Rank: Advanced Member
Groups: Moderator, Editors Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 4,933 Points: 1,248 Location: University Place, Washington State, USA Thanks: 23 times Was thanked: 45 time(s) in 43 post(s)
|
Thứ tư, ngày 15, tháng tám, năm 2007
Tita là người Mỹ gốc Phi Luật Tân. Cô ta có hai giốp - một giốp ở thư viện và một giốp ở nhà thương. Ở nhà thương, cô là y tá. Tối nay, cô kể cho tôi nghe là có một bà cụ 99 tuổi mà còn tự lái xe tới nhà thương để khám bệnh. Kể xong, cô cười: “Bà cụ điếc, sao mà dám lái xe vậy, không biết nữa!” “Bà nội Mỹ của tui cũng 99 tuổi, cũng tự lái xe, không lẽ là cụ? Nhưng cụ còn nghe rõ lắm, không có điếc.” Hôm nọ, ba má tôi có đến thăm cụ. Cụ vẫn tỉnh táo nhưng trông già lắm rồi. Cụ khoe vẫn làm việc nhà để tập thể dục. Nhưng tôi nghĩ cảnh sống một mình của cụ buồn quá, sao không vào Nursing Home ở, cho đỡ buồn, lại có người chăm sóc. Cụ có 6 đứa cháu ngoại –con của một người con gái duy nhất của cụ, người con này đã mất vì mắc bệnh ung thư, chắc cũng khoảng mười năm rồi. Nhưng chỉ có cô cháu Holly là ở gần, tuy nói là gần, làm cho Boeing, mà cũng trên Everett, lái xe mất hơn tiếng đồng hồ. Holly về thăm cụ mỗi tuần, đó là khi cô không đi công tác, thường thì cô đi ra nước ngoài, có khi xa nhà cả tháng. Năm ngoái, cụ kể, cũng vì đi hoài như vậy mà cuộc hôn nhân lần thứ hai của Holly lại hỏng nữa. Lấy vợ, lấy chồng, đẻ con, ly dị, lại lấy vợ, lấy chồng…Chị em bọn tôi không thể nào nghe kịp hết chuyện của đám cháu ấy. Đám cưới của cậu em út vào cuối tháng này, Ng và tôi có bổn phận đưa đón cụ đến dự tiệc đám cưới. Đưa đón cũng như năm ngoái – khi cậu em nha sĩ lấy vợ. Tôi lại có dịp nhìn thấy cụ. Cụ và tôi có cùng sinh nhật tháng năm. Ở thư viện 9 giờ ra về, trời đã tối. Từ giờ trở đi, trời chiều mỗi ngày mỗi mau tối. Sợ loay hoay chưa đi đâu thì đã hết mùa hè. Mấy cây ớt ra bông muộn, chỉ mới bông, chưa đậu trái, so với mọi năm thì khoảng này trái đã đầy cây rồi. Ớt năm ngoái làm chua, ăn vừa hết. Ớt chỉ thiên, cay ơi là cay. Vậy là ớt năm nay không ra kịp cho mình ăn rồi. À, những rau cỏ khác thì đang lên ngon lành. Kinh giới lên um tùm mướt mượt. Đậu tự trồng ở nhà, đang ăn lai rai. Hái một bụm, cho vào microwave, rồi ăn không như vậy. Ăn lắt nhắt cho vui miệng khi ngồi…nét - dạo Phụ Nữ Việt hay coi phim bộ tình cảm Đại Hàn (thiên hạ bây giờ kêu là phim Hàn Quốc). Mèn! Dạo này phim Đại Hàn ra nhiều quá! Thấy ở thư viện có hai bộ mới mà lại có người mượn trước, nên tôi bỏ tên trong danh sách chờ mượn. Buổi tối sau khi ở thư viện về, để giải trí đôi chút cho thanh thản tâm hồn, tôi cho phép mình được coi một hồi (episode) – mà thường tôi cũng bận quá, đâu có coi.
