Nguyễn Thị Giang (1909 - 1930)
Nguyễn Thị Giang sinh năm kỷ Dậu (1909) tại thị xã Phủ Lạng Thương, thuộc tỉnh Bắc Giang, Bắc Việt. Nhà ba chị em gái, cha mẹ đặt tên theo tên tỉnh: chị là Bắc, rồi Giang, út là Tỉnh.
Trong khi Tỉnh còn măng sữa, cô Bắc và cô Giang đã lớn khôn, nhan sắc tuy không vẹn mười nhưng gọn gàng xinh xắn. Cô Bắc chín chắn, nói năng đanh thép, cô Giang có phần lanh lợi, tháo vát hơn, cả hai đều ngay thẳng và dạn dĩ.
Bấy giờ, khoảng những năm 1920-24, dân ta âm thầm sau chuyện Đề Thám Đội Cấn thất bại thì Pháp lại càng thêm kiêu căng trên thắng lợi trong thế chiến thứ nhất. Sang đến 1925, bỗng cụ Phan Bội Châu bị bắt ở bên Tàu, giải về Hà Nội, chắc khó tránh khỏi án tử hình. Thế là ùn ùn nổi lên phong trào đòi ân xá, lòng ái quốc ngùn ngụt bốc trong đám sinh viên học sinh, những lời cổ võ của Đông kinh Nghĩa thục hồi 15 năm trước, nay không biết do ai mà bỗng khắc khoải bên tai:
Nghĩ lắm lúc thâm gan tím ruột
Vạch trời kia mà tuốt gưom ra
Cũng xương, cũng thịt, cũng da
Còn hòn máu đỏ con nhà Lạc Long
Cớ sao chịu trong vòng trói buộc
Bao nhiêu năm nhơ nhuốc lầm than...
Nhân tâm tuy bừng tỉnh về chính nghĩa dân tộc và tổ quốc song ít ai dám bộc lộ công khai, vì lực lượng Pháp đang mạnh, lại được hỗ trợ tận tình do nhân viên mật thám và phần lớn quan lại, nên đó đây chỉ có thể thành lập những nhóm gọi là "hội kín" mà thôi.
Ở Bắc Giang, một hội kín sớm qui tụ được khá nhiều thanh niên dưới sự dìu dắt của ông Xứ Nhu. Xứ Nhu là danh hiệu của ông Nguyễn Khắc Nhu ở làng Song Khê, đỗ đầu trong kỳ thi hạch của xứ Bắc Ninh do đó có tên "đầu xứ", năm 1912 xuống Nam Định thi hương, không đỗ, bực mình lén sang Quảng Châu theo các bạn trong nhóm Đông Du của cụ Nguyễn Hải Thần. Sau nhóm này bị đốc quân Lục Vinh Đình trục xuất vì không muốn gây chuyện với Pháp, thế là ông xứ lại quay về làng cũ, mở ra một lớp dạy trẻ để ngấm ngầm tuyển lựa đồng chí hòng mưu đồ khởi nghĩa. Đồng chí trước còn lơ thơ, nhưng sau vụ Phan Bội Châu, bỗng trở nên ồ ạt, trong đó cô Bắc và cô Giang là những phần tử hăng say mà ông xứ rất quý trọng.
* * *
Toàn quyền Varenne sang thả cụ Phan Bội Châu, vào cuối năm 1925, lòng dân đang hứng khởi vì thắng lợi này, thì sang 1926 xảy ra cái tang cụ Phan Chu Trinh: ba xứ Bắc Trung Nam tỉnh nào cũng rầm rộ làm lễ truy điệu, lòng yêu nước trở thành một cao trào, khiến Pháp phải bớt tay thống trị, cho tay sai phát hành tờ báo Đông Pháp, ngụ ý nước Nam trở thành hẳn một nước Pháp ở phương Đông. Nhưng làm sao thuyết phục được những người có tâm huyết như ông Nguyễn Thái Học?
Nguyễn Thái Học sinh năm 1901 tại làng Thổ Tang, tổng Lương Điền, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên, Bắc Việt. Buổi đầu học chữ nho, rồi sang trường tiểu học Việt Trì, sau xuống trường sư phạm Hà Nội. Lại bỏ đây, xin vào cao đẳng thương mại, sắp tốt nghiệp cũng lại bỏ luôn, vì chán ngán: thấy Varenne là người đảng Xã Hội, tưởng y có tư tưởng rộng rãi nên viết hai lá thư, một yêu cầu cho dân được tự do mở trường dạy công nông miễn phí, một nữa cũng cho dân mở thư xã ở các làng và các nơi công nghệ. Thì đều không được trả lời.
