Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Kiều Chinh
Vũ Thị Thiên Thư
#1 Posted : Wednesday, October 27, 2004 4:00:00 PM(UTC)
Vũ Thị Thiên Thư

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,033
Points: 2,430
Woman
Location: Thung Lũng Lá Rơi

Thanks: 231 times
Was thanked: 87 time(s) in 84 post(s)


Phim FACE: bi kịch của ba thế hệ gốc Á tại Hoa Kỳ

Nguyễn Tân Hải


Từ 15 tháng Mười, 2004, dân mê điện ảnh vùng Vịnh sẽ có dịp coi một phim về đề tài người gốc Á tại Hoa Kỳ: Face, một phim được nhiều giải thưởng quốc tế và có sự diễn xuất đặc biệt của nữ tài tử Việt Nam Kiều Chinh.

Face - có thể hiểu là "thể diện"- là một bi kịch tiêu biểu cho ba thế hệ phụ nữ gốc Á tại Hoa Kỳ. Trong phim, Kiều Chinh thủ vai bà mẹ goá. Bai Ling - nổi tiếng với phim "Anna and the King," "Red Corner"- diễn vai con gái, và Kristy Wu của phim "What's Cooking," vai cháu gáị

Tất cả các nhân vật chính trong phim đều yêu thương nhau, nhưng quan hệ mẹ-con, bà-cháu bị đẩy tới "bi kịch" chỉ vì thể diện kiểu đông phương đụng độ với thực tế đời sống NewYork.

Bà Liu (Kiều Chinh) ngày ngày may vá làm lụng vất vả trong khu phố Queens ở New York, lo cho cô con gái xinh đẹp là Kim (Bailing) ăn học. Trong một party, Kim rơi vào bẫy một công tử đại gia, Daniel (Will Yun Lee) và mang thaị Hai bà mẹ gặp nhau, bắt đôi trẻ làm đám cướị Cuộc hôn nhân thất bại, Kim mang bé gái sơ sinh tên Genie về ném cho mẹ ruột rồi ra đị

Mười chín năm sau, bi kịch tăng cường độ khi Kim bay về ngôi nhà cũ thăm mẹ, nhìn con. Bé sơ sinh năm xưa nay đã thành cô Genie xinh đẹp (Kristy Wu), từ nhỏ chỉ biết bà ngoại, không chịu nhìn nhận người mẹ đã bỏ rơi mình.

Lớn lên tại New York cuối thế kỷ 20, cô bé gốc Hoa Genie yêu bà ngoại Liu, nhưng cũng yêu chàng Mỹ đen Michael (Treach, một nhạc sĩ Hip Hop nổi tiếng) yêu nhau, tìm nhaụ Và rồi, mẹ con không nhìn nhau, bà cháu không nhìn nhau

Phim dài 87 phút, do Bertha Bay Sa-Pan đạo diễn. Kịch bản của Bertha Bay Sa-Pan và Oren Moverman.

Phim Face đã giành được 3 giải thưởng đặc biệt tại đại hội điện ảnh quốc tế "Women's Film Festival" tại Turin, Italy; tháng Ba 2003:

- Special Film Festival Prize ("Premio Speciale")

- Special Mention Award - International Features For Teenage Audience

- Special Acting Award For Kiều Chinh.

Giải diễn xuất đặc biệt của đại hội điện ảnh này được trao cho 6 nữ diễn viên điện ảnh tiêu biểu của nhiều quốc gia, riêng Hoa Kỳ được 2 giải cho Kiều Chinh và Shirley McLainẹ

Cũng trong năm 2003, với vai diễn chính trong phim The Joy Luck Club, Kiều Chinh là diễn viên gốc Á duy nhất có tên trong danh sách 50 diễn viên làm khán giả rơi lệ nhiều nhất trong lịch sử điện ảnh, do Entertainment Weekly số ra ngày 28 tháng Mười Một, 2003 loan báọ Trong cuộc bình bầu này, Kiều Chinh của Joy Luck Club được xếp thứ 22/50, trong khi số 1 là "Terms of Endearment" (với Shirley McLaine), thứ 15 là Titanic, thứ 17 là Love Story, thứ 30 là "Romeo and Juliette, thứ 47 là "Moulin Rouge"É

Khởi nghiệp điện ảnh từ 1957 tại quê nhà, tính tới 1975, Kiều Chinh đã đảm nhiệm vai nữ chính trong 22 phim, trong đó có các phim Mỹ thực hiện tại Việt Nam và các nước châu Á, như "Operation CIA" (đồng diễn với Burt Reynolds).

Ngoài công việc diễn xuất, Kiều Chinh còn là chủ hãng phim, nhà sản xuất điện ảnh. Phim "Người Tình Không Chân Dung" do Kiều Chinh vừa là nhà sản xuất vừa là diễn viên chính đã được Asian Film Festival tại Đài Bắc 1973 trao tặng giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, đồng thời giải cho producer phim chiến tranh hay nhất. Bản DVD của phim này hiện còn đang được lưu hành tại Hoa Kỳ.

Tại Hollywood, ngay từ 1977, Kiều Chinh đã là vai nữ chính đồng diễn với Alan Alda trong M*A*S*H, bộ phim truyền hình nổi tiếng nhất tại Hoa Kỳ Từ đó tới nay, Kiều Chinh đã xuất hiện trong hơn 80 phim và show truyền hình.

Trong các năm vừa qua, Kiều Chinh đã liên tục đảm nhiệm vai chính trong các phim Catfish in Black Bean Sauce (1999), What's Cooking (2000), Face (2002) Returning Lyly (2002). Ngoài các giải thưởng của Việt Nam và châu Á, năm 1996, Kiều Chinh đã được vinh danh bởi The Academy of Television Arts & Sciences, với giải Emmy cho "Kieu Chinh: A Journey Home", phim tài liệu của Patrick Perez / KTTV.

Trong những ngày Face ra mắt công chúng, Kiều Chinh đang đảm nhiệm vai diễn một bà mẹ Việt Nam trong phim Journey from the Fall, một phim lớn thời hậu chiến Việt Nam, quay tại Thái Lan và Hoa Kỳ.

(trích từ Viet Mercury)
_________________

Người gởi PC
Người chép VTTT
Phượng Các
#2 Posted : Tuesday, March 29, 2005 3:30:19 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)


Kiều Chinh, chủ tịch sáng lập VCF nói chuyện
về việc giúp xây trường làng Văn Ấp - Hà Nam

Trần Quý

* * *

Chiều Chủ Nhật, 30-7-2000, một số đồng hương nguyên quán làng Văn Ấp tỉnh Hà Nam hiện sống ở Hoa Kỳ đã cùng nhau họp mặt tại tư gia ông Trần Cự Hải, cư dân thành phố Garden Grove, California, để cùng nhau tìm phương cách giúp quê cũ có một trường tiểu học.

Văn Ấp là một làng quê nghèo thuộc xã Bồ Đề, tỉnh Hà Nam, miền Bắc Việt Nam. 25 năm sau chiến tranh, hàng trăm trẻ em vùng quê này vẫn chưa có trường học. Đồng hương Văn Ấp từ Hoa Kỳ về thăm, thấy sót sa khi biết con trẻ trong làng phải đi bộ hàng cây số sang các xã lân cận học nhờ.

Không ai mong con em quê mình sẽ tiếp tục thất học. "Chúng tôi muốn giúp làng cũ có một trường tiểu học," ông Trần Cự Hải nói, "nhưng số đồng hương Văn Ấp định cư tại Hoa Kỳ không bao nhiêu người. Dù tận lực đóng góp, vẫn không đủ ngân khoản cần thiết để xây trường. Giữa lúc tính mãi không xong, chúng tôi nghe bà con bàn tán việc "Hội của bà Kiều Chinh" giúp xây nhiều trường tiểu học tại Việt Nam. Hồi tháng 5, tình cờ thấy bà Kiều Chinh tại nhà hàng Viễn Đông. Dù không quen biết trước, chúng tôi vẫn mạnh dạn xin gặp."

Vietnam Children Fund, trụ sở chính tại Washington D.C., là một tổ chức bất vụ lợi, hoạt động quyên góp để xây tặng trẻ em Việt Nam 61 trường tiểu học, trị giá trên 3 triệu mỹ kim. Cho tới nay, 9 ngôi trường đầu tiên đã xây dựng xong và dự án 18 ngôi trường kế tiếp đã được duyệt xét để lần lượt thực hiện.

"Và hôm nay," ông Hải giới thiệu,"bà Kiều Chinh nhận lời mời đến dự buổi họp mặt, để nói chuyện về việc hội VCF có thể trợ giúp chúng ta xây dựng trường làng Văn Ấp."

Câu chuyện lập hội tại Hoa Kỳ để xây trường cho Việt Nam, theo Kiều Chinh, khởi sự từ 1992.

Nhân dịp được mời làm diễn giả danh dự trong buổi lễ Kỷ Niệm 10 Năm Đài Tử Sỹ Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam (Vietnam War Memorial Wall, Washington D.C.), Kiều Chinh đã có dịp gặp gỡ một số cựu chiến binh Hoa Kỳ từng tham chiến tại Việt Nam. Tất cả, chia xẻ với Kiều Chinh ý nguyện "xây dựng tại Việt Nam những công trình hướng về tương lai để vinh danh hơn hai triệu người thuộc mọi quốc tịch đã chết trong chiến tranh."

Từ ý nguyện trên, VCF (Vietnam Children Fund: Ngân quĩ cho trẻ em Việt Nam) được thành lập. Trong số các vị cùng sát cánh trong VCF có nhiều nhân vật Hoa Kỳ danh tiếng, như:

- Nhà báo Terry Anderson, từng bị bắt làm con tin và cầm tù nhiều năm tại Beyrouth, được coi là anh hùng của giới truyền thông Mỹ, cùng với Kiều Chinh là đồng chủ tịch sáng lập.

- Ông Lewis Puler Junior, luật sư, tác giả được tặng giải văn chương Pullitzer, là Phó Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị.

- Luật sư John Wheeler, nguyên chủ tịch hội đồng quyên góp xây dựng Vietnam War Memorial Wall, là chủ tịch điều hành của Hội.

- Ông James V. Kimsey, chủ tịch sáng lập công ty truyền thông quốc tế American Online, là hội viên danh dự.

Vietnam Children Fund chính thức khởi sự hoạt động từ 1993 và ông Lewis Puller Junior tự nguyện làm sứ giả đầu tiên của VCF đi Việt Nam để quyết định tại chỗ các dự án xây dựng.

Lewis là con trai đô đốc Lewis "Chesty" Puller Senior, vị danh tướng huyền thoại của nước Mỹ thời Thế Chiến II. Tới thời chiến tranh Việt Nam, Lewis Junior tốt nghiệp trường võ bị Westpoint, là sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến. Trong một trận chiến tại Quảng Trị, ông bị thương, phải cắt cụt cả hai chân, mất nhiều ngón tay. Phấn đấu với thương tật, ông trở thành một luật sư và một tác giả danh tiếng, được trao tặng giải văn chương Pullitzer với cuốn tự truyện "The Fortunate Son" (Người con may mắn).

"Hình ảnh Lewis Junior ngồi xe lăn trở lại chiến trường cũ để lo xây trường cho trẻ em Việt Nam làm xúc động lòng người." Kiều Chinh nói. Sau chuyến đi không bao lâu, Lewis Junior qua đời năm 1994, nhưng tấm lòng của vị phó chủ tịch quá cố đã biến thành sức mạnh, giúp hội vượt qua mọi trở ngại.

Mùa xuân 1995, ngôi trường đầu tiên do Hội xây dựng được hoàn tất với kinh phí 115,000 USD tại Đông Hà, bờ Nam sông bến Hải, nơi từng chia đôi nước Việt Nam. Nhân dịp này, cùng với đồng chủ tịch Terry Anderson và người bảo trợ đầu tiên cho hội là ông James V. Kimsey, chủ tịch Amerca Online, Kiều Chinh đã trở về khánh thành, gắn bảng đặt tên trường là Lewis Puller Junior, để tưởng nhớ người sứ giả thiện chí của hội.



Sau 41 năm xa Hà Nội, 20 năm Saigon, đây cũng là lần đầu tiên Kiều Chinh trở về thăm quê hương. Chuyến trở về được nhật báo Los Angeles Times tường thuật đầy đủ và đài truyền hình KTTV\Fox thực hiện thành phim tài liệu "Kieu Chinh: A Journey Home." Cuốn phim được Hàn Lâm Viện Truyền Hình Hoa Kỳ trao giải Emmy năm 1996.

Để có thể xây được nhiều hơn, nhanh hơn, từ ngôi trường thứ hai, kinh phí của Hội tài trợ cho mỗi trường được quyết định là khôngquá 50,000 USD. Từ đây, lịch trình xây trường được tuần tự luân phiên thực hiện tại cả ba miền Trung, Nam, Bắc: Ninh Bình, Trà Vinh, Sơn La, Quảng Nam, Nghệ An, Đà Nẵng, Hà Đông...

Ngôi trường thứ bẩy do hội xây dựng tại quận Hoà Vang, Đà Nẵng, được khánh thành năm 1999, đúng mùa miền Trung đang bão lụt. Ông bà Pete Peterson, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam và Luật sư John Wheeler, chủ tịch điều hành VCF đã cùng dân làng "lội nước lụt" tới dự lễ khánh thành.

Ngôi trường thứ 8 do VCF góp phần được xây tại Nhân Chính, tên cũ là Mọc Cự Lộc, Hà Đông. Đây là làng quê của ông nội Kiều Chinh. Đầu năm 2000, lần thứ hai, Kiều Chinh trở về Việt Nam để khánh thành ngôi trường tại quê nội.

Do sự đóng góp và yêu cầu của Đại Sứ Peterson, ngôi trường thứ 9 được xây tại An Đoài, Hải Dương, nơi ông Peterson khi còn là phi công thời chiến đã bị bắn rơi và cầm tù. Trường được khánh thành tháng 11-2000.

Từ 2001, lịch xây dựng các trường kế tiếp sẽ được lần lượt thực hiện ở Quảng Ngãi, Củ Chi, Thừa Thiên, Kontum, Cao Bằng, Ninh Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang, Bến Tre, An Giang, Hà Tĩnh, Bình Định, Lạng Sơn, Cà Mau, Bạc Liêu, Thanh Hoá, Gia Lai, Hải Phòng...

Các ngôi trường VCF tài trợ xây dựng đều được giám sát kỹ thuật đúng qui cách, do một đại diện của hội là kỹ sư Sam Russell, giám đốc ElecTech Services Co., Ltd., một công ty Hoa Kỳ có mặt tại Việt Nam từ nhiều năm qua.

Tổng số ngân sách dự án trên 3 triệu USD hiện đã sẵn sàng được phân nửa. Tiền quyên góp cho VCF không chỉ là con số chục ngàn, trăm ngàn USD đến từ các đại công ty như America Online, MCI, Coca Cola, Federal Express... mà còn là 5, 10 USD của những người già tại nhà thờ, các học sinh tại trường đóng góp theo kiểu "P to P" (People to People: người giúp cho người). Đặc biệt trong năm vừa qua, một cụ bà gốc Pháp lai Việt 92 tuổi không con cháu, trước khi qua đời đã làm di chúc để lại cho hội VCF cả gia tài gồm các bất động sản ở NewYork, Ý và Pháp. Di sản cụ bà để cho hội hiện đang làm thủ tục chuyển giao và ngôi trường thứ 27 của VCF sẽ mang tên cụ bà là Thy Harjart, được xây tại làng quê ngoại cũ của cụ gần Hải Phòng.

Cho tới nay, hầu hết ngân khoản VCF có để xây trường cho trẻ em Việt Nam đều đến từ các tổ chức và công dân Hoa Kỳ. Hội chưa hề thực hiện quyên góp trong khu vực cộng đồng người Việt.

Trước việc các đồng hương trong cuộc họp mặt muốn cùng nhau đóng góp cho VCF và nhờ hội tài trợ thêm cho đủ ngân khoản xây trường làng Văn Ấp, Kiều Chinh tin tưởng ý nguyện tốt đẹp ấy sẽ được Hội Đồng Quản Trị của VCF đón nhận và vui vẻ đáp ứng.

Để có thể được VCF biểu quyết giúp đỡ, trước hết xin viết thư cho hội. Thư viết bằng Anh ngữ, tiếng Anh sai văn phạm cũng được. Hãy ghi rõ dân số trong làng, số trẻ em, ngân khoản đã có và còn thiếu. Tiền góp cho hội được trừ thuế. Chi phiếu đóng góp xin đề rõ cho "The Vietnam Children Fund". Hội có chương-mục ở City Bank. Nếu có sẵn, xin kèm theo dự án, họa đồ, các bản chiết tính, thời điểm muốn khởi công và hoàn tất. Hồ sơ có thể gửi thẳng tới địa chỉ của Hội: Box 150, Unionville, VA 22567, đề gửi ông John Wheeler hoặc đề cho Kiều Chinh cũng được.

Hội đồng quản trị VCF mỗi năm chỉ họp ba lần. Nếu gửi kịp, hồ sơ sẽ được xét biểu quyết ngay trong phiên phiên họp sắp tới vào ngày 22-10-2000 tại NewYork.

Thông thường, sau khi chấp thuận dự án tài trợ xây trường, Hội sẽ giao tiền cho ban xây cất trường làm ba đợt. Sau đợt đổ nền, làm móng, giám đốc của VCF tại Việt Nam là kỹ sư Sam Russell có thể đến tận nơi kiểm soát. Sau khi nền móng đước công nhận vững chắc đúng qui cách, hội sẽ giao tiền đợt hai, rồi đợt ba.

Sau khi nhiều câu hỏi về việc xây trường được giải đáp, buổi họp mặt tại tư gia ông Hải kết thúc vào lúc 6 giờ chiều.

"Cám ơn chị (chủ nhà) đã cho uống nước, ăn trái cây. Hôm nay được về với các con, các cháu vào giờ này là sớm." Kiều Chinh vui vẻ nói khi chia tay.

Ngôi trường dự tính xây dựng tại Văn Ấp sẽ mang tên là trường Bồ Đề. Năm 2001 sắp tới, tại làng quê Văn Ấp ở Việt Nam sẽ có ngày hội đình thật lớn. Hy vọng trường Bồ Đề sẽ khánh thành kịp mùa hội làng.



Phượng Các
#3 Posted : Saturday, April 23, 2005 10:51:20 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Nữ tài tử Kiều Chinh và tình mẫu tử
Friday, April 22, 2005 thdo



Bài: Trường An

Hình ảnh: Vũ Ðình Trọng


“Không ai chiếm được ngôi vị của Kiều Chinh tại Việt Nam, tôi nghĩ rằng không ai có thể thay thế bà ấy được” - Nguyễn Thu, giám đốc kỹ nghệ phim VN - Los Angeles Times, số ra ngày 24 tháng 9 năm 1989.


“...Chỉ có tình mẫu tử mới khiến cho bà cương quyết ra đi tìm lại các con, khiến bà mạnh mẽ hơn, can đảm hơn khi phải đối đầu với mọi thử thách”.


Có lẽ nếu không có Kiều Chinh, lịch sử điện ảnh Việt Nam sẽ thiếu đi những mảng màu rực rỡ. Những đóng góp của bà cho điện ảnh Việt Nam từ khi bước chân vào nghề năm 1957 cho đến khi phải bỏ lại tất cả sự nghiệp, những người thân yêu... để đào thoát vào những ngày cuối tháng Tư năm 1975, thực sự làm người ta phải thán phục.

Hai lần đào thoát là hai lần bà thể hiện bản lĩnh của người phụ nữ Việt Nam. Những sợ hãi trước tương lai tối tăm trước mắt, những đau xót khi phải chia lìa với người thân không làm bà mềm lòng, nản chí. Sự cứng cỏi ẩn trong nét đẹp dịu hiền làm bà tỏa sáng không chỉ trong nghệ thuật mà cả trong đời thường.

Bà là con út trong gia đình họ Nguyễn tại Hà Nội (ông bà Nguyễn Cửu – Nguyễn Thị An), một gia đình theo Tây học và rất mộ đạo Phật. Năm 1945, thế chiến thứ hai bước vào gia đoạn cuối, mẹ bà bị chết cùng người em trai khi phi cơ đồng minh oanh tạc quân Nhật tại ngoại thành Hà Nội, năm đó cô bé Kiều Chinh chỉ mới 6 tuổi. Mồ côi mẹ, bà được bố dành cho nhiều thương yêu để bù đắp phần nào sự thiếu vắng bàn tay chăm sóc của mẹ. Kiều Chinh lớn lên trong sự yêu thương ấy. Những bước đi chập chững vào đời được dìu dắt bởi một người cha, trong vai trò người mẹ, Kiều Chinh được chia sẻ những suy tư đầu đời của một người bố, trong vai trò người anh. Hình ảnh và tình cảm của người cha đã ghi một dấu ấn sâu sắc trong suốt quãng đời lưu lạc, mà rồi mãi 41 năm sau (1995), Kiều Chinh mới được trở về quê để thắp một nén nhang lên mộ bố. Ông Nguyễn Cửu đã chết sau nhiều năm bị tù đày trên chính quê hương mình mà không hề được xét xử vì ông là một viên chức tài chánh cao cấp trong chính phủ quốc gia trước năm 1954.

Trong một buổi nói chuyện thân mật với những người bạn tại tư gia, Bà nhớ lại:

“Năm 1954, từng đoàn người di tản vào Nam, và bố tôi cũng chuẩn bị để đưa anh trai tôi và tôi đi. Khi ra tới máy bay thì bố tôi đẩy tôi lên trước và nói:

- Con vào trước, bố đi kiếm anh con rồi vào sau, gia đình mình sẽ gặp nhau trong trại tị nạn.

Tôi không ngờ đó là câu nói cuối cùng của bố dành cho tôi, vì tôi vẫn hy vọng bố tôi và anh tôi sẽ vào và gia đình tôi sẽ lại sum họp. Sau khi cánh cửa vào miền Nam bị đóng sập lại thì cả thế giới như sụp đổ dưới chân tôi. Một cô bé 15 tuổi, một thân một mình giữa miền Nam hoàn toàn xa lạ, không có cách nào để có thể liên lạc ra miền bắc, không một người thân thích ở miền Nam, tôi không biết tôi sẽ sống ra sao nếu không nhờ một gia đình người bạn bố tôi đi cùng chuyến bay vào nam với tôi, đã cưu mang, đùm bọc, và một năm sau tôi trở thành con dâu của họ.”

Trong khúc quanh lịch sử đó, miền Nam đã vô tình nuôi dưỡng một tài năng mà chỉ cần một vài năm sau đó đã sáng chói trên vùng trời nghệ thuật điện ảnh.

Những kỷ niệm ngọt ngào của một thời mới bước chân vào nghề làm giọng của Bà trở nên sôi nổi và say sưa hơn:

“Bố mẹ chồng tôi rất thương tôi, đối xử với tôi như con ruột, không có chút phân biệt nàng dâu mẹ chồng, do đó tôi rất kính nể các cụ. Khi làm một việc gì tôi đều thỉnh ý các cụ, nếu các cụ đồng ý thì tôi mới làm. Và cuốn phim đầu tiên của tôi đã được các cụ vui vẻ cho phép”.

Năm 1957, Bà bắt đầu sự nghiệp điện ảnh với phim “Hồi Chuông Thiên Mụ” trong vai tiểu thư Như Ngọc. Và từ đó cho đến năm 1975, Bà đã đóng vai nữ chính trong 22 phim thực hiện tại Việt Nam và các nước Ðông Nam Á như Philippines, Singapore, Thái Lan, Ðài Loan, Ấn Ðộ... Một số phim nổi tiếng trong thời gian này:


A Yank in Vietnam (1963), còn gọi là Năm Dần, đồng diễn với đạo diễn kiêm tài tử Marshall Thompson.

Operation C.I.A. (1965), đồng diễn với Burt Reynolds.

Destination Vietnam (1968), phim do hãng Paramount sản xuất và được thực hiện tại Việt Nam, đồng diễn với nam tài tử Philippines Leopoldo “King” Salcedo.

Devil Within (1971), xuất phẩm của hãng 20th Century Fox dược thực hiện tại Ấn Ðộ, đồng diễn với nam tài tử Mỹ Rod Perry và người được coi là ông hoàng của điện ảnh Ấn Ðộ thời ấy: Dev Avnal.

Người Tình Không Chân Dung (1973), do Bà sản xuất và diễn vai nữ chính, đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc. Phim đã đoạt hai giải “Phim Chiến Tranh Hay Nhất” và “Nữ Diễn Viên Chính Xuất Sắc Nhất” tại đại hội điện ảnh Á Châu năm 1973.

Full House (1975) do J.P. Tan sản xuất và đạo diễn tại Singapore. Phim được ra mắt công chúng Singapore vào đúng tháng Tư năm 1975, trong khi vai nữ chính đang bôn ba trên đường đào thoát.



Ba mươi năm đã trôi qua nhưng những ký ức trong những ngày bôn ba tìm đường đào thoát để được đoàn tụ với các con vẫn còn nguyên vẹn, bà tâm sự với chúng tôi trong niềm đau xót chưa nguôi ngoai:

“Tháng tư năm 1975, tôi và các con tôi đang ở Canada. Tình hình trong nước lúc đó rất lộn xộn nhưng tôi vẫn quyết định phải trở về Việt Nam để thu xếp việc nhà đồng thời đưa bố chồng cùng chồng tôi sang bên này. Thế nhưng khi về đến nơi thì không cách gì chúng tôi có thể thu xếp để toàn bộ gia đình đi được. Sài Gòn ngày càng hỗn loạn và mọi người cũng tìm đủ mọi cách để ra đi. Các con tôi đang học bên Canada thì còn quá nhỏ, điện thoại về thúc giục tôi phải đi ngay.

