Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Nguyễn Thị Giang
chieuduong
#1 Posted : Sunday, December 5, 2004 4:00:00 PM(UTC)
chieuduong

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 442
Points: 0

Thiếp theo chàng ( Tình Nghĩa cô Giang )

Thiếp theo chàng ở đây không có nghĩa …ngựa chàng đi trước mà võng nàng theo sau của một anh học trò ngày xưa vinh qui bái tổ ! Không có nghĩa hạnh phúc tuyệt vời của đôi lứa . chỉ là … trong bất cứ hoàn cảnh nào nàng cũng là chiếc bóng của chàng !

Từ đông qua tây , từ Âu sang Á , biết bao là những chuyện tình...

Ðâu là hình ảnh của James Dean của thập niên 50, thần tượng của giới trẻ Mỹ , cùng với Pier Angeli “ nàng tiên bé nhỏ của Dean …” cũng cuồng điên vì tình , đến nổi phải …bỏ mạng trong một phút nghe Angeli đi …lấy chồng , lái xe điên cuồng 200 miles một giờ …

Triết gia lừng danh của Pháp Jean Jacques Rouseau yêu thấm thiết nàng Thérèse Lavansseur không biết một chữ …hay Tử tước Horatio Nelson ( Anh - người hùng của biển cả ) mê người tình Emma Lady Hamilton …thập thành .

Phương Ðông với màn nhung cổ kính của đạo đức và luân lý …cũng không thoát khỏi chữ tình ! Phải nói là nhiều vô số kể …

Riêng về bộ Tình Sử là bộ sách ghi lại những chuyện tình nổi tiếng của Trung Hoa gồm tất cả 24 tập , 24 mối tình …đặc biệt lạ thường như Tình Duyên của Triệu Quang Nghĩa cùng Hàn Phùng Dị , Tình Hiiệp của Vương Tiên Khách với Trấn Vô Song , Tình Tư của Mạc Cử Nhân hay Tình Lụy của Bạch Lạc Thiên v.v…

Hay trong tình sử Việt Nam , như Trương Chi Mị Nương , Chiêu Lỳ Phạm Thái cùng Trương Quỳnh Như v.v..

Mỗi chuyện tình là những khúc mắc của biệt ly và đoàn tụ …là nụ cười bất chợt hay ngấn lệ phôi pha , trong sầu chung miên viễn .

Nhưng đối với tôi , không có một chuyện tình cao khiết nghĩa khí nào bằng chuyện tình của cô Giang và Nguyễn thái Học của thập niên 1930 ‘s…( Có lẽ , vì tôi là người Việt Nam …) . được kết thúc dưới tàng cây râm mát của cây đa già bên quán nước .

Mà trong tôi , những khi liên tưởng đến là sự kính trọng vô bờ đối với người nữ liệt sĩ anh hùng này ! Chữ tình thật là thắm thiết , chữ nghĩa thật là cao vời !


Trước khi Việt Nam Quốc Dân Ðảng được biết đến , thì Nguyễn Khắc Nhu đã thành lập trước đó một tổ chức cách mạng ở hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh , là tiền thân của VNQDÐ sau này , và trong số các đảng viên gia nhập tổ chức này có hai chị em Cô Bắc và Cô Giang . Sau này , VNQDÐ không thu nhận nữ đảng viên , nên hai chị em Cô Giang Cô Bắc là hai nữ đảng viên duy nhất của VNQDÐ. (Ðây là một điểm nói lên cô Giang với lý tưởng quốc gia nhiệt tình trước khi gặp Học …Chứ không phải là Tây Thi thương chàng Phạm Lãi trước khi đem thân sang Ngô …)

Cô Giang hay Nguyễn Thị Giang , Cô Bắc hay Nguyễn Thị Bắc sinh trưởng ngay thành phố Phủ Lạng Thưong của tỉnh Bắc giang .

Khi gia nhập VNQDÐ , Cô Giang được dịp gặp Nguyễn Thái Học trong công tác . Ðôi bên hiểu nhau , tâm đầu ý hợp , lý tưởng đồng minh , và nẩy lòng cảm mến yêu nhau .

Lạ gì thanh , khí nhẻ hằng ,
Một dây một buộc ai giằng cho ra .


