Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

20 Pages«<1617181920>
Ký lai rai
Phượng Các
#344 Posted : Thursday, November 27, 2014 11:33:33 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Sau đó chúng tôi thả rễu đi trên các con đường đông đúc của thành phố. Nhiều con bị cấm xe để dành cho người đi bộ. Đường phố thời Trung cổ hẹp làm tôi thay đổi quan điểm. Trước đây tôi cứ nghĩ là rồi ra các con đường chật hẹp ở khu Bàn Cờ, Chí Hòa, Ông Tạ v..v..chắc là sẽ phải bị nới rộng ra cho phù hợp với việc đô thị hóa cho giống ... Mỹ. Nhưng nhìn đường phố ở đây tôi thấy cũng không cần phải chặt đường rộng quá. Cứ làm sao cho xe chữa lửa vào được là ô kê rồi. Cái cần là sự sạch sẽ, sự yên ổn chớ còn các cửa sổ phơi phóng quần áo giăng đầy ra ở Ý (ở Mỹ nhiều chung cư không cho phép bạn để ngoài bao lơn đồ đạc hay phơi áo quần vì vi phạm điều lệ cư ngụ) có khi lại được du khách thích thú chụp hình nữa chứ!

Các dinh thự, các tiệm tùng trải ra trước mắt, đám đông đưa chúng tôi đi tới con sông Arno. Xa xa là cây cầu nổi tiếng Vecchio. Đi bộ dưới trời nắng nóng (không biết sao mà đường phố ít cây vậy nữa!), lại cứ phải né tránh khách bộ hành trên lề đường chật chội làm chảy mồ hôi, đi ngang tiệm giải lao Bar due Ponti là chúng tôi bước vào, thưởng thức ly kem gelato bành ky không cần thiết (để móc túi ra cho nhiều đó mà!).

Cầu Vecchio phần dưới mà ta thấy hiện nay được xây từ năm 1345. Tới năm 1565, Công tước (Duke) Cosimo de’ Medici, dòng tộc cai trị Florence, cho lệnh xây thêm phần trên làm lối đi nối dinh thự nơi làm việc của ông bên này cầu với nơi cư ngụ mới tậu của ông ở bên kia cầu. Lối đi mang tên người xây dựng được gọi là Hành Lang Vasari. Lối đi này ra đời vào thời điểm dòng Medici làm lễ cưới cho con trai ông. Cô dâu danh giá cần một cánh cổng hoành tráng để tiến vào nhà chồng. Trước đây dọc trên cầu được mở ra các tiệm tạp hóa, tiệm thịt. Rác rến cứ thảy xuống sông là tiện nhất. Thế rồi, bực bội vì mùi hôi hám từ các cửa hàng thịt phía dưới đưa lên, công tước lại ra lệnh cho giải tán các tiệm này, thay bằng các tiệm nữ trang..


Ponte Vecchio (Cầu cổ)

Đến thời Mussolini, ông cho trổ cửa sổ ở hành lang Vasari để tiếp đón Hitler tại cầu. Đến năm 1944, trước khi rút lui vì thua trận, Hitler ra lệnh phá toàn bộ các cây cầu trên sông Arno để ngăn quân đồng minh qua sông, chỉ trừ có cây cầu Vecchio. Người ta cho rằng vì ông không nỡ cho phá các bức danh hoạ quý giá đặt dọc hành lang; nhưng giả thưyết mới cho rằng vì ông thấy là cái cầu này không thể nào dùng để chở súng ống qua được, nên ông "tha" cho. Nhờ vậy mà cây cầu thời trung cổ được tồn tại, trở thành một danh thắng của Florence. Các tiệm nữ trang là nơi quy tụ các sản phẩm tuyệt hảo nhất thế giới mà các bà các cô giàu sang có dịp viếng thăm không thế nào lại bỏ qua mà không sắm cho mình một món làm kỷ niệm (cũng như các ông lịch lãm phải nhớ mua cho vợ hay người yêu).
1 user thanked Phượng Các for this useful post.
xv05 on 11/27/2014(UTC)
Phượng Các
#343 Posted : Monday, December 1, 2014 6:12:31 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Originally Posted by: ngodong Go to Quoted Post
ngày lễ êm đềm nha chị Phượng Các .

Đúng là cái miệng (của mình) ăn mắm ăn muối. Tối thứ ba trước lễ Tạ ơn ra đường bị trúng lạnh, sau đó là cảm mạo, nhức đầu, ho hen, nóng sốt tới hôm nay vẫn còn chút chút đó chị ngodong ạ. Bệnh thật là khó chịu!
Phượng Các
#345 Posted : Friday, December 5, 2014 10:23:30 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Dưới mắt tôi thì các tiệm nữ trang này nhìn có vẻ xập xệ (hay sập sệ?) quá. Giữa cầu có khoảng không có tiệm để khách được ngắm sông nước ở hai bên. Mé bên phải có tượng của ông Cellini. Phía dưới có hàng rào sắt bao quanh, lủng lẳng vài ống khóa của bọn tình nhân. Một tấm bảng đồng ghi hai thứ tiếng Ý và Anh, cho biết cấm không được móc khóa vào rào, vi phạm sẽ bị phạt 50 âu kim (theo wiki thì số tiền này hiện nay là 160). Cảnh sông, cầu xa xa và hai bên đẹp, thơ mộng, nhìn thấy "nhức nhối" con tim. Nước sông sạch và hai bên bờ phía dưới có cỏ mọc viền tô điểm cho cảnh tượng thêm mát mẻ. Ngày xưa các con sông Âu châu cũng bẩn thỉu như các con rạch Nhiêu Lộc, hay kênh Tàu Hũ bây giờ có hơn gì đâu. Chẳng qua sau này người ta ra luật không được ném rác xuống sông, không cho nước dơ đổ ra sông thì nó hóa thành sạch. Ta cứ yên tâm, sau này rạch Nhiêu Lộc sẽ có những chiếc xuồng tam bản, độc mộc cho khách nhàn du chèo dạo mát, hay tổ chức thêm chợ nổi như bên Vọng Các. Bạn sẽ ngồi trên xuồng, ăn cho đã những món ăn của nền ẩm thực thuộc hàng đệ nhất thế giới như VN (đó là đánh giá của tôi)


tượng Cellini trên cầu

Đứng ở đây thấy cái chỏm của Duomo. Cái vòm này là cả một kỳ công kiến trúc thời bấy giờ. Kiến trúc sư đã thuyết phục được dòng họ Medici là Filippo Brunelleschi để ông xây cái vòm này. Thật bất ngờ là chính ông là người đưa ra câu đố là làm cách nào cho một trái trứng đứng được. Không ai làm được, tới phiên ông thì ông đập nhẹ cho bể cái đầu nhỏ của trứng thì trứng đứng được. Ai cũng ồ lên là có gì đâu mà khó, thì ông trả lời, đúng vậy nhưng phải có người nghĩ ra đầu tiên. Truớc nay tôi cứ đinh ninh người đưa ra câu đố này là một ông khác nhưng nay lại rõ ra là Brunelleschi. Sau đó thì Medici tin tuởng giao cho ông đề án này.