Lòng tôi rối bời vì những tin đồn ngày càng nhiều, nào là Vua Bảo Ðại sẽ về, miền Trung sẽ trở thành “trái độn” cho hai chế độ của miền Nam và miền Bắc... Ðối với tình cảm của người con, tôi muốn ở lại vì nghĩ rằng biết đâu tôi sẽ được gặp lại bố và anh tôi sau bao năm xa cách, nhưng tình thương của người mẹ đối với các con thì tôi thực sự lo sợ vì nếu tôi không kịp đi thì các con tôi sẽ mất mẹ như 21 năm trước tôi đã mất bố tôi. Và rồi tình mẹ trong tôi đã thúc giục tôi phải làm mọi cách để gặp lại các con, tôi không muốn nỗi đau mất bố năm nào, nay lại chuyển cho các con tôi nỗi đau mất mẹ.

Nhờ một người bạn của gia đình làm trong Air Vietnam, tôi rời Việt Nam trong chuyến bay cuối cùng của Panama Air Line chở nhân viên và gia đình các Ðại Sứ Quán mà không mang được một thứ gì cả. Chuyến đi rời khỏi quê hương lần này cũng giống chuyến di tản của tôi năm 1954, tôi ra đi một mình với hai bàn tay trắng.

Khi máy bay đáp xuống Singapore thì tôi bị vào tù vì bị khép tội nhập cảnh trái phép do không có visa, mà passport của tôi, passport của một nước “vô chính phủ” đã không còn hiệu lực (lúc đó Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã từ chức, các Ðại Sứ Quán VNCH đều ngưng hoạt động để chờ lệnh).

Ở trong tù, tôi xin gọi điện thoại ra ngoài cho các bạn tôi để nhờ giúp đỡ nhưng không được phép. May thay, trong giờ được ra ngoài làm vệ sinh cá nhân tôi thấy người cai tù đang đọc một tạp chí mà hình của tôi nằm ngay trang bìa. Tôi liền chạy lại gần kêu lên: “It's me. It's me” và chỉ cho ông ta xem tấm hình của tôi. Mặc dù tấm hình chụp trên bìa tạp chí thật đẹp khác xa với tôi ngoài đời do mấy ngày này mắt thâm quầng vì lo lắng, mất ngủ, lại không được nghỉ ngơi ăn uống gì cả nhưng cuối cùng ông ta cũng nhận ra tôi và cho phép tôi được gọi điện thoại ra ngoài.

Các bạn tôi liền đóng tiền để tôi được thả đồng thời liên lạc với chính phủ nước sở tại. Họ chỉ cho phép tôi lưu cư tại Singapore trong vòng 48 tiếng vì tôi là người “vô tổ quốc”. Bằng một vé máy bay một chiều (one way) đi khắp thế giới, các bạn tôi đã giúp tôi rời khỏi Singapore và chúng tôi phó mặc cho định mệnh an bài số phận của tôi.

Tôi lên máy bay với một nỗi lo lắng tột cùng. Không biết gia đình chồng có đi được hay không? Không biết các con tôi hiện nay ra sao? Tôi cảm thấy lạc lõng vô cùng trên chuyến bay mà tôi là người duy nhất không có tổ quốc.

Trong suốt cuộc hành trình vô định, vì tôi không biết mình sẽ thuộc về nước nào, không một đồng xu dính túi, tôi thu gom đồ ăn người ta phát trong chuyến bay để dành ăn từ từ trong khi chờ chờ chuyến bay chuyển tiếp và uống nước lạnh tại các thùng nước đặt trong phi trướng.

Tôi ghé qua Bankok - Hongkong - Ðài Loan - Ðại Hàn - Nhật - London (Anh Quốc) - New York (Mỹ) và cuối cùng là Cannada.

Máy bay đáp xuống Canada lúc 12 giờ trưa ngày 30 tháng Tư năm 1975. Theo luật lệ quốc tế tôi nghiễm nhiên trở thành thường trú nhân của nước Canada. Các con tôi đón tôi tại phi trường, chúng tôi ôm nhau vào lòng và khóc nức nở. Trải qua chuyến bay định mệnh đó tôi nghĩ rằng không có gì có thể chia cắt được mẹ con chúng tôi, chúng tôi sẽ sống và yêu thương, đùm bọc nhau trong suốt quãng đời còn lại.”

Kiều Chinh chỉ là một trong hàng triệu người trải qua hai lần đào thoát tìm tự do. Qua câu chuyện của bà, chúng tôi không cố ý đề cao bà vì bà là một nghệ sĩ nổi tiếng. Chúng tôi kính trọng bà vì tình mẫu tử. Chỉ có tình mẫu tử mới khiến cho bà cương quyết ra đi tìm lại các con, tình mẫu tử đã khiến bà mạnh mẽ hơn, can đảm hơn khi phải đối đầu với mọi thử thách.

Chúng ta luôn có những Bà Mẹ Việt Nam như thế!

Phượng Các
#4 Posted : Sunday, February 26, 2006 10:38:39 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
KIỀU CHINH, Hà Nội - Sàigòn - Hollywood - Little Saigon
GIAO CHỈ

Đỗ Ngọc Yến và Kiều Chinh


Nữ sĩ Nhã Ca sinh trưởng tại Huế, tác giả của 41 tác phẩm xuất bản tại Việt Nam và Hoa Kỳ đã chủ biên cuốn thứ 42 vào năm 1991 với tựa đề là Kiều Chinh – Hà Nội – Sài Gòn – Hollywood.
Cuốn sách trình bầy đầy đủ về cuộc đời của nàng Kiều trong làng điện ảnh Việt Nam và Á Châu gồm bài viết của 29 tác giả Việt – Mỹ. Đoạn cuối của phần cuộc đời Kiều Chinh từ Hà Nội đến Sài Gòn, nhà văn Nhã Ca đã ghi lại như sau:
“Bạn đã gặp Kiều Chinh của chúng ta rồi chứ? Chưa à? Không sao. Rồi bạn sẽ gặp, sẽ yêu quý. Bạn sẽ thấy không thể viết về Kiều Chinh vắn tắt tầm thường, như những trang tôi đã viết vội vã cho kịp góp vào cuốn sách này.
Mất mẹ, mất em, mất anh, mất bố, mất cả tuổi trẻ và hạnh phúc. Cũng như bất cứ người đàn bà nào trong thời đại chúng ta, Kiều Chinh đã có chung những khổ đau mất mát.
Nàng tới với cuộc đời, không có thời con gái để mơ mộng, hẹn hò. Nàng tới với điện ảnh, khi đã trở thành bà mẹ chín chắn. Rồi mất quê hương, tiêu vong sự nghiệp, tan cửa nát nhà. Kiều Chinh vẫn từ tốn bước lên, một mình đi trên con đường đã chọn. Khác với hầu hết những ngôi sao lừng lẫy của điện ảnh thế giới. Đó chính là Kiều Chinh của Việt Nam.”
Khi viết sách về Kiều Chinh, văn sĩ Nhã Ca của xứ Thần Kinh đã theo chân cô gái nhỏ gốc Bắc Kỳ từ Hà Nội vào Sài Gòn rồi sang đến Mỹ.
Bằng những mẩu chuyện chị em tỷ tê tâm sự, độc giả cảm thấy hết nỗi đoạn trường trong cuộc đời gian truân của nàng Kiều điện ảnh. Mười lăm tuổi di cư một mình. Mười sáu tuổi đã lấy chồng mà chưa hề có được mối tình đầu. Năm 1957, mười tám tuổi bắt đầu đóng phim Hồi Chuông Thiên Mụ. Năm 1975 đóng phim thứ 22 tại Singapore. Qua định cư tại Hoa Kỳ, làm lại từ đầu và đóng thêm gần 40 bộ phim đủ loại với Hollywood.
Với một sự nghiệp điện ảnh lâu dài và bao quát như thế, Nhã Ca còn e ngại rằng có người vẫn chưa biết đến một minh tinh màn bạc Việt Nam đã trải qua 3 thế hệ phim trường. Từ vai người tình, người vợ, người mẹ và mới đây là vai bà nội.
Nhã Ca hỏi thêm một lần nữa: “Bạn đã gặp Kiều Chinh của chúng ta chưa?”
Vâng, thưa cô Nhã Ca, lần này thì San Jose chúng tôi sẽ gặp đấy. Suốt bao nhiêu năm, Kiều Chinh thường bay đi bay lại giữa Orange County và San Francisco vì đóng nhiều vai phụ nữ Tàu rất nổi tiếng. Đã ngồi xe hoa diễn hành tại quận Cam và rất nhiều lần diễn hành cho Chinese New Year. Nhưng năm 2005 này, ghi dấu 30 năm người Việt tại Hoa Kỳ, Kiều Chinh mới có dịp chính thức ra mắt San Jose.
Nếu bạn vẫn chưa biết nhiều về Kiều Chinh thì xin nghe thêm ý kiến của “Áo Lụa Hà Đông,” thi sĩ Nguyên Sa – Trần Bích Lan.
Ông Nguyên Sa lúc còn sống đã mơ ước tổ chức một tuần lễ Kiều Chinh. Để chiếu lại tất cả các phim nàng đóng. Ông tưởng tượng những hình thức trang trọng nhất dành cho đệ nhất minh tinh Việt Nam. Ông đưa mộng vào thực, ông kể tên quan khách tham dự. Tả lại khung cảnh lúc Kiều Chinh đọc diễn văn cảm ơn. Ông viết rằng Kiều Chinh là sự thu hút tuyệt đối. Và sau cùng thi sĩ nói rằng ông đã thấy qua đôi mắt Kiều Chinh có một nỗi buồn nào đó, ông sẽ đi tìm kiếm cho ra nỗi buồn của nàng. Rồi Nguyên Sa tưởng tượng rằng ông đã trao cho nàng một bó hoa khai mạc Tuần Lễ Kiều Chinh. Thi sĩ Trần Bích Lan, sau đó đã ra đi thật xa vào cõi vô cùng trước khi ông thực sự tổ chức Tuần Lễ Kiều Chinh. Bởi vì đó chỉ là một niềm mơ ước: “Áo nàng vàng, ông về yêu hoa cúc. Áo nàng xanh, ông khuất nẻo chân trời.” Xin sửa thơ ông một lần.
Cũng trong giấc mơ về Tuần Lễ Kiều Chinh, thi sĩ Nguyên Sa tả rằng ông đã đứng cạnh nhà văn Mai Thảo. Cứ như là chuyện Liễu Trai. Phần ông Mai Thảo viết rằng: “Phong thái nghệ sĩ thanh lịch, ăn ở đầy đặn và khả ái với mọi người, đã đem lại cho Kiều Chinh phần thưởng tinh thần còn quý hơn tất cả các giải thưởng và huy chương từ Hà Nội – Sài Gòn đến Hollywood.” Xong rồi, Mai Thảo cũng ra đi. “Để thấy hình ta những miếu đền.”
Nhân nhân dịp đầu năm Ất Dậu, Kiều Chinh về San Jose, và San Jose với 100,000 dân Việt của thành phố điện tử Bắc Cali sẽ có dịp biết thêm về cuộc đời của một nữ tài tử điện ảnh Việt Nam.
Hơn 50 năm về trước, ngày 20 tháng 7-1954, hiệp định Geneve chia đôi đất nước, có một cô bé tên là Nguyễn Thị Chinh, 15 tuổi, mồ côi mẹ, di cư vào Nam một mình. Cha cô ở lại Hà Nội đi tìm con trai nên đã gửi con gái theo gia đình bạn.
Chuyến bay DC3 định mệnh chở cô bé đơn côi từ Gia Lâm vào Tân Sơn Nhất đã đem lại cho miền Nam một đệ nhất minh tinh điện ảnh.
Bắt đầu từ năm 1957, Kiều Chinh 18 tuổi đóng phim Hồi Chuông Thiên Mụ. Năm 1975 đóng Full House tại Singapore giữa lúc Sài Gòn thất thủ.
Đó là phần thứ nhất của cuộc đời nữ tài tử Kiều Chinh trải qua mười tám năm, qua 22 phim giao duyên với điện ảnh Việt Nam, Hoa Kỳ, Phi Luật Tân, Ấn Độ để đoạt giải “tài tử được ái mộ nhất” trong đại hội điện ảnh Á Châu 1973.
Năm 1968, Kiều Chinh đóng phim Destination Việt Nam và đã trở thành quốc khách của Phi Luật Tân.
Với thành tích ngoại giao điện ảnh, cô đã đoạt giải văn học nghệ thuật của tổng thống Việt Nam Cộng Hòa năm 1969.
Năm 1971, Kiều Chinh có cơ hội đóng vai công chúa Ấn Độ tại New Delhi và đã được vinh dự tiếp đón như một nàng công chúa thực sự. Đó là những giây phút vinh quang của Kiều Chinh, Hà Nội, Sàigòn.
Thành quả rực rỡ tại Việt Nam là phim Người Tình Không Chân Dung năm 1970. Phim này vào năm 1973 đã đoạt giải phim chiến tranh hay nhất và nữ diễn viên xuất sắc nhất của đại hội điện ảnh Á Châu tại Đài Bắc.
Tháng 4-1975, một lần nữa chuyến bay định mệnh từ Singapore đi vòng khắp thế giới để Kiều Chinh đoàn tụ với các con ở Canada và sau cùng cả gia đình tỵ nạn tại Hoa Kỳ.
Một lần nữa, cánh cửa Hollywood hé mở để thử thách cô tài tử của Sài Gòn bắt đầu làm lại lịch sử.
Và Kiều Chinh, với khả năng sẵn có, với quyết tâm của một bà mẹ có gia đình phải sinh tồn, nữ diễn viên không hề tốt nghiệp một ngày kịch nghệ đã khởi sự với bộ phim Television nổi tiếng MASH.
Sau đó là một loạt phim từ the Children of An Lạc cho đến The Letter. Rồi đến phim mới nhất Kiều Chinh đóng vai bà mẹ Trung Hoa ra mắt cuối năm 2004 tại San Francisco.
Một trong các nét đặc biệt là nữ tài tử điện ảnh Việt Nam đã từng đóng rất nhiều phim với vai trò phụ nữ Á Châu của nhiều nước. Từ bà mẹ Lào, người vợ Cam Bót, người tình Đại Hàn, người tình Trung Hoa, bà mẹ Tàu, công chúa Ấn Độ...
Lẽ dĩ nhiên ai cũng biết, nữ minh tinh của chúng ta không hề nói được ngôn ngữ của các quốc gia Á Châu nhưng khả năng diễn xuất và kinh nghiệm điện ảnh sẵn có đã là ưu điểm để các hãng Hoa Kỳ mời cô cộng tác từ điện ảnh đến truyền hình.
Trong buổi nói chuyện mới đây với chúng tôi, tài tử Kiều Chinh cho biết là trong số hơn 20 phim đóng tại Việt Nam thì “Người Tình Không Chân Dung” là bộ phim có nhiều kỷ niệm nhất. Thật vậy, phim này được sự bảo trợ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa nên đã có sự góp mặt của toàn thể Hải Lục Không Quân. Những đoạn phim bây giờ còn lưu lại gần như là các ghi dấu cuối cùng của các chiến sĩ miền Nam Việt Nam. Điều gây xúc động nhiều hơn nữa là phần lớn các bạn bè thân hữu của Kiều Chinh vào thời kỳ quay phim này, đều đã ra đi hoặc là bây giờ đã già yếu ở bốn phương trời.
Câu chuyện điện ảnh tiếp theo khi chúng tôi đã nhắc đến phim Việt Nam mới nhất mà Kiều Chinh cộng tác với nhóm trẻ tại Orange County. Đó là phim Journey of the Fall. Phim vừa quay ngoại cảnh mấy tháng tại Thái Lan với nội dung câu chuyện về những ngày sau cùng của Việt Nam Cộng Hòa. Trong phim này Kiều Chinh đóng vai bà nội của một cháu nhỏ. Sau bao nhiêu gian truân cháu bé sẽ có một cuộc đời mới tại Hoa Kỳ.
Từ Người Tình Không Chân Dung của một Việt Nam khói lửa năm 1970 đến Hành Trình Đổ Vỡ 75 được dựng thành phim hoàn tất năm 2005. Những tựa đề và những năm tháng như thế có gợi cho chúng ta những xúc động gì không?
Kiều Chinh của chúng ta, như Nhã Ca đã viết, hơn 30 năm trước trong vai người phụ nữ thời loạn ra sa trường tìm người tình không chân dung. Nàng không tìm thấy người yêu, nhưng đã thấy cả một đạo quân vất vả trong một cuộc chiến lầm than.
Cũng suốt 30 năm qua Kiều Chinh đã có dịp tham dự vào các phim trường quốc tế, đóng các phim truyện và các bộ phim tập truyền hình cho Hollywood. Đã nhận biết bao nhiêu tước hiệu danh dự từ điện ảnh, đến xã hội, văn hóa giáo dục trên các diễn đàn thế giới. Bởi vì nàng không phải chỉ hoạt động cho điện ảnh mà sống cho cả cuộc đời với cộng đồng Việt trong xã hội Hoa Kỳ rộng lớn.
Sau cùng, với thời gian, cô đã trở về với điện ảnh Việt Nam trong tay các nhà sản xuất trẻ, các đạo diễn rất thanh niên của một Little Saigon. Như vậy minh tinh một đời của chúng ta đã trở lại vai trò khiêm tốn và bình dị trong vai bà nội Việt Nam di tản. Về đây nghe em, về đây nghe em, mặc áo the đi guốc mộc...
Cái thời xưa ngồi trên xe Jeep, trên chiến xa, trên trực thăng đi tìm người tình không chân dung trong những đêm hỏa châu soi sáng tiền đồn, những ngày ấy đã thật xa rồi. Những ngày đóng vai công chúa Ấn Độ khai mạc lễ tiếp tân.ª
Phượng Các
#5 Posted : Sunday, February 26, 2006 10:42:33 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Kiều Chinh, Trăng Cài Sắc Không

Lục Cốc DT






Chọn hoài với thật nhiều tìm kiếm những nhân vật điển hình trong các bộ kiếm hiệp được dựng xây từ các văn gia nổi tiếng Đông Tây, vậy mà vẫn không có được một nhân vật nữ nào khả dĩ giông giống như nàng nơi đời sống có thật. Cuối cùng, giải pháp tổng hợp tính cách của nhiều nhân vật tiểu thuyết quen thuộc được đề ra, hy vọng từ đó bạn đọc liên tưởng tới cuộc đời một phụ nữ Việt Nam tên là Kiều Chinh.
Cho tới nay, bà đã hiện diện 66 năm trên đời sống này. Có thể nơi bà hiện hữu những tính cách của một Hoàng Dung (Nhân vật Hoàng Dung xuất hiện như một hình tượng bỗng lóe sáng, không chỉ bao trùm Quách Tỉnh mà còn bao trùm toàn bộ sách “Anh Hùng Xạ Điêu”. Cái tinh linh cực kỳ thông minh và vô cùng xốc vác mà dưới ngòi bút của Kim Dung, một nửa là tiên nữ trên trời, một nửa là đày ải của trần gian). Một Nghi Lâm (Nghi Lâm xuất hiện là một cảnh tượng đầy xúc động, được bố trí khéo léo. Nàng như làn gió nhẹ, như dòng suối trong. Như một vầng trăng sáng. Sự có mặt của nàng làm mọi người xúc động, ngay đến kẻ lòng dạ hẹp hòi, hoành hành bá đạo cũng bất giác tin rằng Cô Nương đẹp như một hạt minh châu. Cái đáng yêu, đáng thương của Nghi Lâm tựa hồ rất gần gũi, có thể sờ thấy được). Một Chu Chỉ Nhược (Trong cuộc sống của nàng có nhiều cái bất đắc dĩ, bởi vì cuộc sống không phải lúc nào cũng như ý, ngược lại phải thuận theo trào lưu, thích nghi với hoàn cảnh, lắm khi việc muốn làm không được làm; việc không muốn làm vẫn cứ phải làm, mâu thuẫn như vậy bởi nàng phải “làm người”. Nghĩa là phải phù hợp một truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, hoàn cảnh xã hội và quan niệm giá trị nhất định). Một Tiểu Long Nữ (Cái bất hạnh của nàng là do bởi tình cảm thời thanh khiết, bị gò ép, bị đưa đẩy từ ngoại lực. Ươm mầm tình yêu bởi định mệnh chớ không do tự mình chọn lựa. Ảnh hưởng này, khiến khi vào đời, nàng đã bao dung một cách ngây thơ. Nàng đã vị tha không có tuổi. Đôi mắt buồn thường trực, kể cả lúc đạt thành mộng ước).
Trên chỉ là một số điển hình về tính cách của vài nhân vật tiểu thuyết mà phần lớn có nơi Người phụ nữ Việt Nam: Nguyễn thị Chinh tự Kiều Chinh. Lạ lùng thay, khi bày tỏ về đời sống, sự nghiệp của Bà thì những nguồn nhận xét tinh tế nhất cũng lại đưa bà về truyền kỳ huyền sử của tiểu thuyết. Một trùng hợp vô tình hay bởi ảnh hưởng từ suy nghĩ cho nàng là một thứ đối ảnh cần phải được chiêm ngưỡng bằng tấm lòng trí tuệ trừu tượng mênh mông , kiểu biển khơi, sóng nước. Nhạc Sĩ Lê Trong Nguyễn đặt tên ngôi nhà nhỏ của Kiêu Chinh là “Am Tịnh Cốc”. Trong khi đó thì Phạm Đình Chương gọi nơi nàng ẩn thân là “Cổ Mộ Đài”. Riêng nhà văn Mai Thảo dưới mắt nhìn kiếm sĩ, ông nhất quyết cho là Kiều Chinh đã trải lòng mình nơi “Tuyệt Tình Cốc”.
Ghi nhận về cô gái ở làng Mộc Cự Lộc - Hà Đông, sau này dời về khu Kim Mã Gia Trang-Hà nội, tài tử Lê Quỳnh viết: Có dịp gần gủi Kiều Chinh trong những chuyến quay phim xa hoặc xuất ngoại, tôi mới càng hiểu rõ Kiều Chinh hơn. Tôi muốn nói đến Kiều Chinh con người của điện ảnh, và Kiều Chinh , một mẫu người đàn bà với những đức tính không thể thiếu vắng trong một gia đình thuần túy Việt Nam. Với điện ảnh, Chinh thật bén nhạy trong diễn xuất và thông minh qua các cuộc thảo luận về đề tài chuyện phim cũng như trong những lãnh vực khác. Chinh chịu khó đọc sách báo ngoại quốc và tự tìm cho mình một hướng đi khác biệt. Chính vì thế mà sự thành công đã liên tiếp đến với Chinh không những là lúc còn ở Việt Nam, mà giờ đây tại kinh đô điện ảnh Hollywood Chinh đã tạo được một chỗ đứng vững vàng khiến những danh tài Á Châu khác như France Nguyen, Nancy Kwan…phải nể vì. Với gia đình, Chinh là người đàn bà rất đảm đang, cuộc sống rất mực thước và có thể nói, đối với Chinh gia đình là tất cả!, nhưng , khi nói về hạnh phúc lứa đôi, Lê Quỳnh lại mượn câu thơ của Nguyễn du dành cho Nàng Kiều trong tiểu thuyết hóa thân thành nàng Kiều Chinh của chúng ta với “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”. Thật vậy, trong nhật ký của cô bé mồ côi mẹ tên Chinh, viết cho người cha dặm ngàn xa cách năm 1955 có mấy dòng sau: “Bố ơi, Bố không ơi nữa. Nhưng con vẫn phải kể với bố. Đêm qua con nằm mơ thấy lại hồi bé. Thấy con chui trong áo măng Tô của bố đi tới rạp Philharmonique, rồi ngồi trong lòng bố, châm thuốc cho bố. Con thấy cả con ngựa Phi Phi nữa. Còn con Kim Mã, sao con không thấy nó. Lâu nay Bố có trở lại vườn Cam của Bác Phúc không hở Bố. Ngôi nhà cũ của bố con mình ra sao rồi. Anh Lân có về với Bố không. Mấy hôm nay con mệt, con ói mửa. Chị Sâm nói con ốm nghén, Cô sắp có em bé. Con run lắm. Ngày trước khi con còn trong bụng mẹ. Mẹ có vậy không Bố. Ước gì có Bố ở đây với con. Làm sao con viết được ít dòng cho Bố, thưa với Bố là con bé 16 tuổi của bố sắp phải làm mẹ...” Nhật ký ngưng ở đây, nhưng trong chuyện kể thì người chồng của Chinh đang ở ngoại quốc với một đàn bà khác.
Để thấm cảm thêm phần nào cuộc đời đó của nhân vật Kiều Chinh, mời bạn đọc qua rọi chiếu của nhà văn Mai Thảo, những dòng tiếp đây: “ Bây giờ là năm 1957, cuộc chiến giữa hai miền Nam Bắc Việt Nam đang đi dần tới chỗ khốc liệt. Nền Điện ảnh Việt Nam còn rất trẻ trung. Và Kiều Chinh cũng vậy. Bà mới 18 tuổi. Nhờ tài trí song toàn, một ý chí cầu tiến mảnh liệt và thêm vào lòng say mê không bến bờ đối với nghệ thuật điện ảnh. Kiều Chinh mau chóng trở thành người nữ minh tinh hàng đầu cột trụ của điện ảnh Việt Nam. Bà đã liên tục thủ vai chính trong hàng chục bộ phim. Nhiều cuốn đoạt những giải thưởng cao quý ở Việt Nam và ở những đại hội diện ảnh Á Châu. Đã đồng diễn nhiều với các diễn viên quốc tế trong những sản xuất hỗn hợp…Nhưng nói tới Kiều Chinh về mặt một diễn Viên diện ảnh, chưa đủ. Giữa hai vai tro,ø bà còn là nhân vật phụ nữ lỗi lạc trong cái ý nghĩa tốt nhất của một phụ nữ Việt Nam dấn thân và tiến bộ trước xã hội và thời đại của mình. Một quan tâm thường xuyên tới mọi vấn đề của phụ nữ. Những hoạt động tích cực không ngừng trong mọi công tác xã hội từ thiện nhân đạo. Đến những phong trào đấu tranh cho tự do nhân quyền trong khuôn khổ cộng đồng tị nạn Việt Nam và cộng đồng thế giới. Ông Mai Thảo nhấn mạnh: “Đó là Kiều Chinh, với những danh hiệu được phong tặng “Today’s Woman”, “Woman Warrior”, “Asian Pacific Women’s Network” và còn nhiều những danh dự khác lớn lao hơn. Những vinh hiển vừa kể như những vì sao lấp lánh của một bầu trời cùng rực rỡ chiếu sáng trên suốt chiều dài mấy mươi năm điện ảnh Kiều Chinh từ năm 18 tuổi tới bây giờ. Và còn nữa. Những lẫy lừng này cộng với một phong thái nghệ sĩ thanh lịch, cách thế ăn ở rất mực thước, đầy đặn và khả ái với tất cả mọi người đã đem lại cho Kiều Chinh một phần thường tinh thần nữa. Theo ý tôi, còn quý báu hơn cả những giải thưởng và những huy chương... Đó là lòng yêu mến và quý trọng mà mọi giới và rộng lớn quần chúng yêu thích điện ảnh đã dành cho Kiều Chinh. Một lòng yêu mến và quý trọng thắm thiết, mênh mông hầu như khó một nghệ sĩ nào có được. Như thế, từ nhiều chục năm nay. Như thế, từ Hà Nội, tới Sàigòn, tới Hollywood, trong lòng mọi người .
Và Kiều Chinh trở lại với thi sĩ Nguyên Sa: Vị này mơ có một tuần lễ Kiều Chinh, để ông trao tặng đóa hoa khai mạc và: “Tôi dắt Kiều Chinh lên sân khấu. Tôi nói ngay đến những phim TV mà Kiều Chinh đóng từ 1975 đến nay (1991), 25 phim tất cả. Những loạt phim như Cagney Laccy , như Santa Barbara show, rồi tôi mời Kiều Chinh cùng tôi, cùng hàng ngàn bằng hữu yêu mến Kiều Chinh trở lại Mưa Rừng, trở lại Hồi Chuông Thiên Mụ. Khi bước xuống, Mai Thảo sẽ huýnh cùi chỏ vào mạng sườn tôi và nói “Áo lụa Hà Đông, ông vẫn đứng chật hết tất cả mọi sinh hoạt”. Trước khi xuống, tôi nói đủ thứ. Nhưng tôi nhất định không nói điều mà tôi tìm kiếm: Dường như Kiều Chinh có một nỗi buồn nào…đó. Lần nào gặp giọng nói, gặp cặp mắt Kiều Chinh, tôi cũng nhìn thấy nỗi buồn đó.
Cái khám phá trên của Nguyên Sa có thể được dẫn giải từ cái tâm rất ngộ của Kịch tác gia Nghiêm Xuân Hồng (Tác Giả Người Viễn Khách thứ mười , mà tâm hồn nhân vật trong truyện phải chăng là dấu vết bối rối của một Kiều Chinh). Ông Hồng dẫn giải về Kiều Chinh: Có những loài hoa hay dị thảo không nở lộng lẫy một thời mà nở như muộn màng, ngậm ngùi se thắt nhưng bền lâu. Nở ngập ngừng dưới vòm trời cô tịch, tương tư tia nắng quái chiều hôm, và, đôi khi như lại muốn biến đổi màu sắc. Chẳng biết đúng hay không nhưng đó là cảm tưởng tôi hay nhận thấy mỗi khi thưa thớt bắt gặp Kiều Chinh trong những dịp hội họp đông người. Tôi thầm nghĩ, có lẽ cuộc đời đã không đãi ngộ người thiếu phụ này nhiều, nên vầng trán cùng nụ cười đã đượm màu khắc khoải... Nhưng bên trong vẫn còn một ý chí, một tâm tư muốn biến đổi màu sắc, muốn hóa thân vươn tới một chân trời nào đó... Đôi khi tôi lẩn thẩn tự hỏi không hiểu nghiệp dĩ gì hay khiến con người được thác sanh với nhiều tài trí thông minh và nhiều sắc đẹp. Hình như trong Kinh nói rằng, những kẻ đó, trong kiếp trước, hay bố thí nhiều và hằng nuôi tâm từ. Gần đây tôi thấy Kiều Chinh tham dự nhiều việc khả kính: đi thăm những trại tỵ nạn, tham dự những buổi hội thảo nhân quyền, rồi lên tận thủ đô Cờ Hoa, đọc những bài diễn văn mà có lẽ các chính khách cũng thán phục. Có thể cô đang định hóa thân thành một loài dị thảo khác chăng ?
Người về bứt áng mây hồng
Dệt y trăm sắc ngại ngùng lòng ai
Trời thu để giấc mơ dài
Sông hồ hư ảnh trăng cài sắc không.