Hai người yêu nhau được ít lâu , Thái Học đã xin phép đảng lấy Cô Giang làm vợ . Từ đó hai người ít khi rời nhau trong công tác . Một lần , nhân dịp đi ngang qua Phú Thọ , hai người đã cùng nhau thề nguyền trước đền Hùng Vương . Thề quyền xong , Cô Giang xin với chồng trao cho mình một khẩu súng , và cô đã nói :

“ Nếu chẳng may Học chết vì nước , Giang cũng xin lấy khí giới này chết theo chồng ! “

Sau này , công việc đảng thật nhiều bất lợi , các đảng viên lần lượt bị bắt và bị Hội Ðồng Ðề Hình của Pháp kết án . Nguyễn thái Học và Nguyễn Khắc Nhu bị xử khiếm diện 20 năm khổ sai . Kể từ đó , Nguyễn thái Học càng hoạt động nhiều hơn , mặc cho bọn Pháp tầm nã , và trong mọi bước đi , Học luôn luôn có cô Giang đi theo giúp đỡ . Cô vừa phụ trách giao liên , vừa góp ý kiến cho Học . Việc thành hay bại , cô bao giờ cũng tỏ ra khuyến khích và ủng hộ Học nhiệt tình …Cô hay dùng thuật hoá trang để liên lạc cùng các khu chi bộ , các đảng viên , phân phối lệnh thừa hành của VNQDÐ trong mọi tầng công tác .

Cuối cùng , cuộc khởi nghĩa Yên bái thất bại vào ngày 10 tháng 2 năm 1930 , các yếu nhân của VNQDÐ dần dần bị bắt kể cả Nguyễn thái Học cũng lọt vào tay Pháp . Dĩ nhiên, cô Giang rất ư là buồn khổ , tâm tình như điên dại , nhớ đến lời thề thệ hải cùng người yêu , cô hầu như là mất trí , chợt cười chợt khóc …

Há như ai hồn say bóng lẫn
Bỗng thơ thơ thẩn thẩn như không …


( Chinh Phụ Ngâm - Ðặng trần Côn & Ðoàn thị Ðiểm )


Não người thay cảnh tiên hương
Dạ thường quay quắt mắt thường ngóng trông …


( Ai Tư Vãn - Ngọc Hân công chúa )

Những đồng chí ở Hà nội chưa bị bắt , hết sức khuyên nhủ người nữ đồng chí tài hoa kính trọng này ,họ cố ngăn cản cô Giang với những hành động liều lĩnh quên mình , tìm mọi cách phá tù cứu 13 đồng chí bị biệt giam …Những toan tính thất bại , làm cô lấy lại sự điềm tỉnh , và lặng lẽ thêm . Vẫn cố vấn giúp đỡ Lê hữu Cảnh , Nguyễn Xuân Huân . hai đảng viên nồng cốt còn lại của VNQDÐ, để củng cố lại các hoạt động cuả các đảng viên trẻ mới , gầy dựng lại đảng bộ .

Và cho riêng bản thân cô , tự trong thâm tâm, cô đã có quyết định cho đời mình …

Chiều hôm 17 tháng 6 năm 1930, khi được tin Nguyễn thái Học và 12 đồng chí bị giải lên Yên Bái , cô Giang đã đáp xe lửa theo , mang trong người một khẩu súng và một qủa bom định hôm sau sẽ phá pháp trường , nhưng cô đã không tới gần được để thực thi ý định vì lính canh rất là nghiêm mật .

Trước giờ hành quyết , với một sức tự chủ phi thường , cô đã nở nụ cười cuối cùng đáp lại với người yêu , khi Nguyễn thái Học bước hiên ngang lên đoạn đầu đài cùng 12 đồng chí khác , đứng trong đám đông ngưòi , cô thật bình tỉnh không lộ một nét gì gọi là thương tâm hay đau xót , thản nhiên nhìn thân xác 13 đồng chí …mất đầu , mà trong đó có người cha của đứa con cô mang trong bụng được 3 tháng .

Việc nước đã hỏng , việc nhà đã nát , cô Giang cảm nhận đời sống thật là vô nghĩa , tự trách mình không chết dưới ngọn cờ dân tộc …sống thừa trong nổi khổ của dân tộc đọa đày , lẻ loi trong kiếp phận đoạn trường tăm tối .

Cô quay về làng Thổ Tang ở Vĩnh Yên , quê hương của Nguyễn thái Học , vào thăm lại cái quán giữa đồng hiu quạnh dưới tàng râm mát của cây đa , mà ngày nào cô đã cùng Học ngồi nghỉ mệt tránh cái nắng nghiêm hạ , bàn luận công việc chung của đảng , cùng nhau vẻ mơ ước ngày độc lập của đất nước Việt Nam cùng một mái nhà nho nhỏ của hai người yêu nhau …Trầm ngâm trước nét quen xưa , cây đa ngày nào rợp đôi bóng , giờ đây không còn bóng người cùng lý tưởng dấn thân …Cô mĩm cười trước dòng lệ chứa chan .

