Hôm qua, anh rủ tôi đi nhậu với anh, nhưng tôi nói tôi và con gái phải đi coi kịch ở trường con trai, vé đã mua rồi. Thường là vậy, đàn ông ít để ý đến chuyện ở trường của con cái, biết làm sao? Cho nên, tôi vẫn nói, sự giáo dục con cái ở người mẹ rất là quan trọng, thành ra đàn bà cần phải rèn luyện mình nhiều hơn để trau giồi bản thân để có thể có khả năng để giúp đỡ con cái, và nhất là phải có nhiều kiên nhẫn để khuyến khích và thưởng thức những việc làm của tụi nó như nghe tụi nó hát hay chơi nhạc chẳng hạn. Có lần tôi nói với các anh chị ở trong ban nhạc, là tôi ngồi nghe các cháu nhỏ hát và chơi nhạc chỉ vì tôi phục tụi nó còn nhỏ mà đã làm được như vậy, chứ thiệt tình biểu mà nghe giống như thưởng thức trong những buổi ca nhạc chuyên nghiệp thực thụ, tôi nghĩ đó là nói dối, vì tụi nó tiếng Việt không rành làm sao hát hay đến độ để khán giả thật sự "thưởng thức" được? Và cái chính là các cháu chính vì tiếng Việt không rành nên không diễn tả được cái hồn của bài hát lời Việt, nên không diễn tả bài hát có hồn được. Ủa, đang nói chuyện đi mua vé đi coi kịch ở trường con trai sao tự nhiên "đâm hơi" qua chuyện hát hò vậy ta??? Thiệt là bậy bạ mà!

.
Đang nói chuyện nó mua vé cho mẹ và em nó tổng cộng là $10, tôi bảo, wow, vé rẻ quá nhỉ chỉ có $5, không mắc giống như vé cho buổi ca nhạc kịch ở trường em nó đến $20, hôm nọ đi coi ba mẹ con, tốn đến $60 lựng! Nó bảo, đâu có mẹ, vé của mẹ người lớn là $7, còn của em là học sinh chỉ có $3 thôi. Nói với nó, vẫn còn rẻ chán con ạ, so với với giá vé $20 hôm rồi. Nhưng thật tình, đến lúc vào coi cái show ở trường em nó, thấy cũng đáng giá đồng tiền bát gạo lắm, cái show tên là The "Rag Time", kể lại chuyện ở Mỹ của thời trước, lúc còn kỳ thị màu da cao độ. Quần áo của các em phải may giống như quần áo ở thời kỳ đó, cái áo đầm nào cũng xòe rộng thùng thình rất là tốn vải, rồi găng tay, rồi mũ, ôi thôi đủ thứ. Lúc mới tới cửa, nhìn mấy tấm hình các em post lên quảng cáo, tôi lại lầm tưởng là mấy em xin hình của mấy cái phim hồi xưa nên mới có quần áo như vậy. Nhưng không, chính là hình của các em trong buổi trình diễn, và quần áo là các em may theo đúng như vậy. Mới đầu lúc mua vé, tôi phàn nàn với con gái sao vé trường con bán mắc quá vậy, mẹ tưởng trường con cũng có budget của thành phố chứ? Nó bảo vẫn còn không đủ để làm hết những cái cần thiết trong show đó mẹ. Đến lúc vào coi rồi, tôi mới thấy con gái nói đúng, cái show phải đầu tư quá nhiều, người thì đông, quần áo thì nhiều, thay đổi cảnh liên tục để phù hợp với nhiều quang cảnh của New York thời bấy giờ. Tôi phục các em quá, làm việc rất khoa học, tôi thật sự enjoy từ đầu đến cuối show. Tôi quay qua nói với con gái, bây giờ thì mẹ thấy $20 mua vé cũng xứng đáng lắm, chỉ nhìn quần áo không thôi là cũng thấy đủ sở hụi rồi, chưa nói đến nhạc cũng hay mà trình diễn cũng hay nữa!
Đúng là "đâm hơi" thiệt! Đã nói là đang nói chuyện mua vé ở trường con trai để đi coi kịch nó đóng ở trường nó, thì lại cứ đâm hơi qua chuyện bố nó đi nhậu, rồi lại chuyện đi coi Rag Time ở trường em nó, hi hi,

để coi mình còn đang ở trong quán Tào lao không ta, để không đi lộn qua quán khác, người ta lại biểu mình "lảng xẹt" thì dzô dziên lắm!!!

