Rank: Advanced Member
Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 18,432 Points: 19,233 Location: Golden State, USA Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
|
6/15/2005 Nén hương muộn cho Ngọc Lan
Ca sĩ Ngọc Lan tức LTK Lê Thị Thanh Lan (khóa 1968-1975) đã lìa đàn ngày 06 tháng 03 năm 2001. Năm nay là năm giỗ thứ tư của bạn. Bài viết này như một nén hương thắp muộn để tưởng nhớ đến bạn, người ca sĩ tài hoa yểu mệnh. (Viết lại từ bài đã đăng trong nhật báo Thời Luận tháng 3/2001 và bán nguyệt san Trẻ tháng 3/2002 vì cần hiệu đính lại một số chi tiết do thời gian đã làm người viết không còn nhớ chính xác) “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng, Bất hứa nhân gian kiến bạc đầu.” Trong chiếc áo tứ thân, thắt khăn mỏ quạ, cô gái Việt vung đuốc thiêu cháy hai tên lính nhà Minh trong khi tiếng hò reo man rợ của toán quân xâm lược đang tiến dần đến quán nghèo. Cô mỉm cười kiêu hãnh trước khi dâng cao ngọn đuốc thiêng tự đốt thân mình. Đèn tắt dần chỉ còn một vầng sáng nhỏ tụ trên thân người con gái nước Nam. Ánh lửa vẫn còn hoà theo tiếng hát từ trong hậu trường: “Hừng hực, hừng hực, lửa trong tim ta, Lửa nấu nung bao triệu con người, Lửa từ trên quê hương đổ nát Lửa từ trong bao nỗi hờn căm…” Đó là năm 1973, khi cả quê hương còn ngùn ngụt trong khói lưả, khi dọc đường số 1 từng đoàn người tơi tả chạy trốn bọn giặc thù hung bạo. Liên đoàn sinh viên học sinh bảo vệ hậu phương được thành lập và để giới thiệu Liên Đoàn, một cuộc thi văn nghệ được tổ chức năm 1973 cho tất cả các trường trung học khu Sài gòn - Gia Định. Trên sân khấu của Trung Tâm Sinh Hoạt Thanh Niên, cả hội trường xúc động khi thưởng thức màn nhạc kịch “Ả đào giết giặc”, vở nhạc kịch đoạt giải nhất trong kỳ thi văn nghệ của Liên Đoàn Sinh Viên Học Sinh Bảo Vệ Hậu Phương khu Sài Gòn - Gia Định cùng màn múa “Dòng Sông Hát”. Vở nhạc kịch do đoàn văn nghệ của trường Trung Học Tổng Hợp Lý Thường Kiệt trình diễn, một ngôi trường mà cái tên vẫn còn quá là xa lạ đối với dân thủ đô Sài gòn. Không nổi tiếng từ miền Bắc như truờng Bưởi Chu Văn An, không có một bài hát tình tứ, lãng mạn nào viết về trường như Trưng Vương, không có chiếc áo tím kiêu kỳ của Gia Long nhưng ngôi trường nhỏ bé tại một quận ngoại ô của Sài gòn là nơi khai sinh ra những tiếng hát mà người Việt hải ngoại đều biết tiếng của Du Ca Chi Bảo Diễm Chi, của một Bác Sĩ với giọng Soprano cao vút Bích Liên và tiếng hát trong như ngọc, dịu êm như dòng suối nhỏ Ngọc Lan. Vâng chính bạn, ca sĩ Ngọc Lan, khi bạn còn mang tên Lê Thị Thanh Lan, cô học sinh bé bỏng đóng vai “ả đào giết giặc” lúc bạn còn là cô học sinh lớp 11B1 của trường Trung Học Tổng Hợp Lý Thường