Biết TC sắp...càm ràm, nên chị lại dán tiếp.
Thứ năm, ngày năm, tháng bảy, năm 2007
Đang làm việc thì được bà sếp Alexa vừa coi Internet xong cho biết hôm nay Las Vegas nóng 116 độ, phá kỷ lục.
Mèn! Nóng dữ vậy sao! Tôi có ba đứa em đang đi chơi bên đó. Nóng cỡ đó thì ở chỗ nào ở một chỗ, chứ ra đường gì nổi! Không đi bộ từ casino này qua casino nọ được, nếu mà không có hành lang chung có máy lạnh. Sợ chiều tối vẫn còn nóng! Sách báo loại du lịch có dặn đi chơi Las Vegas thì hãy đi trước tháng sáu và sau tháng mười thì mới tránh được cái nóng khủng khiếp. Không hiểu sao tụi nhỏ lại chọn đi chơi vào tháng này.
Ban đêm. Hiện giờ trong nhà tôi vẫn còn hầm 76 độ, dù rằng đã mở banh vài cái cửa sổ cho gió lồng vào rồi –nhưng lại không có gió. Ngoài trời thì đã mát dịu. Nói chung thì mặt Tây của WA không đến nỗi nóng lắm. Spokane, mặt Đông của WA nóng 101 độ. Đọc qua Yahoo thấy Phoeniz, Arizona, 115 độ, Baker, Calif., 125 độ. Eo ơi!
Trời nóng quá thì lại lo cháy rừng, cháy nhà. Cây cỏ khô khan, dễ bắt lửa quá mà. Tôi ở Tây Bắc, cứ mỗi lần đọc báo, nghe radio cho biết Cali có đám cháy thì tôi lại để ý xem đám cháy chính xác ở đâu, có gần khu nhà của em trai tôi không. Hai ba năm trước, cả nhà cậu phải ra ở khách sạn, vì đám cháy lớn năm đó (hai đám cháy nối lại với nhau) đã lan gần đến xóm và cảnh sát đi từng nhà gõ cửa kêu mọi người phải di tản. Cả đại gia đình ở trên này đều hồi hộp chờ tin cậu em gọi về. Cậu đã dặn đừng gọi xuống vì sợ nói nhiều thì cái cell phone hết điện, mà trong lúc đi vội lại không mang cái charger theo. Đêm đó, tôi thao thức không ngủ được.
May mà nhà của cậu không sao, ngọn lửa chỉ đụng tới hai ba căn đầu xóm thì được dẹp tắt, nhưng cả khu nhà hai trăm căn ở bên kia xa lộ thì cháy rụi, thật thảm thương. Cái nhà cháy thì cất lại, làm lại, nhưng những album hình ảnh của gia đình, những giấy tờ quan trọng, …để ở trong đó, cháy rụi hết thì làm sao thay thế được?
Thứ bảy, ngày bảy, tháng bảy, năm 2007
Trời vẫn còn nóng. Buổi trưa, đứng dưới bóng cây, ăn cái sandwich, gió thổi mát mẻ, thật thích. Máy lạnh trong thư viện chạy yếu nên vẫn hầm, vì cái building cũ kỹ, do người Đại Hàn làm chủ, họ cũng chẳng sửa sang gì nhiều khi cho mướn. Cái địa điểm này, thư viện ở tạm thôi. Chờ hai năm nữa sẽ có building mới toanh. Rộng lớn hơn, đẹp đẽ hơn, trong một khu shopping đang cất. Loay hoay chẳng mấy chốc hai năm sẽ tới ngay, dù bây giờ, tôi thường không muốn nghĩ tới những gì mà sẽ thuộc về tương lai, nhất là tương lai xa. Tới đâu hay tới đó! One day at a time!
