Rank: Advanced Member
Groups: Moderator, Editors Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 4,933 Points: 1,248 Location: University Place, Washington State, USA Thanks: 23 times Was thanked: 45 time(s) in 43 post(s)
|
Thứ bảy, ngày 22, tháng chín, năm 2007 Làm việc trong thư viện mà cứ nghĩ 3 giờ chiều nay xe đò Hoàng sẽ đến Nam Cali, các chị ở Nam Cali sẽ thấy được đứa con cưng Hương Đời Kỳ Diệu rồi, sáng rời Bắc Cali, chiều đã có mặt ở Nam Cali, có xe đò Hoàng thật là nhanh chóng, tiện lợi. Tôi nghe nói đi xe đò Hoàng được phục vụ chu đáo lắm, có phim bộ cho coi, có báo Việt cho đọc, có bánh mì ba lẹ cho ăn, lại được dịp trò chuyện với đồng hương của mình, thú quá. Người lớn tuổi có thể lấy xe đò Hoàng đi lên đi xuống bắc nam Cali để thăm con cháu được rồi. Tôi ở xa trên này Seattle, không biết ở San Jose còn có hãng xe đò nào khác không nhưng hiện giờ tôi chỉ nghe tên xe đò Hoàng thôi. Lại cũng nghe “anh Hoàng” dễ thương tử tế lắm, cứ cười cười với ảnh là có khi ảnh chẳng tính tiền gửi kiện hàng! Uy tín lan truyền như thế nên xe đò Hoàng chắc không cần tôi quảng cáo nữa rồi! Gửi vào đây cái hình xe đò Hoàng đã mang năm thùng sách từ San Jose xuống Little Saigon.
Chủ nhật, ngày 23, tháng chín, năm 2007 Chính thức là mùa thu. 13 Âm lịch. Trăng đã gần tròn. Chợt nhớ là Trung Thu, thèm một cái bánh Trung Thu nhân đậu xanh (có trứng nhưng lại lấy trứng ra liệng!), mà bận chưa đi tiệm mua được. Ăn bánh uống trà (mới đúng điệu!), nhưng giờ chỉ được ăn bánh uống nước lọc thôi, cũng hài lòng rồi. Hồi nhỏ, tôi chỉ thích ăn bánh dẻo, sợ bánh nướng thập cẩm, nhất là cái béo của miếng mỡ. Chợt nhớ bánh trái ở nhà quê, hồi còn sống, ngoại tôi hay làm, tôi ghét nhất là ăn bánh in và cái bánh chi đó mà sau khi hấp thì phải nở ra nhiều tai to mới là đẹp là khéo tay. Tôi thích bánh men, thích bánh khoai (khoai lang xắt thành sợi, chiên từng mảng rồi cho ngào đường), thích bánh làm bằng sương sa. Khi nhà có giỗ, có đám cưới thì phải chuẩn bị làm bánh cả tuần trước đó, vì sau bữa tiệc, còn gói cho khách, cho bà con mỗi gia đình một gói bánh mang về, nên phải làm nhiều bánh là vì vậy. Nhiều loại bánh lắm, thấy cô dì, chị em họ li chi làm, cực quá (có lẽ vì tôi thuộc loại lười nên chỉ nghĩ tới thôi mà đã thấy cực, chuyện bánh trái thì tôi vụng về chứ không khéo như em gái tôi). Bánh Trung Thu. Moon cake. Chắc sẽ mang một cái vào thư viện cho bà sếp Alexa ăn thử, như tháng trước bà cũng đã tò mò muốn biết bánh su sê hay bánh phu thê là bánh gì. Vào Internet thấy họ dịch husband-wife cake.
Thứ ba, ngày 25, tháng chín, năm 2007 Val đem cháu ngoại Kayden vào cho tụi tôi coi con bé bây giờ lớn cỡ nào rồi. Lạ quá! Tóc nó không còn nâu nâu đen nữa mà là vàng hoe (blond). Càng ngày nó càng giống mẹ hơn là giống cha, tuy Val cứ cười bảo nó là con bé Philippino, con mắt và cái mũi là Philippino. Thật thì con bé có ¼ máu Phi Luật Tân, vì cha nó là ½ máu Phi –cha Mỹ, mẹ Phi. Thấm thoát mà Val về hưu đã được hơn một năm. Sếp cũ Judy về cũng được bảy năm rồi. Cứ nhớ một ngày mùa đông lạnh lẽo, tôi đang học ở trường thì ba tôi đến kiếm, nói có cú phôn gọi đi phỏng vấn, sau đó vừa làm vừa học, bắt đầu mỗi tháng lương clerk tôi lãnh $540, đem về $415. Thời gian cứ thế trôi, chao ôi thoáng chốc đã gần 30 năm! 30 năm! Dạo này lòng cũng thấy nao nao vui vui khi nghĩ tới quá trình dài đi làm của mình. Sống xứ thanh bình, nếu không có gì bất trắc xảy đến cho tôi thì tôi sẽ hưởng trái từ cây mình trồng. Không như thế hệ cha mẹ, những ai công chức, giáo chức của miền Nam thì bây giờ chẳng được hưởng gì từ những năm đi làm vì chẳng có hưu bổng gì. Tôi thấy mình may mắn!
