TRIỆU THỊ TRINH,
NGƯỜI NỮ ANH HÙNG KHỞI NGHĨA 1
Trần Xuân An
Bối cảnh lịch sử và hành trạng anh hùng
Trong lịch sử nước ta, có một người nữ anh hùng, chính Tự Đức lúc châu phê vào Cương mục (1), đã từng so sánh với Trưng Trắc – Trưng Nhị: “Con gái nước ta, nhiều người hùng dũng khác thường. Bà Triệu Ẩu cũng là người sánh vai được với Hai Bà Trưng” (2).
Cuộc khởi nghĩa, kháng chiến, giành lại độc lập, tự do cho Đất nước, nhân dân do Hai Bà Trưng tổ chức, lãnh đạo, thành lập vương triều nối lại quốc thống nước Văn Lang của vua Hùng, tiếc thay, chỉ ngắn ngủi trong 3 năm. Sau đó, suốt cả trăm năm, đế chế nhà Đông Hán (Hậu Hán, 25 – 219) ngày càng siết chặt gông xiềng nô lệ trên toàn cõi Giao Chỉ bộ (từ năm 203, Hán – Hiến đế đổi lại địa danh là Giao Châu). Bấy giờ, vua quan triều đại Đông Hán khá vững mạnh trong sự chuyên chế ở Trung Hoa, do đó, chúng có đủ điều kiện để củng cố ách đô hộ của chúng ở nước ta. Sử sách không ghi nhận thêm một cuộc khởi nghĩa nào trên toàn cõi Giao Chỉ bộ. Điều đó, khiến chúng ta thấy rõ sự kìm kẹp, khống chế bằng các đội quân binh viễn chinh và bằng cách đưa bọn lưu dân các loại từ Trung Hoa sang là hết sức thâm độc. Nhân dân ta không khởi nghĩa nổi trong sự kìm kẹp, khống chế xảo quyệt đó, chứ không phải chỉ biết cúi đầu trong tủi nhục.
Mãi cho đến năm Đinh sửu [137] (Hán, năm Vĩnh Hoà thứ 2), ở huyện Tượng Lâm xa xôi thuộc quận Nhật Nam (Quảng Nam, Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình), mới bùng lên được cuộc khởi nghĩa do Khu Liên (người Chăm) lãnh đạo. Một đất nước Lâm Ấp (về sau tự đặt quốc hiệu là Hoàn Vương, Cham-pa [Chiêm Thành]) bắt đầu hình thành từ đó, ngay trong vùng đất cực nam lãnh thổ Giao Chỉ bộ (*).
Kế đó, năm Giáp thân (144), nhân dân quận Nhật Nam lại khởi nghĩa (3).
Năm Canh tí (160), Chu Đạt khởi nghĩa ở quận Cửu Chân, rồi vào cố thủ tại Nhật Nam (3).
Năm Mậu ngọ (178), Lương Long khởi nghĩa ở quận Giao Chỉ (3).
Ngoài ra, tại ba quận Nhật Nam, Cửu Chân, Giao Chỉ, suốt bảy mươi năm tiếp theo, hẳn những cuộc khởi nghĩa do chính nhân dân xướng xuất đã bị bọn viễn chinh, lưu dân Trung Hoa phát hiện, dập tắt ngay từ tia lửa đầu tiên, bóp chết ngay trong trứng nước. Hầu như đó là quy luật, nhân dân các thuộc địa cổ đại thuộc đế chế bành trướng Hán tộc tại Trung Hoa chỉ có thể nổi dậy, đánh đuổi bọn thứ sử, thái thú được trong một quãng thời gian nào đó, hoặc chỉ có thể kháng chiến thành công, trong những điều kiện suy bại, xâu xé nhau ngay trong nội bộ chính quốc Trung Hoa.
Và thời cơ đã đến. Ngoại thích, hoạn quan tại kinh đô Lạc Dương (Trung Hoa) đã làm đế chế Đông Hán suy vi. Đỗng Trác khuynh đảo triều Hán, Tào Tháo lại mở rộng thế lực, Lưu Bị khởi xướng cuộc phù Hán, Tôn Kiền (anh của Tôn Quyền) cũng gầy dựng thế lực. Từ năm 213, tình thế Tam Quốc (Nguỵ, Thục, Ngô) đã khởi đầu cho đến khoảng 67 năm về sau.
