vòng quay của đất trời: concerto số 1 mang tên Mùa Xuân, tiếp theo Mùa Hạ, qua Mùa Thu và kết thúc vào Mùa Đông. Điều khiến người nghe nhạc thích thú ở đây là Vivaldi đã đưa vào từng bản nhạc một cách khéo léo những đoạn sonnet (1 thể loại thơ) để miêu tả. Cụ thể hơn, có đoạn ông đã ghi những chi tiết tương ứng với lời thơ để giải thích ngay trên bản nhạc (vd :chỗ nào là tiếng chó sủa, tiếng chim cu , tiếng gà gáy…)

Trong tạp chí âm nhạc tuần này, tôi xin chỉ mạn bàn về bản concerto số 1 Mùa Xuân, là bản nhạc mở đầu của tổ khúc, mở đầu một vòng luân hoàn của vũ trụ.

Này đây mùa xuân, lũ chim vui tươi mời gọi

Những dòng suối, quyện vào hơi thở nhẹ tênh của làn gió mát

Chảy trong tiếng thì thầm dịu dàng

Ý thơ thật tươi rói, quyện hòa vào nhịp điệu tràn trề nhựa sống, khiến ai không thể chối bỏ cảm giác rạo rực, hưng phấn khi chúa xuân về. Mùa Xuân được chia thành ba chương, mỗi chương tương ứng với một đoạn sonnet do chính Vivaldi tự ứng tác.

Chương 1 (Allegro, giọng Mi trưởng) Giai điệu chủ đạo đôi khi bừng sáng ở cây violon độc tấu, lúc lại dạt dào cùng toàn bộ dàn nhạc. Nếu tinh ý, ta thoảng nghe đâu đó những tia chớp lóe sáng được khắc họa bằng tiếng đàn violon độc tấu hay tiếng sấm ầm ì từ bè contrebasse.

Chương 2 (Largo, giọng Đô thăng thứ), minh họa khổ thơ 3 câu, xuất hiện violon độc tấu, mô tả đàn cừu say ngủ, trong khi viola hóa thân làm tiếng chó sủa văng vẳng đâu đây.

Chương 3 (dana pastorale) viết theo âm hưởng đồng quê, trở lại với tốc độ nhanh.

Quả là bậc thầy khi Vivaldi có thể hòa tan hoàn toàn nét cọ của mình vào thế giới âm thanh, ở đây là đàn dây (violon, viola, violoncel, contrebasse). Trong đó phần độc tấu đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt đối với Vivaldi. Bởi lẽ ông vốn dĩ là một tay chơi violon điêu luyện, mặt khác âm sắc của nó chính là tông màu chủ đạo trong bức họa mang tên Mùa Xuân.

Hãy cùng nghe tiếng chim líu ríu cùng nhau, qua kỹ thuật sử dụng các nốt lặp lại, trille (chơi xen kẽ hai nốt kề nhau với tốc độ nhanh, hay còn gọi là láy) và mordant (âm vỗ)... Làm sao có thể tin rằng, ta có thể cảm nhận ngay cả sự chuyển mình của cơn dông đang về, nhờ vào hàng chuỗi hợp âm rải dồn đuổi. Dàn nhạc và phần độc tấu lúc thì chơi xen kẽ, thoạt lại lắng im như thể đang đối thoại với vạn vật và không gian. Tất cả cùng tạo nên một bức tranh đắp nổi sinh động và chân thật.

Những nghệ sĩ chơi violon chuyên nghiệp không ai không muốn thử sức mình một lần với bản concerto Mùa Xuân và tổ khúc Bốn Mùa nói chung. Có hàng trăm bản ghi âm tác phẩm này nhưng tôi thực sự bị cuốn hút trước lối trình diễn ngẫu hứng từ nghệ sĩ Nigel Kenedy (người Anh), hơn nữa bởi lối chơi đôi khi bông đùa và phong cách khoáng đạt của anh.

Cũng có thể, nhiều người khác lại thích hơn sắc thái đậm chất Ý của dàn nhạc thính phòng mang tên Il Giardino Armonico. Bản thu âm của họ đã từng được France Musique đánh giá là một trong những sản phẩm hay nhất kể từ 25 năm trở lại đây.

Mùa tái sinh của sự sống dần gõ cửa, xuân sẽ tràn đầy khắp nẻo, muôn mặt trong hồn người, hồn trời đất. Âm nhạc, hội họa, thơ ca hay gì đi nữa cũng không nằm ngoài vòng quay của vũ trụ. Mùa xuân trước lùi xa, để lại xuất hiện rực rỡ hơn ,tươi mới hơn, và cũng như vậy Mùa Xuân của Vivaldi ngày nay và về sau luôn được diễn tấu ở nhiều sắc thái độc đáo, phong cách mang tính khám phá nhiều hơn. Đó là giá trị không đổi của sự phát triển nghệ thuật bền vững và vĩnh hằng.

viethoaiphuong
#462 Posted : Saturday, April 11, 2020 12:53:30 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Covid-19 : Các bảo tàng Mỹ đồng loạt sa thải nhân viên



Tuấn Thảo - RFI - 10/04/2020
Tại Hoa Kỳ, đại đa số các viện bảo tàng đều đã phải đóng cửa trước đà lây lan của virus corona. Giới nhân viên tại các bảo tàng là những nạn nhân, cũng như hàng triệu người lao động trong nhiều ngành nghề khác đang bị mất việc. Tính trung bình, các viện bảo tàng Mỹ bị thất thu khoảng 33 triệu đô la cho mỗi ngày đóng cửa.


