(tiếp theo kỳ trước)
Viết thêm vì có chị PC thắc mắc)
[/img]
Lịch sử Thủ Thiêm cách nay hơn 40 năm kể từ sau 30/04/1975
Xin lưu ý: Bài nầy đã được soạn giả Tu Le Nguyễn Công Tánh đăng trên Phố Cũ Đặc Trưng Từ ngày 28/10/2003 đến nay
Thủ Thiêm chỉ cách thành phố Sài Gòn có một con sông rộng khoảng một ngàn mét, tưởng gần nhưng hoá ra lại xa. Thủ Thiêm từ bao nhiêu đời đã bị sách vở bỏ quên không thèm ngó tới.
Sinh ra ở miền Tây nhưng lại được nuôi dưỡng lớn lên ở đất Thủ Thiêm, từ lúc nhỏ tới tuổi đi học đánh vần ABC, qua thời Kháng Chiến Nam Bộ dưới thời Pháp tái chiếm Đông Dương, lớn lên cưới vợ Sài Gòn mang xuống đò đưa về Thủ Thiêm ở chung với cha mẹ, thời gian thật khá dài để người viết thấy Thủ Thiêm ì ạch thay đổi theo thời gian.
Thủ Thiêm ngày đó phải kể là bắt đầu từ giòng Ông Tố, xuống Bến Đò Trên, qua cầu Ông Cậy, tới Xóm Dưới thường được gọi là Xóm Cây Bàng và tiếp tục đi xuống nữa để tới đồn phòng thủ thời của các ông vua đầu đời nhà Nguyễn mà trong lịch sử gọi là đồn "Giác Ngư" (Về sau, thời Pháp thuộc vi trí của đồn nầy có thể là nơi xây cất những bồn chứa săn dầu thường được gọi là Kho săn Nhà Bè. Kho Săn nầy có lần bị cháy lớn, khói đen bốc lên cao cả ngày chưa dứt, không biết có phải vì bị kháng chiến đột kích hay không) . Xin giới hạn đến đồn nầy vì thuở nhỏ người viết "sợ ma" không dám đi xa hơn.
Thủ Thiêm thời Gia Long là vùng đất của nhóm ghe cướp gọi là Tàu Ô mà phần đông là hạng người tứ chiến giang hồ từ nước Trung Hoa chạy vào miền Nam và được họ Nguyễn dung nạp cho qua trú cư ở Thủ Thiêm.
Từ bến đò dưới cuối đại lộ de La Somme (sau gọi là đại lộ Hàm Nghi) tức từ cột cờ Thủ Ngữ, mà thời Pháp người thường dân gọi là Point des Blagueurs ở phía Sài Gòn, (xin tạm dịch là: Địa điểm dành cho những người tán gẫu, (không biết địa điểm nầy ngày nay đã thay đổi ra sao), phải xuống các bậc thềm đá xanh để xuống đò chèo qua sông Sài Gòn rồi lên bến đò dưới ở xóm Cây Bàng, Thủ Thiêm
Bến đò dưới thời đó là một nhà sàn lợp lá dừa nước cất lấn ra bờ sông và một chiếc cầu ván vừa đủ một người đi chạy dài ra ngoài sông khoản 60 mét gọi là cầu đò xóm dưới. Chiếc cầu nầy càng ra xa thì càng hẹp đi cứ mỗi khi nước "ròng " (tức là khi mực nước sông xuống thấp) thì hành khách qua đò bước lên cầu nầy phải thật cẩn thận nếu không sẽ bị trượt chân té xuồng "sình" (tức đất bùn trơn trợt). Những con đò đưa khách sang sông Sài Gòn đóng theo kiểu trong Nam, hai người chèo, người chèo phía sau dùng chân để điều khiển cần tay lái, có một sạp lót ván cho vài người ngồi còn bao nhiêu đều phải đứng. Số người chuyên chở cho mỗi chuyến đò không nhất định nhưng ít nhất phải được khoảng 10-15 người khách thì đò mới chịu tách bến; đông khách nhất là buổi sáng giờ đi làm và buổi chiều giờ tan sở: có lúc vì tham lam ghe đò chở quá khẳm đến độ bờ ghe chỉ cách mực nước khoảng 20 phân tây (xin nói rõ 20 phân Tây= 20 cm !): sóng yên gió lặng thì tạ ơn trời phật, gặp lúc mưa gió lớn thì phú dâng hồn xác cho hà bá! Trong thời thơ ấu, đã chứng kiến biết bao nhiêu lần tai nạn chìm đò thảm thương nhất là những vụ chìm đò vì bị các chiếc tàu buôn ngoại quốc khi quay mũi tàu trên sông Sài gòn xả hết tốc lực quạt chân vịt nổi sóng xô đẩy chiếc ghe đò nhỏ bé đầy ập hành khách lật bổ giữa lòng sông trong khi những tên thuỷ thủ ngoại quốc trên bon tàu đứng chống tay nhìn xuống miệng cười hô hố vui thích! Đó là đò chèo của bến đò dưới Thủ Thiêm
.
