Rank: Advanced Member
Groups: Moderator, Editors Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 4,933 Points: 1,248 Location: University Place, Washington State, USA Thanks: 23 times Was thanked: 45 time(s) in 43 post(s)
|
Đọc “Sau Cơn Mưa” và “Bến Hạnh Phúc” của Linh Vang
Nguyễn Hiền Tôi là một người thích đọc truyện viết về tình yêu. Một ngày nọ, sau khi đọc một truyện ngắn trong một tạp chí, gấp cuốn báo lại, tôi chợt nhận ra một điều: đã từ lâu lắm tôi thường chỉ (được) đọc những truyện tình buồn. Nào là tình yêu không trọn vẹn, vợ chồng chia tay, nhớ thương gởi về gia đình, người thân còn ở quê nhà; đó là chưa kể tới những truyện chia ly qua những chuyến vượt biên… Tôi thấy mang mang một nỗi nhớ khi đọc những truyện tình kiểu này, nhớ một thứ gì đó, dường như rất xa, rất mù mờ. Rồi khi soát lại ký ức, tôi trực nhận ra là chẳng biết từ khi nào người Việt cầm bút đã quay sang khai thác tận tình chủ đề “Tình Yêu Sầu Khổ”. Có lẽ do năm những tháng chiến tranh triền miên, rồi sau đó là chia ly, hệ quả của biến cố tháng tư bảy lăm? Hay theo sự phân tích của một nhà văn: có sống trong đau khổ, có trải qua nhọc nhằn mới thai nghén ra được truyện hay? Như thể một phán quyết: truyện hay là phải có những tình tiết lâm ly bi đát hay sao? Rồi từ bên biên độ tận cùng của sầu thảm, có những người viết nhảy vụt sang phía bên kia như quả lắc đồng hồ, bằng cách tô đậm nét trào phúng trong truyện. Nhưng thường thì nét dí dỏm trong những truyện này lại được nâng lên quá lố, truyện dễ trở thành một vở hài kịch. Tức là vẫn không thực. Hay là một kiểu “thực” như âm thanh HiFi: cho đối tượng nghe những gì họ muốn nghe, theo trào lưu! Tóm lại, tôi hầu như không thấy một truyện vẽ một cảnh đời rất thường. Tỉ như xem phim, nếu không drama thì phải là comedy. Movies, không phải bioscope. Thảng hoặc nếu có, thì thường là những đoạn hồi ký mà tác giả vô tình viết riêng cho “mình”. Do đó, khi nhận được hai tập truyện của Linh Vang – Sau Cơn Mưa và Bến Hạnh Phúc, tôi đã nhắm mắt chọn một để đọc trước. Số phận cho tôi bắt đầu với Bến Hạnh Phúc. Như một háo hức muốn biết đoạn kết, vì Sau Cơn Mưa là Bến Hạnh Phúc mà. Thế nhưng…, quả thực tôi đã hơi hụt hẫng với cảm nghĩ mới nhóm – sau khi đọc vài truyện đầu – là nó “chán phèo”: đi học, đi làm, gia đình…, sẽ chẳng có tình tiết gì đâu, nhất là những truyện dựng trong một khung cảnh với những địa danh quá xa lạ với tôi. Nhưng không hiểu duyên cớ nào đã khiến tôi đã đọc hết Bến Hạnh Phúc lúc nào không hay. Không phải tôi say mê trong những tình tiết thắt mở, lối viết nhẹ nhàng như kể chuyện cho ai đó nghe, mà chính là do cái không khí truyện, những cảnh đời rất thường mà rất thật đã có sức quyến rũ rất lạ. Linh Vang đã dành hơn một nửa số truyện trong “Bến Hạnh Phúc” cho những cuộc tình thầm kín, có khi đơn phương, và cũng có khi cả hai người trong cuộc đến một lúc chợt ngộ ra là họ đã để phí thời gian vì không ai dám ngỏ lời trước. Tuy thế, nó vẫn “không quá muộn để bắt đầu lại từ đầu”, vì “Họ có nhiều thì giờ để kể cho nhau nghe chuyện những năm họ đã mất nhau. Bây giờ, họ phải giữ chặt cái hạnh phúc mà họ vừa tìm lại được. Hạnh phúc đến muộn.”