Kiệt. Bọn tôi không thể nào quên được thầy giám học Phạm Đình Huy, “hung thần” của đám tiểu yêu chúng mình đã biến thành một con người khác hẳn, rất nghệ sĩ khi chỉ bảo cho bạn cách ngâm sa mạc “Bà Trưng quê ở châu Phong…” dẫn nhập cho màn múa “Dòng sông Hát” (thầy nay cũng đã vĩnh biệt chúng ta). Bạn biết ngâm thơ, bạn diễn rất ăn đèn, bạn hát hay, bạn tập múa, bạn đóng kịch, bạn đã trở thành bông hoa quí của ban văn nghệ nhà trường. Thầy Lê Hoàng Long, tác giả của tình khúc bất hủ “Gợi giấc mơ xưa” phải gật gù khen “con bé hát và đóng khéo thật”. Bạn còn nhớ không, thầy rất “hà tiện” lời khen và khó có ai có thể hưởng được điểm cao hơn 15/20 trong giờ nhạc của thầy. “Sổ toẹt”, “hát như bò đái đêm” là những câu mà bọn mình thường được thầy “khen” nhiều nhất. Năm 1975 cả bầy chim tan tác lìa đàn mà không kịp một lời tạm biệt. Thầy trò ngơ ngác nhìn nhau, nghi hoặc đã tràn đầy trong lớp học. Bạn cũng như bọn tôi bị tung vào cơn mê hoảng đó. Một vài lần chỉ nghe bạn bè nói bạn đang hát cho quận Gò Vấp, mà bạn ơi tôi biết bạn làm sao mà hát cho được khi cả nước chỉ toàn là loại một loại nhạc ca tụng cho loài bò sát. Đó là năm 1979, 4 năm sau cơn hồng thủy, chập choạng trở về từ trại tù Bến Tre, tôi lêu bêu giữa Sài gòn lang thang lếch thếch với thân phận không hộ khẩu, không một miếng giấy giắt lưng đi dự đám tang của thân phụ NguyễnThanh Nhàn. Bạn chắc còn nhớ nó chứ, cái thằng thật “lý tưởng”, nó lao đầu”tham gia cách mạng” sau ngày 30 tháng 04 với tất cả trái tim đầy nhiệt huyết của tuổi thanh xuân, trở thành sĩ quan công an của thành phố và vẫn là thằng bạn đúng nghĩa khi nói nhỏ với tôi:”mày tính gì tao không cần biết nhưng thôi mày đi được thì đi đi, ở lại đây không khá được đâu”. Bên chung rượu chia buồn nó nhắc đến bạn và phán một câu:”Tao mới gặp lại T.Lan, nàng vẫn đẹp “man dại” như ngày nào”. Bạn biết nó mà, cái thằng luôn luôn dùng chữ lớn nhưng cả bọn gật gù khen nó nói khá chính xác. Cuộc đổi đời không làm bạn mất phần hương sắc mà hình như làm bạn trưởng thành hơn. Vài ngày sau bất ngờ tôi chợt thấy bạn tại một cửa hàng vật liệu xây dựng tại đường Lê Thánh Tôn. Muốn gặp nhưng tôi ngại ngùng vì nhìn lại thấy thân mình tơi tả quá, vả lại tôi không biết sẽ bị tóm cổ lại bất cứ lúc nào, gặp bạn sợ nhiều khi bạn kẹt. Tôi đã rời hẳn Tr.Ch sống lang thang tại SG sau khi bị mấy con chó săn dẫn chủ mới kiếm tôi. Chỉ mới có 4 năm thôi mà thấy trong ta chẳng còn hình bóng con người. Sao lại có cuộc đời khổ đến thế, cái cuộc đời làm cho người lại sợ người. Cuối năm 1980, vượt thoát khỏi cái nhà tù khổng lồ để đến được trại tỵ nạn Leamsing, Thái Lan nghe đám nhỏ Lý Thường Kiệt nói bạn mới rời trại. 1982 gặp Nguyễn Quang