Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

17 Pages«<14151617>
Tạp ghi Hoàng Lan Chi
hoanglanchi
#301 Posted : Monday, September 22, 2014 9:46:37 PM(UTC)
hoanglanchi

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 406
Points: 408

Thanks: 4 times
Was thanked: 7 time(s) in 7 post(s)

Saigon Muôn Năm Cũ -Lê Anh Kiệt với Mặt trận tình báo





<dl></dl>

Nguyệt san Bút Tre số tháng 9/2014

LGT: Lê Anh Kiệt là GS Hóa vài trường tư thục trước 1975, đồng thời cũng là một nhân viên trong Phủ Đặc Uỷ Trung Ương Tình Báo, cũng có thể coi là một “sư huynh” của Hoàng Lan Chi. Ông là một trong những người có thể xếp vào nhóm “Những người tù cuối cùng của nhóm đi tù vc sau 1975”. Với 17 năm tù vc, ông đến Mỹ trong danh sách đặc biệt của Hoa Kỳ. Xin mời nghe ông kể về một hoạt động trong phòng A 17 của ông, liên quan đến việc VNCH giành lại Ban Đại Diện Khoa Học vào năm 1972.


HLC: Xin chào “sư huynh” Lê Anh Kiệt. Chúng ta cùng trường và lại cùng môn Hóa. Tuy vậy, khi anh trở lại trường và hoạt động trong việc chống cộng sản xâm nhập Khoa Học thì HLC đã rời khỏi nơi đó và khi HLC quay trở về thì có lẽ mọi việc đã tương đối ổn định. Câu hỏi đầu tiên là chút tò mò về nhân thân. Anh sinh quán ở đâu, cha mẹ làm gì, đậu tú tài năm nào, lý do nào vào Khoa Học?

LAK: Để trả lại 2 chữ “sư huynh” , cho phép tôi dùng 2 chữ “sư muội” cho có vẻ “Kim Dung” một chút! Tôi là người Sài Gòn trăm phần trăm, như trong quyển hồi ký mà tôi lấy tên là “Một Cuộc Đổi Đời” tức “17 năm trong các trại CT của CSVN” của KALE tôi có kể, ba tôi trước đó là công chức của Sài Gòn, theo Việt Minh và đã chết trong cuộc chiến chống Pháp trước khi hiệp định Geneve ra đời, và mẹ tôi là một người thợ may. Sau khi đậu Tú Tài 2 năm 1964, tôi vào Khoa Học vì tôi vẫn thích làm Kỹ Sư Hoá, nhưng thời đó chưa có trường nào dạy ngành này nên đành học Khoa Học vậy! Tập Hồi Ký này tôi có phổ biến trên web riêng: sites.google.com/site/lakiet


HLC: Sau khi tốt nghiệp Khoa Học, anh có phải vào quân đội không? Nguyên cớ nào đưa anh gia nhập Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo?
LAK: Tất nhiên lúc bấy giờ ngoài những người được hoãn dịch vì lý do gì đó thì thanh niên nào ở miền Nam cũng vào quân đội, nhưng tôi được biệt phái về Phủ sau 9 tuần quân sự. Tôi vào làm cho Tình Báo là do nơi đó tuyển mộ, bên này gọi là recruit (chứ không phải là hire!)


HLC: Xin cho vài nét khái quát về Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo? Thành lập từ bao giờ, quy chế tuyển dụng, lương bổng?
LAK: Thật ra tôi không rành về cơ cấu tổ chức của Phủ ĐUTUTB lắm vì nguyên tắc ngăn cách của nó và cũng vì tôi là một nhân viên hoạt động ngoại vi (field operation). Lương bổng thì tính theo ngạch công chức, tức là tuỳ theo bằng cấp của nhân viên mà chia ra các ngạch A, B, hay C, cộng với công tác phí.


HLC: Anh được huấn luyện trong bao lâu, tại VN hay có tu nghiệp ở Mỹ?
LAK: Lúc bấy giờ, vì lý do cần thiết cho công tác nên chúng tôi chỉ học rất ngắn hạn những nguyên tắc tình báo tại cơ quan rồi tung ngay ra để thực hiện các công tác cần thiết.

HLC: công tác đầu tiên là gì?
LAK: Đầu tiên tôi chỉ có nhiệm vụ theo dõi và báo cáo lại các tin tức của các tổ chức sinh viên thân Cộng (do Thành Đoàn TN Lao đông HCM, tức Thành Đoàn Thanh Nhiên CSHCM bây giờ) trực tiếp điều khiển. Lúc bấy giờ các phong trào SV do Huỳnh Tấn Mẫm cầm đầu ở mặt nổi, liên kết với các tổ chức được gọi là thành phần thứ 3, do bà Ngô Bá Thành cầm đầu và các tổ chức tôn giáo thân Cộng như Phật Giáo Ấn Quang, nhóm linh mục Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín thuộc giòng Chúa Cứu Thế. Công tác này thật ra chỉ là công tác mở đầu vì lúc ấy tôi vẫn chưa có kinh nghiệm về các công tác tổ chức và điều khiển.


HLC: Vì sao có A 17 ra đời?
LAK: Khi SV Lê Khắc Sinh Nhật, chủ tịch SV Luật Khoa bị đặc công CS giết chết ở ngay sân trường Luật, sau một cuộc bầu cử Tổng Hội SV của Viện Đại Học Sài Gòn đã bầu anh Lý Bữu Lâm, một sinh viên có khuynh hướng Quốc Gia lên làm chủ tịch và anh Nhật là phó chủ tịch Nội Vụ. Ở các phân khoa nhất là 3 phân khoa lớn là Khoa Học, Luật và Văn Khoa, bọn SV thân Cộng vẫn hoành hành không theo chỉ đạo của Tổng Hội SVSG. Tổng Hội SVSG chỉ có danh chứ không có thực lực vì lực lượng sinh viên đều nằm tại các phân khoa. Trong tình hình đó cơ quan an ninh tình báo VNCH quyết định thành lập ban A17 để trực tiếp đối đầu với Thành Đoàn Thanh Niên Lao Động HCM, lúc ấy do Trần Bạch Đằng trực tiếp chỉ huy. Các SV thân Cộng có tổ chức “thành đoàn” hổ trợ thì các SV Quốc Gia cũng phải có một tổ chức yểm trợ, đó là ban A17, đó là điều dĩ nhiên.
HLC: Xin vài nét khái quát về tình hình lúc đó?
LAK: Các câu trả lời trên của tôi chắc cũng phần nào nói lên tình hình lúc ấy, tức vào năm 1971-1972. Ngoài chiến trường thì Quân Đội ta đang phải đối đầu với những trận đánh ác liệt của CSBV, ở hậu phương thì các tổ chức thân Cộng cứ phá rối trị an. Có bao giờ người dân bình thường đặt câu hỏi, “tại sao các phong trào được gọi là đòi hoà bình chỉ chống đối phe tự vệ, tức chính phủ VNCH mà lại không chống đối phe tấn công, tức CSBV hay không?” Hỏi tức là đã trả lời, vậy thì các tổ chức hoà bình ấy là của ai hoặc do ai chỉ đạo!


HLC: Anh nhận định thế nào vai trò của sinh viên thân cộng trong giai đoạn này?
LAK: Sinh viên là nguồn nhân lực nòng cốt trong mọi cuộc xuống đường. Thật ra SV thường có lòng yêu nước của tuổi trẻ nhưng lại không đủ khả năng để phân biệt sự khác nhau giữa “chủ nghĩa yêu nước” với “chủ nghĩa Cộng Sản”. Chính vì vậy mà lòng yêu nước đã biến rất nhiều SV trở thành những người thân Cộng và ngay cả việc biến họ thành những người CS.


HLC: Xin cho vài ví dụ cụ thể về tuổi trẻ yêu nước và đã lầm đường vì sự tuyên truyền của CS? Khi tỉnh ngộ, họ đã làm gì? Nếu được, cho danh tính vài người đã ‘tỉnh ngộ” khi VNCH còn tồn tại và chỉ tỉnh ngộ khi CS chiếm Sài Gòn khoảng vài năm?
LAK: Thí dụ cụ thể nhất là anh phó chủ tịch ngoại vụ của BĐDSVKH thời của Phạm Hào Quang, tức là anh Nguyễn Công Hoan. Anh ta là dân biểu thời VNCH (nếu tôi nhớ không lầm là đơn vị ở Huế) và sau 75 cũng là dân biểu của VC, hiện anh đang cư ngụ tại California, Hoa Kỳ.


HLC: Xin kể lại giai đoạn anh giúp phe ta chiếm lại được ĐH Khoa học? Đó là thời điểm nào, nhóm vc nằm vùng nào đang thao túng Ban Đại Diện sinh viên?
LAK: Tại ĐHKH, nhóm SV thân Cộng có tên là Nhóm Bừng Sống, được trực tiếp chỉ đạo bởi thành đoàn TNLĐHCM. Ban Đại Diện SVKH lúc ấy do anh Phạm Hào Quang làm chủ tịch, Đoàn Kỉnh là phó chủ tịch nội vụ, cả hai đều có khuynh hướng quốc gia, nhưng trong đó có anh phó chủ tịch ngoại vụ Nguyễn Công Hoan lại là một SV thân Cộng. Sau khi Phạm Hào Quang rời trường, anh Kỉnh nhập ngũ và anh Hoan đắc cử Dân Biểu của VNCH thì BĐD SVKH trở thành bỏ ngỏ. Anh Nguyễn Văn Thắng, tổng thư ký, thuộc nhóm Bừng Sống nắm lấy BĐD, thật ra người điều khiển chính có tên là Sơn (tôi không nhớ họ) và Lê Công Giàu. Kể từ đó nhóm Bừng Sống thao túng hoạt động của SV tại ĐHKH. Năm 1971, trước tình hình như vậy, cá nhân tôi nhận trách nhiệm tổ chức để chiếm lại ban đại diện SVKH cho các sinh viên Quốc Gia. Trở lại trường sau hơn hai năm vắng bóng, không còn ai quen biết, tôi điều nghiên tình hình và nhận thấy đa số sinh viên đều rất khó chịu về những hành động của nhóm Bừng Sống với những áp lực buộc SV phải theo họ đi biểu tình, bãi khoá v.v., chính nhóm SV Bừng Sống này đã làm cho khối đa số SV thầm lặng không thể yên tâm học hành. Tuy nhiên, không có một tổ chức nào đứng lên giúp cho họ có một tiếng nói. Từ nhận định đó tôi bắt đầu kết thân rồi “chiêu mộ” những sinh viên mà tôi gọi là “nhóm SV thầm lặng”, nhất là những người mới chập chững bước vào ngưỡng cửa đại học, tổ chức họ thành một nhóm. Nhân lúc ấy đang có trại Long Thành tiếp đón các đồng bào tạm cư vì chiến cuộc Bình Long nhưng vẫn chưa có một tổ chức SV nào đứng ra giúp đỡ, tôi giúp họ thành lập một tổ chức lấy tên là “Uỷ Ban SVKH cứu trợ đồng bào chiến nạn”, nhân đó tôi liên lạc với anh Phạm Hào Quang, với tư cách chủ tịch của BĐD cũ, để nhờ anh đứng ra giúp Uỷ Ban này lấy trụ sở của Ban Đại Diện SVKH làm trụ sở sinh hoạt. Tất nhiên nhóm SV Bừng Sống phản đối rất mạnh kể cả dùng vũ lực. Cuộc xung đột giữa 2 nhóm SV diễn ra rất thường xuyên, cuối cùng thì chúng tôi cũng chiếm được trụ sở Ban Đại Diện SVKH để có nơi chính thức sinh hoạt. Bước tiếp theo, chúng tôi nhờ anh Quang tổ chức cuộc bầu cử ban đại diện SVKH đã bị ngưng từ lâu và để cho cuộc bầu cử được vô tư, tôi yêu cầu anh Quang chỉ đứng ra với tư cách trưởng ban tổ chức bầu cử chứ không tham gia ứng cử hoặc đưa người ra ứng cử. Cuộc bầu cử BĐDSVKH trước đó đều là gián tiếp, tức là chỉ có đại diện các chứng chỉ đi bầu cho BĐD. Nay, nếu tiếp tục làm theo thể thức ây thì nhóm SV Quốc Gia không thể thắng được vì nhóm Bừng Sống đang làm chủ tình hình ở các chứng chỉ. Vì lý do đó chúng tôi yêu cầu tổ chức bầu cử trực tiếp, tức là mọi SVKH đều được đi bầu như thế mới thể hiện được tính dân chủ thật sự. Với sự chống đối dữ dội của nhóm Bừng Sống và một vài giáo sư trong trường, nhưng với sự ủng hộ của đa số sinh viên và giáo sư, cuộc bầu cử đã thành công và Ban Đại Diện SVKH 71-72 ra đời với anh Nguyễn văn Lễ thuộc nhóm SV Quốc Gia làm chủ tịch. Nhóm Bừng Sống lui về sinh hoạt lẻ tẻ ở một câu lạc bộ SV gần giảng đường 1 và dần dần cũng bị BĐD tiếp thu. Kể từ đó đến tháng 4 năm 1975, những Ban Đại Diện SVKH tiếp theo đều là những SV Quốc Gia và nhóm Bừng Sống hết môi trường hoạt động tại trường ĐHKHSG.


HLC: Anh đề cập đến một vài giáo sư, xin cho hỏi đó là ai? Trước 75, chúng tôi chỉ nghe phong phanh rằng Ban Địa Chất là một “ổ VC”. Sau 75, lộ ra GS Trần Kim Thạch và em gái ông, Cô Trần Thị Lạng. Về GS Lê Văn Thới, GS có công khai ủng hộ đám thiên tả hay đám phản chiến bên ngoài như Ngô Bá Thành, Ngô Công Đức gì không? Ngoài ô Trần Kim Thạch, còn ô Đinh Văn Hoàng (Sinh Hóa), GS Lê Văn Thới (Hóa) thì thế nào? Bên Động Vật/Thực Vật có những giáo sư, sinh viên nào thiên tả rõ rệt?
LAK: Tất nhiên trong số đó phải kể đến GS Trần Kim Thạch, Trần Thị Lạng. GS Thới thì bất mãn vì đã bị mất chức Viện Trưởng Viện Đại Học SG và bị ảnh hưởng của những nhóm SV ở Pháp lúc ông ấy du học bên Pháp nên thường có những lời nói khó nghe mà thôi chứ chưa thấy có hành động cụ thể nào.


HLC: Thế còn các khuôn mặt sinh viên nổi bật? Tổng nha cảnh sát có tài liệu về Miên Đức Thắng không? Lý do, MĐT học SPCN cùng năm với HLC và phải nói HLC cũng là những sinh viên thuộc “khối thầm lặng bực mình với đám sinh viên tối ngày xuống đường” mà không biết làm sao.
LAK: Tôi không biết những tài liệu ấy, nhưng tôi nghĩ chắc là phải có. Nhưng anh ta là một nhạc sĩ và anh ta cũng chỉ sáng tác nhạc giống như TCS chứ chưa thấy có hành động theo CS rõ rệt. Thêm vào đó ảnh hưởng của anh ta không đáng kể vì anh ta cũng không lôi kéo được bao nhiêu SV. VNCH mặc dù là một quốc gia Dân Chủ ở tình trạng “phôi thai’, nhưng cũng phải tuân thủ luật pháp của một xứ sở dân chủ. Nếu không bị bắt quả tang phạm pháp hoặc có chứng cớ cụ thể thì Cảnh Sát không có quyền giữ hơn thời hạn quy định. Đó chính là lý do ta thấy tại sao Huỳnh Tấn Mẫm cứ bị bắt rồi thả ra không biết bao nhiêu lần cho đến cuối cùng mới bị bắt quả tang và được trao trả cho phía VC (nhưng họ không nhận.)


HLC: Tại sao VC không nhận Mẫm? Sẵn nói tới Mẫm, xin anh cho vài nhận xét? Mẫm, có vẻ hoạt động rất mạnh và khá được việc trong việc phá hoại VNCH. Đặc biệt, khi có mâu thuẫn giữa Thiệu, Kỳ thì Mẫm đã dựa vào Kỳ. Sau 75, Mẫm không được trọng dụng và bây giờ, thời điểm 2014, Mẫm có vài bài viết không hẳn là ăn năn nhưng cũng bàng bạc tư tưởng ấy.
LAK: Tất nhiên tôi không biết rõ tại sao VC lại không nhận HTM, tôi nghĩ chỉ có tụi chóp bu của VC mới biết lý do chính mà thôi. Tất cả những lý do nhiều người đưa ra theo tôi chỉ là suy đoán, nào là họ còn có thể dùng Mẫm như một lá bài lật ngửa, nào là HTM chưa phải là một đảng viên vân vân. Việc HTM dựa vào ông Nguyễn Cao Kỳ bởi vì theo suy nghĩ của tôi lúc đó HTM không có chỗ dựa nào khác để khỏi bị bắt giam, vì lúc đó lá bài HTM đã hết hiệu quả. Còn chuyện của ông Kỳ chứa chấp HTM dù biết rõ anh ta là VC, tôi xin không nói đến để tránh bị tranh cãi vô ích. Chuyện sau 75 là chuyện của CS, tôi thấy chẳng ai được họ trọng dụng lâu dài mà tất cả những SV và các thành phần gọi là thứ ba theo họ đều chỉ được dùng như những con cờ trong một giai đoạn nào đó mà thôi. Theo ý của riêng tôi, HTM không ăn năn hay bàng bạc có ý tưởng ăn năn như HLC nói mà anh ta đang ngấm ngầm bất mãn vì không được trọng dụng sau khi anh ta đã đóng góp một phần rất lớn trên mặt trận chính trị để giúp cho CS chiếm được miền Nam.


HLC: Trở lại với A 17. Nhóm Bừng Sống “chết” tại Khoa Học nhưng còn ở các phân khoa tự do khác như Luật, Văn Khoa? Có phải vì đối diện Tổng Nha CS nên phải cương quyết xóa sổ vc tại Khoa Học?
LAK: Nhóm Bừng sống không “chết” mà lui vào hoạt động trong bóng tối, một số thành viên thì vào mật khu, một số bị lực lượng an ninh bắt quả tang đang trên đường trốn vào mật khu. Sau khi ban A17 thành lập thì chúng tôi nhắm vào tất cả các phân khoa của VĐHSG chứ không phải chỉ có ĐHKH, sau đó chúng tôi dần dần nắm hết các tổ chức SV của VĐHSG cho đến tháng 4 năm 1975, nhưng vì tôi không trực tiếp nên tôi không biết chi tiết cụ thể. Kể từ 72 đến 75, VC không còn lợi dụng lực lượng SV được nữa nên chúng mới thành lập những tổ chức khác để yểm trợ cho những cuộc quấy rối thủ đô SG như “phong trào phụ nữ đòi quyền sống, lực lượng thanh niên cứu đói, ký giả ăn mày”, hoặc lợi dụng các thương phế binh vân vân, nhưng không quy tụ được số đông và không gây được tiếng vang lớn như các phong trào SV trước đó. Chỉ còn một số nhỏ không quan trọng mấy ở VĐH Vạn Hạnh do Phật giáo đỡ đầu nên rất khó vì dễ bị đụng chạm đến tôn giáo. Thêm vào đó công tác tình báo rất tốn kém, mà VNCH không có đủ ngân sách để đài thọ. Tôi xin lấy một thí dụ nhỏ về sự tốn kém ấy, trong thời gian nghỉ Hè, sau những kỳ thi SV không làm gì thường bị lôi kéo vào những hoạt động gây mất trật tự. Muốn tránh điều này cần phải có một trại hè cho SV để đưa họ ra khỏi thủ đô. Việc đài thọ cho một trại hè với hàng chục ngàn SV không phải là một chi phí nhỏ! Chúng ta nên nhớ thêm rằng ngoài phương diện tam quyền phân lập, VNCH còn bị áp lực của Hoa Kỳ và nhất là của truyền thông Hoa Kỳ cũng như của các phong trào phản chiến ở Mỹ và các nước phương Tây.


HLC: Dù sao cũng phải ghi một điểm son cho A 17 trong việc ổn định tình hình giới sinh viên. Thời nào cũng thế, thanh niên luôn là phát súng khởi đầu vì trái tim nhiệt huyết và cái đầu tương đối không quá u mê nhưng lại ngây thơ vì chất chứa những lý tưởng cao vời. Hiện giờ những người ấy đâu rồi? Tôi muốn nói đến những người công tác tại phòng A 17? Tôi có thể hình dung, nếu không thoát kịp, hẳn những con người tương đối ưu tú ấy ( tôi dùng chữ tương đối vì họ phải đối phó trong một mặt trận khác, không phải rạch ròi để xả súng vào đối phương mà phải len lỏi, mưu kế) đã bị cộng sản trả thù tàn nhẫn lắm. Cá nhân anh, với gần 17 năm tù là một chứng minh hùng hồn. Xin kể cho chúng tôi nghe về vài con người lãnh đạo của A 17 và vài người đã hy sinh trong ngục tù CS?
LAK: Ngoài vài anh bạn đã chết trong ngục tù CS, hầu hết chúng tôi đều đã sang đây theo chương trình trao đổi của Mỹ với VC, mà ta thường gọi là HO. Xin phép cho tôi không nhắc tên những người ấy vì chúng tôi đã vướng vào cái nghiệp tình báo, tức là làm việc trong bóng tối và cũng sẽ chết trong bóng tối.


HLC: Cảm ơn anh về sự hoài niệm những người con ưu tú của tổ quốc trong mặt trận tình báo. Trước khi tạm biệt, xin cho vài nhận định của anh đối với cuộc chiến hôm nay? Sau hơn 30 năm, VC tất nhiên không phải là cộng sản thuần túy thế nhưng với những người nặng lòng với quê hương đất nước vẫn không thể ngồi yên. Giải pháp nào cho Việt Nam hiện nay?
LAK: Theo ý tôi, CS bao giờ cũng là CS. Tuỳ lúc và tuỳ thời mà chúng khoác một chiếc áo khác mà thôi! Nào là “Hoà Hợp Hoà Giải,” rồi “Kinh tế thị trường theo định hướng XHCN” vân vân, chỉ là những sách lược của họ trong một giai đoạn nào đó. Tôi mong các thế hệ thanh niên nhất là ở quốc nội và cả những người Việt ở quốc ngoại nên nhận định rõ như vậy khi phải đối đầu với chúng. Những người Việt ở quốc ngoại dù sao cũng đã chấp nhận cuộc đời ly hương, tranh đấu để hỗ trợ cho những thanh niên trong nước mới là chính. Tranh giành một chút tiếng tăm hoặc quyền lực càng làm chia rẽ tập thể và giúp cho CS có đất nẩy mầm.

Hoàng Lan Chi thực hiện 9/2014
1 user thanked hoanglanchi for this useful post.
xv05 on 10/18/2014(UTC)
hoanglanchi
#302 Posted : Saturday, October 18, 2014 11:27:09 AM(UTC)
hoanglanchi

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 406
Points: 408

Thanks: 4 times
Was thanked: 7 time(s) in 7 post(s)

Tháng Mười “Duyên Dáng”






California bây giờ mới chính thức chớm Thu. Lá úa vàng, trời hơi se lạnh. Thế là muộn vì đã giữa tháng Mười.

