Tặng Hoa Bằng Lời
Lê Mộng Nguyên
''Gió Xoay Chiều''
Của Việt Dương Nhân
Hay là thuyết nhân quả luân hồi làm châm ngôn cho một tập truyện tình thanh khiết
Cách đây hơn hai năm và nhân dịp giới thiệu nhà thơ Việt Dương Nhân cho độc giả báo Nghệ Thuật (số 65, tháng 8-1999) qua hai thi tập ‘’Bốn Phương Chìm Nổi’’ và ‘’Cát Bụi’’, tôi... không muốn phân tích dài dòng tác phẩm BPCN (để được nói nhiều về CB) vì dù muốn dù không tập thơ đầu tay của VDN là một thành công đẹp đẽ. Áp dụng nhiều thể (lục bát, thất ngôn hay tự do), bài nào cũng hay, bài nào cũng vần điệu đáp đúng với tâm hồn, ngay những câu không có vần có điệu chút nào cũng hay vì phản ảnh thật tình, làm người đọc xúc cảm như chung sống với số phận khổ đau của tác giả. Tương tự thơ của Nguyễn Du (theo Trần Trọng Kim) ‘’bài nào cũng ngụ cái ý buồn rầu, thật là Rằng hay thì thực là hay, Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào !’’. Cùng ấp ủ một ý niệm nhưng với những kết cục phần đông đượm màu hạnh phúc tương phùng nghĩa là có hậu, tập truyện GIÓ XOAY CHIỀU (Trình bày : Nguyễn Huê Hùng, Kỹ thuật : Phạm Thị Tửu, Hình bìa sau : Bùi Văn Nhẫm, Tranh bìa trước : Nhân Anh, Tranh phụ bản : Vi Vi, Xuất bản : Nguyên Việt, Paris 2001, 248 trang, Tổng phát hành : nhà sách Nam Á, 44 avenue d’Ivry, Paris 13), gồm tất cả -ngoài bài Tựa Tô Vũ - 13 truyện đã đăng rải rác trên nhiều tạp chí VN hải ngoại như Ngày Mới, Nghệ Thuật, Sóng Thần, Đại Chúng, Thế Kỷ 21, Hồn Quê vân vân. Truyện ‘’Gió Xoay Chiều’’ (mà cũng là tên của tập truyện) chẳng hạn sáng tác năm 1977 chỉ vừa mới được đăng trên báo Ngày Mới cách đây hai năm trong hai số nối tiếp 31 (tháng 9-10) và 32 (tháng 11-12) năm 1999, nghĩa là 22 năm sau khi viết ! Từ một điển hình trong truyện GXC, nhà văn Tô Vũ cho ta biết rằng ‘’Câu chuyện đưa đến một kết luận đạo nghĩa mà trong tập thơ BPCN tác giả đã nhiều lần bộc lộ đến sự tin tưởng vào đạo pháp nhiệm mầu... ‘’
Thật ra, theo thiển nghĩ của tôi, tập truyện Gió Xoay Chiều rất đượm màu triết lý Phật giáo và thuyết nhân quả luân hồi : ‘’Giọt Nắng Xuân’’ chẳng hạn đã làm tôi cảm động mắt rưng rưng. Bà Thanh An, 60 tuổi, thất nghiệp, ở một mình tại Paris đã từ lâu , trong một căn nhà cũ kỹ thuộc ‘’Xóm Nghèo’’ Quận... Một điện thoại bất ngờ từ Houston (Hoa Kỳ) trong dịp sắp Tết VN ở Âu Châu, làm bà hồi tưởng lại quá khứ... Đầu thập niên 1970 và những năm kế tiếp, Nguyễn Thị Thanh An, một thiếu phụ khoảng chừng 25 tuổi, vợ của một người Pháp khá giả, sống trong hạnh phúc với gia đình tại Saigon, có Dì Ba là người nấu bếp, nhưng bà Sáu Thiện mẹ của nàng muốn đuổi Dì Ba cho nên Thanh An đã lạy lục xin mẹ cho ở lại vì Dì cần tiền để nuôi con ăn học. Lúc Dì Ba đau nặng (bị trúng thực), Thanh An là bà chủ, đã không ngần ngại lo lắng đem lên nhà thương cứu chữa và đài thọ tiền nong tất cả. Người con trai của dì Ba là Ân về thăm mẹ mỗi tuần, chỉ biết cảm ơn lòng vị tha của bà chủ của mẹ mình. Sau biến cố 1975, gia đình VN ly tán, Thanh An theo chồng trở lại Pháp (tôi xin trích) : Một thời gian gần mười năm sau. Gia đình Thanh An tan rã, nàng ráng làm lụng nuôi hai con. Bây giờ Nhàn và Nhã đã lớn khôn. Mỗi đứa ra