Noel Vùng Ký Ức Không Quên
Đêm ,
- Này , còn 24 giờ nữa là giờ Chúa sinh ra đời đấy chị ,chị hãy đặt niềm tin vào đấng tối cao rồi Ngài sẽ nghe tiếng mình cầu nguyện
- Đêm mai , giờ này là đêm an lành , mọi sự đều im lặng để đón Chúa chào đời , chị hãy nhớ cũng cầu nguyện và hát bài Silent Night , đồng ý thế nhé , như vậy mới thấy không gian tĩnh lặng và tâm hồn mình được thanh thản đúng không ? Cầu nguyện là một phương thức để chúng ta nhìn lại cuộc đời của chúng ta , tâm linh con người sẽ xuất thần để thấy được những gì mình cần phải làm .
Cậu em trai tôi đã nói với tôi những lời nói như thế khi màn đêm đến , nhìn đồng hồ , đã 24h giờ , đêm đã khuya ở VN , bên chỗ tôi mới chỉ có 20h , chúng tôi vẫn theo thói quen gọi là buổi tối , còn người dân ở đây họ vẫn gọi là chiều , bởi 9h sáng mới là giờ làm việc , ăn trưa 1tiếng từ 13h hay từ 14 h đến 15h chiều 20h mới cũng là giờ tan tầm làm việc của nhiều công ty . Tôi cũng chẳng bao giờ quan tâm đến chuyện chiều hay tối ở đây để phân biệt thời gian , cứ khi màn đêm buông thì tôi gọi là tối , nhiều khi mùa đông trời âm u và 4h chiều cũng đã tối , thói quen khó bỏ đôi khi tôi quên vẫn chúc người ta “ chúc ngủ ngon “ vào lúc 6h chiều khi kết thúc một cuộc điện thọai nào đó , làm nhiều người phì cười
Cuộc nói chuyện điện thọai đường dài với cậu em trai mang đến bên nơi tôi sống một không khí “ Sài Gòn “ của thuở nào giữa cái lạnh tuyết rơi trắng xóa và gió ào ạt luồn qua khe cửa sổ , Tháng 12 với tôi là những kỷ niệm là vui , là buồn là những đau đáu mãi không phai nhòa...
Tôi không theo đạo công giáo , nhưng năm nào cũng như năm nào vào những ngày này Mẹ tôi lại trang trí trí nhà cửa và nấu món ăn ngon để đêm về chúng tôi cùng ngồi quây quần lại đón Gíang Sinh … khi lớn chút nữa thì tôi lại xin mẹ đến nhà bạn tôi , tôi thích sống trong không khí ngày lễ truyền thống hơn là ở nhà với mẹ . .Khi em tôi chuẩn bị lấy vợ và theo đạo ,vì cả gia đình người yêu của em tôi là đạo dòng , đạo gốc hơn thế bà con cô gái cũng đã có người làm đến Cha xứ ,sau ba tháng học giáo lý ở nhà thờ nó trở về nhà “ ngoan hơn” ,lễ phép hơn , ăn nói chững chạc hơn , và hở một chút nó luôn mang những câu trong kinh thánh răn dạy ra nói , cả nhà tôi cũng mừng cho nó , cho cái gia đình nhỏ của nó sắp có ,bởi vì em trai tôi vốn dĩ đã rất ương bướng và coi “ trời bằng vung “ ngay từ bé . Mẹ tôi chẳng phải là người nghiêm khắc gì nên hai đứa con của bà mỗi đứa theo đuổi một tâm linh , xong cũng không bao giờ vì thế mà chị em tôi cãi nhau . Từ dạo đó hầu như năm nào cậu em trai tôi cũng nhắc tôi “ Cầu Nguyện “ mỗi khi Noel tới , nó cứ làm như vì tôi theo đạo Phật thì tôi sẽ chẳng biết gì về Chúa nên hở ra là nó nhắc .Tôi nhớ một năm nào đó cũng đã xa , hai vợ chồng nó gần Gíang Sinh bỗng về nhà hối hả rủ tôi đi chơi xa , tôi hỏi
- Đi đâu thế ? Bạc Liêu à ? chị không đi đâu
- Chị đi đi , đi thăm mộ Cha Diệp , xin phép nữa nghe đồn là mối đùn lên linh thiêng lắm chị à ( cô em dâu nói với tôi )
Nhiều khi tôi không biết trong tâm linh của tôi là Đức Chúa hay là Đức Phật ? đang ngự trị , có lẽ Đức tòan năng nào thì cũng như nhau cả thôi vì các Ngài chỉ dạy người ta làm điều tốt chỉ dạy về lòng thương người sống cho phải cho đúng chứ không dạy điều xấu mà , vì lẽ đó và có lẽ bên nào thì bên , người bên Đạo thì không nói nhưng ngay cả những người bên” Đời “ hoặc bất cứ tôn giáo nào thì vào những dịp Noel hàng năm đều mang trong mình một cảm giác gì đó rất vui , rất an lành , rất phấn khởi mừng đón Gíang Sinh không hẳn chỉ vì sau ngày lễ mừng Chúa Hài Đồng sinh ra chẳng mấy chốc mà tới tết dương lịch kết thúc một cũ để đón năm mới.
