http://phattuvietnam.net/4/23/10751.html
Melvin McLeod: Tôi nghĩ là ai ai trong chúng ta cũng từng có thương một người trong cuộc đời và ta sẽ sẵn sàng gánh chịu hết những khổ đau của người kia và sẵn sàng trao tặng cho người đó những hạnh phúc ta có. Nhưng làm sao để trải rộng tình thương đó ra cho mọi người? Làm như thế thì cuối cùng mới chuyển được thế giới? Làm sao nhân lớn lên và làm lan rộng ra cái tình thương mà mỗi người trong ta đều có?
Thiền Sư Làng Mai: Khi ta mới lọt khỏi lòng mẹ, vừa tách rời cung điện ấm áp (tử cung) của mẹ, ta bắt đầu sợ hãi, cái sợ đầu tiên đó nó thật lớn và thật sâu bởi vì ta có thể chết trong giây phút trọng đại, nguy ngập ấy.
Rồi người ta lại cắt mình ra khỏi cái cuống rốn đã nuôi nấng mình khá lâu trong bụng mẹ. Giờ đây thì mình phải tự thở lấy. Phổi của mình khi ở trong bụng mẹ thì có nước, nhưng trong giây phút trọng đại này, ta phải đẩy chất nước ấy ra khỏi phổi để tự hít vào hơi thở đầu tiên, nếu làm không được thì mình sẽ chết.
Thành ra, kinh nghiệm đầu tiên của ta về cái sợ là lúc đó và cái ước muốn ban đầu muốn được sống sót nó cũng được sinh ra lúc ấy. Cái ước muốn đầu tiên được sống còn cũng được phát sinh từ lúc ấy. Kinh nghiệm sợ hãi ban đầu được phát sinh từ lúc ấy.
Là một em bé mới sinh, mình thấy mình thật bất lực. Mình sẽ không sống sót nổi nếu không có ai đến chăm sóc mình. Khi mình nghe bước chân của ai đó đến gần để chăm sóc mình thì mình hạnh phúc.
Cả ngày mình chỉ chờ đợi tiếng chân đến gần mình bởi vì mình biết sau khi tiếng chân đến gần là có sữa, có sự ấm áp, có mọi thứ… Đó là cái sợ ban đầu và cái thèm khát ban đầu được phát sinh.
Rồi khi mình lớn lên, cái thèm khát có một người yêu cũng là sự tiếp nối từ cái thèm khát ban đầu đó. Mình thấy cần có một người để chăm sóc mình, nếu phải sống một mình thì thiếu thiếu cái gì đó và mình thấy hơi bất lực, mong manh. Mình không tự thấy yên tâm nếu chỉ sống một mình.
Vì vậy cứ tìm cách có một người yêu cùng sống bên nhau, đó cũng chứng tỏ là cái thèm khát ban đầu (khi mới sơ sinh) vẫn còn đó, rằng mình không cảm thấy an tâm nếu không có ai bên cạnh.
Thế nên người yêu, người bạn hôn phối cũng là một loại tiếp nối sự thỏa mãn cái thèm khát ban đầu, cái nhu yếu có mẹ có bố kề bên. Ta thấy có sự an ổn ngay khi có mẹ một bên, có bố kề bên. Thật ra không phải sự có mặt thật sự của bố, của mẹ mới làm cho mình an tâm. Thật ra chính cái ý niệm là “mẹ đang ở đây mà” hay là “bố đang ở đây mà” đã khiến cho mình có cảm giác an ổn rồi. Nhưng sau một thời gian thì mình thấy người ở kề bên mình ấy làm phiền mình quá và mình muốn ly dị.
Thế nên thật ra không phải vì sự hiện diện của anh chàng hay cô nàng ấy cho mình có cảm tưởng thoải mái mà chính là cái ý niệm trong đầu mình và cái thèm khát ban đầu khi còn bé thơ nó đã sai khiến.
Tình yêu, trong đạo Bụt lúc nào cũng bắt đầu bởi chính mình trước khi có sự xuất hiện của những người khác trong cuộc đời mình. Tình thương theo Bụt dạy là khi mình trở về “nhà” (thân và tâm) của chính mình.
Mình nhận diện được nỗi khổ trong tâm mình, cái sợ ban đầu, cái thèm khát ban đầu... Sự hiểu biết sâu sắc nỗi khổ của mình khiến mình nhẹ ra và biết thương mình nhiều hơn, bởi vì mình quyết định đạt tới trọn vẹn tiềm năng của mình. Và vì thế mình không cần phải có một người nào khác để mà bắt đầu thương. Ta nên bắt đầu bằng chính ta.
Tình thương chân thật không phải là phải chọn một người. Khi tình thương có mặt, mình tỏa rạng ra như một ngọn đèn. Đèn không chỉ chiếu lên trên một vài người trong phòng này, đèn sáng lên thì tất cả mọi sự vật xung quanh đều được hưởng. Cũng thế, nếu thật tình ta có tình thương trong ta thì mọi người quanh ta đều thừa hưởng - chẳng những con người được hưởng mà ngay cả cầm thú, cỏ cây và đất đá cũng được ân chiêm. Tình thương chân thật là như vậy. Tình thương chân thật là xả, là bao trùm tất cả.
Thành ra, muốn trải tình thương ra thật rộng, thật xa thì ta nên tập thấy thương, và tinh tấn tu tập để hoàn tất sự trọn vẹn, viên thông nơi chính mình.