. Những cuộc tình trong truyện Linh Vang có những nét lãng mạn riêng, nó không quá sôi nổi tha thiết như tình yêu trong lứa tuổi đôi mươi, mà là một lãng mạn trong chín chắn. Tình yêu trong lứa tuổi chín mùi có những âu yếm kín đáo riêng của nó. Dục tính không có chỗ đứng trong truyện tình của Linh Vang. Chen giữa những tình cảm dành cho nhau hay những phút mơ mộng là những đắn đo cân nhắc khi nghĩ đến chặng đường đời đã trải qua với những kỷ niệm, buồn vui trong quá khứ để rồi bất giác tự vấn lòng “rồi tương lai sẽ ra sao?”. Chưa kể đến những hệ lụy do cuộc mưu sinh chật vật hàng ngày, thêm vào đó là sự đối mặt với cuộc sống mới loanh quanh trong tiểu bang Washington – hay gói gọn hơn, trong thành phố Seattle, nơi chắc chắn đã là nguồn cảm hứng cho tác giả khi cặm cụi cầm bút hay gõ phím computer để dựng nên những truyện này. Đó là nét đặc sắc nhất trong tuyển tập “Bến Hạnh Phúc”, theo tôi. Tôi chú ý nhất cách viết đặc thù của Linh Vang, lối diễn tả tự nhiên, cách viết như thể đang kể chuyện, một vài chấm phá dí dỏm – “Ừ, thằng Brian là chồng số một, rồi thằng Tom, rồi bây giờ là thằng Larry. Chồng mỗi năm mỗi trẻ đi, ngộ lắm!” (Có Chăng Đâu Đây Niềm Hạnh Phúc), cách dùng những từ ngữ phiên âm ra tiếng Việt như “giốp ốp-phơ”, “in-côm”, “da-ua”, “đai-ẹc” v.v… chen lẫn những từ Mỹ rặc, chúng như phơi trần ra sự ngọng nghịu của những cư dân mới trên đất Hoa Kỳ. Qua mạch văn, tôi nghĩ có lẽ tác giả viết những truyện này trên giấy, không phải trên computer, do đó người đọc như tôi có cảm giác thích thú như khi nghe trình diễn nhạc sống, cảm những cái duyên thầm từ những vấp váp nho nhỏ đó. Hết Bến Hạnh Phúc, tôi qua Sau Cơn Mưa, cứ ngỡ là phần đầu của Bến Hạnh Phúc, nhưng không phải. Sau Cơn Mưa là tập hợp 30 truyện ngắn với những tình tiết oái oăm trong những gia đình vì hoàn cảnh đã trôi dạt đến Hoa Kỳ, đúng hơn là đến tiểu bang Washington, cái nền của hầu hết những truyện trong tuyển tập này. Những mảnh xã hội trong đó yêu ghét hờn ghen trộn lẫn nhau, những nhọc nhằn trăn trở cho tương lai, văn hóa Việt bị xoi mòn trên đất Mỹ. Và trên tất cả những điều này, bàng bạc trong nhiều truyện là những hoài niệm về quê hương đã rời bỏ, nhưng quyến luyến vẫn còn đầy, đưa đến những nghịch cảnh. Linh Vang đã tạo những cách dựng truyện độc đáo. Như trong “Khoảng Cách”, tương lai (trong mơ) và hiện tại đan xen nhau. Hay trong “Mênh Mông Nỗi Nhớ”, những ý nghĩ thoáng qua trong đầu được để trong ngoặc kép, cách này làm cho mạch văn đi nhanh mà chất chứa đủ những điều tác giả muốn gởi gấm. Hoặc viết liền một hơi để mặc cho độc giả suy đoán: “Bất chợt lại có tiếng mỉa mai thắc mắc. Lẻ loi một mình? Hừm! Tin được không đây? Sao ba chục năm nay không kêu lẻ loi? Cô nhà văn mầm non lại phải giải thích: –Thôi tin đi mà! Không phải lỗi của ai, mà tại hoàn cảnh hết…” (Cô Tập Viết Văn) Cái tài tình là có khi chỉ trong vài câu ngắn mà người đọc có thể thấy suốt cả một chuỗi sinh hoạt: “...Hắn là phó quận trưởng trước 75 mà giờ chuyện vợ con tang thương lắm. Ly dị có 3 đứa con, tiền chu cấp nuôi con làm hắn điên cái đầu. Làm có đồng nào là bị vợ lôi ra tòa đòi trả thêm. Hắn chán quá, làm liều, không thèm đi làm nữa, để khỏi bị chận tiền từ cái check lương, ở chung chạ với bạn bè, làm bậy bạ lấy tiền mặt, sống qua ngày, vợ cũ không biết. Đó là chính con vợ hắn bỏ hắn, có bồ mới và cũng có con với người ta rồi. Thấy hắn gọi sang kể lể tội lắm anh ơi. Dân 75, từ ngày qua Mỹ là đi học miết, có đủ thứ bằng, mới lấy vợ chừng 10 năm nay, ai dè khổ như thế!” (Và Mưa Vẫn Rơi) Hay chỉ trong một mẩu đối thoại ngắn sau đây, qua cách dùng từ ngữ trong những câu nói trỏng, người đọc có thể hình dung ra sự