Chỏm vòm của Nhà thờ Chánh toà (Duomo)
1 user thanked Phượng Các for this useful post.
xv05 on 12/8/2014(UTC)
Phượng Các
#346 Posted : Sunday, December 7, 2014 12:59:10 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Sau đó chúng tôi đi trở lại khu trung tâm nơi mọi người tụ tập nhiều nhất. Đó là khu làm việc của nhà Medici ngày xưa với bức tượng nổi tiếng David của Michaelangelo. Tượng thật hiện nằm trong nhà Galleria dell'Accademia mà chúng tôi dự định đi viếng vào ngày mai. Công trường Signoria rộng rãi với nhiều tượng đặt lềnh khênh coi thật no con mắt. Ai tới Florence ắt đều phải ghé qua nơi đây. Một bản copy tuợng David đặt đúng nơi nguyên thủy của nó. Người đông, vui, đi phất phơ là nhiều chớ ngắm thì cũng vậy thôi. Nhiều lúc tôi thấy cũng kỳ cục. Thật sự du lịch là sao? Đâu là ý nghĩa của nó. Chúng ta bỏ tiền và thời giờ ít ỏi để trần ai lai khổ tới nơi đây. Phải bao nhiêu duyên hội tụ thì một chuyến đi mới thành hình. Chỉ nội đừng bị bệnh bất ngờ, mình hay người thân, đừng có núi lửa phun hay khủng bố liệng bom vô thành phố, lên máy bay là sợ thí mồ rồi. Rồi tới nơi muốn tới, cảnh đẹp coi qua cho có gọi là coi, ngắm năm muời phút rồi thôi chớ không lẽ trâng trâng mắt ngó hoài.





Hai tượng đứng trước cửa vào toà nhà Vecchio có điều lạ là bộ phận sinh dục bị che lại, do người sau làm thêm để cho lịch sự. Nhiều vị chức sắc trong Giáo hội không chịu nổi khi thấy các bức tranh hay tuợng với các hình người trần truồng tồng ngồng như thế. Nên có thời các tuợng hay tranh được che lại.


Khi trở lại tu viện thì thấy các va ly của chúng tôi đã bị đưa sang phòng khác, không còn ở trong cái phòng khi sáng. Thì ra nhóm người đến sau nào đó đã dành lấy phòng dự định cho chúng tôi và đẩy chúng tôi sang phòng khác . Mấy người đòi khiếu nại nhưng rất phiền là tiếng nói của chúng tôi chẳng có trọng lượng gì cả. Không bằng lòng thì cứ dọn ra đi! Bản thân tôi thì thấy cũng ok, nhưng mấy người còn lại rất bất mãn và mất cảm tình với cách làm ăn kiểu vậy!

Tới lúc đi ngủ thì khó chịu quá, tiếng trò chuyện, cãi cọ, vui đùa ở dưới đường đưa lên lanh lãnh giữa đêm khuya. Cứ nghĩ nói đã rồi cũng nín để đi ngủ chớ, nhưng không, người ta tiếp tục um sùm trời đất như vậy. Mấy người kia lấy nút đút kín hai tai. Tôi không quen bịt tai nên cứ nằm đó chịu trận.
1 user thanked Phượng Các for this useful post.
xv05 on 12/8/2014(UTC)
Phượng Các
#347 Posted : Tuesday, December 9, 2014 1:08:09 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
David
Sáng hôm sau dậy chúng tôi qua tiệm xế bên đường để uống cà phê, ăn điểm tâm. Các thức điểm tâm của Tây phuơng sao mà đơn điệu quá. Tôi đoán chắc giá nhân công ở VN rẻ nên mới có thì giờ tỉ mỉ làm các món ăn phong phú (như phở, hủ tiếu, mì, bánh mì, xôi, bánh cuốn, v..v..và v..v..Còn ở Tây phuơng thì cứ làm ào ào bánh sừng trâu, bánh mì trét bơ ...đại loại vậy ....

Sau đó bàn nhau đi coi tượng David ở Galleria d'Accademia. Nhưng trên đường đi gặp chợ ngoài đường bán sạp bày đủ thứ hàng hóa thuộc loại rẻ tiền. Thấy nhóm kề cà dừng lại trước các đồ da nghe nói là made in China, tôi nản quá. Ý nổi tiếng về đồ da, thuộc hàng nhất thế giới, nhưng sang Florence mà mua giày dép made in China thì chán thiệt. Tôi quyết định xé ra đi, hẹn gặp nhau ở Accademia.
Buổi sáng còn vắng vẻ, ít người nên thoải mái với không khí có vẻ trong sạch. Đi gần tới Accademia, thấy hàng người dài thượt rồi. Bạn có khi phải đứng sắp hàng chờ hai tiếng để vào coi một tác phẩm có khi chỉ cần 15 phút. Nên có F. Card là một thuận tiện lớn lao.

Nhưng theo tôi thì cái tượng bên ngoài toà nhà Vecchio hôm qua tôi xem thì cũng giống hệt cái bản nguyên mẫu rồi. Nếu ít thì giờ thì không cần vào cũng được. Thì ai không biết vậy, nhưng con người bản tính cũng hơi lạ, là họ cứ nhất quyết phải đi tìm coi cái nguyên mẫu. Phải chi họ cũng là điêu khắc gia thì không nói làm gì, đàng này con mắt chả phân biệt được cái thật cái giả mà cũng đòi coi cái thật cho bằng được. Michaelangelo có lẽ biết tâm lý này, cho nên truyền thuyết bảo là khi khánh thành tượng David, lão mayor bảo là cái mũi David hơi to, thế là ông lén hốt một ít bụi đá, trèo lên trên giả vờ dùng dũa hoa lên, thả cho bụi rớt lả tả, chớ hề đụng vào cái mũi David tí ti ông cụ nào hết. Trèo xuống. Lão mayor gật gù: Ưà, bây giờ cái mũi thấy ok rồi đó! Có khi nào ta thấy mình dưới quyền một thằng ngu nào đó thì mới thông cảm cho người nghệ sĩ thiên tài.

Nhân đây tôi cũng xin đính chính về câu phát biểu của Michaelangelo mà có người nhầm với Rodin. "Tôi chỉ đẽo các chỗ thừa đi thì tác phẩm thành hình". Nghĩa là ông nhìn thấy trong tảng đá hình ảnh của bức tượng, ông chỉ việc đẽo các chỗ thừa đi mà thôi. Ông Rodin đúc tượng bằng khuôn nên không có việc đẽo đục gì ở đây. Mỗi tượng của Michaelangelo là duy nhất, còn tác phẩm của Rodin ta thấy rải rác khắp thế giới vì ra cùng một khuôn.

David là nhân vật trong Cựu Ước, cậu bé chăn cừu nhận lời thách đấu của người khổng lồ Goliah, và chiến thắng bằng thứ vũ khí đơn giản là cái ná bắn đá. Nên M. tạc David một tay cầm ná, một tay cầm cục đá. David ở truồng tồng ngồng nên làm nhiều cô gái đỏ mặt khi ngắm tượng. Tôi thấy hai ba cô gái Á châu bấm nhau cười thẹn vì không dám ngó kỹ quá. Hôm nọ tôi có nghe chị Grazia nói qua về ông M. Ông hay khai thác hình ảnh trần truồng của người nam có lẽ vì ông là một người đồng tính. Nguời ta nhận xét ông tạc các bàn tay của các nhân vật nam thấy lực lưỡng, mạnh mẽ khác thường. Ông yêu thân xác của người nam, chỉ có yêu cái tình yêu đầy dục tính thì mới hết lòng hết sức đổ hết tâm tư và tài năng trong việc tạo tác này (?).