Thứ hai, ngày chín, tháng bảy, năm 2007
Tháng này mà con chim đen với mảng đỏ trên đôi cánh vẫn còn canh cái tổ của nó -bọn tôi đoán đó là “anh chồng”, còn “chị vợ” thì còn bận úm con -chẳng phải đám chim con đã lớn và bay đi rồi sao? Cả ngày nó cứ đậu trên ngọn cây anh đào kêu chét chét –đầu ngọn được cắt để cây khỏi lên cao, nên mấy cây này đều thấp, cao vừa tay tôi với –ngay cả trời chiều nắng chang chang, 85 độ, vùng tôi làm việc bao giờ cũng nóng hơn trên Seattle chừng 5 độ. Chim cũng biết nóng và biết khát chứ nhỉ?
Ai mà đi gần hay con quạ nào lảng vảng đậu gần tổ là anh ta không để yên đâu, bay theo người, rồi chớp nhoáng lao xuống chụp tóc người ta, mà tụi đồng nghiệp của tôi thì lại bảo nó bay gần để bomb (ị) trên đầu mình đó, cho mình chừa cái tội đi gần tổ (của nó). Vóc dáng nó nhỏ, tôi độ chừng nó lớn hơn con chim sẻ một tí thôi, vậy mà dữ quá, nhiều lần nó dám đuổi cả mấy con quạ đen lớn gấp đôi nó, làm quạ phải bay có cờ chứ chẳng chơi.
Trời nóng nhưng đứng dưới bóng cây lại mát rượi nhờ có gió. Có một cô (cũng là state employee như tôi) đem cái khăn lông lớn trải lên cỏ, rồi nằm sấp duỗi chân vừa ăn vừa đọc sách. Thấy cũng hay hay! Tôi thích được nằm như thế mà viết lách. Một cuốn sổ tay, một cây viết thì chỗ nào cũng làm văn sĩ được, hihi…Tôi vẫn chưa mang theo bên mình cái laptop như tôi đã dự tính, có lẽ vì nó cũng khá nặng, hay nói đúng hơn, tôi không còn …tay để mang theo nó! Trong cái hộp bằng ny-lông đựng thức ăn, tôi đã bắt đầu nhét thêm những tờ e-mails, những tờ memo để đọc trên xe buýt. Sẽ có ngày bỏ vào cả những tờ bản thảo in ra từ computer!
Nghe radio cho biết vài ngày tới nhiệt độ sẽ lên tới 95!
Giữa tháng bảy mà, sẽ nóng kinh luôn.
Thứ tư, ngày 11, tháng bảy, năm 2007
Chiều đi làm ra qua một nhà băng thấy nhiệt độ đã chỉ con số 103. Thủ phủ Olympia 99 độ. Seattle 97. Nhiệt độ ở thành phố nào của vùng Tây Bắc hôm nay cũng đều phá kỷ lục, radio bảo vậy. Tôi mở máy lạnh trong xe tối đa. Nhìn thấy dấu hiệu bình xăng còn đầy nên không sợ kẹt xe, không sợ hết xăng trên xa lộ.
Bà con đã rên rỉ quá xá. Đó là chỉ có vài ngày nóng như thế này. Cứ tưởng tượng Phoenix, Arizona, ngày nào cũng trên 100 độ (nhiều khi trên cả 110), eo ơi!
Vẫn thấy con chim dang nắng cả ngày! Cái nắng tưởng như thiêu nướng được con vật mà nó vẫn chăm chỉ canh gác cái tổ, thật đáng làm mình suy nghĩ.
Ừa, mà sao tháng này còn ấp trứng úm con? Nếu không ấp trứng úm con thì sao lại phải canh tổ kỹ lưỡng như vậy?
Cũng buồn cười! Chắc chắn là cặp này làm “chuyện ấy” trễ rồi?
Trong nhà đang 82 độ. Tuy có mở cửa sổ nhưng không có gió lồng vào nhà nên hầm ơi là hầm. Ở vùng này ít ai gắn máy lạnh trong nhà. Tôi cũng không ngoại lệ.
