Lại dán tiếp cho...độc giả PNV.
Thứ năm, ngày bảy, tháng sáu, năm 2007
Mấy hôm rày thị trường chứng khoán xuống dữ quá; tuy vậy chúng tôi chưa méo mặt và Larry vẫn đùa được, bảo là mình phải đứng ngã tư mang bảng “chúng tôi làm để có miếng ăn” (work for food) rồi. Tôi cười đùa lại, mình “khánh tận” đến thế sao?
Dĩ nhiên là không. Larry vừa lên chức cao, một năm thêm sáu, bảy ngàn.
Trời mùa hè, đúng ra cuối xuân, ngày sáng sủa nhiều hơn là ngày âm u, giúp mình yêu đời hơn. Sáng mới 5, 6 giờ trời đã sáng bạch. Chim chóc hót líu lo, ồn ào. Làm tôi ngủ ít, nhưng đỡ là không thấy mệt. Ai cũng bảo phải ngủ ít nhất là bảy tiếng. Tôi ngủ chỉ có 6 tiếng. Nhiều khi ít hơn!
Đậu và bí đã được đem ra trồng ở ngoài đất. Hai cây đậu xanh lá tốt tươi, đứng thẳng, còn cây bí vàng lá, nằm rủ rũ, chắc là muốn ngủm rồi. Đậu trồng gần giàn dưa leo năm ngoái, nhắm cho chúng leo lên đó; nhìn giàn dưa leo, chợt nhớ là chưa mua mấy cây dưa leo con.
Thứ sáu, ngày tám, tháng sáu, năm 2007
Mỗi lần đọc bài viết của nhà văn Văn Quang viết về ai hay của nhà thơ Luân Hoán viết về ai thì 90% tôi thấy cứ y như rằng họ đang viết về …người chết.
Cho dù có ca tụng người ta đưa họ lên chín từng mây xanh thì họ cũng đâu có biết gì nữa chứ. Sao không viết ca tụng khi họ còn sống để họ còn vui được? Đó là bài khen ngợi chứ có phải chê bai đâu.
Đời làm nhà văn, nhà thơ bạc bẽo quá! Một năm trước cái chết do bệnh tật, nghèo túng, ở tuổi 30, Emily Bronte (1818-1848), không thể nào kiếm ra được một nhà xuất bản nào chịu nhận in và phát hành cuốn Wuthering Heights (Đỉnh Gió Hú). Năm cuối đời của F. Scott Fitgerald, tác giả của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng The Great Gatsby, tiền tác quyền của ông chỉ có 11, 12 đồng! Đám tang của ông trúng vào một ngày mưa tuyết, có ít người đưa, chỉ là người của nhà đòn! Ông mất khi mới có 44 tuổi (1896-1940). Sao thời trước, cũng đâu xa lắm, nhà văn nhà thơ chết sớm quá nhỉ?
Thứ bảy, ngày chín, tháng sáu, năm 2007
Mưa. Mưa cả ngày. Hai cây đậu gặp nước chắc là khoái lắm. Tôi dự định cuối tuần xem chỗ nào có bán cây đậu, sẽ mua thêm về trồng, chứ chỉ có hai cây ít quá (hôm nọ có thể lấy nhiều hơn mà lại không lấy), sợ không ra đủ trái cho một dĩa xào. Nhớ năm xưa có lần ba tôi đã trồng mấy luống, trái ra nhiều ơi là nhiều, cách một ngày không ra hái, thì hái đầy rổ, ăn không hết.
Trời mưa làm thiên hạ không có gì làm ở ngoài trời nên vào thư viện đông quá. Tôi đứng cả ngày, đôi chân mỏi nhừ. Mang một lô phim (Ấn Độ) về nhà, để đó, chứ chưa coi ngay, vì phải săn sóc hai cái bàn chân trước đã: ngâm trong bồn nước ấm.
Sam gọi, nói. Em biết chị sợ lạnh mà. Chị biết quà em gửi chị là gì không? Là cái khăn quàng cổ đó.
“Chắc mới vào đọc tùy bút của chị thấy chị bảo sợ lạnh chứ gì!”
Dallas đang nắng 90 độ. Bên tôi chắc khoảng mid 50s.
Ăn uống xong, tôi leo lên giường, mở một phim ra coi. Mèn! Bảo là có phụ đề Anh Ngữ (English subtitle), mà nó không chịu hiện lên cái phụ đề này, phải vận động cái đầu để hiểu thì cũng mệt? Tức quá, bèn ngủ khò! Rồi trong giấc ngủ lại mộng mị thấy sếp Monette đổi đi làm chỗ khác, cũng nghĩ, biết quá mà, theo quá trình làm việc của cổ, có chỗ nào mà cổ ở lâu đâu. Để xem, tôi nằm mơ có đúng không?