Sài Gòn những năm tôi còn là sinh viên và còn ở nhà , vào những ngày này rất khóai được nghỉ học , ngồi trong lớp nhưng đứa nào cũng nhấp nhổm chỉ muốn thầy hay cô cho nghỉ học để đi , những ngày thế này bao giờ cũng sẽ có một party nho nhỏ tổ chức ở sân thượng nhà người bạn nào đó , Nhưng trước khi “ tụ tập “ về đó bao giờ chúng tôi cũng bỏ xe ở nhà ai đó gần trung tâm nhất rồi đi bộ ra nhà thờ Đức Bà rất sớm để dành chỗ vào xem lễ . Sài Gòn những ngày ấy bao giờ cũng bị cấm xe vào trung tâm , ngay từ đọan đường ở Tao Đàn cho đến những nẻo đường dẫn ra nhà thờ bốn hướng bao giờ cũng chỉ dành cho ngườI đi bộ , và nếu không ra nhà thờ sớm thì có nước chỉ đứng ngòai mà hầm cầu nguyện khi chuông đổ , chúng tôi rất thích được hòa mình cùng không khí thiêng liêng trang nghiêm nguyện cầu của giờ phút mừng Chúa Hài Đồng sinh ra đời , Em trai tôi nói đúng , giờ phút ấy rất im lặng và rất trang nghiêm , rồi ngay đó chuông giáo đường vang lên từng hồi , tôi vẫn nghĩ vào giờ phút ấy lũ sinh viên chúng tôi theo dự lễ sẽ chẳng có sự phân biệt khác nhau nào khi ngước lên cầu nguyện . và cho dù có cô bạn tôi cả gia đình theo đạo Phật , ăn chay niệm hạt suốt năm tháng khi ấy cũng chẳng biết vì lý do gì cũng làm dấu thánh khi A Men ! sau buổi lễ chúng tôi còn đi dạo đường phố đến khi trở về đầu tóc đứa nào cũng đầy những vụn giấy hoa nhỏ đủ màu sắc mà trong khi đi người ta tung lên , sau đó kéo về nhà bạn bè và cuộc vui ca hát ấy bao giờ cũng đến sáng , sáng 25 có vào trường bằng mắt nhắm mất mở của một đêm thức trắng , để nghe thầy giảng thì “ chữ thầy cũng trả lại cho thầy “ các lớp học chẳng bao giờ đầy đủ . Còn đường phố thì cũng vắng , dạo qua bưu điện thành phố và nhà thờ thì cũng vậy , các lều quán ban đêm đông đúc và đẹp như thế , sáng 25 bao giờ trông cũng rất thảm thương và … rất bẩn , vì những nhân viên vệ sinh chưa kịp dọn dẹp . Tôi không biết ngườI ta nghĩ gì mà khi đến xem lễ trong đợi chờ khỏang khắc ấy bao giờ cũng phải ăn uống …và mọi nơi trong trung tâm cũng như thế cả
Sau này tôi lớn , ra đi làm rồi , mỗi một năm Sài Gòn của những ngày Noel cũng một khác , tôi không còn chen chân được vào nhà thờ Đức Bà nữa , có đến cũng chỉ cùng dòng người đứng trước cửa tới giờ phút ấy cũng cầu nguyện như ai , nhưng nếu không vào nhà thờ lớn được thì tôi lại đi những nhà thờ nhỏ như Vườn Xòai , Kỳ Đồng … ,không khí và lễ hội cũng chẳng thua gì lễ ở nhà thờ lớn trên trung tâm cả , người dân đi đông hơn và mọi thứ được bày bán ra trong những ngày ấy bao giờ cũng mắc hơn chút so với ngày thường , chưa kể đến các hàng quán được mở ra thi nhau mà “ chém. “ khách đi vui hội .