Thứ năm, ngày 12, tháng bảy, năm 2007
Nhiệt độ giảm được 20 độ, nhưng vẫn còn nóng. Thời tiết bất thường, buổi sáng, trời mây mù, khí hậu mát mẻ, lúc 10 giờ lại lắc rắc vài hạt mưa, tưởng sẽ mưa thật, mà rồi mưa không nổi. Làm con Ginger tưởng bở bảo nếu mưa thì tao về chăm sóc đám rau. Tôi lại làm tuồng khôn khuyên nó cẩn thận vì ngày nắng ngày mưa như thế này dễ làm mình đau đó.
Lúc từ thư viện trở về sở, bất ngờ tôi thấy một vịt mẹ với ba vịt con đang bơi lội trong ao. Không lẽ cặp vịt lâu nay tôi vẫn thấy bơi lội với nhau là bố mẹ ba con vịt con này? Vậy mà tôi cứ tưởng đây là cặp vịt không con! Giữa tháng bảy rồi mà vịt con còn nhỏ như thế, chẳng hiểu làm sao năm nay cả vịt và chim đều có con muộn. Vì thời tiết khác mọi năm chăng?
Dĩ nhiên là tôi phải khoe ngay với bà Anita về sự xuất hiện của ba con vịt con, very cute. Nếu mà chúng vẫn lẩn quẩn trong cái ao này thì sinh hoạt nơi đây sẽ linh động thêm.
À, anh chim chồng vẫn còn tận tâm canh gác ở ngọn cây thấp. Thỉnh thoảng, nó bay sà xuống đám lau sậy gần đó, mọc trong ao, chắc là tổ ở trong đó, để thăm chim con.
Giờ này 11 giờ đêm. Trong nhà nhiệt độ xuống còn 76 độ, gió ở ngoài cũng đang luồng qua cửa sổ, bắt đầu mát lạnh.
Thứ sáu, ngày 13, tháng bảy, năm 2007
Tháng này dâu raspberry đã chín rộ. Chị Nguyên gửi e-mail tiếc là hôm tôi lên chơi nhà chị (July 4) thì dâu chưa chín, hôm nay chín đỏ cây, hái cả rổ đầy, cu L và cu B ăn đến nỗi ...té re luôn!
Đọc mail chị kể làm tôi cười mà nhớ hồi mới qua đây, đi Yakima hái cherries, đứng trên cái thang, vừa hái vừa ăn, ăn đầy bụng mà khi đem tính tiền thì chỉ tính phần dâu đem xuống, thế rồi về campus đêm đó, đau bụng, phải ôm bụng mà chạy. Ôi! Yakima Rainier cherries, trái có da chỗ vàng chỗ cam, ăn mê luôn!
Raspberries ở Sumner trái lớn lắm. Dạo đó, mùa hè, cuối tuần, chị em tôi thường đi hái dâu kiếm tiền. Nhớ là hái raspberries có tiền hơn là hái strawberries, và cũng ít mệt hơn. Hái raspberries thì đứng mà hái vì bụi dâu cao nên hay kêu là đi hái dâu đứng (đeo cái lon trước ngực, khi lon đầy thì đổ vào ô giấy, hết ô này qua ô khác, trong một cái flat giấy (hộp nông), khi flat giấy đầy thì đem ra giao cho chủ, rồi chủ bấm vào cái thẻ của mình một lỗ, để sau này cứ có bao nhiêu lỗ thì được trả tiền công hái), để so sánh với dâu nằm là dâu strawberries, được trồng từng luống, dây bò trên luống đất –mình lom khom ngồi (hay lết) mà hái nhưng chiều mệt mỏi quá thì có khi nằm dài trên luống, đè bẹp cả dây dâu và trái dâu, áo quần dính màu dâu đỏ chét. Dâu strawberries có màu đỏ. Cũng có người kêu raspberries là dâu đỏ, nhưng thật ra nó có màu hồng, khi chín mùi thì cái màu hồng đó đậm hơn, lúc đó dâu ăn rất là ngon. Có một hộp để bên cạnh là cứ ngồi đưa tay cho vào miệng lủm, hết một cái vèo hồi nào không hay. Lúc đi hái, cũng vừa hái vừa ăn, đi hái sớm, coi như điểm tâm bằng dâu –mà lại chẳng đau bụng chi cả. Cũng chẳng biết sợ thuốc sát trùng gì cả. Tuổi trẻ mà! Cái bao tử còn ngon lành.