Ngày xưa, thuở sinh viên, một ngày tháng Mười, một người bạn nói thế này “Tôi đoán chắc Qg sinh tháng Mười”.

Ngày đó, tôi là ngây thơ và còn “tồ” nữa là khác nên mở to mắt “Ủa sao anh biết” “Nhìn đôi mắt Qg là biết!”.

Ngày ấy, tôi không hề biết là anh bạn đã “lén” nhìn vào phiếu thực tập và biết được ngày sinh của tôi. (Chúng tôi thực tập chung lớp Sinh Hóa).
Tôi chỉ biết tôi thích anh nói tiếp theo “Mấy người sinh tháng Mười thường đa sầu đa cảm nhưng rất thông minh”.

Mấy chục năm trôi qua, giờ này tôi muốn nhắn lại với người bạn cũ “Anh đoán Qg đúng đấy chứ. Qg thông minh mà. Nhưng Qg cũng rất mau nước mắt”. Và muốn gửi đến anh “Chuyện ngày xưa dễ thương anh nhỉ”
Tháng Mười với tôi năm kia, 2012, là “xinh xắn” và năm nay, 2014, là “duyên dáng”.

“Xinh xắn” vì là quà nho nhỏ từ một cậu em cùng “nòi”. “Nòi” ở đây là cùng nòi Bắc kỳ chín nút, cùng nếp nhà kiểu xưa, cùng dân thích học. ( tức là thuộc loại “gạo”!) Năm nay “duyên dáng” vì cũng là quà nho nhỏ từ người cũng cùng “nòi”. Với người cùng “nòi”, tôi cảm thấy dễ chịu. Cái dễ chịu của những loại hoa cùng loại trong cùng một vùng đất, của những con chim cùng hót một giọng, của những con cá cùng bơi lội trong một giòng sông. Đó là sự nho nhã, sự dịu dàng, sự tế nhị trong một tâm hồn đa sầu đa cảm. Đa cảm thì mới biết rung cảm trước vẻ đẹp của một đóa hồng sớm mai, của một thánh ca chiều thứ bẩy, của một quyển sách cuối tuần. Đa sầu để biết nghiêng mình rất nhẹ như chiếc bóng nghiêng của một buổi chiều tà xuống những mảnh đời không vui. Giao thiệp với những người cùng “nòi”, tôi không thấy bị “hurt”. Sự giáo dục gia đình tương tự như của tôi thì những suy nghĩ cũng tương tự, phải không.

Bèo hợp để rồi tan
Trăng tròn để rồi khuyết
Người gần để ly biệt
( Quên tên tác giả)

Hai “dễ thương” và “xinh xắn” đã “gần để ly biệt”. Nỗi buồn chỉ chao nhẹ.
“Duyên dáng” bây giờ thì chưa biết bao giờ sẽ “ly biệt”!

Tôi không quan tâm đến những điều đó nhiều. Đã từ lâu, tôi tập cho mình “thương” rất dễ và “quên” cũng rất mau. Là mình áp dụng nguyên tắc sống của Mỹ “Take it easy”, tôi tự nhủ thầm mình như thế.

Đã có những người bạn tôi cũng “thương” lắm chứ. Nhưng khi cần thì cũng chia tay thật nhanh và mọi cái như bong bóng. Tan vỡ như chưa bao giờ hiện diện.

Mà thôi, hãy tận hưởng “duyên dáng tháng Mười” bằng việc nghe một nhạc phẩm dễ thương mà người gửi hỏi tôi có thích không. Thì phải thích chứ vì nhạc hay, người hát cũng hay cơ mà:

https://dl.dropboxusercontent.co...le/DV-GoiNguoiYeuDau.wma

Rừng Gió California tháng Mười 2014

Hoàng Lan Chi
1 user thanked hoanglanchi for this useful post.
xv05 on 10/18/2014(UTC)
hoanglanchi
#303 Posted : Tuesday, October 21, 2014 6:18:13 PM(UTC)
hoanglanchi

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 406
Points: 408

Thanks: 4 times
Was thanked: 7 time(s) in 7 post(s)


Đỗ Dung với “Như Một Thoáng Mây Bay”

LGT: Hoàng Lan Chi đọc “Bên Bờ Tử Sinh” đã lâu ở net. Thấy xúc động. Một tình cờ mà quen Đỗ Dung. Đỗ Dung có nghe tên Hoàng Lan Chi và sau đó gửi sách tặng. Tuy Hoàng Lan Chi đọc ngay nhưng viết thì đôi khi cần có hứng. Lý do, Hoàng Lan Chi không bao giờ áo thụng vái nhau và những gì Hoàng Lan Chi viết thì xuất phát từ trái tim chân thành của mình. Hoàng Lan Chi dám nói rằng, tất cả các tác giả mà Hoàng Lan Chi điểm sách đều vui như chưa bao giờ vui thế. Tại sao ư? Thì tại vì họ có thể khoe bạn bè mà không “ngượng”. Vì những ngợi khen đều được dẫn chứng chứ không phải là những ngôn từ kêu rổn rảng mà rỗng tuếch. Xin mời xem Hoàng Lan Chi giới thiệu “Như Một Thoáng Mây Bay” của Đỗ Dung.

Trò Chuyện với Lan Chi – Nguyệt san Bút Tre tháng 10/2014















Đỗ Dung với “Như một thoáng mây bay”

Trong cuộc đời này, đôi khi chúng ta đến với nhau rất “buồn cười”.
Tôi quen nhà văn Đỗ Dung cũng là một dạng đến với nhau thật “buồn cười”. Buồn cười là vì Đỗ Dung bênh vực lẽ phải và chuốc họa. Tôi cũng bênh vực lẽ phải và cũng chuốc họa. Thế là từ cái “họa” mà hai đứa giữa đường bị quàng đã biến thành cái “may” là sau đó hai chúng tôi có nhau. Một người Trưng Vương là Đỗ Dung, một người Gia Long là tôi. Người Gia Long hôm nay giới thiệu một người Trưng Vương với giới thưởng ngoạn bốn phương qua tác phẩm “Như một thoáng mây bay”.


Tập truyện ngắn “Như một thoáng mây bay” (NMTMB) là một tác phẩm “đẹp”. Tôi quan niệm như thế này: một tác phẩm đẹp là phải hội đủ hình thức đẹp, nội dung đẹp và mục đích đẹp. Đứa con tinh thần đầu lòng của Đỗ Dung có đủ ba yếu tố trên và với tôi, là tác phẩm đẹp.


Hình Thức Đẹp
Quyển sách với giấy trắng khá dày và bìa đẹp nhã nhặn. Doãn Quốc Vinh trình bầy bìa. Nền mầu xanh lá mạ. Cảnh chim bay, ánh trăng vàng. Tựa sách mầu trắng. Tên Đỗ Dung mầu đen. Tất cả là một phối hợp nhẹ nhàng thanh thoát. Điều ấy phù hợp với Đỗ Dung, người Trưng Vương gốc Bắc, cô nữ sinh thuở nào và những tâm tình như thoáng mây bay.
Bìa sau như mọi trình bầy sách khác là chân dung tác giả và vài nhận xét. Đỗ Dung nói với tôi rằng đã có người phê bình là mọi cái đều “ được” trừ chân dung tác giả. Tôi bật cười trả lời “Đúng vậy. Nếu là Hoàng Lan Chi chọn cho Đỗ Dung, Lan Chi sẽ chọn một tấm của cô nữ sinh ngày xưa. Đồng thời có ghi chú năm ở dưới thì cũng không phải là một sự không đúng nào đối với độc giả cả”.

Bên trong là nhiều phụ bản tranh của Duy Thanh. Cũng phải thôi vì họa sĩ Duy Thanh là anh chồng của Đỗ Dung. Những bức tranh của một người từ xưa lắm, thuở miền Nam đang dang tay đón hơn một triệu đồng bào Bắc bỏ quê ra đi tìm tự do, có những nét mạnh, gẫy mầu sắc đậm, cho tôi cái cảm tưởng đấy là những nét chấm phá trong toàn cảnh “mây bay” của Đỗ Dung.
Đỗ Dung viết nhiều truyện thực nhưng cô con gái nhà nề nếp ấy quá giữ kẽ. Cô không rơi vào trường hợp của vài tác giả khác. Những tác giả ấy đã biến tác phẩm thơ của mình thành một “album” gia đình. Đỗ Dung thì không hề. Nhưng như vậy, với tôi, lại là chút thiếu sót. Tôi nghĩ rằng, sẽ không có độc giả nào khe khắt khi nhìn thấy hình ảnh thực kèm trong bài viết về bố, về mẹ, về anh, về em…
Với một hình thức nhẹ nhàng, trang nhã và toát ra vẻ tôn trọng độc giả thì nếu tôi có trao tặng hình thức đẹp cho sách của Đỗ Dung, có lẽ cũng không phải là vì người Gia Long ưu ái cô bạn Trưng Vương đâu nhỉ?
Nội Dung đẹp
“Như một thoáng mây bay” có một nội dung đẹp.


Trước hết đẹp vì sự ngăn nắp, thứ tự của truyện. Có nhiều tác giả đã làm tôi bị rối và tôi bỏ dở. Tôi vẫn cho rằng để được phổ biến rộng rãi, đưa tâm tình, tư tưởng của mình đến với mọi người thì phải là một dĩa bánh ngon, một bình hoa đẹp. Mọi cái phải ngăn nắp thứ tự nhất là trong thời đại internet này, mấy ai có nhiều thì giờ để nghiền ngẫm nếu như mọi việc bị rối bòng bong.

Đỗ Dung cảm ơn cha mẹ, gia đình, con cháu và bạn hữu. Từng nội dung cũng được sắp xếp như thế. Viết đến đây tôi nhớ đếnmột nhạc phẩm của PD mà tôi thích vì tôi cho rằng nó nói lên cái tình tự gia đình của người Việt Nam: Me có hay chăng con về rồi mới đến Em có hay chăng anh về và cuối cùng mới là Con có hay chăng cha về.

Những ân tình được Đỗ Dung mở đầu cho cha. Đừng nghĩ là tâm tình viết cho người già thì không hấp dẫn nhé. Không, Đỗ Dung thật tuyệt vời khi mô tả cảnh đến gặp cha, chiếc lá vàng sắp rụng chưa đầy một trang. Rồi ngay sau đó Đỗ Dung đã nắm tay độc giả chạy phăng phăng về miền quá khứ. Chuyến xe dĩ vãng thật hấp dẫn người đọc với giọng văn giản dị, dí dỏm. Những người của Hà Nội năm nào thú vị đã đành mà những người của Sài Gòn năm nào như tôi ( nghĩa là di cư vào Nam khi còn bé lắm và như vậy tôi là người Sài Gòn!) cũng thú vị. Bức tranh thật sống động với một cảnh gia đình công chức tiểu biểu.

Sau nỗi nhớ về cha, “Chiếc Lá Vàng” , tuy chỉ là một thoáng mây bay nhưng cũng đã mô tả được toàn cảnh của gia đình, Đỗ Dung mời người đọc “Theo gió”. Cũng là chuyến xe về miền quá khứ nhưng là một quá khứ xưa hơn. Vì xưa hơn nên có lẽ “Theo Gió” là chương hấp dẫn tôi nhiều. Hà Nội, tháng Tám, 1954. Những biến động của một thời ly loạn, những vất vả của một thời di cư. Tất cả không làm người đọc đau đáu nỗi đau mà chỉ ngoái nhìn dĩ vãng với một thoáng ngậm ngùi. Như mây bay!

Rồi sau đó là những tự tình về gia đình, chồng con, bạn hữu. Dù chỉ thoáng mây bay nhưng độc giả vẫn được ngắm từ thuở mây hồng cho đến thoáng mây hoàng hôn.


Vẻ đẹp nội dung thứ nhì là tâm tình đẹp. Có những quyển sách viết về thời đã qua nhưng làm người đọc đau khổ vì những uất nghẹn, hờn căm không có ý nghĩa. Tôi vẫn nghĩ rằng mọi nỗi buồn của quá khứ khi kể lại thì chỉ nên lướt hay khoác lên đó bằng một giọng văn khôi hài để giảm nỗi đau cho người đọc. Bởi vì đọc là để thông cảm, đọc không phải là để đắm chìm trong đau đớn.
Trở lại với “Như một thoáng mây bay”. Mọi tâm tình trong sách thật đẹp. Đẹp vì tình cha mẹ, vì nghĩa phu thê, vì đạo huynh đệ, vì phận làm con. Hướng thượng là một tiêu chuẩn mà tôi luôn dành cho sách được gọi là đẹp. Một chi tiết trong truyện làm tôi cảm động chảy nước mắt. Đó là chính tay bà mẹ chồng làm giỗ cho người sui gia. Người con dâu không dám bày tỏ gì vì đang gánh vác cả giang sơn nhà chồng nhưng bà mẹ chồng đã lên tiếng trước, đã tự tay làm. Quá là đẹp cho tình cảm mẹ chồng, nàng dâu thuở ấy.

Cái tâm tình của cha dành cho con gái được kể thật duyên dáng. Dù chỉ chênh nhau vài tuổi nhưng các em phải ở trại “nữ binh”, chị cả được nguyên một phòng. Cùng là con gái nhưng áo dài cho em chỉ là tetoron, còn chị cả là lụa cơ. Tôi đã mỉm cưởi khi đọc những chuyện kể thực và đáng yêu ấy.

Ngay cả một chuyện không vui mà Đỗ Dung cũng không hề đem giáo mác vào. Ông bố đào hoa và cô gái rượu đã tương tế tựu kế rồi cùng mấy cô em “dẹp giặc cho mẹ”. Không đáng yêu sao được khi con gái dẹp giặc cho mẹ, phải không? Và sau cơn mưa, trời lại sáng với đám con gái yêu cả cha và mẹ.

Một tâm tình đẹp khác được gửi trong “Bố của các con tôi”. Cũng vẫn bằng giọng văn giản dị, pha chút dí dỏm, Đỗ Dung khắc họa về người bạn đời với chi tiết thật, rất sống động. Và cái câu kết thật đáng yêu cho nghĩa vợ chồng:
“Tôi có nhắc nhở ‘mắm mắm lại gắt như mắm’ thì chàng ngỏn ngoẻn giả lả ‘Hình như là lẩu mắm, bún mắm cũng ngon lắm. Hì hì’”.
Một tâm tình khác, không chỉ đẹp mà cảm động làm bao người rơi lệ. Với “Bên Bờ Tử Sinh”, Đỗ Dung thuật lại câu chuyện thật của đời mình, một câu chuyện man mác cổ tích vì phép lạ ẩn tàng. Đỗ Dung được chẩn đoán mắc căn bệnh hiếm, phải thay phổi, thay tim. Bản án từ bác sĩ “còn sống khoảng hai năm” thật dễ sợ biết bao cho người vợ, người mẹ trong một gia đình tràn trề hạnh phúc. Đỗ Dung cũng trải qua giai đoạn xuống dốc, mất tinh thần. Nhưng rồi những suy nghĩ, thiền và tư tưởng chấp nhận đã khiến Dung đứng dậy. Còn số 2 năm của bác sĩ tặng, giờ đây đã là 11 năm. Há đây chẳng phải là một bài học tuyệt vời cho con người về niềm tin và hy vọng sao?


Vẻ đẹp nội dung thứ ba là tư tưởng đẹp. Một câu chuyện có tư tưởng đẹp là gửi vào đấy nhưng chuyện có thể thật hay không thật nhưng không được quá tiểu thuyết nghĩa là không thể có ngoài đời, và mục đích là mong ước, là khuyến khích người đọc cũng sẽ có những cái “đẹp” như thế. “Như một thoáng mây bay” đặc sắc nhất là tình cảm gia đình của ba thế hệ. Từ một thế hệ của thời mà phong kiến còn rơi rớt, của người con vâng lời cha mẹ lấy vợ lấy chồng mà không hề yêu nhau từ trước. Chính cái tư tưởng sống cho nhau, chăm chút nhau của đoản văn dưới đây đã thúc đẩy người đọc cũng sẽ mở lòng mình cư xử với người khác như thế:
“Buổi sáng trước khi cùng chị Sửu và cô Nga gánh hàng ra chợ, bà nội tôi thở dài:
-Tội nghiệp ông Giáo. Hôm nay là ngày giỗ ông đây, tôi ra chợ mua hoa quả, thêm vào thứ để chiều về mợ sử một mâm cơm canh cúng ông.
-Con cám ơn mẹ.
Nói xong mẹ tôi thổn thức. Bà nội tôi ái ngại bước chân đi.”

Không thể tưởng được một bà cụ thuở ấy lại nhớ được ngày giỗ của ông sui gia để nhắc con dâu làm giỗ bố. Tình cảm gia đình của người Việt Nam gia giáo, lễ nghĩa là như thế. Chúng ta có thể noi theo chăng?

Hoặc “Hết rồi cô gái Hà Thanh tóc dài thả gió lê thê. Cô gái thùy mị, nết na, không hề có mộng mơ, lãng mạn của một thời con gái. Mẹ về với cha theo duyên, theo phận, không một lời hẹn biển, thề non. Mẹ về với cha bằng tình, bằng nghĩa để rồi cả một đời keo sơn gắn bó. Cuộc đời mẹ đã hoàn toàn lệ thuộc vào người đàn ông đã cùng nhau làm lễ tơ hồng.” Tất nhiên cái tư tưởng an phận thủ thường không phải là một tư tưởng quá lộng lẫy đẹp nhưng cái tư tưởng chấp nhận và sống vui với sự chấp nhận ban đầu là một tư tưởng đẹp. Chính cái “chấp nhận” đã được đền bù: một mái gia đình hạnh phúc. (Theo Gió-Trang 50)
Hoặc cô dược sĩ đã lòng tự hỏi lòng bao lần khi mối mai cho cô là những chàng Y. Vợ Dược chồng Y còn gì hơn! Rồi anh chàng nhà giáo, đi lính ra trường với cái chức vụ “chuẩn úy quèn” đã uống thuốc liều sau nhiều lần e ngại. Rồi cô dược sĩ hỏi một câu “ Anh có yêu em thật không? Có suốt đời lo lắng bao bọc cho em không?”. Rồi cái kết cuộc bây giờ: “Trên con đường nhỏ dành cho khách bộ hành, một bên là đồi cỏ xanh, một bên là rặng hoa đào, ông già tóc bạc trông còn tráng kiện và lưng còn thẳng, người đàn bà bên cạnh dáng đi chậm chạp. Ông khẽ nắm tay bà, tay trong tay vẫn ấm và hai người thong dong, khoan thai đi bên nhau trong buổi sáng mùa xuân, nắng vàng đẹp, gió nhẹ hây hây hoa reo vui, lá reo vui trong khong gian thật êm đềm. Khuê cảm tạ Trời Phật đã cho Khuê một lựa chọn đúng, cho Khuê một nương tựa bình yên suốt cuộc đời ( Một thời con gái- trang 137)
Hoặc “ Minh tự tay xây một cái am nhỏ sau vườn làm noi thờ Phật. Hàng ngày em cũng thỉnh chuông và thắp nhang nguyệnn cầu. Như có sự mầu nhiệm, sau khi giải phẫu cắt bỏ gần hết mấy cơ quan nội tạng, Minh ra khỏi bịnh viện là đi làm ngay, lại lo toan, tính toán, sắp xếp cho tương lai ba thằng con…..( Như áng mây trôi. Trang 295). Thế há không phải là tư tưởng đẹp đã được gửi gấm qua câu chuyện thật? Rằng con người ta có số nhưng với nghị lực thì đôi khi nghị lực cũng thắng số như là “đức năng thắng số” vậy.


Hay “ Chiều từ từ buông xuống nhẹ nhàng. Hà đã có một cuộc sống hạnh phúc giản dị, êm dềm. Hà đã gặp hạnh phúc đó v đã biết gìn giữ, nâng niu hài lòng với những gì mình đang có. Phải chăng đây là chốn Thiên Đường. Thiên Đường hay Địa Ngục là do ta”. ( Dây tơ hồng. Trang 191). Tư tưởng ấy là cũ, nhưng lồng trong câu chuyện tình, thì vẫn coi là mới, là đẹp.


Vẻ đẹp thứ tư là ngôn ngữ đẹp. Ngôn ngữ trong văn là câu văn, cấu trúc và từ ngữ. Đọc Đỗ Dung với “Như một thoáng mây bay”, không ai có thể nói rằng không hiểu vì “bí hiểm” quá. Đọc Đỗ Dung, chúng ta dễ hình dung đến những người mở đường: Nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Sự giản dị, trong sáng của tiếng Việt được lướt nhẹ nhàng dưới bàn tay Đỗ Dung. Những ngôn ngữ đặc trưng của miền Bắc được diễn tả đúng chỗ, đúng lúc.
Dung viết “Tôi nhớ rất nhiều kỷ niệm với anh, ông anh tính nết lộc tà lộc tộc”. Hẳn là người miền Nam sẽ rất xa lạ với nhóm chữ “lộc tà lộc tộc” . Hoặc “Anh con trai phổi bò ruột ngựa” (Ngàn thu vĩnh biệt- Trang 197). Hiếm người miền Nam nào thích sử dụng “phổi bò, gà tồ” để mô tả chính xác sống động về tính cách của một người lớn mà còn ngây thơ, dại khờ như thế.

Tuy giản dị nhưng văn Đỗ Dung không phải lúc nào cũng “gạo tẻ” mà nhiều khi “gạo nếp” rất ngọt ngào. Lấy ví dụ “Ngàn thu vĩnh biệt” mà Dung lấy làm tựa cho tạp ký về người anh, không phải là óng ả đấy sao?
Hay “ ..qua khung cửa sổ, mặt trời mới ló lên khỏi ngọn đồi phía xa. Những vạt nắng vàng nhẹ như tơ, dịu dàng như thì thầm với hoa, với lá rồi êm ả lướt nhẹ, mỉm cười với những cảnh vật nắn đi qua.” ( Một thời con gái- Trang 137)

Không tìm được bất cứ một thứ ngôn ngữ nào không đẹp hay “cẩu thả” trong văn Đỗ Dung. Có vẻ như văn là người mà người phụ nữ ấy là một tượng trưng cho con gái Hà Thành xưa, cho một nề nếp cổ, cho một gia giáo cũ nên ngữ từ đẹp cứ thế tuôn chảy dễ dàng nhẹ nhàng. Như đó là ngôn ngữ hàng ngày của Dung. Giờ chỉ lập lại, viết ra.


Mục đích đẹp
Đỗ Dung viết sách không phải để bán. Sau một lần “bên bờ tử sinh”, cô nữ sinh Trưng Vương Trưởng ban Báo Chí ngày nào chợt có ý tưởng viết. Viết về chính cuộc đời mình. Những lưu dấu ấy, cũng có thể coi là một chấm nho nhỏ của gia phả để lại cho con cháu. Một ngày nào đó, những thế hệ thứ hai, những người Mỹ gốc Việt của giòng họ Đỗ bước vào tuổi lá vàng, cũng sẽ có những giây phút lắng đọng tâm hồn, thả hồn ngược giòng dĩ vãng thì cuốn tự truyện nhỏ sẽ giúp họ nhìn được một quãng đời của cha ông.

