Hôm sau dậy từ lúc còn tờ mờ sáng. Chúng tôi phải đi trước bữa điểm tâm cho kịp giờ. Tôi ra vườn tu viện chụp vài tấm hình từ giã, lòng lưu luyến như bản tính vốn đa cảm của mình. Phía cuối vườn là một tượng Đức Mẹ; trời còn tối nên không thấy thấp thoáng bóng vài xơ lặng lẽ chăm sóc cây cối như hôm qua.
Xuống phà đi chớ không còn phải lết qua cái cầu mới như hôm mới tới. Nhờ ở ít hôm mới tìm ra "chân lý". Những mánh lới như vậy chỉ có đi rồi mới biết, chớ có sách du lịch nào mà kể tỉ mỉ như thế được. Đi chơi mà đầu óc tính toán quá thì hơi phiền. Muốn sung sướng tấm thân thì phải giàu sụ để có có người lo hết cho mình, mình chỉ việc vác cái xác ra xe ra tàu mà thôi. Tôi đang liên tưởng tới anh George Clooney đang dự tính làm đám cưới trên vùng hồ Como vào tháng 9 mà không biết ngày nào. Tôi nghĩ biết đâu có duyên đi chơi ở hồ đó mà gặp đám cưới của họ. [Sau này thì biết được anh ta cưới vợ ở ngay Venice, báo chí truyền thông đăng rùm beng lên, tuy là anh ta có một biệt thự ở vùng hồ].
Kỳ này ra xe lửa cũng tạm được, không còn là mối kinh hoàng như kinh nghiệm ở Rome. Nhưng mọi người cũng đồng ý với nhau là giá mà cắt bớt một thành phố đi thì tốt hơn, ở mới văi ngày lại kéo rương tráp đi thì mệt vô cùng. Nhưng hồi hoạch định thì lại ham muốn biết nhiều chỗ. Tính đại thể thì 4 thành phố trong hai tuần thì cũng là trung bình, chớ các tour đi 11 nước mà có ba tuần thì hoàn cảnh của họ còn bi đát hơn nhiều. Họ đi như chạy giặc, mất hẳn ý nghĩa của sự đi du lịch. Mà đi nhanh như vậy thì làm sao thẩm thấu được cái hay cái đẹp của nơi mình viếng. Cứ phải là nuốt trộng mà thôi, khác nào như Trư Bát Giái thưởng thức nhân sâm! Nhưng nếu cắt thì tôi cắt thành phố nào bây giờ. Milan tôi chưa đi bao giờ, lại muốn ngắm cái hồ Como nổi tiếng, từng có mặt trong nhiều bộ phim. So qua kè lại, tôi nghĩ đối đế phải loại một thành phố trong ba cái vừa đi thì tôi có thể hy sinh Florence.
Khi tới Milan thì chúng tôi lại lúng túng vì người phụ trách đường sá lại không chịu in bản đồ địa điểm khách sạn từ computer ở nhà, cứ trông cậy vào cái smartphone với nhiều công dụng trong đó, nhưng khổ thay là nó lại không bắt được sóng, thành ra không biết đường nào mà đi. Thành phố lớn, ga chánh mà lại không giúp gì được cho du khách, phải đi kiếm một tiệm sách để mua bản đồ Milan, trong khi chúng tôi biết là nó chỉ cách ga có vài trăm thước đi bộ. Tôi nghĩ mình sao mà dễ tin người quá, nếu chịu khó chính mình in ở nhà bản đồ google từ ga tới khách sạn thì đâu có mất công như thế. Mất tới vài tiếng đồng hồ để về tới khách sạn trong khi nếu rành đường thì chỉ có 15 phút mà thôi, thật là uổng phí thời gian.