Đám trẻ đi hái dâu dưa ngày ấy, bây giờ đã trở thành những cậu tiến sĩ, bác sĩ, cô dược sĩ, kỹ sư, …hết rồi, kiếm tiền nhiều hơn với những giốp đòi hỏi bằng cấp cao. Chỉ còn người Mễ nghèo nàn là giúp chủ nông trại để thu hoạch vụ mùa. Tháng rồi, nghe trên radio, các chủ trại than là không có đủ người để làm công việc ấy.
Thứ bảy, ngày 14, tháng bảy, năm 2007
Cũng cả tháng rồi tôi không coi phim bộ Đại Hàn, dù là chỉ một episode mỗi ngày, và trong khi có rất nhiều phim ảnh trên nét, chỉ bật máy là coi, rất tiện. Đọc truyện cũng vậy, cũng trong vòng tay với, sướng thật. Đó là chưa kể tôi làm ở thư viện, ngày nào cũng nhìn thấy sách báo, phim ảnh đầy rẫy. Chỉ tại bận quá. Bây giờ mỗi tuần tôi làm 60 tiếng, chưa kể ở thư viện làm thế cho đồng nghiệp, trong ba tuần qua, tôi làm tới 63 tiếng. Ng không nói gì (cái việc tôi làm nhiều quá đó), chỉ kêu là sao em ngáy dữ vậy, vừa nói chuyện, quay qua đã ngáy rồi, ngáy như thế này nè (Ng cười giả tiếng ngáy của tôi), để bữa nào sẽ thu băng…cho nghe.
Tôi trả lời:
“Thì làm một ngày mệt mỏi, phải ngáy chứ. Sợ không chừng còn ngáy trên xe buýt!!”
Hôm qua, sếp Monette than thở là lúc nào cũng mỏi mệt vì sau giờ làm việc ở sở về nhà còn phải trông chừng một bà mẹ 83 tuổi mắc bệnh tiểu đường, cứ đêm đêm là bà thổi còi kêu cô dậy đòi cái này cái nọ. Bà không đi đứng được, giữ một đứa trẻ thì còn làm được, chứ bà mẹ nặng lắm, nặng 180 lbs. (Monette còn có đứa con nhỏ 6 tuổi.) Tôi nghe ra chiều thông cảm, thế rồi khi nghe cô than lại chuẩn bị year-end closing…(đóng sổ sách cuối tài khóa) tôi đã vội mở miệng là sẽ giúp cô (phần việc của cô), cô đừng lo. Mèn! Mở miệng xong thì thấy…hối hận. Còn sếp thì nghe xong lòng như mở cờ, sếp rối rít nói cảm ơn.
À, tôi vẫn chưa đi chơi đâu cho mùa hè này.
Chủ nhật, ngày 15, tháng bảy, năm 2007
Hôm nay, nơi tôi ở, cầu mới Tacoma Narrows Bridge - bắt đầu cất từ tháng mười năm 2002, song song với cầu cũ- đã xong và được khánh thành; và bây giờ mỗi lần xe đi qua cầu mới (đi từ tây qua đông) phải trả toll fee là 3 đồng. Ở WA, đây là cây cầu đầu tiên mà xe đi qua bị tính tiền. Nghe nói trong tương lai, nhiều cầu mới sẽ cất theo lối lấy tiền như thế.