Kết luận :
Đoạn phát biểu trên của Ông Nghiêm Xuân Hồng thời sinh tiền, cách đây mười bốn năm, bây giờ, trên thực tế, năm 2005 thì minh tinh Kiều Chinh, dường như đã tìm thấy trong đời sống nội tâm thiền định rất yên tĩnh nơi giữa lòng thị xã nhỏ bé ồn ào náo nhiệt vùng Garden Grove, Quận Cam California; và những chiếc lá sâu, những cành củi mục, thói thường của nhân gian, phát xuất từ cơ sở ẩm thấp của tâm hồn, dù có cố gắng phủ lên hạt giống tinh anh trong sáng, cũng chỉ có khả năng làm cho sự nẩy mầm rạng rỡ của một loài hoa bất tử mà thôi.




Phượng Các
#6 Posted : Monday, February 27, 2006 6:25:25 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)



Trần Quang nhận xét về Kiều Chinh

NGUYỄN QUANG MINH


LTS: Nghệ sĩ Trần Quang, diễn viên điện ảnh gạo cội nhất của Việt Nam, từng tốt nghiệp thủ khoa trường điện ảnh Việt Nam khoá1, năm nay 63 tuổi, với hơn 40 năm trong nghề diễn xuất. Nhân dịp nói về điện ảnh, ông đã có những nhận xét thẳng thừng về những nữ diễn viên của Việt Nam. Những nhận xét của ông dựa trên kinh nghiệm của một người đã nhiều năm trong nghề, do đó, không ngoài ý muốn xây dựng. Cuộc trao đổi có thể làm mất lòng với những người liên hệ, tuy nhiên, chúng tôi tin rằng, những nhận xét của Trần Quang phản ảnh một sự thật mà đám đông xưa nay vẫn nghĩ mà không nói ra.

NQM: Nói về nghệ thuật diễn xuất trong kịch hay trong phim, thì theo ông, ở điểm nào quan trọng, ông nhận xét gì về nét diễn xuất ở tài tử Kiều Chinh?
TQ: Đối với tôi, nếu nói về nghệ thuật, tôi là một người rất khó khăn, khó tính. Khi không nói thì thôi, đã nói, phải nói thẳng, nói thật… để phê bình, góp ý cho nhau. Trong bộ phim The Joy Luck Club, Kiều Chinh sau khi rời khỏi Việt Nam, vai diễn trong phim này đã cho Kiều Chinh một đất diễn hay nhất, một cơ hội bằng vàng… Nếu người diễn viên đạt được vai diễn này một cách xuất sắc, được nhận Oscar ngay lập tức. Nhưng khi coi phim này, vai Kiều Chinh đóng, không biết chị đóng như thế nào, lại không thể hiện được hết tính cách của nhân vật. Ví dụ như cảnh hai bàn tay của người mẹ rướm máu đẩy con đi; hoặc lúc đặt con trở lại… khuôn mặt của Kiều Chinh không diễn được nỗi đau vô vàn của người mẹ đối với tình huống, hoàn cảnh đành đoạn của người mẹ rứt ruột bỏ con đi. Đó là chỗ Oscar!
NQM: Thế nhưng, nhiều người xem lại cho rằng Kiều Chinh lại diễn quá, tỏ ra biểu cảm quá mức sự thật. Đến mức cường điệu, anh nghĩ sao?
TQ: Đó là chuyện tại sao chúng ta, những diễn viên Việt Nam nên đi xem phim Mỹ, coi người ta diễn xuất. Họ đã chinh phục được ngay cảm tình của người xem từng tình huống, như tôi đang đóng vai A, vai Y, vai Z, tôi đang nói trong tâm trạng của người cha, người mẹ, tôi đau khổ, hạnh phúc, sung sướng ra sao. Họ đóng thật, chứ không over act. Trong giới kịch ảnh chúng tôi có câu “rặn diễn xuất”, tức là cố mãi mới ra diễn. Đừng bao giờ cố diễn cả. Mà hãy để cho nhân vật ngấm vào mình, để ánh mắt đau xót, bàng hoàng, hạnh phúc tự nó diễn tả. Phải để cho làn da của mình trên khuôn mặt nó cử động, nó giựt nhẹ theo từng nỗi xúc động ra sao… Diễn viên Mỹ người ta diễn rất lặng, không cần phải gào thét, khóc lóc. Nhưng vẫn tả, diễn được những trạng thái tình cảm khác nhau. Đó mới là đỉnh cao của diễn xuất. Kiều Chinh chưa diễn được như vậy. Tôi có cảm tưởng như cơ phận rung cảm trên khuôn mặt Kiều Chinh nó bị lỳ đi, không chút biểu cảm. Rất vô hồn, mặc dù chị có cố gắng gào, thét. Kiều Chinh không sống tới nơi tới chốn với nhân vật của chị. Trời ơi! Oscar! Oscar!
NQM: Hay là đạo diễn… dỏm? Không đạo diễn được scene đáng Oscar mà Kiều Chinh đang thủ vai?
TQ: Ở đây, có lẽ tôi phải nói thế này, đạo diễn hoàn toàn không nhúng tay vào phần diễn này. Vì nếu họ nhúng tay vào, họ có thể đem cả trăm ngàn người khác vào diễn. Nhưng tại sao người ta mời Harrison Ford, Michael Douglus vào đóng làm gì…Vì người ta đóng được, thể hiện nhân vật đó, chinh phục khán giả. Nói ra Chinh đọc được sẽ giận, sẽ buồn, nhưng Quang nói thẳng, dù rất quí, rất yêu Chinh, nhưng trong tình nghề nghiệp, mình tiếc cơ hội bằng vàng, để Chinh thu phục tất cả cảm tình của mọi người, vì người Việt Nam nhận được giải Oscar sung sướng biết mấy. Chinh đã có đất diễn hơn ba bà mẹ kia, vì không có hoàn cảnh diễn như Chinh, thế mà… tiếc quá. Chỉ cần chỗ đó thôi!
NQM: Đi ngược lại thời gian, một vai diễn khác mà nữ tài tử Kiều Chinh vẫn hãnh diện trong đời điện ảnh của mình, vai nữ chính trong phim “Người Tình Không Chân Dung”, ông nhận xét gì về vai diễn này?
TQ: Thật ra mà nói, phim này đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc đã đưa ra một triết thuyết sống, một cái nhìn của anh ta cho nhân vật Dạ Lan có thật ngoài đời, một tiếng nói mà hàng triệu người lính của chúng ta yêu mến, ngay tôi cũng mê nhân vật này. Trả lời thẳng vào câu hỏi, tôi cho rằng, trong vai diễn Dạ Lan, sự gò bó và khuôn mặt lạnh của Kiều Chinh đã chưa thể hiện đúng nữ nhân vật ở trong tình huống mông lung, sự thương cảm kính mến, sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ, để làm một hành động cao thượng nhận lấy hoàn cảnh khó khăn cho mình. Phải diễn được nội tâm ray rứt, phải sống thật với mình chứ, bởi vì mình có biết người đó là ai đâu, mà bây giờ mình phải thương, phải sống với người đó vì những lời mình đã hứa… Những giây phút cần diễn tả nội tâm khi một mình, sống với chính mình, Kiều Chinh chưa thấy, chưa cảm, chưa diễn tả ra nội tâm của vai diễn. Ngay khi dưới hầm, gặp các chiến sĩ, Kiều Chinh không diễn được những hoàn cảnh thích đáng, theo yêu cầu. Có lẽ Kiều Chinh chọn một lối diễn riêng của mình, theo ý của mình. Theo tôi nghĩ Kiều Chinh đã chọn sự lạnh lùng, băng giá thay cho sôi nổi khi gặp anh đại úy không quân do tôi thủ diễn. Đã có những giây phút từ cuộc tình thoáng chốc, trao đổi rất con người… Không gian riêng biệt, đối diện với riêng mình, nếu Kiều Chinh bớt băng giá đi, tôi nghĩ sẽ làm cho vai diễn của chị thật hơn và nhập vai hơn. Thôi thì Chinh chọn con đường diễn đó rồi, thì thôi.
NQM: Dường như giới kịch ảnh chúng ta thiếu những bài phê bình, những nhà phê bình chỉ ra những cái hay, cái dở, cái dỏm của mỗi cuốn phim hay mỗi diễn viên. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, tôi được nghe anh phê bình về một diễn viên hàng đầu của điện ảnh Việt Nam là Kiều Chinh. Nói về diễn xuất, theo anh, điều gì khiến cho diễn viên này khác với diễn viên khác?
TQ: Trước hết phải là tài năng thiên phú trước đã. Còn nhân dáng hình hài chỉ giúp thêm một phần nào. Nếu có một dáng cao ráo, nét đẹp sẽ thu hút thêm khán giả. Nhưng ông Danny De Vito chỉ cao có một thước tư, nhưng đóng rất hay. Hình dáng bề ngoài chỉ giúp người diễn viên một phần, điều quan trọng phải là một tài năng thiên phú. Trong nghệ thuật, khả năng thiên phú là quan trọng nhất. Từ khả năng này, tôi luyện, học hỏi thêm, mới phát triển được. Cái khó của người nghệ sĩ là thắng được lòng kiêu căng, tự mãn của mình. Đừng bị lời khen làm hỏng mình đi. Gặp ai khen thì thích, ai chê thì buồn, là không được. Phải thấy ai khen mới là quan trọng, và ai chê mới đáng để ý. Phải biết ưu điểm và khuyết điểm của mình để phục thiện, mới tiến xa được. Trong âm nhạc, chúng ta có Sĩ Phú, Anh Ngọc, Duy Trác, sau này có Tuấn Ngọc, Elvis Phương… đó là những tài năng thiên phú, nhưng biết học hỏi, trau dồi thường xuyên, nên tên tuổi của họ vẫn đứng vững với thời gian.
NQM: Nói đến nền điện ảnh Việt Nam, mặc dù lối diễn xuất chưa đạt của Kiều Chinh, tại sao bà được xem như là một biểu tượng điện ảnh của Việt Nam hải ngoại?
TQ: Điều này dễ hiểu thôi, là khi qua Mỹ, Kiều Chinh đã có sẵn một quá trình diễn xuất, chúng ta còn có ai nữa đâu. Trong giới trẻ đi vào điện ảnh Mỹ, chỉ có Dustin Nguyễn là đi vào Hollywood, rồi sau đó, chúng ta chỉ thấy thoáng chốc một vài người thật mờ nhạt. Kiều Chinh được quen biết với giới đạo diễn Mỹ, rồi bạn bè đưa đẩy, hoàn cảnh đưa đẩy tiếp tục theo nghề, nên được nhắc tới. Ngoài ra, Kiều Chinh lại có một nhiệt tâm làm việc xã hội và chịu xuất hiện ở những nơi cần phải xuất hiện. Do đó, nói tới ai bây giờ, không có một nhân vật đối trọng thứ hai. Ngay cả giới trẻ bây giờ cũng thiếu vắng tài năng lớn. Hơn nữa truyền thông, báo chí, thưa quí vị, chính quí vị là những người có khả năng đẩy lên hay kéo xuống một nhân vật hay một nền văn hóa. Không có quí vị nói đến, không có quí vị khen tặng, phê phán, nói đến người ta, tạo dư luận chờ nghe, chờ xem… làm sao mà nghệ sĩ lên được. Tôi cứ nghe muốn lên một tờ báo, muốn được phỏng vấn, phải thế này thế nọ mới được. Cứ như thế này thế kia mãi khiến độc giả không còn tin tưởng được nữa.



vietweekly (6/16/05)
Phượng Các
#7 Posted : Monday, February 27, 2006 6:41:47 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Nói cho rõ lại ý của mình về Kiều Chinh

Lê La


Trần Quang


VW: Anh Trần Quang muốn nói rõ lại một cách cô đọng những nét diễn xuất của các nữ tài tử Việt Nam?
TQ: Tôi muốn nói cả một sự bâng khuâng của mình khi đọc lại bài phỏng vấn. Tôi muốn nói là mỗi một nghệ sĩ tự chọn cho mình một thế diễn để thể hiện nhân vật, người chọn cách diễn nóng, người chọn cách diễn lạnh. Kiều Chinh đã chọn nét diễn lạnh, nét diễn không biến đổi, rất là Kiều Chinh. Hay như Kim Cương chọn nét diễn đau khổ, thương cảm. Thẩm Thúy Hằng chọn nét diễn đẹp, phô diễn vẻ đẹp của mình. Bạch Tuyết chọn nét diễn xuất hóa thân thành từng nhân vật mà mình đóng. Đó là bốn người diễn viên mà tôi cho rằng họ đã tự chọn cách diễn riêng. Riêng Thanh Nga có một nét diễn lạnh như Kiều Chinh nhưng nét lạnh đậm, nó sâu và lắng đọng vào trong, nó tiềm ẩn ở trong nét diễn nội tại, khác với nét diễn ngoại hình. Nếu coi những vở cô đóng, mới thấy ít khi nào cô đóng động như Bạch Tuyết. Cô là một hình tượng đối nghịch với Bạch Tuyết. Cũng như Kiều Chinh là một hình tượng đối nghịch với Kim Cương. Kiều Chinh trong dáng vẻ sang cả, kiêu sa, những vai trò như vậy rất phù hợp với cô. Kim Cương với những dáng quê mùa, chất phác, bi thương, sầu thảm, rất phù hợp với cô. Nếu đổi ngược lại hai vai trò của hai người sẽ hỏng. Riêng phim Người tình không dung, Kiều Chinh sang quá. Nếu đạo diễn đừng để cho Kiều Chinh kiêu sa quá trong không gian không cần đó, nó sẽ phù hợp hơn. Dáng lạnh của Kiều Chinh, đôi lúc nó rất phù hợp với nhân vật nhưng trái ngược lại đôi lúc nó phá hỏng tính chất của nhân vật. Nó thiếu chất nữ tính của một người con gái khi đang làm nhiệm vụ diễn cảm lại tất cả những tình thư của những người lính, tạo cho những người lính cảm nhận rằng họ luôn được trân quí, kính trọng, từ những người hậu phương cảm thương sự hy sinh của họ nơi chiến trường. Người phụ nữ đó, người con gái đó phải mang một nội tâm sâu sắc. Điều đó, đạo diễn phải làm sao để người diễn viên nhập được vai, phát huy được nhân vật của mình. Ơû đây, đạo diễn đã có lỗi là không nhúng tay vào để đưa đẩy thêm, phân tách thêm, để hướng dẫn cho người diễn viên có thể thoát ra được, nhập được vào nhân vật của mình, từng cảnh một. Đó là những điều mà tôi bâng khuâng, vì lần trước hơi đột ngột, nên sự suy nghĩ của tôi chưa được chín chắn. Đây không phải là sự thanh minh. Tôi rất hiểu Kiều Chinh là người hiểu biết sâu rộng trong ngành nghề. Cô là một hình bóng được bao nhiêu người ái mộ từ xưa tới nay. Nhiều người có nói là Kiều Chinh sẽ giận, sẽ hờn, sẽ mắng tôi… đại khái thế. Tôi không nghĩ như vậy, vì Kiều Chinh với tôi là bạn bè mấy chục năm nay. Tôi hiểu Kiều Chinh. Kiều Chinh nghe được, nó sẽ hai cách. Một, nếu Kiều Chinh không phải là Kiều Chinh như tôi nghĩ, sẽ mắng tôi và sẽ không bao giờ gặp tôi nữa. Hai, nếu Kiều Chinh là người như tôi nghĩ từ trước đến giờ, bạn bè với nhau, Kiều Chinh sẽ bắt tay tôi và nói là “Toa đã làm cho moa được một điều mà trước giờ moa không nghĩ đến. Nghe những lời khen tặng nhiều quá nên cứ nghĩ rằng lối diễn của mình như thế là tốt lắm. Mọi người đều có vẻ quí mến, có vẻ thích thú, bao nhiêu sự ái mộ…” Đại khái là như vậy. Và tôi nghĩ rằng, Kiều Chinh phải là như thế. Đây là phần để mà nói lại.

vietweekly 6/23/05
Phượng Các
#8 Posted : Monday, February 27, 2006 6:45:05 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Vũ Xuân Thông nhận xét về Kiều Chinh


Diễn viên Vũ Xuân Thông



Diễn viên Vũ Xuân Thông, vai chính trong phim “Người tình không chân dung”, bộ phim lấy nhân vật Dạ Lan có thật ngoài đời nói gì về bạn diễn của mình, tài tử Kiều Chinh?

VW: Anh đóng một vai trong phim Người tình không chân dung, nhân vật trong phim có phải là anh ngoài đời không?
VXT: Thật sự, vai trong phim và người ngoài đời lẽ dĩ nhiên cũng có trùng hợp vì ngoài đời tôi là người trong quân đội và vai trong phim cũng là người trong quân đội.
VW: Trong vai diễn đó, điểm khó khăn nhất của anh là gì? Anh có phải là diễn viên chuyên nghiệp không? Hay anh nhập vai như một người lính?
VXT: Tôi không phải là diễn viên, cũng không có học ở trường sở nào. Chỉ là do sự tình cờ giữa tôi và anh Hoàng Vĩnh Lộc, tôi được mời đến làm cố vấn kỹ thuật cho phim Xin nhận nơi này làm quê hương, về phần toán thám sát thâm nhập ra ngoài Bắc. Có lẽ anh Hoàng Vĩnh Lộc thấy nhân dáng tôi được nên cho tôi một vai phụ trong phim. Sau đó, anh Lộc mời tôi tham gia với chị Kiều Chinh trong phim Người tình không chân dung. Diễn tả cung cách của một người lính, đối với tôi không có gì là khó khăn cả, vì đó là đời sống thật của tôi.
VW: Trong phim Người tình không chân dung, anh đóng vai chính, anh có nhận xét gì về diễn xuất của Kiều Chinh?
VXT: Cốt truyện này dựa trên quân đội VNCH lúc bấy giờ. Nhưng câu chuyện hơi cao một chút, đó là, ngoài đời sẽ không có thực. Yù của người viết cuốn phim đó muốn diễn tả một tình cảm của dân miền Nam đối với quân đội. Nhân vật trong phim có thật đó là tiếng nói Dạ Lan, đa số anh em trong quân đội rất thích chương trình đó. Bởi vì khi đi xa, hành quân, chương trình đó đã an ủi phần nào người chiến sĩ ở nơi xa. Tôi không phải là diễn viên điện ảnh để đưa ra những nhận xét là Kiều Chinh nhập được vai hay là không nhập được vai. Theo tôi nghĩ, đó là một vai rất là khó đối với chị Kiều Chinh. Tôi nghĩ chị đã làm tốt vai đó, diễn đạt được nhân vật.
VW: Anh nghĩ gì về các diễn viên điện ảnh của thời trước?
VXT: Tôi nghĩ những anh chị em diễn viên điện ảnh trước năm 1975, của miền Nam trước kia, sang được đến Hoa Kỳ, chỉ có hai người hòa nhập được với điện ảnh Mỹ là Kiều Chinh và Bảo Aân. Nhưng anh Bảo Aân đã lâu quá rồi, anh chỉ xuất hiện trong một vài phim. Riêng với chị Kiều Chinh, vẫn còn sinh hoạt với điện ảnh Mỹ cho tới ngày hôm nay, tôi cho đó là, theo ý của chị, nó cũng có sự may mắn trong đó, thêm vào đó, nó phải có sự làm việc rất là tích cực, khó nhọc, khó khăn của chị, mới có một chỗ đứng tương đối trong điện ảnh Mỹ.
VW: Anh có nghĩ rằng báo chí đã “thiên vị” cho Kiều Chinh quá không?
VXT: Nếu nói về những diễn viên của miền Nam trước kia, có thể nói là một phần do tình cảm của tôi và chị Kiều Chinh, tôi nghĩ cho đến ngày hôm nay, tiếng tăm của chị Kiều Chinh có, là do công sức của chị nhiều hơn. Sau đó, là do tình cảm của người dân miền Nam trước kia đối với chị, mà vẫn còn cho tới ngày hôm nay. Tôi nghĩ chị Kiều Chinh, về đời sống của chị, nếu không phải là người có ý chí vững vàng có lẽ chị đã bỏ cuộc lâu rồi. Về việc đối xử với những người chung quanh, chị rất tốt. Là một người rất dễ nói chuyện, không có kiêu căng.



vietweekly 6/23/05
Phượng Các
#9 Posted : Sunday, October 22, 2006 1:20:15 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Mạn đàm với Nữ tải tử Kiều Chinh về giải “Lifetime Achievement Arward“
Saturday, October 21, 2006


Nguyễn Ngọc Chấn/VNCR/RadioVNCR.com
Garden Grove, CA. Ðược biết Nữ Tài Tử Kiều Chinh vừa được Ðại Hội Ðiện ảnh Á Châu San Diego, trao giải Sự nghiệp Ðiện ảnh “Lifetime Achievement Award”, đài phát thanh VNCR và Web site RadioVncr.com đã được nữ tài tử Kiều Chinh dành cho một cuộc mạn đàm trên Website, thu hình tại tư thất của bà ở Garden Grove, California.