Lúc này, Giao Châu (bộ Giao Chỉ cũ) lại thuộc lãnh thổ do Tôn Quyền (nhà Ngô, Trung Hoa) chiếm cứ.
Ở Giao Châu, vào năm Mậu thìn (248), tại vùng núi Quan Yên, Hậu Lộc (của tỉnh Thanh), thuộc quận Cửu Chân (Thanh Hoá – Nghệ – Tĩnh), anh em Triệu Quốc Đạt – Triệu Thị Trinh đã tổ chức và lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa. Trong hai anh em, người con gái ở tuổi hai mươi ba Triệu Thị Trinh lại càng tỏ rõ tài năng chiến tướng hơn cả anh ruột mình.
Tuy chỉ mới 23 tuổi, chưa từng lấy chồng, từ chối mọi lời cầu hôn để rảnh tay kháng chiến, Triệu Thị Trinh (tiểu tự là Triệu Ẩu) vẫn được tôn xưng là Lệ Hải bà vương.
2
Tư liệu gốc,
và một số chi tiết không đẹp
quanh tiểu sử người nữ anh hùng Triệu Thị Trinh
Toàn thư (4) viết về Bà Triệu (rất tiếc là các sử gia bấy giờ chưa xử lí tốt tư liệu gốc [thư tịch cổ] của Trung Hoa): “Mậu thìn, [248], (Hán, Diên Hi năm thứ 11; Ngô, Vĩnh An năm thứ 1 [đúng ra, Xích Ô thứ 11, đời Ngô vương Tôn Quyền – cước chú của dịch giả]). Người Cửu Chân lại đánh hãm thành ấp, châu quận rồi [rối – ct. (**)] động. Ngô vương cho Hành Dương đốc quân đô uý Lục Dận (có sách chép là Lục Thương) làm thứ sử kiêm hiệu uý. Dận đến nơi, lấy ân đức tín nghĩa hiểu dụ, dân ra hàng phục đến hơn 3 vạn nhà, trong châu lại yên. Sau, người con gái ở quận Cửu Chân là Triệu Ẩu tập họp dân chúng đánh chiếm các quận huyện (Ẩu vú dài ba thước, vắt ra sau lưng, thường ngồi trên đầu voi, đánh nhau với giặc [Tàu – ct.]). Dận dẹp yên được. (Sách Giao Chỉ chí chép: Trong núi ở quận Cửu Chân có người con gái họ họ Triệu, vú dài ba thước, không lấy chồng, họp đảng cướp bóc các quận, huyện, thường mặc áo ngắn màu vàng, chân đi giày mũi cong, ngồi đầu voi mà chiến đấu, sau chết làm thần)” (5).
Mặc dù các sử gia Toàn thư đã xử lí tư liệu Trung Hoa đạt đến mức độ xác định được địch – ta, nhưng lại để nguyên những chi tiết biếm hoạ về người nữ anh hùng Triệu Thị Trinh!
Cương mục chép: “[Cương: – ct.] Năm Mậu thìn (248). (Ngô, năm Xích Ô thứ 11; Hán, năm Diên Hi thứ 11; Ngụy, năm Chính Thuỷ thứ 9). Bà Triệu Ẩu, người quận Cửu Chân, họp dân chúng đánh phá các quận huyện. Thứ sử Lục Dận đi đánh, dẹp yên. [Mục: – ct.] Người quận Cửu Chân lại đánh phá thành ấp. Các châu quận đâu đấy đều náo động, chúa nhà Ngô cho đốc quân đô uý châu Hành Dương là Lục Dận làm thứ sử kiêm chức hiệu uý. Lục Dận đến nơi, dùng ấn tín hiểu dụ, hơn ba vạn nhà ra đầu hàng; đất Giao Châu lại yên. Bấy giờ người con gái quận Cửu Chân là Triệu Ẩu tụ họp dân chúng, giành cướp các quận huyện; Lục Dận đi đánh, dẹp yên” (6).