Kể từ cuối tháng 3, Viện Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại MoMA ở thành phố New York đã chấm dứt tất cả các hợp đồng của các nhân viên giáo dục có quy chế độc lập. Theo tạp chí chuyên đề Hyperallergic, ban giám đốc MoMA đã thông báo qua email rằng biện pháp sa thải này là hậu quả trực tiếp của cuộc khủng hoảng chưa từng có do đại dịch Covid-19. Tuy Viện bảo tàng MoMA đã tạm thời đóng cửa kể từ ngày 12/03, nhưng đa số các nhân viên vẫn tiếp tục làm việc, họ phụ trách việc nhận đăng ký qua email hay điện thoại và lên chương trình hướng dẫn tham quan cho những tháng tới. Tuy nhiên, các nhân viên này sẽ không được trả lương sau ngày 30/03, và sẽ không nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào khác do mọi cam kết hợp đồng trong tương lai đều bị hủy bỏ.

Cũng tại New York, Bảo tàng Mới về Nghệ thuật Đương đại (New Museum of Contemporary Art) kể từ khi phải đóng cửa, đã sa thải gần 1/3 số nhân viên (48 trong tổng số 150), chủ yếu là các nhân viên có hợp đồng ngắn hạn hay bán thời gian. Theo ban quản lý, các nhân viên này vẫn được trả lương cho đến ngày 15/04, và bảo tàng hy vọng sẽ tuyển dụng lại các nhân viên cũ khi điều kiện cho phép. Về phần mình, ông Adam Weinberg, giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Mỹ Whitney ở New York cũng vừa thông báo sa thải 76 người, tức hơn một nửa số nhân viên.

Tình hình của các viện bảo tàng có uy tín tại các bang khác ở Mỹ cũng không sáng sủa gì hơn, nhất là các cơ sở không có nhiều ngân quỹ hoạt động và lệ thuộc khá nhiều vào việc bán vé cũng như các nguồn doanh thu đến từ việc bán hàng cho khách tham quan. Vào cuối tháng 3, bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Massachusetts (MASS MoCA) tuyên bố sa thải 120 trong số 165 người, tức là 3/4 số nhân viên ở tất cả các bộ phận. Đa phần các nhân viên ở đây làm việc tại quầy bán vé, nhân viên bán hàng quầy lưu niệm, nhân viên thính phòng dành cho các buổi hòa nhạc. Bảo tàng này buộc phải cắt giảm mạnh các chi phí hoạt động, do ngân sách tương đối khiêm tốn, khoảng 14 triệu đô la trong một năm.

Tương tự, Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Los Angeles (MOCA) với ngân sách hoạt động hàng năm là 20 triệu đô la, ngoài việc sa thải 97 nhân viên bán thời gian, còn yêu cầu các nhân viên có hợp đồng dài hạn, lấy ngày nghỉ phép hay nếu có thể làm việc ở nhà, nhưng trước mắt, họ chỉ được trả một phần lương tháng Tư. Viện bảo tàng Hammer tại Westwood cũng đã sa thải 150 sinh viên làm việc bán thời gian, chủ yếu là nhân viên phòng lễ tân, quầy bán vé và phòng triễn lãm. Cả hai bảo tàng này ở Los Angeles đều không nhận được sự hậu thuẫn tài chính của mạnh thường quân hay là trường đại học danh tiếng.


Dịch Covid-19 khiến cho tương lai của nhiều viện bảo tàng Mỹ càng trở nên bấp bênh, nhất là các cơ sở chủ yếu hoạt động nhờ nguồn vốn tư nhân hay nhờ chương trình quyên góp từ các nhà hảo tâm. Đó là trường hợp của Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại San Francisco, Viện bảo tàng Nghệ thuật Cleveland cũng như Bảo tàng Nghệ thuật Carnegie ở thành phố Pittsburgh, do bị virus corona ảnh hưởng nặng nề, cho nên đều đang buộc phải sa thải nhân viên.

Hiện giờ, chỉ có những bảo tàng ‘‘giàu nhất’’ mới có đủ sức chịu đựng làn sóng chấn động của dịch Covid-19. Đó là trường hợp của Viện bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York : Ban quản lý dự trù lấy tiền từ quỹ tài trợ để trả lương cho nhân viên. Bảo tàng Metropolitan có nguy cơ bị thâm hụt ngân sách 100 triệu đô la trong những tháng tới, nhưng cũng nhưMoMA, Metropolitan không ngại ‘‘phá sản’’ sau mùa dịch do ngân sách tài trợ của hai bảo tàng này lên đến cả tỷ đô la.

Tuy nhiên, theo ban giám đốc Metropolitan, phải mất nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm trời để viện bảo tàng này tìm lại ngân sách và mức hoạt động bình thường. Ngay cả các viện bảo tàng ‘‘giàu nhất’’ nước Mỹ cũng không có đủ ‘‘tiền mặt’’ để trả lương cho toàn bộ nhân viên trong suốt mùa dịch.

Trước tình trạng khó khăn ấy, nhiều hiệp hội và cơ sở văn hóa đã lên tiếng kêu gọi sự can thiệp của chính quyền liên bang. Một cách cụ thể, các viện bảo tàng hy vọng chính quyền liên bang sẽ tăng ngân sách đóng góp và như vậy giúp cho các bang có thêm luồng dưỡng khí để không khỏi ‘‘chết ngạt’’.