Ðược đặc phái viên Hoàng Trọng Thụy hỏi về cảm tưởng, Nữ Tài Tử Kiều Chinh tâm sự:

“Khi được biết Ðại Hội Ðiện Ảnh San Diego gồm nhiều quốc gia Á Châu, Thái Bình Dương tham dự, Kiều Chinh được cái vinh dự này thì rất là vui, nhưng, điện ảnh là cái “team work”, đó là công trình chung do một số người cùng làm việc với nhau khá vất vả. Hôm nay, nhận được giải thưởng này thì tôi xin ngỏ lời cám ơn tất cả những người, từ người viết truyện phim, đạo diễn, nhà sản xuất, các chuyên viên và tài tử khác mà tôi đã có cơ hội được làm việc chung. Ðặc biệt, cuốn phim sau cùng tôi mới làm xong, phim Vượt Sóng “Journey from the Fall” của đạo diễn Trần Hàm và producer Lâm Nguyễn, anh Allan Võ và tất cả nam nữ tài tử trong phim. Kiều Chinh xin trân trọng cám ơn.”

Qua những phút mạn đàm nữ tài tử Kiều Chinh cho biết cái ý nghĩa của giải Lifetime Achievement Award, bà Kiều Chinh kiểm lại đoạn đường dài hơn 50 năm qua đi: “Kiều Chinh cũng xin được cám ơn tất cả khán giả đã và vẫn còn tiếp nhận mình là người nghệ sĩ cũng như cám ơn giới truyền thông đã hỗ trợ Kiều Chinh trong suốt cuộc hành trình với điện ảnh”

Tài tử Kiều Chinh có sự nghiệp điện ảnh kéo dài gần nửa thế kỷ và trải qua nhiều biến động của đất nước. Kiều Chinh bắt đầu đóng trong “Hồi Chuông Thiên Mụ” (1957), và bắt đầu đóng phim cho Hollywood từ khi còn ở trong nước.

Qua Mỹ năm 1975, vai đầu tiên của Kiều Chinh đóng tại Hollywood là bộ phim truyền hình “M*A*S*H” do Alan Alda viết kịch bản, dựa vao một phần đời Kiều Chinh.

Ngoài một trong những vai chính trong “Journey from the Fall,” Kiều Chinh còn đóng trong hàng chục phim của Hollywood, trong đó có nhiều phim chủ đề Á Châu được chú ý, như “Catfish in Black Bean Sauce.” Và tất nhiên phải kể tới vai Suyuan trong “The Joy Luck Club.”

Năm 1996, cuốn phim tài liệu “Kieu Chinh: A Journey Home” của Patrick Perez đài truyền hình KTTV đoạt giải Emmy.

Năm 2003, Ðại Hội Ðiện Ảnh Việt Nam Quốc Tế vinh danh Kiều Chinh với giải sự nghiệp “Lifetime Achievement Award.”

Cũng trong năm 2003 Kiều Chinh nhận được giải Nữ tài tử xuất sắc tại Ðại Hội Ðiện ảnh Turin, Italy.

Tại San Diego, tuần trước, phim Journey from the Fall cũng chiếm giải “Grand Jury Award”, đây là giải lớn nhất của Ðại Hội. Nữ tài tử Kiều Chinh nghĩ sao?: “Rất hãnh diện, khi phim Vượt Sóng của Trần Hàm được giải thưởng cao quý này. Hôm đó họ phát 10 giải cho phim ảnh của nhiều quốc gia khác nhau, lần lượt từng giải nhỏ và cuối cùng, giải cao nhất được trao cho phim Journey From The Fall. Chúng tôi mừng vô cùng, mừng cho cuốn phim đã đành, mừng hơn nữa, đây là cuốn phim dài, đầu tay của đạo diễn Trần Hàm, lại được giải lớn nhất bên cạnh nhiều tác phẩm điện ảnh từ các quốc gia khác như, Ấn Ðộ, Ðại hàn, Nhật bản cùng dự tranh. Nhân đây một lần nữa xin chúc mừng điện ảnh Việt Nam, thế hệ trẻ”

Cuộc mạn đàm với nữ tài tử Kiều Chinh được Web site RADIOVNCR.COM ghi lại trọn vẹn, xin mời quý độc giả bốn phương vào xem hàng chục video clips của VNCR và, lắng nghe tâm tình của nữ tài tử Kiều Chinh nhân dịp bà tiếp nhận giải thưởng cao quý tại Ðại Hội Ðiện ảnh San Diego./ CNN/VNCR.
PC
#10 Posted : Saturday, September 29, 2007 11:42:39 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
Kiều Chinh, 50 năm điện ảnh, 70 năm cuộc đời
Saturday, September 22, 2007






Năm 2007 là năm đánh dấu 50 năm sụ nghiệp điện ảnh và 70 năm tuổi đời của nữ tài tử Kiều Chinh. Viết về một con người và một cuộc đời dài gần ¾ thế kỷ với không gian quá nửa vòng trái đất; từ thành phố Hà Nội, tới thủ đô điện ảnh Hollywood, với những thành quả có thể trải trên nhiều ngàn trang sách, mà phải gói ghém trong khuôn khổ một bài báo, thực chỉ là làm công việc 'cưỡi ngựa xem hoa'. Trong tinh thần ấy, mời độc giả đi thăm một vài nết chính về cuộc đời và sự nghiệp của người nghệ sĩ khả ái trong thời đại chúng ta.





50 NĂM ĐIỆN ẢNH


Từ Ni Cô Của 'Hồi Chuông Thiên Mụ' đến 'Người nghệ sĩ huyền thoại của VN và Á Châu'


Sự nghiệp 50 điện ảnh cuả nữ tài tử Kiều Chinh, một sự nghiệp mà nửa thế kỷ qua chưa có một diễn viên điện ảnh người Việt nào có thể so sánh được. Bắt đầu từ năm 1957, khi ấy, vừa tròn 20 tuổi, chị được mời đóng vai đầu tiên là ni cô trong phim ' Hồi chuông Thiên Mụ' mà nhà sản xuất là cựu đại sứ Việt Nam Cộng Hoà tại Hoa Kỳ, ông Bùi Diễm.

Có thể nói, chị là một trong những người có mặt đầu tiên trong ngành điện ảnh Nam VN. Từ lúc phôi thai ở giữa thế kỷ 20, đến khi tạm chấm dứt vào năm 1975, chị đã đóng góp vào điện ảnh Nam VN 22 cuốn phim. Từ những phim đóng với các nhà sản xuất , đạo diễn VN đến các nhà đạo diễn và sản xuất Á châu như Ấn Độ, Phi Luật Tân, Thái Lan, Đài Loan, Singapore, cho đến một số phim Hoa kỳ quay tại Á Châu như Operation CIA, A Yank in Vietnam, Devil Within, Destination Vietnam. Hai phim VN cuối cùng là 'Người Tình Không Chân Dung' của Đạo Diễn Hoàng Vĩnh Lộc và 'Hè Muộn' của đạo diễn Đặng Trần Thức, chị đóng vai chính, sản xuất bởi hãng phim 'Giao Chỉ', hãng phim do chính chị thành lập và điều hành. Có thể nói, phim Devil Within với vai công chuá Ấn độ năm 1971 là phim đưa sự nghiệp của chị lên đến tột đỉnh vào thời kỳ này.

Ngoài ra, chị cũng từng điều khiển một Talk Show trên đài truyền hình Sài gòn. Chị đã phỏng vấn nhiều gương mặt lừng danh của Hollywood như Danny Kay, Tippi Hedren... Chị đã đoạt giải Đệ Nhất Diễn Viên của Nam Việt Nam năm 1969, và của Đại Hội Điện Ảnh Á Châu năm 1973.


Con đường Hollywood gian nan


Nếu trước năm 1975 điện ảnh đã tìm đến chị như một sự tình cờ, chị đã gặt hái hết thành công này tới thành công khác từ những ngày đầu, thì khi đến Hoa Kỳ lúc đã 38 tuổi, người diễn viên đệ nhất của Nam VN đã quyết định ở lại với điện ảnh dù phải bắt đầu lại từ số không với Hollywood, nơi mà hàng ngàn nghệ sĩ trẻ Hoa Kỳ cũng như từ khắp nơi trên thế giới ước mong được len chân vào. Nhưng, cũng đã có biết bao giấc mơ bị dang dở với thất bại chua cay.

Từ những vai nhỏ chỉ có đôi ba giòng đối thoại trong phim, hai năm sau, chị đã được thủ vai chính bên cạnh tài tử bậc nhất Alan Alda trong chương trình truyền hình M*A*S*H. Sau khi đóng phim với Kiều Chinh, Alan Alda đã nói về Kiều Chinh trên Johnny Carson Show và trên báo TV Guide:

“Tài ba như cô ấy, nhất định Hollywood phải có chỗ cho cô”

Tính đến hôm nay, chị đã có mặt trong trên 100 phim và chương trình truyền hình. Trong đó có những phim thật nổi tiếng như The Letter (1986), Welcome Home (1989), Vietnam-Texas (1989), The Joy Luck Cub (1993), Riot (1997), Catfish in Black Bean Sauce (1999), What Cooking (2000), Face (2001), Tempted (2003), Journey from The Fall (2004). Có thể nói phim Joy luck Club xác nhận vị trí hàng đầu của chị trong thế giới Hollywood.

Năm 1996, Hàn Lâm Viện Khoa Học và Truyền Hình đã vinh danh Kiều Chinh và trao giải Emy Award, một giải cao quý nhất của Truyền Hình Hoa Kỳ cho phim tài liệu 'Kiều Chinh A Journey Home', do Patrick Perez, Fox Telievision thực hiện. Chị còn lãnh nhận nhiều giải thưởng khác trong các đại hội điện ảnh từ Âu Châu, Á Châu, đến Mỹ châu như Life Time Achievement Award Cuả Đại Hội Điện Ảnh Á Châu tại San Diego 2006, The 10th Festival Internazionale Cinema Delle Donne, tại Ý, 2003.


Từ Diễn Viên Đến Diễn Giả


Sự thành công của chị được nhiều giới ái mộ. Nhờ cách nói chuyện thật truyền cảm, thu hút đám đông, chị được mời làm diễn giả chuyên nghiệp (professional lecturer) của tổ chức The Greater Talent Network, Inc., một tổ chức chuyên cung cấp những diễn giả nhà nghề cho các trường đại học và các tổ chức văn hoá trên toàn nước Mỹ. Trên 13 năm qua, từ 1994, chị đã đứng trên hàng trăm diễn đàn cuả Hoa kỳ đề nói lên những điều khó khăn cũng như những đóng góp tích cực cuả người Mỹ gốc Việt, về kinh nghiệm cuả chị, một nghệ sĩ VN lưu vong cũng như chia xẻ cái nhân sinh quan đầy nhân bản của một phụ nữ VN trước mọi nghịch cảnh của cuộc sống. Chị là nguồn cảm hứng cho biết bao người trẻ Hoa Kỳ dù là gốc Á Châu, Âu Châu, Phi Châu, hay dân bản xứ.

Chị đã được Quốc hội Hoa Kỳ vinh danh là 'Người Tị Nạn Năm 1990'. 1986 được tổ chức Asian Pacific Woman Network tặng giải 'Woman Warrior Arward', và nhiều giải thưởng cao quý khác. Chị thực là một sứ giả VN xinh đẹp, tài giỏi, đầy lòng nhân ái và là niềm hãnh diện của cộng đồng người Mỹ gốc Việt nói riêng và mọi người Việt Nam nói chung.


70 NĂM CUỘC ĐỜI


Kiều Chinh sinh ngày 3 tháng 9 năm 1937, tuổi Đinh Sửu, tại Hà Nội. Là con gái út của ông Nguyễn Cửu, một viên chức tài chánh cao cấp trong chính phủ Bảo hộ Pháp, và bà Nguyễn thị An. Năm 6 tuổi, chiến tranh đã cướp mất người mẹ và người em chưa chào đời cuả chị. Sau đó, chị sống được ít năm hạnh phúc với cha, với chị và người anh trong khung cảnh nhung lụa của giới thượng lưu Hà nội lúc bấy giờ.

Kiều Chinh bị ảnh hưởng người cha về học thức, về nhân cách, về sự yêu thương con cái và gia đình đến hy sinh hạnh phúc riêng tư của mình, quý mến bạn bè và nhất là lòng say mê điện ảnh không có gì thay thế được. Cha chị, ông Nguyễn Cửu, người con trai duy nhất của điền chủ họ Nguyễn, chủ nhân khách sạn Đồng Xuân, Hà Nội. Ông Cửu theo Tây học nhưng mang lý tưởng quốc gia và có tâm hồn nghệ sĩ. Trong phòng khách văn chương của gia đình họ Nguyễn thường lui tới những nhân vật thời danh của Hà Nội như ông Dương Đồ Cổ Hàng Trống, ông An hàng Đào, ông Phúc chủ nhân đồn điền Cam Bố Ha, ông Hùng tay đua xe hơi hạng nhất đường Hà Nội - Hải Phòng, cùng những nhà văn, nhà thơ tên tuổi như Ngọc Giao, Vũ Hoàng Chương, Lê văn Trương, Đinh Hùng... Là con út mồ côi mẹ từ nhỏ, Kiều Chinh được Bố thương đi đâu cũng mang theo, không cuộc họp mặt nào của bố mà thiếu vắng. Vì thế, chị đã thấm nhuần tư tưởng của Bố và những bằng hữu của ông.

Ngay từ thời thơ ấu, Bố còn luôn đưa cô 'công chúa của bố' đi xem xi nê tại rạp Majestic hay rạp Philhamonique. Khi ngồi bên bố, không những xem phim lại còn được bố giảng giải cho từ truyện phim cho tới các tài tử. Phim ảnh do đó, đã ăn sâu vào tim óc chị từ thuở thơ ấu. Chị Kiều Chinh từng tâm sự: 'Người đàn ông quan trọng nhất trong đời của tôi là bố tôi...'

Năm 1954, cuộc chiến tranh chống Pháp kết thúc bằng hiệp định Genève, chia cắt hai miền Nam Bắc và cũng cắt đứt cuộc đời ấu thơ tươi đẹp, hạnh phúc nhưng ngắn ngủi của chị. Người chị của Kiều Chinh lập gia đình và theo chồng sang Pháp. Đêm trước ngày cả gia đình di cư vào Nam, người anh theo tiếng gọi thanh niên bỏ nhà tham gia kháng chiến. Sau hai ngày chờ đợi tại phi trường Bạch Mai, phút chót người cha đẩy cô con lên máy bay nói “Con vào Nam trước, Bố ở lại tìm anh rồi sẽ vào sau.” Đây là lần sau cùng Kiều Chinh trông thấy Bố.

Năm ấy chị mới 17 tuổi, một thân, một mình nơi xứ lạ, trông ngóng ngày gặp Bố , nhưng ngày ấy không bao giờ tới nữa. Kiều Chinh đã khóc hết nước mắt, khi thời hạn 300 ngày tiếp thu miền Bắc chấm dứt. Bức màn tre đổ xuống làm tan vỡ ước mơ cha con xum họp. Chiến tranh đã cướp mất tất cả những người thân yêu của chị.

Tại miền Nam Việt Nam , Kiều Chinh được gia đình một người bạn của Bố là ông bà Nguyễn Đại Độ giúp đỡ và sau này chị trở thành con dâu của gia đình. Kiều Chinh kết hôn với thứ nam của cụ Độ là anh Nguyễn Năng Tế, một sĩ quan nhẩy dù VNCH.

Lúc đó, chị mới 18 tuổi. Cuộc hôn nhân mang lại bangười con, một gái hai trai.

Năm 1957, hai năm sau ngày di cư, Kiều Chinh được mời đóng vai ni cô trong cuốn phim đầu tiên 'Hồi chuông Thiên Mụ' và nhiều phim sau đó. Dù là một diễn viên, khi ra ngoài được gọi là 'minh tinh màn bạc' nhưng sau cánh cổng của gia đình, chị vẫn chu toàn mọi bổn phận làm dâu, làm vợ và làm mẹ trong một gia đình nền nếp kiểu Bắc.


Chuyến bay vòng quanh thế giới trong những giờ Nam VN hấp hối


Trung tuần tháng 4 năm 1975, chưa đủ một tuần sau khi trở về VN sau khi hoàn tất phim 'Full House' tại Singapore, chị lại phải đáp chuyến máy bay thương mại cuối cùng rời khỏi VN..Niềm hy vọng được gặp ngưòi cha yêu dấu sau 22 năm xa cách đã bị dập tắt vì 'nước mắt chảy xuôi', chị phải tìm cách đi sang Canada, nơi cả ba người con của chị đang du học.Tới Singapore, chị bị bắt vào nhà giam vì thông hành ngoại giao mà chị đã được chính phủ VNCH trao cho sau khi chị được tặng tước hiệu 'Sứ giả của Nghệ Thuật và Thiện Chí của VN', với phim 'Devil Within' tại Ấn độ năm 1971, không còn gía trị. May sao lúc đó tạp chí Female tại Singapore có đăng bài về phim 'Full House' và hình chị tại trang bià. Tờ báo đã giúp chị ra khỏi nhà giam và được lệnh rời Singapore trong vòng 48 tiếng đồng hồ.

Sau khi mất nước, mỗi người chúng ta đã trải qua một hành trình đi tìm tự do khó quên. Hành trình tìm tự do cuả Kiều Chinh cũng thật đặc biệt. Chiều ngày 25 tháng 4, 1975, chị bay chuyến bay vòng quanh thế giới trong lúc Sàigòn hấp hối, Chị không được phép nhập cảnh bất cứ một quốc gia nào vì, Nam VN đối với quốc tế lúc bấy giờ là đang trong tình trạng vô chính phủ. Chờ cho tới khi VNCH mất, lúc ấy chị mới có quyền xin tị nạn.

Sau 100 giờ bay, với những giờ phút đau khổ, lo sợ, nôn nóng đến tột cùng của cảnh 'nước mất, nhà tan', với bộ quần áo, và chiếc sắc tay duy nhất trên người, Kiều Chinh đã đáp xuống không biết bao nhiêu là phi trường chung quanh quả địa cầu. Đúng 6 giờ chiều ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi chuyến bay của chị đáp xuống Torronto, Canada. Kiều Chinh mừng tủi ôm được ba người con trong tay, nước mắt trào ra khi nghe tin Saigon thất thủ.

Khi thành người tị nạn tại Canada, công việc đầu tiên Kiều Chinh là quét dọn, hốt phân gà, với số lương tối thiểu. Anh Tế lúc này cũng đã tới đảo Guam rồi sau đó sang Canada đoàn tụ với gia đình. Hiểu rằng đây không phải là đời sống của mình và tương lai các con, Kiều Chinh quyết định tìm mọi cách vào Mỹ. Tháng 7 năm 1975, nhờ sự bảo lãnh của người bạn cũ là tài tử Tippi Hedren , Kiều Chinh và gia đình sang định cư tại California.


Lời nguyện cầu đoàn tụ


Khi Kiều Chinh bắt đầu tìm cho chị được một chỗ đứng tương đối thì được tin bố mất sau những ngày lao tù. Ông đã chết trong cô đơn và thiếu thốn. Niềm hy vọng được gặp bố băng xương bằng thịt cũng tiêu tan. Cuộc hôn nhân kéo dài 25 năm, đã chính thức chấm dứt. Và khi hỏi về người chồng cũ cuả chị bây giờ đã có gia đinh mới, chị luôn nhẹ nhàng nói: 'Anh Tế, đúng như cái tên mà các cụ đã đặt, anh ấy là một người rất tử tế. Chỉ tiếc duyên phận của mình chỉ có vậy. Bây giờ mình vẫn coi anh ấy như người anh, người bạn, thường gặp nhau trong những sinh hoạt chung của gia đình.”

Trong chuyến trở về VN lần đầu tiên năm 1995, sau 20 năm xa Sài gòn và 41 năm xa Hà Nội trong chuyến công tác cho Viêt Nam Children's Fund, tổ chức xây trường cho trẻ em VN, Kiều Chinh đã ôm lấy mộ của bố, nỗi đớn đau cuả 41 năm xa cách, nhớ thương bật thành tiếng khóc: 'Bố ơi, con đã về! Chị đã khóc lặng người trước mộ phần của bố.

Nỗi đau khi nghĩ về những đày ải bố phải gánh chịu trong những ngày tù đày và những khốn khổ thiếu thốn cả miếng ăn, mọi người đều xa lánh khiến bố đã chết trong cô đơn và đói lạnh đã cắt từng tế bào của người nghệ sĩ VN tị nạn.

Và trong những giờ vinh quang nhất cuả sự nghiệp, buổi lễ nhận giải Emy Arward cho phim tài liệu “Kieu Chinh, A Journey Home” của nhà sản xuất Patrick Perez; phim nói về chuyến thăm quê hương cuả Kiều Chinh. Chị đã tuyên bố trước hàng ngàn khán giả tại chỗ và hàng trăm triệu khán giả trên toàn thế giới qua những cuộc trực tiếp truyền hình:

“Xin nguyện cầu cho sự đoàn tụ đưọc đến với tất cả các gia đình bị chia lià vì chiến tranh trên toàn thế giới”


Sống như năm đời sống


Đã có rất nhiều nhà văn, nhà báo, nhà làm phim nổi tiếng Việt Nam cũng như ngoại quốc viết và nhận định về cuộc đời, và con người của chị Kiều Chinh. Mỗi người nhìn một cách khác nhau nhưng, người viết thích nhất là nhận xét của hai nhân vật, đó là nhà văn nữ Alison Leslie Gold, và nữ tài tử nổi tiếng Tippi Hedren.

Bà Alison Leslie Gold, người viết cuốn 'Nhật ký của Ann Frank', một trong những 'best seller' đã được dịch ra 16 thứ tiếng và được làm thành phim đoạt giải Emy Award năm 1994, phim 'The Attic', Bà Gold đã viết về Kiều Chinh như sau:

'Kiều Chinh là một phụ nữ phi thường. Bà đã sống như năm đời sống. Kiều Chinh đã sống như một nhân chứng chua cay và từng trải qua cơn lốc thời cuộc mang nhiều tính tranh cãi nhất cuả thời đại chúng ta. Tôi xin ngả mũ chào Kiều Chinh, một phụ nữ có sắc đẹp cao quý của viện bảo tàng, một nghệ sĩ với tài năng hiếùm có, và với tôi, Kiều Chinh là người bạn trung thực và cao quý.'

Nhận xét về con người của chị Kiều Chinh, Tippi Hedren, một trong những tài tử hàng đầu của Hollywood, người đã bảo trợ Kiều Chinh vào Mỹ, đã nhận xét như sau:

'Kiều Chinh thực sự là một trong những phụ nữ can đảm nhất, mạnh mẽ nhất, và dịu dàng nhất mà tôi được quen biết trong suốt cuộc đời của tôi' ( Kieu Chinh is indeed one of the bravest, strongest, and gentlest woman I have ever met in my life.)

Cuộc đời của Kiều Chinh là một định mệnh khắc nghiệt, một thân phận nổi trôi với vận nước thăng trầm. Có thể nói, đời chị, hạnh phúc, đắng cay, thành công, thất bại đã đến mức tận cùng cuả nó. Nhưng chị đã vượt lên tất cả bằng nghị lực, sự quả cảm, lòng vị tha, một nhân cách đặc biệt, và bằng một sức làm việc kiên trì, bền bỉ hiếm có.

Sống giữa ánh sáng chói loà của kinh đô điện ảnh, thế giới của chị là thế giới của vật chất xa hoa với phấn son, áo quần, trang sức, xe cộ,,,nhất nhất phải là đệ nhất, nhưng chị sống rất nội tâm. Ngoài những giờ đi đóng phim và học hỏi, trau dồi nghề nghiệp, chị đã dành thì giờ và những gì chị có để yêu thương gia đình, yêu quý bạn bè, dành một phần đời không nhỏ cho các hoạt động xã hội từ những ngày còn ở VN với các thương bệnh binh và cô nhi quả phụ. Đến việc chia xẻ với người VN tị nan trong những ngày tháng bơ vơ tại xứ lạ, quê người, Và cho tới nay, hội VCF do chị là Chủ tịch sáng lập đã xây cất xong 42 trường tiểu học cho nhiều chục ngàn trẻ em Việt Nam tại các vùng quê từng bị tàn phá bởi chiến tranh.

Bí quyết nào giúp chị bảo đảm được những giá trị tinh thần kể trên nhưng vẫn tạo cho mình một bề ngoài với vẻ đẹp, với phong thái hàng đầu tại Hollywood? Chính là chị đã không chạy đua với hào nhoáng, xa xỉ, nhưng chị đã chọn cái đẹp cuả sự đơn gỉản nhưng thanh nhã và trang trọng, một sự giản đơn có chọn lọc nên không tầm thường. Chị là biểu trưng cho cái đẹp tự nhiên, kín đáo cổ điển luôn vững bền và đứng trên những cái đẹp rực rỡ, chói chang mau tàn, mau chán.