Có đọc một bài trên net người ta nhận xét là M. tinh tế tới độ tạc bộ phận sinh dục của David là của người Do thái, đó là dương vật được cắt da quy đầu. Mèn đéc ơi, tới cái chi tiết đó mà người ta cũng nhìn và nhận ra. Báo hại tôi phải tìm hiểu xem cắt da quy đầu là sao (trong wiki có hết cả), rồi tôi nhớ lại ngày xưa có xem truyện thời nguời Do thái bị kỳ thị và bắt bớ, có bà nọ lấy chồng và sau đêm tân hôn phát giác ra chồng mình là người Do thái (chắc là do cái vụ cắt bao quy này).
1 user thanked Phượng Các for this useful post.
xv05 on 12/9/2014(UTC)
xv05
#348 Posted : Tuesday, December 9, 2014 4:51:42 PM(UTC)
xv05

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,044
Points: 3,390
Woman
Location: Lục điạ hình trái táo

Thanks: 340 times
Was thanked: 45 time(s) in 44 post(s)
Đâu phải chỉ người Do Thái mới cắt bao quy đầu, một số dân tộc Hồi giáo (hay là tất cả ko chừng) cũng vậy. Còn lại thì, kể cả người Việt, cũng cắt khi đứa trẻ bị hẹp bao quy đầu nên cắt để dễ giữ vệ sinh.
Phượng Các
#349 Posted : Wednesday, December 10, 2014 10:11:44 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Applause
Tìm hiểu thêm thì hoá ra cắt bao quy vì lý do tôn giáo do Kinh Cựu Ước có bảo như thế. Ai theo đúng Cựu Ước thì đều thi hành khi đứa trẻ được 8 ngày tuổi.
xv05
#350 Posted : Wednesday, December 10, 2014 11:34:44 PM(UTC)
xv05

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,044
Points: 3,390
Woman
Location: Lục điạ hình trái táo

Thanks: 340 times
Was thanked: 45 time(s) in 44 post(s)
Người Hồi giáo cũng cắt cho (tất cả) bé trai khi mấy ngày tưổi vì lý do tôn giáo giống vậy mà họ hình như ko theo kinh Cựu ước. (?) ko biết kinh của họ nói sao(?)
Phượng Các
#351 Posted : Thursday, December 11, 2014 4:22:18 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Thiên chúa giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo đều chịu ảnh hưởng Cựu ước kinh đó chứ. Thiên chúa giáo tin Tân ước, cho Chúa Jesus là con Thượng đế. Do Thái giáo chỉ tin Cựu ước, không tin Tân ước, nên ngày Giáng sinh họ không tổ chức mừng. Còn Hồi giáo thì cũng tin Jesus là tiên tri chứ không cho Ngài là con thuợng đế (có chỗ bảo là vì như vậy thì phải cần có người đàn bà nữa mới sanh được). Hồi giáo tin Muhammad là vị tiên tri cuối cùng của Thượng đế. Muhammad được khải thị đọc ra kinh Quran.
1 user thanked Phượng Các for this useful post.
xv05 on 12/18/2014(UTC)
Phượng Các
#352 Posted : Wednesday, December 17, 2014 11:12:07 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Có một ghi nhận là phòng trưng này có nhiều khu bán quà lưu niệm quá. Dám tới 4 hay 5 phòng chớ không ít đâu. Nhưng mà du khách cũng đông quá nên phòng nào cũng đầy người. Các món quà lưu niệm đầy tính nghệ thuật. Thì phải vậy chớ sao! Florence là cái nôi của thời kỳ Phục Hưng mà, biết bao nghệ sĩ, trí thức thực thọ hay làm dáng đang đi rần rật đó đây. Có nhiều người chỉ đi một lần tới đây trong đời, nên việc mang về một món quà kỷ niệm là phải quá rồi.

Sau đó chúng tôi ra cùng một lúc. Phải ngồi chờ một nguời trong nhóm đi toilet, ngồi đợi thật lâu. Người này than phiền là gặp lúc nguyên một cái tour đi vào nên sắp hàng lâu quá. Rút kinh nghiệm là đi đâu chúng tôi cũng gắng tránh nhóm đi theo tour. Nhưng mà hiện nay thiên hạ đi chơi theo tour nhiều lắm - nhiều hơn hồi xưa gấp nhiều lần. Tôi không biết nếu có lần thứ ba tới các thành phố này thì tôi có tìm được một khoảng không để thở nữa không!

Điểm thăm kế đến là bảo tàng Galileo, tôi đề nghị tới đây vì cái tên của ông quá nổi tiếng trong khoa học. Ông là người ủng hộ chủ trương của Copernicus, cho trái đất quay chung quanh mặt trời. Điều này trái với tín lý Thiên chúa giáo nên ông bị Giáo hội Roma trù dập, bắt phải phủ nhận phát kiến khoa học của ông.

Bảo tàng Galileo nhìn có vẻ nhỏ nhưng bên trong lại chứa nhiều dụng cụ khoa học cũng như sự trình bày phong phú về các lãnh vực nghiên cứu của Galieo. Cả nhóm chúng tôi đồng ý đây là một bảo tàng không làm thất vọng người xem.


Bên ngoài bảo tàng, cạnh sông Arno.


Tượng Galileo
2 users thanked Phượng Các for this useful post.
Vũ Thị Thiên Thư on 12/18/2014(UTC), xv05 on 12/26/2014(UTC)
Phượng Các
#353 Posted : Thursday, December 18, 2014 10:29:15 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Thấy trong phòng chưng bày có các quả địa cầu, tôi tò mò xem nước Việt vào thời ấy ra sao, sau đây là một phía của quả địa cầu có nước ta trong đó. Hoạ đồ thực hiện vào cuối thế kỷ 17, bản ghi chú tôi đọc không rõ là năm 1688 hay 1696. Nhìn đảo Hải Nam ta thấy nó cách xa Bắc Việt quá.

2 users thanked Phượng Các for this useful post.
Vũ Thị Thiên Thư on 12/18/2014(UTC), xv05 on 12/26/2014(UTC)
Phượng Các
#354 Posted : Monday, December 22, 2014 12:34:59 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Sau đó chúng tôi vào một tiệm ăn gần đó, tiệm Il Tocco di Baco. Không có khách nào cả làm cũng hơi ngần ngại, nhưng rồi cũng bước vào vì khá đói bụng rồi. Không ngờ là quán có thức ăn ngon lắm, nhất là món xúp. Tôi có nhận xét là người Ý khá đông ở Mỹ nhưng thức ăn ở Ý vẫn ngon hơn thức ăn do nguời gốc Ý làm ở Mỹ. Có ý kiến cho là vì ở Mỹ họ phải chiều theo khẩu vị của nguời Mỹ, nên làm bớt ngon đi. Confused Giống như đồ ăn Việt ở Mỹ khác với đồ Việt ở Việt Nam vậy. Nhiều lúc tôi muốn la làng với mấy nguời bán bánh mì sandwich việt mà rắc vào đó đậu phộng, rau tía tô, tương đen và tương ớt. Dĩ nhiên là tôi không nói tới các tiệm Việt ở Little Sài gòn hay vùng San Jose, bán kiểu đó thì chắc dẹp tiệm sớm. Họ nhắm khách hàng là nguời Mỹ đó thôi.