Từ bến đò dưới ở phía Thủ Thiêm, dọc theo bờ sông là những dãy nhà sàn lụp sụp lợp lá dừa nước chạy suốt dọc dài xuống phía dưới nữa, đối diện ngang với kho 10, kho 5 (kho hàng của bến tàu "Thương Cảng" Sài Gòn). Phần lớn những nhà nầy đều có một chiếc ghe nhỏ "tam bản" đóng bằng 3 miếng ván để chèo ra khơi cập hong tàu buôn ngoại quốc vào sông Sài Gòn, đu dây lên tàu để mua hàng lậu thuế rồi tuột xuống quay trở vào bờ Thủ Thiêm .
Lên đò, quẹo về phía tay mặt khoản 50 mét là chợ nhóm ngoài trời của ấp Cây Bàng, mặt hàng buôn bán ở chợ thường là cá, tôm, tép lưới câu từ sông Sài Gòn hoặc đi xúc, đi câu treo từ trong ruộng đưa ra. Một vài hàng tạp phô mắm, muối, đồ gia vị, tuy không dồi dào nhưng cũng đủ cung ứng cho cả ấp. Cũng có nhà ở bờ sông đặt vài bàn bi da loại có lỗ, 12 trái banh (khác với loại bi da 3 trái banh). Từ chợ đi thẳng sâu vào bên trong là vùng đất ruộng mà ngày trước người viết thường hay xách rỗ và chai đựng từ xóm trên xuống đi vào trong đó để hớt cá lia thia. Sau lưng chợ Cây Bàng là một dãy phố 18 căn mới cất so với dãy phố cũ 10 căn cùng một hướng.
Con hương lộ từ bến đò chạy song song với sông Sài Gòn đi dài xuống đến kho 5, kho 10: dọc sát bờ sông là những trụ sắt chôn xuống đất với xi măng (Cement) trộn đá sỏi chèn cứng dùng cho các tàu buôn ngoại quốc cột giữ tàu để đợi tới phiên lên hàng ở các nhà kho phía Sài Gòn. Càng đi xuống xa về hướng đồn Giác Ngư thì nhà ở càng thưa thớt, quang cảnh có vẻ âm u vắng lạnh. Người viết ngày nay còn một ấm ức trong lòng là chưa tới được đồn Giác Ngư vì hồi đó sợ ma, lúc đã lớn lên thì không còn dịp nào để tới chỗ đó, cho nên bây giờ cứ tiếc hoài!
Từ bến đò bước lên thì gặp ngay nhà của cha mẹ người viết bài nầy, sát với lề đường (Ở River Side! Ở ngoại quốc chỉ có dân triệu phú mới dám cất nhà sát bờ sông).Trước đó thời Nam Bộ Kháng chiến, nhà cũ của cha mẹ người viết ở Xóm Trên. Căn nhà Xóm Dưới Cây Bàng chỉ được cất sau ngày Tây gần rút lui khỏi Việt Nam.