Chủ nhật, ngày mười, tháng sáu, năm 2007
Buổi chiều, Sam cho biết bên Dallas đã 100 độ. Nơi tôi ở chẳng biết nhiệt độ lên được bao nhiêu, nhưng đi mall dạo một hồi, chừng trở ra, vào xe, tôi biết được là bên trong xe hầm lắm. Hồi sáng, đi Seattle ăn trưa, trời mát mẻ dễ chịu như mùa thu. Vào một Deli tha hồ “chỉ” (thích ăn món nào thì đưa tay chỉ món đó). Bắt đầu tuần tới thì tôi không còn rảnh để mà lang thang nữa rồi, ngay cả ngày chủ nhật!
Ở mall về nhà, nghe Ng bảo có người quen mời đến ăn bánh xèo. Thế là đi ăn, đỡ một bữa làm bếp.
Chạng vạng ra thăm hai cây đậu. Thấy một cây đã trơ trụi lá, may quá còn cái mầm lá non là chưa bị con slug ăn. Bắt ngay thủ phạm còn đang bám trên thân đậu, vội lấy cái que lôi nó ra, …giết ngay.
Buổi tối, nghe chuyện của A. Ai dè tôi được A tin tưởng, thoải mái mà tâm sự đủ thứ như vậy! A còn bảo chuyện của A, đủ để viết thành một cuốn tiểu thuyết dày 5, 6 trăm trang.
Thứ hai, ngày 11, tháng sáu, năm 2007
Thật sửng sốt khi nghe Joe Sibley qua đời. Đọc cái cáo phó, không tìm thấy tên của người vợ. Tôi nhớ trong cái e-mail gửi ra kỳ đó có cho biết là anh ta nghỉ việc, xuống Cali làm đám cưới và lập nghiệp ở dưới đó. Linda kể là đồng nghiệp, bạn bè có tổ chức một cái party để tiễn anh đi -mới đầu anh cho biết sẽ tổ chức đám cưới trên này. Ở tuổi 50 mà mới lấy vợ thì thật muộn màng, nhưng ai cũng mừng cho anh vì lâu nay thấy anh sống có vẻ cô đơn lắm, qua tiểu bang này ở một mình và đi làm, trong khi đại gia đình anh ở một tiểu bang khác thuộc miền Nam nước Mỹ.
Thì ra khi mất, anh vẫn còn độc thân. Cái cô bạn gái quen trên Internet, hứa hẹn đủ thứ, để rồi khi anh bỏ giốp, xuống dưới đó để chuẩn bị làm đám cưới thì cô bảo …quên đi, tôi không còn dính líu gì tới anh nữa!
Không biết vì anh đau buồn rồi mất hay anh …tự tử? Không ai biết và cũng không dám hỏi. Người nhà đưa ra rất ít chi tiết. Linda thở dài, bảo tôi, mấy năm nay bộ của mình có nhiều cái chết lạ lùng quá.
Tôi đồng ý. Có nhiều người chết khi còn rất trẻ. Và đi chơi núi rồi mất tích như cái ông Gil đó rõ là lãng xẹt. Thấm thoát mà một năm đã trôi qua. Nghe nói mẹ ông ta vẫn hy vọng là một ngày nào đó ông sẽ bất ngờ trở về nhà, vì con người của ông chẳng khác nào như một nhân vật trong truyện trinh thám.
Chỉ mới ngày thứ hai đầu tuần, luôn luôn cho tôi cái cảm giác bận rộn, mà nhiều khi bận rộn thật. Tôi có một cái project (kéo dài cho đến hết tháng mười), cứ 9 giờ sáng thứ hai là họp, khỏe quá hôm nay nhận e-mail cho biết là cái họp sáng nay được hủy bỏ rồi.
Qua ngày thứ ba thì mọi việc bình thường trở lại. Thích nhất là chiều thứ năm ra về tà tà, vì buổi tối không phải đi làm thư viện, tối đầu tiên được rảnh rang sau ba tối đi làm liên tục. Dù rằng thứ sáu vẫn còn đi làm giốp chính, nhưng cái cơ thể tôi đã bắt đầu lè phè, bởi vậy tôi không thích họp hành hay bị giao công việc nặng nề vào ngày này. Từ bụng ta suy bụng người và từ những kinh nghiệm bản thân "nằm nhà thương", tôi nghĩ chắc chắn những người làm trong ngành y tế cũng có thái độ như tôi vậy, thế nên mình không nên vào bệnh viện vào ngày thứ sáu, nếu mà mình có thể tránh được. Và cũng đừng cho mổ xẻ gì vào những tháng sáu, tháng bảy, báo đăng rằng đó là những tháng mà các anh chị sinh viên y khoa bắt đầu thực tập!
Thứ ba, ngày 12, tháng sáu, năm 2007
Cứ mỗi lần tụi xe buýt đổi tài xế mới là y như rằng tôi bị trễ, không kịp đón chuyến thứ hai, và phải đứng đợi ở ngoài đường 25 phút, đó là chưa kể lúc ngồi trên xe buýt cứ thấp thỏm nhìn đồng hồ không biết có kịp không hay sẽ bị trễ? Sáng nay, cũng may trời nắng ấm áp nên đứng ngoài đường cũng không sao.