Kiều Chinh và những ước mơ hôm nay


Những ngày còn làm cho báo Sóng Thần trướùc năm 1975, một lần nhà văn Hoàng Hải Thuỷ có sắp xếp cho tôi phỏng vấn chị Kiều Chinh, nhưng vì một lý do nào đó mà tôi không còn nhớ, vào giờ chót cuộc phỏng vấn không thực hiện được. Phải chờ mãi đến năm 1983, khi còn làm việc thường trực cho Báo Ngày Nay, tôi mới gặp chị và thực hiện cuộc phỏng vấn chị đầu tiên tại Houston. Sau đó, tôi cũng đã viết một số bài khác về chị. và có gặp chị một lần nữa tại Houston và môt lần khác nữa tại Washington DC. Còn lại chị và tôi thường trao đổi với nhau qua điện thoại. Mãi đến năm ngoái, khi chị hướng dẫn phái đoàn của hội Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hoá Người Mỹ Gốc Việt sang đảo Guam để nhận lãnh tài liệu lịch sử cuả người Việt tị nạn từ năm 1975, một số các anh chị em trong hội và tôi đã được sống với chị bốn ngày trọn vẹn. Chuyến đi lịch sử này ngoài việc hoàn tất việc sưu tầm chương sử đầu tiên của người Mỹ gốc Việt, chuyến đi còn giúp tôi hiểu rõ hơn, học hỏi nhiều hơn về một người bạn vong niên yêu quý mà tôi đã đưọc quen biết hơn 20 năm qua.

Tuy là chuyến đi bốn ngày, trừ một ngày đi đường, phái đoàn có mặt trên đảo Guam có bangày nhưng đã có tới bẩy cuộc thăm viếng, hội họp. Sự khác biệt về giờ giấc khiến những người trẻ trong phái đoàn có cố gắng nhưng đôi khi cũng không giấu được vẻ mệt mỏi. Riêng chị, chị lúc nào cũng tươm tất. Buổi sáng chị dậy sớm. Chị luôn là một trong những người có mặt tại 'lobby' đầu tiên. Ngồi trên chiếc xe van chạy từ buổi lễ này sang những cuộc chào đón khác, chị luôn luôn giữ không khí tươi vui nhưng trang trọng.

Trong các buổi lễ và họp mặt, chị ngồi lắng nghe chăm chú. Những bài nói chuyện của chị được soạn thảo kỹ lưỡng. Khi đứng trước khán giả, chị thu hút người nghe bằng sự khoan thai, nhẹ nhàng và tiếng nói trầm ấm, rõ ràng, truyền cảm. Những bài nói chuyện của chị không dài nhưng cô đọng. Nhìn khán giả ngồi im phăng phắc nghe chị nói chuyện, nhìn những cái bắt tay trang trọng của ông bà Thống đốc, bà dân biểu, báo chí, và đại diện các ban ngành của chính quyền cũng như dân sự cuả đảo Guam để hiểu được sự quý trọng của người dân ở đây dành cho chị nói riêng và cho người Việt tị nạn nói chung. Chị đã là linh hồn, là sự thu hút và là niềm vui của chuyến đi lịch sử này.

Người viết cũng xin mở ngoặc ở đây để nói về những đóng góp to lớn của các anh chị trong hội và hai cơ quan truyền thông tháp tùng chuyến đi; đài Saigon-Houston Radio và đài truyền hình SBTN . Ngoài việc hy sinh thời gian, người tham dự còn phải đài thọ một phần lớn chi phí của chuyến đi. Riêng với chị Kiều Chinh, với vai trò diễn giả nhà nghề, mỗi bài nói chuyện của chị. trị giá hàng chục ngàn đô la, nhưng chị đã đóng góp tất cả cho kho tàng lịch sử và văn hoá người Mỹ Gốc Việt.Vì đó, chính là một trong những ước mơ cuối đời của chị.

Những giờ được ngồi bên chị trên những ghềnh đá cheo leo với biển xanh ngát và tiếng sóng vỗ rì rầm, hoặc bên những thảm hoa rực rỡ cuả 'hòn đảo thần tiên của người Việt tị nạn', chị đã nói về những mơ ước cuả chị về một thư khố cho người Mỹ gốc Việt trong đó sẽ tàng trữ những văn kiện lịch sử, những hình ảnh, phim ảnh, sách báo cuả người Việt tự do, về việc sưu tầm và viết về những văn nghệ sĩ lưu vong VN, về niềm mong ước có một nơi chốn gọi là 'Nhà Việt Nam.' Nơi đây sẽ là linh hồn của cuả người Việt tị nạn, là nền móng của lịch sử và đời sống người Mỹ gốc Việt để cho thế hệ hôm nay và mai sau có nơi chốn để đi về, để thăm viếng, để lễ hội.

Trên chuyến bay dài hơn năm tiếng đồng hồ từ Guam tới Tokyo, tôi đã ngồi bên chị để lắng nghe chị cho ý kiến về việc điều hành và phát triển hội. Ý kiến thật phong phú của một người đọc rất nhiều và kinh nghiệm sống rất dầy. Ở tuổi 70 mà chị vẫn làm việc và suy nghĩ với tốc độ của thanh niên 20-30. Thú thật, tôi nhiều lúc phải chạy theo chị hụt hơi. Chị chia tay với phái đoàn từ phiá trung và đông nưóc Mỹ tại phi trường Tokyo. Chị bắt tay và ôm từng anh chị em quyến luyến. Trong cái xiết tay thật chặt và thật ân cần dành cho tôi, chị thì thầm vào tai tôi: 'Nhớ nghe, phải có Nhà Việt Nam'

Cuối tháng giêng 2007, nhân chuyến đến DC để viện bảo tàng Smithonian vinh danh, chị cũng không bỏ qua cơ hội để cùng với chị Khúc Minh Thơ và Hội Bảo Tồn Lịch Sử Người Mỹ Gốc Việt vào quốc hội Mỹ để vận động cho những người Việt vô quốc gia tại Phi Luật Tân, Thái Lan và Căm Bốt. Gặp chị, chị trao cho tôi cuốn sách bằng tiếng Anh với tựa đề: 'Kiều Chinh, Vietnamese American'. Tôi đứng lặng người vì vừa nhận ra được cái thâm sâu đầy cao thượng của người nghệ sĩ khải ái cuả chúng ta. Chị đã vinh danh người Mỹ gốc Việt của chúng ta bằng sự chiến thắng một cuộc đời đầy sóng gió vì nghịch cảnh và vì chiến tranh, và bằng những vinh quang của những thành quả mà người thường có lẽ phải sống tới 5 đời người mới có được. Chị khẳng định rõ ràng, ngắn gọn: 'Kiều Chinh, Người Mỹ Gốc Việt'

Còn đối với đất nước Việt Nam thì ra sao? Chị trả lời người viết trong bài phỏng vấn nhân ngày kỷ niệm 50 năm sự nghiệp điện ảnh của chị, cũng ngắn gọn nhưng thiết tha như tiếng kinh cầu:

'Tôi yêu quê hương, coi quê hương và thế giới như một mái nhà và mong ước mọi người sống trong ngôi nhà đó được êm ấm, khoẻ mạnh, và hạnh phúc'

Triều Giang
Tháng 9/07

nguoiviet
Vũ Thị Thiên Thư
#11 Posted : Sunday, October 28, 2007 11:03:07 PM(UTC)
Vũ Thị Thiên Thư

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,033
Points: 2,430
Woman
Location: Thung Lũng Lá Rơi

Thanks: 231 times
Was thanked: 87 time(s) in 84 post(s)
Kiều Chinh – 50 Năm Điện Ảnh


2007.10.28 Hiền Vy, thông tín viên đài RFA



Ngày 23 tháng 9 năm 2007 giới hâm mộ nghệ thuật điện ảnh Houston đã hội ngộ tại đại sảnh đường Stafford Performing Arts để vinh danh nữ tài tử điện ảnh Kiều Chinh, người phụ nữ Việt Nam đã phục vụ nghệ thuật trong suốt 50 năm qua. Hiền Vy từơng trình từ Houston, Texas.


Đối với một phụ nữ Việt Nam, phục vụ nghệ thuật điện ảnh không ngừng nghỉ trong suốt 50 năm, trải qua bao nhiêu biến cố thời cuộc, quả là một thành đạt hiếm có. Kiều Chinh tên thật là Nguyễn Thị Chinh sinh năm 1937 tại Hà Nội. Sau hiệp định Geneve chia đôi đất nước năm 1954 đã vào Nam một mình. Gặp nhiều khó khăn nhưng đã vượt qua để sống còn ...

“ Khi Nam Bắc chia đôi thì hàng triệu người bỏ miền Bắc di cư vào Nam thì Kiều Chinh cũng lạc loài trong hàng triệu người di cư đó. Lúc mới đầu xa gia đình rất là khó khăn khổ sở. Cám ơn Trời Phật, Bề trên đã giúp cho vượt qua để sống còn ”

Năm 1957 Kiều Chinh mở đầu sự nghiệp điện ảnh với vai chính trong phim Hồi Chuông Thiên Mụ với hãng phim Tân Việt bằng sự tình cờ như có một xếp đặt vô hình:

“Điện ảnh tìm tới tôi chứ không phải tôi đi tìm điện ảnh. Tình cờ hôm đó tôi đang đi ngoài đường, thì có một người Mỹ tới vỗ vai và hỏi tôi có biết nói tiếng Anh không. Tôi quay lại nhìn và nghĩ rằng ông ta nhầm người.

Có lẽ hiểu được cái nhìn của tôi nên ông ta xin lỗi và nói là ông ta trong một nhóm làm film từ Hollywood tới. Ông đạo diễn Joseph Mankiewicz đang ngồi bên kia đường, nói là thấy tôi đi bên này đường có cái dáng của một người Việt Nam mà ông ta đang tìm kiếm thì ông ta mời tôi qua để nói chuyện. Họ đưa cho tôi một cái script, lúc đó họ sửa soạn quay cuốn film Người Mỹ Thầm Lặng tức là The Quiet American.

Trước khi trở lại để quay thử, tôi có xin phép gia đình nhà chồng, mà chồng tôi lúc đó đang ở bên Mỹ, thì gia đình không chấp nhận chuyện đó. Tôi trở lại hãng film và trả lời là tôi không đóng film được, nhưng họ vẫn mời tôi tới dự buổi tiếp tân để bắt đầu quay film. Tôi tới dự reception đó thì gặp được ông Bùi Diễm, hãng film của ông đang kiếm người để đóng trong phim Hồi Chuông Thiên Mụ.

Điện ảnh tìm tới tôi chứ không phải tôi đi tìm điện ảnh. Tình cờ hôm đó tôi đang đi ngoài đường, thì có một người Mỹ tới vỗ vai và hỏi tôi có biết nói tiếng Anh không. Tôi quay lại nhìn và nghĩ rằng ông ta nhầm người.

Kiều Chinh
Ngày hôm sau ông Bùi Diễm nhờ tài tử Lê Quỳnh đến nhà để xin phép cho tôi đi đóng film. Gia đình chồng tôi hỏi về vai trò tôi đóng và về chuyện film thì anh Lê Quỳnh nói đây là vai một NiCô trong Chùa Thiên Mụ. Gia đình tôi là gia đình Phật giáo nên các cụ vui vẻ cho đi đóng phim. Đó là lý do tôi được đi đóng film và trở thành tài tử, kể từ film Hồi Chuông Thiên Mụ “

Năm 1965 Kiều Chinh đã đóng chung với các tài tử nổi tiếng của Mỹ như Burt Reynolds trong phim “Operation C I A”.

Năm 1970, Kiều Chinh là diễn viên chính trong film chiến tranh Người tình không chân dung. Năm 1973 trong Đại Hội Điện Ảnh Á Châu tại Đài Bắc, Người Tình Không Chân Dung đã nhận được 2 giải thưởng là “phim chiến tranh hay nhất” và “Nữ diễn viên xuất sắc nhất”.

“Có thể nói Người Tình Không Chân Dung là cuốn film đầu tiên và duy nhất có sự hiện diện đông đủ các binh chủng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Nếu không có sự hợp tác của quân đội và chính phủ thì không có một tư nhân nào có thể thực hiện được. Lúc đó trung tá Trần văn Ân đại diện cho Bộ Tổng Tham Mưu liên lạc với các tổ chức dân sự.

Việc điều động như là một sự phối hợp chính xác về phương tiện, về thời gian, về nhân sự và luôn cả về khía cạnh an ninh của việc điều động quân sĩ với những cảnh vĩ đại như là cảnh 3 ngàn quân lính hát bài Việt Nam Việt Nam trên bãi biển Nha Trang. Cho một cảnh quay máy bay cất cánh, cảnh trực thăng phải điều động thế nào, cảnh cả mấy chục chiếc xe tăng đổ bộ, rồi cảnh cả một đoàn convoy vừa từ mặt trận về.

Tất cả những cuộc điều khiển cho sự quay phim giống như là điều khiển một cuộc hành quân lớn vậy đó. Những ngày quay phim đó, từ mặt trận này đến mặt trận khác, rồi tới cảnh quay ở nhà thương. Đây là kỷ niệm mà trong đời không bao giờ có thể quên được. Hằng ngày Kiều Chinh phải gặp gỡ những chiến binh bị thương, người mù mắt, người cụt chân, người cưa cánh tay, rồi những bà mẹ ngồi quạt cho con, những người vợ tới khóc lóc, rồi những đứa con ôm chân của bố ...

Phim Người Tình Không Chân Dung không hề được quay ở một phim trường nào cả mà hoàn toàn là quay ở ngoài mặt trận cũng như là những nơi thật sự có chiến tranh. Và trong phim này các tài tử đóng phim cũng toàn là các anh trong nhà binh. Nam tài tử chính là trung tá biệt kích Vũ Xuân Thông, Dương Hùng Cường, Hà huyền Chi, Minh Đăng Khánh, Minh Trường Sơn, trung tá Nguyễn Mộng Hùng, Trần Quang, Tâm Phan ... ”

Nhiều người cho rằng phim Người Tình Không Chân Dung đã đưa Kiều Chinh lên đài danh vọng, nhưng với Kiều Chinh thì danh vọng không phải là điều Kiều Chinh nghĩ đến:

“Kiều Chinh chỉ nghĩ là mình đã rất vinh dự có mặt trong một cuốn phim mà có đầy đủ hình ảnh của binh chủng của VNCH. Đây là một cuốn phim trở thành tài liệu của quân đội miền Nam Việt Nam, quí vô cùng ”


Kiều Chinh phát biểu tại Hạ Viện Hoa Kỳ năm 1990. (Hình do Kiều Chinh tặng thính giả RFA)
Theo sau sự thành công vượt bực của Người Tình Không Chân Dung, Kiều Chinh đã ký nhiều hợp đồng với các hãng phim ngoại quốc, cùng lúc đó cuộc chiến Việt Nam ngày càng khốc liệt.

Từ tháng 2 đến tháng 4 năm 75, Kiều Chinh đã hoàn tất 2 cuốn phim quay tại Bankok và đến ngày 15 tháng 4 khi phim Full House vừa quay xong tại Singapore, thì Saigon đang rất sôi động. Trong khi hàng triệu người đang tìm đường rời Việt Nam thì Kiều Chinh đã vội vàng trở về nước, bởi lúc ấy, chồng và gia đình chồng đang ở VN trong khi các người con thơ dại của Cô lại đang học ở Canada.

“Các con kêu gọi bố mẹ phải rời Vietnam, thì lòng Kiều Chinh bị ray rức giữa cảnh đi hay ở, vì một nửa muốn ở lại với hy vọng gặp được Bố là người vẫn mong đợi bao nhiêu năm, nhưng lòng người Mẹ đã nghĩ tới các con nhiều hơn, Sợ nếu bị kẹt lại thì các con sẽ bị rơi vào hoàn cảnh giống như mình đã bị xa Bố từ năm 1954, nên tôi đã quyết định ra đi một mình sang Canada với các con... Ôm được 3 con trong lòng với sự xúc động mẹ con được sum họp thì cũng đồng thời nước mắt trào ra nhức nhối, khổ đau với cái tin là Sàigon đã thuộc về bên kia ...”

Từ Canada, với sự giúp đỡ của Tippie Hedren, Kiều Chinh đến HoaKỳ và tiếp tục sự nghiệp diễn xuất của mình trong loạt phim M*A*S*H* chiếu dài hạn trên các hệ thống truyền hình. Nhiều người cho rằng có vài chuyện phim đã dựa trên câu chuyện về cuộc đời của chính Kiều Chinh:

“Trong một buổi tiệc ra mắt của film JAW, bà Tippie mời tôi cùng đi. Tôi rất là lạc lõng. Tôi đứng một mình trong góc thì có một ông producer của MASH, ông thấy tôi đứng như vậy thì hỏi mọi người và ông ấy được trả lời đó là một tài tử nổi tiếng của Việt Nam mới tới đây như một người nghệ sĩ lưu vong. Câu chuyện chỉ dựa trên lần gặp gỡ tôi thôi, chứ không phải là chuyện cuộc đời của tôi ”

“Thời gian đóng film đó tôi rất xúc động vì lúc ấy mình mới di cư sang đây, còn rất vất vả Và mình lập lại bằng con số 0. Mất quê hương, mất tiếng nói, mất cả tên tuổi... mà bây giờ mình được trở lại trên sàn quay với như là một người tài tử chính thì tôi rất xúc động nhưng đến ngày cuối cùng khi quay film xong, tôi trở về, đóng cửa phòng lại thì nước mắt trào ra ... tôi khóc...

Thời gian đó tôi nghĩ rằng sau đó mình sẽ đóng nhiều vai lớn lắm sẽ nổi tiếng ... nhưng sự thật không phải vậy. Khi đó film MASH xong rồi tôi cũng làm việc liên tục, không có năm nào ngừng cả nhưng không có những vai lớn lao như lúc đầu mình tưởng tượng đâu.”

Năm 1980 Kiều Chinh vừa là cố vấn kỹ thuật vừa là tài tử trong film “The Children of An Lạc” chiếu trên hệ thống truyền hình CBS nhiều lần. Film quay tại Phi Luật Tân, nói về chuyện di tản các trẻ em mồ côi Việt Nam. Kiều Chinh đóng vai cô giáo, giữ trách nhiệm lo di chuyển các em:

“Đây là một câu chuyện có thật về một chuyến bay di tản các em trong cô nhi viện trước 75 mà bị nổ tung, gần như là khoảng 300 em đã chết trong chuyến bay đó. Và sau đó có chuyến bay khác di tản các em cô nhi sang Mỹ mà theo hình ảnh của lịch sử giữ lại thì Tổng Thống Ford đã đứng đón khi máy bay đáp xuống phi trường Mỹ. Cuốn film đó được chiếu rất nhiều lần và được nhiều giới khán giả Mỹ xem vì đây là một film phỏng theo sự thật”

Trong một buổi tiệc ra mắt của film JAW, bà Tippie mời tôi cùng đi. Tôi rất là lạc lõng. Tôi đứng một mình trong góc thì có một ông producer của MASH, ông thấy tôi đứng như vậy thì hỏi mọi người và ông ấy được trả lời đó là một tài tử nổi tiếng của Việt Nam mới tới đây như một người nghệ sĩ lưu vong. Câu chuyện chỉ dựa trên lần gặp gỡ tôi thôi, chứ không phải là chuyện cuộc đời của tôi .

Nữ diễn viên Kiều Chinh
Năm 1986 Kiều Chinh đóng film The Girl who spelled Freedom, Người thiếu nữ khao khát tiếng Tự Do, vai một người đàn bà Lào, dẫn 5 con đi vượt biên. Họ đã đến được bến bờ tự do. Một cô con gái của Bà đã thắng giải nhất trong cuộc thi Spelling Bee, tổ chức hàng năm tại Mỹ và đã được vào Toà Bạch Ốc gặp Tổng Thống HoaKỳ. Kiều Chinh cho biết Người Thiếu Nữ Đánh Vần Tiếng Tự Do đã trở thành phim tài liệu:

“Đây cũng là một câu chuyện thực... Cuốn phim này được chiếu rất nhiều lần và về sau này trở thành như cuốn phim tài liệu cho các học sinh trung và tiểu học nên rất nhiều thế hệ trẻ coi phim này”

Trong loạt phim Việt Nam War Stories, đóng cho hệ thống HBO năm 1989, Kiều Chinh bị phân vân lẫn lộn giữa một quá khứ thật của đất nước và sự dàn dựng của ánh đèn,

“Đây là những cuốn film về chiến tranh VN qua mắt nhìn của người Mỹ mà thôi. Tuy nhiên vì vừa là diễn viên vừa là cố vấn về kỹ thuật trong cuốn film nên hằng ngày phải trực diện với cảnh chiến tranh, cảnh đổ nát, cảnh chết chóc, cảnh nhà cháy, cảnh khổ đau, nên lòng mình nó ngổn ngang. Tôi bị lẫn lộn bởi sự kiện lịch sử, của quê hương mình, của đồng bào mình và sự việc xảy ra dưới ánh đèn, trước máy quay phim.”

Năm 1993 Kiều Chinh đóng vai Suyan trong film The Joy Luck Club, viết từ cuốn truyện nổi tiếng cùng tên của Amy Tan. Chuyện về 4 bà Mẹ Người Tàu sang Mỹ lập nghiệp. Có thể nói đây là cuốn phim Á Châu đầu tiên được Hollywood chú ý và được khán giả Mỹ thích nhất thời bấy giờ. Sau khi phim trình chiếu một thời gian, Kiều Chinh đi đến đâu cũng được khán giả nhận diện ...

“Sau thời gian chiếu, lúc đó ở Los Angels có bạo động. Một buổi tối tôi đi chợ trễ, khi đẩy xe ra parking lot thì có một người thanh niên cao lớn, chạy tới. Tôi sợ quá vì đang có riot xảy ra, nên tôi tưởng người thanh niên này đánh mình hay làm hại gì mình, tôi vội vàng cầm cái chìa khóa và nắm chặt cái ví ở vị thế sẵn sàng chủ động thì người thanh niên này ôm chầm lấy tôi, tôi sợ quá thì anh ta nói “tôi cám ơn bà trong vai trò người mẹ của film The Joy Luck Club vì mẹ tôi vừa mới mất, coi phim này tôi khóc quá …”

Trong thời gian từ 1993 đến nay, Kiều Chinh đã đóng rất nhiều phim nữa, nhưng có lẽ gần đây nhất và đặc biệt nhất phải kể đến vai Bà Nội trong phim Vượt Sóng mới chiếu khoảng thời gian 30 tháng Tư, 2007. Journey of the Fall đã làm không biết bao nhiêu đồng hương cũng như khán giả Mỹ khóc sụt sùi kể cả khán giả nam giới.

“Chẳng phải khán giả khóc không đâu, tôi là người đóng phim, là nhân vật của film mà mỗi lần coi tôi đều khóc. Tôi đã coi trên 10 lần vì mỗi lần phim chiếu ở đâu thì đạo diễn Trần Hàm và nhà sản xuất Lâm Nguyễn đều gởi tôi đi theo phim. Mỗi lần ngồi trong bóng tối cùng khán giả xem phim thì tôi đều khóc.

Tôi không phải là thuyền nhân, cũng không bị ở tù như các anh em trong quân đội của mình đã đi tù cải tạo, nhưng qua film này tôi hiểu được những người bị đi tù cải tạo, thông cảm hơn những thuyền nhân bị khổ như thế nào. Câu chuyện không phải là viết cho riêng ai, hay là viết cho một hoàn cảnh, bởi vì đạo diễn Trần Hàm hay Lâm Nguyễn đã phỏng vấn cả ngàn người cải tạo và thuyền nhân để lấy sự thật, rồi viết lại, để thấy lịch sử đã xẩy ra cho năm 1975 khi Sàigòn thất thủ.

Và hàng trăm ngàn người đi tù cải tạo và sau đó hàng bao nhiêu ngàn người đi vượt biên bằng đường biển và biết bao nhiêu người đã bỏ mình ngoài biển cả. Những ngày lập lại đời sống trên xứ lạ quê người khó khăn như thế nào.

Gần như người Việt Nam nào đi coi cũng khóc vì ai cũng tìm thấy đây là câu chuyện của chính mình, của chính gia đình mình hay của chính những người thân yêu, của bạn bè mình đã trải qua và hầu như gia đình nào cũng muốn cho con cháu đi coi để những thế hệ trẻ biết được cha ông đã trải qua những gì.

Hôm chiếu phim ở Sundance Film Festival, khi vừa xong, đèn bật lên, nước mắt tôi hãy còn chảy thì có một người đàn ông Việt Nam chạy đến quì xuống bên chân tôi, khóc và nói cảm động quá, cảm động quá Kiều Chinh ơi”

Với sự góp mặt trên 100 cuốn phim trong 50 năm phục vụ điện ảnh, Kiều Chinh đã nhận được nhiều giải thưởng cao quí nhưng cũng trải qua không ít thăng trầm trong cuộc đời. Hồi tưởng lại những vui buồn trong thời gian sinh hoạt nghệ thuật, Kiều Chinh xúc động gửi lời cám ơn đến tất cả mọi người Cô đã gặp cũng như đến tất cả khán giả đã thương mến Cô

“ Kiều Chinh xin gửi lời cám ơn chân thành đến tất cả mọi người mà trên con đường dài 50 năm Kiều Chinh đi qua đã gặp trong sinh hoạt điện ảnh. Kiều Chinh muốn nói chữ Cám Ơn bằng nhiều thứ tiếng tới những dân tộc mà Kiều Chinh đã làm việc và xin cám ơn vô cùng đến khán giả của Kiều Chinh trong suốt 50 năm qua. Xin chúc tất cả mọi người mọi điều tốt đẹp. ”

Xin Mời Nghe :

http://www.rfa.org/vietn...saryMovieActing_HienVy/

PC
#12 Posted : Saturday, November 3, 2007 6:07:12 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
Phan Ngọc Tiếu nhận xét về Kiều Chinh
NGUYỄN QUANG MINH


LTS: Tiến sĩ Phan Ngọc Tiếu, một trong số 43 người tốt nghiệp khóa 1 Quốc Gia Điện Aûnh Việt Nam (1967) ngành đạo diễn và ráp nối hình ảnh dành cho Việt Weekly một cuộc trao đổi về điện ảnh, nhân dịp một số bài viết, ý kiến của báo chí bàn về vấn đề diễn viên điện ảnh Kiều Chinh, nhìn từ những góc độ khác nhau. Dư luận cho rằng xưng tụng Kiều Chinh là “đệ nhất minh tinh điện ảnh Việt Nam” là không xứng đáng. Hay có người còn phê bình Kiều Chinh diễn xuất chưa đạt v.v., riêng ông Phan Ngọc Tiếu đã có một cách đánh giá khác về Kiều Chinh. Mời bạn đọc theo dõi quan điểm của ông Phan Ngọc Tiếu.

