Sau khi xem bảo tàng xong thì lại gọi điện thoại tới cho ông tài xế khi nãy lại đón, và hẹn ngày mai anh ta lại đón đưa ra phi trường. Chúng tôi ghé lại quán Ocean House Restaurant, ăn bữa tối cuối cùng ở Hawaii. Món tôi chọn là Seafood Lau Lau, gồm có cá Mahi Mahi, tôm, sò điệp (scallop), lá luau (tra tự điển không biết là lá gì), khoai lang nghiền trộn với tỏi, xì dầu, tamari, rượu sake, bơ, ăn với cơm trắng gói trong lá "ti" (lá dong ?). Khi đưa vô miệng thì khá thất vọng vì món khoai lang trộn này không hợp khẩu vị . Vô một nhà hàng lạ, gọi một món ăn lạ là hồi hộp không biết nó ra sao . Tôi chợt liên tưởng tới món bouillabaisse ăn ở Marseille năm xưa, mang trong tâm trí từ hồi học quyển Cours de langue có món ăn này, tới khi bỏ vô miệng là nhăn mày nhăn mặt. Vậy là tan vỡ một ảo ảnh, vậy là chấm dứt một vọng tưởng. Cuộc sống có khi quến thêm cho ta những vòng trói buộc cho chặt cuộc luân hồi, nhưng cũng có khi gỡ tháo bớt những ham luyến tục luỵ gây nhàm chán sự tử sinh. Cái dĩa đó giá 34.50 đô la, nhưng trị giá của nó là để trả cho cái view hơn là các vật liệu làm ra nó . Một cái view nhìn ra ngọn Diamond Head, với khung cảnh biển xinh đẹp của Waikiki, với những người lố nhố đi trên kè đá đâm ra biển, xa xa ngoài khơi có chiếc tàu hải hành đang thả neo.
Hôm sau, sáng dậy sớm ra lan can ngắm lần cuối biển từ khách sạn . Lạ thay, trong lòng tôi đã thấy vậy là đủ, là muốn trở lại California, Home Sweet Home, như câu nói kinh điển trong The Wizard of Oz, There's no place like home, không nơi nào bằng nhà của mình. Tôi mở hộc tủ ra kiểm soát coi có bỏ quên món gì trong khách sạn hay không, thấy có một quyển Kinh Phật, The Teaching of Buddha . Khách sạn Mỹ hay có quyển Kinh Thánh, nhưng đây là lần đầu thấy có quyển Kinh Phật ở đây (ở Thái Lan cũng có kinh Phật).
Đi ra phi trường, do tới nơi khá sớm nên tôi có dịp đi dạo khu vườn mà tôi có nói hôm đầu tới đây . Khu vườn này có hai khoảnh, một theo phong cách Nhật, và một theo phong cách Tàu . Giống như ở vườn Huntington Gardens, hai quốc gia này cũng cạnh tranh nhau trong việc để lại ảnh hưởng văn hoá của nước mình trên các công viên .Nhưng theo tôi thấy thì Nhật có ưu thế hơn, có thể vì Nhật đã là quốc gia giàu nhì thế giới trong nhiều năm, mãi tới vài năm nay mới nhường chân cho China. Rồi đây ta sẽ thấy người Tàu sẽ xây dựng thêm nhiều vườn Tàu hầu cạnh tranh với Nhật, tự ái dân tộc mà! Nước Mỹ này hoan hô mọi đóng góp của dân tứ xứ, cái lò cừ (melting pot) này là nơi thu hút nhân lực và tài lực, khi nào nó còn coi tự do, dân chủ là nền tảng của sự mưu tìm hạnh phúc cho con người .
Bức tượng trong khu vườn Tàu hôm nọ tôi không biết là ai thì hôm nay đọc chú thích biết đó là tượng của Tôn Dật Tiên, cha đẻ của nền cộng hoà Trung quốc . Tôn Dật Tiên được cả Tàu cộng và Trung Hoa dân quốc tôn kính, nên tôi nghĩ nó không gây vấn đề đối với dân lục địa hay Đài Loan tới đây, chứ nếu mà dựng tượng của Tưởng Giới Thạch hay Mao Trạch Đông thì chắc khó mà yên! Tượng ông Tôn này cũng có một cái ở khu Chinatown, Los Angeles. Ở phi trường Honolulu, ông được ai đó đeo cho một chuỗi kukui!
Vậy là chấm dứt một chuyến đi chơi. Nếu ai có hỏi tôi có tính đi lại Hawaii hay không, tôi hơi ngần ngừ, thế giới còn quá nhiều nơi tôi chưa đến, ..