Theo bà Laura L. Lott, giám đốc Liên hiệp các Bảo tàng Mỹ (American Alliance of Museums), các viện bảo tàng ở Hoa Kỳ hiện nay mất ít nhất 33 triệu đô la mỗi ngày, việc đóng cửa đã tác động trực tiếp đến cả trăm ngàn nhân viên trong ngành, kể cả các chuyên gia giám tuyển, thiết kế triển lãm, nhân viên hướng dẫn cũng như an ninh, chuyên viên tiếp khách tham quan, vì theo Cơ quan Liên bang IMLS, nước Mỹ hiện có khoảng 35.000 bảo tàng lớn nhỏ trên khắp lãnh thổ.

viethoaiphuong
#463 Posted : Thursday, April 16, 2020 6:14:05 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Bảo tàng, nhà hát, rap chiếu phim : ngày mở lại vẫn còn xa

Tuấn Thảo - RFI - 16/04/2020
Thư viện, nhà hát, bảo tàng, phòng triển lãm hay rạp chiếu phim : các cơ sở văn hóa là những nơi đầu tiên đã phải đóng cửa từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Tại Pháp cũng như tại các nước Âu Mỹ, các ban quản lý lo ngại rằng các tụ điểm văn hóa chỉ có thể hoạt động bình thường trở lại sớm lắm là vào năm tới.

Trong bài phát biểu tối 13/04/2020, Tổng thống Macron cho biết là lệnh phong tỏa sẽ được dỡ bỏ kể từ ngày 11/05, nhưng các quán bar, nhà hàng, khách sạn, bảo tàng, thư viện, rạp chiếu phim, phòng biểu diễn, sân vận động hay hội trường sẽ vẫn phải tiếp tục đóng cửa. Các liên hoan văn hóa cũng không thể diễn ra ít nhất là cho đến mùa hè, do lệnh cấm "tụ tập" được kéo dài ít nhất là đến tháng 07/2020.

Ngay sau khi có thông báo chính thức, hầu hết các liên hoan lớn ở Pháp đã lần lượt hủy bỏ chương trình. Sau Mùa Xuân thành phố Bourges, đến phiên các liên hoan nổi tiếng khác diễn ra vào mùa hè như liên hoan Avignon (dự trù diễn ra từ ngày 03/07 đến 23/07), Francofolies La Rochelle, Chorégies d’Orange, Eurockéennes Belfort, Nuits de Fourvière, Jazz à Vienne đều đành phải hẹn gặp lại công chúng năm sau.

Trước mắt, chỉ có Liên hoan điện ảnh quốc tế Cannes và liên hoan nghệ thuật múa ở Montpellier Danse, vẫn muốn duy trì sinh hoạt bằng cách dời lại chương trình sang mùa thu, cuối tháng 9 đầu tháng 10. Liên hoan phim hoạt hình Annecy sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 06/2020 nhưng chỉ được tổ chức trực tuyến.

Còn đối với các cở sở văn hóa khác như nhà thờ, bảo tàng, thư viện, phòng hòa nhạc, rạp xinê, nhà hát …. ngày mở cửa trở lại càng xa vời hơn. Theo Bộ Văn hóa Pháp, từng trường hợp sẽ được xem xét và có nhiều khả năng mở lại các cơ sở văn hóa tùy theo tầm cỡ cũng như cách tổ chức.

Một cách cụ thể, việc mở lại Viện bảo tàng Louvre đón tiếp mỗi ngày hàng trăm ngàn khách tham quan đòi hỏi rất nhiều quy tắc cũng như các biện pháp giữ khoảng cách an toàn, tức không dễ so với một cơ sở nhỏ như Bảo tàng Gustave Moreau, chỉ đón tiếp mỗi ngày hàng trăm du khách.

Trước mắt các biện pháp ‘‘cách ly xã hội’’, tránh để cho công chúng đứng hay ngồi quá gần nhau sẽ vẫn được áp dụng cho dù lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, điều đó có nghĩa là các viện bảo tàng mở cửa trở lại dễ dàng hơn so với các rạp chiếu phim hay nhà hát. Theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia đại học Harvard, được tạp chí khoa học Science công bố hôm 14/04, các biện pháp ‘‘cách ly xã hội’’ nên tiếp tục được áp dụng (tại Hoa Kỳ) cho tới năm sau, nhẩt là vào mùa đông.

Tại châu Âu, chưa có quốc gia nào dám tuyên bố về thời điểm cụ thể về việc mở lại các cơ sở văn hóa. Tại Ý cũng như tại Tây Ban Nha, kịch bản dỡ bỏ lệnh phong tỏa sẽ được tiến hành từng bước và các biện pháp ‘‘cách ly xã hội’’ được đề nghị áp dụng tại tất cả các nơi công cộng, kể cả các bãi biển hay các trạm nghỉ mát.

Hiện tại, thủ đô Roma đã quyết định mở cửa trở lại các hiệu sách, nhưng phần lớn đều phải tôn trọng việc giữ khoảng cách và như vậy hạn chế rất nhiều số khách hàng có mặt cùng lúc trong cửa tiệm. Dĩ nhiên, các biện pháp này chỉ liên quan đến các cửa hàng nhỏ, chứ nước Ý chưa thể mở lại nhà hát La Scala ở Milano, bảo tàng Uffizi ở Firenze (Florence) hoặc di tích phố cổ Pompei.

Về phần Đan Mạch, quốc gia này đã quyết định đình chỉ các sự kiện văn hóa cho đến cuối tháng 08/2020 và Vương quốc Anh chuẩn bị bước vào một mùa hè không có liên hoan hay lễ hội. Hai nước Áo và Đức vốn có truyền thống tổ chức nhiều liên hoan lớn nhân dịp hè, cũng chưa chắc gì duy trì các sự kiện lớn, vào lúc quyền tụ tập đông đảo vẫn chưa hoàn toàn được phục hồi. Về việc mở lại các cơ sở văn hóa, cho tới giờ này Berlin và Vienna vẫn chưa có kế hoạch rõ ràng.