Thời tiết của tháng 12 mùa đông trên xứ người năm nào cũng như năm nào luôn đưa tôi trở về với những năm tháng đã qua , những điều tưởng chừng vĩnh viễn không nên nhớ , không nên nghĩ thì trong cái lạnh buốt giá đến tê dại muời đầu ngón tay nơi đây vẫn dẫn tôi trở lại với Noel của năm nào . Vâng , Noel với tôi không chỉ là những kỷ niệm vui mà còn rất buồn rất đau xót nữa …
Vào năm … dịp lễ Noel tôi không ở Sài Gòn , trốn học với lý do bệnh để theo Má của người bạn lặn lội ra ngòai Bắc thăm ba của nhỏ ấy , chẳng phải vì tôi rành rẽ gì những địa phương xứ Bắc cả mà chỉ vì má của bạn tôi , người phụ nữ đẹp chân chất và sang trọng hiền lành tôi vẫn gọi là dì vì nhỏ tuổi hơn mẹ tôi , dì nói là chưa bao giờ bước chân ra khỏi nhà từ hồi lấy chồng , sau 75 ba của nhỏ bạn tôi “ được mời đi “ học tập rồi chú ấy cũng đi luôn chẳng trở về , gần Noel của năm đó …tự dưng gia đình nhận được giấy thăm nuôi . Cả nhà cuống cuồng lên vì từ ngày ra đi ấy họ không thể , không biết , không tìm ra cách nào hỏi tin tức của chú được … Ông nọ đổ lỗi cho ông kia , chỗ nọ chỉ lên chỗ kia … gõ mãi các cửa dù quen hay lạ thì cũng vẫn chỉ nhận được cái lắc đầu từ những khuôn mặt vô hồn sắt đá . Giấy thăm nuôi ghi tên một địa danh ngòai Bắc đó là Sơn La , cái địa danh tôi chưa từng đặt chân tới , chỉ được học qua sách vở , và cũng chỉ nhớ , miền Bắc những ngày tháng 12 sẽ rất lạnh , còn Sơn La địa danh ấy người ta vẫn bảo “ nước Sơn La ma Vạn Bú “ đó là nơi “ rừng thiêng nước độc “ trong những gì tôi biết hồi đó của tôi chỉ đơn thuần có những điều ấy . Mẹ tôi nói - Con muốn đi mẹ không ngăn cản , . rồi mẹ nhìn tôi và nhỏ bạn bằng ánh mắt thương cảm , mẹ thở dài chép miệng , - mà cũng nên đi , “ dì ấy “ ( tức là mẹ người bạn tôi ) chẳng biết gì về miền Bắc cả , mùa này lạnh lắm , phải mua và mang theo áo ấm , khăn quàng và cả áo đi mưa nữa . Cuối tháng mười hai miền bắc nói chung và riêng Sơn La sẽ buốt giá lắm ,. Quay sang nhỏ bạn mẹ nói :
- Khổ thân cha của con , không biết cha con thế nào , có chắc chịu được cái cái lạnh thấu sương mùa này không ?
Mẹ kéo tôi vào buồng nói nhỏ :
- Mẹ lo lắm , con đi phải cẩn thận , cả hơn năm không nhận tin , bây giờ nhận được tin mẹ nghĩ “ lành ít dữ nhiều đây , con phải cận thận , nếu có chuyện gì phải đánh điện vào ngay và cần gì phải đến nhà ông...ở HN … nhờ giúp đỡ
Tôi nhớ hồi đó khi tôi hỏi bạn
- - Ba của bồ sao chẳng có tin tức gì thế ? đi gì mà lâu thế ?