Thấy Nichole với Sophia làm ở thư viện đã tham dự cùng với mấy chục ngàn người cuộc chạy bộ, đi bộ qua cầu, để gây quỹ cho nhà thương trẻ con (Mary Bridge Children’s Hospital) ở Tacoma. Mỗi đứa mặc một cái T shirt do cái tổ chức đó phát ra. Áo có màu trắng và hôm trước Nichole nói nó không thích màu trắng, sẽ nhờ bạn nhuộm dùm, nhưng rồi tôi không biết sao nó lại không nhuộm áo.
Hỏi tôi, có muốn tham gia không, cho vui? 6 giờ sáng phải có mặt, vậy thì phải thức dậy sớm hơn nữa. Lại là một sáng chủ nhật. Thôi! Cho xin đi! “Cheat” cái cơ thể vừa vừa thôi chứ!
Thứ tư, ngày 18, tháng bảy, năm 2007
Hai hôm nay, trời mưa, mà mưa lất phất thôi, nhưng cũng đủ cho cây cỏ thấm nước xanh tươi lại. Nắng nhiều ngày, có vài ngày mưa, làm không khí dễ chịu hơn. Chỉ có Farmers’ Market - ở góc đường, gần nơi tôi làm việc, chợ này nhóm chỉ một ngày thứ tư trong tuần- hôm nay chắc ế. Tôi đoán vậy, vì thấy trời mưa, chứ không có đi để biết rõ có ế hay không.
Nắng hay mưa thì anh chim đen cánh đỏ vẫn đậu ở trên đầu ngọn cây thấp lè tè, để trông chừng tổ của nó. Thấy có vài con chim con bay lượn trên mặt ao, như là đang tập bay – tôi không phân biệt đây là những con chim sẻ hay con cái của anh chàng chim đen này vì thấy không có màu đỏ trên cánh của chúng.
Năm nay, vườn rau nhà không có trồng cây dưa leo nào. Ng quên mua rồi! Chắc bây giờ chợ quán cũng không còn bán cây con, trễ quá rồi. Tía tô cũng chưa thấy lên, dù là giống rau dễ mọc nhất. Chỉ có kinh giới là tốt tươi, đã có thể ăn được. Ng đã tận dụng hết mớ cây con mà ba tôi đã cho, cho vào những cái hộp đất nhỏ, khi (cây) lên cao được gang tay thì đem cho tới bốn người bạn. Ai được cho cũng mừng lắm. Cô Phụng còn bảo, cho vàng không quý bằng! À, năm chứ không phải bốn, vì hôm nay cũng đem cho chị Nguyệt hai cây.
Chủ nhật, ngày 22, tháng bảy, năm 2007
Ở cái chợ trái cây gần nhà – cũng có bán những thực phẩm khác, nhưng chính là rau rán, trái cây - bữa nay hết bán raspberries rồi, những trái họ bán ở đây dài và mập hơn trái nhà tôi. Không lẽ năm nay, mùa dâu này chấm dứt sớm vậy? Nhớ hồi trẻ tôi thường đi hái thì cũng phải cuối tháng tám, đầu tháng chín mà.
Rainier cherries thì $5.99/một lbs, tuần trước $3.99. Mắc thì nhịn. Thật ra, thứ trái cây mà tôi ghiền nhất là xoài chín, cái loại ngọt lịm mà tôi thường thấy bán ở Mỹ, đoán là xoài Mễ, là đầu phình ra, thịt dày, mịn, không có xơ. Tôi lớn lên với xoài, vì ngoại và má tôi làm chủ nhiều vườn xoài tượng, mỗi mùa kêu người ta tới bán trọn, nhưng dĩ nhiên bao giờ cũng giữ một ít để nhà ăn.
Ăn xoài nóng lắm, ăn nhiều làm mặt nổi mụn này nọ, biết thì biết vậy, nhưng tôi vẫn mê.