Khách sạn Garda là nơi chúng tôi cư ngụ trong thời gian ở Milan. Thành phố này hay bị bỏ rớt trong nhiều tour đi Ý, vì nó tân tiến quá chăng? Tài liệu cho biết là xưa Florence là trung tâm thời trang của Ý, nhưng nay Milan đã dành địa vị này. Thậm chí Milan có thể dành lấy luôn danh hiệu thủ đô thời trang của Âu châu, qua mặt cả Paris (nói gì tới Luân Đôn). Nhưng du khách từ Mỹ họ thích Ý vì lịch sử lâu đời của nó, chớ còn thời trang thì cũng chỉ hấp dẫn một lượng nhỏ người. Dân Mỹ chuộng thời trang thì họ đi New York, Los Angeles sắm đồ, chớ không lẽ chạy tuốt qua Milan? Hiện nay nhóm nào thống lãnh thời trang của thế giới? Tôi đoán là đám tài tử Hollywood vì lợi thế phim ảnh thống trị toàn cầu.
Nhưng người ta tới Milan vì nơi đây còn là căn cứ để từ đó đi thăm các thị trấn nhỏ ven hồ, nổi danh nhất là Como. Các nhà giàu có mốt là sắm nhà nghỉ dưỡng ở vùng hồ này, như George Clooney, hoặc ông Gore Vidal cũng có một cái ở đâu đó. Tôi nghe người ta ca tụng cái hồ này nhiều lắm, nhìn hình ảnh cũng thấy nó đẹp quá xá.
Cái đinh trong chuyến đi Milan này của chúng tôi là đi coi bức hoạ Buổi Tiệc Ly của danh họa Leonarde de Vinci. Từ khi có cái phim do Tom Hank đóng dựa vào sách của Dan Brown mà các điạ điểm nói trong sách bỗng nổi như cồn. Du khách rần rần rộ rộ đi coi bức họa này, đông tới mức muốn coi phải đặt trước rất lâu. Như chúng tôi phải đi qua đại lý, với một số tiền hoa hồng không nhỏ. Dường như cũng có nhiều mánh lới để du khách không mua vé trước được cũng có thể vào coi, như đi theo tour chẳng hạn; còn nếu hy vọng là tới cửa tu viện mới kiếm vé thì vô phương. Nghĩ cũng ngộ! Bức ảnh đó được chụp lại tràn lan khắp nơi, vậy mà sao thiên hạ cứ phải tìm coi cho bằng được.
Nhưng tới chiều thì mới tới giờ, nên chúng tôi đi vòng vòng dạo phố một chút. Milan nhìn tổng quát thì tân tiến, sạch sẽ, mọi người nói chung ăn mặc lịch sự, nhã nhặn, thật là một nơi ở văn minh, xứng đáng là thành phố thời trang hạng nhất của Ý. Thành phố có nhiều công trình hiện đại nhưng nhiều toà nhà cũ kỹ vẫn còn, các toà nhà cùng độ cao như nhau, giống như ở Paris vậy.
Rồi thì cũng tới giờ vào xem, mỗi nhóm nhỏ vào xem trong 15 phút. Việc xem rất cầu kỳ: nhóm phải vào một phòng lạnh, đóng cửa lại, cho hả cái hơi nóng bớt đi, rồi mới được vào nhà nguyện, nơi có bức hoạ. Chớ nếu mà ai nấy tha hồ tuồng luông vào đi rầm rập coi thì bức hoạ chắc bay màu lẹ. Bức họa ngày càng phai nhạt màu, nếu ai muốn coi thì nên đi liền!
Ra khỏi nhà nguyện, trên tường có treo hình bức hoạ thu nhỏ lại, ai muốn chụp thì cứ chụp, chớ vào nhà nguyện thì nhất định không cho móc cái máy chụp hình ra rồi!
Cảm giác của tôi sau khi coi là "đáng đồng tiền bát gạo", khác với trước đó tôi thấy quá đáng. Lý do là sự trịnh trọng của việc tổ chức coi đã nâng giá trị của việc thưởng ngoạn này.
Buổi Tiệc Ly
Bên trong toà nhà này là nơi có bức họa