Mẹ của bạn đã trả lời
- - Trước khi đi chỉ nói là đi một tuần thôi rồi về nhà , chú con đâu có mang theo quần áo gì nhiều
- Tính đến nay ba của nhỏ bạn tôi đã đi gần ba năm rồi . Tôi theo má người bạn lên tàu ra Bắc ( vé tàu mẹ tôi đã cũng phải nhờ người có chút thế lực mua dùm ) tôi đi không phải vì tò mò muốn biết mặt cha của bạn tôi , người mà tôi chỉ được nghe kể lại và xem qua những bức hình ảnh đen trắng cả nhà vẫn còn lưu giữ được trong album , chú có khuôn mặt hiền lành , chất phác và nụ cười rất tươi ,rất đáng nhớ , qua tấm hình tôi chỉ thấy bạn tôi cực kỳ giống ba cô ấy , mỗi khi nhỏ bạn cười dù có đang buồn tới đâu , nụ cười ấy trên khuôn mặt ấy của bạn cũng làm cho người nhìn thấy được một cảm giác an lành . Tôi đi không phải vì tôi “ không biết sợ “ vì biết gia đình tôi thừa khả năng bảo lãnh tôi bất cứ trường hợp nào tôi dính vào . Mà chỉ vì tôi rất yêu qúy cô bạn nhỏ , rất yêu qúy gia đình ấy , tôi rất khâm phục sức chịu đựng của người mẹ cô bạn tôi .Người tôi coi như em gái mẹ tôi , coi như gia đình thứ hai của mình và vì cả những tình cảm mà dì không biệt luôn dành cho tôi khi mới bước chân vào Sài Gòn rồi đến trường đi học và bạn tôi cho dù biết tôi con của cs nòi chăng nữa cô ấy rất tốt với tôi , ngay hôm bạn đưa tôi về nhà , mẹ bạn đã dành cho tôi tấm chân tình mà tôi nghĩ khó , rất khó có thể có ai lúc ấy dành cho tôi được khi chỉ nghe đến hai từ bắc 75 và con ông … . Trước khi đi cô bạn nói “ Mọi chuyện trông cậy vào bồ nhé , trông và lo cho má dùm nha “ Ra đến Hà Nội ,tôi không đưa mẹ của bạn về con phố cũ ngôi nhà cũ nơi gia đình tôi vẫn còn căn hộ ở đấy bỏ trống vì tôi biết khó có ai ra vào khu ấy được nữa nhất là có thêm người lạ đi cùng , sẽ lại phải làm thủ tục , phải xin phép giấy tờ đăng ký chán chê cho tới khi có được mảnh giấy con ra vào thì mới được ở , mà thời gian ở tạm của tôi và dì mẹ bạn tôi cũng chẳng cần phải có chỗ ở như thế , nên rời ga Hàng Cỏ tôi gọi xích lô đưa mẹ bạn tới thuê phòng ở khách sạn Bông Sen , vì tôi nói giọng Hà Nội vì tôi vẫn mang chút gì đó của con người Hà Nội vì tôi đã sống những khỏang thời gian khá dài ở ngòai đó , vì rất nhiều lẽ mà mọi thủ tục đăng ký của tôi và mẹ nhỏ bạn thật đơn giản . Bởi vì lo , nên tôi không dám để mẹ của bạn ở lại khách sạn một mình rồi trở về ngôi nhà xưa , phố xưa tôi đã sống dù con phố đó cách chẳng xa nơi tôi đang tạm trú bao nhiêu , với tôi Hà Nội lúc đó vừa thân thương vừa lạ lẫm khi đêm về tôi ra ban công phía trước ngắm nhìn đường phố , cũng vẫn còn những quán nhỏ bên lề phố của những bà hàng nước chung với vài ba lọ nhỏ đựng kẹo , vẫn cũng những ấm nước hãm trè được ủ kín ,những cái cốc nhỏ trông bẩn thỉu qua cả trăm lượt người uống không được rửa ráy úp trên cái khay cũng cáu bẩn loang lổ màu vàng cặn chè mà khi người khách trước mua uống xong úp lại để bán tiếp cho người đến sau , vẫn với ngọn đèn dầu vài ba cái ghế con bên cạnh bàn dựng chiếc điếu cày , vẫn những hàng cây bàng của mùa đông rụng trơ lá , vẫn dòng người đạp xe đạp chạy ngang , vẫn cũng vẫn kiểu mua bán ăn uống theo dịch vụ với những bát phở hiếm hoi thịt , hiếm hoi hành mùi và nước chỉ những nước mà xưa xửa xưa tôi vẫn nghe gọi đó là “ phở không người lái “ khi muốn mua ăn phải xếp hàng nhận phiếu và tự