Shirley Valentine (1989)
Shirley là một phụ nữ trung niên, là một bà nội trợ hàng ngày phục vụ cho một ông chồng ít thông cảm với vợ. Con cái đã lớn và đã ra khỏi nhà, nàng thường phải trò chuyện một mình, nói với cái vách tường và gọi nó là Wall. Một ngày kia, bạn thân của nàng trúng thưởng hai tuần đi du lịch ở Hy Lạp, rủ nàng đi. Dù cho chồng không đồng ý, nàng vẫn nhất quyết ra đi sau một trận cãi vã. Vừa tới nơi, cô bạn đã bỏ rơi nàng để đi với một ông vừa làm quen trên máy bay. Nàng đành phải đi chơi lẻ loi trong ánh mắt không chấp nhận của các du khách khác khi thấy một phụ nữ đi du lịch một mình. Nhưng nàng bất cần, nàng sống theo nàng. Trong cái nắng tươi đẹp của một bờ biển Địa Trung Hải, nàng thực hiện một ước mơ từ lâu là được ngồi nhấp rựợu trên bãi cát khi chiều xuống. Ông chủ quán xum xoe và rất ngọt ngào với nàng, rủ nàng đi chơi biển vào ngày hôm sau. Trước vẻ nhiệt tình của gã, nàng đồng ý, và sau đó chuyện phải xảy ra đã xảy ra. Tới ngày phải trở lại Liverpool, nàng ngần ngừ không muốn trở lại Anh, nơi thời tiết thì xấu, chồng con không thông cảm thương yêu gì, thế là nàng ôm túi ở lại Hy Lạp ngay tại phi trường khi đã check in cái va ly lớn trước đôi mắt không hiểu nổi của cô bạn.
Khi trở lại quán trọ, nàng bước vào và chợt nghe gã chủ quán đang tán tỉnh một phụ nữ đi du lịch một mình khác, với cung cách y như gã đã dùng với nàng trước đây. Tuy nhiên, nàng vẫn dửng dưng sau một thoáng ngạc nhiên, cho gã biết nàng chỉ muốn ở lại như một người làm công.
Gia đình hốt hoảng, ông chồng bay sang để xin nàng trở lại Anh. Họ cùng nhau uống rượu trên bãi biển, với một kết thúc mở ngõ cho khán giả tự đoán.
Người ta thường nói tới khủng hoảng tuổi trung niên ...Nhưng thật ra đó có lẽ là số phận của kiếp người. Khi bạn không còn gì để chạy đuổi, lo toan, khi cuộc sống đã đi vào lối mòn, bạn bỗng cảm thấy ê chề, chán mứa cuộc đời. Tâm thức chúng ta liên hồi nhảy múa, nó luôn muốn tìm cái gì mới mẻ để thử nghiệm, dù mới hôm trước đây ta đã khao khát chảy bỏng để muốn cái mình đang được ngày hôm nay. Nhưng khi đạt được rồi, chỉ "ba bảy hăm mốt ngày" ta lại muốn cái khác, và cái khác nữa.
Trong phim có một câu thoại rất hay, khi ngồi ở bãi biển, Shirley tự nói, hay nói với khán giả rằng, có nhiều thứ chúng ta tưởng là sẽ rất tuyệt diệu lắm nếu ta có được, nhưng rồi khi có được điều đó, ta lại thấy nó không như mình tưởng. Phải là người từng trải, từng mơ uớc, từng nhàm chán với điều đạt được, ta mới cảm thông tận cùng với triết lý, với chủ đề tư tưởng của truyện phim.
Khung cảnh nhạt nhẽo ở Liverpool với mưa dầm lạnh lẽo so với cái nắng mật ngọt ở Hy Lạp dễ khiến cho người ta thấy chán Anh quốc. Nên không lạ gì khi người Anh là một khách hàng quan trọng của các khu nhà mới đang được xây dựng ở vùng Địa Trung Hải. Và họ cũng có mặt tại các vùng có nắng khác trên khắp thế giới.