Quãng đời ấy có những mảng đẹp lộng lẫy nhưng cũng có những mảng buồn thê thảm. Quãng đời ấy có những đoạn đấu tranh để sinh tồn, để vươn lên: há không phải là một mục đích đẹp hay sao? Quãng đời ấy cho thấy người Việt với hai lần chạy trốn cộng sản, từ bỏ quê cha đất tổ, tha phương tìm tự do há không phải là một tấm gương đẹp cho thế hệ sau soi ư?


Xin mời xem một tùy bút cảm động vì là chuyện thật của Đỗ Dung: “Bên bờ tử sinh”.


Để biết một cảnh đời, xin mời mua “Như Một Thoáng Mây Bay”:


Do Dzung
544 International Blvd#1
Oakland, CA 94606
Tel: 510 – 386-8068
tacgiadodung@yahoo.com

Nhà sách Tự Lực
14318 Brookhurst St
Garden Grove, CA 92843
Tel: 714 – 531-5290


Bên bờ tử sinh

Đỗ Dung

Buổi sáng thứ bảy, mùa hè, bầu trời xanh trong không một gợn mây, màu nắng vàng chanh, gió nhè nhẹ mơn man làn da, mùi thơm của cỏ cây, hoa lá… vương vương, thoang thoảng. Con đường nhỏ uốn lượn nhẹ nhàng, hai hàng cây xanh bên đường đều tăm tắp, một bên hè trống tiếp ráp với những ngọn đồi nhấp nhô nối nhau trải dài, in lên nền trời, bên kia là dãy nhà nằm ngoan ngoãn sau những mảnh vườn được trồng tỉa vén khéo. Hai vợ chồng tôi lững thững đi trong cảnh trí êm lặng, an bình của thành phố nhỏ như còn đang say ngủ.
Tôi mới mổ “cataract” mắt bên phải, tinh nghịch nhắm bên mắt trái, cảnh vật như sáng hẳn ra, những chiếc lá thật rõ nét, óng ánh, rung rinh dưới nắng, những bông hoa tươi hẳn lên reo vui, cảnh vật trong trẻo như được nhìn qua khung cửa kính mới được lau chùi kỹ lưỡng bằng Windex. Nhắm mắt phải, mở mắt trái, vạn vật như qua một lớp sương vàng đục, mờ ảo, nhạt nhòa.
Hôm ấy, khi nằm trên bàn mổ ở nhà thương của trường Đại học Stanford, vẫn căn phòng sáng trắng, vẫn những thủ tục thông thường như những lần phải thử nghiệm hay mổ xẻ cần chụp thuốc mê, sao lòng tôi thanh thản không một chút âu lo. Từng giọt thuốc an thần từ túi treo trên cao nhỏ vào mạch máu, tôi chơi vơi, bềnh bồng.
– Bà Nguyễn, bắt đầu nhé!
Tiếng bà bác sĩ nhẹ nhàng thoảng bên tai, mắt tôi tê đi, không cảm giác, chợt hai đốm đen hình vuông hiện ra rồi từ từ một vầng mây màu hồng đỏ, màu đỏ tuyệt vời, bay bay. Một mảng xanh “turquoi” bay lượn trên nền trời xanh trong. Cứ thế những quầng mây màu sắc đẹp chưa bao giờ tôi nhìn thấy nhẹ nhàng bay bay, chơi vơi, chơi vơi…tôi đi vào một vùng an lạc tuyệt vời, như có tiếng gió nhẹ nhẹ, như có tiếng thầm thì và tôi thiếp đi trong cảm giác thật êm ái lạ lùng.
– Xong rồi, bà Nguyễn, bà nghỉ ngơi một chút rồi về nhé. Sáng mai trở lại gặp tôi.
Bà bác sĩ dịu dàng vỗ nhẹ cánh tay tôi, chiếc giường lại được đẩy về chỗ đợi khi sáng.
Trong đời, hai lần tôi có niềm sung sướng ấy. Niềm hạnh phúc mênh mông trong tuyệt vời cảm giác, như mê thiếp trong hoan lạc dị thường… Lần đầu tiên sau một buổi tọa thiền, đặt lưng xuống giường, tôi mê đắm trong cảm giác nhẹ nhàng, lâng lâng ấy.
– Bố mẹ dậy sớm thế, đi những đâu rồi? Bố mẹ có lên những con đường đi bộ trên núi chưa?
Cô con gái đang tỉa mấy cây hồng trong khu vườn trước cửa ngước lên hỏi khi thấy chúng tôi về.
– Chưa, bố mẹ mới đi quanh đây thôi. Nhà cửa đẹp, không khí thật êm ả, thanh bình. Mai các cháu có đi leo núi, có đi “hiking” nhớ rủ ông bà đi cùng nhá!
Tuần này chúng tôi ở chơi nhà cô con gái, như một kỳ nghỉ hè.
– Mời ông bà vào uống cà phê, ăn tạm một miếng bánh “croissant” rồi chúng con đưa ông bà qua San Francisco chơi.
Tiếng cậu con rể từ trong nhà vọng ra, mùi cà phê tỏa ra thơm ngát.
Đã lâu không ghé SF, khung cảnh vẫn như xưa, không thay đổi, bầu trời xám, nhiều mây. Mùa hè vẫn phải mặc áo ấm. Vẫn những chiếc xe điện kêu leng keng, chở du khách thăm thành phố. Con đường Lombart vẫn ngoằn nghoèo và những con dốc dựng đứng làm chùn bước những người lái xe không cứng. Khu quanh biển vẫn tấp nập khách nhàn du. Sau khi lái xe một vòng quanh phố, chúng tôi xuống một công viên cho các cháu chạy nhảy, chơi mệt rồi vào phố Tàu ăn mì trong một tiệm khá ngon.
Về tới nhà còn sớm các cháu rủ xuống hồ bơi.
– Mẹ mới “surgery”, xuống hồ bơi mẹ cẩn thận nghe.
Cô con gái luôn miệng nhắc vì cháu nghe kể có người sau khi mổ “cataract” không giữ gìn kỹ nên bị thông manh, nhìn mọi vật không rõ nữa.
Mang cặp kính đen to bản của nhà thương cho, tôi nằm trên chiếc phao nổi trong một góc khuất của hồ bơi mặc cho mấy ông cháu chơi đùa. Hai vợ chồng cô con gái lúi húi sửa soạn cho bữa ăn tối ngoài vườn.
Buổi sáng trời không mây, bây giờ vài cụm mây trắng từ đâu tới, lang thang trên bầu trời xanh trong đưa tôi về thời gian mới cách đây vài năm mà tưởng chừng như xa xôi lắm.
***
Một buổi chiều đang ở sở làm tôi lên cơn ho sặc sụa, ho như xé ruột gan, nước mắt chảy ràn rụa, tôi phải xin phép về sớm. Tôi rất ghét đi bác sĩ vì không thích cảnh ngồi dài người chờ đợi nên thường khi bị ho như thế tôi chỉ uống thuốc ho, nhờ nhà tôi xoa dầu nóng khắp châu thân rồi nằm nghỉ. Sau một giấc ngủ dài là khỏe lại ngay. Lần ấy nhà tôi nhất định đưa tôi đi bác sĩ.
Sau những khám nghiệm thông thường, bà bác sĩ lấy một dụng cụ nhỏ kẹp vào ngón tay tôi. Đọc kết quả bà thốt lên:
– Bà Nguyễn, bà phải nhập viện ngay. Độ oxygen trong máu bà thấp quá, chưa đến tám mươi phần trăm!
Bà nói nhân viên gọi ngay xe cứu thương. Hai vợ chồng nhìn nhau tê điếng. Trầm trọng vậy sao! Xe cứu thương đến, mọi vật như lao xao và tôi như người mộng du, nằm trên chiếc băng ca, chui vào lòng chiếc xe hụ còi chạy nhanh.
Trong phòng cấp cứu tôi vẫn thảng thốt, mới tuần trước đi Houston ăn Tết với gia đình cô em gái, khỏe mạnh không một triệu chứng nào, bây giờ nằm đây những dây cùng nhợ. Vô thường đến vậy sao!
Mỗi ngày y tá đến lấy máu, cứ vài tiếng lại đo nhịp tim, đo huyết áp, đưa tôi chui vào hết máy nọ, máy kia để tìm bịnh. Mấy hôm đó trời chuyển mưa, gần như ngày nào cũng có mưa, có ngày mưa nhẹ, có ngày mưa như vũ bão, gió rít từng cơn. Buổi chiều sau khi tan sở là nhà tôi và cháu út lại đến thăm, ngồi bên giường đến tối mịt mới về. Ban đêm còn lại một mình tôi không tài nào ngủ được, lòng ngổn ngang trăm mối, mệt mỏi thiếp đi thì y tá lại vào để đo nhiệt độ, đo tim, đo máu, lấy máu để thử nghiệm.
Tôi còn nhớ như in buổi tối sau khi làm “Angiogram”, nhà tôi và cháu út đang ngồi cạnh giường. Viên bác sĩ đến đã thản nhiên nói:
– Tôi rất buồn, bà Nguyễn, bà vướng phải một căn bệnh hiếm, “Pulmonary Hypertension”, bịnh không chữa được, chỉ đợi thay phổi, thay tim. Bà còn sống hai năm, hãy thu xếp và hãy vui những ngày còn lại.
Mặt nhà tôi trắng bệch ra và thằng con cắn môi, dụi mắt để ngăn tiếng nấc. Tôi điếng người nhận bản án tử hình! Tôi có cảm giác mặt tôi như đanh lại và người như tê đi.
Buổi sáng hôm sau, ngồi trên chiếc xe lăn rời khỏi bệnh viện. Từ nay tôi là kẻ tàn phế. Mũi lúc nào cũng phải có ống thở oxygen. Tôi thật sự thành người tàn phế!
Sau một tuần mưa gió, hôm ấy trời nắng ấm. Tôi nhớ căn nhà nhỏ của tôi, xa có hơn mười ngày mà tưởng chừng như lâu lắm. Trước nhà, cả dãy Hồng dọc lối đi đầy hoa. Bước ra sân sau thăm khu vườn nhỏ, vạn vật như tươi cười trong nắng, cây Apricot hoa chi chít từ gốc đến ngọn, màu hồng dịu dàng như màu hoa Anh Đào của Nhật. Cây Mận đầy hoa trắng xóa trên cành. Cây Đào ăn trái hoa thưa hơn, màu hồng đậm hơn, duyên dáng ở một góc vườn. Bên hông nhà một dàn Nho vòm tròn hình vòng cung, lá non xanh và những chùm nho xinh xinh đã tượng hình. Bao phủ mặt đất từng khoảng cúc tím, cúc vàng nở rộ, những bông “Lily of the Nile” cũng như cố vươn lên mỉm cười với tôi. Thoang thoảng hương thơm của bụi hoa Nhài trộn lẫn hương hoa Hồng, dàn hoa Hồng với những bông hoa nhỏ xíu bằng đồng hai mươi lăm xu, màu hồng phấn, thơm nhè nhẹ. Hai cây Bông Giấy đỏ thắm quấn quýt hai bên cột “patio”.
Bấy giờ là mùa xuân, chim non ríu rít truyền cành. Cảnh đẹp quá, thiên nhiên đẹp quá. Tôi như say với nắng, màu nắng thật ngọt ngào. Tôi như say với gió, làn gió thật thơm tho. Từng phiến lá rung rinh, từng cánh hoa khoe sắc… Trời ơi… cảnh tươi đẹp thế kia, tôi yêu quá… thế mà chỉ hai năm, hai năm là hai mươi tư tháng, là bẩy trăm ba mươi ngày tôi phải vĩnh viễn rời xa. Tôi chỉ còn thời gian ngắn ngủi như thế trên cõi đời này sao… và tôi đã bật khóc.
Những chuỗi ngày tiếp theo ủ ê, buồn nản. Ban ngày chỉ còn mình tôi trong căn nhà vắng, đi vào, đi ra… dù sao tôi cũng phải sửa soạn, sửa soạn cho một chuyến đi thật xa, về miền miên viễn. Đầu óc mông lung, nghĩ quẩn nghĩ quanh rồi lại vùi đầu vào gối mà khóc, khóc cho vơi, khóc cho thỏa. Ban đêm giấc ngủ chập chờn với những cơn ác mộng, tỉnh dậy mệt nhoài, trăn trở.
Tôi thấy mình như đang đi trên một cánh đồng vắng lặng, hoang vu. Trời xám và hình như lất phất mấy giọt mưa. Đồi núi mênh mông, cỏ mênh mông, những bông cỏ may như bám vào mặt, những ngọn cỏ dại như vướng vào chân. Cảm giác bơ vơ đến tột cùng. Bỗng một đám người từ đâu ùa tới đuổi dồn tôi vào một ngõ sâu hun hút, như một con đường hầm tối đen. Tôi cắm đầu chạy và như hẫng chân, bừng tỉnh, tim đập mạnh, mệt nhoài.
Từ ngày ở nhà thương về tôi hay có những cơn ác mộng như thế. Trong cơn mơ tôi thường gặp những đám người đen đúa, bẩn thỉu, không ra mặt người, không ra mặt quỷ chạy đuổi tôi và tôi chạy trối chết cho đến khi hoặc như vấp phải vật gì hoặc vì quá nhược sức tôi ú ớ vùng tỉnh dậy.
Tôi nghe nói khi con người ở bên bờ tử sinh hay nhập nhòa, chập choạng nhìn được cõi bên kia, một thế giới vô hình mà khi mạnh khỏe, dưới ánh mặt trời ta không nhìn thấy. Tôi nhớ hồi mẹ chồng tôi bịnh, đến gần ngày cụ mất cụ hay mê sảng: “ Sao ở đâu ra mà lắm người vào nhà mình thế này. Đuổi đi, đuổi chúng nó đi”.
Tôi buốt ruột khi nghĩ đến cha mẹ tôi, hai thân già còm cõi sẽ phản ứng ra sao nếu tôi bất hiếu đi trước, bầy chị em mỗi năm vẫn ríu rít gặp nhau và con, cháu tôi… Tôi sắp phải rời xa tất cả. Có đêm tôi mơ tôi mặc chiếc áo dài nhung đỏ nằm bình an trong chiếc quan tài, đèn nến lung linh và tôi bay như chim trong bầu trời bát ngát, thoải mái, nhẹ nhàng.
Tôi yếu và hốc hác hẳn vì lo buồn, vì khó ngủ, vì nghĩ ngợi lung tung. Ngày nghỉ nhà tôi đưa đi bộ quanh khu nhà ở hoặc ra khu công viên có cỏ hoa tươi tốt cho tinh thần sảng khoái nhưng cứ đi được một quãng ngắn là tôi phải dừng lại thở dốc, lên ba bốn bậc cầu thang tim đã đập thình thịch phải ngừng!
Cho đến một đêm lũ người đó lại đuổi theo tôi, tôi lấy hết sức bình sinh cắm đầu chạy. Những bước chân chạy theo đằng sau dồn dập, như gần, thật gần. Không hiểu sao tôi quay ngoắt lại, nhìn thẳng vào đám người đen đúa, bẩn thỉu đó gằn giọng:
– Sao tụi bay theo tao hoài vậy, có đi đi không?
Rồi tôi lao thẳng tới đuổi lại họ. Họ quay người chạy đi và biến mất. Kể từ lần ấy tôi không nằm mơ thấy mình bị rượt đuổi nữa.
Các bạn trong sở chia nhau đến phụ nấu cơm nước và chuyện trò làm tôi vui. Các bạn ở xa biết tin cũng điện thoại hỏi thăm, gửi kinh sách và băng giảng của các Thày. Tôi bắt đầu tập thiền. Cậu em rể đem bài chỉ dẫn cách tập Dịch Cân Kinh bảo tôi cố tập. Hàng tuần tôi phải đi ba bác sĩ, một chuyên về tim, một chuyên về phổi và vẫn phải trở lại bà bác sĩ gia đình. Mỗi tháng phải đến phòng khám bệnh của trường Đại Học UCLA để bác sĩ chuyên môn về bịnh Pulmonary Hypertension điều trị. Tiểu Linh, bạn của cô em tôi, PhD về Đông y, sau khi bắt mạch, khám bịnh có cho một toa thuốc tăng cường thể lực, cân bằng khí huyết và nhìn sắc diện tôi cô nói: “Chị còn vượng lắm, cần nhất là giữ tâm thanh thản và tinh thần vững vàng thì chị sẽ vượt qua.”
Mỗi tối tôi ngồi khoanh chân tập thở. Tôi chưa thể xua đi những tạp niệm, chưa thể lắng tâm tư mình như lóng gạn bình nước táo. Tôi ôn lại cuộc đời tôi từ thuở ấu thơ đến lúc trưởng thành, những vất vả gian nan sau năm 1975 khi chồng phải đi cải tạo, những vinh nhục khi lên voi lúc xuống chó, những ngày lênh đênh trên chiếc thuyền con ra khơi vượt biển, những khó khăn khi một nách hai đứa con thơ phải làm lại từ đầu với hai bàn tay trắng, phất lên rồi thất bại và bây giờ lại mắc căn bịnh hiểm nghèo. Tại sao? Tại sao?? những câu hỏi cứ dằn vặt trong đầu óc. Có những lúc tôi như ngộp thở rồi lại dằn lòng xuống, tập trung để cố gắng hít vào thật sâu và thở ra thật từ từ.
Nhà tôi là người ít nói lại càng ít nói. Muốn an ủi vợ mà chẳng biết nói sao, chỉ nhắc nhở uống thuốc, chịu khó đưa đi bác sĩ và ái ngại khi thấy tôi ủ dột, buồn phiền. Thằng cháu út ra vào im lìm, không dám làm gì gây tiếng động mạnh, len lén nhìn mẹ xót thương. Thỉnh thoảng tôi bắt gặp nhà tôi ngồi trong xó tối khóc lặng lẽ. Không khí trong nhà thật ảm đạm, thê lương.
Nghĩ đến lời nói của ông bác sĩ và khuôn mặt vô cảm của ông ta tôi thật giận và khi đến phòng mạch của ông tôi đã hỏi thẳng:
– Thưa bác sĩ, ông có phải là Thượng Đế không mà ông biết rõ ngày giờ tôi chết? Sao ông có thể nói như vậy với bệnh nhân? Nếu tinh thần người bịnh không vững thì tôi nghĩ họ có thể chết vì lời nói của ông chứ không phải vì căn bịnh.
Ông bác sĩ có vẻ không phật lòng còn đem quả tim bằng plastic ra để giảng giải. Ông đưa những tài liệu về căn bệnh này và chịu khó ngồi trả lời những câu hỏi vặn vẹo của tôi. Tóm lại bịnh chưa có thuốc chữa, con người sống nhờ máu đưa oxygen đi nuôi cơ thể, áp suất trong phổi cao nên phổi khó hấp thụ Oxygen, phổi không làm việc tốt thì tim phải làm việc nhiều, phải bơm máu nhiều lần hơn cho đủ lượng oxygen cần thiết và như thế thành của quả tim sẽ dầy ra, to ra, đến một ngày tim sẽ chai cứng, sẽ đình công không làm việc nữa…và ông khuyên tôi phải cắm ống thở vào mũi cả ngày lẫn đêm để tăng cường nồng độ oxygen trong máu cho tim bớt khổ, đợi đến ngày gặp cơ hội có tim phổi sẵn sàng để thay. Bệnh viện ở UCLA đã ghi tôi vào danh sách chờ người cho tim phổi.
Trời chớm Thu, gió nhè nhẹ, nắng hanh hanh. Rặng phong hai bên đường đã bắt đầu đổi màu. Sau mấy tháng đã quen, ống thở không làm tôi vướng víu. Giọng nói hiền từ, dịu dàng như người cha già của thầy Thích Thanh Từ qua các băng giảng đã cho tôi hiểu về lẽ vô thường, về lý nhân duyên, về luật nhân quả và nhất là về nghiệp lực của con người qua đời đời kiếp kiếp. Thời kỳ xuống tinh thần đã qua, buổi sáng ra sân sau tập thể thao, ngắm trời đất, cỏ cây, những chiếc lá vàng đã lác đác rơi. Tôi yêu đời nhưng tôi không sợ chết. Ai cũng phải chết, có ai sống hoài. Tôi thấy tôi thật hạnh phúc đã được báo trước chuỗi ngày còn lại, để có thì giờ ngẫm nghĩ về cuộc đời, về thân phận con người. Tôi không còn dằn vặt mình, không còn than trời trách đất. Tôi hết so sánh với các em, các bạn để buồn tủi về định mệnh nghiệt ngã của mình. Sống một ngày vui một ngày, tôi tự nhủ và tôi sẵn sàng đứng dậy như bao lần trong cuộc đời tôi đã từng gục ngã rồi lại cắn răng đứng dậy để vươn lên. Nếu có vướng nghiệp từ muôn kiếp trước thì tôi vui lòng trả cho hết nghiệp trong kiếp sống này và tôi sửa soạn sẵn sàng để ra đi.
Tôi vào “Recreation Center” tìm lớp học. Tôi học vẽ, học làm đồ gốm và học trang trí nhà cửa. Tôi có thêm nhiều bạn mới, những người già đã về hưu, những người nội trợ sau khi đưa con đi học thì vào trường. Ngồi trong lớp tôi chăm chú nặn những bình hoa, sáng tạo những vật dụng trong nhà. Tôi khắc những con búp bê Nhật Bản thật là xinh. Rồi những ngày đẹp trời tôi đem giá vẽ ra vườn để đắm mình vào thế giới của màu sắc. Tôi bắt đầu viết văn. Nếu không bịnh tôi có được về hưu sớm và sống thoải mái như thế này không?

Một chị bạn gửi cho hột cải thuốc của Nhật, lá cải tựa như lá rau cải làn bảo gieo hột trồng cây lấy lá ăn tốt lắm. Tôi rắc luôn cả gói, chỉ mấy tháng đã có cải non ăn. Có người bạn khác gửi cho đĩa tập Suối Nguồn Tươi Trẻ. Thế là cứ buổi sáng thì Dịch Cân Kinh và buổi tối thì SNTT. Khi ngồi thiền tôi đã bớt nghĩ ngợi lung tung, hít vào thật sâu và khi thở ra tôi thấy rõ luồng hơi ấm chuyển trong người. Bên cạnh thuốc tây tôi đã uống mấy trăm thang thuốc bắc. Uống thuốc tây nhiều khi chữa được phổi lại hỏng gan. Thuốc bắc gia tăng hệ thống miễn nhiễm và giúp điều hòa khí huyết.

Thời gian từ từ trôi, tôi tìm đến bạn thân, đến nơi hội họp. Tôi hết mặc cảm với ống tube oxygen còn đùa giỡn là mình có nữ trang đặc biệt. Trêu chọc ông chồng già của tôi để “cheer him up”. Hết hạn hai năm tôi thấy khỏe khoắn hơn, khi gặp ngài bác sĩ đã phán sau hai năm tôi phải chết, ông ta cười:
– Bà Nguyễn, bà là bệnh nhân tuyệt vời. Bà là bệnh nhân đầu tiên mắc bệnh hiếm này mà không bị tồi tệ hơn. Bà ráng cầm cự thêm vài năm, họ đang nghiên cứu nhiều, hy vọng sẽ tìm ra thuốc tốt để chữa căn bịnh này.
Tám năm đã qua… bây giờ tôi vẫn còn đây!