Thứ năm, ngày 16, tháng tám, năm 2007 Hôm qua, ở thư viện, lúc chuẩn bị ra về thì tôi không tìm ra cặp mắt kiếng (cận). Lục tung cái mail-box: không thấy. Đổ hết đồ đạc trong cái xách tay ra: cũng không thấy. Tôi không nghĩ là tôi bỏ cái cặp mắt kiếng trong xách tay, vì thường là tôi không làm vậy, nhưng biết đâu trong lúc tháo gỡ cái thẻ ID bên giốp chính, bỏ vào xách tay, khi bước vào thư viện thì tôi không ý thức cũng đã gỡ bỏ cặp kiếng vào đó luôn? Thấy tôi lục kiếm thì bà sếp Alexa cũng phụ soát lại cái mail-box dùm tôi. Sếp Tami thì lộ vẻ lo ngại hỏi tôi làm sao you lái xe về nhà? Tôi bảo hy vọng tôi vẫn lái xe về được –tôi không quan tâm lắm chuyện này vì nhà gần, 5 hay 6 phút lái xe, lối đi quen thuộc, nên sẽ mò về được. Nhưng tôi quan tâm là nếu quả thật tôi mất cặp mắt kiếng này thì làm sao tôi lái xe đi làm xa –có vài ngày tôi lái xe đến thẳng sở chứ không đi xe buýt –vì đây là cặp kiếng duy nhất, 10 năm qua, tôi đi gặp bác sĩ khám mắt chỉ có… một lần, và chỉ để thay cái gọng kiếng mới thôi, còn độ mắt thì không thay đổi, cô bác sĩ bảo vậy. Bây giờ có đi hẹn làm cặp kiếng khác thì cũng phải đợi ít nhất là 10 hay hai tuần, đâu phải muốn là có ngay. Nếu làm rớt trước thư viện khi loay hoay tháo cái thẻ ID vào cửa của bên giốp chính và mang cái thẻ ID của thư viện vào, thì cũng có người lượm được và đưa cho mình. Chứ ai lấy làm gì, vì kính cận, có lấy thì chắc gì đeo được. Còn lấy cái gọng ư? Bao nhiêu năm, cũng cũ rồi, ai mà thèm? Tôi còn nhớ cái động tác vào buổi sáng là bỏ cặp mắt kiếng xuống, ở vị trí trước cái computer, dù rằng mỗi sáng đến sở tôi đều làm động tác đó, tôi chỉ lấy đeo trở lại khi ra về, nhưng quả thật là tôi nhớ rõ rệt cái động tác đó vào sáng này. Mà tôi đi thẳng về thư viện, chứ không có đi đâu khác, cũng không ghé nhà. Chẳng lẽ tôi lái xe 35 dặm, 50 phút mà chẳng mang mắt kiếng? Không có mắt kiếng sao tôi không nhận ra sự khác biệt nào hết vậy? Có một lần tôi cũng bỏ quên cặp kiếng cận ở sở, lái được hai lốc đường thì tôi đã nhớ mà quay lại lấy. Phân tích đủ thứ, chỉ đưa đến kết luận (và tôi mong là nó đúng vì như thế thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn. Tôi cũng đã nhủ thầm là sẽ đi khám mắt lại và lần này sẽ giữ một cặp làm sơ cua) là tôi đã quên mang cặp mắt kiếng khi ra về! Sáng nay, ngồi trên xe buýt, tôi hồi hộp mong cho mau tới sở để dòm ngay ở vị trí cạnh computer xem cái cặp mắt kiếng có nằm ở đó không. Quả y rằng, nó vẫn còn “ngoan ngoãn” nằm yên ở đó! Nói về cặp mắt của tôi, tôi vẫn đọc sách được mà chưa cần cặp kiếng…lão! Sáu người thợ mỏ than bị kẹt trong hầm hơn một tuần rồi, chưa biết sống chết ra sao thì hôm nay cái nhóm người đi cứu lại có ba người bị chết và sáu người khác bị thương vì một tai nạn khác xảy ra trong hầm. Thời buổi này không ngờ người ta vẫn còn khai thác mỏ than khổ cực và nguy hiểm như thế. Rồi khi nghe mỏ than sập, làm người chết, mình mới hay, thì ra vẫn còn lối lấy than kiểu này. Thông thường không ai nghĩ người đi cứu lại bị chết. Nhưng vẫn lắm xui xẻo bất ngờ. Như đám người chữa lửa của vụ 9-11 năm nào làm sập hai tòa nhà. Vừa được TV quay hình, một vài tiếng sau là bỏ xác trong đống gạch vụn! Cái đó mới đau! Tôi vẫn không có can đảm coi lại những đoạn phim tài liệu về vụ 9-11.