Thắng ở Little Saigon kể lại hắn có gặp bạn, nhưng chẳng biết bạn ở đâu mà tìm. Miếng cơm manh áo lo thân, vài tháng một thùng quà gửi về Việt Nam giúp gia đình đã làm tôi chóng mặt và quên bẵng việc đi tìm bạn. Đó là năm 1984, trong một đêm khi đang loay hoay trong công việc assembly với chồng PC Board chán nản đến lạnh người, tôi thoáng nghe thấy một giọng hát rất quen thuộc từ máy cassette của người làm bên cạnh. Hỏi ra mới biết là băng nhạc Dạ Lan và giọng hát đó là tiếng hát mới Ngọc Lan, chẳng lẽ nào…. Tôi giành ngay vỏ băng cassette nhìn hình và nhận ngay ra, bạn đây chứ ai, vẫn hình dáng đó, bạn trông có vẻ già dặn hơn trước, chắc có lẽ vì ở trong tôi chỉ có mỗi hình dáng của bạn trong những năm 70. Nhưng bạn vẫn đẹp, vẫn xinh và giọng hát của bạn điêu luyện hơn xưa nhiều giống như quả đã chín mùi, như loài hoa bắt đầu nở trọn vẹn với đầy đủ hương sắc nồng thơm nhất. Bạn ơi làm sao tôi quên tiếng hát của bạn cho được. 7 năm dài làm bạn bè, 7 năm nghe bạn hát rồi rồi tập hát chung với bạn làm sao tôi lầm được. Nghe bạn hát mà tôi tưởng chừng như đang trở về sống lại những năm 1972, 1973, 1974 với bao lần sinh hoạt văn nghệ, uống si rô chanh ở quán bác Phượng, nguyên một đám cúp cua đi bẻ dâu hay ăn măng cụt ở Nhị Bình, một lũ học trò ướt như chuột vì trời mưa, ca hát hồn nhiên tại nhà thờ và trung tâm câm điếc Lái Thiêu. Tôi bỗng quên hết những nỗi nhọc nhằn của kiếp cu li, quên luôn bản mặt đáng ghét của thằng xếp đang hằn học nhìn tôi (vì chưa bao giờ tôi cho hắn thưởng thức được một nụ cười thân thiện). Vẫn nhớ hình ảnh bạn say sưa hát với tiếng đàn của Minh Trần và Minh Võ lần họp mặt cuối cùng tại nhà Phạm Văn Trí, cái thằng trưởng lớp sao mà cục mịch, lành như hòn đất. Nhớ lần tiễn biệt Nguyễn Văn Lợi và Lê văn Hiến lên đường nhập ngũ (tiễn biệt mà cũng là vĩnh biệt vì cả Lê Văn Hiến lẫn Phạm Văn Trí đã bỏ cuộc chơi sớm nhất, một trước một sau vì cuộc chiến). Nhớ mãi lần chia tay đó và đó cũng là lần đầu đời tôi nâng ly đế để say với bọn con trai, ly đế oan khiên đã đeo đuổi theo tôi đến giờ này như một nghiệp chướng oan khiên. Lần bạn lên sân khấu ở Trung Tâm Sinh Hoạt Thanh Niên, thấy cô Bích Thủy ra tay “son phấn” cho bạn, tôi ước gì mình có khả năng làm thơ nhanh và hay như thằng Hoàng con để sáng tác vài bài tặng bạn. Bạn xinh và dễ thương quá đi thôi. Bạn lúc nào cũng hát nhạc buồn dù bạn rất vui. Bạn hát hay và cũng hay hát, bạn không bao giờ e ngại khi bị bắt thăm hay bị chỉ định phải hát, có lẽ cái nghiệp dĩ làm ca sĩ của bạn đã định sẵn cho bạn từ những ngày còn niên thiếu. Bạn xinh xắn và dễ thương như múi bưởi Bà Điểm, chua ḍiu mà không the, càng ăn càng thấy phê và càng muốn ăn thêm. Bạn