Đỗ Dung
hoanglanchi
#304 Posted : Friday, October 31, 2014 3:38:00 PM(UTC)
hoanglanchi

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 406
Points: 408

Thanks: 4 times
Was thanked: 7 time(s) in 7 post(s)
Ngày Cuối Tháng Mười


Sáng hôm nay trời CA mới đúng là thu. Bầu trời hơi xám và tiết trời chỉ hơi se lạnh. Thế là lại cuối tuần. Thì thời gian vẫn trôi nhanh như thường lệ.
Tuần trước khi tôi viết “Chữ nghĩa lỉnh kỉnh” thì “người trong cuộc” trả lời ngay. Ông nói rằng Chữ nghĩa mà lỉnh kỉnh thì nếu có "chết" cũng chỉ "chết" người đọc. Nhưng cuộc đời mà "lỉnh kỉnh" vì "lầm một tiếng đàn chữ nghĩa", sẽ chết cuộc đời. Hay chết để sống nghĩa là không chết thì không sống. Tôi trả lời rằng ai lầm một tiếng đàn chữ nghĩa thì ráng mà chịu. ( tôi không cố tình đàn chữ nghĩa nhé!) Còn người ngoài cuộc thì không hiểu. Làm sao mà hiểu được nếu như không có tâm hồn sâu sắc, và chịu khó đọc mẩu đối thoại để thấy “hai chú cháu” chúng tôi đang “triết lý” với nhau dù chỉ là triết lý vụn.

Hôm nay là ngày cuối của tháng Mười. Trong những ngày cuối, không phải tôi “đập gương xưa tìm bóng” mà là lục computer xưa tìm những ngày tháng cũ.

Thế này không phải là dễ thương sao? Tháng Mười của tôi gửi ra vào một ngày đã qua, không xưa lắm và một “sư huynh” đáp.

Tháng muời riêng em

Tháng tám qua đi rồi tháng chín
Anh nhắc chuyện gì tháng mười cơ ?
Saigon lá đổ chiều mây xám
Ai biết tháng mười có mình em

Ừ nhỉ xa nhau ngàn vạn dặm
Làm sao anh biết tháng mười xưa
Có nàng áo trắng ngây thơ quá
Thổi nến cho từng mỗi ước mơ

Nầy ngọn nến hồng cho tình cũ
Từ thuở sinh viên ghế giảng đường
Nầy ngọn nến vàng cho tình mới
Mơước một ngày Hậu với Vương!

Ừ nhỉ đêm nay hai mươi đó
Thời gian vó ngựa cứ mờ bay
Ngọn nến đêm nay em không thổi
Anh ở muôn trùng nào có hay !

Kỷ niệm cho riêng mình 20.10.2202
Hoàng Lan Chi


Sư huynh viết cho tôi liền tù tì hai bài:

THÁNG MƯỜI SẮP HẾT

Tháng 10 sắp hết, Em yêu ơi!
Sao nhớ Em thương, nhớ quá trời ,
Nhắm mắt, để hồn Anh tưởng tượng:
Thấy Em đưổi bắt lá vàng rơi

Tháng 10 sắp hết, Em yêu ơi
Sao nhớ dáng ai, nhớ tiếng cười ,
Gió ơi ! Đừng thổi chiều nay nhé,
Là lúc hồn ta thấy chơi vơi …

Tháng 10 sắp hết, Em yêu ơi
Ta cách xa nhau bởi số trời,
Ngày xưa, Anh nhớ, Em có nói :
Hai đứa chúng mình, chỉ "duyên" thôi !

Tháng 10 sắp hết, Em yêu ơi
Anh chẳng thèm tin số trên trời!
Trèo lên mang số về trái đất ,
Đổi lại, hai ta kết hợp đôi .

Tháng 10 sắp hết, Em yêu ơi
Gió lạnh chớm đông đã về rồi ,
Sao khuya lặn hết, trăng còm cõi,
Mình anh nện gót, đội sương rơi


Tháng 10 sắp hết, Em yêu ơi
Mưa bay ướt hết tóc Em rồi,
Cúi đầu đặt nhẹ hôn lên trán,
Em níu xuống thành, nụ " hôn môi"!



Tôi yêu câu cuối nhất vì tôi hiểu ý sư huynh trêu tôi. Trong “Bẩy ngày ngà ngọc” của tôi, cô bé trong truyện chỉ thích được hôn trán. Sư huynh đã trêu níu xuống thành hôn môi.

Còn đây là bài thứ hai:

THÁNG MƯỜI RIÊNG EM

Anh nhớ ra rồi, người Em xưa,
Chuyện kể Anh nghe, buổi chiều mưa,
Mỗi tháng, một mầu, Em chọn nến,
Đốt lên, Em thổi, một ước mơ!

Tháng 8: Lòng buồn thật vu vơ,
Em giận, đêm rằm, sao trăng mờ ?
Chọn nến mầu lam, mầu vương vấn ,
Thổi cho bay hết chuyện vương tơ

Tháng 9: Nơi đây, gió lạnh về,
Mình Anh đếm bước, ánh đèn khuya,
Một cành khô rớt, nghe đơn chiếc,
Vẳng tiếng chim kêu, lạc lõng bè .

Tháng 10 ! Anh nhớ là tháng 10!
Và nhớ một ngày, ngày 20
Anh thấy lòng mình sao diệu vợi,
Em đừng thổi tắt nến 20 !


Tôi cũng thích câu cuối nhất. “Em đừng thổi tắt nến 20”. Nó gợi cho tôi tựa đề của cuốn truyện của một thời xưa “Cái tuổi 20 lần thứ 20”.
Sư huynh là một người khoa học như tôi nhưng tâm hồn văn chương lai láng nên sư huynh viết thơ rất dễ dàng.

Thôi nhé vẫy tay chào Tháng Ấy
Mười năm sau nữa Tháng còn không
Mười năm nến tắt hay không tắt
Tình cũng như không dẫu một lần


Rừng Gió California
Hoàng Lan Chi 10/2014
hoanglanchi
#305 Posted : Sunday, December 21, 2014 1:09:11 PM(UTC)
hoanglanchi

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 406
Points: 408

Thanks: 4 times
Was thanked: 7 time(s) in 7 post(s)

Buồn Ca Tháng Chạp

Posted on December 18, 2014 by hoanglanchi


Tháng Chạp bao giờ cũng ăm ắp mọi thứ. Nhớ năm ngoái, ơ hay, sao CA hay mưa vào cuối năm thế nhỉ, cũng mưa và tôi đã viết “Mưa Sài Gòn mưa CA”. Đoạn kết của tạp ghi là mấy câu thơ:
Mưa nơi ấy đong đầy kỷ niệm cũ
Mưa nơi này gạt nỗi nhớ vừa đơm
Ngàn trùng xa chỉ còn là sợi tóc
Ngàn kiếp sau vừa đủ một nụ hôn.
(Hoàng Lan Chi )

Bạn tôi, Trần Quang Thiệu thắc mắc và tôi giải thích “Dù có hứa hẹn ngàn kiếp sau thì tôi cũng chỉ đồng ý cho hôn bên má thôi”.

Noel này, mình sẽ làm gì? Chưa biết. Năm 2012, tôi theo tài tử Kim Vui đi phát quà cho “homeless”. Dường như đó là Noel đầu tiên trên đất Mỹ, tôi đi làm từ thiện. Kể từ khi đến Hoa Kỳ, Noel tôi thường ở nhà một mình. Còn Noell cuối cùng trước khi rời VN, cũng là từ thiện với trẻ nhỏ mồ côi.


Thanksgiving vừa qua thì nhóm Gia Long Bạn Hữu Tình Thâm tổ chức thăm một Nursing Home.Quế Hương tổ chức, tôi chỉ tham gia thôi. Cả nhóm mặc áo đỏ hay xanh Noel. Nếu đi tour Đà Lạt năm 2003, tôi cũng là người đặc biệt khi ông Trưởng Buôn Làng đẹp như tài tử cinee’ ưu ái thì hôm ở Nursing Home 2014, cũng có một niềm vui nhỏ: một ông muốn xin bản nhạc để cùng hát. Tôi đem đến ghế ông. Ông khoe tôi xấp giấy ông vẽ nhiều người. Tôi hỏi ông vẽ tôi được không. Ông gật và chỉ bằng nét nguệch ngoạc, ông vẽ Hoàng Lan Chi trong năm phút. Tôi nghĩ là tại tôi đứng sau lưng ghế, ông cứ phải ngoái lại nhìn, vẽ và vội chứ nếu có thời gian, ông vẽ giống và đẹp hơn. Bằng cớ là xấp giấy vẽ mà ông khoe với tôi có nhiều bức rất sống động.


[img] http://i1134.photobucket...969344&1419195970483[/img]

Kha Nguyễn và bức vẽ Hoàng Lan Chi


Nhóm Gia Long Bạn Hữu Tình Thâm hát cho các cô bác ở Nursing Home 2014

[img]http://i1134.photobucket.com/albums/m611/giao3/magazine/NhomBHTT.jpg?1419195969344&1419195970483[/img]

Hôm nay làm chuyện ngược đời. Kết luận là chép lại một phần bài viết cũ của mùa Noel đầu tiên trên đất Mỹ.Thú thật không nhớ bài thơ này là của ai gửi cho tôi ấy nhỉ. Không ghi tác giả nên cũng quên. Có phải Thành Tài không? Hay Minh Đăng?

Bài viết cũ năm 2004

Noel đầu tiên trên đất Mỹ

Mùa Nô En đầu tiên nơi đất lạ
Có gì vui hay buồn bã hở em ?
Trên bờ vai hoa tuyết rụng êm đềm
Chắc đêm qua ai mời em đi dạ hội
Ly rượu nồng hồn nương khúc nhạc trỗi
Bỗng dưng đời ấm lại tuổi đôi mươi ?
Hay em ngồi hong nỗi nhớ xa xôi
Bên lò sưởi, nhớ con, lòng cô quạnh ?
Mỗi giọt buồn chia phôi trời đôi mảnh,
Người mẹ hiền rưng lệ xót đêm thâu ?
Hay em thương về quê cũ ngọt tình đầu
Thành phố ấy, bóng hình xưa còn đó
Trót nửa đời hư, duyên tàn mộng vỡ
Nơi xứ người, tình có cũng bằng không .?
Trong tình thân, tâm sự một đôi dòng,
Chúc bạn quý mãi vui tràn ý nguyện .
Thân mến,
Dec 25, 2004

Anh hỏi tôi về Giáng sinh đầu tiên trên đất lạ. Lòng ngậm ngùi. Đã từ lâu, tôi tập cho mình quen với mọi hòan cảnh. Không cay đắng, không giận dữ. Nhưng ngậm ngùi thì vẫn.
Virginia, xứ anh đào, thành phố tình nhân mà tôi vẫn cô độc. Long đong tìm việc. Lúc tuởng tạm yên thì không .Tai nạn. Tay đau. Lại buồn phiền, lo lắng. Việc làm mới tuy nhàn nhưng cũng có lúc căng thẳng tinh thần. Lại phải làm quen với những cái mới.Từ nhà cửa, con người . Bên cạnh đó dõi trông mẹ già nơi xứ tuyết, hai con bên kia bờ đại dương …

Đầu tháng 12, một số nhà đã trưng đèn sớm. Trời lạnh và có những hôm gió hú ghê hồn. Tôi một mình trong căn phòng lớn. Sẽ vô cùng ảm đạm nếu không có net và cell phone. Để trò chuyện với người ảo và thực.
Thấy mọi người lăng xăng nhộn nhịp, tôi thấy rưng rưng. Ngày còn ở Saigon cũng thế . Cũng mọi nhà nhộn nhịp còn tôi thì lặng lẽ.

Tôi đã uớc ao có anh. Đêm Noel đầu tiên trên xứ người. Tôi sẽ rủ anh đi bụi dù trời mưa hay tuyết. Nét mặt thánh thiện và đôi mắt hiền hòa của anh đã cho tôi cảm giác an tâm. Nhưng anh không thể. Anh còn gia đình riêng…
(Ngưng trích)

Anh nào mà ngày đó tôi ao ước đi trong mưa bụi ấy nhỉ? Nghĩ mãi mới ra. À ra người bạn đã đưa tôi đi xem hoa đào Potomac đầu tiên, đã gửi bao đỏ lì xì cho tôi năm đầu tiên…
Thế đấy. Vậy mà, tôi quên hết…

Đúng là mười năm ta đã chẳng là ta!

Rừng Gió CA 12/2014
Hoàng Lan Chi

Phượng Các
#306 Posted : Wednesday, December 24, 2014 1:25:31 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Năm nay mùng một Tết tây đi lên Pasadena coi Rose Parade chị hoanglanchi ơi!
1 user thanked Phượng Các for this useful post.
hoanglanchi on 12/27/2014(UTC)
hoanglanchi
#307 Posted : Thursday, December 25, 2014 5:07:58 PM(UTC)
hoanglanchi

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 406
Points: 408

Thanks: 4 times
Was thanked: 7 time(s) in 7 post(s)
Người Có Hobby “Học”

Ngày xưa, không biết sao tôi mê đủ thứ. Mê nhưng không có điều kiện, hoàn cảnh. Khoảng 1984, sau khi nghỉ việc ở ĐH Khoa Học vì nộp đơn đi nước ngoài, tôi ghi danh học nhiều thứ ở Hội Phụ Nữ và cả Hội Trí Thức Yêu Nước. Đa số giảng viên hai hội này là người VNCH tức người cũ. Lý do, vào thời điểm đó, Bắc Kỳ 75 với quá khứ nghèo nàn, đói khổ thì làm gì có nghệ thuật cắm hoa, nấu ăn, uốn tóc, hay cả ..IBM. Tôi ghi danh nhiều lớp.


Kỷ niệm còn đọng lại nhiều nhất là lớp ngôn ngữ Cobol vì ông thầy dậy học rất cưng cô học viên. Ông họp với nhóm nhỏ chúng tôi gồm ba học viên chơi vui với nhau, sinh nhật cho nhau và cả uống cà phê với nhau. Tiếc là không kéo dài vì sau đó mỗi học viên một ngả. Chỉ có tôi là còn duy trì hơi lâu với thầy. Tôi hay ghẹo, gọi ông là “Ông thầy” và xưng tên Couteau. Ông cũng hay gọi tôi là Couteau. Mở ngoặc, tên tôi là Quỳnh Giao. Giao hay Dao phát âm như nhau, nên tôi đã lấy bút hiệu Quỳnh Couuteau để viết Phiếm Luận cho báo Chính Luận. Tôi thích học nên bịa ra đề, tự làm bài giải rồi bắt ông thầy chấm. Tội nghiệp ông thầy của tôi. Chấm mấy bài tập cho ngôn ngữ Cobol đâu có dễ như bài tập toán. Lý do, nó có cách giải quyết vấn đề riêng. Phải suy nghĩ coi có hợp lý không. Dù bận bịu, ông thầy vẫn chịu khó giúp cô học viên. Thậm chí có hôm tôi nũng nịu đòi ông đưa đi thăm mộ bà nội tôi, ông cũng chiều.

Kỷ niệm thứ hai là lớp uốn tóc. Tôi thích chải đầu, bới tóc cô dâu chứ không thích uốn. Phải cuộn tóc từng ống nhỏ: là điều tra tấn với tôi. Cuối khóa, tôi thuê áo dài cưới, soiree cưới và mời giáo viên đến nhà bới tóc đủ kiểu cho tôi và tôi chụp hình để lại làm kỷ niệm.


Lớp học thứ ba là lớp may. Tôi cũng còn giữ những cái áo, quần bé tí tẹo tì teo, rất xinh mà tôi phải may cho lớp học. Ngày đó, tôi rất kỳ công khi ngồi đạp máy may cho những cái áo tí hon đó. Nào là áo cổ lá sen, tay phồng. Nào là áo bà ba. Rồi quần gài nút mặc với áo dài. Cô giáo không những cho điểm mười mà còn giơ tác phẩm của tôi lên cho cả lớp chiêm ngưỡng. Nói ra thật xấu hổ: để may một cái áo tí teo đó, có khi tôi mất cả ba giờ. Mở tiệm may kiểu thợ may Quỳnh Giao thì có mà lỗ vốn to!


Lớp thứ tư là lớp gia chánh. Nấu ăn là một thú vui của tôi ngày đó. Tôi lại hay “vẽ duyên” nên tác phẩm của tôi ngon như cô giáo nhưng trình bày đẹp hơn. “Vẽ duyên” là ngôn ngữ mà năm 1975, mấy bà đầu bếp ở Cơ Sở Khoa Học ở Thủ Đức nói về tôi. Chả là sau 1975, chúng tôi phải xuống Thủ đức thay phiên nhau. Khoa Lý xuống ở năm ngày thì các ông phân cho tôi và Nhã ở mục làm bếp. Khi dọn cơm, mấy món ăn của tôi được trình bầy đẹp. Mấy chị nhà bếp nói “ Cô QG hay zẽ zuyên lắm”. Tôi phải hỏi Nhã, cô bạn người Nam của tôi, zẽ zuyên là gì! Học gia chánh xong thì vào ngày giỗ, tôi trổ tài làm món Phụng Hoàng ấp trứng. Món này mệt thấy mồ vì phải rút xương gà, rồi nhồi thịt, luộc trứng. Khi cắt, mỗi khoanh có gà bên ngoài, trong là lớp trứng tráng, rồi thịt băm, một khoanh trứng vịt ở giữa rất đẹp mắt. Ngoài ra còn phải luộc trứng gà, trứng cút để làm gà con. Ổ gà là mì xào dòn. Món tủ thứ hai là bánh cuốn. Giời ạ, món này thì đắt hàng. Mẹ tôi la “Sao cô cứ bày vẽ hoài vậy”. Ơ hay, “bà giáo” này kỳ ghê. “Bà giáo” này vốn dĩ không thích gia chánh (nhưng bà nội tôi thương vì cái nếp ở, cái thông minh). Lúc đó “bà giáo” lại phải lê la vỉa hè bán cà phê. Bà có phải làm đâu nhưng thấy tôi bầy nồi, bầy khuôn, lại nấu củi, bà thấy mệt quá. Tráng bánh cuốn nóng, ăn tại chỗ rất ngon. Tôi còn nhớ, đang vác bụng bầu bé Ly, củi nóng quá trời mà mình tráng không kịp. Cu Bi ăn xong hai đĩa còn “Bà bán hàng Mẹ bán cho thêm một đĩa”. Mấy cô em gái cũng vậy. Món tủ thứ ba là bánh quế. Người Bắc hay có hộp bánh quế cho đám hỏi. Phải đổ bột vào khuôn, nướng, rồi cuộn tròn. Sao mà ngày đó tôi cũng có gan ngồi đổ hết hộp này sang hộp khác mà không ngán. Thậm chí một bà nữ hộ sinh mà tôi ngoại giao để bà giúp khi sanh bé Ly, cũng khăn gói đến nhà tôi để học làm bánh quế. Món tủ thứ tư là bánh đậu xanh kiểu Bảo Hiên Rồng Vàng. Tôi phải lấy bột đậu xanh tự làm, cho vừa khéo lượng dầu ăn, nhồi, bỏ vào khuôn. Họ hàng là cứ tha hồ ăn bánh quế, đậu xanh của tôi. Tôi cũng làm bánh dẻo Trung Thu nhưng không làm bánh nướng.


Lớp học thứ năm là lớp nghệ thuật chưng trái cây. Tôi thích lớp này lắm vì thích zẽ zuyên mà. Trái cây được tỉa hay sắp xếp kết hợp với hoa, rất đẹp. Đặc biệt tôi còn nhớ, khi tôi muốn tặng quà cho một bà bác sĩ thì bà ấy không nhận nhưng khi tôi tặng giỏ trái cây làm từ bánh đậu xanh thì ối thôi, “nàng” thích quá, đem đi khoe um sùm khắp khoa nội. Tôi phải nấu đậu xanh, cho đường, bóp nhuyễn rồi nặn thành trái chuối, mận, sơ ri, ớt. Sau đó nhúng rau câu. Đợi khô, phết mầu xanh đỏ. Lại nhúng rau câu lần hai. Với ớt thì cho cuống ớt thật vào. Trời ơi, ba loại trái trông y như thật là ớt, roi, sơ ri. Thật đến nỗi bố tôi bảo “Ơ hay, cái cô này, sao lại biếu bố ớt?!” Với trái vải thì làm từ bột ovaltine, cho vào cái lưới và vo. Khi ra, trông y như trái vải vậy. Bằng ấy trái cây làm từ đậu xanh, tôi cho vào giỏ be bé và cắm lác đác hoa cúc trắng. Trời ơi, xinh lắm đó. Tiếc là ngày xưa không như bây giờ, hễ xong một tác phẩm là chụp hình để lại làm kỷ niệm.


Lớp học thứ sáu là lớp chụp hình. Nhờ lớp này tôi còn nhớ khái niệm đâu là điểm mạnh của tấm hình. Trước kikhi chụp thì toàn cho người mẫu ở giữa. Một kỷ niệm vui là cả lớp đi du xuân theo thầy và thực tập chụp cho ông chấm điểm. Ông thầy bắt tôi ra làm người mẫu cho cả lớp chụp. Lúc đó tôi ngoài ba mươi rồi, có trẻ đâu cơ chứ. Còn tôi thì lang thang, gặp cô bé nào xinh là sà vào xin chụp ngay. Mấy chục năm sau, ở VA, tôi chụp cho Chân Như, một xướng ngôn viên của Đài Việt Nam Hải Ngọai. Thấy cô chụp mình đẹp, Chân Như bèn bắt cô đi chụp cho cậu cả. Khổ thân tôi, “bà già” mắt kém rồi mà phải lẽo đẽo theo “thằng nhỏ’ vào rừng VA chụp cho nó. Nó cứ hoạnh họe, tôi thì gắt “Cô không thấy đường. Mắt tao kém rồi, biết chưa”.
Hình tôi chụp cho Chân Như năm 2008 ở VA nè:









Ngày đó học xong, tôi cũng ít thực tập. Lý do, máy hình đắt, phim đắt, rửa hình cũng đắt. Chả như bọn trẻ bây giờ. Tha hồ học, rồi cắt, cúp, load lên face book khoe loạn xạ.


Lớp học thứ bẩy là lớp cắm hoa. Tôi mê hoa vô cùng tận. Ngắm một bông hồng đẹp là đủ cho tôi vui cả một ngày. Với nghệ thuật cắm hoa tôi học đến ba lớp. Tuy vậy, học xong cũng không có điều kiện thực hành nhiều. Lý do, ngày ấy còn nghèo chết. Tiền đâu mua hoa hoài cơ chứ.