ở riêng. Còn Dì Ba thì chồng đã chết. Ân, đứa con trai của bà cố gắng học hành và đậu được bằng cấp tiến sĩ kinh tế - xã hội. Mãi đến một thời gian thật dài sau đó mới được người bảo lãnh sang Hoa Kỳ sinh sống (tr. 71). Cái điện thoại vừa rồi là do Ân, con của dì Ba. Sau nhiều năm tìm kiếm, chàng được biết địa chỉ của bà Thanh An với ý nguyện đền đáp ơn xưa bằng cách mở tại Paris một cơ sở nhỏ để giao cho vị ân nhân ngày xưa làm quản lý : Tết năm ấy bà Thanh An có việc làm, bà mừng như hứng được Giọt Nắng Xuân chiếu vào trong cơn lạnh lùng của mùa đông Âu Châu (Ce Nouvel An-là, Madame Thanh An avait un travail régulier. Elle était heureuse comme si elle avait reçu de jolies ‘’Gouttes de Soleil printanier’’, qui brilleraient dans le froid de l’hiver européen). Để kết thúc, tác giả cống hiến chúng ta 8 câu thơ tóm tắt lại triết lý của truyện Giọt Nắng Xuân mà cũng là cả tập truyện GIÓ XOAY CHIỀU :
Địa cầu nhỏ xíu đấy thôi
Lòng người lớn rộng đất trời nào hơn
Thời gian lòng dạ chẳng sờn
Nghĩa tình chồng chất như sơn cao vời
Thánh hiền để lại mấy lời :
Ráng ăn ở phải, Phật Trời thưởng ban
Phật rằng : có Quả, có Nhân
Cây nào trái đó, định phân rõ ràng
‘’Sự ngẫu nhiên làm cho nhiều việc được giải quyết dễ dàng’’ (Le hasard fait bien les choses). Câu ngạn ngữ này đã làm nòng cốt cho nhiều câu chuyện trong tập GXC. Ta lấy một tỉ dụ trong ‘’Lá Rơi Về Cội’’ : Khanh (có vợ và hai con,Tuấn 20 tuổi và Tú 17) từ Mỹ về thăm nhà một mình sau 18 năm xa cách (1993) kể từ biến cố 1975, tình cờ gặp Hải Lệ, 18 tuổi, làm kiều nữ đấm bóp trong khách sạn Majestic chàng trú ngụ tại Saigon. Cô gái đẹp này chính là con gái của chàng, kết quả một cuộc tình duyên ngắn ngủi với Tím (mẹ của Hải Lệ). Nhưng Tím đau tim nặng, được tin này thì qua đời vì quá xúc động nhưng sung sướng biết từ nay Hải Lệ sẽ có người nâng đỡ. Chàng trở lại Mỹ sau khi làm xong thủ tục cho con gái riêng của mình được chính thức qua Hoa Kỳ. Về nhà ở đây, chàng lúc đầu gặp sự chống đối của Hoa (50 tuổi) là phu nhân của Khanh. Hai đứa đã làm quen với nhau tại đảo Guam. Nhưng sau khi được biết (qua điện thoại của Hải Lệ từ VN báo tin ngày cô rời VN) Hải Lệ là cháu của cậu Hai Mầu, người tình bạc bội xa xưa của Hoa, đã bỏ Hoa với một đứa con (2 tuổi khi nàng gặp Khanh) : bây giờ Tuấn được 20 tuổi mà Khanh luôn xem như con chính thức của mình. Bà Hoa đột nhiên trở thành vui vẻ công nhận tất cả dự định tương lai của Khanh và nhân dịp đó những bí mật nguồn gốc cuộc đời riêng tư của hai người đều phát lộ ra cho con cái biết tất cả. Ngày Hải Lệ đến Hoa Kỳ (tôi xin trích) :Cả gia đình Khanh kéo lên phi trường đón Hải Lệ về nhà. Kể từ đó, Hải Lệ như chiếc LÁ RƠI VỀ Cội, được hưởng tràn đầy tình thương yêu của mọi người trong một gia đình ấm cúng (tr. 29). Tác giả tự hỏi : Không biết có phải nhân loại là đào kép hát mà ông trời vẽ vời tuồng tích đặt cho mỗi người một vai để đóng tuồng trên sân khấu đời này chăng ? (tr. 28). Chúng ta biết ông trời đây là VDN và nàng đã sắp đặt một cách khéo léo những tình tiết của ‘’bản kịch’’ để cho truyện của mình có thể kết cục trong thỏa mãn của tình người, tình đời và luân lý đạo đức.