VW: Xin ông cho biết quan điểm riêng của ông về điện ảnh?
PNT: Điện ảnh, như người ta vẫn ví von là “nghệ thuật thứ 7”, tức là bao gồm tất cả các bộ môn nghệ thuật từ văn chương đến hội họa v.v., nói một cách khác, điện ảnh là tất cả sự thật ngoài đời, trong đời sống được tạo nên một cách sống động, chân thật. Điện ảnh đi xa hơn, chân thật hơn kịch nghệ sân khấu. Vì kịch nghệ sân khấu có thể mô phỏng, không nhất thiết đi vào sự chân thực như đời sống thực.
VW: Oâng nghĩ sao với sự so sánh đạo diễn như một ông vua, một “thượng đế”, người có thể “hô phong hoán vũ” tạo ra mọi thứ không có thành có?
PNT: Cách so sánh đó cũng có phần nào đúng. Tuy nhiên, một cuốn phim thành công phần quan trọng là do đạo diễn, nhưng cũng cần phải kể đến các thành phần khác như kịch bản, diễn viên, chuyên viên âm thanh, chuyên viên ánh sáng, nhà quay phim, nhà sản xuất v.v. Một tác phẩm điện ảnh thành công, là một công trình tập thể rất qui mô, rất to lớn. Đạo diễn là linh hồn của cuốn phim.
VW: Thế còn về việc diễn xuất của diễn viên?
PNT: Có một câu chuyện chúng tôi được dạy, được nghe về cách diễn xuất thế này: Có một cô diễn viên chuẩn bị một cảnh diễn nhưng không biết phải làm sao diễn tả được theo ý đạo diễn. Đang lúng túng, ông đạo diễn đi tới bên cô rồi… táng cô một bạt tai, xô cô một cái. Rồi “cắt!” nhà đạo diễn tới ôm cô, khen: “Diễn đạt rồi, cám ơn!” Thì ra tay đạo diễn này đã nói nhóm quay phim chuẩn bị sẵn để thu hình ảnh của cô diễn viên vào cảnh bị tát, bị xô vẻ sợ hãi, ngạc nhiên diễn tả ra sao… Đại khái câu chuyện cho thấy, phản ứng thực sự của diễn viên càng gần với đời sống chừng nào, tốt chừng nấy.
VW: Chúng ta nói qua về vấn đề phê bình phim, thưa ông, dường như giới phê bình điện ảnh Việt Nam hiếm hoi quá, đúng không?
PNT: Khác với kỹ nghệ điện ảnh phương Tây, có đầy đủ mọi giới xung quanh một cuốn phim, để đánh giá, phê bình ngay từ đầu khi cuốn phim mới manh nha hình thành. Họ đã viết về ê-kíp làm phim, thành phần diễn viên, đạo diễn, nội dung phim,… Hay hoặc dở cũng đã được đánh giá trên công luận trước cả khi trình chiếu. Còn điện ảnh Việt Nam, theo tôi biết cứ âm thầm làm, giới báo chí, phê bình không có nhiều. Chỉ lúc công chiếu, xem rồi mới có phê bình, nói tới.
VW: Giới phê bình phim Việt Nam ở hải ngoại chỉ biết khen, chứ ít khi dám chê, điều này có đúng không?
PNT: Chuyện khen chê cũng tùy theo trình độ. Chúng ta không có người chuyên nghiệp viết về phim ảnh. Kể cả những phóng viên chuyên nghiệp về điện ảnh cũng không có luôn. Đó là những người chuyên nghiên cứu về phim mới có thể phê bình, khen chê chính xác được. Gần đây, đọc một số bài viết phê bình về tài tử Kiều Chinh, tôi cũng muốn được trao đổi thêm thế này. Về tài nghệ diễn xuất là do trời phú, chỉ chiếm 50%. Còn 50% còn lại phải nói là kinh nghiệm từng trải. Có đóng nhiều, kinh nghiệm diễn xuất nhiều mới khá được. Còn trời phú diễn hay, cộng với kinh nghiệm mới giỏi được.
VW: Oâng nghĩ sao về lời phê bình của diễn viên Trần Quang đối với tài diễn xuất của Kiều Chinh?
PNT: Phải nói thế này. Cả Trần Quang và Kiều Chinh đều là hai người diễn viên điện ảnh. Trần Quang phê bình đúng sai thế nào, tôi không dám có ý kiến. Mỗi người có quan điểm riêng. Tuy nhiên, trên phương diện tâm lý người đọc sẽ đánh giá rằng, “hai cô ca sĩ có khen nhau đâu bao giờ” là chuyện thường tình. Nhất là Trần Quang là người đóng phim sau Kiều Chinh, sẽ có tâm lý là thiếu công bằng, thiếu khách quan.
VW: Như vậy Trần Quang không có “thẩm quyền” để phê bình Kiều Chinh?
PNT: Không phải như vậy. Ai phê bình cũng được. Ý tôi muốn nói là khi Trần Quang phê bình Kiều Chinh, độc giả sẽ có cảm tưởng, ấn tượng tâm lý là “hai cô ca sĩ làm sao khen nhau được”? Còn Trần Quang phê bình Kiều Chinh đúng theo quan điểm của Trần Quang thôi, chứ không đúng với người khác.
VW: Cụ thể, Kiều Chinh bị phê bình là diễn xuất kịch tính quá, không diễn tả được cảm xúc trong nét mặt, hay diễn cương quá, ông nghĩ sao về sự phê bình này?
PNT: Khán giả nói chung là người đánh giá đúng nhất. Nói thế này, không cần tôi phải là nhà thơ, nhưng đọc thơ, tôi có thể biết được thơ dở thơ hay chứ. Không cần là nhạc sĩ mới biết được bài hát hay hoặc dở. Do đó, cũng không cần tài tử Trần Quang nói ra, người xem mới biết và đánh giá được diễn xuất của Kiều Chinh. Đóng hay hoặc dở, họ biết hết. Chuyện đó để qua một bên. Suy nghĩ đánh giá của mỗi người là quyền của họ.
VW: Là một người từng học về điện ảnh, ông đánh giá về khả năng diễn xuất của Kiều Chinh thế nào?
PNT: Tôi nghĩ về Kiều Chinh như thế này. Chị ấy là người đóng rất nhiều phim, có nhiều kinh nghiệm diễn xuất. Nếu nói rằng phải tuyệt đối, thế gian này làm gì có tuyệt đối. Còn nói về kinh nghiệm để làm nên một tài tử, Kiều Chinh là người được học hỏi diễn xuất rất nhiều. Kiều Chinh rất yêu nghề, say mê điện ảnh. Cô là người rất nhã nhặn, ôn hòa. Và thật tình mà nói, tôi quen biết Kiều Chinh từ lâu và nhận thấy Kiều Chinh không có nét kiêu sa. Kiều Chinh không yêu cầu ai khen. Mà dẫu cho Kiều Chinh có yêu cầu tôi, mà tôi không thích, cũng không thể khen. Như vậy lời khen là do cảm tính mỗi người. Cá nhân tôi, khi hỏi về khả năng diễn xuất thế nào, tôi nói nói Kiều Chinh là người có nhiều kinh nghiệm đóng phim. Cứ thử nhìn xem bên cạnh Kiều Chinh, có còn ai nữa đâu?
VW: Có người nói khả năng diễn xuất của Thẩm Thúy Hằng khá hơn Kiều Chinh, và Thẩm Thúy Hằng mới là biểu tượng điện ảnh của Việt Nam, ông nghĩ sao?
PNT: Trước năm 1975, tôi là người làm việc trong Nha điện ảnh, khi lần đầu tiên Thẩm Thúy Hằng xuất hiện, tôi có biết. Phải nói là sự xuất hiện của Thẩm Thúy Hằng là hiếm, ít ỏi. Phải nói là 3 năm mới có một lần, tức là khi có mùa cổ động bầu cử mới có Thẩm Thúy Hằng. Khoảng cách của năm 1960 với 2007, sau gần 50 năm, nhìn lại quá khứ, đếm xem Thẩm Thúy Hằng đóng được bao nhiêu phim, so với Kiều Chinh? Chỉ vài ba phim thôi. So sánh thời điểm đó, lúc Thẩm Thúy Hằng đóng phim, Kiều Chinh vào nghề sau, không đóng nhiều bằng về mặt số lượng. Thẩm Thúy Hằng có sắc đẹp, tôi công nhận. Nếu gặp lại Thẩm Thúy Hằng bây giờ, chưa chắc ai đã nhận ra cô ấy là tài tử. Còn Kiều Chinh, ở tuổi này, vẫn còn tham gia đóng phim, tôi nghĩ là rất quí. Nhưng so với 50 năm trước cho tới bây giờ, hai bậc thang khác nhau so với Kiều Chinh. Chỉ có thể so sánh, nếu cả hai còn cùng đóng phim, mới chính xác được.
Cứ thử tìm xem, kể từ năm 1954, cho tới 1975, ra hải ngoại, ngoài Kiều Chinh, có còn khuôn mặt điện ảnh nào khác không? Tôi không thấy ai hết. Nếu có chăng, chỉ một vài khuôn mặt như Thúy Aùi, Thanh Lan, cũng chỉ lẻ tẻ thôi. Kiều Chinh tiếp tục đóng phim, liên tục từ mấy chục năm qua. Do đó, nói Kiều Chinh là “đệ nhất minh tinh Việt Nam”, theo tôi cũng có phần đúng. Phê bình theo cảm tính của mỗi người. Tôi sẽ không phê bình Kiều Chinh hay hoặc dở, để cho mọi người tự đánh giá lấy.
VW: Nếu cần phải đưa ra một thang điểm từ 1 tới 10 để đánh giá Kiều Chinh, ông cho bao nhiêu điểm?
PNT: Kiều Chinh đóng khá nhiều phim, kể cả Việt lẫn Mỹ. Phần lớn vai trò thủ diễn đều là người Á Châu, người phụ nữ Việt Nam. Các vai Kiều Chinh được giao, cô đều làm việc tốt, đạt được yêu cầu của đạo diễn. Không lẽ những đạo diễn Việt lẫn Mỹ không có mắt hay sao, dở hết cả sao khi đều chọn Kiều Chinh đóng vai trong phim của họ? Kiều Chinh nhất định phải là diễn viên có khả năng diễn xuất, nên mới được mời đóng phim chứ. Tại sao họ không mời người khác, mà mời Kiều Chinh? Đâu có ai khác, ngoài Kiều Chinh? Nhất là ở tuổi của Kiều Chinh bây giờ, mà vẫn đóng phim. Do đó, dù có nói là khi diễn xuất, Kiều Chinh có gào thét, có diễn over act đi chăng nữa, cũng là một sự cố gắng đáng khen. Từ cơ sở này, tôi đánh giá Kiều Chinh với thang điểm cao. Phải 8/10 chứ không thấp hơn.


vietweekly
ductriqueanh
#13 Posted : Sunday, December 21, 2008 12:46:30 PM(UTC)
ductriqueanh

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,295
Points: 345
Location: Westminster, CA

Was thanked: 10 time(s) in 9 post(s)
Danh sách các phim có sự xuất hiện của nữ tài tử Kiều Chinh. Đây chỉ là những phim tại Hollywood, không có các phim đóng tại Á Châu trước năm 1975.
(Nguồn tài liệu: www.IMDb.com)

Actress:

21 (2008) (as Kieu-Chinh) .... Chinese Woman #1
... aka 21 - The Movie (USA: promotional title)

Journey from the Fall (2006) .... Ba Noi (Grandmother)

"ER" .... Mrs. Chen (1 episode, 2003)
- Dear Abby (2003) TV episode .... Mrs. Chen

Tempted (2003) (TV) (as Kieu-Chinh)
... aka Returning Lily (Australia: video title) (USA: working title)
... aka A Mother's Choice (cable TV title)

Face (2002) .... Mrs. Liu

Cowboy Up (2001) .... Dr. Gayle
... aka Ring of Fire

"The Beast" .... Penelope (1 episode, 2001)
- The Price (2001) TV episode .... Penelope

Green Dragon (2001) .... Kieu

What's Cooking? (2000) .... Grandma Nguyen

"Chicago Hope" .... Mrs. Mai Ying Wang (1 episode, 2000)
- Hanlon's Choice (2000) TV episode .... Mrs. Mai Ying Wang

"Martial Law" .... Lin Sung Yuan (1 episode, 1999)
- End Game (1999) TV episode .... Lin Sung Yuan

Catfish in Black Bean Sauce (1999) .... Thanh

City of Angels (1998) (as Kieu-Chinh) .... Asian Woman
... aka Stadt der Engel (Germany)

"Players" .... Li (1 episode, 1998)
- Con-tinental (1998) TV episode .... Li

"Nash Bridges" .... Madame Nu (1 episode, 1997)
... aka Bridges
- Revelations (1997) TV episode .... Madame Nu

Riot (1997) (TV) .... (segment "Gold Mountain")
... aka Riot in the Streets (video title)

"Touched by an Angel" .... Mrs. Kim / ... (2 episodes, 1997)
- Amazing Grace: Part 2 (1997) TV episode .... Nurse
- Amazing Grace: Part 1 (1997) TV episode .... Mrs. Kim

First Daughter (1997) .... Grandma

"Cybill" .... Herbalist (1 episode, 1996)
- When You're Hot, You're Hot (1996) TV episode .... Herbalist

Message from Nam (1993) (TV) .... Sister Thieu
... aka Danielle Steel's 'Message from Nam' (UK)

The Joy Luck Club (1993) .... Suyuan Woo

"China Beach" .... Trieu Au / ... (7 episodes, 1989-1991)
- Rewind (1991) TV episode .... Trieu Au
- The Always Goodbye (1991) TV episode .... Trieu Au
- 100 Klicks Out (1991) TV episode .... Trieu Au
- You, Babe (1990) TV episode .... Trieu Au
- Souvenirs (1990) TV episode .... Sister Phuong
(2 more)

The Bakery (1990) (TV) .... Mrs. Minh

The Girl Who Came Between Them (1990) (TV)
... aka Victim of Innocence

Vietnam, Texas (1990) .... Mallan

Welcome Home (1989) .... Leang

Gleaming the Cube (1989) .... Madame Trac
... aka A Brother's Justice
... aka Skate or Die

"Simon & Simon" .... Mrs. Yamanoha (1 episode, 1988)
- Zen and the Art of the Split-Finger Fastball (1988) TV episode .... Mrs. Yamanoha

Hamburger Hill (1987) .... Mama San

The Return of Mickey Spillane's Mike Hammer (1986) (TV) .... Sai Luhn

"Hotel" .... Mrs. Thanh (1 episode, 1986)
... aka Arthur Hailey's Hotel
- Heroes (1986) TV episode .... Mrs. Thanh

The Girl Who Spelled Freedom (1986) (TV) .... Phoen Yann

"Cagney & Lacey" .... My Linh (1 episode, 1985)
- The Clinic (1985) TV episode .... My Linh

"Santa Barbara" .... Farmer's wife (4 episodes, 1985)
- Episode #1.234 (1985) TV episode .... Farmer's wife
- Episode #1.232 (1985) TV episode .... Farmer's wife
- Episode #1.231 (1985) TV episode .... Farmer's wife
- Episode #1.230 (1985) TV episode .... Farmer's wife

"Matt Houston" .... Mrs. Li (1 episode, 1984)
- Return to Nam: Part 1 (1984) TV episode .... Mrs. Li

Cocaine: One Man's Seduction (1983) (TV) .... Madam Marshais

"Dynasty" .... Sister Agnes (5 episodes, 1983)
- Reunion in Singapore (1983) TV episode .... Sister Agnes
- Battle Lines (1983) TV episode (as Kieu-Chinh) .... Sister Agnes
- The Mirror (1983) TV episode (as Kieu-Chinh) .... Sister Agnes
- Madness (1983) TV episode (as Kieu-Chinh) .... Sister Agnes
- Danny (1983) TV episode (as Kieu-Chinh) .... Sister Agnes

The Letter (1982) (TV) .... Chinese woman

"Lou Grant" .... Anh (1 episode, 1982)
- Immigrants (1982) TV episode .... Anh

"Fantasy Island" .... Oriental Woman (1 episode, 1981)
- The Heroine/The Warrior (1981) TV episode .... Oriental Woman

The Children of An Lac (1980) (TV) .... Thuy

"Roots: The Next Generations" (1979) TV mini-series .... U.N. Receptionist

My Husband Is Missing (1978) (TV) .... Lu-An

The Lucifer Complex (1978)

"M*A*S*H" .... Kyung Soon (1 episode, 1977)
- In Love and War (1977) TV episode .... Kyung Soon

The Hostage Heart (1977) (TV) (as Kieu-Chin) .... Flor Aquino

Cover Girls (1977) (TV) .... Chinese Model

"Switch" .... Mai Tuc (1 episode, 1976)
- The 100,000 Ruble Rumble (1976) TV episode (as Kieu-Chinh) .... Mai Tuc

The Evil Within (1970)

Operation C.I.A. (1965) .... Kim Chinh
... aka Last Message from Saigon

A Yank in Viet-Nam (1964) .... Kieu Chinh
... aka Year of the Tiger

Miscellaneous Crew:

Hamburger Hill (1987) (vietnamese advisor)
The Children of An Lac (1980) (TV) (technical advisor)
xv05
#14 Posted : Thursday, March 5, 2009 9:42:52 AM(UTC)
xv05

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,044
Points: 3,390
Woman
Location: Lục điạ hình trái táo

Thanks: 340 times
Was thanked: 45 time(s) in 44 post(s)
KIỀU CHINH: Từ hành trình ngoài đời đến hành trình trong điện ảnh

Tác giả: Trường Kỳ

[img]http://i210.photobucket.com/albums/bb183/congt04/kieuchinh1.jpg?t=1236301925[/img]
Kiều Chinh trong phim Người Tình Không Chân Dung

Nói chuyện với Kiều Chinh thật thú vị. Thú vị đến từ giọng nói mạch lạc rõ ràng cộng với một nét sang cả. Thú vị cũng đến từ trí nhớ bén nhậy của người nữ diễn viên điện ảnh đã dành trọn cuộc đời mình cho Nghệ Thuật Thứ Bẩy, mặc dù năm nay chị đã buớc vào tuổi 68 (bài này TK viết vào năm 2005). Cũng giọng nói đó tôi đã được nghe khi gặp chị lần đầu vào năm 1967 khi đi cùng một nhóm nghệ sĩ ra Nha Trang trình diễn. Vẫn mạch lạc và sang cả, nhưng chững chạc hơn. Cũng nét mặt và vóc dáng đó, tuy có thay đổi với thời gian, nhưng vẫn là những gì rất... Kiều Chinh, người diễn viên điện ảnh Việt Nam duy nhất vẫn tiếp tục sự nghiệp của mình tại hải ngoại trong cuộc hành trình trong lãnh vực điện ảnh với một tầm vóc quốc tế.


Kiều Chinh mang họ Nguyễn, sinh năm 1937 là con út trong một gia đình có 3 người con. Mẹ chị mất sớm trong một trận oanh tạc bom của quân đội Đồng Minh xuống quân Nhật chiếm đóng Việt Nam vào năm 1945. Chị ở với bố và người anh cả trong khi người chị gái đã lập gia đình trước năm 1954 và theo chồng sang Pháp. Trước ngày di cư vào Nam, người anh Kiều Chinh bỏ nhà theo kháng chiến nên chỉ còn lại chị ở một mình với bố.

Đến ngày ra phi trường di cư vào Sài Gòn, sau khi chờ đợi cả ngày mới đến lượt lên máy bay thì thân phụ chị quyết định ở lại tìm người anh rồi sẽ vào Nam sau. Do đó ông đã đẩy người con gái út vào lòng phi cơ trong khi chị muốn nhào ra ở lại cùng người bố thân yêu. Nhưng trước làn sóng người xô đẩy, chị đã lọt vào trong. Đó cũng là lần cuối cùng chị nhìn thấy bố. Và đó cũng là một sự đưa đẩy Kiều Chinh, một cô nữ sinh Saint Paul ở Hà Nội, một thân một mình bước vào cuộc hành trình của cuộc đời khi mới chỉ là cô thiếu nữ 16, 17.

Cảm thông cho tình trạng bơ vơ của Kiều Chinh, một gia đình quen thân phụ chị có mặt trên chuyến phi cơ định mệnh đã đưa chị về sống chung để chờ ngày đoàn tụ với bố và anh. Nhưng thời hạn 300 ngày qui định cho những người di cư từ cảng Hải Phòng đã qua mà không nhận được một tin tức gì về những người thân, nên chị đã ở lại luôn trong gia đình này. Và cũng do định mệnh đẩy đưa, Kiều Chinh trở thành con dâu trong nhà sau khi chính thức lập gia đình với người con trai thứ trong gia đình là Nguyễn Năng Tế vào năm 1956.

Tại Sài Gòn trong thời gian này Kiều Chinh học trường Nguyễn Huệ phần lớn về sinh ngữ. Nhưng sau đó đã phải bỏ học dở dang vì có con. Kiều Chinh và Nguyễn Năng Tế có với nhau 3 người con, 1 gái, 2 trai mà Tuấn Cường là con trai út và cũng là một người say mê nghệ thuật như ca nhạc và điện ảnh như mẹ. Cuộc hôn nhân giữa Kiều Chinh và Nguyễn Năng Tế đi đến đổ vỡ 25 năm sau.

Vào năm 1957, Kiều Chinh trong bước đầu đến với điện ảnh đã không được suôn sẻ khi đạo diễn Joseph Mankiewics đến Sài Gòn thực hiện phim “The Quiet American”. Một hôm từ Nhà Thờ Đức Bà đi ra, khi đi ngang qua nhà hàng Givral, có một người Mỹ ngồi với một nhóm bạn trong nhà hàng của khách sạn Continental bên kia đường Tự Do chạy ra vỗ vai chị hỏi có biết nói tiếng Anh không.

Kiều Chinh hơi sững sờ và tỏ ra ngại ngùng sợ bị hiểu lầm nên không trả lời. Người Mỹ đó hiểu ý nên tự giới thiệu là người trong một đoàn làm phim, nhận thấy chị có dáng vóc rất thích hợp với một vai trò trong cuốn phim sắp quay nên muốn mời giữ một vai quan trọng. Đó là vai Phượng, trong phim “The Quiet American”.

Khi ngỏ ý xin phép được nhận lời đóng phim, nhất là đóng phim với người Mỹ, Kiều Chinh đã gây không ít ngỡ ngàng cho toàn thể gia đình để rồi bị ngăn cản. Vai Phượng sau đó được giao cho nữ tài tử Ý Georgia Moll. Đúng vào thời gian này, phim “Hồi Chuông Thiên Mụ” đang được ông Bùi Diễm và đạo diễn Lê Dân sửa soạn thực hiện. Hai người đã đến tận nhà Kiều Chinh xin phép bố mẹ chồng chị để chị được đóng vai chính trong cuốn phim này.

[img]http://i210.photobucket.com/albums/bb183/congt04/kieuchinh2.jpg?t=1236302112[/img]
Kiều Chinh trước năm 1975

Sau khi được biết người con dâu trong gia đình sẽ thủ vai một ni cô nên gia đình chị – một gia đình theo Phật Giáo - đã đồng ý một cách dễ dàng, hơn là để chị nhận lời cộng tác với nhóm phim người Mỹ vào thời kỳ sự liên hệ giữa phụ nữ Việt Nam với người Mỹ dễ đưa đến nhiều ngộ nhận. Cuộc hành trình vào lãnh vực điện ảnh của Kiều Chinh chính thức bắt đầu từ đây...

Thật sự cuộc hành trình vào điện ảnh của Kiều Chinh đã manh nha từ thời niên thiếu khi thường được bố thường xuyên đi xem chiếu bóng ở những rạp mà ông là một khán giả thường trực, đặc biệt là một rạp trên đường Cầu Gỗ. Sự say mê điện ảnh đến với chị khi được bố giảng nghĩa về những cuốn phim Pháp thịnh hành vào thời kỳ này. Tuy nhiên chị chưa hề mong ước sau này sẽ thành tài tử vì nền điện ảnh Việt Nam còn trong thời kỳ phôi thai, chưa được quần chúng biết tới.

Tuy nhiên chắc chắn trong tiềm thức người nữ tài tử tương lai đã ghi lại những hình ảnh lôi cuốn qua nghệ thuật diễn xuất của những diễn viên trong những cuốn phim đã xem qua. Nhưng Kiều Chinh lại tỏ ra say mê âm nhạc nên được bố cho theo học piano trong nhiều năm để nuôi niềm mơ ước trở thành một danh cầm. Nhưng tình trạng đất nước chia đôi đã khiến chị phải dở dang việc học nhạc sau khi đặt chân vào miền Nam. Cho đến nay âm nhạc vẫn là một thú tiêu khiển thích thú nhất của người diễn viên điện ảnh này.