Lớp học thứ tám là lớp Mạng Novel Net Ware. Tôi học vào năm 1999khi đang làm quản lý cho một Phòng Máy computer của một đại học tư thục. Tôi học vì cáu! Cáu vì bị cậu cả, chuyên viên coi phòng máy “gạt”. Nó gạt tôi phải thay cái này cái kia vì thấy tôi dốt. Bực mình, tôi bèn học tháo ráp máy. Khi học rồi mới thấy “phần cứng” trong computer …chả có gì!” Ngày đó, tôi lấy một máy về nhà và cứ thế thực tập. Tháo máy ra, thay card âm thanh, card màn hình, ram nhanh như chớp. Sau đó, tôi thừa thắng xông lên, học mạng Novel. Đây là lớp học computer cấp cao. Toàn người trẻ và kỹ sư, cử nhân computer. Tôi là “bà già” duy nhất của lớp. Ấy vậy mà “bà già” học giỏi. Có gì đâu, “bà già” vác một máy ở trường về, hợp với computer riêng của “bà già” ở nhà, thế là có máy chủ và máy con. Tha hồ cho bà già cứ thế mà “practice”. Ra thi, bọn trẻ còn phải hỏi “bà già” nữa đấy.




Lớp cuối cùng trước khi tôi đi Mỹ là lớp Photoshop, năm 2003. Tôi học lớp này vì lúc đó muốn làm web. Thấy web site, tôi rất mê. Kỷ niệm là ông thầy, sao tôi hay có duyên với các “ông thầy” quá nhỉ (!), tình nguyện cho cô học viên đi ké lúc về vì ông đi ngang nhà tôi. Lúc đó, tôi bán xe gắn máy vì ít đi, lại ở chung cư lầu cao. Nếu có xe gắn máy sẽ tốn tiền thuê chỗ. Đi đâu, tôi gọi xe ôm. Vì thế khi học Photoshop lượt đi thì xe ôm, lúc về cũng xe ôm nhưng một bên tôi phải trả tiền, một bên tôi được free, một bên là người bình dân và một bên là giảng viên của Khoa Học. Tôi cũng quý ông thầy này lắm. Ông rất khó tính trong lớp. Tuy vậy, dường như với học trò hay học viên Quỳnh Giao thì chả có ông thầy nào khó tính được cả. Khó tính sao được khi cô học viên luôn chăm chỉ và học có vẻ thông minh cơ mà ! Sau nữa, cô học viên cũng hay “ngoại giao” thầy bằng màn …cắm hoa của cô! Với tôi, tặng hoa có vẽ tao nhã, lịch sự, không trần tục.


Mới đây nhất, tôi tặng hoa cho teacher dạy lớp keyboard online của tôi, Maria, người Phi và có chồng Việt. Maria thích quá khi được quà xinh xắn và Maria viết cho tôi khi được xem vài kiểu cắm hoa của tôi như sau:


Hello Giao,
Good morning! How are you doing? Yes, I am much better. Thank you for asking.You are very talented! I love your work! It is more of minimalist, but your style of work has more impact. I bet you can work really well with the High-Style and the Japanese arrangements (Ikebana, Moribana, etc.) If you have time on Monday, would you like to come arrange flowers with us? Just for fun and it is not a competition. J I have Kristy Tang and Arvine Ganzon coming. If you let me know what flowers you would like to use, I will get all of those. You should still be able to go to keyboardingonline.com to practice more. J Enjoy! If I do not see you, then Merry Christmas and a Happy New Year!
Maria

Tôi nhận lời gấp. Ngày 22 tháng 12, 2014 vừa qua, tôi đến nhà Maria. Có hai người bạn làm cùng phòng với Maria cũng tới. Chúng tôi cắm hoa ở garage. Cắm xong thì ăn tối với nhau. Tôi về sớm không đi xem đèn Noel với Maria vì tôi ngại lái xe đêm khuya. Maria đã lấy bằng cắm hoa ở Golden West College từ 1994 nhưng cũng không cắm thường xuyên. Hai người kia không biết nghệ thuật cắm hoa và google tìm kiểu để cắm theo. Maria hỏi và tôi cho biết, tôi cũng không cắm thường xuyên như Maria. Một năm giỏi lắm, tôi cắm khoảng bốn lần và toàn là cắm …cho teacher. Teachers nhưng là teachers mà tôi quý cơ.

Đây là chiến lợi phẩm sau vài giờ lao động của “ bốn người Coastline Community College” :



Bốn kiểu cắm của tôi với vợ chồng Maria:


Tôi không biết tương lai tôi còn “đắm đuối” học cái gì nữa không?
Dường như Học là một hobby của tôi hay sao vậy. Nên cảm ơn Thượng Đế hay là không nhỉ?

Noel 2014
Hoàng Lan Chi
hoanglanchi
#308 Posted : Saturday, December 27, 2014 5:36:22 PM(UTC)
hoanglanchi

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 406
Points: 408

Thanks: 4 times
Was thanked: 7 time(s) in 7 post(s)
Quỳnh, Một đời



Người đi rồi, nắng về trên phố lạ
Con bướm vàng hàng dậu ngẩn ngơ bay
Đoá Quỳnh nở đêm qua vừa rũ cánh
Hương vẫn còn ấp kín cả bàn tay
*****

Để nỗi nhớ bốc dần theo khói thuốc
Đuổi theo người có kịp tối hôm nay
Nghe ngập ngừng trĩu nặng có đâu hay
Chữ ân ái hay là tình ân ái
*****

Người sẽ đi không bao giờ trở lại
Hay sẽ về trong chuyến sớm ngày mai
Tình không ủ để đêm dài con gái
Mênh mông buồn tưởng đá nát vàng phai
*****

Một đời đi và một đời ở lại
Một đời buồn phủ kín một đời xa
Một đời yêu trên từng cõi sát na
Một đời chết –ngàn thu hồ vĩnh biệt

Hoàng Lan Chi 12/2014
hoanglanchi
#309 Posted : Wednesday, December 31, 2014 10:07:24 AM(UTC)
hoanglanchi

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 406
Points: 408

Thanks: 4 times
Was thanked: 7 time(s) in 7 post(s)

Lan Chi Ngày Tháng Cũ




Cuối năm sao có nhiều dịp để hồi tưởng ghê nhỉ. Hôm qua nhân viết mail cho một người bạn Đà Lạt, tôi tìm hình cũ trong computer gửi cho bạn xem. Rồi tôi fw cho một cô bạn nhỏ. Cô ta thích ..hình cũ của tôi quá đến độ phải viết mail ngay (điều hơi hiếm với cô này) rồi sau đó gọi điện thọai. Cô bảo trông hình cứ như một người mới qua tuổi teenager để bước vào “young lady”. Cô khen dáng đứng, nét mặt trong sáng thánh thiện, mầu áo “light turquoise” và cả đôi chân mà cô cho là đẹp vì đa số phụ nữ Việt Nam thời trước hay bị chân cong. Tôi bật cười “Young lady cái con khỉ. Hình đó chị chụp năm 1990 nghĩa là ngoài 40 tuổi, đã là mẹ hai con.” Nhưng tôi đồng ý về mầu áo đẹp. Bên ngoài, mầu xanh bích ngọc của cái áo len mà tôi mua ở chợ Đà Lạt rất xinh. Mầu rất ngọt. Cái mũ choàng làm khuôn mặt dễ được xinh hơn. Tôi còn nhớ tôi thích mầu này quá đến độ khi trở về, dù trời Sài Gòn mùa đông không lạnh lắm nhưng tôi cũng diện áo len này chơi. Để rồi vô tình gặp lại một người cũ của mười lăm năm trước. “Chàng” bị mầu áo len bích ngọc, mầu mắt của năm xưa hớp hồn. “Chàng” nói mười lăm năm mà chàng “hổng’ thấy tôi thay đổi nhiều. Xạo quá, thôi kệ cứ nghe cho vui tai.



Đà Lạt-Thung Lũng Tình Yêu 1990


Đà Lạt-Hồ Xuân Hương-1990


Rồi một “em bạn” bàn loạn về Hà Nội-Sài Gòn và Virginia-California sau khi tôi gửi bài viết của một người trong nước viết “Gái Hà Nội về quê ăn tết”. “Em bạn” không phải là em của bạn mà là bạn nhưng nhỏ hơn khoảng ba tuổi gì đó, bị “chị Lan Chi” bắt làm em. “Em bạn” viết vầy:

Chị Hai, đọc xong vài hàng chị Hai “so sánh CA và VA”, trong đầu bỗng nẩy ra một suy dẫn biểu tượng (symbolic analogy) như khi so sánh Saigon và Hà Nội.
- VA/DC và Hà Nội có bốn mùa xuân hạ thu đông, trong khi Cali và Saigon chỉ có hai mưa nắng.
- VA/DC và Hà Nội có nhiều thắng cảnh đẹp như ở DC, Bờ biển Virginia, nhiều rừng xanh, nhiều hồ, phố cổ, nhiều di tích lịch sử… Trong khi CA và Saigon có rất ít (Hollywood, Beverly Hills, vài khu bờ biển, vài di tích do Pháp xây dựng ở Saigon)
- VA/DC giống như Hà Nội vì có nhiều cơ quan chính phủ, ngàn năm văn hiến/văn vật, Victorian colony, dân chúng phần đông thanh lịch và trí thức (cho dù Hà Nội sau này bị “xâm chiếm” bởi dân Hà Lội Thịt Nợn hơi nhiều!. Có lẽ những người Hà-Nội-thật đã chạy hết vào Nam năm 1954, tiếp theo là những người Hà-Nội-phe-ta-có-chức-tước đã ồ át vào Nam sau 1975 để “xài đỡ nhà cửa đất đai của cải” của bên thua cuộc !). Còn CA và Saigon thì tạp nhạp hỗn độn đủ thành phần, chạy đua nhau kiếm tiềm bằng mọi cách để thỏa mãn nhu cầu vật chất giả tạo không tâm linh. Đó là chưa kể đến chuyện kỳ thị qua bất động sản (racism via real estate) goosing heist nhan giữa Cali và Saigon. Ở Cali, thường thì là khu Mỹ trắng, khu Mỹ đen, khu Mễ, khu Việt, khu Mễ-Việt… mỗi khu có một giá tiền cách biệt. Ở Saigon, thì nhà quận 1, quận 3 hay Phú Mỹ Hưng sẽ gấp cả chục cả trăm lần tiền các nhà vùng ven đô (chi dù cơn sốt bất động sản lên cao độ vài năm trước đây). Sự chênh lệch giá cả đó, và sự kỳ thị khu phố, lẽ dĩ nhiên cũng có ở VA và Hà Nội nhưng ít hơn và ít lộ liễu hơn (không cần phải nổ, phải tự khoe hay tự tâng bốc mình qua hào quang bọt biển). Như vậy, khi chị Hai nhớ về VA thì hãy nhớ về Hà Nội, và tìm nghe Nỗi Lòng Người Đi, Hà Nội Mùa Này Vắng Những Cơn Mưa….cho đỡ buồn. Chúc chị Hai một năm 2015 tràn đầy niềm vui, toại nguyện, thành công và sức khỏe !


Tôi trả lời “em bạn” như sau:
Cưng à

Hà Nội có hồ, có nhiều cảnh đẹp. Người HN xưa di cư vào Nam. Người HN còn lại bị đuổi đi kinh tế mới. Và sau đó hình thành lớp người Hà Nội mới. Chị Hai sợ lớp người HN mới này lắm. Còn dân Hải Phòng thì khỏi nói. Du đãng Hải phòng là ghê lắm. Sài Gòn là nơi chị Hai lớn lên và tuy Sài Gòn mưa nắng hai mùa nhưng thời đệ nhất cộng hòa, khi vc chưa lập cái gọi là “Mặt trận giải phóng miền Nam”, rồi xua quân vào khuấy rối thì cũng an bình. Chị Hai không yêu được Hà Nội vì không lớn lên ở đó. Chị Hai là người Sài Gòn, chị hai chỉ yêu Sài Gòn thôi. Những gì gắn bó với mình ở thời thơ ấu thì luôn làm mình trĩu nặng suốt đời cưng à. Chị Hai ra Hà Nội hai lần. Một lần có đi chùa Hương. Thực tế, chị hai thấy Hồ Hoàn Kiếm cũng không phải đặc biệt gì lắm, chùa Hương cũng thế. Nhưng ngày xưa, qua ống kính, qua thơ văn thì mọi cái diễm lệ hơn. Cũng như nhiều người nói rằng sau khi đọc thơ Cung Trầm Tưởng, rồi nghe nhạc Phạm Duy thì mơ tưởng đến ga Lyon đèn vàng, cầm tay em muốn nói, nói chi cũng muộn màng, hay vườn Luxembourg với lá vàng rơi trên những pho tượng trắng, hay giòng sông Seine lờ lững…Thực tế, những cái trên không đẹp, không thơ, không lộng lẫy như thi nhạc sĩ viết…
Nhưng chị hai của cưng là điều trái ngược nhưng trái ngược Good à nhen. Ví dụ, cưng thấy chị hai viết bài uýnh việt gian thì sắc bén, đanh thép, nhưng nếu cưng gặp chị hai bên ngoài và nghe chị hai nói chuyện thì hỏng phải zậy, cưng hiểu chưa? Nhiều mợ nói vậy đó. Họ nói, chời ơi, nói chuyện với chị Lan Chi, có thấy chỉ dữ như mấy bài uýnh việt gian đâu. Cho cưng coi, chị hai ở Hà Nội nè. Năm 1992-1993 gì đó, Hà Nội còn nghèo và quê lắm. Nên cưng biết không, chị hai của cưng tung tăng phố phường Hà Nội với đầm cánh sen, đầm vàng, đầm bích ngọc…, thì dân đi đường Hà Nội cứ thế ngoái nhìn. Chị hai vô đền Ngọc Sơn mà nghịch ngợm trèo lên cây đa của đền vậy đó. Còn hình ở chùa Hương thì cũng đẹp, nhất là trên Bến Đục (đò đi qua Bến Đục, mọi người ngắm nhìn em.Thẹn thùng em không nói. Nam mô a di đà! Bài Đi Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp đó) coi cảnh cũng đẹp. Nhưng album đó thì chị hai còn để ở …VA. Năm 1993, là chị Hai ngoài 40 rồi nhe cưng. Chị hai.


Tôi cũng fw mail thứ hai cho cô bạn nhỏ coi. Cô cũng chỉ thích cái áo mầu light turqouise. Cô nói tôi có vẻ hạp với mầu này. Thật đáng tiếc, ngày xưa tôi có môt áo dài bích ngọc, mầu rất đẹp và ngọt như mầu áo này, mà không chụp hình để lại.














Đoàn Chuẩn ngày xưa “thấy hối tiếc nhiều, thuyền đã sang bờ” và bầy đặt “Đập gương xưa tìm bóng” của một Tà Áo Xanh, còn bây giờ Hoàng Lan Chi chỉ cần “bò” vào hard disk cũ là có:


Đà Lạt ơi nhớ chiều nào mây phủ
Trên đồi cao ta ôm gốc thông già
Mầu áo xanh không chen với ngàn hoa
Và mắt biếc vẫn sáng ngời trong gió
*******
Chiều Cali chợt nhớ ngày tháng cũ
Tìm hình xưa trong ký ức nhạt nhòa
Thời gian trôi kỷ niệm dẫu phôi pha
Mầu len cũ vẫn còn nguyên dấu vết
Và:
Hà Nội ơi ngày tôi vừa trở lại
Phố xá nghèo, người Hà Nội xác xơ
Bên cạnh hồ, nhành liễu vẫn thướt tha
Nhưng Hà Nội đâu còn ngày xưa ấy


Rừng Gió CA những ngày cuối năm 2014
Hoàng Lan Chi
Phượng Các
#310 Posted : Thursday, January 1, 2015 9:41:43 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Chị hlc thật là điệu đà, duyên dáng! Rose
1 user thanked Phượng Các for this useful post.
hoanglanchi on 1/4/2015(UTC)
hoanglanchi
#311 Posted : Sunday, January 4, 2015 6:18:33 PM(UTC)
hoanglanchi

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 406
Points: 408

Thanks: 4 times
Was thanked: 7 time(s) in 7 post(s)

Hoàng Lan Chi sẽ xông vào “Mặt Trận Đại Học” nhé!


Cách đây không lâu, sư huynh Lê Anh Kiệt nhờ bạn đem cuốn sách “Mặt Trận Đại Học” của Bạch Diện Thư Sinh (Trần Vinh) tặng tôi. Nhìn thấy cái tựa là tôi bị hấp dẫn rồi. Thế là chưa đầy tuần, tôi đọc ngay. Khi viết điểm sách xong, Bạch Diện Thư Sinh cười khì “In 400 cuốn mà bạn bè bán gần hết rồi, còn đâu mà cho độc giả địa chỉ liên lạc?”. Ngon dữ vậy đó. Tôi ngẫm nghĩ, điệu này thì chắc mình phải viết một cuốn, ví dụ, Mặt Trận …mẹ chồng thời @, chắc cũng hút khách lắm đó. (cười).

Sáng nay cô bạn ghé đón đi ăn (chả hiểu sao lúc này …Hoàng Lan Chi làm biếng ghê. Hay nhõng nhẽo bắt người khác chở. Hư thiệt đó). Tôi nhờ cô bạn bấm vài kiểu ngoài sân. Tựa đề sẽ là “Hoàng Lan Chi xông vào Mặt Trận Đại Học”, Nghe được không nhỉ?
Cuối tháng này, Hoàng Lan Chi sẽ gửi bài Điểm sách Mặt Trận Đại Học sau khi Bút Tre đăng.


Hôm qua, gửi cho tác giả -sư huynh ( tôi coi là sư huynh vì cùng …Viện Đại Học Sài Gòn), tác giả trả lời vầy “Dáng cô nàng thì bẽn lẽn mà ngòi bút thì xung phong!”. Tôi bật cười. Mạc Phương Đình, cũng có lần nêu nhận xét tương tự. Rằng, Hoàng Lan Chi khi viết, đôi khi nghịch ngợm, ngổ ngáo; nhưng chụp hình thì luôn khép nép như con gái nhà lành… (cười). Ơ, thì ngày xưa, một ông anh rể đã phong cho HLC là người ngoan nhất nước, con nhà lành nhất nước cơ mà. ( vì bị ba tầng áp bức: gia đình, học đường và xã hội nên …con nhà lành và ngu đấy thôi!)








Hoàng Lan Chi 1/2015
hoanglanchi
#312 Posted : Monday, January 5, 2015 6:51:12 PM(UTC)
hoanglanchi

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 406
Points: 408

Thanks: 4 times
Was thanked: 7 time(s) in 7 post(s)
Đầu năm đi lễ chùa, ghẹo tượng

Cuối năm, gửi Lan Chi ngày tháng cũ với những hình ảnh nhu mì của Đồi Cù, Thung Lũng Tình Yêu, Đền Ngọc Sơn, Tháp Rùa, thì hôm qua, đầu năm đi lễ chùa nhưng ghẹo …tượng. (cười). May mà là đầu năm tây. Đầu năm ta thì “hỏng dám đâu”.

CA có chùa Đài Loan là lớn nhất. Có lẽ đây là lần thứ tư tôi ghé thì phải. Buổi trưa chủ nhật có buffet chay khá ngon.


Năm 2010, khi qua Canada, đi chùa Đại Tùng Lâm, Hoàng Lan Chi cũng đã ghẹo tượng rồi. Ngó mấy tượng với những tư thế như thế, cái máu nghịch nổi lên và Hoàng Lan Chi đã ghẹo. Năm nay, 2014 cũng vậy. Rải rác trong và ngoài chùa có mấy tượng nhỏ và cứ thế là HLC nhái theo tư thế của các ngài. Coi photoshow, HLC ghẹo tượng ở chùa Canada năm 2010 ở link sau: Thăm Đại Tùng Lâm ở Canada


Xem mấy hình tử tế trước và coi mấy hình nghịch ngợm của Hoàng Lan Chi ở dưới cùng nhen.









Hẹn đầu xuân mình, mình lại đi lễ chùa nhé, mình nhé.


Hoàng Lan Chi 1/2015
hoanglanchi
#313 Posted : Tuesday, January 20, 2015 7:10:29 PM(UTC)
hoanglanchi

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 406
Points: 408

Thanks: 4 times
Was thanked: 7 time(s) in 7 post(s)
Thư gửi em ta- Tội nghiệp cho “người tội nghiệp thơ lục bát”



Em này, trời bây giờ là chớm đầu đông. Khi chớm đông người ta hay buồn vẩn vơ em ạ. Chị của em hôm nay thì không những buồn vẩn vơ mà lại cộng thêm cái buồn không vẩn vơ tí nào. Ấy là vì chị vừa được đọc một bài viết của một người. Họ tội nghiệp cho thơ lục bát em ạ. Còn chị đọc xong thì lại tội nghiệp cho cái người tội nghiệp thơ lục bát.

Em ngạc nhiên ư? Thôi để chị kể em nghe nhé. Em biết đấy, chuyện một bài thơ hay một bản nhạc bị chế lời là thường tình. Có người chế hay, có người chế không được hay lắm. Về nhạc, có lẽ Lam Phương bị “chế nhạc” nhiều nhất em còn nhớ không. Thơ thì Nguyễn Bính cùng số phận. Có lẽ vì bài thơ của Nguyễn Bính có cái gì đó dung dị dễ khiến người khác “trêu ghẹo”. Em có nhớ chị hay trêu vầy không: “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi, cách nhau cái dậu mồng tơi xanh lè” (nguyên bản là xanh dờn). Trong nhiều bài chế ở net, chị thích bài này nhất vì tếu vui vô cùng.

Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái cọc để phơi áo quần
Hai người nhầm lẫn tứ tung
Nàng như cũng có cái quần giống tôi
Để rồi có một lần phơi
Thế nào tôi lấy nhầm ngay của nàng
…Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng
Thấy nàng hé cửa gọi sang thế này
"Ấy ơi ấy hãy vào đây,
Cho tui đổi lại cái này chút coi"
Lần đầu tiên thấy nàng cười
Nàng che một tấm vải dày ngang eo
"Cái quần duy nhất của em,
Hôm qua anh lấy về bên ấy rồi."

… viết tiếp đoạn cuối:


Tui nghe rồi tủm tỉm cười,
"Cô đưa tấm vải rồi tui trả quần."

Nàng sao chẳng thấy tần ngần,
Kéo phăng tấm vải lộ thân ngọc ngà.

Làm tui vừa chạy vừa la,

"Đâu phải con gái mà là con trai."
Nàng rượt theo gọi: "Anh hai,

Sao anh hổng chịu trả tui cái quần."

Bài thơ này chả có “chỉnh” lắm về quy luật thơ lục bát nhưng đọc lên cũng xuôi tai và vui vì cái nội dung của nó.

Em có thấy hầu như “nhạc chế” hay “thơ chế” thường là không đúng âm luật phải không? Xưa nay chả ai thắc mắc về chuyện ấy vì …vui thôi mà.

Thế nhưng em biết không, mới đây có là một ông nhà văn của Nam CA nổi hứng nói về thơ lục bát. Gọi là “nổi hứng” thì cũng không đúng lắm. Dường như ông bị túng đề tài hay sao ấy cho nên ông viết một bài có tựa vầy “Tội nghiệp cho thơ lục bát”. Trong này, ông giảng cho khắp bàn dân thiên hạ nghe về quy luật thơ lục bát. Cơ khổ, ông cứ làm như chỉ có mình ông là …con nhà giáo, người bác học, thông thạo luật thơ còn người khác ngu hết cả. Rồi thì ông phê phán, ông chỉ trích, ông dè bĩu rằng đấy là bài thơ lạc điệu của một người cựu học sinh của một ngôi trường danh tiếng.