Truyện ‘’Kiếp Bơ Vơ’’ làm tôi nghĩ đến tiểu thuyết ‘’Bỉ Vỏ’’ của Nguyên Hồng, được giải thưởng phóng sự tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn năm 1937 : Một quyển tiểu thuyết về đời trụy lạc của bọn ăn cắp, nhưng có một tính cách nửa tâm lý, nửa xã hội, làm cho người đọc phải suy nghĩ và cảm động (Vũ Ngọc Phan, Nhà Văn Hiện Đại, Quyển 5, tr. 1138)... Đỉnh (trong truyện của VDN), không thuộc bọn ăn cắp, chỉ có tội là bồ côi cha mẹ, phải làm ‘’đày tớ’’ lúc 12 tuổi cho bà Phủ M. là một bà chủ rất độc ác. May mắn một hôm Đỉnh được trốn ra khỏi nhà và từ đấy trở thành em bé ‘’bụi đời’’ (poussière de vie) : ... lang thang chợ này đến chợ kia. Khát thì uống nước bông-tên, đói thì xin những tô bún dư, bánh bèo, bánh tằm của người ta ăn thừa hoặc tới mấy đống rác tìm đồ ăn trong đó... (tr. 104). Một hôm Đỉnh được Hồng (một cô gái 15, 16 tuổi, cũng mồ côi như em nhưng may mắn được gia đình bác nuôi cho ăn ở và đi học). Hồng thấy em đang moi đống rác, bèn chia bánh mì với Đỉnh và còn cho em 10 đồng... Mấy năm sau, Hồng đang buồn bã ngồi trong một tiệm cà phê (vì người yêu vừa mất nơi chiến trường) thì có một chàng trai trẻ tiến đến hỏi thăm sức khỏe và cho biết chàng chính là thằng nhỏ hồi xưa đã được nàng ân cần giúp đỡ.
Đỉnh bây giờ là một Thương-Phế-Binh, có bàn chân trái giả : ... Suốt bao nhiêu năm em không bao giờ quên khúc bánh mì và mười đồng của chị chia cho em. Lúc đó bánh mì của chị là một bữa ăn ngon nhứt đời em ! (tr. 108). Hai người chia tay và qua mấy tuần lễ sau, Hồng muốn gặp lại Đỉnh vì nàng ... luôn nghĩ đến Đỉnh và nghe trong lòng như vương vấn một hình ảnh nào đó... (tr. 109), nàng vội lấy xe Honda đàn bà đi thẳng ngay lên xóm Ngã-Ba-Ông Tạ : Đỉnh nằm trên võng tòn teo, ở trần chỉ mặc quần xà lỏn. Bỗng nghe tiếng con gái gọi. Đỉnh lật đật ngồi dậy, xỏ cái quần dài vô và trả lời :
- Có ! Ai đó ?
- Người quen mà !
Đỉnh đi cà nhắt, đưa tay xô cánh cửa qua một bên. Cậu giựt mình, kêu lên :
- Trời ơi ! Chị... chị Hồng... ? ? ?.
Chuyện này rất giản dị nhưng làm ta xúc động, nhớ nhung và yêu đời thêm một chút vì kết cục dễ thương, dịu dàng. Đó là biệt tài của tác giả, đánh 3 dấu hỏi để chấm hết, làm cho mỗi một độc giả chúng ta phải tự hỏi không biết 2 người sẽ thành tình nhân hoặc ngay cả vợ chồng ?