Ngay cả tại Đức, nơi dịch Covid-19 có tác động tương đối nhẹ, giới chuyên gia cũng không mừng vội và giữ thái độ thận trọng dè chừng. Theo ông Gerald Haug, chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Leopoldina, các phòng hòa nhạc, các sân vận động cũng như nhiều địa điểm công cộng khác, có thể sẽ phải tiếp tục đóng cửa ít nhất trong vòng 6 tháng, lâu nhất là 18 tháng.

Nhiều người có thể giữ lạc quan, nhưng các chuyên gia vẫn phải dự phóng một kịch bản dài hạn, tức là cho tới mùa tựu trường năm tới. Các sự kiện càng tụ tập đông đảo người tham gia như các trận bóng đá trên sân vận động, càng khó diễn ra, sớm lắm là vào tháng 09/2021.

Bác sĩ Zeke Emanuel, chuyên gia cố vấn tại Viện Y tế Quốc gia Mỹ (National Institute of Health), có cùng quan điểm. Trả lời phỏng vấn báo New York Times, ông ước tính rằng các hội chợ, liên hoan, các buổi hòa nhạc hoặc thi đấu thể thao với một lượng khán giả lớn khó thể nào diễn ra trong năm nay, và các sinh hoạt văn hóa thể thao có thể trở lại mức bình thường sớm nhất là vào mùa thu năm 2021.

Cuối cùng, có nhiều khả năng dịch Covid-19 gây nhiều tác động tâm lý đến mức thay đổi cung cách và thói quen tiêu dùng các sản phẩm văn hóa cũng như cách tổ chức các sinh hoạt giải trí dành cho công chúng.

Theo một cuộc thăm dò ý kiến gần đây của mạng thông tin Performance Research, 44% số người Mỹ cho biết trong tương lai họ ít muốn tham dự các sự kiện lớn. 49% người Mỹ khá bi quan cho biết là trong nhiều tháng tới họ sẽ không trở lại các rạp để xem phim.

Viễn cảnh này đang khiến làng phim Hollywood đau đầu và buộc ngành kỹ nghệ điện ảnh nói riêng cũng như ngành văn hóa nói chung ngay từ bây giờ phải tìm các biện pháp ứng phó để thích nghi với thời kỳ hậu phong tỏa.

viethoaiphuong
#464 Posted : Friday, April 17, 2020 3:14:58 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Nam danh ca Pháp Christophe qua đời


Thanh Phương - RFI - 17/04/2020
Nam danh ca Pháp Christophe, tác giả của những ca khúc bất hủ « Aline » hay « Les mots bleus » vừa qua đời đêm qua, 16/04/2020, thọ 74 tuổi, theo thông báo của gia đình với hãng tin AFP. Bà Véronique Bevilacqua, vợ của Christophe, cho biết ông qua đời vì bệnh khí thủng ( emphysème ) một căn bệnh về phổi.

Ngay khi có tin Christophe phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch, giới nghệ sĩ ở Pháp đã bày tỏ xúc động, chúc ông chóng bình phục, trong đó có Michel Ponareff, một trong những nam danh ca cùng thời yéyé với ông.

Mặc dù các bác sĩ đã tận tình cứu chữa, những lời chúc đã không trở thành hiện thực. Christophe đã không đủ sức để chống chọi với cơn bạo bệnh.

Sinh năm 1945, Christophe, tên thật là Daniel Bevilacqua, xuất thân từ một gia đình người Ý nhập cư vào Pháp. Nổi danh từ thập niên 1960, Christophe đã nhanh chóng thoát ra khỏi hình ảnh của một thần tượng thời sixties, để đi theo con đường âm nhạc của riêng ông.

Mê điện ảnh, mê sưu tập dĩa, chuyên sống về đêm, Christophe còn nổi tiếng là một nghệ sĩ rất cầu toàn và cũng cởi mở với những xu hướng nghệ thuật mới, luôn luôn canh tân âm nhạc của ông. Nhạc của Christophe cho tới nay vẫn không bị lỗi thời, bằng chứng là hai album mới nhất của ông ra năm ngoái, "Christophe, etc", vol 1 và vol 2, đã được công chúng tán thưởng nồng nhiệt, nhất là vì trong đó Christophe song ca với các ca sĩ đủ mọi thế hệ để trình bày lại các ca khúc tiêu biểu của ông.

Trước khi bệnh trở nặng phải nhập viện, dù đã ở tuổi 74, Christophe đã dự kiến tiếp tục lưu diễn tại Pháp, nhưng do tình hình dịch Covid-19, ông đã phải dời lại các buổi biểu diễn.

Nhạc sĩ Jean-Michel Jarre, người viết lời hai ca khúc « Les Mots Bleus » et « Paradis Perdus » cho Christophe, ca ngợi ông là « một trong những ca sĩ lớn nhất của Pháp. Đối với Jean-Michel Jarrre, Christophe còn hơn là một nhạc sĩ, mà là một người thợ may của âm nhạc. Đó là một nhân vật có một không hai »

Trên mạng Twitter, bộ trưởng Văn Hóa Pháp Franck Riester viết : « Với sự ra đi của Christophe, âm nhạc Pháp mất đi một phần tâm hồn của mình»
viethoaiphuong
#465 Posted : Saturday, April 18, 2020 12:53:10 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Christophe, một người nghệ sĩ cầu toàn

Thanh Phương - RFI - 17/04/2020
Sinh năm 1945, Christophe, tên thật là Daniel Bevilacqua, xuất thân từ một gia đình người Ý nhập cư vào Pháp. Từ nhỏ ông đã say mê âm nhạc, từ nhạc Pháp, nhạc blues cho đến nhạc rock, đến mức bỏ cả chuyện học hành. Ông học guitare và harmonica, rồi khởi đầu sự nghiệp ca nhạc với nhóm « Danny Baby et les Hooligans ». Sau đó, Christophe tách ra hát riêng và đã nhanh chóng khẳng định tên tuổi trong làng nhạc Pháp.

