Vương cung thánh đường Thánh MarkĐây là công trình kiến trúc nên thăm khi tới Venice, nơi có thánh tích của thánh Mark, một trong 72 tông đồ của Chúa, vị xây dựng nên nền tảng Thiên chúa giáo tại Alexandria, Phi châu. Thánh đường chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Byzantine. Khi tôi viếng thăm thì thánh đường đang được dựng giàn, che bạt để sửa chữa một phần nên không thấy hết được toàn thể công trình đặc sắc này. Đây là tình trạng thỉnh thoảng du khách gặp phải khi thăm viếng các di tích lịch sử Âu châu nói chung. Đó là lý do mà trong các bài về Rome tôi đã không nhắc tới đài phun nước Trevi vì gặp lúc đài bị trùm kín lại để sửa chữa, thật xui cho tôi.
Tại sao di cốt của thánh Mark lại nằm ở đây? Đó là do hai vị thương gia thành Venice đã sang Alexandria và ăn cắp di hài thánh vào năm 828. Để tránh bị giở ra xét, họ đã để bắp cải và thịt heo lên trên, vì người thành Alexandria vốn theo đạo Hồi và họ rất ghê sợ thịt heo, không muốn đụng tới nên dễ dàng cho thùng hàng đi qua, khỏi phải giở ra xem xét.
Cung thánh, nơi có thánh tích thánh Mark (trong quan tài ở phía trong)
Thành Venice thì có dính líu gì tới thánh Mark? Venice chưa hiện hữu vào thời chúa Jesus, khi thánh tông đồ Mark viết phúc âm về Ngài. Vài thành phố gần đó ít ra còn có dấu vết Thánh Mark, như Rome, nơi truyền thuyết cho rằng Ngài đã viết sách Phúc âm ở đó; rồi Aquileia, đất liền của đầm Venice, nơi thánh Mark được thụ phong chức giáo trưởng; rồi Alexandria, nơi Ngài dựng nên nhà thờ và tuẫn đạo sau đó. Ngay cả thành phố Grado, nơi đặt chức vị giáo trưởng Aquileia được dời vào đó vào thế kỷ thứ sáu cũng có thế giá hơn Venice nhiều. Thật ra thì Venice giật lấy danh dự là nơi lưu giữ thánh tích chỉ là do sự tranh dành quyền lưu giữ này giữa hai thành phố Aquiliea và Grado. Nguyên là khi giáo trưởng Aquileia chạy lánh nạn Langobard ở Grado, sau đó yên ổn trở lại thì Grado lại không giao trả lại các đồ thờ tự và các nghi biểu tượng trưng cho uy quyền. Hai thành phố tiếp tục tranh tụng nhiều thế kỷ sau đó. Đến thế kỷ thứ chín, nhà Frankish cai trị Aquileia trình lên Đức giáo hoàng xin phán định. Hội đồng Mantua năm 827 phục hồi quyền hành cho Aquileia. Venice, vốn nghiêng về phía Grado không vui với phán quyết này đã làm một cú tước đoạt uy quyền này về cho Venice. Cho rằng thánh Mark khi dong thuyền về Alexandria sau khi phong chức cho Hermagoras ở Aquileia, một cơn bão đã đưa thuyền Ngài vào lagoon, ngay tại địa điểm sau này dựng lên Vuơng cung thánh đường, một thiên thần đã báo mộng cho Ngài: Peace to you, Mark, my evangelist" [Pax tipi Marce evangelista meus]. Mặc dù câu này có nghĩa là: Be not afraid of the storm, nhưng người dân Venice muốn hiểu là: Rest here. Và họ có lý do để giữ thánh tích Ngài Mark khi hai thương gia mang về cất giữ ở dinh ông Doge. Con sư tử có cánh, biểu tượng của thánh Mark trên huy hiệu thành Venice có khắc châm ngôn trên.
Vì sao con sư tử có cánh được gắn với thánh Mark? Điều này lấy từ trong kinh thánh, sách Khải huyền chương 4, có bốn con vật là sư tử, con người, con bò tơ và con đại bàng. Các con vật này được tương ứng với 4 vị thánh viết phúc âm là thánh Mark, thánh Matthew là con người, thánh Luke là con bò và thánh John là đại bàng. Cho nên thành phố Venice nơi có thánh bổn mạng là Mark có rất nhiều hình tượng sư tử, và được Garry Wills viết cuốn sách tên là Venice, Lion City.
[Các dữ liệu trên đây tôi đã dựa vào chương 1 của cuốn sách này].