phục vụ , ngay trong nơi tôi ở gọi là khách sạn cũng vẫn kiểu phục vụ hống hách quát nạt những vị “ thượng đế “ mất tiền để mua chỗ ở mua sự phục vụ bằng giọng lanh lảnh .. Hà Nội không có gì thay đổi sau ba năm tôi quay lại… . Nhưng những gì đáng yêu của HN của tuổi thơ tôi trong mùa đông năm ấy cũng đã không còn đọng lại , cái gì đó chua chát dấy lên trong tâm hồn thiếu nữ của tôi .Bên trong phòng , người mẹ bạn cũng không ngủ ,bằng linh cảm hay bằng điều gì đó của tâm linh là lành hay dữ trong chuyến đi tôi không biết nhưng dì cứ khóc mãi rồi thở dài , từ lúc đặt chân xuống ga Hàng Cỏ và đi về đây thuê chỗ ở dì ấy dường như phó mặc cho tôi mọi chuyện giao dịch , dì nói “ người Hà Nội nói nhanh quá giọng cứ cao vút lên và dì chẳng hiểu được họ nói gì hết . Hai ngày sau chờ chực xếp hàng chen lấn và “ cậy “ cả một lọai giấy giới thiệu trong ngành mà trước khi đi mẹ tôi đưa cho nói “ phòng khi khó khăn nhớ đưa giấy này ra , “ Mẹ tôi bằng cách nào có được tờ giấy giới thiệu của ngành đường sắt thì tôi không biết , có lẽ vì bà làm bác sĩ trong bệnh viện bảo vệ sức khỏe của thành ủy Sài Gòn , nên bà đã nhờ bệnh nhân nào đó xin cho , khi mua được vé tàu tôi và mẹ bạn ra lại ga Hàng Cỏ lên tàu đi Sơn La chuyến đi và những điều tôi trông thấy nghe được , chứng kiến tận mắt …. Cho đến ngay bây giờ ngồi nhớ lại tôi cũng vẫn không thể nào quên đi dù một chi tiết nhỏ . Chỉ biết rằng cho dù tôi lúc ấy có “ rất đanh đá “ rất “ dữ dằn “ và cũng “ cậy cả gia đình cùng những cái tên mà nhắc đến không phải là không ai không biết những cái tên nghe rất quen thuộc ra …“ cũng không thể làm xúc động được những người được gọi là giám thị hay quản giáo của trại …Trại học tập lúc ấy có lẽ được Bộ Quốc Phòng quản lý , vì lên đến nơi chỉ thấy tòan bộ đội canh giữ những lán trại chăng đầy giây thép gai , tôi không tin vào mắt mình , không tin rằng đến bây giờ vẫn còn những nơi giam giữ như thế dành cho việc được gọi là “ học tập “ Người trực ban chúng tôi gặp gỡ hôm ấy thì nói ngọng líu ngọng lô , chữ N thành L và hở chút anh ta mang đảng mang nhà nước , nhân dân chen vào câu nói , có lẽ anh ta quen kiểu nói ấy , quen dọa dẫm những người chân ướt chân ráo từ Nam ra Bắc thăm người thân chăng ? vốn dĩ tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng nghe giọng nói tôi cũng khó chịu và nói như chúng tôi thường nói mỗi khi khó chịu hay ghét ai đó tức là không thể “ ngửi “ được . Đưa giấy tờ cho anh lính cầm súng gác ngòai cổng , xem xong anh ta chỉ tay về phía ngôi nhà trông bên ngòai khá tươm tất nói – Vào chỗ đó gặp chỉ huy trực ban “ . Vào trong căn nhà người lính gác chỉ tôi thấy người sĩ quan trực ban gác hai chân lên bàn đọc báo tuy anh ta mặc quân phục đeo quân hàm tử tế . Thấy chúng tôi anh ta vẫn tư thế ấy ngồi im , tôi lên tiếng “ – chào anh cho em hỏi “ anh ta mới buông tờ báo quân đội nhân dân xuống , vẫn tư thế ngồi gác chân soi ánh mắt chẳng thân thiện gì anh ta hỏi : “ – Có chuyện gì ? ở đâu chui ra thế ? – Dạ gia đình em ra thăm nuôi người nhà theo giấy báo “ tôi trả lời rồi đưa tờ giấy phép cho anh ta , khi ấy anh ta mới bỏ chân xuống bàn ngồi thẳng lại coi , ngước mắt lên anh ta hỏi
- Cô nà bà con thế nào với cái ông NQT lày ? bà kia , bà tên gì ? bà nà cái gì của ông NQT ?