Ông tìm gặp mấy nho sĩ, giáo chức cùng sinh viên ở hiệu sách Nam Đồng, tọa lạc tại số 6, đường 96, gần hồ Trúc Bạch, Hà Nội. Nơi đây ngoài mặt xuất bản sách giáo khoa nhưng bên trong ngầm gieo mầm cách mạng. Rồi một ít sách bị cấm, thư xã hết vốn. Học thấy chữ nghĩa khó thành công, nên hô hào dùng sắt máu. Bèn liên kết những người cùng chí hướng, dựng ra Việt Nam Quốc Dân Đảng. Đảng chính thức khai sinh ở Nam Đồng thư xã, lấy chi bộ làm hạ tầng, rồi tỉnh bộ, kỳ bộ, và tổng bộ, phỏng theo phương thức của Quốc dân đảng Tàu. Học được bầu làm chủ tịch. Ý thức nhiệm vụ cao cả của mình, ông liền về ngay quê nhà, quỳ lạy cha mẹ, khẩn khoản xin tha cho tội bất hiếu, và cho phép ly khai gia đình, trả tự do cho vợ là Nguyễn Thị Cửu, để đem cống hiến hoàn toàn thân mình cho đảng.
Khi trở lại Hà Nội, ông được ngay Xứ Nhu tìm đến xin được kết nạp. Còn gì hoan hỉ hơn: ông xứ là người đứng tuổi, học thức, kinh nghiệm, lại sẵn cả mấy chục đồng chí nữa... Tổng bộ dành ngay cho chức vụ trưởng ban lập pháp. Ông xứ liền cử cô Bắc làm ủy viên tuyên truyền, cô Giang làm tổng thư ký. Mọi người hoan nghênh, mặc dầu đây là ngoại lệ: cương lĩnh đảng chưa dự liệu nhận đảng viên phụ nữ. Việc tuyên truyền, cô Bắc đã thành thạo, vì đã có nhiều kinh nghiệm khi ở Bắc Giang. Còn cô Giang thì công việc tế nhị và khó khăn hơn. Ngoài việc giấy tờ bề bộn, lại phải tự thân đi thông tin và truyền mệnh lệnh. Cô giỏi thay hình đổi dạng những khi phải qua mặt bọn mật thám, lại tài biến báo những lúc xảy khó khăn bất ngờ. Trong trường hợp gian nan nguy hiểm, cô thường biết an ủi cho đảng trưởng khỏi ngã lòng. Vì thế giữa hai người tự nhiên nảy ra mối tình tri kỷ.
Một hôm cùng đi công tác ở Phú Thọ, nhân đến gần đền Hùng Vương, không ai bảo ai mà sóng đôi trước bệ thờ Quốc Tổ, thành khẩn quỳ lễ và thề sống chết bên nhau. Lễ tạ xong, Học trao cho Giang khẩu súng lục vẫn thường dắt bên mình. Và khi về đến tổng bộ, đảng trưởng ngỏ lời xin toàn đảng cho phép cưới cô Giang làm người vợ cách mạng.
Từ đó hai người không mấy lúc rời nhau. Nhất là sau khi phần đông đồng chí bị hội đồng Đề Hình kết án nặng nề, và chính xứ Nhu cùng Học bị xử vắng mặt 20 năm khổ sai, mối tình đôi bạn càng thêm khắng khít, nhưng cũng hết sức giữ gìn cho lọt khỏi tầm nã của chính quyền.
Đến khi Học sửa soạn chỉ huy vụ đánh đồn Phả Lại, ông đem các tài liệu quan trọng giao lại cho vợ cùng dặn dò nhìêu về việc Đảng, thấy cô Giang tỏ vẻ băn khoăn thì ông nói:
_ Tôi phải nói rõ các chuyện vì biết đâu mai này...
Cô Giang mỉm cười:
_ Cuộc đời anh thế là sung sướng nhé!
_ Sung sướng nỗi gì?
_ Anh vì nước chỉ chết một lần thôi, còn như em đây phải chết những hai lần!
_ Là thế nào?
_ Còn thế nào nữa: Em cũng sẽ chết vì nước, mà lại còn chết vì anh nữa đấy...
_Chỉ nói dại thôi, nào ...