cắt tóc demi-garcon, bạn nhõng nhẽo vì bạn hay được bọn tôi chiều, bạn mít ướt vì bọn tôi hay chọc bạn khóc và bạn cũng là nguyên nhân mà khối thằng trong bọn tôi hờn giận nhau vì thấy bạn có vẻ thân hơn với một thằng nào đó. Khi bạn đi học về trên chiếc xe dame đỏ, bạn đã trở thành cái đầu cho một lũ chúng tôi chạy theo làm đuôi rồi tập tành hát bản em tan trường về. Bạn cũng là đầu dây mối nhợ cho khối thằng tập uống cà phê đen, tập hút thuốc Capstan và bắt đầu trở thành thi sĩ với những dòng thơ vụng dại nhất. Đó là năm 1986, khi tôi chập chững lao đầu bon chen vào cõi Bolsa ở chỗ mà thiên hạ xưng tụng là Sài gòn nhỏ, qua quảng cáo trên báo bạn gọi điện thoại giới thiệu tôi với nhà văn Nguyên Sa và tôi hãnh diện khi trả lời Thầy: “Dạ Ngọc Lan là bạn em, dạ bạn từ lúc còn nhỏ”. Ôi bạn làm tôi hãnh diện quá, nhưng chính vì cuộc bon chen mà tôi đã lỡ bao nhiêu cơ hội để gặp lại bạn. 21 năm trên đất khách, nếu có một lần tôi phải nhìn nhận cho 1 lần hối hận, cho một việc mình nên hoặc phải làm …có lẽ đó là cơ hội để gặp lại bạn mà tôi không biết đã để lỡ bao nhiêu lần. Đó là mùa xuân năm 1990, tôi trở về thăm quê, tạt qua ngôi trường cũ, đứng lặng người trước ngôi đình Thới Tam Thôn và càng nhớ bạn bè nhiều hơn. Tại nhà Võ Công Minh ở Việt Nam, băng văn nghệ bọn mình hình như đến đủ mặt hết. Các anh chồng, các bà vợ đều rất lịch sự di tản ra chỗ khác khi thấy bọn chúng tôi đang trở lại thành những cô cậu học sinh thời trung học dù chỉ một lần thôi. Bác Sĩ Võ Công Minh hí hửng nói nhỏ với tôi: “Đã quá hé mày! Mẹ kiếp chờ mười mấy năm mới có người gọi tao bằng mày mà mình lại khoái”. Bọn tôi vẫn vỗ tay hát chung bản nối vòng tay lớn trước khi nhập tiệc như ngày nào còn có bạn. Ai cũng hỏi thăm tôi về bạn, mà đau một nỗi tôi chẳng biết gì để nói ngoại trừ ậm ừ một vài câu: “ừ có nói chuyện điện thoại một hai lần, T. Lan thành công lắm”. Bạn bè đã trách tôi sao không lui tới thăm viếng nhau khi băng bọn mình chẳng có mấy người ở bên đó. Tôi biết trả lời sao đây, đã hơn một lần chỉ vì một câu :” Ngọc Lan hả, dạ bạn tôi đó.” tôi bị dè bỉu vì thiên hạ cho rằng tôi thấy người sang bắt quàng làm họ. Bạn đâu còn là tiếng hát riêng của bọn tôi nưã, con chim phượng đã vút cánh cất cao tiếng hát cho những người Việt Nam yêu âm nhạc. Cuối tiệc, cuốn video của bạn đã được chiếu đi chiếu lại vài lần, bạn ôi nếu bạn thấy được cả bọn chúng tôi rưng lệ vì mừng cho sự thành công của bạn và phải chi bạn thấy được sự sửng sốt của Mỹ Tiên, Bích Nga, Trịnh Thị Sương, Đinh Phương Lan, Thanh “xã xệ”… bạn mới thấy bạn bè thương bạn và hãnh diện vì bạn đến chừng nào. Bao lời hỏi thăm nhắn nhủ đến bạn, tôi cũng một lần nữa đã để trôi qua.