Sau đó chúng tôi đi tìm một địa chỉ về đồ da nổi tiếng: Leather School of Florence. Đây là trường dạy nghề làm đồ da do các tu sĩ dòng Francisco thuộc tu viện Santa Croce mở ra nhằm mục đích dạy các trẻ mồ côi sau thế chiến thứ hai học nghề và kiếm sống. Ngành đồ da ở Ý thuộc hạng nhất thế giới về phẩm chất và khéo tay (thứ nhì là Việt Nam, tôi nghe có nguời nói như vậy!). Vào bên trong, vốn là một dãy phòng nằm trong tu viện, nhỏ thôi, có để bán các món như dây nịt, bóp, áo v..v..Lần đi truớc tôi có mua một áo da, sau đó họ gởi về Mỹ với dấu đóng cái tên mình vào áo, coi điệu nghệ lắm. Lần này tôi chỉ ngó mà thôi, thấy tiệm cũng y như xưa. Cảm giác của tôi là thế giá của tiệm này không còn nữa. Lý do là sự cạnh tranh khốc liệt của sản phẩm từ các nước như Trung quốc đã làm lung lay địa vị của các đồ hàng truyền thống ở các nuớc Âu Mỹ. Nhưng có lẽ cái dư âm của ngày cũ mà tiệm vẫn lai rai khách ra vào. Trên tường có một mớ hình chụp các nhân vật có máu mặt của thế giới tới thăm và mua sắm: Thái tử Charles và Diana, nhân vật Hoàng gia Nhật, Thụy Điển, hoàng hậu Hy Lạp, ngoại trưởng Mỹ Albright, Thuợng nghị sĩ Ted Kennedy, vợ chồng tổng thống R. Regan, bà Barbara Bush, James Stewart, Cary Grant, Paul Newman, Grace Kelly, Katharine Hepburn, Audrey Hepburn, Olivia de Havilland, Rob Schneider, John Houston, Steven Spielberg, Zubin Mehta, Jack Nicklaus ...Nội đám tên đó cũng đủ kéo chân du khách tới coi rồi.

1 user thanked Phượng Các for this useful post.
xv05 on 12/26/2014(UTC)
Phượng Các
#355 Posted : Thursday, December 25, 2014 8:43:47 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Đi ra khỏi trường dạy nghề da chúng tôi vào ngã bên hông nhà thờ Santa Croce để viếng thăm bên trong. Đây là nhà thờ lớn nhất thế giới của dòng Francisco, do có các thánh tích nên được gọi là Vuơng Cung Thánh Đường (Basilica). Bên ngoài thánh đường có tượng của thi hào Dante. Sân giáo đường rất rộng nhưng gặp lúc trời nắng nên ai nấy cũng né vào dãy cửa tiệm bên tìm bóng mát. Vào bên trong tôi mới biết đây còn là nơi an nghỉ cuối cùng của nhiều tên tuổi lẫy lừng như Michaelangelo, Galileo, Da Vinci, Rossini, Dante, Machiavelli...

Rossini là đại nhạc sĩ opera. Machiavelli là tác giả quyển The Prince nổi tiếng. Trước kia mỗi khi nhắc đến M. là người ta vẫn cho ông chủ trương "bá đạo", dùng cứu cánh biện minh cho phương tiện, mục đích nắm cho được quyền hành. Tôi có lần đọc bản tiếng Việt, thấy là tuy sách ra đời lâu mà vẫn ứng dụng được, hay đúng hơn vẫn thấy còn ứng dụng trong nhiều chính sách cai trị dân. Nghĩ đến đường lối vuơng đạo của Khổng tử mà thấy thương, dùng lòng nhân mà trị nước thì chỉ là không tuởng, bằng chứng là Đức Khổng tử cứ phải suốt đời mòn trán lỏng gót mà đi tìm minh quân chịu nghe lời ông.



Santa Croce tiếng Anh là Holy Cross. Thấy có một khung kiếng có một cây thánh giá bên trong, bên ngoài có ghi chú đây là Thánh tích của Chúa Nghĩa là đây cũng là nơi có thánh giá đóng đinh Chúa Jesus. Đúng tên là như vậy nhưng tra cứu nhiều nơi thấy không có nguồn nào nói về vụ này. Có lẽ phương pháp Carbon 14 đã xác định được chân giả. Giống như tấm vải liệm ở Turin, mới đây các nhà khoa học cũng xác định niên đại của tấm vải này.



Trong nhà thờ còn có thánh tích của nữ thánh Humiliana, gồm xương sọ của bà.




Ngoài ra còn có một tượng mà tôi mừng húm khi nhìn thấy, tượng Nữ thần Tự do! Thế nhưng đọc ghi chú thì tượng này có tên là Nữ thần Thi ca (The Liberty of Poetry). Nữ thần Thi ca là biểu tượng của tự do trong nghệ thuật và sáng tạo. Một tay nàng cầm cây lý lạp cầm (lyre) và vòng nguyệt quế. Tay phải nàng cầm một đoạn xích giơ cao, ngụ ý sự đập tan chuyên chế bạo ngược. Người ta cho rằng tượng này là nguồn cảm hứng cho tượng Nữ thần Tự do ở New York. Nhà sáng tạo nên tượng ở New York là Bartholdi từng sống ở Florence năm 1870. Năm 1883 tượng Thi ca do Pio Fedi tạo tác được đặt ở nhà thờ này để tuởng niệm Nicolini và năm 1887 tuợng Tự do được dựng lên ở New York!



Đến lúc gần ra cửa chợt nhìn thấy trên tường có một tượng có cái tên quen quen, hoá ra đó là tượng bà Florence Nightingale. Giờ mới biết người phụ nữ tiên phong trong nghề điều dưỡng này từng được sanh ra nơi đây, cha mẹ bà người Anh, và lấy tên thành phố này để đặt tên cho bà. Khi bà được một tuổi, cha mẹ bà trở lại Anh quốc.
1 user thanked Phượng Các for this useful post.
xv05 on 12/26/2014(UTC)
Phượng Các
#356 Posted : Tuesday, December 30, 2014 12:48:46 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Uffizi

Gần 5 giờ chiều thì chúng tôi vào thăm Uffizi Gallery, nơi chưng nhiều tác phẩm thời Trung cổ và Phục hưng của các nghệ sĩ Ý Đại Lợi. Viện có hình chữ U chia làm nhiều phòng và ngoài hành lang cũng đặt nhiều tượng. Nhớ hồi mới đi lần đầu cách đây 14 năm tôi có cảm giác là quá ngợp với người và tranh tượng và đi như bị cuốn theo đám đông. Lần này nhờ đi vào tháng 9 nên bớt người đôi chút, đôi chút thôi chớ nhiều du khách cũng tính toán y như mình (là tránh các tháng hè) cho nên" tư tưởng lớn gặp nhau" thì thành .... đông nghẹt. Vì cứ cho là mình coi rồi cho nên đầu óc tôi có hơi lãng đãng đôi chút, tôi không để hết tâm hồn mà chiêm ngưỡng mọi thứ nữa. Tác phẩm "cây đinh" của viện là Birth of Venus của Botticelli mà chắc nhiều người từng thấy qua các bản in lại. Theo huyền thoại, thần Vệ Nữ được sinh ra từ đám bọt của một con sóng, ở đây nàng đứng trên nửa con sò, dáng hình chữ S là dáng điệu đặc trưng của tượng cổ điển. Kỳ trước tôi có mua về kỷ niệm một tượng nhỏ hình thần Vệ nữ này, nên tôi cứ đi nhanh nhanh để đến thăm lại bức tranh. Bức họa được bảo vệ bằng một tấm kiếng (?) trong suốt. Không biết là tấm kiếng này được thêm vào từ bao giờ. Bức kế bên cũng thế, chắc tại các tranh vẽ bằng phấn tiên (pastel colors) thì được bảo vệ như thế.


Birth of Venus


Một bức thời trung cổ cũng khá đặc biệt là của Piero della Francesca, vẽ một cặp vợ chồng tên Federico và Battista. Thời trung cổ người ta chỉ (được phép?) vẽ các tích truyện trong Kinh thánh. Bức này là một trong những ngoại lệ. Thường người chồng thì ở bên trái, vợ thì bên phải (ủa, Tây phuơng cũng theo quy lệ Nam tả, Nữ hữu sao ?) nhưng ở đây thì ngược lại, chả là vì Federico mất con mắt phải và sạt một phía mũi trong một cuộc tranh tài.