Tuần rồi, bỗng dưng tôi hỏi má tôi còn giữ những giấy tờ trích lục làm chủ những miếng vườn này không? Hồi còn bé về quê chơi, tôi có đến xem một miếng vườn, nhớ là đang lúc xoài còn xanh. Tôi muốn xin má tôi những miếng vườn này (không nghĩ là các em tôi còn màng chuyện nhà cửa, đất đai bên VN), với hy vọng là một ngày nào đó, tình thế thay đổi, mình có thể lấy lại, dù bây giờ cũng không biết đang thuộc về ai. Má nói, ngày đó đưa mớ giấy cho bà ngoại mang về quê, sau này nghe nói mối ăn hết rồi.
Năm má tôi lên ba bốn tuổi chi đó, ông ngoại tôi mất. Phần của chia ra, bà ngoại tôi và má tôi, mỗi người đều được một phần. Bà ngoại mất, dĩ nhiên phần của bà ngoại thuộc về má tôi vì má là con một của ông ngoại và bà ngoại tôi (ông ngoại có con đời trước, và bà ngoại cũng có con đời trước, nhưng chỉ có má tôi là con chung của hai người).
Nghe nói bây giờ đất đai bên VN quý lắm. Đất không đẻ, con người đẻ, con người càng ngày càng đông, đất đai càng ngày càng hiếm, là chuyện dĩ nhiên rồi.
Ba tôi nói dễ gì đòi. Ngay cả cái nhà ở Sài Gòn có giấy tờ (còn giữ được) mà không chắc gì lấy lại, qua bao đời người ở rồi, biết ai mà đòi?
Thứ hai, ngày 23, tháng bảy, năm 2007
Mấy ngày qua trời mưa, chẳng biết cái Lakefair ở thủ phủ Olympia và cái Bite of Seattle (dĩ nhiên ở Seattle) có bị lỗ lã không? Tự dưng thảng bảy mà mưa gió như thế thì làm sao con nít chơi rides được! Mưa rỉ rả kiểu này thì chỉ có đám cỏ trước, đám cỏ sau và mớ rau của Ng là thích thôi, thứ nào cũng xanh mướt, nhất là hai đám cỏ vừa được rải phân, cao vọt lên -rồi chỉ tổ cực cắt cỏ.
Ở thư viện. Lâu nay, cứ bữa nào làm chung với bà Cece là tôi bị bả “đì”, bị bả sửa sai, làm tôi không thoải mái, không vui (bả mới vào chừng vài tháng), thành ra bả làm việc góc này thì tôi làm việc góc kia (tôi lại không muốn đi than phiền với sếp)! Hôm qua, nói chuyện với Malia thì biết bà Cece gây phiền phức cho nhiều người, chứ không phải một mình tôi (tôi đã đổ thừa là chắc số mình cứ bị thiên hạ đì như thế!). Hóa ra là bả đang bị chứng trầm cảm, đang uống thuốc. Đang làm giốp cao ở chi nhánh DuPont, vì có problem với bên đó mà về đây làm chức nhỏ. Cũng vì nhà cửa mới mua có trục trặc nhiều thứ -Tita nỏi nhỏ cho tôi nghe điều này.
Sự thật là vậy thì mình thông cảm, chứ chấp nhứt làm gì. Hiểu chuyện thì cảm thấy nhẹ nhàng đi nhiều: không phải vì mình! Đáng lẽ Tami phải cho bọn tôi biết trước điều này. Không nên để cho nhân viên bị phiền nhiễu vì đồng nghiệp bệnh hoạn như thế. Thay vì mình bày tỏ compassion thì mình lại bị upset.
Thứ năm, ngày 26, tháng bảy, năm 2007
Đọc báo bên Việt Nam, thấy nhà văn bên đó đóng góp một cái truyện ngắn trong một tuyển tập truyện ngắn thì được tặng một cuốn và được trả một trăm ngàn đồng (VN). Bài báo có viết như sau:
Nhà xuất bản Thanh Niên ủy nhiệm cho Lê Anh Hoài gặp gỡ, cảm ơn và gửi tới mỗi tác giả 01 cuốn sách và số tiền nhuận bút 100.000 đ (một trăm nghìn đồng). Bản thân LAH vui vẻ nhận trách nhiệm này vì cũng muốn gặp gỡ những tác giả đã được đọc mà chưa được gặp mặt. Cũng vì kinh phí rất có hạn và thiếu nghiệp vụ văn thư nên xin không gửi theo bưu điện.