Sau “Hồi Chuông Thiên Mụ”, Kiều Chinh cộng tác với Alpha Films của đạo diễn Thái Thúc Nha trong phim “Mưa Rừng”, đồng diễn với Kim Cương, Xuân Phát và Ngọc Phu. Qua đến phim thứ ba là “Ngàn Năm Mây Bay”, phỏng theo tiểu thuyết của Văn Quang, chị đóng với Thanh Nga và Lê Quỳnh. Sau đó chị liên tiếp được mời đóng những phim như “Năm Dần” (“Year Of The Tiger”), do một công ty Mỹ sản xuất với nam tài tử Marshall Thompson cùng một số tài tử Phi Luật Tân và Việt Nam như Hoàng Vĩnh Lộc, Nguyễn Long, Năm Châu, Kiều Hạnh, vv...

Thêm vào đó là một cuốn phim Mỹ được thực hiện tại Việt Nam nữa là “Operation CIA” với nam tài tử Burt Reynolds. Đó là chưa kể đến nhiều phim ngoại quốc khác được thực hiện tại vùng Á Đông như “Destination Vietnam” với tài tử lừng danh Phi Luật Tân Leopoldo Salcedo và hai tài tử Việt Nam Nguyễn Long và Đoàn Châu Mậu. Phim này do công ty Paramount sản xuất vào năm 1968 và được ra mắt tại thủ đô Manila của Phi với những nghi thức trang trọng dành cho Kiều Chinh, là người cắt băng khánh thành tại rạp The New Frontier Cinema, lớn nhất thành phố.

Vào năm 1971, Kiều Chinh còn được mời thủ diễn một vai quan trọng bên cạnh ngôi sao màn bạc Ấn Độ là nam tài tử Dev Avnam trong phim “Devil Within” do hãng 20th Century Fox sản xuất. Với những phim hoàn toàn do người Việt Nam thực hiện, Kiều Chinh đã xuất hiện trong nhiều cuốn phim khác như “Từ Sài Gòn Đến Điện Biên Phủ” của hãng phim Mỹ Vân với Thẩm Thúy Hằng, Đoàn Châu Mậu và Lê Quỳnh. Với phim này chị đã đoạt giải thưởng của Tổng Thống về “Nữ Diễn Viên Xuất Sắc Nhất” năm 69. Phim “Chờ Sáng” với Lê Quỳnh và Tâm Phan, “Hồng Yến” với Trần Quang và Tâm Phan, “Bão Tình” với Ôn Văn Tài, “Chiếc Bóng Bên Đường” với Kim Cương và Thành Được.

Ngoài vai trò diễn viên, Kiều Chinh còn đứng ra thành ;lập hãnh phim “Giao Chỉ” vào năm 1972 sau khi cùng với đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc thực hiện một số truyện phim nhưng không được sự hưởng ứng của những nhà sản xuất, chỉ chủ trương làm phim với giá vốn thấp và có nội dung bình dân trong tình trạng khó khăn vào thời kỳ chiến tranh. Vả lại những phim vào thời đó không được phổ biến rộng rãi tại các tỉnh xa ngoài những thành phố lớn. Do đó hai người muốn tự đứng ra thành lập riêng một công ty điện ảnh để sản xuất theo ý muốn với sự chấp nhận một số sở phí cao cho các phim thực hiện, điển hình như “Người Tình Không Chân Dung”, thực hiện vào năm 1972 với các tài tử Kiều Chinh, Vũ Xuân Thông và Minh Trường Sơn. Cuốn phim đầu tay của Giao Chỉ Phi, đã đoạt giải Phim Chiến Tranh Hay Nhất và Nữ Diễn Viên Chính Xuất Sắc Nhất tại Đại Hội Điện Anh Á Châu vào năm 1973.

Cũng trong năm 73, Kiều Chinh còn đoạt Giải Thưởng “Nữ Diễn Viên Chính Xuất Sắc” về bi kịch tại Điện Ảnh Á Châu tại Đài Loan với “Outstanding War Story”. Và cũng trong năm đó, chị thủ vai chính trong phim “Hè Muộn” với Như Loan , Nguyễn Tất Đạt, Bội Toàn và Nguyễn Năng Tế, được coi là cuốn phim cuối cùng chị đóng tại Việt Nam. Đó là không kể còn cộng tác với 2 cuốn phim khác được quay tại Thái Lan và 2 thực hiện tại Singapore mà “Full House” là phim cuối cùng quay tại Singapore trước khi chị trở lại quê hương vào ngày 15 tháng 4 trong lúc Sài Gòn đang trong tình trạng hấp hối.

Nhờ có được nhiều liên hệ với những viên chức trong ngành ngoại giao, Kiều Chinh được cho biết trước những trường hợp không hay sẽ xẩy ra cho Sài Gòn, nên đã quyết định ra đi một mình với thông hành ngoại giao. Thông hành này đã được Bộ Ngoại Giao Việt Nam Công Hoà cấp đặc biệt cho chị sau khi chị nhận tước hiệu “Good Will Ambassador” trong lần tham dự Đại Hội Điện Ảnh New Delhi tại Ấn Độ vào năm 1972.

Kiều Chinh quay trở lại Singapore khoảng 10 ngày sau đó với ý định sẽ tìm cách cư ở một quốc gia khác – đặc biệt là Hoa Kỳ - và sẽ bảo lãnh chồng sang sau, trong khi cả 3 người con chị đã sang Canada du học từ trước. Tuy nhiên sở di trú Singapore cho biết giấy thông hành của chị đã hết hiệu lực nên Kiều Chinh đã bị giam giữ vài ngày, trước khi được trả tự do vời điều kiện phải rời khỏi quốc gia này trong vòng 48 tiếng.

Cuộc hành trình ngoài đời sống tưởng như đi đến chỗ bế tắc sau khi Kiều Chinh bị toà đại sứ của nhiều quốc gia từ chối cấp chiếu khán do sự mất hiệu lực của giấy thông hành. Một số viên chức ngoại giao quen biết đã cho chị ý kiến nên mua một vé máy bay đi nhiều nơi trên thế giới. Theo những viên chức này, hành khách nào ở trên một chuyến bay có thể đến bất cứ nơi nào mình muốn trong khi tình trạng quốc gia gốc của đương sự đang gặp biến loạn mà sự trở về có thể nguy hiểm sẽ đương nhiên được hưởng quyền tỵ nạn.

Từ Singapore Kiều Chinh lại bắt đầu một cuộc hành trình tưởng như bất tận. Chị một mình đã bay sang Bangkok, rồi Hồng Kông, tới Đài Loan, Đại Hàn, Nhật. Rồi từ Nhật sang Pháp, qua Luân Đôn. Lại từ LuânĐôn sang New York. Và cuối cùng Kiều Chinh đặt chân xuống Toronto đúng vào đêm 30 tháng 4 năm 75!

[img]http://i210.photobucket.com/albums/bb183/congt04/kieuchinh3.jpg?t=1236302195[/img]
Kiều Chinh và tài tử Tiffi Hedren

Tại đây chị được nữ tài tử Tippi Hedren (tài tử chính trong phim The Birds của Alfred Hitcock) bảo lãnh sang Mỹ vào tháng 6 năm 75. Lý do quen biết với Hedren đước Kiều Chinh cho biết vào giữa thập niên 60, đài truyền hình Mỹ ở Sài Gòn mời chị điều khiển chương trình cho một show gồm những tài tử điện ảnh nổi tiếng đến từ Hollywood, trong số có Tiffy Hedren, Danny Kaye, Glenn Ford, vv...

Vì chỉ gặp gỡ một lần qua show đó vào năm 1965 nên chị không nghĩ rằng 10 năm sau Tippi Hedren còn nhớ đến mình. Nhưng vì quá thất vọng trong việc tìm người bảo trợ sang Mỹ, mà nơi chị nhắm là Hollywood, nên đã gọi điện thoại đề nghị với nữ tài tử quốc tế này. Trước đó chị đã không liên lạc được với những người đầu tiên là tài tử Burt Reynolds, Glenn Ford và William Holden.

Chị đã không ngờ khi vừa nghe nhắc đến tên mình qua điện thoại, Tippi Hedren đã òa khóc và cho biết khi Sài Gòn thất thủ, bà có nghĩ nhiều đến tình trạng của chị nên rất mừng khi nhận được điện thoại. Chỉ hai ngày sau người nữ tài tử giầu tình cảm này đã gửi vé máy bay cho Kiều Chinh sang Mỹ.

Trong vai trò phó chủ tịch một cơ quan từ thiện tên “Food For The Hungry” đảm trách bảo lãnh cho 500 gia đình tỵ nạn Việt Nam ở Sacramento, Tippi Hedrfen đã gửi điện tín mời chị sang cắt băng khánh thành trại tiếp nhận người tỵ nạn và chị đã dùng điện tín này để chứng minh với sở di trú Hoa Kỳ trong khi chị không thuộc diện tỵ nạn như những trường hợp khác.

Thế là Kiều Chinh lại thực hiện một chuyến hành trình sang Sacramento, California, khởi đầu cho con đường dẫn tới kinh đô điện ảnh sau này. Tại Sacramenro chị phụ giúp bà Tippi trong việc giúp đỡ những đồng bào tỵ nạn “Hope Village” một thời gian ngắn và sau đó được mời về ở chung với người con gái của nữ tài tử này. Sự có mặt của chị trên đất Mỹ đã được các cơ quan truyền thông quốc tế như đài phát thanh, truyền hình ABC, NBC, CBS, KTTV, vv... và báo chí như Los Angeles Time, People Magazine, New York Time, vv... chú ý để thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn. Vì đối với họ chị đã là một khuôn mặt quen thuộc từng xuất hiện bên cạnh những ngôi sao màn ảnh nổi tiếng Hoa Kỳ trước khi đặt chân đến xứ sở này.

Qua những lần phỏng vấn đó, Kiều Chinh cho biết đang muốn tìm một công việc làm, ý muốn nói được tiếp tục đóng phim. Nhưng Giám Mục Chủ Tịch cơ quan Từ Thiện Công Giáo USCC đã gửi lời nhắn đến một đài truyền hình đã phỏng vấn chị, cho biết ngài sẵn sàng nhận chị làm thông dịch viên. Lúc đó cơ quan này cũng đang đảm trách công tác bảo trợ cho hàng ngàn người tỵ nạn Việt Nam. Kiều Chinh nhận lời và đến nhận việc, lúc đó tại đây đã có mặt những nghệ sĩ như Jo Marcel, Nam Lộc, vv... và kế đó còn có nam tài tử từng đồng diễn với chị trong nhiều phim ở Việt Nam là Lê Quỳnh.

Chỉ một thời gian ngắn sau Kiều Chinh gặp được nhiều cơ hội để tiếp tục cuộc hành trình trong lãnh vực điện ảnh, khởi đầu với những bộ phim truyền hình của Mỹ. Đặc biệt chị đã được mời thủ vai chính trong loạt phim M*A*S*H nổi tiếng vào năm 1977 bên cạnh nam tài tử Alan Alda, kế đó là những phim truyện thực hiện riêng cho truyền hình (“mini series”) khác như Bureau (1980), Lou Grant (1982), Call To Glory (1984 – 1985), vv... kế đó có Vietnam War Stories (1989), Message From Nam (1993), Cybill (1996), vv...

Gần đây hơn cả là Touched By An Angel (1999 – 2000), Chicago Hope (2000), vv... Đó là chưa kể những cuốn phim TV khác như The Chikldren Of Anlac (1980), Fly Away Home (1980), và gần đây nhất là “Temptation”, thực hiện vào năm 2003. Riêng trong lãnh vực thuần túy điện ảnh, Kiều Chinh đã có mặt trong những cuốn phim quốc tế, khởi đầu với một vai trong Hamburger Hill vào năm 1987.

Kế đó cuộc hành trình trên con đường điện ảnh đối với chị có phần tốt đẹp hơn với Gleaming The Cube (1988), Vietnam-Texas (1989), Welcome Home (1989).

Sau khi cuốn phim The Joy Luck Club được trình chiếu tại khắp nơi trên thế giới thì cuộc hành trình đó càng thêm phần khởi sắc qua khả năng diễn xuất của chị trong vai một người mẹ người Trung Hoa. Kiều Chinh tỏ ra rất hài lòng với cuốn phim này. Sau đó chị còn tiếp tục xuất hiện trong những cuốn phim khác là Catfish In Black Bean Sauce (1999), What’s Cooking (2000), Face (2001).

[img]http://i210.photobucket.com/albums/bb183/congt04/kieuchinh4.jpg?t=1236302265[/img]
Kiều Chinh với đạo diễn Trần Hàm trong thời gian thực hiện phim “Journey From The Fall”, cuốn phim mới nhất của chị thực hiện tại Thái Lan cuối năm 2004

Và gần đây nhất chị đã thủ vai một lão bà tỵ nạn trong phim “Journey From The Fall” với Diễm Liên và một nam tài tử trẻ tên Nguyễn Long, đề cập về cuộc hành trình của người tỵ nạn sau ngày Sài Gòn sụp đổ vào tháng 4 năm 75. Phim do Trần Hàm đạo diễn, sẽ được trình chiếu vào tháng 4 năm nay để đánh dấu 30 năm xa rời quê hương.

Ngoài việc diễn xuất trong trên 70 cuốn phim các loại, Kiều Chinh còn giữ vai trò cố vấn cho những phim hay chương trình truyền hình có đề tài liên quan đến Việt Nam. Hoạt động của Kiều Chinh không ngừng ở đó để chị còn có nhiều hoạt động khác. Đặc biệt từ năm 1994 đến nay chị còn giữ vai trò thuyết trình viên của tổ chức GTN (Greater Talent New Rork) trụ sở đặt tại New York, cho nhiều cơ quan và tổ chức khắp nơi tại những hội nghị cũng như những buổi hội thảo.

Nhưng hoạt động có tính cách xã hội có nhiều ý nghĩa nhất của Kiều Chinh là đã giữ vai trò đồng chủ tịch sáng lập tổ chức từ thiện bất vụ lợi The Vietnam Children’s Fund với ký giả Terry Anderson. Tổ chức này đã thiết lập được một loạt 61 trường tiểu học tại Việt Nam.

Vào năm 1995, Kiều Chinh trở lại quê hương để cắt băng khánh thành ngôi trường đầu tiên tại Quảng Trị. Và đây cũng là lần đầu chị trở về Hà Nội sau 41 năm xa cách để gặp lại người anh duy nhất, trong khi thân phụ chị đã qua đời. Cuộc hành trình trở về quê hương của Kiều Chinh đã được thực hiện thành phim bởi đài truyền hình KTTV thuộc hệ thống Fox Television dưới tên “Kieu Chinh: A Journey Home”, đã chiếm giải Emmy Awards dành cho phim tài liệu vào năm 1996.

Nếu liệt kê đầy đủ những giải thưởng chị đã đoạt được cùng với hoạt động xã hội chị đã dấn thân thực hiện thì phạm vi một bài viết không cho phép vì giới hạn của nó. Nhất là những điều đó đã từng được nhắc nhở nhiều lần bởi các cơ quan truyền thông cũng như trong cuốn sách “Kiều Chinh-Hà Nội-Sài Gòn-Hollywood” của Nhã Ca, thực hiện năm 1992 tại Hoa Kỳ với bài viết của 29 tác giả Việt-Mỹ. Chỉ cần biết rằng Kiều Chinh đã thành công trong cả hai cuộc hành trình: đời sống và điện ảnh.

Mặc dù cuộc hành trình nào chị cũng đã phải trả một cái giá tương xứng. Có lúc gục ngã, nhưng Kiều Chinh đã vươn lên. Có lúc lên tới đỉnh cao, nhưng Kiều Chinh vẫn luôn khiêm nhượng do bản chất khả ái và lối cư xử nhẹ nhàng của mình.

[img]http://i210.photobucket.com/albums/bb183/congt04/kieuchinh5.jpg?t=1236302312[/img]
Kiều Chinh nhận hoa chúc mừng kỷ niệm 70 cuộc đời, 50 năm điện ảnh tại Stafford Performing Theater, Houston, Texas ngày 23.9.2007. Hình Saigon Times


Hiện nay chị sống ở Garden Grove, hàng ngày tập thiền để giữ cho tinh thần được luôn thanh thản. Để rồi từ đó Kiều Chinh vẫn sẽ tiếp tục những cuộc hành trình khác. Cuộc hành trình sắp tới của chị sẽ diễn ra tại thành phố Montreal, Canada vào ngày Chúa Nhật 20 tháng 3 năm 2005 tới đây trong chương trình “Kiều Chinh: Con Người Và Điện Ảnh” do Trung Tâm Văn Hoá Giáo Dục Hồng Đức tổ chức.

Trong khi đó những thân hữu của Kiều Chinh đã bắt đầu xúc tiến thực hiện một chương trình thật trang trọng dành cho chị vào năm 2007 để đánh dấu 50 năm điện ảnh của người nữ minh tinh sống trọn đời mình cho nghệ thuật thứ bảy.

(TVTS - 994)

Tác giả: Trường Kỳ


PC
#15 Posted : Monday, March 16, 2009 8:04:11 AM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
Thượng nghị sĩ Correa vinh danh tài tử Kiều Chinh là phụ nữ xuất sắc
Mar 12, 2009
Thượng Nghị Sĩ tiểu bang Lou Correa đã tuyển chọn tài tử Kiều Chinh là cư dân thành phố Garden Grove, để được vinh danh là Phụ Nữ Xuất Sắc Năm 2009 tức Woman of the Year 2009 của địa hạt 34.

Ngoài sự nghiệp diễn viên, Kiều Chinh là một người làm việc nhân đạo giúp trẻ em nghèo tại Việt Nam và là một tiếng nói nổi tiếng trong cộng đồng tỵ nạn cộng sản Việt Nam.

Trong phần tuyên bố, ông Correa nói nữ nghệ sĩ Kiều Chinh là một người đã khắc phục nhiều gian nan, mất mát trong đời nhưng đã vượt qua những thử thách này và là một người phụ nữ thành công. Kiều Chinh là một gương mẫu tốt cho tất cả mọi người. Kiều Chinh sinh ra tại Hà Nội, Việt Nam. Cô đã đạt được nhiều thành công trong sự nghiệp diễn viên đối với quốc tế với nhiều vai diễn viên dẫn đầu trong 22 phim tại nhiều quốc gia như Việt Nam, Ấn Độ, Phi Luật Tân, Singapore, Thái Lan, và Đài Loan.

Sau 30 tháng 4 năm 1975, Kiều Chinh sang tỵ nạn tại tiểu bang California, Hoa Kỳ. Sau đó Kiều Chinh đã đóng góp tài năng của mình trong hơn 100 phim truyền hình và phim. Mới đây nhất, Kiều Chinh, đóng vai bà nội trong phim Vượt Sóng tức Journey from the Fall. Nổi bật nhất trong phìm này là diễn tiến của người Mỹ gốc Việt phải xa quê hương, đi vượt biên, ở tù cải tạo, và lập lại đời sống mới trên xứ lạ.

Kiều Chinh đã có nhiều đóng góp rộng rãi trên nhiều lãnh vực văn hóa, nhân đạo, cộng đồng, và giáo dục và đã được vinh danh tại Quốc Hội Hoa Kỳ năm 1990 là Người Tỵ Nạn Xuất Sắc Trong Năm vào ngày Refugee Day of America đầu tiên.

Chương Trình Phụ Nữ Xuất Sắc Trong Năm lần đầu tiên được thành lập vào năm 1987 do một số nhà lập pháp thuộc phái nữ tại tiểu bang California. Mỗi năm, Quốc Hội Tiểu Bang ghi nhận và vinh danh 40 người Phụ Nữ Xuất Sắc Trong Năm trên toàn tiểu bang. Kiều Chinh sẽ được vinh danh là Phụ Nữ Xuất Sắc Năm 2009 tại một buổi tiếp tân vào thứ sáu, ngày 13 tháng 3 năm 2009 tại văn phòng của Thượng Nghị Sĩ Lou Correa từ 3 đến 5 giờ chiều.


Calitoday
Phượng Các
#16 Posted : Tuesday, June 3, 2014 7:00:22 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Bùi Bảo Trúc:

Mai Thảo viết văn xuôi, người ta vẫn thấy ẩn hiện những thơ. Ông sống rất một mình, nhưng đằng sau, người ta vẫn thấy ẩn hiện một mối tình. Kín đáo, bí mật và lặng lẽ.
Bài Em Đã Hoang Đường Từ Cổ Đại càng đọc, người ta càng thấy người phụ nữ ông yêu hiện ra càng rõ nét hơn. Tôi tin ông viết bài thơ ấy cho một người mà tôi nghĩ là tôi có thể đoán ra được. Nhưng mấy lần hỏi ông viết bài thơ ấy cho ai, ông đều lảng sang chuyện khác. Ông không trả lời, ông không xác nhận bài thơ ấy viết cho ai, nhưng chúng tôi nghĩ chúng tôi đoán chắc đúng.
Có một khoảng cách tuổi tác giữa ông và người ông nhắc đến trong bài thơ, một khoảng cách mười mấy tuổi:
Em đủ mười phương từ tuổi nhỏ
Ngần ấy phương anh tới tuổi già
Tuổi ư? Hồn vẫn đầy trăm gió
Thổi suốt đêm ngày cõi biếc ta

Lúc hạ huyệt người đàn ông ấy, tôi hỏi Kiều Chinh có phải Em Đã Hoang Đường Từ Cổ Đại Mai Thảo viết cho cô không, và trước khi những nắm đất cuối cùng được ném xuống đất.
Cô đã gật đầu…
Tôi thấy những giọt nước trên mắt.

(Em Đã Hoang Đường Từ Cổ Đại)
Phượng Các
#17 Posted : Tuesday, August 9, 2016 2:58:48 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)

Phim Chuyện Năm Dần (A Yank in Viet-Nam)

https://www.youtube.com/watch?v=0__dRA9PhlI
Phượng Các
#18 Posted : Sunday, June 25, 2017 9:46:46 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Kiều Chinh, Rừng Cây 60 Năm

Giải “Lifetime Achievement Award” tại Đại Hội Điện Ảnh Toàn Cầu 2015 / Festival of Globe (FOG) tại miền Bắc Calii. Cùng nhận giải với Kiều Chinh là 4 tên tuổi lừng lẫy của điện ảnh thế giới: Jackie Chan, Hồng Kông; Sunil Thapa, Nepal; Bappi Lahir, Ấn Độ; và Martin Sheen, Hoa Kỳ.


Sinh tại Hà Nội, Kiều Chinh một mình di cư vào Nam năm 1954, trở thành diễn viên hàng đầu của điện ảnh Việt Nam và châu Á. Tháng Tư 1975, Kiều Chinh đóng phim Full House tại Singapore. Tháng Chín cùng năm, sau biết bao tan nát, vẫn tiếp tục xuất hiện trong "Joe Forrester" rồi M*A*S*H... những TV-show danh tiếng thời 70’, 80’ tại Hoa Kỳ. Năm 2017 đánh dấu 60 Năm Điện Ảnh Kiều Chinh. Việt Báo trân trọng giới thiệu bài của nhà thơ Du Tử Lê, với lời chúc mừng người bạn chung của chúng ta.


1.

Đã bắt đầu chút se sắt của mùa đông. Nhưng cho tới nay, tôi vẫn còn có được cho mình những buổi sáng. Café. Và bạn hữu. Với cả người còn và những người đã khuất. Ký ức vẫn sống động nơi chiếc bàn kê sát cửa thoát hiểm của nhà hàng Song Long - Cách khu chung cư dành cho lớn tuổi chỉ vài bước… Đó là nơi ở cuối cùng của nhà văn hàng đầu Việt Nam: Mai Thảo. Và đây là cái bàn nhà hàng mà ông ngồi nhiều nhất trong những năm cuối đời.

kc BerkeleyKiều Chinh nói chuyện về điện ảnh tại University of Berkeley ngày 17 tháng 10, 2016, trong cuộc hội thảo về 20 năm Việt Nam Cộng Hòa: Trước 1975, Saigon từng đã là nơi tổ chức Đại Hội Điện Ảnh Á Châu. Phim ảnh và nghệ sĩ Việt Nam mạnh mẽ hội nhập vào sinh hoạt chung của điện ảnh thế giới.(Photo Trang Nguyễn)

Mới đây, Kiều Chinh vừa có dịp nói chuyện tại Đại Học Berkeley. Tấm hình nhắc tôi nhớ "Hồi Chuông Thiên Mụ", cuốn phim đầu tay Kiều Chinh đóng vai chính năm 1957. Năm mới 2017 đang tới. Vừa tròn 60 năm. Một mình tới Song Long, tôi ngồi quay lưng lại khu chung cư. Căn studio-Mai-Thảo. Và bỗng nghe âm vang lời tác giả "Ta thấy hình ta những miếu đền".

"Chỉ nói đến Kiều Chinh như một minh tinh màn bạc lẫy lừng, chưa đủ. Giữa hai vai trò, bà còn là một nhân vật phụ nữ lỗi lạc, trong cái ý nghĩa tốt đẹp nhất của một phụ nữ Việt Nam dấn thân và tiến bộ trước xã hội và thời đại của mình". Nhà văn hàng đầu của Việt Nam đã viết và nói về Kiều Chinh như thế, trong dịp kỷ niệm "25 Năm Điện Ảnh Kiều Chinh" tại sân khấu Performing Art Center, Costa Mesa, California.
Lời ông từ một góc thế kỷ trước ngày càng chính xác hơn, khi hình ảnh Kiều Chinh vẫn tiếp tục toả sáng.