Thấy nhóm chữ “ngôi trường danh tiếng”, chị giật thót cả người em ạ. Em biết đấy, chị luôn bảo vệ những gì tốt đẹp của Việt Nam Cộng Hòa mình ngày xưa. Ở xứ tạm dung này, còn gì để nói cho thế hệ sau biết về một quê hương cũ, một tổ quốc xưa nếu như không nói về những cái tốt đẹp của nó em nhỉ? Chị vẫn nói rằng bốn ngôi trường lớn, danh tiếng của Sài Gòn ngày nào thường là nơi xuất thân của nhiều tài năng. Tất nhiên các trường ở tỉnh cũng có nhưng tính về đa số thì vậy. Tương tự ở ngoại quốc cũng thế. Một số tài năng thường xuất thân từ những ngôi trường danh tiếng. Chị đi tìm hiểu thì em ạ, giời ôi, người cựu học sinh ấy là ..đồng môn của ông! Hơn thế nữa, nhỏ hơn ông thì phải, có nghĩa đấy là sư đệ của ông.

Đó chính là lý do mà chị của em hôm nay có nỗi buồn không vẩn vơ. Hỡi ôi, thời buổi đảo điên nên những cái luân thường đạo lý, những cái như chị ngã em nâng, những cái như một con ngựa đau cả tầu không ăn cỏ, những cái như tôn sư trọng đạo, nghĩa đệ huynh, tình bằng hữu dường như hơi lộn xộn rồi em ơi.

Có đâu một người sư huynh, nghĩa là cùng học dưới một mái trường lại đem lên mặt báo chế diễu một cậu em không phải vì cậu ấy vi phạm lằn ranh quốc cộng, cũng chẳng phải vì cậu ấy làm chuyện ô nhục gia môn, mà chỉ vì cậu ấy mua vui cho bạn bè tại các buổi tiệc tùng của hội ái hữu cựu học sinh bằng cách hát một bài từ một bài thơ chế từ thơ Nguyễn Bính.

Em ơi

Lễ nghĩa ngày nay thật là buồn

Sư huynh sư đệ cứ luồng tuông

Đem em ra diễu ngoài đường phố

Những chuyện cỏn con, thật đáng buồn!

Hoàng Lan Chi 1/2015


************************************

Nguoi Việt- Saturday, January 10, 2015 3:24:20 PM

Tội nghiệp lục bát

Bùi Bảo Trúc

Lục bát là thể thơ đặc biệt của người Việt Nam. Người Hoa không có lục bát. Ở Đông Nam Á, chỉ có Thái Lan có lục bát với cách gieo vần giống như lục bát của chúng ta.

Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu và nhiều tác giả khác trong văn học Việt Nam đã sử dụng lục bát trong các tác phẩm của họ. Người bình dân trong những câu hò, câu lý, trong ca dao cũng đã đến với lục bát. Nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc cho rằng thơ lục bát dễ làm nhưng làm được một bài lục bát hay thì rất khó. Dở một chút thì lục bát thành vè ngay.

Nhưng có thật là lục bát dễ làm không?

Ở bậc trung học trước năm 1975, ngay ở năm đầu, tôi nhớ là học sinh lớp đệ thất cũng đã được dậy về luật thơ lục bát: Chữ cuối của câu sáu phải vần với chữ thứ sáu của câu tám; chữ cuối của câu tám phải vần với chữ cuối của câu sáu, và chữ thứ sáu của câu sáu phải vần với chữ thứ sáu của câu tám … và cứ như thế tiếp tục trong suốt 3,254 câu của truyện Kiều.

Cách hiệp vần lục bát như vừa nêu ra ở trên thoạt nghe thì có vẻ khó nhớ, nhưng chỉ cần lẩm nhẩm mấy câu đầu của truyện Kiều là nhớ ngay cách hiệp vần lục bát:

Trăm năm trong cõi người TA
Chữ tài chữ mệnh khéo LÀ ghét NHAU
Trải qua một cuộc bể DÂU
Những điều trông thấy mà ĐAU đớn lòng

Trong những câu trên, TA vần với LÀ; NHAU vần với DÂU, với ĐAU. Tuy dễ như vậy, nhưng hình như không phải người Việt Nam nào cũng biết cách hiệp vần của thơ lục bát. Mới đây, một cựu học sinh của một trường trung học danh tiếng ở Sài Gòn trước đây cũng đã lạc vận một cách tệ hại trong mấy câu gọi là lục bát của ông:

…Ấy ơi, ấy hãy vào ĐÂY
Cho em đổi lại cái QUẦN chút COI
Cái quần duy nhất của EM
Hôm qua anh lấy về BÊN ấy rồi

Hôm nay mưa đổ sụt SÙI
Tơ không hong nữa cái QUẦN không PHƠI
Bên hiên vẫn vắng bóng NÀNG
Rưng rưng tôi nghiện cái QUẦN của em

Trong 8 câu lục bát, chỉ có mấy chữ EM, QUÊN và NÀNG, QUẦN là tạm có thể coi là có vần với nhau mặc dù có hơi khiên cưỡng. Những câu khác thì đều lạc vận. ĐÂY không thể vần với QUẦN; COI không thể vần với EM; SÙI không thể vần với QUẦN; PHƠI không thể vần với NÀNG.

Thơ tự do thì không cần phải có vần. Nhưng nếu một câu sáu kế đó là một câu tám thì đó là lục bát và phải theo luật của lục bát và phải hiệp vần.

***Mấy câu đó được nghe thấy trong một cuộc họp mặt tất niên của các cựu học sinh mấy trường trung học ở Sài Gòn trước đây. ***

Nguyên đó là một bài thơ lục bát của Nguyễn Bính gồm 42 câu kể chuyện một cuộc tình bi thảm của một thanh niên với cô hàng xóm. Mối tình chưa có dịp thổ lộ thì người phụ nữ trẻ qua đời. Bài thơ này đã được ít nhất hai nhạc sĩ phổ thành nhạc. Và một trong hai bản nhạc cũng được sửa lời để hát diễu thành hai người lấy lộn quần của nhau vì cùng phơi trên một cái cọc giữa hai căn nhà. Nhưng rồi chính lời diễu của bài hát diễu đó cũng lại được sửa lại thành những câu lục bát lạc vận một cách thảm hại được hát lên trong buổi họp mặt vừa qua.

Tác giả của những lời ca được sửa lại lần nữa với những câu lục bát què quặt ấy, theo bài tường thuật trên báo, cho biết có giữ bản quyền. Việc đó không cần thiết vì lục bát mà như vậy thì sẽ không có ai chôm chỉa của ông đâu khiến ông phải quá lo xa.

Nếu tác giả chỉ đọc cho vợ con nghe trong bếp thì tôi sẽ không bao giờ có ý kiến. Nhưng vì nó được phổ biến ở một nơi công cộng nên người nghe được quyền có ý kiến và nhận xét.

Có ý kiến vì tôi sợ rằng sẽ có người nghe hay đọc thấy những câu ấy rồi tưởng thơ lục bát là như thế rồi cứ thế mà bắt chước làm thơ lục bát thì tội cho cụ Tiên Điền biết là chừng nào. Bỗng nhớ hai câu bi thảm của Nguyễn Du:

Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như

(Ba trăm năm nữa có dư/Biết còn ai khóc Tố Như Tiên Điền)

Thưa Tố Như tiên sinh, lục bát, thể thơ mà tiên sinh dùng để viết truyện Kiều đã bị thảm sát như vậy thì con số người khóc tiên sinh chắc chắn không phải là nhỏ.

Mà cũng tội nghiệp cho lục bát biết là chừng nào! Ấy là chưa nói tới câu cuối (rưng rưng tôi nghiện cái quần của em) là một câu tuyệt đại cực kỳ nham nhở và dơ dáy.

Nên cũng tội nghiệp luôn cả Nguyễn Bính nữa.
hoanglanchi
#314 Posted : Tuesday, February 3, 2015 12:48:42 PM(UTC)
hoanglanchi

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 406
Points: 408

Thanks: 4 times
Was thanked: 7 time(s) in 7 post(s)

Dư Âm của “ Không Cùng Thế Kỷ”



California mùa đông mà nhiệt độ trên bẩy mươi! Trong khi đó Michigan thì tuyết phủ trắng xóa, Virginia thì lạnh run. Có lẽ nhiệt độ ấm như thế nên CA là vùng đông người Việt Nam nhất. Vì đông nhất nên cũng nhiều chuyện nhất. Tôi chọn một chỗ đứng cho mình sau khi quan sát và nhận định. Tôi không sợ phải tranh luận với người thật, tử tế. Tôi chỉ ghét người ảo và hèn. Không dám đứng trên đôi chân đàn ông của mình đã đành mà lại còn sử dụng chiêu vu khống, chụp mũ, mạ lị đời tư cá nhân. Không hiểu nổi những người đó ngày xưa học hành ra sao dưới mái trường VNCH nhỉ.

Sáng hôm qua tôi mất hai giờ để tìm tài liệu cũ, sắp xếp và viết bài về một kẻ mà tôi thấy khinh và tởm hết sức. Tôi tuyên bố bản tài liệu này sẽ được gửi hàng tuần và trong bốn kỳ liên tiếp cho mọi người khắp nơi thấy rõ bộ mặt của kẻ này. ( Ai tò mò thì coi tại đây: Những Nick Ảo Của Nhóm Chu Tất Tiến). Tôi hy vọng sau này, những nick ảo mạ lị tôi sẽ giảm hay không còn. Sau đó, để cân bằng con người, tôi …viết thơ. (cười).

Khi viết văn hay làm thơ thì người viết hay tưởng tượng thêm nghĩa là gia vị muối đường được thêm cho đậm đà. Chỉ không lâu sau bài thơ “Không cùng thế kỷ” được gửi ra là ..bạn hữu tôi góp ý kiến. Vài cô em hay bạn rất thân thì hiểu được ngay đối tượng tôi viết cho là ai.

Nhạc sĩ LVT viết “Một bài thơ rất hay làm rung động lòng người”. Chắc hẳn “anh tôi” lúc này “gia huyền” nên thấy rung động chứ chả thể phổ nhạc!

Ông QL hay MPĐ khen rồi bỏ lên web của ổng.

Một muội Gia Long (LNTH) thì:

Đến rồi đi cũng là một hạnh phúc
Dù bọt bèo nhưng đủ một chút vui.

Đời buồn tênh vốn thiếu vắng nụ cười
Nay mỉm nhẹ âu cũng là duyên số.

Một cô em thì:

Vâng, em cũng thấy:

Cõi nhân gian sao lắm điều khó hiểu

Đến rồi đi, hờ hững quá bọt bèo

Rất nhiều điều mình "tưởng" là biết nhưng chỉ là sản phẩm của một đầu óc tưởng tượng.

Một ông chú cà nông thì lý sự:

Hoan hô cô cháu. Từ xa đọc thơ cô cháu, ở Cali, một lần bỗng thấy ngôn ngữ không chỉ là ngôn ngữ. Nhưng đọc nhiều lần thì hóa ra ngôn ngữ vẫn là ngôn ngữ. Điều này kỳ kỳ cục ? Không. Bản chất của ngôn ngữ là "ẩn dụ" vậy ở trong vỏ bọc nào, dù là thơ ngôn ngữ cũng vẫn chỉ là ngôn ngữ.

Một anh bạn thì:

Thơ tình lãng mạn như thế này thì khó có ai nghĩ tác giả là “Bà Già Giết Giặc”.

Một nhà thơ thì:

Hề hề! HLC "tương tư" chàng ngoại quốc nào đây hè?

Tôi cảm thấy vui khi bài thơ được nhiều bạn hữu chú ý, trêu chọc.

Bài thơ ấy tôi viết cho một người mà tôi thấy lòng mình nhẹ nhàng, vui vui mỗi khi tôi đọc e-mail của “chàng”.

“Chàng”, với ngôn ngữ cổ xưa, sự chú ý, sự tinh tế và nhất là những khen ngợi mà “chàng” dành cho tôi. Nghe khen ai chả thích phải không nào nhất là những khen ngợi ấy cứ như viết cho một người tình bé bỏng nào đó. Vì thế tôi đã viết ngôn ngữ chàng đã làm tôi sống lại cái tuổi hai mươi lần thứ …bốn mươi.(cười).

Chỉ thế thôi. Ngôn ngữ tình yêu đã chỉ là ngôn ngữ vì không cùng thế kỷ. Tôi là người thích đọc thư từ ngày xưa. Bây giờ thì coi như thích đọc e-mail. Nhiều năm xưa, một người khi viết cho tôi hay gọi vầy “Bông hồng yêu dấu và ngậm ngùi của anh”. Tôi thích cái kiểu “chàng ngày xưa” gọi tôi như vậy lắm. Còn bây giờ tôi cũng thích cái kiểu của “chàng bây giờ” gọi tôi là “ cục cưng” lắm.

Chỉ thế thôi. Vâng, chỉ thế thôi cũng đủ vui vui.

Còn những cái mà “ cõi nhân gian sao nhiều điều khó hiểu” thì tôi mặc kệ. Ơ hay tôi không chú ý vì tôi có yêu đâu nào. Chàng có là ai thì với tôi cũng chỉ là một nốt nhạc vui vui trong cả một chiều dài của bản nhạc đời tôi kia mà.

Chép lại bài thơ hôm qua ở đây nhé:

Không cùng thế kỷ

Người đã đến đời tôi trong khoảnh khắc

Là rong rêu hay bèo bọt phù du

Tôi vẫn biết rồi sẽ là xa cách

Nhưng chim bay và lòng vẫn mịt mù

Người đã hong trái tim buồn lạnh giá

Tưởng đã khô theo gió bụi thời gian

Ngôn ngữ người đem niềm vui nắng hạ

Tuổi hai mươi tôi sống lại trên ngàn

Người là ai tôi bâng khuâng tự hỏi

Rưng rưng buồn mỗi lúc đọc e-mail

Cõi nhân gian sao lắm điều khó hiểu

Đến rồi đi, hờ hững quá bọt bèo

Có những đêm nghe lòng thương quá thể

Sao không cùng một thế kỷ, chuyến đi

Để ngôn ngữ không chỉ là ngôn ngữ

Và hương thơm không chỉ đọng làn mi.

Rừng Gió California 2/2015

Hoàng Lan Chi
1 user thanked hoanglanchi for this useful post.
xv05 on 2/3/2015(UTC)
hoanglanchi
#315 Posted : Tuesday, March 3, 2015 2:22:01 PM(UTC)
hoanglanchi

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 406
Points: 408

Thanks: 4 times
Was thanked: 7 time(s) in 7 post(s)

Đi tìm “Người Mình”


Tôi nhận bài viết “Nhà ông Đệ Nhất Tổng Thống Mỹ” của Khánh Vân và rất xúc động khi đọc xong. Xin mở ngoặc: tôi cho rằng cảm nhận của một người về một tác phẩm sẽ tùy trình độ và khẩu vị người ấy. Hiện giờ, với cá nhân tôi (ở tuổi “lão”) thì những câu chuyện tình không hấp dẫn. Tôi thích đọc chuyện đời sống hàng ngày quanh ta hơn là những tác phẩm tình yêu. Đặc biệt bài viết về lịch sử, người đạo đức, gương sáng vẫn là những đề tài hấp dẫn tôi từ bé. Ví dụ thuở nhỏ tôi thích nhất bài “Em bé thành Pê Đu” trong cuốn Tâm Hồn Cao Thượng.

Tôi giới thiệu “Nhà ông Đệ Nhất Tổng Thống Mỹ” cho bằng hữu nhưng rất thận trọng ghi thêm “Tôi không biết tác giả Anne Khánh Vân là ai”. Lý do tôi thận trọng như vậy vì hiện giờ số người “trẻ” bị VC mê hoặc, dụ dỗ khá nhiều. Họ, những người trẻ ở hải ngoại, không có kinh nghiệm về những thủ đoạn lừa bịp của cộng sản. Tâm hồn trong sáng và trái tim nhiệt huyết của họ dễ bị lợi dụng. Cách đây mấy năm, tôi đã bị “hố” một lần khi giới thiệu Tần Lê. Xem youtube Tần Lê kể về chuyến vượt biên khoảng 1978 của TL: rất hay. Sau đó tôi khám phá ra Tần Lê và bà mẹ đã bị cộng đồng Úc Châu lên án, chỉ trích vì những hành động “thiên tả” của họ.

Sau đó tôi vào facebook của Khánh Vân. Tôi tìm tiểu sử, hình ảnh: không có. Chỉ một thoáng đâu đó Khánh Vân viết về mình rất gọn nhưng vẫn mơ hồ. Tôi hơi thất vọng. Bất chợt nhìn thấy category “Việt Nam present and past”, tôi click ngay.

Tôi nhìn thấy gì? -Một Việt Nam xưa trong đó có tờ giấy bạc Việt Nam Cộng Hòa. Tôi thở phào: “Người mình”.

Sáu tiếng đồng hồ sau, tôi lại dạo nhà Khánh Vân.

Tôi nhìn thấy gì? –Bài viết “30-4: Nhìn Lại! Nhìn Lại! Nhìn Lại Nữa!”. Tôi không thở phào mà trái tim tôi rộn rã niềm vui “Người mình”.

Đó là hành trình tôi đi tìm “người mình” trong thời buổi internet.

Xin cảm ơn internet đã giúp tôi đọc được những tác phẩm hay, tìm đúng “người mình”.

Hoàng Lan Chi 3/2015


Hai bài của Khánh Vân ở đây:

Nhìn lại nữa:

http://hoanglanchi.com/?p=8332

Nhà ô Đệ Nhất TT Mỹ

http://hoanglanchi.com/?p=8321
hoanglanchi
#316 Posted : Tuesday, May 5, 2015 9:10:50 PM(UTC)
hoanglanchi

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 406
Points: 408

Thanks: 4 times
Was thanked: 7 time(s) in 7 post(s)


SBTN-DC/Bản Tin HTĐ

Phỏng Vấn Đặc Biệt 30-4

Hãy làm người Quang Trung, hỡi tuổi trẻ Việt Nam



Hoàng Lan Chi giới thiệu: Nữ KHG Dương Nguyệt Ánh, người phụ nữ VN đến Hoa Kỳ năm 16t (1975). Với lòng tự hào dân tộc, cô quyết chí vươn lên. Cũng trong sự tự hào dân tộc, cô luôn chứng tỏ với thế giới, với Hoa Kỳ, “tôi là người Mỹ gốc Việt”. 30/4 năm 2015, mốc 40 năm, cô chia sẻ tâm tình và kêu gọi tuổi trẻ VN hãy đứng dậy làm lịch sử, hãy làm NGƯỜI QUANG TRUNG.

[MEDIA=youtube]id=ipBmZkrPQUA;t=166[/MEDIA]

1. 40 năm trước, tâm trạng & ký ức của chị, lúc đó là một thiếu nữ mới 15 tuổi, vào những ngày hấp hối của một miền Nam Tự Do như thế nào ?

Dù ngày đó tôi chưa đủ lớn để hiểu thấu hết cái thảm họa to lớn đang sắp sửa đổ lên đầu người dân miền Nam nói riêng và cho cả tổ quốc VN nói chung, nhưng tôi cũng đã đủ lớn để biết rằng chúng tôi không có chọn lựa nào khác hơn là phải bỏ nước ra đi tìm tự do, cho dù có yêu quê hương bao nhiêu đi nữa. Nhất là vì cha mẹ tôi đã từng có kinh nghiệm bản thân về CS rồi và đã từng phải đứt ruột bỏ miền Bắc để di cư vào Nam năm 1954.

Tôi còn nhớ cái tình trạng hoảng loạn của Sài Gòn khi ấy. Như một ai đó đã diễn tả rất đúng rằng ngay cả những cái cột đèn nếu chúng biết đi thì chúng cũng đã tìm cách ra đi. Trong khi ngồi trên phi cơ chở chúng tôi bay ra tàu HQ VNCH ngoài biển Đông, tôi đã ứa nước mắt nghĩ đến những người còn ở lại, những người đang cố thoát mà không thoát được, và thương nhất là những thương binh VNCH đang nằm trong các quân y viện. Tôi đã tự hỏi số phận của họ rồi ra sao, ai lo cho họ, và cho vợ con họ. Nhưng có lẽ cái cảm giác đau đớn nhất lần đầu tiên trong đời là khi phải chứng kiến cảnh tầu HQ của mình hạ là cờ của VNCH xuống và thay thế bằng cờ Hoa Kỳ để được phép cập bến Phi Luật Tân. Chưa bao giờ tôi có cái cảm giác mất mát toàn diện đến như thế.

2. Hành trình tị nạn cũng như những gì chị và gia đình đã trải qua để tái lập đời sống mới trên vùng đất Tự Do đã có những tác động gì đối với con đường xây dựng sự nghiệp và thành công vượt bực của chị?

Cám ơn anh quá khen nhưng tôi không dám nhận những thành quả của mình là vượt bực gì cả. Ngoài vòm trời này còn có vòm trời khác, tôi không bao giờ dám tự phụ đâu thưa anh. Có rất nhiều người Việt thành đạt vượt bực ở hải ngoại nhưng không được nhắc đến đấy thôi.

Còn nếu hỏi rằng cái căn cước tị nạn của tôi đã có những tác động gì trên nỗ lực học hỏi và làm việc của tôi thì xin thưa là rất nhiều. Ngày đó tôi mang trong lòng một cái tự ái dân tộc rất to. Tôi không muốn người dân Hoa Kỳ nhìn người tị nạn VN là những kẻ ăn bám, tôi không muốn ai khinh thường chúng ta. Nên tôi đã cố gắng học ngày học đêm, cố gắng làm việc chăm chỉ để vươn lên. Khi còn đi học thì tôi muốn mình ít ra cũng phải ngang nếu không hơn được những bạn đồng lớp. Khi ra đời thì tôi quyết chí sẽ phải thành công trong nghề nghiệp và phải lên được hàng lãnh đạo. Cho đến hôm nay, dù đã là công dân Hoa Kỳ và đã sống ở đây quá nửa đời, mà tôi vẫn còn nguyên cái tự ái đó thưa anh. Nhất là những dịp tôi lãnh giải thưởng, huy chương hay được vinh danh, hay mỗi khi tôi đại điện Hoa Kỳ ở những phiên họp quốc tế và được các nước bạn chào đón trọng vọng, thì tôi hay tìm cách khéo léo cho người ta biết cái gốc VN của tôi. Vì tôi không muốn người ta tưởng tôi là người Mỹ gốc Nhật, gốc Đại Hàn hay Tàu. Tôi muốn người ta phải biết tôi là VN kia.

3. Năm 1975, khi làn sóng tị nạn đầu tiên đặt chân đến Hoa-Kỳ, người bản xứ và cả giới truyền thông Hoa-Kỳ, trong đó có tuần báo Newsweek đã có những hoài nghi trình độ của người Việt trong việc thích ứng với cách sống văn minh của người Mỹ, và e ngại người Việt Tị Nạn sẽ là một gánh nặng cho Xã Hội Mỹ. Cũng trên tuần báo Newsweek, 32 năm sau (2007), nhà bỉnh bút nổi tiếng George Will đã viết một bài báo về những cống hiến vượt bực về tài năng khoa-học & Kỹ Thuật của chị trong lãnh vực quốc phòng, chống khủng bố. Ông đã kết luận bài viết của ông với lời cám ơn chị và nhấn mạnh là chị đã trả hết món nợ của chính phủ và dân tộc Mỹ, cả vốn lẫn lời, bằng sự đóng góp rất lớn của chị cho tự do và an ninh của nước Mỹ. Lời cám ơn và khen tặng này mang ý nghĩa gì đối với chị ?