Một bức khác của Michaelangelo thấy được nhiều người chiêm ngưỡng là bức Holy Family. Bức này Đức mẹ Mary được vẽ trong hình dạng dân thường (peasant) với khuôn mặt trần và cánh tay sạm nắng và Michaelangelo vẽ Bà từ góc cạnh khác thường là nhìn lên lỗ mũi của Bà. Họa sĩ vẽ bức tranh này cho bạn ông là Agnolo Doni với giá 70 ducats. Khi giao tranh, Doni thương lượng xin trả 40 ducats. Michaelangelo lấy tranh lại không bán nữa và chỉ bằng lòng giao hàng khi được nhận gấp đôi giá ban đầu là ...140 ducats!



Viện còn được nhắc tới nhiều họa phẩm đặc sắc khác như Madonna with the long neck, Venus of Urbino, Adam and Eve, Martin Luther và Katherine von Bora, Venus dé Medici, Adoration of the Magi v..v..mà do thiếu điều nghiên trước tôi đã huốt mất. Thật sự nếu chúng ta có kiến thức, có quan tâm, có học hỏi trước thì sự thưởng ngoạn một tác phẩm sẽ đáng đồng tiền bát gạo hơn nhiều. Cũng thời có đôi mắt mà cái nhìn của mỗi người thật mênh mông khác biệt, vì cái nhìn đó còn nặng trĩu một đãy kiến thức, tâm tư, tưởng tượng ở "phía sau" nhãn cầu. Nhiều người hay khuyên ta nên có cái nhìn phi tưởng thức, phi thành kiến với sự vật quanh ta, nhưng nếu nhìn các tranh tượng nghệ thuật mà thiếu hiểu biết về lịch sử thì tôi nghĩ chắc là chán phèo như nhiều người cứ đi ào ào, lạng qua lạng lại, cho có cả đống hình đem về khoe với thiên hạ về các chuyến du lịch không có lại lần thứ hai.


một phòng trong Uffizi


Từ một cửa sổ của Viện có thể thấy được cái cầu Ponte Vecchio, và người ta thấy luôn được cái hành lang Vasari nối viện này với cầu (như có nói trên). Nhiều người không hề biết hay không để ý tới cánh cửa có cái phòng mở vào hành lang nói trên. Lý do là cái tua này phải đặt trước, gần cả trăm euro tính luôn Uffizi, chớ Firenzi Card không xài được.

1 user thanked Phượng Các for this useful post.
xv05 on 1/12/2015(UTC)
Phượng Các
#357 Posted : Wednesday, December 31, 2014 4:36:06 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Sau đó chúng tôi lên sân thượng của Viện để uống cà phê. Sân thượng bốn bề rào kín, muốn nhìn quang cảnh chung quanh cũng không được, ngoại trừ cái tháp Palazzo Vecchio. Đây chính là cái dinh như cái lâu đài vốn là nơi làm việc của họ Medici thuở xưa, có cầu nối bắc qua Uffizi, nối thành hành lang Vasari đi rốc tới dinh cơ của dòng họ Medici bên kia cầu Vecchio. Kỳ đi này tôi biết thêm về dòng họ Medici, nhưng không thể đi viếng Medici Chapel nơi có bàn tay Michaelangelo tô điểm rất nổi tiếng. Chỉ vì hai ngày thăm viếng Florence lại rơi vào chúa nhật và thứ hai là hai ngày đóng cửa của Chapel. Nhưng tại sao chúng tôi lại không đi tiếp qua cầu để viếng dinh thự của họ ở Pitti Palace. Lắm thầy thối ma, nhiều cha con khó lấy chồng là vậy! 4 nguời là cả chục ý kiến rồi Bên kia cầu còn có công trường Michaelangelo, có cái tượng David nữa nằm trên đồi và chắc chắn là có cái view tuyệt đẹp khi nhìn lại bên đây. Nhưng các bạn đồng hành của tôi không đi, viện lẽ trễ quá rồi. Tôi đau khổ đòi xé ra để đi một mình qua đó. Đây là cơ hội cuối cùng, ngày mai chúng tôi rời thành phố này rồi! Tôi đã nghiên cứu và thấy là có chuyến xe bus qua đó. Tôi chờ xe bus, chờ hoài, chờ mãi không thấy ...Tôi nghĩ tới việc cuốc bộ. Thế là tôi lầm lũi đi, đi miết tới cầu Nicolo. Tới đây thì tôi biết là tôi không thể thực hiện ý định vì chiều đã xuống rồi. Tôi dừng lại bên cầu, lòng thấy ngập tràn đau thương. Vớt vát nhìn xuống sông, cảnh hoàng hôn trên sông Arno sao mà dễ thương thơ mộng quá. Con sông đẹp là nhờ cảnh vật hai bên bờ. Vì cảnh bên phía tôi đứng nhiều nhà cửa dinh thự hơn nên nếu đứng bên kia sông thì chắc chắn là đẹp hơn rồi. Tôi tiếc hùi hụi, tiếc muốn ứa nước mắt lận. Không biết có phải "con cá mất là con cá lớn" hay không mà tôi ấm ức quá. Vậy mà cũng không đứng lâu được để ấm ức nữa vì chiều xuống rồi, phải quay về thôi. Dọc theo mé sông nhiều xe đò lớn đậu hàng hàng. Đây là nơi đậu xe của loại xe bus du lịch , bình thường những xe này chở du khách tới đây ban ngày rồi buổi chiều là họ rời đi để tới thành phố nhỏ hơn để chi phí khách sạn rẻ hơn là nằm ở ngay Florence. Xe bus hay chạy lên phía công trường Michaelangelo vì thấy trên đó đông người và xe lắm. Viếng Florence trong một ngày ư? Tôi nghĩ cũng ok nếu ta còn trẻ, cặp giò khỏe, và ăn uống qua quít thôi. Nhưng cái Firenzi card 3 ngày thì hơi phí. Mình đo lọ nước mắm thì nguời ta cũng biết đếm củ dưa hành vậy!


Từ cầu Nicolo

Khi trở về tôi đón xe bus để đỡ mỏi chân, và tôi xuống xe ở khu Duomo. Tới đó thì trời nhá nhem rồi, và tôi giật nẩy mình vì ban ngày và ban đêm cảnh vật khác nhau xa quá, tôi không còn nhận ra đường nào về khách sạn nữa. Những con đường hẻm ban sáng có vẻ êm đềm thì ban tối lại đầy tràn vẻ đe doạ. Chết rồi! Tôi hoảng hốt đi lung tung. Đi mấy lần rồi lại cứ thấy mình trở lại Duomo như là lạc vào mê lộ vậy. Tới một khu sang trọng của thành phố, thấy hai cô gái trẻ đang đứng trước một tiệm áo quần có vẻ như người sở tại, tôi đánh bạo hỏi thăm. Họ biết ít tiếng Anh quá nhưng cũng cố chỉ cho tôi con đường ra trạm xe lửa. Nhìn gần họ thì thấy son phấn cách ăn mặc có vẻ như thuộc giới "chị em ta". Ở đây mà cũng có nghề này sao? Tôi cứ tuởng đây là nơi dành cho các đôi lứa, chớ ai đi tới thành phố của Dante, của Michaelangelo mà tính chuyện mua hoa? Xời, tôi làm như mình rành rẽ cái xứ này lắm vậy. Tôi đi một khoảng nữa vẫn thấy mình lạc đường, nghĩ tới tối nay không biết tấm thân mình ra sao, có bị ai cướp bóc và thanh toán xác để phi tang hay không? Tôi lựa các con đường đông đảo mà đi, thấy dọc theo các tiệm sang trọng thấy nhiều xe cảnh sát đậu canh chừng vì loanh quanh các khuôn mặt đáng e sợ lảng vảng. Âu châu ngày nay bị nạn di dân lậu hay di dân chính thức từ nhiều nuớc nghèo tới tràn ngập làm đe dọa tới an ninh cuộc sống. Chính quyền sở tại cũng bất lực mà thôi.