* * *
Thế rồi tin động trời báo tới: vụ Phả Lại thất bại, đảng truởng cùng mấy yếu nhân sa lưới. Cô Giang như điên như dại, khi khóc khi cười, lúc nghêu ngao hát. Các bạn phải khuyên giải cho khỏi lộ hình tích. Khi trở lại bình tĩnh, cô tự nhủ lòng: không sao! Tù 20 năm rồi cũng qua đi, hai đứa còn trẻ mà!
Cô họp cùng Lê Hữu Cảnh và Nguyễn Xuân Huân tìm cách thanh trừng những phần tử không xứng, cải tổ đường lối để củng cố cơ cấu của Đảng. Không ngờ ít lâu sau, Hội Đồng Đề Hình kết án đảng trưởng cùng 12 bạn vào tử hình chứ không phải chỉ khổ sai như hồi xử vắng mặt.
Nghe tin sét đánh, cô liền sửa soạn đáp tàu lên Yên Bái để chứng kiến tận mắt cuộc hành hình.
* * *
Chiều 17 tháng 6 năm 1930 nơi đầu làng Đồng Vệ, phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên (làng này ở giáp làng Thổ Tang là quê Thái Học) ánh mặt trời vàng sắp tàn, không một bóng người qua lại trên đường cái. Bỗng nghe một tiếng "đẹt", một người con gái khoảng ngoài hai mươi tuổi nằm sóng sượt bên hè, máu mê lêrth láng cả mặt mày. Thiếu nữ đó người đẫy đà, nét mặt rắn giỏi, mình mặc áo dài trắng, quần lụa thâm, đầu vấn khăn, nằm bên gốc đa cạnh quán nước, nơi vết thương trên thái dương bên trái máu vẫn rỉ ra không ngớt, gần phía tay thiếu nữ có một khẩu súng sáu. Khi nhà đương chức cho khám thi thể, thì ngoài các đồ lặt vặt có hai bức thư ngắn và một bài thơ. Bức thư thứ nhất:
Yên Bái, ngày 17-6-1930
Thưa thày mẹ,
Con chết là vì hoàn cảnh bó buộc, con không báo được thù cho nhà, rửa được nhục cho nước! Sau khi đã đem tấm lòng trinh bạch dâng cho chồng con ở đền Hùng, giờ con tìm về chỗ quê cha đất tổ, mượn phát súng này mà kết liễu đời con.
Đứa con dâu thất hiếu kính lạy.
Bức thư thứ hai:
Anh đã là người yêu nước, không làm trọn được nghĩa vụ cứu nước, anh giữ lấy linh hồn cao cả để về dưới suối vàng chiêu binh rèn súng đánh đuổi quân thù. Phải chịu đựng nhục nhã mới mong có ngày vẻ vang. Các bạn đồng chí còn sống lại sau Anh phải
phấn đấu thay Anh để đánh đổ cường quyền mà cứu đồng bào đau khổ.
Bài thơ tuyệt bút:
Thân không giúp ích cho đời,
Thù không trả được cho người tình chung.
Dẫu rằng đương độ trẻ trung
Quyết vì dân chúng thề lòng hy sinh.
Con đường tiến bộ mông mênh
Éo le hoàn cảnh buộc mình biết sao!
Bây giờ hết kiếp thơ đào
Gian nan bỏ mặc dồng bào từ đây.
Dẫu rằng chút phận thơ ngây,
Sổ đồng chí đã có ngày ghi tên.
Chết đi dạ những buồn phiền
Nhưng mà hoàn cảnh truân chuyên buộc mình.
Quốc kỳ phất phới trên thành
Tủi thân không được chết vinh dưới cờ.
Cực lòng lỡ bước sa cơ,
Chết sầu, chết thảm, có thừa xót xa.
Thế ru? Đời thế ru mà?
Đời mà ai biết, người mà ai hay...
Hai bức thư và bài thơ đủ chứng tỏ tâm trạng người viết. Đó là tâm trạng một người lúc nào cũng sốt sắng trả nợ nước thù chồng, nhưng vì thất vọng, đành lấy cái chết để giữ thủy chung. Thư và thơ được viết bằng bút chì xanh trên ba mảnh giấy học trò.
Lý dịch làng Đồng Vệ phi báo lên viên tri phủ Vĩnh Tường và viên này bẩm tỉnh ngay. Ngày hôm sau, các thám tử tây, nam ở Hà Nội, đứng đầu là Cẩm Riner cùng với Công Sứ Vĩnh Yên, và tri phủ Vĩnh Tường về tận nơi làm biên bản, dựng thi thể lên, buộc vào một tấm ván và chụp ảnh rất cẩn thận. Thi thể thiếu nữ bị lột ra để khám nghiệm, rồi để loã lồ hai ba hôm mới cho đem chôn.