Ở mục lời chua, Cương mục ghi: “Đến khi giặc Man Di quận Cửu Chân đánh và hạ được các thành ấp, Giao Châu náo động, chúa nước Ngô dùng Lục Dận làm thứ sử Giao Châu” (6); “Bà Triệu Ẩu: Theo sách Thái Bình hoàn vũ kí của Nhạc Sử nhà Tống, trong miền núi quận Cửu Chân có người con gái họ Triệu, vú dài ba thước, không lấy chồng, tụ họp đồ đảng đánh cướp các quận huyện, thường mặc áo vải mộc màu vàng, đi guốc, cưỡi đầu voi, xông ra trận đánh. Sau khi chết, thành thần. Nay có đền thờ ở xã Phú Điền, huyện Mỹ Hoá, tỉnh Thanh Hoá” (6).
Các sử gia Cương mục đã khảo đính, chép lại “một cách lạnh lùng” như thế, nhưng kèm theo đó là lời phê bằng son đỏ của vua Tự Đức: “Con gái nước ta, nhiều người hùng dũng khác thường. Bà Triệu Ẩu cũng là người sánh vai được với Hai Bà Trưng. Xem như vậy thì Bắc sử chép chuyện thành Phu nhân, quân nương tử, há có phải chỉ Trung Quốc là có đàn bà nổi danh tiếng đâu? Nhưng nói là vú dài ba thước thì cũng là quái gở, đáng cười! (2) & (6)”.
Thật ra, Tự Đức khi so sánh Bà vương Triệu Thị Trinh với hai nhân vật nữ trong sử Trung Hoa, đó là mẹ của Chu Tự, tên là Hàn thị, và Bình Dương công chúa, con gái của Đường Cao tổ, vợ của Sài Thiệu, chỉ là sự so sánh hơi khập khiễng, làm giảm oai phong và tài năng của Triệu Thị Trinh. Hàn thị (truyện thành Phu nhân) chỉ là người đàn bà có đôi mắt chiến thuật, tài cầm quân, trong phạm vi một thành luỹ. Bình Dương công chúa (truyện Nương tử quân) chỉ là người chiêu tập và chỉ huy một cánh quân ngang với cánh quân của chồng; và cả hai cánh quân này cũng đều phụ thuộc những cánh quân của Đường Cao Tổ (7). Trong khi đó, mặc dù Triệu Thị Trinh chưa thắng lợi đến mức độ đuổi sạch quân Trung Hoa khỏi cả nước (toàn cõi Giao Châu) và lập thành một triều đại độc lập, tự chủ như Hai Bà Trưng, nhưng cũng là người tổ chức và lãnh đạo toàn cuộc khởi nghĩa, đến mức làm lu mờ cả vai trò của người anh ruột là Triệu Quốc Đạt. Tất nhiên so sánh nào cũng khập khiễng, bởi tầm vóc lịch sử của Hai Bà Trưng là quá vĩ đại – hai người phụ nữ vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới.
Về chi tiết “vú dài ba thước”, Tự Đức cũng đã chỉ ra là “quái gở”, và kẻ nói ra điều đó cũng rất “đáng cười”! Tôi nghĩ đó là chi tiết biếm hoạ của đối phương (các sử gia Trung Hoa thuộc loại giặc Tàu). Tôi cũng nghĩ rằng, hoặc giả, “vú dài ba thước, vắt ra sau lưng”, chính đôi vú của cô gái anh hùng chưa chồng ấy (nếu tính theo mét Tây [metre], chính xác là dài đến 1m 2), không gì khác hơn là đôi ruột tượng (9) dùng để chứa gạo trên đường hành quân. Mặc dù là Lệ Hải bà vương, Nhụy Kiều tướng quân, “thường mặc áo ngắn màu vàng, chân đi giày mũi cong, ngồi đầu voi mà chiến đấu”, Triệu Thị Trinh vẫn làm gương cho quân binh, nghĩa sĩ bằng cách khoác hai khúc ruột tượng gạo. Đó không thể là dị tật, bởi nữ vương Triệu Thị Trinh mặc “áo ngắn màu vàng”. Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là dị tật hay không dị tật, mà chính là tài năng, ý chí và tâm huyết vì Đất nước, vì nhân dân, cùng nhân dân đánh giặc, cứu nước.