Mẹ bạn tôi cuống quýt ,đứng im , có lẽ dì ấy không và chưa bao giờ nghe giọng quát nạt bao giờ , tôi nhìn anh ta bằng ánh mắt căm ghét nhưng kiêu ngạo hai tay đút vào túi áo tôi trả lời
– Hỏi tôi à ? thì tôi là cháu ông ấy . đây là cô của tôi tên cô là TNHV . là vợ của ông NQT
- Cháu à ? giấy tờ đâu ? hộ khẩu đâu ? cái gì chứng minh cô nà cháu ông NQT ? cha cô họ tên gì ? làm ở đâu ? Tôi bực mình gắt lên – Thì cháu là cháu chứ sao , ông ấy em cha tôi . Còn cha tôi làm gì ở đâu anh biết thì làm gì ? liên quan gì tới việc chúng tôi lên đây theo giấy thăm nuôi ,
- Cô không được gọi tôi là “ anh “ phải lói “ thưa cán bộ “ phải vâng dạ khi nghe tôi lói .Không được lói trống không , phải bỏ cái tay trong túi áo ra đứng nghiêm nên trả nời dành mạch câu hỏi của tôi , không thì đừng hòng được gặp ,
Mẹ bạn tôi khẽ chạm nhẹ vào người tôi như muốn tôi dừng lại . nhưng những đối thọai như lỡ đã buột ra khỏi miệng tôi từ lúc nào
– Tôi là cái gì của anh mà phải thưa “ cán bộ với anh “ anh đang quản lý tôi à ? anh đang giam giữ tôi à ? anh hỏi gì mà nhiều thế ? tôi đang phạm pháp à ?
Có lẽ nghe tôi nói giọng bắc sặc không mang âm hưởng pha trộn chút nào trong câu từ dùng chữ , cộng thêm sự ngang bướng chẳng biết sợ là gì của vốn dĩ những người đã sống ngòai bắc anh ta bỗng chùng giọng hỏi , - thế cô bây giờ đang sống ở đâu ? - tôi nói tên phố , và số nhà ở HN cũ , anh ta tròn mắt ngạc nhiên không đe nẹt tôi và dì câu nào , ngóai đầu ra cửa anh ta gọi thêm hai người nữa bảo
- Các đồng chí đưa hai người lày đi gặp ông NQT …
Sáng 24 Noel năm đó ..và cho đến bây giờ , tôi vẫn không thể nào quên hình ảnh người dì mẹ của bạn tôi mặc bộ bà ba đen khóac cái áo len đen , chiếc khăn quàng cổ đã rơi từ lúc nào , chỗ nào đấy trên con đường đi ra nơi gặp mặt chồng , dì phong phanh trong cái lạnh cắt da thịt của mùa đông xứ bắc , có lẽ cái lạnh , trong cả những hôm gió tuyết lạnh phủ trắng xóa ở xứ người nơi tôi đang sống cũng không thể lạnh bằng ngày mùa đông mưa giá ở Sơn La năm đó , dì nhào xuống phủ phục câm lặng vì không còn sức lực sau chuyến đi dài , vì không thể tin được tờ giấy báo thăm nuôi mang tin dữ đến nhanh như thế , không còn một chút gì dành lại cho dì , mười ngón tay dì tôi rớm máu vì đã cố bới đất lên , nhưng không được , ngòai tấm bia trơ trọi đề với mấy dòng chữ ghi tên người đã mất . Hai anh bộ đội trẻ đưa chúng tôi ra mộ hôm ấy sau khi một anh vừa chỉ tay vừa nói – NQT , ông ta đây này .Anh kia ùa theo – Chúng tôi không biết gì hết , lệnh của cấp trên chỉ đưa các người ra đây thôi , họ nói xong bỏ đi .
Tôi không tin vào tai mình , dù trên đọan đường người ta đưa tôi và dì đi tôi đã nghĩ … Còn dì thì chân nọ cuống chân kia vấp lên ngã xuống mấy lần . ..