Mấy hôm sau, các báo hằng ngày ở Hà Nội đăng tin, công chúng mới biết thiếu nữ ấy là cô Nguyễn Thị Giang, đã tự sát, sau khi Học cùng 12 bạn đồng chí bước lên đoạn đầu đài, ở bãi cỏ trước trại lính khố xanh Yên Bái. Cô Giang từ Hà Nội lên tận Yên Bái, sau khi chứng kiến cái chết oanh liệt của đảng trưởng và các bạn đồng chí, đã ra nghĩa địa để thăm mộ, rồi đi mua vải sô để tang chồng và đáp ngay chuyến xe lửa chiều về Hà Nội, gặp Lê Hữu Cảnh, dặn dò mọi việc, sau lên Vĩnh Yên, đến làng Đồng Vệ tuẫn tiết.
Có người nói khi về tới làng Đồng Vệ, cô đến cái quán dưới gốc đa hỏi chuyện bà lão bán nước mấy câu ngớ ngẩn: hỏi có biết ở Yên Bái sáng hôm đó xảy ra việc gì chăng, có biết Nguyễn Thái Học đã bị chết chém chăng? Hỏi xong cô lại tự đáp "Có lẽ đó chỉ là tin đồn nhảm chứ Nguyễn Thái Học còn sống, có bao giờ bị chết chém".
Đời sống của cô là đời một chiến sĩ cách mạng: đến cái chết cũng lại khác thường. Năm tự sát cô mới ngoài hai mươi tuổi, còn Thái Học thì 30. Đôi bạn tình đều yêu nước tha thiết, hy sinh vì nước, thề cùng sống chết và đã giữ vẹn lời nguyền.
Nghe tin Nguyễn Thái Học và cô Giang cùng chết một ngày, Phan Bội Châu cảm khái làm bài văn tế:
Than rằng:
Sóng nhân đạo ở hai mươi thế kỷ, bạn má hồng toan cướp gái làm trai - Gương nữ hùng trên một góc trời Nam, bọn da trắng phải ghê giòng giống Việt.
Trên quốc sử mực chàm giấy phấn, ong cả đoàn nhan nhản bầy nô, - Dưới Long Thành máu thắm cỏ xanh, gái đến thế rành rành chữ liệt.
Trăng thu mờ mịt, trông những buồn tênh! Người ngọc xa vời, nghĩ càng đau tuyệt.
Nhớ nữ liệt sĩ xưa:
Đất nhả tinh hoa - trời treo băng tuyết.
Vóc quần thoa nhưng chí khí tu mi - Thân khuê các mà can trường khí tiết.
Thuở bé nhờ ơn gia giáo, Hán học vừa thông – Tuổi xanh vào chốn học trường, Pháp văn cũng biết
Tang hải gặp khi xoay cuộc, ngó giang sơn luống những lòng đau - Trần ai tức lôí không người, thâý nô lệ giương đôi tròng ngút.
Xem sách Pháp từng đem óc nghĩ: Dan Đà, La Lan thuở nọ, chị em mình đã dễ ai hơn, - Giở sử nhà bỗng vỗ tay reo: Bà Trưng, Cô Triệu sau này, non nước ấy có đâu hồn chết.
Triều cách mạng đang dâng sùng sục, cát Vệ Tinh ngậm đầy trước miệng, mong thấy bể vùi, - Vai quốc dân nặng gánh trìu trìu, đá Oa Hùng dắp sẵn trong tay, nỡ xem trời khuyết.
Tức tội cường quyền - Thi gan sấm sét.
Khi nhập đảng tuổi vừa mười tám, cơ nữ binh đăng đội tiền phong; - Lúc tuyên truyền sách động ba quân, lưỡi biện sĩ trổ tài du thuyết.
Thổi gió phun mây từng mấy trận, nào Lâm Thao, nào Yên Bái, nữ tham mưu đưa đẩy đội hùng binh;
- Vaò sinh ra tử biết bao phen, kia thành huyện, kìa đồn binh, cờ nương tử xông pha hùm rắn rết.
Nguyễn Thái Học trổ tài kiện tướng, nhờ có cô mà lông cánh thêm dài - Phạm thị Hào nổi tiếng trung trinh, em có chị mà xứng danh nữ kiệt.
Khốn nỗi thay!