May quá, qua khỏi đám cảnh sát này thì tôi thấy có một xe bus với đông người đứng chờ. Thấy xe bus có thể đi về trạm xe lửa, tôi dừng lại và hỏi thăm một đôi tình nhân. Cô gái không nói được tiếng Anh, nhưng cô ta khều người bạn trai lại và anh ta cho tôi biết là họ cũng đang đợi chuyến bus đó. Tôi thấy mừng vì coi như mình thoát nạn rồi, nhất là khi anh ta cho biết là trạm xe lửa cũng gần đây thôi. Vài phút sau hai người lại nói với tôi là tôi có thể đi theo họ vì họ quyết định đi bộ. Thật ra tôi thấy cũng bớt sợ rồi vì thấy người qua kẻ lại khá đông đúc. Nhưng tôi cũng gật đầu cám ơn họ và cùng nhau đi. Họ là đôi tình nhân đi chơi nơi đây và lần đầu cô mới tới Florence. Khi biết tôi từ California qua, cô gái có vẻ ngạc nhiên vui mừng như thể rất thích nước Mỹ. Nói chuyện lai rai tới lúc thấy trạm xe lửa đàng xa, họ nói lời từ giã và chỉ tôi về phía đó với sự niềm nở thân thiện. Bình thủy tương phùng, biết bao cuộc gặp gỡ trên đời này làm cho lòng tôi không khỏi nao nao khi chia tay từ giã.

Trở về tu viện, tôi cũng vui vì không quá giờ giới nghiêm của viện. Các tu viện không cho đi quá 12 giờ đêm, vì quá giờ đó thì xe song mã của Cinderella sẽ biến thành quả bí mất!

Ban đêm lại trằn trọc vì tiếng trò chuyện rổn rảng bên ngoài. Tôi ngồi bật dậy, chạy lại đóng cánh cửa sổ duy nhất trong phòng. Mèn ơi, mọi tiếng động bên ngoài im bặt. Thật ngạc nhiên, hóa ra nhà cửa ở bên đây kín bưng như thế ư? . Bên Cali dù có đóng chặt mọi cửa nẻo tôi cứ nghe tiếng động đưa vào, và thật sự là ít có ai làm ồn ban đêm, vì người ta sẽ gọi cảnh sát méc cái tội làm phiền hàng xóm đang cần sự yên lặng nghỉ ngơi ...Hóa ra, mỗi nơi có một cách giải quyết vấn đề.
1 user thanked Phượng Các for this useful post.
xv05 on 1/12/2015(UTC)
Phượng Các
#358 Posted : Sunday, January 4, 2015 8:19:50 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Sáng hôm sau dậy sớm chuẩn bị dọn đi. Ai cũng than là đúng ra không nên ở ít ngày như vậy ở một thành phố. Không hẳn vì còn nhiều thứ để coi, mà vì "hoải" (oải, quải) quá khi phải đến rồi đi trong có vài ngày như thế.

Trong khi mình tôi lui cui trong phòng thì mấy người bạn đi xuống gặp xơ để thanh toán tiền phòng. Các vị quản lý này không tha thiết gì tới chuyện tiền nong từ hồi ngày đầu. Khi ngỏ ý trả tiền thì xơ nói không sao đâu, cứ để sau rồi tính. Nên tới lúc gần rời thì mới trả tiền. Khi trở lên bạn đồng hành nói là họ đã tặng lại cho các xơ các thẻ Firenzi Card vì còn một ngày trong đó. Các xơ mừng lắm, nói là họ tuy ở Florence mà đâu được xem các museum đâu. Tôi ngạc nhiên quá thì bạn đồng hành nói là các xơ làm gì có tiền. Sống đời tu hành làm gì có tiền đi chơi, đi du hí du thực như người thế tục đâu. Họ phải sống theo các hạnh như khó nghèo, vâng lời, trong sach..., tôi nhớ mang máng như vậy. Thế là tôi cũng vội vàng lấy cái thẻ F. Card ra, nhờ mang tặng lại các xơ. Hôm qua thấy có một nhóm nữ du khách từ Phi Luật Tân mới tới tu viện, nên nghĩ thầm nếu dư thẻ thì có thể xơ tặng cho họ. Nhìn các du khách ấy, thấy họ ăn mặc giản dị, đơn sơ, chắc không phải là giới giàu có. Dòng tu này có cơ sở ở Phi, nên biết đâu họ đi tới đây nhờ mối liên hệ đó. Các tổ chức tôn giáo chặt chẽ như đạo Công giáo hay Tin lành có nhiều mối quan hệ giúp đỡ nhau cho sự đi lại được dễ dàng. Với cái tánh nghèo mà ham đi như tôi, phải chi có nhiều mối liên hệ để được đi khắp nơi khỏi lo chỗ ở thì còn gì bằng.

Đi tới ga xe lửa, hơi lạ là việc khiêng va ly lên xe không còn là chuyện khủng khiếp nữa, và kỳ này biết khôn rồi, không có thượng cái va ly lên trên ngăn trên đầu nữa, chúng tôi đưa vào các ngăn dành cho va ly, ngoài ra giữa hai hàng ghế có khe nhét vừa cái carry-on. Tôi nhớ lại các phim xưa, thấy lên xe lửa hay được nhân viên coi tàu phụ đỡ hành lý cho khách, mà sao ở đây lại chẳng thấy cái màn này. Nói cho ngay, ở London tôi còn thấy phụ nữ được cánh đàn ông giúp đỡ kéo giùm va ly như tôi từng có kinh nghiệm, nhưng ở Ý không thấy cái sự ga lăng này.

Xe lửa cũng vắng người đi, tha hồ mà đổi ghế ngồi ...Hơn hai tiếng đồng hồ sau thì tới Venice. Venice giống như là cái đảo với nhiều kinh rạch. Trước khi vào thành phố kinh rạch này thì đi qua ga Mestre. Mestre ở đất liền, nhà cửa rẻ, nên nhiều du khách xuống đây, ở khách sạn rẻ hơn, rồi dân làm việc ở Venice cũng hay muớn nhà ở Mestre. Ga này cách Venice có khoảng 10 phút nên cũng tiện cho du khách ít tiền và cho công nhân không trả nổi tiền nhà ở Venice. Chạy từ Mestre vào Venice là đi trên con đường duy nhất nối liền Venice vào đất liền, thấy bên phải có mấy chiếc tàu du lịch đậu xa xa. Nếu đi du lịch bằng cruise thì người ta lên bờ ở mé đó.


Gần đến Venice
1 user thanked Phượng Các for this useful post.
xv05 on 1/12/2015(UTC)
Phượng Các
#359 Posted : Thursday, January 8, 2015 11:45:01 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Thời gian ở Venice, chúng tôi sẽ ngụ tại tu viện Casa Caburlotto. Từ ga xe lửa, chúng tôi phải băng qua cầu Calatrava, tên chính thức là Ponte della Costituzione, được khánh thành vào năm 2008 để kỷ niệm 60 năm ra đời của Hiến pháp Ý Đại Lợi. Cầu có các bậc thang khá lài, dễ đi, chỉ việc từ từ lết va ly qua. Nhưng chị bạn bị đau lưng kinh niên nên hơi ngần ngừ. Đám xe kéo đến đề nghị. Hỏi giá cả thì là 30 euro kéo luôn tới khách sạn. Không hiểu sao lần này chị bạn lưỡng lự, rồi nghe theo lời một người trong nhóm bảo sẽ phụ kéo giùm chị. Nên từ chối. Thế là chúng tôi hì hục kéo hành lý qua cầu.