Ca khúc nổi tiếng thế giới « Aline » của ông, ra mắt khán giả vào năm 1965, đã bán được đến một triệu bản ở Pháp và Bỉ, thậm chí vào năm 1966 đã có lúc đứng đầu bảng ở Israel! Christophe kể lại rằng ông đã viết nên bài hát này trên chiếc guitare chỉ trong vòng 15 phút khi đến ăn trưa ở nhà người bà. Ca khúc này ban đầu được sáng tác theo thể loại nhạc blues của Mỹ ( mà thuở nhỏ Christophe rất mê ), nhưng sau đó khi thâu vào dĩa được hòa âm lại thành một giai điệu mang tính pop hơn.

Nhưng Aline là cô gái nào mà Christophe kêu gào say đắm như vậy ? Mãi cho đến gần đây, Christophe mới tiết lộ đó chính là một cô gái Ba Lan có tên Aline Natanovitch, trợ lý của ông nha sĩ mà Christophe đến chữa răng. Chắc là cô này có nét đẹp quyến rũ đến mức làm xao xuyến tâm hồn của nhà ca sĩ trẻ. Nhưng theo lời kể của Christophe, sau một đêm mưa bão, Aline đã mất hút, không thấy trở lại nữa. Thành ra, bài hát Aline mới bắt đầu bằng câu: “ J’avais dessiné, sur le sable. Son doux visage qui me sourait. Puis il a plu sur cette plage. Dans cet orage, elle a disparu. Et j’ai crié, crié : « Aline » pour qu’elle revient. Et j’ai pleurré, pleuré, oh ! j’avais trop de peine »

Tiếp theo « Aline » là một loạt những thành công khác đưa tên tuổi Christophe lên ngang hàng với những nam danh ca thời ấy : « Les Marionnettes », « Oh mon Amour », « Main dans la main », « Belle »...

Một trong những album đánh đấu sự nghiệp âm nhạc của Christophe đó là « Les mots bleus », ra mắt công chúng năm 1974, mà trong đó ông nhờ nhạc sĩ Jean-Michel Jarre viết lời như đã từng viết lời cho album trước đó của Christophe “ Les paradis perdus”. Ca khúc “Les mots bleus” diễn tả nỗi lòng của một chàng trai quá rụt rè để tỏ tình bằng lời, mà chỉ có thể nói yêu nàng “bằng ánh mắt”

Christophe là một ca nhạc sĩ rất cầu toàn, mỗi album mà ông cho ra mắt công chúng đều được ông trao chuốt cho đến khi nào thật hoàn hảo theo ý của ông.

Trong album studio thứ 15 mang tên “Les Vestiges du Chaos” mới trình làng đầu tháng 4/2016, Christophe đã đưa vào đó những thể nghiệm mới về âm thanh, vẫn với niềm say mê âm nhạc vẫn không phai dù lúc đó ông đã bước vào tuổi 70. Christophe đã từng thổ lộ: “ Tôi vẫn sáng tác với cùng một triết lý như hồi tôi còn 15 tuổi, vẫn không có gì thay đổi, ngoại trừ công nghệ… »

Có thể nói « Les Vestiges du Chaos » là thành quả của 50 ca nhạc của Christophe, một tác phẩm mà ông đã dành ra đến 7 năm trời để thực hiện và đã được công chúng sốt ruột chờ đợi.

Thật ra, đối với Christophe, ca từ không quan trọng bằng tiếng nhạc, nói nôm na là cứ để tiếng nhạc đi trước, tự khắc lời ca sẽ theo sau. Với « Les Vestiges du Chaos », Christophe đưa chúng ta vào một thế giới đầy màu sắc của âm thanh, qua 13 ca khúc với các thể loại nhạc từ blues cho đến nhạc électro-rock, mà trong đó ông sử dụng rất nhiều giai điệu nhạc điện tử, với sự tham gia của những nhạc sĩ tên tuổi trong lĩnh vực này, chẳng hạn như bài « Dangereuse », với phần đệm nhạc của Jean-Michel Jarre.

Tuy Christophe tuổi đã cao nhưng album “ Les Vestiges du Chaos” lại rất « hiện đại » và vẫn thích hợp cho mọi lứa tuổi. Trong album mới, Christophe đã dành ra một bài hát tựa đề « Lou », để tưởng niệm Lou Reed, nam danh ca Mỹ, tác giả của những ca khúc nổi tiếng như "Walk on the wild side", vừa qua đời cách đây 3 năm.

Là một nghệ sĩ rất cầu toàn, Christophe cũng rất cởi mở với những xu hướng nghệ thuật mới, luôn luôn canh tân âm nhạc của ông. Nhạc của Christophe cho tới nay vẫn không bị lỗi thời, bằng chứng là hai album mới nhất của ông ra năm ngoái, "Christophe, etc", vol 1 và vol 2, đã được công chúng tán thưởng nồng nhiệt, nhất là vì trong đó Christophe song ca với các ca sĩ đủ mọi thế hệ để trình bày lại các ca khúc tiêu biểu của ông.
viethoaiphuong
#466 Posted : Wednesday, April 22, 2020 5:34:54 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Covid-19 : phim "video theo yêu cầu" đắt khách tại Pháp

Tuấn Thảo - RFI - 21/04/2020
Kể từ khi có lệnh phong tỏa, thú xem phim ở nhà đã thay thế cho việc đi xem phim ở rạp. Chưa bao giờ, các mạng chiếu phim ‘‘video theo yêu cầu’’ lại thu hút đông đảo khán giả như lúc này. Bên cạnh các mạng Netflix, Amazon Prime hay Disney+, người Pháp còn đặc biệt ủng hộ các mạng độc lập, nơi họ dễ tìm thấy các tác phẩm kinh điển của Pháp hay Âu Mỹ.