Vận nước còn truân - Tai trời chửa hết!
Trắc trở buồm xuôi gió ngược, tài anh thư gặp bước gian truân. - Ngại ngùng nước biếc non xanh, tay chức nữ uổng công thêu dệt.
Nhưng hãy còn:
Thiết thạch tâm can, - Châu toàn bách chiết.
Thời như thế, việc đành phải thế, đoạn đầu đài mừng được thấy anh lên. - Sống là còn thác vẫn là còn, súng kề cổ không nhường cho giặc giết.
Tiếng súng lúc vang lên một phát, núi đổ sông nhào! - Hồn anh thư hẹn phút trùng lai, thần gào quỷ thét
Ôi thương ôi!
Khóc nữa mà chi! - Nói không kể xiết!
Một nén hương lòng, - Mấy lời thống thiết!
Bạn nữ lưu ai nối gót theo chân? - Nghĩa đoàn thể, xin từ đây cố kết!
Hỡi ơi! thương thay!
* * *
Sau đó, cao hứng, cụ lại ngâm mấy vần thơ:
Cô Khóc Cậu
Thình lình một tiếng sét ngang lưng
Nuốt nghẹn tơ tình xiết nói năng
Mây mịt mờ xanh trời vẫn hắc
Giọt chan chứa đỏ, bể khôn bằng
Thân vàng đành cậu liều theo cát
Dạ tuyết thôi em gửi với trăng
May nữa duyên sau còn gặp gỡ
Suối vàng cười nụ, có ngày chăng?
Hồn Cậu Trả Lời
I
Gặp mình, mình lại thẹn cùng mình
Ai khiến em mà vội gặp anh?
Vẫn nghĩ có chung và có thủy
Thôi thề đồng tử chẳng đồng sinh
Trăm năm cuộc bụi dâu hay bể
Một tấm lòng son sắt với đinh
Gió dữ mưa cuồng thây kệ nó
Dắt nhau ta tới tận thiên đình
II
Dắt nhau ta tới tận thiên đình
Quyết dẹp cho yên sóng bất bình
Mặt nước, em còn hồng giọt máu
Nợ đời, anh chửa trắng tay tanh
Trăm năm thề với trời riêng đội
Bảy thước âu là mẹ chẳng sinh
Mình hỡi, mình đừng buồn bã quá
Hồn còn mạnh khỏe phách còn linh
Chị Khóc Em
(Thác lời cô Bắc khóc cô Giang)
I
Em ơi, em vậy, chị thì sao?
Ghê gớm, mà cùng tiếc biết bao!
Chung nợ cha sinh và mẹ dưỡng
Rẽ đường vực thẳm với bờ cao
Ngại ngùng gió yếu, mây trơ mực
Tức tối trời say máu úa đào
Hồn có thiêng liêng dùm tính nhỉ
Mẹ già em bé nghĩ dường nao?
II
Mẹ già em bé nghĩ dường nao?
Và nợ chồng con nặng biết bao!
Nổ đất thình lình tay vỗ kép
Nhuộm trời ghê gớm máu phun đào
Giữa trường tân khổ no cay dắng
Trước trận phong ba nổi gió trào
Chị có ngờ đâu em đặng thế
Biển ngần ấy rộng núi ngần cao!
* * *
Một chiến sĩ vô danh thời ấy đã có bài thơ ai điếu cô Giang:
Sống nhục sao bằng sự thác vinh?
Nước non cho vẹn chữ chung tình
Lưỡi dao xử tử chàng không ngại
Tiếng súng quyên sinh thiếp cũng dành.
Một tấm can tràng trời đất thảm
Ngàn thu tiết tháo quỷ thần kinh
Cuộc đời xá kể chi thành bại
Trai đã trung thì gái hẳn trinh!
Một thi nhân khác cũng có đôi lời ca ngợi:
Tình chồng, nợ đảng, gánh giang san!
Thác xuống tuyền đài hận chửa tan.
Xương trắng nêu cao gương hiêú nghĩa,
Máu hồng in thắm chữ trung can.
Ngàn năm tồ quốc ơn ghi mãi,
Một thác tình chung nghĩa trả toàn
Thành bại mặc ai người nghị luận,
Muôn ngàn năm để tiếng Cô Giang.
* * *
Và đây là một câu đối, viếng người liệt nữ :
Sống, có sống thừa, một thác tạ lòng người quốc sĩ
Chết, không chết uổng, ngàn thu mát mặt khách hồng nhan!
Lãng Nhân
http://datviet.free.fr/