Thứ tư, ngày 26, tháng chín, năm 2007 Trăng 16, to và tròn. Buổi tối ở thư viện ra về, trời vẫn còn ấm – ban ngày được 64 độ. Sẽ còn được bao nhiêu ngày như thế này? Mấy hôm rày buổi sáng đã thấy khó leo xuống giường –cái dự định dậy sớm một tiếng để viết văn, chắc là không làm nổi. Mà Ng thì cũng chẳng khuyến khích tôi dậy sớm, vì theo Ng, mỗi đêm, tôi ngủ đã không đủ giấc rồi. À, mấy hôm trước có một bài báo nói rằng con người không ngủ đủ giấc thì sẽ giảm tuổi thọ đó. Chị Vũ Thị Thiên Thư có một lần bàn về già trẻ trong PNV, chị nói mình sống tới tuổi này là cũng giỏi rồi, phải không chị LV? Đúng rồi! Có nhiều nhà văn đã chết sớm…như Emily Bronte mất khi chỉ mới 30 tuổi, một năm sau khi Đỉnh Gió Hú (Wuthering Heights) ra đời, cùng năm với Jane Eyre của Charlotte Bronte. Đỉnh Gió Hú. Cốt truyện tưởng như đơn giản nhưng lại chẳng đơn giản chút nào. Hai gia đình sống gần nhau, một ở trên vùng cao –gia đình Earnshaws-một ở thung lũng, là một gia đình thuộc thành phần có học –gia đình Lintons. Ông Earnshaw, một hôm từ Liverpool trở về, đã mang theo cậu bé Heathcliff, phóng đãng bừa bãi, mà sau này ông lại thích thằng bé đó hơn chính hai đứa con của ông: Catherine và Hindley. Một ngày Heathcliff và Catherine rắp tâm theo dõi hai đứa trẻ ở thung lũng là Edgar và Isabella. Catherine bị chó cắn và phải ở lại nhà của gia đình Lintons. Khi trở về nhà, cô đã mang theo về một chân trời rộng lớn là thế giới sách vở, thời trang mà gia đình Lintons đã quen sống. Rồi Heathcliff bỏ nhà ra đi, chỉ vài năm sau trở về đã là một người đàn ông giàu sang – khoẻ mạnh hơn nhưng cũng độc ác, nham hiểm hơn. Hắn ta xía vào cuộc hôn nhân của Catherine và Edgar. Sau khi Catherine qua đời, Heathcliff gài bẫy cho Hindley vào con đường rượu chè cờ bạc, và hắn ta cũng lập mưu trả thù vào gia đình Lintons, cho tới khi hắn ta là người duy nhất của thế hệ trước còn sống sót. Thế hệ sau đều chịu vào quyền lực của hắn ta: Cathy (con gái của Catherine và Linton, xinh đẹp, trìu mến, và gan dạ), Hareton (con trai của Hindley và vợ anh ta, khiếm nhã, dốt nhưng tâm hồn hiền lành tốt đẹp) và Linton (con trai của Heathcliff và Isabella, bệnh hoạn và tiều tụy). Những đứa trẻ này đang ở tuổi vị thành niên và sống với Heathcliff trong tòa nhà trên một cánh đồng hoang. Câu chuyện được kể dưới cái nhìn của hai người. Lockwood, một người khách từ Luân Đôn đến và ở trọ trong nhà này; và Nelly, người quản gia và là người bạn của thế hệ trước.
Thứ năm, ngày 27, tháng chín, năm 2007 State auditor đến khám sổ sách năm nay là một cô bé Việt. Tôi thấy cô mang họ Nguyễn nên biết cô là người Việt. Cô nhìn họ của tôi hẳn cũng biết tôi là người Việt. Nhưng cô với tôi lại dùng English để trao đổi với nhau –tôi vừa làm vừa giải thích; còn cô, thỉnh thoảng có điều chi thắc mắc thì hỏi. Giữa những người Mỹ, nên chúng tôi phải nói tiếng Mỹ, mới là professional. Tôi qua thư viện, lúc về lại cao ốc của sở làm thì thấy cô vừa bước ra cửa. Tôi chào cô và hỏi bằng tiếng Mỹ là có đọc chữ Việt được không? Cô nói, được. Thế là tôi chộp ngay! Kêu cô đợi đó, để tôi lên lầu lấy cuốn Hương Đời Kỳ Diệu đem xuống tặng cho cô. -Cô viết hả? (Cô kêu tôi bằng cô -những câu nói kế tiếp, cô xưng con.) -Ừ! Cô và các bạn của cô. Da mặt không son phấn, trông cô còn trẻ lắm, hỏi cô ra trường nào, UW hả, thì cô nói trường ở Portland, tiểu bang Oregon, hỏi cô qua Mỹ được bao nhiêu năm rồi thì cô nói 11 năm (qua trễ cỡ vậy, phải là HO cuối mùa rồi). -Con H.O. hả? Cô trả lời dạ phải. -Sao lại lên đây làm, xa vậy? -Tiểu bang này offered job, con nhận. -Ở một mình, đi làm? -Dạ. Thỉnh thoảng cuối tuần con về nhà. -Lái xe cũng xa? -Gần hai tiếng. Sau này tôi nghe Kim (cashier) bảo với mọi người là cô state auditor này dễ thương. Tôi cười thầm nghĩ bụng, tôi còn có một bí mật mà tôi sẽ không nói ra đâu: giữa state auditor và tôi đã có sự cảm thông, sự làm việc giữa hai bên rồi đây sẽ thoải mái, chứ không có sự căng thẳng lo lắng như với những state auditors khác hay những auditors khác bên ngoài đâu.
|