Tại sao Nguyễn Huệ lại là Quang Trung?
Có những chi tiết lịch sử, mà việc dạy và học bỏ qua, hoặc nói được chăng hay chớ. Đó là khi nói về các vua của ta, về các anh hùng dân tộc, các nhân vật lịch sử, thì lúc thì nói miếu hiệu (Thái tổ, thái tông...), lúc thì nói niên hiệu (Gia Long, Quang Trung...), lúc lại nói tên riêng (Lê Lợi, Nguyễn Huệ...)
Có lần nói chyện với một Nghệ sĩ nhân dân điện ảnh, ông không rõ vì sao Lê Hoàn lại là Lê Đại Hành. Hay một nhà văn nổi tiếng viết, chữ đen trên giấy trắng còn rành rành: Vua thời Trần có niên hiệu Trần Nhân tông...
Đến các trí thức có danh trong xã hội còn nhầm lẫn như thế, nói gì nhân dân anh hùng của chúng ta, vốn bận đánh giặc và lo cơm áo. Đằng này lại là mấy cháu nhỏ mới đi học, thì việc nhầm lần quá thường.
Về mặt đại chúng, chính quyền và ngành văn hóa lấy tuyên truyền truyền thống là tốt nhưng lại rất vô trách nhiệm khi tôn xưng danh nhân. Dường như họ không hiểu khi nào thì gọi Trần Hưng Đạo, Trần Nhân tông, Lê Thánh Tông, khi nào thì Trần Quốc Tuấn, Trần Khâm, Lê Tư Thành... Hoặc khi nào thì nên gọi Quang Trung, Hồng Đức, Trùng Hưng...
Giảng cho học sinh, chỉ nửa tiết học là xong. Một ông vua đương thời có được gọi tên riêng không, có được gọi miếu hiệu không, đời sau nên gọi ông ấy là gì... 1/2 tiết học là xong hết.
Có lẽ Quốc Hội nên bàn chuyện này, còn đáng giá hơn là bàn về mấy thứ lăng nhăng con gà, cái rau vốn là nhiệm vụ của ngành hành pháp. Với danh nhân, nên hành xử cho nhất thống. Khi tế tự, giỗ chạp, kỷ niệm có tính tôn vinh cha ông, thì dứt khoát phải dùng miếu hiệu. Khi nói về một triều vua, thì nên gọi niên hiệu, khi tôn vinh danh nhân thì phải là tên thật của các cụ ấy.
Một ví dụ: "Phật hoàng Trần Nhân tông", đó là cách gọi xếch mé mà con cháu cứ gọi lăng nhăng thế. Khi tu Phật, ông ấy được tôn là Đầu đà Điều Ngự Giác Hoàng, chủ soái Thiền Trúc Lâm. Khi làm vua, thời đại của ông hiển hách là Thiệu Bảo, Trùng Hưng. Khi chết, con cháu tôn xung là Nhân tông (một trong mấy chục mỹ từ). Còn chính ông ấy là Trần Khâm. Vậy thì, khi nói đến đạo, phải là Đầu đà Điều Ngự Giác hoàng hoặc Trúc Lâm đạo sĩ. Khi tế tự thì kính cẩn lạy Trần Nhân tông, còn khi đã tôn xưng danh nhân nước Việt thì đó là Trần Khâm.
Cũng vậy, với trường hợp Trần Quốc Tuấn. Ông có tước HƯng Đạo đại vương, là tước mà người đời kính cẩn gọi, vậy thì tại sao đời sau lại gọi ông là Trần Hưng Đạo (không có chữ đại vương, gọi như thế chỉ dành cho hoàng tộc, vua bề trên hoặc bố mẹ gọi mà thôi), một sự bất kính rất khó lý giải?
Với Nguyễn Huệ, danh nhân văn hóa, nên gọi nhất quán là Nguyễn Huệ. Triều đại ông ấy làm vua thì có niên hiệu Quang Trung. Gọi vua Quang Trung là đúng. Đặt tên Nguyễn Huệ là là tên danh nhân, song đặt tên Quang Trung thì đó chỉ là MỘT NIÊN HIỆU, một triều vua. Chứ không có "ông Quang Trung" nào cả, mà chỉ có "vua Quang Trung", chữ "vua" ở đây là một triều đại, một niên hiệu. Người đi hỏi, tức các PV cũng không phân biệt nổi, đi hỏi các em bé, đó là một hay hai ÔNG. Chính mình chả biết, nói gì các em bé. (mở ngoặc, sau này quen gọi ông BẢo Đại cũng là xách mé, chỉ có ông Vĩnh Thụy, và vua Bảo Đại)
http://nguyenxuanhung.co...lai-la-quang-trung.html