Chắc tôi phải lái xe (đi thẳng tới sở), chờ cho người tài xế quen đường đi nước bước rồi mới đi xe buýt lại. (Lái xe một mình cũng cảm thấy "tội lỗi" vì như thế là không dành dụm năng lượng.)
Giá cả xăng nhớt đang trên đường đi xuống, $3.09/một ga-lông. Bằng giá cả năm ngoái vào thời gian này. Vậy là nó đã không lên tới 4 đồng như người ta đã lo. Chẳng biết năm nay nó có xuống lại được dưới hai đồng?
Mùa này chuồn chuồn kim sinh sôi nẩy nở ở cái ao nhiều quá. Có lần, tôi bắt được một con, nắm giữa hai ngón tay một hồi, rồi bỏ nó đậu trên ngón tay cái bên kia, mục đích là thả cho nó bay đi mà nó không buồn bay, cứ đậu im ru bà rù một chỗ, tưởng như dân say!
Trong ao thỉnh thoảng vẫn thấy một cặp vịt bơi lội. Thường thì thấy anh trống bơi một mình, làm tôi tưởng anh góa vợ, không chừng chị vợ bị tai nạn mà mất mạng rồi. Nhưng không, chúng vẫn có đôi, có cặp đó. Vịt, chim là giống chung tình, sống từng cặp, khác với chó, mèo, tới mùa động cỡn là… lung tung.
Có nghe Ng kể một truyện tếu như thế này. Hồi cặp vợ chồng còn trẻ, được người ta kêu là hai vợ chồng, tức là hai vợ và một chồng, là ông chồng có hai vợ; lớn tuổi, được người ta kêu hai ông bà, tức là hai ông và một bà, là bà vợ còn sung sức có hai ông!
Thứ sáu, ngày 15, tháng sáu, năm 2007
Hai ngày qua, tôi lái xe. Hôm nay, đi buýt. Lúc đứng đợi xe buýt đầu thì thấy nó đến sớm, mừng quá, hóa ra là cô tài xế quen thuộc, cô chỉ đi vacation một tuần thôi, chứ không phải đổi ca. Có cô lái thì thong thả được 5, 7 phút giữa hai chuyến buýt. Lên xe chỉ việc nhắm mắt thoải mái, mặc ai nói cười đùa giỡn. Sáng nào tỉnh táo thì đọc sách, viết lách. Trong cái túi đựng thức ăn (mà sở đã tặng vào tháng trước), tôi còn bỏ vào được một cuốn nhật ký và một cuốn truyện loại mỏng -dạo này ở thư viện, loại Book Plus này về nhiều, mới toanh.
À, hôm qua lái xe đi được hai lốc đường, chợt rờ thẻ đeo trước ngực, giựt mình biết là đeo lộn thẻ của thư viện, bèn phải quành về đổi thẻ, vì không đúng thẻ thì làm sao mở cửa vào sở được!
Buổi trưa. Nhà hàng Tran’s Dynasty, do anh bạn người Việt làm chung bộ làm chủ. Đãi Wendy ăn trưa nhân dịp sinh nhật của cô, vào tuần tới. Rủ Larry đi ăn luôn cho vui. Cũng đãi Larry, vì thấy thị trường chứng khoán lên, cho mình cái cảm giác giàu thêm, nên …rộng rãi! Với lại, hồi sáng, lúc đợi đèn để qua bên kia đường cho chuyến buýt thứ nhì, ở góc đường, cạnh thùng báo, thoáng đọc cái tít chạy lớn trên tờ The Olympian, là tiểu bang WA vừa có thêm 484 triệu tiền thu vô, nguồn lợi tức bất ngờ, làm ngạc nhiên cả người soạn ngân sách của nó. Tôi nghĩ rằng kinh tế của tiểu bang này có khá thì người dân ai ai cũng sẽ …dễ thở hơn. Mình đi làm cũng thoải mái hơn.
Bữa ăn trưa vừa xong thì Rob bước vào, thấy bọn tôi, nên xề xuống ghế trống, ngồi chung.
Nói chuyện một hồi thì nghe tin Rob đang chuẩn bị ly dị vợ. Lý do: cô vợ có máu đánh bài “một ngày đi đoong hai ngàn. Tôi không muốn làm việc mãi mà không có cắc nào”!
Người Việt mình có câu “cờ bạc, rượu chè, trai gái, hút sách”, nghiện vào một là khốn đốn gia cang. Mà cờ bạc là cái nghiện nguy hiểm nhất. Tiền bao nhiêu cũng không đủ.
Hồi Rob lấy vợ, tôi thấy cô vợ của nó không xứng với nó. Nhưng người Mỹ mà, thích nhau là lấy, đâu màng xứng với không xứng.
Rob đẹp trai, làm lương cao, chưa từng lập gia đình trước đó, không có con riêng, trong khi cô ta thì có hai con riêng –sau này đứa con gái lại không chồng mà có chửa ở tuổi 15-, có một người chồng như thế mà lại sinh ra mê cờ bạc chi cho khổ thế để rồi mất chồng. Thật không biết nữa!