Thứ hai, ngày 20, tháng tám, năm 2007 Trời lúc mưa lúc tạnh hai ngày qua – xem chừng Tây Bắc năm nay chẳng có mùa hè? Tháng tám là một trong hai tháng nóng nhất nhưng vẫn chưa thấy nóng lắm. Không phải than thở, chỉ thắc mắc vậy thôi. So với những tiểu bang khác nóng cả 100 độ và còn bị cháy rừng thì WA khoảng 75 độ là lý tưởng quá rồi. Hoa hồng rụng nhiều quá, tôi đoán không phải vì gió mà vì mưa nặng hạt, những hạt nước này đọng trên cánh hoa, đọng nhiều nặng làm hoa trĩu oằn xuống, gãy cả cuống. Thấy chị HKKM dạy cách lấy hoa hồng đem nấu trong nước làm nước tắm cho thơm người, có mấy thành viên PNV khoe đã làm được, làm tôi cũng ham, nhưng chắc bận như ri thì chỉ ham thôi chứ không làm nổi. Nói chuyện “ham” thì thứ gì tôi lại chẳng ham! Như ngày nào cũng ham khiêng bao nhiêu sách báo, phim ảnh về nhà mà đâu có thì giờ rờ tới. Rồi bao nhiêu websites nữa! Rồi blogs! Thời buổi này ai cũng có trang nhà. Đọc những tác giả Mỹ cũng vậy, hầu như ai cũng có trang nhà. Mở một trang nhà không dễ gì có nhiều người vào đọc. Mà trang nhà thì chỉ có bài vở của một người, cũng là một văn phong của người đó, đọc mau nhàm chán lắm. Phải có nhiều thể loại, nhiều tác giả, nhiều văn phong, như một bữa ăn thì phải có nhiều món ăn, không thích ăn món này thì ăn món kia; qua văn chương cũng vậy, không thích đọc tác giả này thì đọc tác giả kia. Bây giờ, tôi coi cái web của tôi như chỉ là một cái kho chứa tác phẩm của tôi. Để những fans của tôi vào đọc hay mấy ông chủ bút thiếu bài vào khiêng đem về dán báo của họ! Phải làm sao để khách vào đọc rồi còn trở lại đọc tiếp thì mới hay. Phải có bài mới mỗi ngày. Phải có những đề tài hấp dẫn, lôi cuốn. Hay xì căng đan? Mèn! Đời sống tôi êm ả quá nên chỉ lải nhải kiểu Một Góc Trời này được thôi! Dù sao thì tôi cũng không bỏ những trang tùy bút/nhật ký này, mục đích viết là để về già có gì mà đọc, sẽ thú vị lắm đó, tôi vẫn hay nói với đồng nghiệp và bạn bè như vậy.
Thứ ba, ngày 21, tháng tám, năm 2007 Nói chuyện viết lách, có lần tôi nói với chị Lê Thị Nhị sao hồi nhỏ em ái mộ nhà văn nhà thơ đến thế mà bây giờ em viết cũng hơn trăm truyện, bài vở đăng liên tục trong Kỷ Nguyên Mới từ ngày nó ra đời đến giờ là gần bảy năm rồi, chẳng thấy ai cho biết là ái mộ em, chẳng biết có ai đọc truyện của em viết không, em cũng không cảm thấy mình nhà văn là cái gì ghê gớm lắm, mà chính em cũng chẳng ái mộ ai. Chị LTN cười: “Ngay cả mấy cô ca sĩ nổi tiếng cũng vậy, họ ngồi ăn phở trong tiệm, thấy họ cũng như mọi người, có ai săn đón gì đâu!” “Chị biết không? Em nghe kể hồi xưa Nguyễn Tuân vào Huế chơi, ghé ăn phở ở một tiệm phở mà chủ tiệm phở sau biết đây là nhà văn Nguyễn Tuân, đã đãi ông bữa phở, còn kêu vợ và con cái ăn mặc đẹp đẽ để chụp hình chung với Nguyễn Tuân (chuyện này do chị Phượng Các kể trong diễn đàn Phụ Nữ Việt), như là điều hãnh diện được chụp chung với nhà văn Nguyễn Tuân." Lần đó cả hai chị em đều đồng ý thời này đời viết lách bạc bẽo lắm. Đã không tiền lại cũng chẳng có danh. Lo chuyện mắm muối tiêu đường cho tờ báo còn khổ hơn nữa, tháng nào cũng phải gọi phôn bạn bè văn thi sĩ xin bài – lên nét lấy xuống thì nói làm gì. Đọc báo Mỹ bữa nay thấy nói trong 4 người thì chỉ có 1 người đọc sách! Mà một người đó lại là người đã về hưu. Có một bà khoe năm ngoái bà đã đọc được 70 cuốn, và lộn truyện này qua truyện khác!
Thứ sáu, ngày 24, tháng tám, năm 2007 Grandma Connie 99 tuổi (và ba tháng) gọi điện thoại cho biết bà sẽ không đi dự đám cưới được nên ngày mai Ng và tôi đừng có tới đón. Chắc là cụ không ngồi lâu được, 99 tuổi rồi mà. Tỉnh táo thì vẫn tỉnh táo nhưng ai biết được cụ sẽ ra đi lúc nào. Hôm nay, Ng và tôi nghĩ tới cảnh cụ sống một mình mà nói với nhau sống như vậy chắc là buồn lắm, không biết cô cháu có về thăm thường xuyên hay không?
|