Nằm ở vùng ngoại ô phía bắc Paris, công ty TitraFilm (được thành lập từ năm 1933) hoạt động liên tục từ khi nước Pháp ban hành lệnh phong tỏa. Mặc dù hãng này buộc phải đóng cửa văn phòng, nhưng đại đa số nhân viên đều làm việc từ xa. Các chuyên viên kỹ thuật cũng như nhóm biên tập phụ trách công việc dịch thuật, làm phụ đề cho phim, rồi mã hóa tải lên máy chủ. Hàng tuần, công ty này nhận khoảng 300 phim truyện và phim truyền hình, trong đó có các tác phẩm của đạo diễn Pháp Michel Hazanavicius "Le Prince Oublié" (Vị Hoàng tử bị lãng quên) hay đạo diễn Tây Ban Nha Alejandro Amenabar "Lettre à Franco" (Thư gửi tướng Franco).

Theo giám đốc thương mại Stéphane Chirol, do các biện pháp cách ly, công ty TitraFilm buộc phải đình chỉ khâu lồng tiếng, toàn bộ êkíp chuyên làm phụ đề cho các rạp chiếu phim nay đều được chuyển sang làm việc cho khâu video theo yêu cầu (gọi tắt là V.O.D).

Trước đây, giới chuyên ngành nghĩ rằng thị trường ‘‘video theo yêu cầu’’ đã quá đầy đủ với các mạng lớn như Netflix, Amazon Prime & Disney+, chưa kể đến các bộ phim được chiếu miễn phí trên các kênh truyền hình, nhưng rốt cuộc thời gian phong tỏa cho thấy là người Pháp có nhiều sở thích khác và chính nhu cầu xem phim đã đem lại lợi nhuận cho các mạng độc lập như UniversCiné, FilmoTV, LaCinetek, LaToile, Tënk, Carlotta Studio hay Médiathèque Numérique ….. Theo anh Romain Dubois, giám đốc tiếp thị của mạng UniversCiné, giờ cao điểm là khoảng 21 giờ (tức sau giờ ăn tối) nhưng kể từ buổi chiều, lượng người truy cập bắt đầu tăng lên và sự gia tăng này lại càng rõ nét trong thời gian phong tỏa do đa số người Pháp đều buộc phải ở nhà.

Còn theo ông Vincent-Paul Boncour, giám đốc Carlotta Studio, công ty này vừa thành lập trang web dành riêng cho dòng phim xưa bao gồm nhiều tác phẩm kinh điển được xếp vào hàng "di sản văn hóa". So với người Anh Mỹ, người Pháp trước đây ít dùng dịch vụ VOD, nay nhu cầu xem phim cũng tăng lên với lệnh phong tỏa, nhưng ‘‘gu’’ xem phim của họ cũng có phần khác biệt. Chẳng hạn như khán giả Pháp thích xem vua hề Louis de Funès và họ khám phá toàn bộ các bộ phim này qua các mạng VOD thay vì xem phim được phát lại trên các đài truyền hình (gần đây đã có chiếu lại La Folie des Grandeurs, Rabbi Jacob, loạt phim Les Gendarmes de Saint Tropez …)

Nhờ vậy, các mạng ‘‘phim xưa’’ đã có thêm hàng trăm người đăng ký mỗi ngày. Các mạng video theo yêu cầu cũng ăn khách một phần nhờ quảng cáo trên các mạng xã hội, cũng như qua báo chí truyền thông, các bài phân tích về các đợt phát hành phim video mới đã thay thế các bài phê bình hàng tuần khi phim được cho ra mắt khán giả ở rạp.

Trên mạng LaCinetek, các bộ phim ăn khách thường được tuyển chọn bởi các nhà đạo diễn tên tuổi như Jacques Audiard hay James Gray, Pascale Ferran hay Cédric Klapisch ….. Các đạo diễn này thông qua những đoạn video ngắn giải thích vì sao một số tác phẩm được đánh giá là quan trọng đối với nghệ thuật thứ bảy. Theo anh Jean-Baptiste Viaud, kể từ khi có những danh sách chọn lọc của các nhà làm phim trứ danh, số lượng người truy cập đã được nhân lên gấp 5 lần. Trong đó, có khoảng 13.000 người mỗi tuần đăng ký xem phim video trên danh sách "phim hay trong tháng".

Trên mạng UniversCiné, trang web này tập trung giới thiệu các tác phẩm mới như "Les Misérables" của đạo diễn Ladj Ly hay là "Gloria Mundi" của Robert Guédiguian. Theo giám đốc Romain Dubois, kể từ tháng 03/2020 UniversCiné đã tăng gấp đôi lượt khách truy cập so với cùng thời điểm năm ngoái, mạng này thu hút trên 800.000 lượt khách mỗi tháng và số lượng thuê phim video đạt tới mức 3.000 tựa phim mỗi ngày.

Nếu như các mạng Netflix, Amazon Prime hay Disney+ có một bộ sưu tập khổng lồ với hàng chục ngàn tựa phim, thì ngược lại cách sắp xếp tổ chức đối với nhiều khán giả lại không dễ tìm kiếm. Thư viện phim càng lớn chừng nào, mục lục lại càng phải chi tiết với nhiều tag chuyên đề chừng nấy. Trên các mạng phim độc lập, ‘‘kho lưu trữ’’ phim có thể nhỏ hơn, nhưng đổi lại giới yêu chuộng điện ảnh tìm thấy trong cách trình bày và giới thiệu phim một công việc biên tập thực sự. Mạng Tënk có trụ sở tại vùng Ardèche và chỉ cung cấp phim tài liệu với phần giới thiệu nội dung khá đầy đủ.