Đi qua khỏi cầu là tới khu công trường Roma, đây là điểm cuối cùng các xe hơi, xe bus dừng lại. Venice hoàn toàn cấm xe có động cơ trong thành phố. Trước đây từ đất liền chỉ có xe lửa qua với hệ thống hoả xa bắt đầu từ năm 1846. Và từ năm 1931 thì xây thêm đường lộ cho xe hơi, xe bus qua. Khách đi xe riêng đến công trường Roma thì phải đậu xe trong khu garage, rồi đi bộ hay đi ghe, ca nô, phà để di chuyển trong thành phố.

Qua cầu xong, để phòng hờ trường hợp như lúc ở Florence, nhóm bàn nhau là hai người đi trước "thám thính", còn hai người ở lại trông chừng hành lý. Tôi cùng một người nữa đi trước tìm khách sạn. Theo bản chỉ dẫn chúng tôi tìm ra không khó mấy. Tu viện nằm trong một ngõ vắng, yên tịnh. Vì chưa tới giờ nhận phòng nên tôi phải để cái carry-on vào kho rồi trở ra đón hai người còn lại và mang nốt hành lý về khách sạn. Venice là quần đảo gồm 117 đảo nhỏ, nối với nhau bằng 409 cây cầu. Từ công trường Roma, cũng may còn có hai cây cầu là tới nơi, chớ kéo hành lý mà ngó tới cầu là phải:
".... rên quá đấy mà thôi
Thế nghĩa là rên quá đi mất rồi"!

Nhìn nhận sự kiện này tôi càng thâm tín là đi du lịch là điều không dễ, không thích hợp cho người lão niên hay bệnh hoạn, tật nguyền. Cứ mỗi tuổi chồng chất là cái danh sách dự tính du lịch của ta cứ thu ngắn dần. Tôi bây giờ làm gì còn dám mơ tưởng tới chuyến đi Bắc cực, Nam cực hay trèo lên đỉnh Everest! Mới năm nào còn dám đeo ống nhựa chúi đầu ngó san hô của rặng Great Reef Barrier ở Queensland mà nay phải vái dài rồi. Và chỉ cần một trận đau lưng hay gãy giò, lọi khớp là Venice chắc cũng bị rút ra luôn.

Tu viện ở Florence do các xơ trực tiếp quản lý. Còn tu viện này thì thư ký tiếp tân là người "thường", tuy cũng thấy thấp thoáng bóng vài bà xơ. [Còn tu viện hồi đi Avignon, Provence năm nào thì hoàn toàn khoán lại cho dân làm business]. Khi cả đám kéo hành lý đầy đủ vào thì tiếp tân cũng ok cho chúng tôi nhận phòng luôn. Tiếp tân dặn dò kỹ lưỡng là giờ giới nghiêm là 12 giờ đêm. Đó là sự khác biệt giữa khách sạn thường và chỗ nghỉ trong tu viện. Khách nào hay nhậu nhẹt hoặc thích đi chơi về khuya thì ắt không thích ở trong tu viện rồi. Phòng ngủ trong tu viện cũng có một cây thánh giá treo trên tường.

Không dềnh dàng phí thì giờ, chúng tôi nhanh chóng đi ra phố ăn trưa. Gần khách sạn có hai quán ăn. Nhóm tôi chọn quán Majer nơi gần cây cầu đầu tiên từ khách sạn. Cho tiện và cũng vì ai nấy thấy đói rồi.


Khách sạn tu viện nằm bên tay phải
1 user thanked Phượng Các for this useful post.
xv05 on 1/12/2015(UTC)
Phượng Các
#360 Posted : Monday, January 12, 2015 12:31:49 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Đối diện với khách sạn bên kia kênh là hai toà nhà. Thấy giữa có giăng dây kẽm phơi quần áo. Vậy là hai nhà đối diện cùng hợp tác cho giăng dây để tận dụng khoảng giữa ngõ hẻm cụt để phơi đồ.


Các toà nhà ở Venice không được phép xây lại vì toàn thành phố đã được xếp vào hàng tài sản thế giới. Thành phố đã được xây dựng nên hàng ngàn năm. Khởi đầu sau khi đế quốc Rome sụp đổ, một số cư dân không chịu được giống dân mọi rợ (barbarians) tới nên bỏ ra vùng đất đảo và đầy cỏ lác bao bởi con đập thiên nhiên ngăn biển, "ta dại ta tìm nơi vắng vẻ". Venice được gia cố bằng hàng ngàn cây gỗ đóng xuống nền đất yếu ngập nước và xây dinh thự lên. Nhưng từ từ sự giao lưu thương mãi giữa vùng phía Đông và phía Tây Âu châu đã biến nơi đây thành một nơi thịnh vuợng. Con đường tơ lụa từ Trung quốc kết thúc ở đây và hàng hóa từ đây được toả ra khắp Âu châu.

Việc di chuyển bằng ghe xuồng với tôi cũng không lạ. Nếu ai từng ở miền sông nước Nam Việt thì cũng thấy dân chúng đi chuyển bằng xuồng ghe, tắc ráng, và nếu đi bộ trên bờ thì cứ chốc chốc lại qua cầu (có khi là cầu khỉ nữa). Chỉ khác là trên bờ cảnh vật Venice và miền quê Nam Việt không giống nhau mà thôi. Trong thế kỷ thứ 21 này người Tàu đang tính tái lập con đường tơ lụa, không phải bằng những đoàn lạc đà hay ngựa, mà bằng hoả xa.

Nói tới con đường tơ lụa thì một trong những nhân vật nổi tiếng người Ý là Marco Polo. Cuốn sách mô tả cuộc khám phá của ông với Trung quốc vào thế kỷ 14 đã đem lại rất nhiều mơ mộng cho người sau, nhiều người đã thực hiện chuyến du lịch theo dấu Polo rồi đó. Nhưng theo một phim tài liệu của Smithsonian phát hành vào năm 2011 thì các nhà nghiên cứu với cách làm việc tốn kém, đã đưa ra nhiều chứng minh rằng quyển du ký của Marco Polo chỉ là một quyển tiểu thuyết. Có một hay vài nhân vật tên là Marco Polo ở Venice vào thời kỳ đó. Thậm chí nguời ta còn tìm ra được bản di chúc của một người tên Marco Polo có vài món đồ từ Trung Á , nhưng các chứng cứ khác rất mơ hồ. Như bản đầu tiên viết tay rất nhỏ và mỏng so với các quyển đồ sộ tái bản ra đời sau đó, chắc chắn là được thêu dệt thêm. Hoặc trong sách ông không hề đề cập đến các chuyện rất nổi bật ở Tàu như Vạn Lý Trường Thành, tục bó chân, tục dùng đũa khi ăn, chữ viết đặc trưng của Trung Hoa v..v..Và một điều mang tính quyết định là sách có bảo là ông từng được phong làm quan ở một tỉnh Trung quốc, nhưng nay tra cứu sổ sách của tỉnh đó thì tuyệt nhiên không có ông quan nào có cái tên giống vậy (hoặc có thể khiến nguời ta nghĩ vậy). Riêng tại Venice, hiện có hai ba nhà được đóng bảng là nhà của Marco Polo, nhưng sử gia nhận rằng ngoài lời truyền tụng đó thì hầu như không có gì thêm về sử liệu cho nhân vật này.