Cũng xin nói qua sơ sơ về vùng kháng chiến Thủ Thiêm. Vào thời nầy, vùng kháng chiến Thủ Thiêm do hai ông Bảy Môn, Mười Lực của Bình Xuyên làm chỉ huy lực lượng đánh Tây. Hai ông nầy người viết chưa bao giờ được gặp mặt nhưng mẹ già 98 tuổi (Năm nay đã được 100 tuổi) [
viết lại cập nhật cho đúng:Mẹ chết lâu rồi, hơn 100 tuổi]hiện còn sống [
viết lại cập nhật cho đúng:trong nghĩa trang] ở bên Mỹ biết rất rành rọt về hai ông Bảy Môn, Mười Lực. Tuy nhiên có một chuyện mà người viết còn nhớ mãi cho đến ngày nay về tổ đánh Tây của Xóm Dưới: đó là việc tổ kháng chiến lấy cây giả làm ụ súng cà nong (Cannon) đặt dưới gầm cầu ông Cậy chĩa qua hướng các tàu chiến của Tây đậu dọc bờ sông Sài Gòn ở cuối đường Catinat để thị uy, (trước khách sạn Majestic; đường nầy sau đổi là đường Tự Do); hậu quả là súng đại liên trên tàu chiến của Tây bắn qua như mưa khiến bà con chạy lăn cù lăn chiên (trong số đó có cha của người viết bài nầy). Dù là đồ giả để chống lại đồ thiệt, nhưng cũng làm cho giặc Tây e dè vùng kháng chiến Thủ Thiêm nhất là vùng Xóm Dưới Cây Bàng.
Từ bến đò dưới Thủ Thiêm quẹo về phía trái khoảng 10 mét là cầu ông Cậy. Chiếc cầu nầy là một di tích lịch sử đáng được bảo tồn. Từ Sài Gòn, cuối đường Charner (Nguyễn Huệ), nhìn thẳng qua Thủ Thiêm chúng ta có thể nhìn thấy chiếc cầu nhỏ lịch sử đó. Cầu làm bằng xi măng cốt sắt vừa đủ rộng cho một chiếc xe chở hàng cỡ nhỏ chạy qua, hai bên có hai bậc thềm thấp dành riêng cho người đi bộ có bờ lan can an toàn suốt dọc chiếc cầu nhỏ bé. Chiếc cầu có thể ngày xưa do một viên quan võ triều đình nhà Nguyễn cai trị vùng Thủ Thiêm đứng chỉ huy xây cất cùng một lúc với con đường hương lộ cho nên dân chúng trong vùng gọi là cầu ông Cai (tức cầu do ông quan Cai trị xây cất) nhưng lâu ngày có thể đọc trại đi là cầu ông Cậy (nếu bạn nào biết rõ xin làm ơn bổ túc cho tên gọi của chiếc cầu nầy). Con rạch chảy ngang dưới chiếc cầu là một nhánh thật nhỏ của sông Sài Gòn cũng gọi là Rạch Ông Cậy. Sở dĩ chúng tôi gọi là "một di tích lịch sử bởi vì nó là nơi mà lính Tây dùng làm pháp trường để bắn chết thả trôi sông những người đánh Tây ở vùng Thủ Thiêm bị họ bắt được sau những cuộc bố ráp, đốt phá mà dân Thủ Thiêm gọi là "bao bố nhìn mặt": Tây mua chuộc người địa phương, cho trùm bao bố lên đầu để dấu tung tích rồi cho ra nhìn mặt những người bị Tây bắt trong những cuộc lùng xét: người nào bị bao bố gật đầu thì kể như đi tắm sông ở cầu ông Cậy.
Chiếc cầu và con rạch Ông Cậy phân chia Thủ Thiêm thành 2 xóm: Xóm Trên và Xóm Dưới. Xóm dưới chúng ta đa đi qua; bây gờ chúng ta đi lên Xóm Trên sau khi bước ngang qua cầu ông Cậy.