Một đô la đổi được 15 ngàn, một trăm ngàn đồng chưa tới 10 đô (chừng 6, 7 đô, vậy mà lâu nay tôi cứ tưởng tương đương một trăm đô cho một truyện). Bỏ ra mấy tiếng đồng hồ hay nhiều hơn để moi tim óc viết được một bài mà chỉ đủ một tô bún măng vịt - ở Mỹ. Vậy làm nhà văn VN ở VN hay ở hải ngoại thì đều nghèo cả, được trả tiền nhuận bút ít quá, thấy bạc bẽo quá. Báo VN ở Mỹ đa phần chủ báo không trả nhuận bút cho mình. (Nghĩ mà thương cho QT, bạn tôi, trả sòng phẳng!)
Viết lách cho vui thì không nói gì. Nếu viết để kiếm tiền thì tôi thà làm thêm vài giờ ở thư viện, rồi tha hồ ăn bao nhiêu tô phở, tô bún.
Thứ sáu, ngày 27, tháng bảy, năm 2007
Sau khi đem chuông đi đánh xứ người (RMS Tuyển Tập Phụ Nữ Việt 2006 ở Paris, France, ngày 24 tháng sáu vừa qua), và chuông kêu (niềm hãnh diện cho diễn đàn Phụ Nữ Việt), các chị em PNV lại bắt tay ngay vào Tuyển tập Văn Phụ Nữ Việt 2007, hiện giờ chuẩn bị qua phần layout.
Số tác giả tham gia lần này không được con số 30 như hai tuyển tập trước, chỉ có 22, nhưng bù lại PNV mời được nhà văn Túy Hồng, là một trong những nhà văn nữ gạo cội nổi tiếng của Văn Học Miền Nam trước 1975 – như Nguyễn Thị Hoàng, Nhã Ca, Trùng Dương, Nguyễn Thị Thụy Vũ, …
Túy Hồng
Tên thật Nguyễn Thị Tuý Hồng
sinh ngày 12 tháng 10 năm 1938 tại Chí Long Phong Ðiền Thừa Thiên.
Tốt nghiệp đại học sư phạm Huế.
Giải nhất văn học nghệ thuật Sài gòn 1970.
Là vợ cố nhà văn Thanh Nam
Ðịnh cư tại Seattle Washington Hoa Kỳ từ 1975
Tác phẩm đã xuất bản:
Thở dài (1963)
Vết Thương Dậy Thì (1967)
Tôi Nhìn Tôi Trên Vách (1970)
Những Sợi Sắc Không
Trong Mưa Móc Hạt Huyền (1970)
Bướm Khuya (1971)
Nhánh Tóc Sợi Dòn (1972)
Mối Thù Rực Rỡ
Eo Biển Ða Tình (1973)
Trong Cuối Cùng
Sạn Ðạo
Tay Che Thời Tiết
Mưa Thầm Trên Bông Phấn
Thông Ðưa Tiếng Kệ
Nguồn: www.phunuviet.org*Hiện nay nhà văn Túy Hồng đang sống ở tiểu bang Oregon, không phải Washington
Trong tuyển tập này cũng có sự đóng góp của nhà văn Đỗ Quỳnh Dao, tác giả của Con Nữ - được Văn Mới phát hành năm 2002. Nhà văn Nguyễn Mộng Giác viết phần Giới Thiệu Con Nữ:
...Mười truyện ngắn của Đỗ Quỳnh Dao trong tác phẩm này là nỗi đau đớn da diết, nỗi lo bàng hoàng của mười bệnh nhân khác nhau về tuổi tác, chủng tộc, địa vị xã hội, bệnh trạng...nhưng mười bệnh nhân ấy có cái may gặp được một người bạn quí chẳng những biết chia sẻ nỗi đau thể xác và tinh thần của họ, mà còn có khả năng sử dụng một thứ tiếng Việt chuẩn xác để diễn tả những nỗi đau phức tạp ấy. Do bệnh, họ trở thành những đứa bé yếu đuối. Đỗ Quỳnh Dao ân cần lo lắng cho họ, xót xa cùng cơn xót xa của họ, băn khoăn cùng nỗi băn khoăn của họ. Bằng một ngòi bút mô tả cảm xúc và phân tích tâm lý vô cùng tinh tế, Đỗ Quỳnh Dao khiến tôi có cảm tưởng chính chị trải qua hết hoàn cảnh của mười bệnh nhân trong tác phẩm. Chị vừa là bệnh nhân vừa là những đứa bé đang cần lòng yêu thương của mẹ hiền....