Nhiều người cũng đã phê phán sách sử Tàu khi gọi bà là Triệu Ẩu. Chính học giả Đào Duy Anh, người đã biên soạn Từ điển Hán – Việt (8), ông đã viết trong cuốn Lịch sử Việt Nam: “(Sử cũ Trung Quốc gọi là Triệu ẩu, tức là mụ Triệu, là có ý khinh bỉ)” (10). Thực ra, theo cước chú của các dịch giả Tổ Biên dịch Viện Sử học (Hoa Bằng, Phạm Trọng Điềm, Trần Văn Giáp), chữ “Ẩu” có hai nghĩa, “a) tiếng gọi chung các bà già, có ý tôn kính, thí dụ: [các] bà mẹ [của các] đại thần nhà Hán được tôn gọi là Vạn Thạch Ẩu; b) nghĩa cũng như Ẩu chiếu, là bảo vệ nhi đồng” (11). Ngoài ra, cũng ở cước chú này, các dịch giả cho biết: “Theo Thanh Hoá kỉ thắng (t. 65) của Vương Duy Trinh, bà Triệu tức là Lệ Hải Bà vương, họ Triệu, huý Trinh, tiểu tự là Nữ Ẩu, là em gái Triệu Quốc Đạt” (11). Vả lại, dù sao đi nữa, tên tiểu tự, ai cũng biết là thường không đẹp (theo tục kiêng cữ) (12).
Ngoài ra, có một chi tiết không hề có trong Toàn thư cũng như trong Cương mục, gây khá nhiều nỗi gờn gợn khi nghiên cứu về nữ anh hùng Triệu Thị Trinh. Trần Trọng Kim, trong Việt Nam sử lược, viết: “Sử ta chép rằng bà Triệu là người ở huyện Nông Cống bấy giờ. Thuở nhỏ cha mẹ mất cả, ở với anh là Triệu Quốc Đạt, đến độ 20 tuổi gặp phải người chị dâu ác nghiệt, bà ấy giết đi rồi vào ở trong núi” (13). May thay, Trần Trọng Kim còn chép tiếp liền vào chi tiết ấy: “Bà ấy là một người có sức mạnh, lại có chí khí và lắm mưu lược. Khi vào ở trong núi, chiêu mộ hơn 1.000 tráng sĩ để làm thủ hạ. Anh thấy thế mới can bà, thì bà bảo rằng: ‘Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp đường sóng dữ, chém cá tràng kình ở bể đông, quét sạch bờ cõi, để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối, chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu cong lưng để làm tì thiếp người ta’ ” (13). Đó là ba chi tiết của một sự kiện.
Nếu đoạn sử chỉ dừng lại ở câu: “đến độ 20 tuổi gặp phải người chị dâu ác nghiệt, bà ấy giết đi rồi vào ở trong núi”, hẳn người đọc không thể không nghĩ đến một vụ án hình sự xã hội phạm chứ không phải chính trị. Phải chăng người con gái anh hùng Triệu Thị Trinh gặp phải một người chị dâu toan ép bà làm tì thiếp cho một tên quan Hán tướng Tàu háo sắc nào đó, và không những thế, người chị dâu ấy là nguy cơ nội gián cho cuộc khởi nghĩa. Triệu Thị Trinh dứt khoát không thể là một người can án, một tội phạm hình sự xã hội! Phải dứt khoát điều đó. Cách viết sử thiếu minh xác, dễ khiến hậu thế hiểu lầm một cách tai hại như thế thật cần phải tự cảnh giác và cảnh giác!
Những chi tiết sau đây đã phủ chính chi tiết ngỡ như thuộc loại hình sự xã hội phạm rờn rợn ấy:
“Năm Mậu thìn (248), vì quan lại nhà Ngô tàn ác, dân gian khổ sở, Triệu Quốc Đạt mới khởi binh đánh quận Cửu Chân. Bà đem quân đánh giúp anh, quân sĩ của Triệu Quốc Đạt thấy bà làm tướng có can đảm, bèn tôn lên làm chủ” (13).
“Về sau, vua Nam đế nhà Tiền Lý khen là người trung dũng, sai lập miếu thờ, phong là: ‘Bật chính anh liệt hùng tài trinh nhất phu nhân’ ” (13) .