Đúng ra ngày xưa, chắc là lâu lắm, con rạch ông Cậy có tới 2 cái cầu: một cái sát bờ sông Sài Gòn chỗ miệng cửa con rạch và một cái nữa tức là cái cầu thứ 2 cũng bắt ngang qua con rạch nhưng hơi xế về phía trong một chút, cách cái cầu thứ nhứt chừng 50 mét. Cái cầu thứ 2 nầy nối con hương lộ thứ nhì tới dãy phố 18 căn ở xóm Cây Bàng bây giờ biệt tâm biệt tích không còn dấu vết nào và chỉ còn cái cầu sát với bờ sông Sài Gòn ngày nay mà người Sài Gòn có thể đứng ở đầu đường Charner (Nguyễn Huệ) ở bên nầy bờ sông nhìn thẳng qua Thủ Thiêm để nhìn thấy nó.
Nghe đồn bây giờ đang có chương trình phát triển vùng Thủ Thiêm, các vùng gần bờ sông Sài Gòn, kể cái cái cầu ông Cậy lịch sử cũng sẽ bị san bằng ủi sập và nếu như vậy thì kẻ nầy chỉ còn biết dụi mắt khóc thầm tiếc nuối cho một di tích lịch sử bị mai một! Bạn nào có dịp về thăm quê nhà, hãy đi đò qua Thủ Thiêm, hỏi thăm dân tình ở đó chỉ cho biết rồi đến đứng trên chiếc cầu ông Cậy nhỏ bé nầy nhìn qua phía bên kia sông Sài Gòn nguy nga sáng lạng rồi ngó xuống lòng nước để bùi ngùi tưởng niệm cho những người kháng chiến vô danh đã từng bị kẻ ngoại quốc xử tử bắn chết trên chiếc cầu nầy rồi quăng xác xuống rạch.
Cũng xin nói thêm, hồi đó, có lần người viết cũng bấm gan làm liều phiêu lưu đi dọ thám sâu xuống miệt dưới với ý định tới thăm đồn Cá Trê một chuyến bởi vì nghe mẹ già kể lại rằng đồn nầy đã từng đụng độ hết quân Tây Sơn rồi lại đụng độ với quân Pháp khi họ đưa tàu binh vào sông Nhà Bè để đánh chiếm Sài Gòn. Đi dọc trên con lộ trải nhựa nứt nẻ đầy ổ gà, khi hết ranh giới của xóm Cây Bàng thì sẽ gặp một chiếc cầu bằng xi măng bắt ngang một con rạch nhỏ. Lấy can đảm đi một đỗi nữa thì tới một cái cầu nhỏ khác rồi tới một cái cầu lớn hơn bắt ngang một con rạch khá lớn gọi là rạch Ba Chia. Sở dĩ gọi là rạch Ba Chia vì khi đi sâu vào miệt ruộng, con rạch nầy chia ra thành 2 nhánh, một nhánh nước chảy về hướng đông bắc, còn nhánh nhỏ kia chảy xuống hướng đông nam. Trước khi tới cầu rạch Ba Chia thì thấy phế tích của một ụ đồn bót nằm chơi vơi sâu về phía bên trong đồng ruộng. Tới đây thì kẻ thám hiểm bắt đầu bụng đói và sợ ma, muốn quay về vì thấy mình bị chơi vơi đơn độc quạnh quẽ quá mức nhưng không hiểu tại sao đôi chân cứ tiếp tục cuộc hành trình. Rồi lại tới một cái cầu nữa bắt ngang qua một con rạch nhỏ. Kẻ thám hiểm đứng trên cầu nầy ngó quanh ngó quẩn nhưng vẫn không thấy tăm dạng của đồn Cá Trê nó nằm ở đâu trong khi trời đã về chiều, hoàng hôn bắt đầu buông xuống. Thôi, tới đây thì đành bỏ cuộc, kíp mau quay về kẻo bị ma trơi, ma gáo bắt dấu nhét đất vào miệng! Sau nầy mới biết rằng chỉ cần tiến bước thêm chừng một cây số nữa thì sẽ gặp được đồn Cá Trê, tiếc ơi là tiếc !
(còn tiếp)