xáo trộn trong kỷ cương gia đình, sự bất lực của người cha đối lại sự hỗn hào của ông con: “Con anh đưa mắt ra dấu cho anh thấy là có cái thư Việt Nam để trên bàn: – Không biết kỳ này ai bệnh nữa đây ha? Anh trừng mắt nhìn nó. Nó sợ thôi nói. Nhưng rồi như không cầm được, nó vừa bỏ đi xuống nhà vừa nói thêm: – Lại một bữa cơm sẽ nuốt không vô!” (Mất Việc) Trong truyện, Linh Vang thường chọn tên hơi cầu kỳ cho nhân vật nữ vai chính: Diệu Thi, Kiều Trang, Bích Chuyên, Vân Hiền, Muội Liên v.v… Chính những cái tên tiểu thư này đã làm họ nổi bật lên trong khung cảnh gia đình đài các đúng như phong cách truyện xưa, là phảng phất một không khí êm dịu bao trùm suốt câu chuyện. Đọc truyện ngắn của Linh Vang, tôi thường có ý nghĩ lẩn thẩn là nếu Linh Vang viết một truyện dài thì có lẽ nó rất hấp dẫn – hay nói cách khác, nó sẽ hấp dẫn hơn truyện ngắn, theo ý tôi. Trong nhiều truyện, cách ra nhân vật, cách xây dựng cốt truyện, cấu trúc câu v.v… mang vẻ truyện dài hơn truyện ngắn. Nhân vật Bích Chuyên và Bushell xuất hiện trong hai truyện khác nhau khiến độc giả nào tinh ý sẽ có cảm nghĩ đây là nhân vật thực và 2 cặp truyện “Mênh Mông Nỗi Nhớ” – “Bến Hạnh Phúc” và “Mưa Tháng Mười Hai” – “Ngọn Lửa” thực ra là hai chương trong cùng một truyện. “Ngày gả con đi lấy chồng”, “Ngọn Lửa”… dường như là những chương trong một truyện dài hơn là những truyện ngắn. Ở cách gần nửa vòng trái đất, chưa một lần đặt chân đến vùng Tây Bắc, nhưng sau khi đọc hết 2 cuốn tuyển tập Sau Cơn Mưa và Bến Hạnh Phúc, tôi như thấy được cả một xã hội mà nơi đó, những địa danh, những tập tục đã gắn liền với những mảnh đời trôi dạt đến nơi xứ người. Những gì họ đã trải qua. Học ESL, lớp English 1000, rồi đi học ở UW, làm hãng Boeing lương 6-70 ngàn, ở housing. Chắt chiu từng đồng mà vẫn mơ có căn nhà trên đồi nhìn xuống vịnh Puget Sound, rồi cuối tuần lại mang tiền đi cúng cho dân Da Đỏ ở Emerald Queen, đi chợ Việt Nam, bài bạc tụ họp hay gọi long-distance tán dóc với bạn ở xa. Mất “giốp” vì Boeing dọn qua Chicago, đi New York thử thời vận, quay sang làm trong thư viện UP, mua bằng giả để làm nails v.v… Những câu chuyện buồn vui của các cụ ông HO còn quyến luyến Việt Nam, có những bà vợ khó tính hay soi mói. Loanh quanh trong thành phố sương mù Seattle với những tòa nhà chọc trời Space Needle, The Smith Tower, có Harbor View Hospital là trạm dừng chân cuối trước khi yên nghỉ ở City View hay Mountain View. Rất thật, rất tình cảm. Toàn những chuyện có hậu. “Tuyền biết dù người đàn ông đó đã đối xử không tốt với nàng, đã làm nàng khổ đau, nhưng Hoành mãi mãi vẫn có một chỗ đứng trong một phần đời của nàng, trong trái tim của nàng.” (Và Mưa Vẫn Rơi). “Nàng lắc đầu. Bao nhiêu buồn phiền tan biến đi, lòng ấm áp, lúc này nàng chỉ muốn khóc, vì cảm động, vì nàng đang sung sướng hạnh phúc bên chồng.” (Khóc Thầm), v.v… Những ai đã quen với hình thức cấu trúc truyện ngắn hiện đại có thể sẽ cho những truyện của Linh Vang giật lùi thời gian đến mấy chục năm, nhưng cả hai tập truyện có giá trị riêng của nó. Cũng như bây giờ, khi đọc những tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, ta có thể thấy lại từng chi tiết nhỏ của xã hội thời ấy, con người thật thời ấy. Họ sống ra sao, họ nghĩ thế nào, nhà cửa tiền bạc ăn xài cách nào v.v… Nói tóm lại, tôi trân trọng những gì Linh Vang viết vì biết rằng rồi có một ngày người ta sẽ nhận ra giá trị đúng của nó. Nguyễn Hiền
|