Những người chinh chiến bấy lâu
Nhẹ xem tính mệnh như màu cỏ cây .


Cô đã vẹn lời thề bằng khẩu súng của Thái Học trao cho , dưới gốc đa …trầm lặng !

Lúc chết , cô mặc tang phục , áo vải trắng và khăn trắng . Cô để tang chồng ! Trong người cô , ngoài các đồ lặt vặt , còn có hai bức thơ cô đã viết ở nhà trọ Yên Bái , ký tên là Nguyễn thái Học phu nhân . Một gởi cho cha mẹ Nguyễn Thái Học và một gởi cho người chồng đã chết , cùng với bài thơ tuyệt mạng .

Tin cô tự sát được báo về Vĩnh Yên Hà Nội , viên công sứ Vĩnh Yên và tri phủ Vĩnh Tường đến tại chỗ khám nghiệm và lập biên bản . Chúng đã dã man lột trần truồng cô ra và để vậy dưới mưa nắng trong hai ba hôm dưới tàng cây ôm ấp của cây đa …

Hồn tử sĩ gió ù ù thổi …
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi soi
Chinh phu tử sĩ mấy người
Nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn …



Ðây là bài thơ Tuyệt Bút của cô :

Thân không giúp ích cho đời
Thù không trả được cho người tình chung
Dẫu rằng đương độ trẻ trung
Quyết vì dân chúng thề lòng hy sinh
Con đường tiến bộ mônh mênh
Éo le hoàn cảnh buộc mình biết sao
Bây giờ hết kiếp thơ đào
Gian nan bỏ mặc đồng bào từ đây
Dẫu rằng chút phận thơ ngây
Sổ đồng chí đã có ngày ghi tên
Chết đi , dạ những buồn phiền
Nhưng mà hoàn cảnh truân chuyên buộc mình
Quốc kỳ phất phới trên thành
Tủi thân không được chết vinh dưới cờ

Cực lòng lỡ bước sa cơ
Chết sầu , chết thảm , có thừa xót xa
Thế ru ? Ðời thế ru mà ?
Ðời mà ai biết người mà ai hay


Ít lâu sau , cụ Phan bội Châu có làm một bài văn tế cho nữ liệt sĩ Nguyễn thị Giang , xin tóm tắt đôi dòng kính phục của cụ đối với cô Giang :

…..

Nhớ nử liệt xưa :

Ðất nhà tinh hoa
Trời treo băng tuyết
Vóc quần thoa như chí khí tu mi
Thân khuê các mà can trường khí tiết .

…..

Ôi thương ôi !
Khóc nữa mà chi
Nói không kể xiết
Một nén hương lòng
Mấy lời thống thiết
Bọn nữ lưu ai nối gót theo chân ?
Nghĩa đoàn thể xin từ đây cố kết
Hỡi ơi ! Thương thay ! [/]


Than ôi !
cây đa ngày đó có còn chăng …bến cũ năm xưa luống hẹn hò !

Tôi ước mong một lần trong đời , có dịp về Thổ Tang – Vĩnh Yên thấp cho cô một nén hương Kính Phục !

[i]Cô gái Việt Nam ơi !
Cô là tất cả trong tôi.



Tài Liệu Tham Khảo :


Hương Nước Hồn Quê - Toan Ánh
Những chuyện trọng nghĩa _ Toan Ánh
Ðiạ Lý Việt Nam - Nhiều Tác Giả
Thi Ca Bình Dân - Nguyễn Tấn Long và Phan Canh .
Tình và Danh Nhân - Xuân Tước
Chinh Phụ Ngâm - Ðặng trần Côn – Ðoàn thị Ðiểm
Ai Tư Vãn - Ngọc Hân Công Chúa

Chiêu Dương
Tonka
#2 Posted : Monday, December 6, 2004 8:42:50 AM(UTC)
Tonka

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,643
Points: 1,524

Thanks: 95 times
Was thanked: 201 time(s) in 189 post(s)
quote:
Gởi bởi chieuduong
, mà trong đó có người cha của đứa con cô mang trong bụng được 3 tháng .


Chiêu Dương



Vậy là cái bào thai cũng....Sad

Bài viết rất hay. Cám ơn anh CD Approve
chieuduong
#3 Posted : Tuesday, December 7, 2004 4:31:18 AM(UTC)
chieuduong

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 442
Points: 0


quote:

Vậy là cái bào thai cũng....