2.


B5_Award by President N V Thieu, 1969Kiều Chinh nhận giải Điện Ảnh 1969 do Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu trao tặng.

Tôi biết, thời còn Saigon, Kiều Chinh đã 2 lần nhận giải nữ diễn viên chính xuất sắc nhất của VNCH (1969) và giải nữ tài tử chính xuất sắc nhất của đại hội Điện ảnh Á Châu (Asia Film Festival – 1973.)

Tôi biết, thời lưu vong, Kiều Chinh từng xuất hiện trước Quốc Hội Hoa Kỳ để nhận tước danh “Người Tị Nạn Xuất Sắc”, trong buổi lễ tuyên xưng “Ngày Tị Nạn” đầu tiên tại Mỹ năm 1990.

Nhìn lại sáu mươi năm Kiều Chinh, tôi nhớ hình ảnh người nữ diễn viên đã thủ diễn những vai nữ thuộc đủ mọi sắc dân Á Châu Thái Bình Dương. Từ Việt, Miên, Lào, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, tới Hawaii… Rất nhiều phim trong số này, trở thành tài liệu giảng dạy về văn hóa, lịch sử Á Châu tại các trường học Hoa Kỳ.

KC-Cup_DSC00446_1Sau hàng trăm vai diễn trong phim ảnh thế giới, Kiều Chinh nhập vai một bà mẹ thuyền nhân Việt Nam trong phim “Journey from the Fall”. San Diego Asian Film Festival 2006 vinh danh Kiều Chinh bằng giải "Lifetime Achievement Award."

Tôi biết Kiều Chinh từng nhận giải Emmy 1996 do Hàn Lâm Viện Nghệ Thuật Truyền Hình Mỹ trao tặng. Bà còn được vinh danh bởi nhiều Đại hội điện ảnh, với các giải thưởng như: “Lifetime Achievement Award” by San Diego Asian Film Festival (2006); “American Heritage Award” của American Immigration Law Foundation (2005); Roma Film Festival (Italy, 2003)-

Với tôi, Kiều Chinh là “niềm hãnh diện Việt”. Hành trình 60 năm Điện ảnh của bà chưa một lần gián đoạn, dù đó là cái năm 1975 đổi đời.
Đúng như Mai Thảo nói, "giữa hai vai trò" của một tài tử điện ảnh, Kiều Chinh còn có hơn 20 năm làm diễn giả nhà nghề -hiểu theo nghĩa đi nói chuyện có thù lao- và liên tục được các đại học và tổ chức văn hóa uy tín của nước Mỹ mời đi nói chuyện khắp các tiểu bang Hoa Kỳ.

Vẫn "giữa hai vai trò", Kiều Chinh đã không ngừng xả thân trong những hoạt động văn hóa, xã hội. Tiêu biểu là hơn 20 năm đồng Chủ tịch sáng lập tổ chức bất vụ lợi VCF, sánh vai cùng các cựu chiến binh Mỹ thời chiến tranh Việt Nam, quyên góp từ nước Mỹ để xây tặng trẻ em khắp Việt Nam, không chỉ một vài mà, tới 51 trường học khang trang theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ, tính tới hôm nay…

Nhưng trước hết, tôi thấy phải nhớ thêm điều này: Như chúng ta, là một người Việt Nam, Kiều Chinh có chung số phận với đồng bào của mình, từng biết thế nào là tan nát, khổ đau, quị ngã và đứng dậy.

Với tôi, đó mới là những điều thôi thúc tôi viết về người bạn chung của chúng ta.

3.

Đầu năm 2007, sách "Kieu Chinh, Vietnamese American / Bio-photo Book" ra mắt tại bảo tàng viện Smithsonian ở Virginia trong cuộc triển lãm Di Sản Người Mỹ Gốc Việt tại Hoa Kỳ. Cuốn sách này cho tôi thấy nhiều hình ảnh đặc biệt.

Đệ Nhị Thế Chiến, phi cơ đồng minh oanh tạc quân Nhật tại Hà Nội, Kiều Chinh mồ côi mẹ.

Hà Nội, Tết 1954, tôi đã thấy hình ảnh cô Kiều Chinh tuổi teen an lành bên ông Bố. Ba anh chị em bên nhau trong vườn nhà. Nhưng rồi tháng Bẩy năm Ngọ ấy, đất nước chia đôi. Người chị theo chồng sang Pháp. Đêm trước ngày di cư, người anh bỏ nhà bỏ đi với bạn. Hôm sau, hai bố con ra phi trường Bạch Mai. Phút cuối, Kiều Chinh bị Bố đẩy lên phi cơ, nói "Con vào Sài Gòn trước, bố ở lại tìm anh sẽ vào sau." Bố và anh từ đó kẹt luôn tại nhà tù miền Bắc, và Kiều Chinh 17 tuổi mồ côi, thành người di cư tị nạn bơ vơ tại miền Nam.


4.
Tháng Tư 1975, Kiều Chinh ở Singapore, vừa diễn xong vai chính phim "Full House," một phim của tuổi trẻ vui vẻ. Hội hè, báo chí xứ "Sư Tử Thành" đầy hình ảnh Kiều Chinh.

Nhưng đó cũng là lúc dồn dập tin VNCH co cụm chờ sụp đổ. Điện tín gia đình từ Saigon, điện tín các con đang du học từ Canada đềàu nhắc nhở "Ở lại. Đừng trở về Saigon." Nhưng những người thân đang trong cơn nguy khốn. Không thể không về. Chuyến bay Singapore -Saigon, ngày 16 tháng 4-1975, Kiều Chinh là hành khách duy nhất. Ở phi trường Tân Sơn Nhất, số tiền 75,000 Mỹ kim mang về được đổi thành một… bao bố tiền VNCH thời đó. Để rồi, chỉ một tuần sau, phải lên chuyến bay cuối cùng rời khỏi Saigon, không hành lý, ngoài chiếc ví tay nhỏ trong đó vài chục mỹ kim và cuốn sổ điện thoại.

Phi cơ đáp xuống Singapore. Ngay khi trình thông hành, Kiều Chinh được mời vào... nhà tù. Lý do, chế độ VNCH đang sụp đổ, thông hành ngoại giao vô giá trị. Trong nhà tù, có lúc Kiều Chinh thấy một cai tù đang cầm tờ báo hình bìa là chính mình. Bà mừng rỡ, chỉ bìa báo, "Đây là tôi. Làm ơn giúp tôi…" Người cai tù nhìn bìa báo, nhìn người, hiểu ra. Nhờ được giúp gọi vài cú điện thoại, Kiều Chinh được Đại sứ VNCH Trương Bửu Điện ở Tân Gia Ba làm giấy lãnh ra; với điều kiện bà phải rời bỏ xứ này trong vòng 24 giờ. Không tòa đại sứ nào chịu cấp giấy nhập cảnh. Giải pháp sau cùng là một vé bay lòng vòng hai ba lục địa, để... mua giờ, chờ tình hình miền Nam ngã ngũ, mới có thể xin tị nạn đâu đó.

Sáu giờ chiều ngày 30 tháng 4, máy bay đáp xuống phi trường Toronto, nơi các con của bà đang du học. Sài gòn đã thật sự sụp đổ.

KC Emmy 1996“Cầu cho mọi gia đình bị chia lìa vì chiến tranh được đoàn tụ”. Kiều Chinh phát biểu khi nhận Emmy Award 1996 cho phim tài liiệu “Kieu Chinh, a Journey Home” do Patrick Perez thực hiện cho Fox Television.”



Kiều Chinh trở thành người Việt tỵ nạn đầu tiên tại xứ lá phong Canada. Và công việc đầu tiên cho người nữ tài tử là "Cleaning after the chicken."

(Làm sạch chuồng gà), với mức lương 2 dollars / 1 giờ. Mỗi ngày, việc làm bắt đầu lúc 6 giờ sáng khi gà mới mở mắt. Dậy sớm từ 5 giờ sáng, đi xe lửa ra ngoại ô Salboro. Tới nơi, nhân viên trại gà phát cho đôi giày boot cao su cao tới đầu gối, áo mưa dầy, băng bịt miệng và chỉ ra nơi để kéo vòi nước. Không phải thứ vòi nước nhẹ nhàng như vòi cao su tưới ở nhà, mà là vòi to, nặng như vòi của xe cứu hỏa. Khi bật nước lên, sức phản hồi mạnh tới mức có thể xô ngã mình, phải luôn cố trụ vững, bước tới.

Chuyện kể của Kiều Chinh làm tôi nhớ những ngày đầu tị nạn. Nhạc sĩ Phạm Duy ngày ấy cũng đã nhận công việc làm tài xế đưa rước bệnh nhân cho phòng mạch bác sĩ… Giáo sư triết, thi sĩ Nguyên Sa từng là công nhân dây chuyền cho một hãng điện tử… Nhạc sĩ danh ca Hoài Bắc Phạm Đình Chương phải sống với nghề vẽ đồ họa bằng computer. Nhưng rồi người nghệ sĩ sẽ vẫn là chính mình.

KieuChinh tren xe CNDXe hoa CND Tết Bính Thân 2016 tại Little Saigon: Kiều Chinh, Jan Nordstrom Arnold, CND Co-Founder, và nữ tài tử Tippi Hedren, bà mẹ đỡ đầu ngành Nail của người Việt tại Hoa Kỳ.

Nhờ tiền dọn chuồng gà, Kiều Chinh điện thoại cầu cứu các bạn trong giới tài tử Hollywood, và nhận được sự bảo trợ sau cùng nhận được giấy mời vào Hoa Kỳ để “dự lễ” khai trương một trại tạm cư cho người Việt tị nạn tại Sacramento đang do nữ tài từ Tippi Hedren trực tiếp điều hành. Chính từ trại “Hope Village” này, khi cùng Kiều Chinh thăm hỏi nhu cầu các trại viên, Tippi Hedren đã giúp mở lớp dạy làm nail và lo cho các bà các cô đi thi bằng hành nghề.

Ba tháng sau khi đặt chân tới nước Mỹ, Kiều Chinh nhận vai diễn đầu tiên trong TV-show "Joe Forrester" và ít lâu sau đã là vai nữ chính, đồng diễn với Alan Alda trong M*A*S*H, một TV-show lừng lẫy nhất thời đó. "Nàng tài ba như thế, Hollywood phải có một chỗ đứng cho nàng." Alan Alda nói về Kiều Chinh (hình bên).


5.


D3_JoyLuckClub 1993Năm 1993, người tài tử gốc Việt vào vai bà mẹ chính trong The Joy Luck Club, cuốn phim tiêu biểu về các bà mẹ Trung Hoa: Trong phim, Kiều Chinh là Suyuan, bà mẹ thời thế chiến thứ 2, bị buộc phải bỏ rơi hai con song sinh bên đường chạy loạn. Phim quay tại Quế Lâm tháng Hai, 1993, khi nước Tầu đỏ còn trong bức màn tre.

Nếu không kể những bộ phim TV nhiều kỳ, mà Kiều Chinh xuất hiện rất sớm, tôi nghĩ, phải kể tới phim "The Joy Luck Club" mà, người tài tử gốc Việt" được mời thủ diễn một bà mẹ chính trong cuốn phim tiêu biểu nhất về các bà mẹ Trung Hoa: Vai Suyuan, bà mẹ ở Quế Lâm thời thế chiến thứ 2, bị buộc phải bỏ rơi hai đứa con song sinh trên đường chạy loạn - Dựa theo cuốn truyện cùng tên của nhà văn Hoa Kỳ, gốc Trung Hoa, Amy Tan.

Ở đây, tôi không muốn kể lại những thành tựu lớn mà, "The Joy Luck Club" đã đạt được như: Phim này đã được tổ chức National Board of Review Awards chọn vào danh sách "Top Ten" của thế giới năm 1993… (Mà,) tôi chỉ muốn nhấn mạnh, có 3 ngôn ngữ được dùng cho toàn bộ cuốn phim là tiếng Mỹ, tiếng Quan Thoại và Quảng Đông. Nhưng gần cuối phim, khi Kiều Chinh trong vài bà mẹ Trung Hoa tên Suyuan, lúc phải từ bỏ 2 đứa con song sinh của mình, đã thốt kêu hai tiếng "con ơi!"

"Con ơi!" Hai tiếng Việt duy nhất của cuốn phim dài 139 phút.

Tôi nghĩ, phần nào nhờ nơi hai tiếng "con ơi" này của Kiều Chinh mà, tờ Entertainment Weekly số đề ngày đề 28 tháng 10-2014 đã bình chọn "The Joy Luck Club" là cuốn phim thứ 22 trong số 50 phim của lịch sử điện ảnh thế giới - - Đạt "số thu" nhiều nhất về… nước mắt. Và cúp nước mắt "The Trophy of Tear" được trao cho Kiều Chinh, "niềm hãnh diện Việt" (4)

Tôi không nghĩ, trong số hàng triệu khán giả trên thế giới khi coi "The Joy Luck Club", phải lệ nhỏ vì hiểu được hai chữ "con ơi!" của Kiều Chinh. Mà, tôi tin, vì họ được những dòng nước mắt dàn dụa trên gương mặt của người nữ diễn viên này, "thông dịch" qua ngôn ngữ của họ. Bởi, những dòng nước mắt dàn dụa kia, chính là những dòng nước mắt đau thương, được bà kìm, giữ mấy chục năm - Khi bà hình dung đó là hai tiếng cuối cùng trước khi thân phụ bà từ trần, đã gọi bà, sau 22 năm chia, ly. Bằn bặt!

Tôi đồ chừng, sở dĩ nước mắt Kiều Chinh "thông dịch" được hai tiếng "con ơi", qua bất cứ một ngôn ngữ nào khác, cũng bởi vì, bà đã nói thay cho những bậc cha, mẹ mất con; cho những ông, bà mất cháu… Và, hiểu theo một nghĩa nào, thì đó cũng là tiếng kêu cuối cùng của những người vợ mất chồng, trong chiến tranh…

1 the WallKiều Chinh là diễn giả chính trong ngày Veterans Day 11 tháng 11, 1993, tại Bức Tường Đá Đen, Tưởng Niệm 58,000 tử sĩ Mỹ thời chiến tranh VN.
Chính từ nơi này, Kiều Chinh đã khởi xướng và được các cựu chiến binh Hoa Kỳ danh tiếng nhất hưởng ứng, thành lập Vietnam Children Funds, quyên góp xây trường tặng trẻ em Việt Nam.


6.

Người xưa từng nhắc nhở, nếu chúng ta không làm được việc gì hữu ích cho người, thì hãy trồng một gốc cây, cho đời sau có bóng mát.

Nhân vật phụ nữ lỗi lạc mà Mai Thảo nhắc tới không chỉ trồng một gốc cây!

Bà ta đã bền bỉ gieo, trồng, vun, tưới cả một rừng cây, cho bóng mát hôm nay và, mai sau.

Có rừng cây mang tên điện ảnh. Có rừng cây mang tên diễn giả. Rừng cây mang tên… VCF School, những ngôi trường giúp hàng trăm ngàn trẻ em Việt Nam tại các vùng bị chiến tranh tàn phá.

Đó là những rừng cây "mang cái ý nghĩa tốt đẹp nhất của một phụ nữ Việt Nam dấn thân và tiến bộ trước xã hội và thời đại của mình," như Mai Thảo nói.

Và, với riêng tôi, xin gọi bằng cái tên giản dị: Rừng Cây Kiều Chinh.

Chúc mừng bạn chúng ta, Rừng Cây 60 Năm.

Du Tử Lê


xem thêm theo link sau


https://vietbao.com/p263...eu-chinh-rung-cay-60-nam
Phượng Các
#19 Posted : Thursday, November 1, 2018 9:17:42 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
viethoaiphuong
#20 Posted : Sunday, September 22, 2019 1:02:42 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Kiều Chinh: Nữ diễn viên ‘huyền thoại’ của Việt Nam

VOA - Hà Vũ - 14/09/2019


Nữ tài tử Kiều Chinh là một trong những gương mặt nổi bật của điện ảnh miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Sang Mỹ định cư, bà trở thành một trong những diễn viên gốc Việt nổi tiếng nhất tại Hollywood.

Nữ tài tử Kiều Chinh là một trong những gương mặt nổi bật của điện ảnh miền Nam Việt Nam trước năm 1975.

Sinh năm 1937, nữ diễn viên Kiều Chinh (tên thật là Nguyễn Thị Chinh) là một trong những diễn viên ‘huyền thoại’ của Việt Nam. Trong sự nghiệp điện ảnh trên 60 năm của mình, bà đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá, trong đó có Giải thưởng Emmy do Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Truyền hình Mỹ trao tặng năm 1996, và Giải thưởng Thành tựu Suốt đời (Lifetime Achievement Award) năm 2003.

Bà đến Toronto, Canada, tị nạn đúng vào lúc 6 giờ chiều ngày 30/4/1975, và sau đó định cư tại Hoa Kỳ nhờ sự giúp đỡ của nữ diễn viên điện ảnh Mỹ Tippi Heidren. Trên đất Mỹ, bà vẫn tiếp tục con đường điện ảnh và tạo được một sự nghiệp vững chắc tại Hollywood mà chưa có một tài tử Việt Nam nào đạt được.

Nữ diễn viên từng chinh phục làng điện ảnh Việt Nam và quốc tế không chỉ bằng vẻ đẹp kiều diễm, mà còn bằng năng khiếu thiên phú, cho biết bà đến với nghệ thuật thứ bảy như một sự tình cờ.

“Thủa bé tôi đi coi xi-nê rất nhiều, gần như là mỗi tuần. Nhưng thời đó điện ảnh đối với Việt Nam chưa phổ thông cho nên mộng của tôi thời bé không phải là về điện ảnh mà là về âm nhạc. Cho nên, bố tôi có cho tôi đi học piano từ lúc tôi mới 5, 6 tuổi. Mãi đến khi di cư vào Nam năm 1954, xa bố, xa Hà Nội, trở thành người di cư trên chính quê hương mình, thì vấn đề học đàn của tôi bị dang dở, không còn nữa. Và tôi bắt đầu tình cờ vào điện ảnh từ năm 1957.”

“Tôi nghĩ việc tôi được đến với điện ảnh là do nhà sản xuất Bùi Diễm, sau này ông làm đại sứ của Việt Nam Cộng hòa tại Washington D.C,” bà Kiều Chinh cho biết.

“Tôi đến với điện ảnh bằng một cách tự nhiên và hồn nhiên làm công việc của mình thôi,” bà nói khi được hỏi về cảm xúc lần đầu tiên đóng phim ‘Hồi chuông Thiên Mụ’ cùng với tài tử Lê Quỳnh, người đã có kinh nghiệm diễn xuất trong bộ phim nổi tiếng ‘Chúng tôi muốn sống.’

Trước đó, bà đã từ chối một vai diễn trong phim “Người Mỹ thầm lặng” (The quiet American) của đạo diễn Joseph L. Mankiewicz khi đoàn phim của ông đến Sài Gòn tìm người đóng vai Phượng, một cô gái Việt lâm vào cuộc tình tay ba, trong tiểu thuyết cùng tên của Graham Green, vì gia đình nhà chồng không đồng ý.

Tuy không học diễn xuất từ một trường lớp nào, nhưng điện ảnh đã thấm vào máu của nữ diễn viên Kiều Chinh từ nhỏ.

“Lúc đó Việt Nam mình chưa có trường nào dạy về diễn xuất cả. Tuy nhiên, thủa bé tôi được coi điện ảnh rất nhiều và coi sách vở điện ảnh bởi vì bố tôi hay đọc những cuốn như ‘Ciné Monde’, ‘Ciné Revue’ thành ra tôi cũng được coi sách vở về điện ảnh từ thời rất là nhỏ,” bà tâm sự.


Kiều Chinh trong vai ni cô Như Ngọc trong phim "Hồi Chuông Thiên Mụ" (1957)

Hồi tưởng những bộ phim đã đóng trước năm 1975, bà Kiều Chinh cho biết trong số hơn 20 phim tham gia thời ấy như ‘Mưa rừng’, ‘Ngã rẽ tâm tình’, ‘Chiếc bóng bên đường’, ‘Bão tình’, ‘Từ Sài Gòn đến Điện Biên Phủ’, ‘Hè muộn’..v..v.., thì bộ phim của đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc do hãng phim Giao Chỉ của bà sản xuất đã để lại trong bà nhiều ấn tượng khó phai. Nguyên nhân, bà chia sẻ, là do tất cả các binh chủng của quân đội Việt Nam Cộng hòa từ không quân, hải quân, thủy quân lục chiến, bộ binh, cho đến pháo binh…đều góp mặt trong bộ phim và những cảnh quay được thực hiện hoàn toàn nơi chiến trận chứ không phải ở phim trường.

“Nói về phim ‘Người tình không chân dung’ đó từ thời năm 70-71, phong trào điện ảnh lúc đó đang ở cao trào và một số tư nhân, ngoài những hãng phim lớn như Alpha Phim hay Mỹ Vân Phim hay Liên ảnh Công ty, cũng lập những hãng phim nho nhỏ, nhất là về phía nghệ sĩ như Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương. Tôi cũng làm phim riêng. Riêng về phần tôi, tôi rất thân, gần với anh đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc. Chúng tôi mê cốt truyện của phim mà khi tôi đưa ra thì những hãng phim không đồng ý làm. Mỗi người có quan niệm làm phim khác nhau. Có người quan niệm làm phim ăn chơi bốn món thì hợp được thị hiếu của số đông, nhưng anh Hoàng Vĩnh Lộc với tôi thì lại muốn làm một số phim do ý của người làm phim tạo ra. Riêng tôi, tôi quan niệm là phim để phụng sự khán giả và khán giả đi theo chiều hướng của những người làm phim để dẫn dắt họ đi tới nghệ thuật phim ảnh. Ngoài ‘Người tình không chân dung,’ chúng tôi còn một số dự định nữa, nhưng chẳng may chúng tôi không còn ở Sài Gòn nên những dự định của chúng tôi không thành.”

Trên chặng đường điện ảnh tại Mỹ, ngoài việc đóng phim, nữ tài tử Kiều Chinh còn là người đồng sản xuất phim ‘Ride the Thunder’ vào năm 2015, do Fred Koster đạo diễn và viết truyện phim.

Được hỏi bà đắc ý nhất về vai diễn nào và bộ phim nào trong sự nghiệp điện ảnh của mình, nữ tài tử Kiều Chinh nói: “Tôi là một người khó tính, cho nên chưa được đắc ý thực sự với phim nào cả. Đúng với sự mong muốn của mình thì chưa. Mong một ngày nào đó có một phim ý nghĩa, mình có một vai trò xứng đáng để mình được đắc ý. Nhưng nói về, gọi là tạm thời thôi, thì thời còn ở Việt Nam có lẽ tôi thích ‘Người tình không chân dung.’ Còn thời ở bên Mỹ, có lẽ tôi thích ‘The Joy Luck Club’. Hai mươi mấy năm sau rồi, ở các phi trường bên Pháp, bên London, bên Đức, mình đi đâu người ta cũng nhận ra mình qua phim đó thì tôi thấy đó là là cuốn phim thành công đầu tiên của người Á Đông ở Hollywood.”

Xuất hiện trong những cuộc phỏng vấn của các cơ quan truyền thông hải ngoại ở Toronto (Canada) hay California (Mỹ), nữ tài tử Kiều Chinh đều mặc áo nâu sồng, đeo tràng hạt.

“Màu nâu là màu tôi thích nhất trong suốt của đời của tôi. Tủ áo của tôi mở ra chắc toàn là màu nâu. Cũng như trong nhà của tôi trang trí cũng vậy. Đồ đạc của tôi cũng màu nâu. Tôi không phải là người thích kim cương, vàng ngọc. Tôi lại thích những chuỗi hạt, những cái rất giản dị, những cái đi về tâm linh,” bà nói.

“Trong nhà của tôi trang trí rất nhiều tượng Phật, rất nhiều chuỗi hạt, rất nhiều hình ảnh về chùa chiền, ngay cả những nhà tôi ở, những nơi tôi lập nên, nơi nào cũng có những cái ‘am’ nho nhỏ của riêng mình tại vì tôi ít khi tới chùa nơi công cộng. Hàng ngày mình đi ra đi vào, sáng sáng mình thắp nhang, lập lễ. Tôi nghĩ cái đó nó trở thành một cái đi vào đời sống hàng ngày của tôi,” bà cho biết thêm.


Kiều Chinh gần như luôn xuất hiện trong bộ áo dài truyền thống tại những sự kiện điện ảnh. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Dù lớn tuổi nhưng công việc bận rộn hiện nay của nữ tài tử Kiều Chinh không còn là phim ảnh mà là góp sức xây dựng Quỹ Trẻ em Việt Nam (Vietnam Children’s Fund). Bắt đầu xây trường học cho trẻ em nghèo tại Việt Nam từ năm 1994, tới nay Quỹ đã xây được 51 trường học tại mọi miền đất nước Việt Nam và trường học thứ 52 đang được xây tại Cam Ranh, theo ý nguyện của sáng lập viên Lewis B. Puller Jr., một cựu chiến binh thuộc thủy quân lục chiến Mỹ bị mất hết hai chân và gần như mất cả hai tay vì mìn trong cuộc chiến Việt Nam.

Nữ tài tử Kiều Chinh nói bà cũng hy vọng thực hiện một cuốn nhật ký ghi lại những thăng trầm trong cuộc sống, trong sự nghiệp ‘cùng với những sóng gió trong cơn hồng thủy của đất nước, của lịch sử quê hương’ trong lúc sức khỏe còn cho phép, nhưng hiện bà còn quá bận rộn với lịch diễn thuyết và các công việc từ thiện, hướng tới cộng đồng dù tuổi đã ngoài 80.


Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.