Thưa anh, được một bình luận gia lỗi lạc như ông George Will khen tặng là một điều rất hân hạnh cho tôi. Thật ra có rất nhiều người Việt đã và đang chứng minh là bà Shana Alexander và tuần báo Newsweek sai 40 năm trước. Riêng phần tôi, được cơ hội góp một phần rất khiêm tốn, và tôi xin nhấn mạnh chữ khiêm tốn, vào việc thay đổi dư luận HK về người tị nạn là một điều may mắn và rất vui cho tôi. Nhất là lại được góp phần trong việc mà tôi xem là nghĩa vụ của bất cứ người dân nào đối với chiến sĩ đang bảo vệ tự do và an ninh cho mình. Bên cạnh niềm vui đó tôi vẫn mang một nỗi ngậm ngùi. Ông George Will cho rằng tôi đã trả xong nợ, cả vốn lẫn lời cho đất nước HK, nhưng còn chiến sĩ VNCH thì sao. Tôi sẽ không bao giờ có cơ hội để đền ơn xương máu của họ và món nợ đó tôi sẽ mang mãi suốt đời.

4. Nếu chị vẫn còn ở lại Việt Nam, không thoát ra khỏi chế độ CS, chị có cơ hội để thành đạt và đóng góp quê mẹ VN như chị đã & đang phục vụ cho đất nước Tự Do Hoa-Kỳ không ?

Câu trả lời chắc chắn là không rồi thưa anh. Đảng CSVN chỉ lo bán nước, đàn áp nhân dân, vơ vét đầy túi và bảo vệ quyền lợi cho họ và gia đình thì làm gì có chỗ cho những người dân thường như tôi. Hon nua, ho luôn luôn chủ trương Hồng Hơn Chuyên nen một người đầu óc đầy những tư tưởng chống cộng như tôi, nghĩa là một người không "Hồng" chút nào thì làm sao có cơ hội để học hỏi, trau dồi nghề nghiệp, và chắc chắn sẽ không được đào tạo thành khoa học gia hay chuyện gia gì cả, thì làm gì có cơ hội mà đóng góp hay phục vụ như tôi đang được làm ở đây. Mà ngay cả khi có người nào đó may mắn được đào tạo, nhưng sống trong một đất nước lạc hậu duoi su quan ly cua cai dang CS bat tai va doc doan nhu VN thì tài năng của họ cũng chỉ uổng phí thôi, thưa anh.

5. Chị mang lý tưởng và hoài bảo gì trong nỗ lực cống hiến kiến thức & tài năng của chị trong lãnh vực Quốc Phòng cũng như vai trò bảo vệ Nội An cho đất nươ’c Hoa-Kỳ của chị ?

Biển cố 30/4 nói riêng và tất cả những gì xảy ra cho Việt Nam nói chung đã có một ảnh hưởng vô cùng sâu xa với tôi. Tôi đã cay đắng nhận ra rằng một dân tộc chỉ có thể giữ được quyền tự quyết và một quốc gia chỉ có thể giữ được chủ quyền khi dân tộc ấy, khi quốc gia ấy mạnh mà thôi. Một VNCH nhỏ bé đã không thể trông mong suông vào công lý và lương tâm thế giới để đứng vững. Tôi không bao giờ quên hoàn cảnh nghiệt ngã của người lính VNCH ở vào giai đoạn cuối của cuộc chiến, thừa lòng dũng cảm và ý chí bảo vệ miền Nam nhưng hết súng hết đạn, hết tất cả mọi phương tiện để chiến đấu. Tôi không bao giờ muốn rơi vào cái hoàn cảnh cay đắng của một dân tộc mất quyền tự quyết, phải bỏ quê hương ra đi một lần nữa, và tôi không bao giờ muốn chiến sĩ HK ngày nay của tôi rơi vào hoàn cảnh nghiệt ngã của chiến sĩ VNCH ngày trước. Nên tôi chọn làm việc cho quốc phòng HK để đóng góp tích cực vào việc bảo vệ nên dân chủ tự do ở quốc gia thứ hai này cho chúng ta. Và tôi chọn làm việc khoa học kỹ thuật hầu mong giúp chiến sĩ của chúng ta có những phương tiện tối tân nhất, hữu hiệu nhất để thắng trận và trở về nguyên vẹn với gia đình họ.

Từ 7 năm nay, tôi sang làm việc cho bộ Nội An HK vì nhận định rằng chiến tranh ngày nay không chỉ xảy ra ngoài chiến địa xa xôi mà cuộc chiến chống khủng bố đang diễn ra hàng ngày trong lòng hậu phương HK. Nói tóm lại là tôi luôn luôn muốn làm hết cái sức nhỏ nhoi của mình để giúp chiến sĩ và những người đang bảo vệ cho sự tự do và bình an của chúng ta nơi đây.

6. Một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự sụp đổ của Miền Nam Tự Do để toàn cõi đất nước rơi vào tay CS là thành phần phản chiến, trong đó còn có giới văn nghệ sĩ , báo chí, truyền thông của Hoa-Kỳ như tài tử Jane Fonda, nhà viết sử Stanley Karnow, cựu chiến binh, giờ là chính khách, Tổng Trưởng Ngoại Giao John Kerry. Trong khi đó, chị là một người tị nạn CS, đã cống hiến sự nghiệp của chị trong việc chế tạo vũ khí để bảo vệ lý tưởng tư do và an ninh cho chính người dân Hoa-Kỳ. Nếu chị có cơ hội trao đổi với những người phản chiến về con đường bảo vệ Tự Do & Hoa-Bình trên thế giới, chị sẽ nói với họ những gì ?

Nếu những ai phản chiến vì tin rằng mục đích tối hậu của con người là hòa bình thì tôi xin phép không đồng ý. Tôi cho rằng mục đích tối hậu của con người là tự do và nhân quyền, kể cả quyền mưu tìm hạnh phúc cho bản thân và gia đình. Hòa bình là môi trường, là điều kiện tốt nhất để giúp con người đạt được mục đích tối hậu này, nhưng hòa bình tự nó không phải là mục đích tối hậu. Nói cách khác, không cần phải có hòa bình thì mới có tự do và nhân quyền. Thí dụ điển hình là VNCH ngày trước, hay Do Thái ngày nay. Ngược lại, có rất nhiều trường hợp mà hòa bình không đem lại tự do và nhân quyền cho đại đa số người dân, mà chỉ cho một thiểu số cầm quyền. Thí dụ hiển nhiên là Bắc Hàn, là Việt Nam, Trung Cộng, Nga, Cuba ngày nay.

Nhiều khi chiến tranh là con đường duy nhất để đạt được hòa bình lâu dài, như trong trường hợp một quốc gia bị xâm lăng và phải chiến đấu để bảo vệ chủ quyền. Đó chính là trường hợp của VNCH, chiến đấu vì muốn được yên để theo đuổi tự do dân chủ. Nếu ngày trước, các vị tiền bối HK cũng khư khư phản chiến, thà làm thuộc địa Anh và chịu mất tự do, thì làm gì có quốc gia HK ngày nay với một nền hòa bình và một thể chế tự do dân chủ vào bậc nhất trên thế giới cho tất cả chúng ta được cùng thụ hưởng.

Riêng trong trường hợp của cuộc chiến tranh VN, nếu quý vị phản chiến muốn nó chấm dứt càng sớm càng tốt thì đáng lẽ quý vị phải đứng về phía VNCH mới đúng. Vì phía gây chiến là CSBV kia mà. VNCH là một quốc gia độc lập và có chủ quyền. Chúng tôi không hề muốn xâm lăng miền Bắc mà chỉ muốn được yên để theo đuổi tự do dân chủ. Ngược lại, CSBV đã tiến hành chiến tranh vì muốn nhuộm đỏ miền Nam. Những ai yêu chuộng hòa bình thiết tưởng phải lớn tiếng chống đối kẻ gây chiến chứ sao lại đâm sau lưng người đang cố gắng tự vệ.

Tệ nhất là hành động đâm sau lưng chính những người lính HK của mình trong cuộc chiến đó, nhất là những tù binh HK bị CSBV giam cầm, như Jane Fonda đã làm. Muốn phản đối chính phủ HK gửi quân sang VN tham chiến thì cứ phản đối, nhưng tại sao lại chĩa mũi dùi vào những người lính HK. Chọn lựa tham chiến hay không là quyết định của TT, của Quốc Hội HK, chứ người lính HK thì chỉ biết thi hành nhiệm vụ được giao phó thôi.

7. Theo quan điểm riêng của chị, yếu tố tiên quyết nào để có thể bảo vệ sự độc lập, quyền tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ và quyền tự do, hạnh phúc đích thực cho đồng bào và đất Mẹ VN?"

Theo thiển ý, 3 yếu tố tiên quyết để thắng trong bất cứ cuộc chiến nào là: 1) ý chí chiến đấu, 2) chiến lược, chiến thuật và 3) phương tiện chiến đấu. Nếu hèn nhát hay không muốn chiến đấu vì không có chính nghĩa thì dẫu có thừa phương tiện cũng vô ích. Ngược lại, với lòng ái quốc cao độ và sách lược khôn ngoan, một quân đội thua người và kém phương tiện cũng vẫn có thể thắng. Bao nhiêu lần một VN nhỏ bé mà vẫn oanh liệt đánh bại đoàn quân xâm lăng bách chiến bách thắng Mông Cổ và quân Tàu là chính vì lòng dân Việt cương quyết, vua Việt anh minh và tướng Việt thao lược hơn người, giỏi cả chiến lược lẫn chiến thuật.

Nếu muốn áp dụng bài học lịch sử này để một lần nữa đập tan mưu đồ xâm lăng của Trung Cộng thì chính quyền và toàn dân VN phải cương quyết, lòng ái quốc và tinh thần dân tộc cần phải khuếch trương lên cực độ. Hiện nay, đảng CS và giới lãnh đạo VN vì tham vì hèn nên sẵn sàng phản quốc mà cam tâm bán nước. Như thế là giặc đang ở ngay bên trong ta. Và chừng nào giặc ở bên trong còn thì khó chống được giặc ở bên ngoài.

Còn về khía cạnh tự do và hạnh phúc đích thực cho toàn dân, thì con đường duy nhất là dân chủ hóa, tạo điều kiện để toàn thể nhân dân có cơ hội tham gia phát triển đất nước và được hưởng những thành quả đó.

8. Bên cạnh sự thành đạt của chị mang lại niềm tự hào cho dân tộc Việt, chị còn là một gương sáng cho thế hệ trẻ gốc Việt gieo rắc ý thức về giá trị của 2 chử tự do và là niềm phấn khởi cho các thế hệ theo sau cống hiến tài năng của mình cho cuộc sống an bình của nhân loai. Nhìn lại chặng đường 40 năm tị nạn, xin chị có điều gì nhắn nhủ đến thệ hệ trẻ gốc Việt trong cũng như ngoài nước?

Tương lai của một dân tộc luôn luôn nằm trong tay những người trẻ. Lịch sử luôn cho thấy những cuộc cách mạng phần nhiều được chủ động bởi những người trẻ. Vì người trẻ nhiều lý tưởng, nhiều sáng kiến và nhiều năng lực. VN ngày nay đang mất dần vào tay Trung Cộng. Đất VN, biển VN, tài nguyên VN đang được chính quyền CS cho không hay thuê nhượng với giá rẻ mạt. Tôi tha thiết mong mỏi những người trẻ trong nước hãy đoàn kết và can đảm đứng lên huy dộng toàn dân bảo vệ quê hương bằng mọi cách. Xin các bạn hiểu rằng trung thành với Bác, với Đảng không đồng nghĩa với trung thành với tổ quốc VN. Khi Dảng đi ngược lại quyền lợi của dân tộc, cam tâm bán nước để củng cố quyền lợi cá nhân và duy trì quyền lực cho đảng, thì chính cái đảng đó đang phản quốc. Như vậy, không có lý do nào để trung thành hay hợp tác với họ cả. Quan trọng nhất là chúng ta phải phát huy tinh thần dân tộc và lòng ái quốc để giữ lấy cái quê hương bên trong mỗi chúng ta thì mới mong bảo vệ được quê hương bên ngoài. Nếu quê hương ở bên trong chúng ta còn nguyên vẹn thì không sợ mất quê hương bên ngoài. Mà có chẳng may bị mất thì phải tâm niệm là chuyện nhất thời, mình nhất định nuôi chí quật cường và chờ thời cơ để dành lại, như cha ông ta đã từng làm bao nhiêu lần trong lịch sử.

Đối với những người trẻ may mắn sinh ra và lớn lên trong những xã hội tự do dân chủ bên ngoài VN, bước đầu tiên là các bạn cố gắng tìm hiểu cái căn cước thứ hai của mình, cái gốc VN của mình. Một khi các bạn khám phá ra lịch sử vô cùng kiêu hùng của người VN, từ một nền văn minh cổmấy ngàn năm với văn hóa rất đặc thù, đến ý chí bất khuất quật cường, luôn luôn dành lại được độc lập dù từng bị Tàu đô hộ cả ngàn năm, tôi chắc chắn là các bạn sẽ vô cùng hãnh diện về nguồn gốc của mình. Một khi các bạn hãnh diện thì tôi chắc các bạn sẽ mong muốn góp phần bảo vệ nó, và các bạn sẽ góp tay với người trẻ trong nước để giúp VN tự do và trường tồn. Chúng ta hãy noi gương người Do Thái, dù sinh sống ở đâu nhưng vẫn giữ cái gốc Do Thái của họ và tìm mọi cách giúp đỡ người dân Do Thái đang sống trong nước được tự do hạnh phúc.

Sau cùng, tôi xin mượn tựa để một quyển tiểu thuyết rất nổi tiếng của cố văn sĩ Duyên Anh để nói với các bạn trẻ, nhất là các bạn trẻ trong nước. Quyển tiểu thuyết này có tên là “Mơ Thành Người Quảng Trung”, một trong những anh hùng chống Bắc xâm vĩ đại nhất của lịch sử VN. Vâng, tất cả chúng ta xin hãy mơ thành người Quang Trung, và xin hãy là người Quang Trung.

(bản ghi lại từ youtube của T.Đ)
hoanglanchi
#317 Posted : Tuesday, June 9, 2015 7:02:15 AM(UTC)
hoanglanchi

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 406
Points: 408

Thanks: 4 times
Was thanked: 7 time(s) in 7 post(s)

Đầu Tuần Vụn Vặt Với Tiếng Hát Duy Khánh

Posted on June 8, 2015 by hoanglanchi

Cuối tuần qua bà chị họ gọi tôi “Hóa ra con bé này học thi nên không vụn vặt!”. Tôi bật cười. Tôi thích. Phụ nữ nói là phải thích vì phụ nữ nói thật, không xạo như đàn ông. Vụn vặt của tôi như một món ăn hàng tuần và khi vắng cũng gây nhớ nhung.

Bài thi không khó nhưng cũng phải nhớ nhiều. Tôi viện trợ đến ba ông chủ tịch tổ chức cộng đồng của ba tiểu bang khác nhau để dò bài cho chị. Một ông rất chăm dò đến ba lần, một ông bận tổ chức ngày 19/6 và đã quên, một ông chăm vừa, dò được một lần. Ông nào cũng le lưỡi sao chị học thuộc bài quá đi.

Thi xong nên vụn vặt muộn. Cũng là một trùng hợp khi vào facebook, tôi gặp ô Đỗ Văn Phúc để trong time line của tôi một chương trình nhạc cũ. Đó là chương trình thực hiện cho Duy Khánh. Tác giả viết là Đỗ Văn Phúc và tôi cùng Phúc thực hiện vào khoảng 2008.

Tôi vừa nghe lại chương trình Duy Khánh vừa viết vụn vặt. Tôi vẫn thích giọng Duy Khánh trong một số bài như Ai ra Xứ Huế, Hòn Vọng Phu, Trên Bốn Vùng Chiến Thuật và Xuân Này Con Không Về. Âm nhạc Duy Khánh thấm đẫm tình tự quê hương, tình tự Huế và cái chất “phổ thông” không sang trọng, vẫn có cái gì đó rất cuốn hút. Trong buổi chiều chớm hè, còn chút se lạnh ở phương trời California, nghe lại những tình tự cũ, trong lòng thấy một niềm rưng rưng khó tả.

Cũng trong chiều buồn kỷ niệm này, tôi đọc bài viết “ Nội San Sử Địa và Những Lời Tố Cáo” của Nguyễn Văn Lục. Thì cũng là một điệu buồn ngày cũ. Nguyễn Văn Lục gửi tôi vì cả tôi và anh đều ưa mến cuốn Mặt Trận Đại Học của Bạch Diện Thư Sinh. Tôi yêu vì đó là môi trường một thuở. Tôi cũng yêu vì những người sinh viên ấy đã trả giá cả mười bẩy năm tù ngục. Nguyễn Văn Lục yêu vì bản tính ưa sưu tầm tài liệu. Nguyễn văn Lục vừa viết một bài, vừa trả lời phỏng vấn của nhà báo Hồng Phúc cho cuốn sách này. Và cũng từ cuốn sách của Bạch Diện, Nguyễn Văn Lục nhớ lại chuyện xưa và lật lại trang sử cũ. Tôi đọc say sưa tài liệu “Nội San Sử Địa” này của Nguyễn Văn Lục.

Tôi tự hỏi cái gì đã khiến một người thuộc thế hệ đàn anh, một cựu giáo sư triết học muốn chia sẻ cho một người đàn em, như học trò và lại là con người khoa học (Hoàng Lan Chi). Có lẽ đề tài ấy cuốn hút cả anh và tôi. Viết đến đây, tôi chợt nhớ bài viết “Những người một thuở tung hoành, ngàn năm còn lưu dấu”, trong đó tôi viết về duyên bất ngờ giữa tôi và hai người của Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo: Sư Huynh Lê Anh Kiệt của tôi và Bạch Diện Thư Sinh.

Như một trùng hợp, Giọng hát Duy Khánh với những giai điệu quê hương ngày cũ, Nội San Sử Địa với những ngày sôi động xưa, buồn thảm cũ.

Và còn những cái cũ khác, tôi nghĩ có lẽ sẽ không buồn vì “Anh vẫn nhớ lời hứa với em. Khi nào có hứng, anh sẽ kể những chuyện cũ, những chuyện chưa bao giờ nói. Chịu chưa?”. Nhà văn Văn Quang, tác giả “Lẩm Cẩm Thiên Hạ Sự” hàng tuần đều đặn gửi ra hải ngoại từ Sài Gòn đã viết vậy cho tôi. Tôi tin là các bạn hữu của tôi sẽ rất thú vị vì Văn Quang bao giờ cũng kể chuyện lôi cuốn, hấp dẫn.

Bây giờ xin mời nghe lại những Ai Ra Xứ Huế, Bài Hương Ca Vô Tận, Xuân Này Con Không Về, Trên Bốn Vùng Chiến Thuật.. qua chương trình tưởng niệm Duy Khánh với Đỗ Văn Phúc-Hoàng Lan Chi nhé:

http://michaelpdo.com/20...06/duy-khanh-1938-2003/

Hoàng Lan Chi

6/2015
hoanglanchi
#318 Posted : Wednesday, June 17, 2015 11:58:27 AM(UTC)
hoanglanchi

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 406
Points: 408

Thanks: 4 times
Was thanked: 7 time(s) in 7 post(s)


Người Đàn Ông Hoa Kỳ Mà Tôi Ngưỡng Mộ

Posted on June 17, 2015 by hoanglanchi

Xem hình ở link sau:

http://hoanglanchi.com/?p=8450


Tôi thích bất ngờ quen biết ai đó chứ không thích bất ngờ ai đó đến thăm tôi!

Nói rõ là thế này, tuần qua, một cô em họ định gây bất ngờ cho tôi nhưng sau đó cô đổi ý và gọi điện thọai báo trước. Tôi bảo cô “Chị ghét ai bất ngờ lù lù đến trước nhà chị lắm nhen. Lý do, tớ là cô ký điệu. Tớ không thích người ở xa đến gặp lúc tớ chưa sửa soạn”.

Còn cái sau là tình cờ có thêm những “quen biết” mà tôi thú vị với mối quen biết mới đó.

2014, tôi bất ngờ gặp sư huynh Lê Anh Kiệt và từ sư huynh là Bạch Diện Thư Sinh. Hai người này là trong ban A17 của Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo.

Tháng 3/2015, không hẳn bất ngờ lắm nhưng cứ coi vô tình gặp trong nhóm nhỏ rồi thì thành thân thiết: Ts Phan Quang Trọng, Chủ tịch tổ chức cộng đồng San Antonio. TS Trọng là một trong bốn vị chủ tịch cộng đồng mà tôi “thương mến”. “Thương mến” vì …đồng tư tưởng khá nhiều, không phải tranh luận ỏm tỏi như tôi với vài cụ cao niên.
Thế rồi, từ Trọng, tôi bất ngờ quen Cựu Thiếu Tá TQLC Richard Botkin. Đây là người đàn ông Hoa Kỳ mà tôi rất “ngưỡng mộ”.
Rất dễ cho bạn bè đoán được lý do tôi “ngưỡng mộ” ai đó. Đa phần lý do sẽ là người hùng, hay người đóng góp nhiều cho lý tưởng quốc gia.
Richard Botkin là chiến binh Hoa Kỳ phục vụ từ 1980 đến 1995. Ông chưa từng chiến đấu ở Việt Nam. Một tình cờ, ông có mặt trong buổi tặng huân chương Anh Dũng Bội Tinh Ngôi Sao Bạc, do Tổng Thống Bush ký tặng để vinh danh Trung tá Lê Bá Bình, trong một họp mặt trang trọng tại Thủ Đô Hoa Kỳ nhân dịp Lễ Độc Lập July 4, 2005 (tin Việt Báo). Đây là định mệnh mà Richard gọi đó là một ơn kêu gọi. Ông bắt đầu tìm hiểu về cuộc chiến Việt Nam, một cuộc chiến hiện nay đã được ghi vào lịch sử Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ như một cuộc chiến tiêu biểu mà cường quốc này đã tham gia trong thế kỷ 1900s. Càng tìm hiểu thì ông càng yêu mến. Cuối cùng ông đã dành hơn năm năm nghiên cứu và bốn lần đến Việt Nam cùng cựu Trung Tá Lê Bá Bình. Kết quả sau đó là sự chào đời của cuốn sách hơn 600 trang vào năm 2006, Ride The Thunder. Chín năm sau là phim Ride The Thunder xuất hiện tại thủ đô của người Việt tị nạn tháng 3, 2015.


Điều làm cho tôi xúc động hơn là vào cột mốc 40 năm, khi vài người hớn hở với việc thành công cá nhân khi đến được xứ tự do, hay vui mừng vì được chương trình gọi là H.O của Hoa Kỳ đón bằng máy bay; hay cảm động vì sự thành công trên xứ người và bày tỏ “Thank You USA” thì một người lính Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đã trình làng một bộ phim nhằm mục đích đòi danh dự cho người lính VNCH.