Khi trở về để làm thủ tục , hỏi gì người ta không giải thích cho chúng tôi biết cha của bạn tôi mất vì lý do gì , là lạnh , là đói hay là bị hành hạ đến chết ? vẫn người chúng tôi gặp đầu tiên anh ta nói :
- Muốn bốc mộ , muốn mang về nhà thì phải trở về trong ấy xin phường , quận , xin những lọai thủ tục giấy tờ nhì nhằng nào đó … anh ta nói rất nhiều và còn chua thêm câu mà gia đình nhà chị cũng phải là “ công dân gương mẫu “ thì mới được đấy nhớ . Tôi cũng không hiểu anh ta đang nói gì , dì tôi cũng không hiểu điều chi , với dì tất cả cũng đã hết . Di vật của chú ấy , người cha của bạn tôi , người chồng của dì tôi , người mà cả gia đình nhỏ bé ấy luôn hằng mong ngóng trông đợi sau ngày được “ mời đi “ rồi ra đi vĩnh viễn cũng chẳng có gì nhiều nhặn ngòai chiếc đồng hồ đeo tay , đang im lặng trước di vật của người đã khuất tiếng ngọng của người trực ban giám thị vang lên “- cái nhà chị kia , xác nhận rồi ký vào đây , còn lếu không thừa nhận thay mặt “ đảng và nhân dân “ chúng tôi sẽ xung vào công quỹ lúc ấy đừng có mà khiếu lại lữa nhớ “
.
Tôi chết lặng khi nghe giọng nói ấy ,tiếng quát ấy , và dù cho đến bây giờ mỗi khi có ai nói ngọng chữ N thành chữ L trong tôi vẫn dâng lên cái cảm xúc căm hờn của ngày nào , tôi biết , những người gọi là bạn tôi bây giờ cũng chẳng có tội tình gì khi phát âm sai . Nhưng noel năm đó đã để lại trong tôi một dấu ấn khó mà phai nhòa . Vĩnh viễn bạn tôi không còn ba , vĩnh viễn người mẹ bạn không thể nhìn lại được dù là một chút hình ảnh người chồng yêu qúy của mình . Cho đến bây giờ tôi vẫn hối hận , có thể nếu hồi ấy tôi “ khôn “ hơn hay là “ thông minh “ hơn tôi phải lo liệu từ trước ,phải bằng những mối quen biết của cha tôi ngày ấy hỏi thăm lại hết để chuẩn bị tinh thần từ hai ngày nằm chờ tại HN chứ , tôi cũng thừa biết chế độ XHCN cơ mà , tôi sinh ra và lớn lên trong cái xã hội đó làm sao tôi có thể vẫn còn tin vào nó như thế , sự tráo trở và vô lương tâm của những người nắm chút quyền lực nó đã thuộc vào bản chất , đã ngấm sâu và ăn vào máu của họ làm sao có thể tin được .Thế mà tôi đã từng tin !
Nhưng liệu rằng một đứa như tôi có làm được gì trong chuyện này ? sẽ thay đổI được gì ? không ai tự chọn được cho mình cha hay mẹ , cũng không ai chọn cho mình một chế độ , một đất nước để hiện diện trong đó , con người Việt Nam khi mở mắt chào đời , khi sinh ra và lớn lên không ai có thể chọn cho mình nơi sống là miền Bắc hay miền Nam hay miền Trung ở cái mảnh đất hình chữ S nhỏ bé từ thời vua Hùng Vương ấy cũng không thể luôn tự cho rằng tôi sinh ra trong Sài Gòn , tôi sẽ tốt hơn anh sinh ra ở Hà Nội . Tất cả đều là con người , đều là con Rồng cháu Tiên Nhưng vì lý do gì ? vì sao ? ….
Gíang sinh năm nay , giáng sinh thứ … trên xứ người tôi không trở về nhà được nữa , bên ngòai trời vẫn đổ tuyết trắng xóa trên những nẻo đường , bầu trời vẫn cũng xám xịt như mùa đông năm nào … trong tôi không có niềm vui , chỉ mãi là nỗi buồn , là kỷ niệm để quên , để nhớ vẫn lần hồi theo dày xé trái tim , tôi không còn là con bé ngây thơ của ngày nào , những thăng trầm trong cuộc sống nơi tôi lưu lạc đã khiến tôi nhìn lại mọi việc kỹ càng hơn xét nét hơn .Nhưng cũng vị tha hơn . Noel mùa của hạnh phúc , mùa của xum vầy của niềm vui nhưng có những vùng ký ức tôi vẫn không thể nào quên
Cho....Vùng trời ký ức...
Đêm 23/12/2004
Ngọc Dung