Từ sự mơ màng thả hồn theo chân thú vị về cuộc du hành của chàng trai xứ Venice cho tới té ngữa ra vì đây chỉ là sản phẩm của tưởng tượng, tôi cảm thấy khá ê chề. Nhưng nghĩ lại, cuộc sống này quá nhiều thứ toàn là tưởng tượng. Ngay cái thành phố Verona cũng dựng lên được cái tượng đồng Juliet và cái nhà giống trong mô tả của Shakespeare, vậy mà cũng lôi cuốn được nhiều du khách tới thăm hàng năm. Ai cũng biết là xạo, nhưng ai cũng muốn để trí tưởng tượng của mình được dịp bay bổng, hầu tạm quên lãng cái thực tế nhàm chán hàng ngày. Nhiều lúc tôi nghĩ nếu lột sạch đi các sản phẩm tưởng tượng của con người do họ dựng lên để lừa mình, dối người thì không biết cái thế giới này sẽ ra sao!


Một khía cạnh của Venezia
1 user thanked Phượng Các for this useful post.
xv05 on 1/12/2015(UTC)
xv05
#361 Posted : Monday, January 12, 2015 7:16:31 PM(UTC)
xv05

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,044
Points: 3,390
Woman
Location: Lục điạ hình trái táo

Thanks: 340 times
Was thanked: 45 time(s) in 44 post(s)
Quote:
QuestionBạn có biết

The Bridge of Sighs (chiếc Cầu của Những Tiếng Thở Dài (???) ở thành Venice, Ý Đại Lợi, được đặt tên theo tiếng thở dài của các tội nhân bị dắt đi qua cầu từ ngục thất cho kẻ tử tội ở một đầu cầu đến tòa án nằm trong dinh Tổng trấn (Doge's Place) ở đầu cầu bên kia.

Chị PC hồi đi Venice, có thấy cái cầu trên không?
Phượng Các
#362 Posted : Thursday, January 15, 2015 10:43:42 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
xv,
Sẽ đề cập cái cầu này
.

Ăn uống xong xuôi thì kế đó là đi dạo cảnh Venice. Lần đi trước nhóm chúng tôi chỉ có cuốc bộ. Tôi nhớ là đi khá nhiều và mỏi chân. Lần này chỗ ở lại còn xa hơn nữa (xa với nơi mọi người hay tập trung nhất là khu công trường thánh Mark (Piazza San Marco)). Nếu đi bộ thì khoảng 45 phút. Ai nấy đều đồng ý là nên đi đò, tiếng Anh gọi là water bus, xe bus đi dưới nước. Loại phương tiện chuyên chở này thông dụng ở đây. Đúng ra nên gọi là đò dọc, vì nó đi suốt con Kinh Cái (Grand Canal), còn loại đò ngang chỉ chở người qua ngang kinh. Đi đò ngang thì dùng loại ghe nhỏ, mọi người chỉ đứng trên đó chớ không ngồi được. Còn water bus thì giống ferry, có ghế ngồi đàng hoàng. Tôi không có dịp đi đò ngang. Chỉ có đi đò dọc. Khi tìm hiểu giá cả của loại bus này thì muốn la bài hãi lên, trong khi xe bus, xe metro, xe tram ở Rome chỉ có 1,5 euro thì ở đây một vé đi là 7 euro! Sau khi suy tính thiệt hơn chúng tôi đi theo lời khuyên của các người hướng dẫn du lịch, ngoài Rick Steve ra còn phải kể Rudy Maxa, là mua hẳn loại dài ngày, với chúng tôi là 3 ngày. Giá là 35 euros. Thật ra cũng không khó giải thích sự chênh lệch về giá vé giữa Rome với Venice. Rome còn có chính sách trợ giá của nhà nước vì xe công cộng phục vụ cho dân chúng, du khách chỉ ăn ké theo. Còn Venice thì ngó tới ngó lui toàn là du khách. Venice cho tôi cái ấn tượng độc đáo là đây hoàn toàn là thành phố của du lịch. Người ta bảo là nếu không có du khách và cái hầu bao của họ thì Venice không thể nào sống được. Chính vì vậy khi nhìn thấy các tàu lữ hành với hàng ngàn du khách đổ xuống mà không trông mong gì móc được cái hầu bao của họ, tôi đâm ra lo lắng cho Venice. . Du khách đổ xuống hàng ngàn người mỗi tàu, nhưng họ có ăn đâu, họ ăn cho đã đời trên tàu rồi mới xuống bến. Phòng ngủ không lấy được tiền họ, nhà hàng không lấy được tiền họ; đó lại là hai lãnh vực góp phần móc túi ngon lành nhất cho một thành phố đối với du khách ...Tôi hy vọng là tôi đang lo bò trắng răng. Mà thôi, chuyện của ai người đó lo đi. Venice có xuống cấp, có suy tàn thì nó đã suy tàn khởi đi từ ngày ông Kha Luân Bố tìm ra Châu Mỹ rồi.

Một thắc mắc nữa của tôi (đúng ra là nhóm chúng tôi) là trên đò có bảng cấm không được đeo ba lô sau lưng và mang loại xe đi chợ giống carry-on, lên đò. Báo hại chúng tôi phải mang ba lô ngược lại, để trước ngực mình, một kiểu mang xách mất thẩm mỹ, mà vẫn không hiểu tại sao. Người thì nói là chắc họ muốn bảo vệ giùm mình cho khỏi bị ăn cắp từ phía sau. Nghe rất vô lý, tài sản của mình thì mình lo, mắc mớ gì tới họ mà họ phải tính giùm cho mình. Tôi nghĩ là chắc sợ ba lô phía sau dễ làm mình quên, có khi dựa đẩy vào người khác làm họ rơi xuống nước chăng.

Từ trên bờ lên thuyền, rồi từ thuyền lên bờ, sóng nước lúc nào cũng rập rình, cũng không phải là thoải mái lắm cho các bậc cao niên. Mà người cao niên thì tôi thấy khá nhiều ở đây. Ai mà không mơ một lần tới Venice. Khi còn trẻ bận bịu cơm áo gạo tiền nuôi con, trả mortgage ná thở ...Chỉ khi tạm ổn để thực hiện mộng viễn du thì lưng gù gối mỏi mất rồi ...Một chuyến đi chơi bạn, tưởng dễ sao? Có khi suốt đời vẫn không thực hiện nổi!

Thuyền chở chúng tôi đi suốt con kinh Cái, ghé lại nhiều bến đỗ, tính ra cũng không ít thời gian hơn nếu đi bộ, nhưng bù lại khỏi phải ... đi, chỉ ngồi trên ngó cảnh hai bên bờ, những cảnh mà nếu đi trên bờ nhiều khi không được thấy. Vì nhiều nhà sát mặt "đường" nên đi bộ thì không thấy được mặt tiền. Tôi không biết sao mà kỳ đi trước lại hoàn toàn không nghĩ đến chi tiết này. Chính cái mặt tiền trên Kinh Cái này mới tạo nên cảnh quan kỳ thú phần lớn cho Venice. Khung cảnh sôi động, náo nhiệt của khách đi chơi, ai nấy hớn hở vui vẻ, nhiều cặp tình nhân âu yếm nhau. Còn khung cảnh nào lãng mạn cho đôi lứa cho bằng sóng nước rập rình của Venice.


Đò dọc trên Kinh Cái
1 user thanked Phượng Các for this useful post.
xv05 on 1/16/2015(UTC)
Users browsing this topic
Guest (61)
20 Pages«<1617181920>
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.