Trên mạng FilmoTV, bộ sưu tập khá đa dạng bao gồm dòng phim hình sự của Frank Capra cho đến phim hài của Alain Chabat, những bộ phim câm trắng đen theo kiểu vua hề Charlot có cùng một ‘‘chỗ đứng’’ với phim zombie của Hàn Quốc. Theo ông Jean Ollé-Laprune, phim thường được giới thiệu bởi một nhà phê bình, trả lời ba câu hỏi trong vòng ba phút. Đây là cơ hội để khám phá hay xem lại những bộ phim khác của nhiều đạo diễn khác nhau.

Trên mạng Carlotta Studio, mỗi tác phẩm kinh điển ngoài lời giới thiệu, còn có thêm những bài phân tích có giá trị, chẳng hạn như tuần này có giới thiệu dòng phim của Milos Forman hay là tác phẩm "The King of New York" của đạo diễn Abel Ferrara. Với lối tiếp cận gần giống như Viên lưu trữ phim ảnh Pháp Cinémathèque Française, các bộ phim này đặc biệt được giới sành điệu hay các sinh viên khoa điện ảnh đặc biệt hưởng ứng, chẳng hạn như phim "Monsieur Klein" với Alain Delon của Joseph Losey, phim "Lacombe Lucien" của Louis Malle, hay phim "L’Armée des Ombres" của Jean-Pierre Melville với một dàn diễn viên hùng hậu như Simone Signoret, Lino Ventura hay Paul Meurisse nói về thời kháng chiến chống Đức quốc xã những năm 1939-1945.

Nhu cầu xem video theo yêu cầu cũng gia tăng kể từ khi trung tâm điện ảnh quốc gia Pháp CNCn cho phép phát hành trực tiếp trên mạng, chứ không cần phải chờ thời hạn 4 tháng giữa ngày ra mắt ở rạp và thời điểm chiếu video. Trong tháng 04/2020, khoảng 30 bộ phim mới dành cho xinê, lại được xem qua video ở nhà, trong đó có tác phẩm mới "Le Cas Richard Jewell" của Clint Eastwood, các phim Pháp như ‘‘Les Traducteurs’’ của Régis Roinsard, phim hài "Mine de rien". Theo nhà phân phối François Clerc, không ai biết được chừng nào các rạp chiếu phim sẽ mở cửa trở lại. Từ đây cho tới cuối tháng 06/2020, các nhà phân phối phim ở rạp sẽ bị thất thu lớn vì không khai thác được 200 tựa phim (tức khoảng 20 phim mới mỗi tuần). Việc phát hành qua video trực tuyến là một trong những cách để phần nào bù đắp những thiệt thòi do dịch Covid-19 gây ra …

viethoaiphuong
#467 Posted : Friday, April 24, 2020 3:01:32 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)


Netflix mua quyền chiếu phim Pháp kinh điển

Tuấn Thảo - RFI - 24/04/2020
Kể từ hôm 24/04/2020, mạng Netflix của Mỹ cho phát hành 50 tác phẩm kinh điển. Loạt tác phẩm này được dẫn đầu với dòng phim của đạo diễn Pháp François Truffaut. Đôi khi bị chỉ trích là chuyên phổ biến dòng phim thương mại, Netflix đã thực hiện cú đột phá ngoạn mục, bằng cách hợp tác và khai thác ‘‘tủ phim’’ của nhà phân phối Pháp MK2.

Không phải ngẫu nhiên mà trong bước đầu Netflix cho phát hành 12 bộ phim nổi tiếng nhất (trong số 21) của François Truffaut. Qua đời vào năm 1984, đạo diễn Pháp cùng với Jean-Luc Godard là hai gương mặt hàng đầu của phong trào điện ảnh Nouvelle Vague (Làn sóng mới). Lúc sinh tiền, François Truffaut là một trong những đạo diễn Pháp nổi tiếng nhất ở nước ngoài và được khá nhiều đồng nghiệp cùng thời ngưỡng mộ, kể cả Steven Spielberg và Francis Ford Coppola.

Giới yêu nghệ thuật thứ bảy được dịp khám phá lại kiệt tác "Les 400 coups" (phát hành vào năm 1959), bộ phim đầu tiên mà François Truffaut đã dành cho cậu bé Antoine Doisnel, một nhân vật hư cấu nhưng phản ánh nhiều điều thú vị về gia cảnh cũng như câu chuyện của bản thân nhà đạo diễn thời ông còn nhỏ tại Paris những năm 1950. Trong vòng 20 năm sau đó, đạo diễn Pháp đưa người xem theo dõi câu chuyện của cậu bé Antoine qua nhiều giai đoạn khác nhau trong cuộc đời nhân vật, thời mới biết yêu trong bộ phim ‘‘Baisers volés’’, thời lập gia đình trong ‘‘Domicile Conjugal’’, thời chia tay khi tình yêu vụt bay trong ‘‘L’Amour en fuite’’ (phát hành vào năm 1979)…