Sự trùng hợp là bộ phim ấy lại nói về mùa hè đỏ lửa 1972, dính liền với một địa danh mà tôi hằng yêu mến. Ba chục ngàn quân chính quy vc tấn công địa đầu Quảng Trị và tiến vào Huế. Tiểu đoàn 3 Sói Biển TQLC của Lê Bá Bình, với cố vấn John Ripley, được tăng cường thêm một trợ thủ là Jim Smock sau bốn giờ đồng hồ đã phá được cầu Đông Hà, chận vc. Sau đó, quân đội VNCH tái chiếm cổ thành Quảng Trị. Thật ra, cho đến giờ phút này, nhạc phẩm luôn làm tôi xúc động là “Cờ bay trên thành phố Quảng Trị”. Có lẽ ít ai ngờ rằng, nhiều khi tôi hay hát bài này một mình trong phòng.


Để thực hiện bộ phim, Richard đã “I really do have all my life savings in the film, along with the help of a few friends.” *(Chỉ với cuốn phim này, tôi đã thật sự dùng hết tiền dành dụm cả đời cùng với sự tài trợ của vài người bạn).

Tại sao người đàn ông Hoa Kỳ ấy lại muốn làm điều đó? Hãy nghe ông bày tỏ “I believe to my soul that God’s mission to me for the remainder of my life is to fight for the truth about the Vietnam War”* (Tôi tin rằng Trời đã trao cho tôi nghĩa vụ tranh đấu cho sự thật về cuộc chiến tranh Việt Nam cho tới cuối đời.)


Người đàn ông ấy hẳn có một tư cách như thế nào, một lý tưởng tuyệt vời ra sao, một niềm tin mãnh liệt chừng nào, để “We have been married nearly 33 years. She has never once complained about the time or the funding I have taken to do these projects. My children have likewise been very supportive. I think they also understand that there is a battle for our nation’s soul. America was correct to fight the communists in Vietnam .* (Chúng tôi đã lấy nhau được gần 33 năm. Chưa bao giờ bà ấy than phiền về thời gian và tài chánh tôi đã dùng để làm những công trình như thế này. Các con tôi cũng đồng lòng giúp đỡ tôi như vậy. Tôi nghĩ chúng cũng hiểu rằng đây là một cuộc tranh đấu cho tâm hồn của đất nước. Nước Mỹ đã làm một việc đúng đắn khi đương đầu với Cộng Sản tại Việt Nam.)




Vâng, bằng ấy cái tạo nên người đàn ông Hoa Kỳ mà tôi ngưỡng mộ. Ông đã dành mọi sinh lực, tâm huyết để gióng lên tiếng chuông, đòi lại danh dự cho quân đội VNCH của tôi. Ông đã can đảm xé toang màn mây mù bao phủ, thay đổi ký ức của thế giới về chiến tranh VN.
Ông quý trọng về “cái giá vô cùng to lớn mà người Việt phải trả cho sự tự do”, ông ngẩn ngơ về “những điều mà người Việt tại hải ngoại đã làm được”. * Còn tôi, tôi ngưỡng mộ và biết ơn ông vì qua công việc của ông, hình ảnh đích thực của người lính Việt Nam Cộng Hòa đã được tái lập cho thế hệ trẻ biết rằng các em là giòng dõi của những con người can trường ấy. Niềm tự hào dân tộc sẽ được bùng thổi để các em vươn mình làm người Quang Trung.

Cuối cùng, tôi chỉ biết nói với người đàn ông mà tôi ngưỡng mộ đó rằng “Our duty is to be with you and your work”. *

Hoàng Lan Chi
6/2015

* Tất cả là những câu trích từ bài “Trò Chuyện với Richard Botkin về phim Rider The Thunder”. Đón xem bài phỏng vấn của Hoàng Lan Chi – báo Bút Tre tháng 6/2015

* Phim: http://ridethethundermovie.com
hoanglanchi
#319 Posted : Wednesday, July 15, 2015 3:37:51 PM(UTC)
hoanglanchi

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 406
Points: 408

Thanks: 4 times
Was thanked: 7 time(s) in 7 post(s)

Gánh Nặng Cộng Đồng


Tuần qua, tôi ghé trụ sở BPSOS vì tôi nhờ cô Trang Khanh đem dùm albums từ VA về CA. Trước đó, Khanh cho biết thùng album rất nặng. Thật tình, tôi không nhớ nó nhiều và nặng đến thế. Kể từ khi ôm albums từ Việt Nam qua, tôi có ngó ngàng gì đâu. Cuộc sống cứ là “lu xà bu”. Tôi nói Khanh nhờ volunteer của BPSOS, lột hình ra khỏi albums cho đỡ nặng.

Khi giao thùng albums, Trang Khanh nói “BPSOS làm gì có người rảnh lột hình dùm cô. Thôi con đóng tiền đem về cho cô cho rồi. Vả lại, hình của cô chia ra từng loại. Người lột đâu phải chỉ lột không, còn phải xem rồi cho ý kiến nữa chớ!”. Tôi bật cười.

Năm 2006, khi Ts Nguyễn Đình Thắng mời tôi làm việc, Trang Khanh là Giám Đốc CT Phát Triển Cộng Đồng. Ngày đó có khoảng bốn chương trình lớn với bốn vị giám đốc. Hiện giờ, BPSOS “reorganize” và Trang Khanh là giám đốc , chỉ sau Ts Nguyễn Đình Thắng.

BPSOS có hai người mà tôi “vừa ghét vừa thương” là Ts Nguyễn Đình ThắngTrang Khanh. “Ghét” vì lý do cá nhân, “Thương” vì đó là hai mẫu người cho tinh thần “thiện nguyện”. Hai người nầy làm việc bất kể giờ giấc. Hai người nầy giỏi cả Anh lẫn Việt. Hai người nầy ngày xưa, viết bài tiếng Việt rất “chuẩn” theo kiểu Mỹ. Mở dấu ngoặc, tôi đoán là Trang Khanh được Nguyễn Đình Thắng đào tạo về khoa “viết”. Lúc làm chủ bút Mạch Sống của BPSOS, hai người nầy ít bị tôi sửa bài nhất. Nói rõ là bài của nhân viên BPSOS, tôi “edit” chi chít còn bài của hai người nầy, tôi “edit” rất ít. Hai người nầy đều giỏi về khoa ăn nói trước đám đông, trước ống kính truyền hình vì họ nắm rất vững lãnh vực họ đang phụ trách. Chỉ có một khác biệt nhỏ giữa hai người nầy: Nguyễn Đình Thắng nói năng chậm rãi, khoan thai còn Trang Khanh thì …giống “đàn ông”! Ngày đó, Trang Khanh chọc tôi “Con thấy cô với anh Thắng điệu như nhau. Nói gì chậm rì!”. Trời đất ơi, tôi thầm nghĩ “Phát thanh cho cao niên thì phải nói vừa phải cho người ta hiểu. Ai như chị, cứ như trong trại quân đội!”.




Chương trình HO đợt 2- do Nguyễn Đình Thắng tự nguyện làm để giúp các cựu quân nhân. ( sao hồi đó không thấy ông cựu quân nhân nào "mắng" Thắng chuyện này nhỉ?!!)

[MEDIA=youtube]QQYxPHI54Sk[/MEDIA]

Hai cô cháu rủ nhau ăn bánh cuốn Tây Hồ. Vừa ăn vừa lai rai chuyện BPSOS. Lại quanh quẩn những chuyện Nguyễn Đình Thắng bị vu cáo, chụp mũ. Khanh hỏi “Con không liên lạc với cộng đồng nhiều. Con thắc mắc tại sao cộng đồng có nhiều cô chú lớn tuổi mà thích nói là nói, nói không bằng cớ gì hết, kỳ vậy cô?”.

Thiệt cái tình. “Bà cố nội cô cũng không hiểu đừng nói gì đến cô!” . Tôi cười cười “Chắc họ hơi bị chập mạch. Chụp mũ Thắng tổ chức Ngày Quân Lực tỉnh bơ. Điên quá là điên. Ai thèm chú tâm ngày đó của các cụ. VC cũng chỉ hầm hừ cái tên Ngày Quốc Hận thôi vì nhiều người biết ngày đó, đã có trong cả lịch sử Mỹ, ngày đó các cụ treo cờ rũ còn chúng vui mừng. Chớ ngày 19/6, các cụ cứ múa theo ý mình, ai thèm chú ý. Thắng muốn tổ chức Ngày Vinh Danh và Tri Ân vào ngày đó để hy vọng có đông người dự, ai dè tổ chức cộng đồng Đoàn Hữu Định có vẻ mê Vịt Tê hơn. Bọn Vịt này chắc muốn kéo Nguyễn Đình Thắng về với mình không được nên ra sức phá. Năm 2014, cũng tháng vận động nhân quyền, chúng chơi cái trò cho Trúc Hồ kéo lên DC, ra vườn bông gần Quốc Hội hát hò. Chúng muốn chia số người sẽ về DC. Hồi đó, cô đã mỉa mai, chả hiểu cái màn hát hò của Trúc Hồ có tác động gì đối với VC và Mẽo? Ruồi bu. Năm nay, chúng cũng phá bằng cách cũng cho bầu đoàn thê tử Trúc Hồ kéo lên DC hát hò vào 30/4 nhưng vì kinh nghiệm năm ngoái, vì cách xa, nên chúng đã không phá nổi Nguyễn Đình Thắng. Ngày 18/6, mấy trăm người từ khắp nơi về DC, vào gặp dân cử của họ, trình bày về nhân quyền. Cô nghĩ đây là thắng lợi lớn của Thắng. Phái đoàn Michigan đi rất đông, trông rất đẹp. Đa số là người thế hệ “bản lề”, có địa vị trong xã hội Mỹ, thông thạo Anh-Việt và họ hướng dẫn người già.”

Mấy hôm trước tôi nhờ người tìm lại hộ một bài viết cũ từ 2007 của Nguyễn Đình Thắng. Chính vào năm đó, tôi hết sức xúc động khi đọc bài này. Tôi copy một đoạn trong đó và đưa vào “Thư gửi con gái”. Trong đó, tôi bày tỏ rằng tôi mong ước, sau này con gái tôi cũngdành những năm cuối đời cho lãnh vực “thiện nguyện”.

Ông Peter F. Drucker đã có một nhân cách đáng quý khi ông dành hai mươi năm cuối đờiđể cống hiến cho những việc thiện. Tôi nghĩ trên đời có nhiều người sống đẹp như vậy. Đây là đoạn trong bài viết “Từ thành công đến ý nghĩa” của Nguyễn Đình Thắng viết năm 2007:

http://www.machsong.org/modules...file=article&sid=988

Trích: Lùi trở lại năm 2001. Thời điểm quyết định thứ hai: tôi gặp Ông Peter F. Drucker. Tôi được chọn tham gia chương trình huấn luyện kéo dài một năm với Viện Lãnh Đạo Nói Với Lãnh Đạo (Leader to Leader Institute) mà Ông sáng lập ra. Ông là vị thầy của môn quản trị kinh doanh tân thời nhưng lại dành 20 năm cuối đời để phát triển khu vực phi lợi nhuận. Ông tâm tình về quyết định này: tiến từ thành công đến điều có ý nghĩa. Tạo tài sản trong khu vực kinh doanh là sự thành công. Tham chính để ảnh hưởng chính sách là sự thành công. Tuy nhiên điều thực sự có ý nghĩa là tạo nên những thay đổi xã hội tích cực từ “rễ cỏ”; đó là xây dựng nền dân chủ từ dưới lên và trực tiếp tác động đến cuộc đời của đồng loại. Theo gương Ông Drucker, năm 2001 tôi rời bỏ công việc kỹ sư và từ đó dầm mình vào công việc phục vụ cộng đồng. ( ngưng trích)

Trời tháng Bẩy của CA không nóng không lạnh, thật dễ chịu. Internet đang luân lưu bức thư của Việt Nam Quốc Dân Đảng bày tỏ rằng họ không đối thoại với vc. Lý do, họ được tin vc muốn nói chuyện với vài người của cộng đồng thông qua Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Tôi hơi ngạc nhiên. Thật tình mà nói, năm 2007 tôi viết bài “Những người trẻ muốn vào hang cọp”, trong đó tôi mỉa mai thế hệ một rưỡi là đòi vào hang cọp bắt cọp con nhưng chưa bắt được cọp con thì đã bị cọp nhỡ chiêu hồi. Đó là 2007.

Còn bây giờ, với tiến bộ khoa học, với facebook, với smartphone có thể làm nhiều việc tức khắc như quay phim tại chỗ khi gặp một sự việc, upload ngay lên facebook, với việc Nguyễn Phú Trọng qua “chầu” Hoa Kỳ, với việc con cọp Trung Cộng đang bị Mỹ đánh vào kinh tế, thì cá nhân lại có suy nghĩ hơi khác. Nếu Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ làm trung gian, tôi sẽ hỏi “ Vc muốn nói gì? Nếu điều ‘chúng mày’ muốn nói hạp ý ‘bà’ thì ‘bà’ chấp nhận, còn không hạp thì miễn!” Hạp ý “bà” là chúng mày phải thả các tù nhân lương tâm, phải nới rộng“human right” và cả “worker right”. Cái nới rộng đó của “chúng mày”, phải được bảo đảm sẽ thi hành đến nơi đến chốn chớ không được nói cho qua phà. Sau đó, lợi dụng cái “nới rộng” đó của vc lập tức người hải ngoại phải xây dựng đóm lửa ngay ở nhiều mặt trận, để vào thời điểm thuận tiện, các đốm lửa sẽ gom lại và bùng lên. Nói rõ là cổ võ cho người tranh đấu nổi lên nhiều hơn ở torng nước. Cá nhân tôi cho rằng chỉ có thế mới rút ngắn được tiến trình dân chủ cho quê hương. Lý do, chúng ta không có quân đội, không có gì cả để về giải phóng VN bằng quân sự. Với tư thế người Mỹ gốc Việt, chúng ta chỉ dùng những quyền đang có để “vận động”. Nhìn quốc gia Mỹ, dù ghét hay thương, dù mối hận năm 1975 còn đó, thì chúng ta vẫn phải công nhận đó là “đế quốc Mỹ, quốc gia number one đứng đầu thế giới”. Họ là quốc gia vạch chiến lược cho toàn thế giới và cả khối tư bản phải tuân theo. Và đương nhiên, họ vì quyền lợi của Mỹ mà có chiến thuật riêng cho từng giai đoạn. Vận dụng, lợi dụng, áp dụng thế nào để cái lợi cho quốc gia VN nhỏ bé phù hợp với cái lợi của con cọp Mỹ: là một việc làm khó. Tuy chúng ta không tin được cộng sản nhưng đành nuôi hy vọng với thời buổi net, với những kỹ thuật khoa học tối tân, thì sẽ kềm chế được phần nào cái lưu manh của bọn quỷ đỏ. Ngày xưa, người lính cộng hòa phải chiến đấu trong một trận chiếnkhông được quyền thắng. Ngày nay, chúng ta chiến đấu trong một trận chiến không lính, không quốc gia, chỉ còn tiếng nói của người dân Mỹ gốc Việt.

Cộng đồng hải ngoại hiện nay, tương tự xã hội thời chúng ta còn quốc gia, bao giờ cũng nhiều phức tạp. Thời kỳ “thanh bình” nhất có lẽ chỉ được vài năm từ 1955 đến 1960. Sau đó là bất ổn triền miên mà phức tạp nhất là thời kỳ của nền đệ nhị cộng hòa với Nguyễn Khánh chỉnh lý, rồi đám sinh viên “nhâng nhâng” lộng hành ở đô thị, đám thầy tu của cả hai tôn giáo cũng “nhắng nhít” lôi kéo con chiên, đám nhà báo cũng “nhố nhăng” tố chính quyền, đám dân biểu thiên tả cũng “nhảm nhí” khuynh đảo hành pháp…Chính quyền lúc đó vừa đối phó với vc vừa đối phó với đủ thứ “giặc” trên trong nước.

Những kẻ lợi dụng hai chữ “tranh đấu” để phá hoại: thời nào cũng có. Những kẻ lợi dụng ba chữ “chống bất công” để phá hoại: thời nào cũng có.

Gánh nặng cộng đồng bao giờ cũng nặng nhưng tôi tin rằng thế hệ bản lề sẽ không trùm chăn vì “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại chụp (chụp mũ) e vu ( vu cáo)”. Tôi cũng tin rằng thế hệ Một sẽ sáng suốt trong nhận định, thông minh trong suy nghĩ, thận trọng trong quyết định, để chọn đúng người mà hỗ trợ, chọn đúng đối tượng để chỉ trích hầu không hối hận sau này vì đã vô tình phá hoại việc chung.

Hoàng Lan Chi

7/2015
hoanglanchi
#320 Posted : Friday, August 21, 2015 6:48:25 PM(UTC)
hoanglanchi

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 406
Points: 408

Thanks: 4 times
Was thanked: 7 time(s) in 7 post(s)

Trích LanChiYesterday, những vụn vặt đời sống quanh tôi

Chỉ trích và góp ý


Bà chị TTKN đăng ở facebook một bài mà ngay mục (1), tôi đã đùa như vầy:
“Không đồng ý lắm mục số 1. Nếu không chỉ trích thì họ cứ làm sai hoài. (cười) . Hay mình góp ý kiểu vầy hả chị: “Chị ơi, chị làm vậy đúng lắm nhứng giá chị đừng làm thế, thì còn đúng hơn? (cười to). HLC là chúa góp ý với thiên hạ vì chướng tai gai mắt quá, chịu không nổi chị à.””

Chỉ trích

Lang thang net.

Có một điều tôi cảm thấy hơi khó chịu chút xíu cho hai chương trình: một là chương trình âm nhạc trên SBTN mà tôi quên tên, do Y Phương và Nguyên Khang phụ trách. Họ không soạn bài trước nên hay dẫm chân lên nhau làm khán giả khó chịu. Y Phương có vẻ hiền và hay bị Nguyên Khang “cướp” lời. Ngoài ra, còn có thêm Trúc Hồ “lè nhè” không có vẻ lịch sự gì cả. Vì lý do đó tôi chỉ xem hai lần là bỏ, không bao giờ quay lại.

Chương trình thứ hai cũng có khuyết điểm tương tự là hai người dẫn chương trình không soạn dàn bài trước nên người được mời ít “focus” vào điểm quan trọng mà lan man. Hai người “host” này cũng dẫm chân nhau hay tranh nhau nói, cướp lời nhau. Đó là chương trình Tiếng Hát Hậu Phương với Trang Thanh Lan, Phương Hồng Quế của Hồn Việt TV. Giá hai ca sĩ bàn với nhau trước một chút thì hay hơn. Sau nữa, cũng nên đưa vài câu hỏi trước cho người được mời để họ chuẩn bị và nói cho suông sẻ, rõ ràng, không làm khán giả nhàm chán. Ngay tổng thống cũng phải chuẩn bị trước khi lên màn ảnh nhỏ, nói gì đến người bình thường lâu lâu mới “bị/được” lên TV! Điểm đáng khen của chương trình này là mời các cựu quân nhân và có nhận khán thính giả gọi vào cho câu hỏi.

Cái trên là Hoàng Lan Chi …chỉ trích đó nghen. ( cười cười).

Góp ý xỏ

Cái này là góp ý xỏ này: Một nhà thơ nhớn viết cho Hoàng Lan Chi vầy “Thỏ hát hay lắm nhưng nếu thỏ đừng hát thì còn hay hơn!” ( cười mím chi).

Chỉ trích/Góp ý trong mục nghe Nhạc

Tôi hay “nhảy cóc” từ cái này sang cái khác. Ví dụ đang bàn luận chuyện thời sự với bạn nhưng tôi có thể chạy sang mục nhạc và nghe rồi “bàn loạn”.
Cách đây vài hôm, cũng là vô tình, nghĩa là mình đang xem cái này, nó hiện ra cái kia, tôi thấy youtube “Đêm Hiền”.

Click. Nghe. Thích. Tôi bèn chia sẻ.

Mục đích chia sẻ chỉ là ám chỉ tại sao người hát hay, có trình độ nghệ thuật cao như vậy mà không nổi tiếng rực rỡ nhỉ? Phải chăng go^ut của khán giả bây giờ thường rơi vào tình trạng “nghe và nhìn”?

Một người bạn “chỉ trích/góp ý” là tôi giới thiệu chương trình nhạc của một người đã về VN. Tôi bật cười. Sau đó là tranh luận. Tôi nói rằng Thái Hiền không nổi tiếng như KL, TH đi theo cha vì PD nuôi ước mơ một ban hợp ca Thăng Long thứ hai ở trong nước nên đưa các con về (chửi PD là đủ rồi! ), chương trình từ 2006 (quảng cáo cho ai đi coi?). Thật ra, có vài ca sĩ mới trong nước mà tôi cũng thích nhưng không bao giờ giới thiệu. Thái Hiền là ca sĩ ngoại một thời trước khi theo cha về nước. Hiện giờ TH cũng có vẻ đã giã từ nghiệp. Tôi thích giọng hát Thái Hiền. Cả Duy Quang lẫn Thái Hiền đều hát hay hơn thời trước 75 rất nhiều.

Mở dấu ngoặc, một ông bạn “reply” bài “Đêm Hiền” như vầy “Bao giờ có Đêm Lan Chi thì mới “ đã ” ! Vì là thân nên ông này hay chọc ghẹo tôi như vậy. Thế là “bà tổng” dọa “Tôi đang bận chứ không tôi tốc váy lên chửi ông một trận đó nhé”! Lão này cười hì hì vì với lão, “tiếng chửi” của mợ Lan Chi cứ như tiếng hát, lão sợ gì đâu cơ chứ! Đóng ngoặc nhé.

Thất vọng

Tôi mail cho một nhóm nhỏ, than thở rằng khi nhìn thấy một ông thi sĩ mà tôi ái mộ trên màn ảnh nhỏ, tôi thất vọng quá. Một ông thì đồng ý và nói thêm rằng cựu quân nhân mình hay lạm dụng việc bận binh phục. Một ông khác thì cự “Mợ xem thơ hay xem dung nhan?” Tôi lại vênh mặt cãi “Mợ thích thơ của ổng chứ nhưng ai cấm mợ thất vọng khi nhìn dung nhan ổng? Chả hiểu lão có làm mợ thất vọng nếu gặp bên ngoài không hỉ? Chứ nhìn hình lão thì mợ thấy cũng Ok!”.

Chỉ trích/góp ý .., gì gì cũng có ích cả. (nháy mắt).

Bình lặng quá cũng chán chết. Cãi nhau chút chút cho vui. Phải thế không?

Em chứ chỉ (trích) và xin em đừng góp (ý)
Dù lòng buồn anh cũng ráng “tiếp thu” (cười cười)
( Mình trước kia nói tiếp nhận phải không?)

Hoàng Lan Chi
8/2015

Đang nghe lại giòng nhạc thời chinh chiến. Cũng hay ra phết dù có một số bài không được “shang”:

https://www.youtube.com/watch?v=Syd-RcZdz60











Users browsing this topic
Guest (34)
17 Pages«<14151617>
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.