Vì chỉ là kịch thôi, nên khán giả có vẻ không đông như những buổi ca nhạc kịch, tôi thấy tội nghiệp cho các cháu khi thấy số lượng khán giả quá ít! Cái show hôm nọ ở trường con gái, họ phải trình diễn đến 3 ngày để có thể cung ứng đủ cho số khách đi coi, trong khi buổi kịch này ở trường con trai thì chỉ trình diễn có một ngày mà khán giả vẫn rất ít! Có thể vì các em không quảng cáo nhiều, cũng có thể trường cũng không đầu tư lắm vào chuyện này nên không kêu gọi phụ huynh của các học sinh khác đi ủng hộ. Ý là giá vé chỉ có $7, chứ nếu nhiều nữa thì chắc chẳng còn bao nhiêu người đi coi. Và cũng có thể, thiên hạ bây giờ lên mạng hay ra rạp là có thể coi đến bao nhiêu là cái phim "hoành tráng", đâu còn mấy ai hứng thú đến chuyện ba cái kịch lèo tèo này nữa? Nhưng khi vào trong show rồi, tôi thật sự ngạc nhiên cho sự cố gắng của các em học sinh. Tất cả 5 kịch bản đều do các em viết và đạo diễn, cũng như trình diễn, chỉ có sự hỗ trợ của một số thầy cô, nhất là những thầy cô dạy Drama. Tôi lại càng không ngờ cái màn kịch cuối cùng lại là của con trai mình viết. Làm sao nó có thể viết được một vở kịch như vậy cho dù chỉ là một vở kịch ngắn? Mèn ơi, như vậy là nó giỏi hơn mình rồi, mình cũng chưa bao giờ viết được một vở kịch cho dù chỉ là một vở kịch ngắn mà nó đã làm được. Trước giờ thấy nó diễn kịch với bạn cũng tưởng nó chỉ có thể diễn kịch thôi, đâu ngờ mà nó viết luôn kịch bản như vậy?!
Mới làm được ba màn đầu xong rồi đến phần giải lao, sau phần giải lao là hai vở kịch cuối thì vở kịch cuối là vở kịch của con mình. Mới vào được khoảng giữa vở kế cuối, là vở kịch "It's life" chỉ có hai nhân vật đối thoại với nhau thôi thì chuông báo cháy reo lên, thế là mọi người phải túa ra ngoài hết. Trời đã khuya, và tháng 12 cũng đã khá lạnh, may phước là hôm qua không lạnh lắm, nhưng cũng là lạnh, tôi kéo mũ trùm đầu, mặc áo lạnh đi ra ngoài với mọi người. Nhưng tôi rất lo, lo là, có thể khuya quá rồi, trời thì lạnh, mà gặp như vậy nữa thì mọi người sẽ nản lòng bỏ về hết, nhưng không mọi người vẫn ở lại đứng chờ xe cứu hỏa tới. Các em học sinh bàn với nhau rồi đứng quây lại với nhau hát ngay giữa trời tối vừa để giúp vui mọi người quên thời gian chờ đợi, vừa để động viên mọi người ở lại để tiếp tục ủng hộ các em. Tôi thật sự cảm động khi nghe các em hát, cảm động vì sự đoàn kết của các em, đúng là có đoàn kết thì chuyện gì cũng làm được. Mọi người vỗ tay thưởng, tôi cũng vỗ tay, vẫn tiếp tục lo, lo là nếu xe cứu hỏa kiếm lâu quá không ra nguyên nhân làm chuông reo thì sợ rằng mấy đứa nhỏ phải đứng ngoài trời lạnh này mà trình diễn luôn quá.
Cuối cùng, thì người ta cũng cho vào, nghe nói chỉ là đứa nhỏ nào đó chơi banh, dộng vào cái chuông nên nó reo. Vở kịch của con tôi nói về một người anh hùng tên là Mapleman (Anh hùng lá phong) của xứ Canada, nó lên bắt đầu chương trình thì thay vì hát là "Mapleman! Mapleman", nó đã đổi lại thành "Fireman! Fireman!", thật không còn có sự trùng hợp nào dễ thương hơn! Cuối chương trình thấy một con bé quay lại hỏi ông thầy dạy drama: "Có phải vở kịch này là the best?" Tôi thật sự vui!
BN.