Ca dao lịch sử vẫn mãi hát về Bà Triệu, ngay cả lúc người mẹ ru êm giấc ngủ trẻ thơ, để còn rảnh tay làm tạp vụ cho quân binh, tướng sĩ kháng chiến, cho người cha có cau trầu mang theo khi ra trận:
“Ru con, con ngủ cho lành
Cho mẹ gánh nước rửa bành ông voi
Ai coi lên núi mà coi
Coi Bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng
Túi gấm cho lẫn túi hồng
Têm trầu cánh kiếm cho chồng ra quân” (14).
Chúng ta đều thấy, chính Toàn thư và Cương mục của ta khẳng định tài năng, công đức của Triệu Thị Trinh; thư tịch cổ của phía đối phương (giặc Tàu) mặc dù có những chi tiết biếm hoạ, bôi nhọ tục tĩu, cũng đã trực tiếp hay gián tiếp thừa nhận Bà Triệu: Đó là một nữ anh hùng lịch sử dân tộc Việt Nam, người đã trở thành thần thánh, hình tượng tín ngưỡng, phụng thờ, mãi mãi sáng ngời sự tích trong tâm trí nhân dân Giao Châu thuở đó, Việt Nam bây giờ.
Nghiên cứu về người con gái Việt Nam anh hùng Triệu Thị Trinh, chúng ta có thêm một thu hoạch phụ: nâng cao kinh nghiệm sử dụng các loại tư liệu, kể cả tư liệu dân gian; phải luôn luôn tỉnh táo, sáng suốt khi sử dụng tư liệu của đối phương (ngoại xâm) và của đối lập (nội nghịch, hoặc khác chính kiến).
TP. HCM., viết xong lúc 17 giờ 31 phút,
Ngày 07. 07. HB4 (20. 05 G. thân HB4).
TXA.
Cước chú của bài Triệu Thị Trinh, người nữ anh hùng…:
(1) Khâm định Việt sử thông giám cương mục (1884) (gọi tắt là Cương mục), tiền biên và chính biên, bản dịch (2 tập), tập 1, Nxb. Giáo Dục, 1998.
(2) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 143 (Tb. [tiền biên], q. [quyển] III, [tờ] 9).
(*) Xin xem thêm cuộc khởi nghĩa, bước đầu lập quốc của Khu Liên và nhân dân huyện Tượng Lâm (thuộc quận Nhật Nam, bộ Giao Chỉ) ở các bài viết sau. Tuy nhiên, ở đây, tôi xin được nhấn mạnh: huyện Tượng Lâm là một huyện trong phạm vi quận Nhật Nam (bấy giờ, một quận thống nhiếp dăm ba huyện), mà Nhật Nam là một quận trong chín quận thuộc bộ Giao Chỉ (về sau được gọi là Giao Châu), vì vậy, cuộc khởi nghĩa của nhân dân huyện Tượng Lâm, do Khu Liên (người Chăm) lãnh đạo, được sự hưởng ứng của hai quận Cửu Chân, Giao Chỉ, và bước đầu thành lập vương quốc Lâm Ấp là hai sự kiện gắn bó hữu cơ, đồng thời diễn ra trong nội bộ của xứ Giao Châu. Nói gọn hơn, cuộc khởi nghĩa Khu Liên ấy và vương quốc Lâm Ấp sơ khai ấy là sự kiện của lịch sử Việt Nam cổ đại, mặc dù về sau Lâm Ấp (Chiêm Thành) tự tách ra thành một vương quốc riêng.
(3) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 125 – 126 (Tb., q. II, 22 – 24).
Như chúng ta đã biết, quận Giao Chỉ là một trong chín quận thuộc bộ Giao Chỉ.
(4) Đại Việt sử kí toàn thư (gọi tắt là Toàn thư), bản in nội các quan bản (1697), bản dịch (3 tập), tập 1, Nxb. Văn hoá – Thông tin, 2003.
(**) Đối chiếu với Đại Việt sử kí toàn thư (gọi tắt là Toàn thư), bản in nội các quan bản (1697), bản dịch (3 tập) và 1 tập nguyên văn chữ Hán, tập 1, Nxb. KHXH., 1998, tr. 167: rối động.
(5) Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 234 (NK., q. IV, tờ 3b – 4a). Cước chú của dịch giả Tổ Biên dịch Viện Sử học (Hoa Bằng, Phạm Trọng Điềm, Trần Văn Giáp). TXA. in đậm (iđ.) & chua thêm (ct.).