François Truffaut còn nổi tiếng là đạo diễn biết đề cao các vai nữ trong cách đặt ống kính và hướng góc nhìn về tâm lý nhân vật. Khán giả khám phá lại nụ cười có duyên của Françoise Dorléac trong phim ‘‘La Peau douce’’ (Làn da mềm mại), vẻ đẹp kiêu sa dù khá lạnh lùng của Catherine Deneuve trong ‘‘Le Dernier Métro’’ (Chuyến tàu cuối cùng), sự quyến rũ lạ thường của Fanny Ardant trong phim ‘‘La femme d’à côté’’(Cô láng giềng), nét hồn nhiên ngây thơ của Julie Christie trong phim ‘‘Fahrenheit 451’’, dựa theo tác phẩm khoa học viễn tưởng của Ray Bradbury. Dĩ nhiên, một trong nữ diễn viên từng đóng phim Truffaut rất trội vẫn là Jeanne Moreau, đặc biệt trong tác phẩm "Jules et Jim" nói về mối tình tay ba đầy sóng gió, phóng tác từ tiểu thuyết cùng tên của Henri-Piere Roché, mà đạo diễn François Truffaut từng đánh giá là quyển tiểu thuyết lãng mạn nhất mà ông được đọc để hiểu hơn về duyên phận kiếp người trong "cơn lốc cuộc đời" (Le Tourbillon de la Vie).

Sau dòng phim Truffaut trong tháng 04/2020, mạng Netflix sẽ tiếp tục khai thác bộ sưu tập của MK2, công ty phân phối này nổi tiếng ở Pháp nhờ các rạp xinê thiên về dòng phim nghệ thuật nhiều hơn là phim thương mại. Netflix lần lượt đưa vào danh mục các tác phẩm nhạc kịch theo kiểu Pháp của đạo diễn Jacques Demy, tác giả của hai bộ phim "Les Demoiselles de Rochefort" và "Les Parapluies de Cherbourg". Trong thể loại phim hài, Netflix đã mua quyền khai thác trên mạng trong những tháng tới, nhiều bộ phim của Charlie Chaplin (vua hề Charlot) do MK2 nắm giữ tác quyền, kế theo đó là phim của đạo diễn Alain Resnais, phía châu Âu có phim của đạo diễn người Serbia Emir Kusturica, nhà làm phim hai quốc tịch Áo-Pháp Micheal Haneke, đạo diễn người Ba Lan Kieslowski, phía Bắc Mỹ có Xavier Dolan người Canada hay David Lynch đến từ Hoa Kỳ…

Tất cả những tên tuổi này (chủ yếu là châu Âu) giúp cho nguồn phim của Netflix trở nên phong phú, đa dạng hơn. Giới ghiền xem phim truyền hình nhiều tập vẫn mê theo dõi ‘‘Kingdom’’, phim lịch sử cổ trang của Hàn Quốc kết hợp với thây ma và xác sống hay ‘‘La Casa de Papel’’ (Phi vụ triệu đô) của Tây Ban Nha. Giới thích xem phim của các đạo diễn có nhãn quan độc đáo riêng biệt cũng có thể tìm thấy hầu như toàn bộ các tác phẩm của Martin Scorsese (Mean Streets, Goodfellas ‘‘Les Affranchis’’, Sòng bạc Casino, Bí mật đảo Shutter), hay các tác phẩm của đạo diễn Tarantino (Reservoir Dogs, Pulp Fiction, hai tập phim Kill Bill...) Dòng phim Clint Eastwood cũng hiện diện trên mạng nhưng ít hơn (Gran Torino, Space Cowboys, Mystic River). Gần đây hơn nữa, Netflix đã chuyển hướng sang dòng phim hoạt hình với các tác phẩm của đạo diễn Nhật Bản Hayao Miyazaki.

Tuy nhiên, giới yêu chuộng ‘‘điện ảnh thế giới’’ cho tới giờ này vẫn nhận thấy mạng Netflix còn thiếu khá nhiều tác phẩm ‘‘quan trọng’’ của làng nghệ thuật thứ bảy, trong đó có các tác phẩm châu Âu từng đoạt giải nhất tại ba liên hoan lớn là Venise, Berlin và Cannes. Ngoài ra, các nền điện ảnh đã tỏa sáng từ lâu như Iran hay Thổ Nhĩ Kỳ hay đang trỗi dậy như Arhentina hay Hungary dù cho ra lò nhiều tác phẩm có giá trị, nhưng dường như vẫn chưa đủ ‘‘tiềm năng’’ thương mại để hiện diện trên mạng Netflix.

Đối với công ty phân phối MK2, việc nhượng lại một phần quyền khai thác bộ sưu tập phim kinh điển là một cách để tạo thêm nguồn thu nhập, vào lúc các rạp xinê của công ty này nói riêng và của ngành phân phối phim nói chung đều phải đóng cửa. Còn đối với Netflix, việc hợp tác để có thêm nguồn cung cấp là nhằm để thu hút nhiều đối tượng khán giả khác. Theo công ty tư vấn FutureSource, trong thời gian phong tỏa, Netflix đã thu hút thêm 6 triệu thành viên, lên đến 15,8 triệu người đăng ký so với 9,5 triệu, so với cùng thời điểm năm 2019. Trên toàn cầu, Netflix hiện có hơn 183 triệu người đăng ký.

Trong cuộc chạy đua giành lấy thị phần phim video trực tuyến, mạng Netflix đã muốn tạo thêm nét mới lạ khác biệt, đa dạng hóa nguồn phim nhất là các nguồn đến từ châu Âu. Thị trường phim trực tuyến gồm nhiều đối thủ cạnh tranh đáng gờm là Disney+, Apple TV hay là Amazon Prime. Tuy nhiên, về mặt bản chất cũng như cơ cấu, Netflix và MK2 rất khác nhau. Việc đôi bên chấp thuận rồi ký kết hợp tác (vì cả hai phía đều có lợi trong thời buổi hiện nay) trước sau gì vẫn là một cuộc ‘‘hôn nhân’’ vì lý trí nhiều hơn là vì tình cảm.

Users browsing this topic
Guest (488)
24 Pages«<222324
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.