Trong ‘’Xóa Hận Thù Riêng’’, cái ghen của Lệ, một người đàn bà bị bạn là Loan cướp chồng, có thể so sánh với cái ghen của Hoạn Thư trong Kim Vân Kiều hay của Phèdre trong bi kịch cùng tên của Racine (1677) :... Một sự mưu mô, phản phúc thật quá phũ phàng kia. Lệ như người điên loạn, trong đầu nàng chỉ muốn đi giết Loan. Nhưng Lệ tự cố trấn an, để thu xếp và tìm kế hoạch thanh toán Loan. Tất cả bạn bè đôi bên ai ai cũng đều nghĩ rằng là Lệ sẽ giết Loan... (tr. 218) Trong cơn giận dữ, làm tâm hồn của Lệ như bão giông, sấm sét. Đôi mắt của nàng lúc nào cũng trừng trừng như đang bốc cháy đầy lửa căm thù. (tr. 219). Nhưng sau khi nói chuyện trong điện thoại với Thầy Thích MT và đã đọc sách Kinh Phật Thầy gửi đến cho Lệ, nàng sám hối thật tâm và từ đó... : Lệ xóa được mối hận thù rất nặng nề đã nằm trong lòng nàng bấy lâu nay (tr. 225) và như Tô Vũ đã viết (tr.8, Tựa), nàng ‘’... đã được ánh sáng của đạo giáo cứu giúp để nhìn thấy con đường cởi mở của xóa bỏ hận thù, tha thứ cho kẻ đã làm tan nát hạnh phúc gia đình của mình, để tìm thấy một niềm thanh thản cho tâm hồn, một bình yên trong cõi sống‘’. Tôi không biết chuyện này là truyện do óc tưởng tượng của tác giả hay là tự truyện, nhưng một điều chắc chắn là VDN phải là một người thiếu phụ đã từng sống trong cuộc đời này một cách tận cùng mới có thể tả những nhân vật một cách tinh vi và thực tế như nàng đã làm trong tất cả những 13 truyện của tập GIÓ XOAY CHIỀU. Trong truyện ‘’Gió Xoay Chiều’’ (tr. 111-135), một truyện ngắn khá dài : sau khi chồng mất, Linh buồn rầu lao vào cuộc đời ăn chơi, hộp đêm này đến hộp đêm khác, và tình cờ gặp lại Lý (gốc Ý-Đại-Lợi), một người tình xưa gặp gỡ trong khu Champs-Élysées. Hai người quyết định lần này chung sống tại nhà Linh, với hai đứa con trai Thiên (14 tuổi) và gái, Kiều (12 tuổi) của riêng nàng. Lẽ dĩ nhiên là sự đụng chạm giữa cha ghẻ và con ghẻ càng ngày càng làm cho Linh đau khổ vì lòng xé nát giữa tình yêu và tình mẹ con. Lý xài tiền và hay đi vắng nhiều đêm không trở lại nhà. Một hôm ông trở về đòi Linh phải đưa cho ông ta 50 nghìn quan. Linh không chịu : - Anh đã làm em khổ mấy tháng nay. Và hôm nay, anh muốn làm khổ em nữa sao ? Tình của anh đối với em như vầy sao ? Lý đểu giả trả lời : - Tôi không có tình nghĩa gì với cô hết ! Cô không biết cô đã già lắm rồi sao ? Trông vô gương đi, cô sẽ thấy lời tôi nói không sai. (tr. 129) Sau đó, là những cảnh hai người chửi bới nhau, dọa nạt nhau và Thiên, đứa con lớn của Linh có hận thù cha ghẻ. Một hôm không còn tự chủ nữa, người con trai của Linh đã cầm dao giết người cha ghẻ tồi bại. Lúc Linh và Kiều trở về nhà thì quá chậm, người mẹ đã không do dự giựt dao từ tay con để nhận chịu trước pháp luật mọi tội lỗi. Thiên không chịu : - Việc này do con làm. Con nhận tội, mẹ không có trách nhiệm gì trong vụ án mạng này. Mẹ đừng để GIÓ XOAY CHIỀU (tr. 134), nhưng sau đó không dám cãi lời mẹ vì : Con còn nhỏ, tương lai con còn dài, còn phải đi học hành. Mẹ đã già, chắc họ sẽ không kêu án nặng đâu ! (tr. 134) ... Kết luận : Ra khỏi tù, Linh chán ngán cảnh đời, chán luôn những sự yêu đương tình tiết, Linh để hết thì giờ lo cho Thiên và Kiều. Và nàng nhìn đời trôi chảy như những dòng nước ngược (tr. 135).