Đỗ Quỳnh Dao
tên thật Ðỗ Quỳnh Dao
sinh tại Sài Gòn
du học trước năm 1975
hiện cư ngụ và làm việc tại Pháp
Nguồn: www.phunuviet.orgTiết lộ "bí mật" - những cây viết sẽ xuất hiện trong TT PNV 2007:
Ấu Tím
Bảo Trân
Bình Nguyên
Đỗ Quỳnh Dao
Đức Trí Quế Anh
Hồng Thủy
Lê Thị Nhị
Lê Thu-Hương
Linh Vang
Lưu Trần Quỳnh Hương
Miên Thụy
Miêng
Nguyễn Thị Minh Ngọc
Nguyễn Thị Tê Hát
Thi Hạnh
Túy Hồng
Từ Dung
Ưu Du
Vi Hoàng
Võ Thị Điềm Đạm
Vũ Thị Thiên Thư
Xuân Vinh22 tác giả nữ, 22 bài viết mới toanh, chưa từng đăng báo, chắc chắn sẽ không làm bạn đọc thất vọng.
Thứ hai, ngày 30, tháng bảy, năm 2007
Trời nóng 75 độ. Đi xe phải mở máy lạnh. Còn một ngày nữa là qua tháng tám rồi. Thời gian này thược dược đã nở rộ. Thược dược trong vườn nhà đủ để chưng bàn làm việc ở sở. Hôm qua, đi chợ thấy có bán những chậu thược dược, loại bông to là to, màu tím hoa cà thật đẹp, mà $19.99, chậu 2 ga–lông, Ng kêu mắc quá, tiếc tiền, không mua. Ng bảo nhà ai có, chỉ cần xin một nhánh là mình có thể trồng lấy củ cho năm sau. Còn tôi thì từ hôm biết một cái truyện ngắn ở VN trả nhuận bút một trăm ngàn tiền VN, chừng 6, 7 đô, tôi mua cái gì cũng tính ra được bao nhiêu cái truyện ngắn đây? rồi đâm ra tiếc tiền! Tôi đồng ý với Ng là khỏi mua chậu thược dược nữa vì mua một chậu thược dược bằng người ta viết ba cái truyện ngắn, nhưng xoay qua, tôi mua cả chục trái xoài với giá 2 đô một trái, mắc kinh khủng thế mà vẫn mua. Thì là dân mê xoài hạng nhất mà! Xoài bán ở mấy cái sạp trái cây của chợ Mỹ mắc hơn chợ Việt Nam.
Raspberries đã thấy bán trở lại, bỏ sẵn trong nhiều hộp giấy nhỏ. Vậy là kỳ trước tôi ghé đây, nó vừa bán hết. Bing cherries (có màu tím thẩm?) cuối mùa rồi. Nhiều đồng nghiệp mua hay hái ở vườn nhà, đem vào sở, để ở phòng ăn cho mọi người – bây giờ nhìn đã thấy ngán. Đã thấy bắp bán lai rai, chưa rẻ. Mà rẻ thì có khi một đô mua được 8 trái.
Xăng nhớt, giá cả vẫn chưa xuống bao nhiêu, $2.81/một ga-lông.