Đó là năm 1998, nghe thiên hạ đồn toàn tin dữ về bạn, nào điện thoại nào email, bạn bè hỏi tôi tới tấp vì ai cũng nghĩ tôi có máu mê văn nghệ, tôi lại sinh sống trong cái quĩ đạo bon chen, gặp gỡ nhiều chức sắc trong làng văn nghệ nên tôi là người có cơ hội gặp bạn nhiều nhất. Nào ngờ tôi chạy hỏi tứ tung kể cả email cho bạn nhưng không thấy trả lời và cuối cùng tôi vẫn không có một tin chính xác nào về bạn. Cái tính đểnh đoảng của tôi đã hại tôi nhiều thứ, số điện thoại của bạn tôi chẳng biết để lạc nơi nào sau mấy lần dời nhà đổi cửa. Khi vợ chồng bạn được anh Nam Lộc phỏng vấn trên truyền hình tôi lại một lần lỡ cơ hội để xem bạn nói chuyện. Nhưng nghe thuật lại, anh Khoa chồng bạn nói bạn chỉ bị giảm thị giác lòng cũng thấy mừng. Đau đớn thay khi sáng thứ Bảy 10 tháng 3 vừa qua tôi được xem lại đoạn phỏng vấn này cũng chính là lúc gần 2000 người đang tiễn đưa bạn về nơi an nghỉ ngàn thu. Trời ơi sao lúc nào tôi cũng là người nhận tin trễ. Nhớ lại năm ngoái, một người bạn thân đưa xem cuốn video và nói coi Ngọc Lan kìa, vẫn giọng hát đó, vẫn dáng hình đó nhưng khi bạn di chuyển trên sân khấu lúc nào cũng được đưa dắt bởi hai vũ công chuyên nghiệp. Linh tính đã cho tôi biết , chắc là bạn bị bệnh thật rồi. Cặp mắt linh hoạt với cách nhìn sâu tận lòng người của ngày nào hình như đã không còn hồn nữa. Tôi thấy lòng bỗng quặn đau. Mùng 7 tháng 03 năm 2001, khi tôi đang uống tách cà phê buổi sáng, chợt thấy hình bạn trên báo Người Việt, chưa đọc nhưng tôi linh cảm ngay chắc chẳng phải là tin vui. Sau khi đọc xong, tôi sững sờ. Trở về sở, tôi hốt hoảng, thẫn thờ đến nỗi việc thông báo cho bè bạn ở xa tôi cũng không còn làm được. Phone của tôi reo cả một ngày vì bạn bè bốn phương tới tấp hỏi tin bạn. Tôi cố trấn tĩnh để còn làm được một việc mà cả một ngày sau tôi mới làm được là email cho đám bọnmình: “Báo cho bạn bè biết Thanh Lan đã vĩnh biệt chúng ta sau một cơn bạo bệnh ngày 6 tháng 3 năm 2001″. Thôi thế là bọn tôi đã mất bạn vĩnh viễn thật rồi. Bạn ác quá, bạn nhất định không chịu dành cho chúng tôi một lần họp mặt. Tấm hình của bạn tôi cất giữ hơn 27 năm qua làm sao khoe với bạn đây. Bạn email cho Võ Công Minh nói rằng hình bóng bọn tôi vẫn còn ở trong tim của bạn, bạn không nói thật vì giờ đây bạn đã trốn đời và bỏ cuộc chơi. Sân trường Lý Thường Kiệt vẫn còn mở cửa mà sao bạn nỡ bỏ mặc chúng tôi. Bạn khôn quá, bạn quyết không chịu để cho “nhân gian kiến bạc đầu”. Trời xanh đã giúp cho bạn ăn gian khi bọn chúng tôi vẫn còn lang thang trong cơn mê nghiệp tại cõi trần gian. Bạn lại còn làm cho tôi thất hứa với con gái của tôi. Tôi vẫn nói là sẽ có ngày tôi dẫn cho cháu gặp cô ca sĩ hát hay bạn của bố. Bạn lại còn làm tôi khóc dù mấy chục năm qua tôi tưởng tôi chẳng còn có thể khóc được nưã. Bạn đã còn làm nhiều người nưã khóc dù tôi biết rằng những giọt nước mắt của chúng tôi chẳng thể nào xoa dịu nỗi đau đớn và mất mát của gia đình bạn. Thôi hãy an nghỉ nhé cô ả đào của ngày xưa. Hình bóng của bạn sẽ mãi mãi ở trong tim của bọn chúng tôi. Vĩnh biệt Ngọc Lan, vĩnh biệt Lê Thị Thanh Lan.
Hoàng Ngọc Môn viết lại thay cho nhóm bạn văn nghệ Lý Thường Kiệt 1968-1975 nhân giỗ thứ tư của ca sĩ Ngọc Lan.
nguồn: ilovengoclan.com
|