‘’Bóng Mờ Dĩ Vãng’’ nhắc nhở cho tôi nhiều kỷ niệm êm đẹp : Hân một thiếu phụ góa bụa, trong cảnh túng thiếu phải ‘’bán’’ bé Hữu làm con nuôi ông Thiện là chủ tiệm uống tóc Mỹ Thiện, chỉ giữ lại bé Hạnh (con gái) với nàng, và với điều kiện là lúc Hữu được 18 tuổi ông Thiện phải cho con nuôi biết sự thật. Sau này, Hân tái giá với Minh là người chồng mới đã có riêng một con gái tên Tâm. Mười lăm năm sau, gia đình Hân-Minh-Tâm-Hạnh dọn lên Saigon và làm ăn khá giả. Một chiều 29 Tết, Hân thấy hai cô gái Tâm và Hạnh đang cưòi giỡn với một cậu trai tên là Đức. Đó là Hữu con của nàng mà ông Thiện gặp gỡ lại Hân đã không ngần ngại cho Đức biết sự thật. Hai gia đình từ đó liên lạc mật thiết và cuối cùng cha mẹ đôi bên bằng lòng cho Tâm và Đức sau này sẽ kết hôn với nhau. Năm 1986, hai gia đình cùng nhau vượt biển và được Tàu Đảo Ánh Sáng vớt qua cư ngụ tại Pháp
Kiếp người ai đã hơn ai ?
Sang hèn đều nếm đắng cay cõi đời
Bóng mờ dĩ vãng xa vời
Bây giờ hiện rõ giữa trời cuối thu (tr. 210).
Tôi không muốn lạm dụng thì giờ của độc giả bằng cách trình bày tóm tắt với cảm nghĩ sơ suất của tôi đối với tất cả 13 truyện mà VDN đã viết với lối văn lưu loát và mạnh dạn (với rất nhiều đối thoại ưu tiên) trong tập GIÓ XOAY CHIỀU, nhưng có một truyện khá hóm hỉnh (mà cũng là truyện cuối của sách) với nhan đề ‘’Lá Vàng Lóng Lánh’’ (tr. 235-248) chúng ta cần biết : Hương ngụ tại Paris Quận 13 trong một căn nhà nhỏ, gặp lại Phấn (một người bạn xưa) lên chơi kinh đô Ánh Sáng. Hai người đàn bà khoảng chừng 50, có ý định đi ăn tối tại Restaurant của Hôtel Palace de Crillon (rất đắt tiền), công trường Concorde. Trước đó, hai cô đi dạo chơi Paris thì tình cờ gặp Hải và Hồ là hai người bạn xưa cùng trạc tuổi tới Paris chơi và ở Khách sạn Bá Tước... Bắt đầu từ giây phút ấy bốn người thân thiết rủ nhau đi ăn kem ở Lầu Montparnasse rồi ăn tối tại Hôtel Palace de Crillon và để kết thúc đi hộp đêm Cabaret La-Rose-de-Nuit ở Champs-Elysées. (Ils ont fait d’abord la tournée des cafés-restaurants avant de faire la tournée des grands-ducs à Paris, aux frais des deux hommes, bien évidemment) ... Vào toilette Phấn hỏi nhỏ Hương : - Ê ! Tụi mình về nhà hay về... với mấy anh này ? Kết cục như sau : Hương - Phấn- Hải- Hồ, cả bốn người thả bộ đi lòng vòng. Rồi sau đó, họ đến lấy xe trực chỉ chạy trở về quận 13... ??? (tr. 248).
Để chấm dứt và nói một cách tổng quát, nhà thơ VDN, sau khi được nhiều kết quả êm đẹp trong làng thơ với hai tác phẩm Bốn Phương Chìm Nổi và Cát Bụi (ta có thể nói) đã đạt mục đích trở thành văn sĩ với tập truyện đầu tay dưới một nhan đề hơi bí ẩn (enigmatique) mà ngay câu trả lời của Thiên cho mẹ (đã trích trên) sau khi giết cha ghẻ :‘’Việc này do con làm. Con nhận tội, mẹ không có trách nhiệm gì trong vụ án mạng này. Mẹ đừng để GIÓ XOAY CHIỀU’’, cũng không cho ta một ánh sáng mới nào để khám phá cái linh hồn thật huyền vi của nhà văn thi sĩ Việt Dương Nhân.
Lê Mộng Nguyên (Paris)
(Đăng Nguyệt San Nghệ Thuật Montréal 12/2001)