(6) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 142 – 143 (Tb., III, 8 – 9). TXA. iđ & ct. Một trong những nguyên tắc viết sử theo thể cương mục là mỗi tiểu mục đều có phần cương (đề, tiêu đề) và phần mục (thuyết, chi tiết cụ thể). Ở cước chú này, tôi (TXA.) ghi rõ như vậy, nếu không sẽ thấy đoạn trích dẫn trên khá lủng củng vì lặp lại.
(7) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 142 – 143 (Tb., III, 8 – 9): Cước chú của dịch giả Tổ Biên dịch Viện Sử học (Hoa Bằng, Phạm Trọng Điềm, Trần Văn Giáp).
(9) Ruột tượng: danh từ chỉ một loại túi được khâu bằng vải, hình ống, đường kính khoảng 10cm, dài khoảng 80cm – 100cm , được cột túm một đầu hoặc cả hai đầu bằng dây rút (như gối kê đầu), dùng để dựng gạo. Khi đi đường xa, người ta vắt lên vai; có thể vắt chéo hai cái ruột tượng gạo như thế trên hai vai.
(8) Đào Duy Anh, Từ điển Hán – Việt, tập hạ & tập thượng, Nxb. KHXH. tái bản, 2001.
(10) Đào Duy Anh, Lịch sử Việt Nam, Nxb. Văn hoá – Thông tin tái bản, 2002, tr. 133.
(11) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 142 – 143 (Tb., III, 8 – 9): Cước chú. Theo đó, tôi nghĩ rằng còn tuỳ văn cảnh, tuỳ địa phương, như chữ mụ, trong tiếng Việt ở vùng bắc Trung bộ, lại có nghĩa tôn kính, chẳng hạn gọi các bà già ngang tuổi, ngang vai vế với mệ ngoại, mệ nội (bà ngoại, bà nội) là mụ (mụ bà cô, hoặc mụ nội, tức là chị em ruột của ông nội), hoặc chùa Linh Mụ, Thiên Mụ (bà già linh thiêng, bà già từ Trời xuống thế), hoặc đèo Mụ Giạ (có sách ghi là Mộ Dạ
)…
(12) Vùng Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá thường gọi trẻ em gái là Hĩm. Thơ Tố Hữu, bài Mẹ Tơm, viết về một bà mẹ kháng chiến chống Pháp, có nhắc đến cô cháu gái của bà: “Hĩm đấy ư em, mấy tuổi rồi? Hai mươi? Ừ nhỉ, tháng năm trôi…”. Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá chính là nơi bà Triệu đã hi sinh (hay tự tử tiết?) lúc mới 23 tuổi (Xem: Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng, Các triều đại Việt Nam, Nxb. Thanh Niên, bản in lần 2, 1995, tr. 35).
(13) Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nxb. Tân Việt, 1964, tr. 52 – 53. TXA. iđ. & ct. Người viết bài này đã khảo chứng tư liệu, thấy rằng Trần Trọng Kim đã lấy các tình tiết này trong một cuốn sách cổ của nước ta (không phải là sử đúng nghĩa, hầu hết chỉ là những tư liệu điền dã); xin xem: Lý Tế Xuyên (Chư Cát thị bổ sung), Việt điện u linh tập, Trịnh Đình Rư dịch, Đinh Gia Khánh hiệu đính và bổ sung, Nxb. Văn Học tái bản, tr. 119 – 120… Phần “Lệ hải bà vương kí” (sđd., tr. 119 – 125) viết về Triệu Thị Trinh không phải do Lý Tế Xuyên sưu tầm, biên tập mà do Chư Cát thị bổ sung, hiệu đính về sau (tân đính hiệu bình).
(14) Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, Nxb. KHXH., in lần thứ 8, 1978, tr. 33. Vũ Ngọc Phan chú thích: cánh kiếm, có bản chép là cánh quế. Tôi biết ở Huế, Quảng Trị, người ta hay nói đến hình ảnh têm trầu cánh phượng. Ngoài ra, ở câu 2: ông voi, ít ai gọi là con voi.
http://www.giaodiem.com/...II05/905_txa_hisIIb.htm