Mèn...chị làm cd cũng muốn... Black Eye

cd...tin rằng những người " quên mình " sẽ được ơn trên ( Chúa hay Phật ) phù hộ đó chị !

Cám ơn chị.


Tonka
#4 Posted : Tuesday, December 7, 2004 6:02:51 AM(UTC)
Tonka

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,643
Points: 1,524

Thanks: 95 times
Was thanked: 201 time(s) in 189 post(s)
quote:
Gởi bởi chieuduong

cd...tin rằng những người " quên mình " sẽ được ơn trên ( Chúa hay Phật ) phù hộ đó chị !




Nhất định như vậy Blush
Phượng Các
#5 Posted : Tuesday, December 7, 2004 7:19:47 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Bài này của anh soạn hả anh CD? Phải đưa vào mục Anh Thư Nước Việt mới được. Trong ấy đã có một topic chung cho ba vị anh thư cùng là đảng viên VNQDĐ - mà cô Giang là người nổi tiếng nhất há? Có điều tôi phân vân là có lẽ chúng ta nên gọi nguyên cả tên họ Nguyễn Thị Giang như thông lệ dành cho các vị trong lịch sử. Hồi xưa ở Saigon có đường Cô Giang, cô Bắc để tưởng nhớ công ơn của họ (không biết bây giờ tên này còn hay không?)
chieuduong
#6 Posted : Tuesday, December 7, 2004 8:26:14 AM(UTC)
chieuduong

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 442
Points: 0

quote:
Gởi bởi Phượng Các

Bài này của anh soạn hả anh CD? Phải đưa vào mục Anh Thư Nước Việt mới được. Trong ấy đã có một topic chung cho ba vị anh thư cùng là đảng viên VNQDĐ - mà cô Giang là người nổi tiếng nhất há? Có điều tôi phân vân là có lẽ chúng ta nên gọi nguyên cả tên họ Nguyễn Thị Giang như thông lệ dành cho các vị trong lịch sử. Hồi xưa ở Saigon có đường Cô Giang, cô Bắc để tưởng nhớ công ơn của họ (không biết bây giờ tên này còn hay không?)



Chị Phượng !

chỉ là cd...ghi lại tâm tình ngưỡng mộ người nữ anh hùng trong lịch sử cận đại mà thôi !
Chị có nghĩ rằng bài viết này có đầy đũ để mang vào Anh Thư Nước Việt hay không , cd nghĩ...không !

Tuỳ chị ...
Phượng Các
#7 Posted : Thursday, December 9, 2004 11:49:10 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
quote:
Gởi bởi chieuduong
hai chị em Cô Giang Cô Bắc là hai nữ đảng viên duy nhất của VNQDÐ.

Chiêu Dương



Anh ChieuDuong ơi,

Trong cuốn "Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân Từ Điển" ông Trịnh vân Thanh có ghi như sau:

Cô Tâm

Tức là Đỗ Thị Tâm, cũng là một nữ đảng viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng như hai cô Giang, cô Bắc. Sau khi cha cô là Đỗ Chân Thiết, một nhà cách mạng bị giết năm 1913, cô quyết tâm trả thù nhà đền nợ nước, liền gia nhập VNQDĐ. Cuộc khởi nghĩa Yên Báy bị thất bại, cơ sở của VNQDĐ ở phố Hàng Bột bị vây, cô cùng các bạn đồng chí dùng súng chống cự đến phút cuối cùng. Bị thực dân bắt tra tấn tàn nhẫn, cô liền dùng dải yếm nuốt để tắt hơi mà thác. Cô mất vào năm đúng 18 tuổi, và đã lưu lại cho đời sau một gương can đảm của bậc anh thư, và một tinh thần bất khuất.



Như vậy thì ngòai hai chị em cô Giang cô Bắc ra, VNQD Đ còn có một nữ đảng viên nữa là cô Đỗ Thị Tâm!


chieuduong
#8 Posted : Saturday, December 11, 2004 10:07:01 AM(UTC)
chieuduong

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 442
Points: 0

quote:
Gởi bởi Phượng Các

quote:
Gởi bởi chieuduong
hai chị em Cô Giang Cô Bắc là hai nữ đảng viên duy nhất của VNQDÐ.

Chiêu Dương



Anh ChieuDuong ơi,

Trong cuốn "Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân Từ Điển" ông Trịnh vân Thanh có ghi như sau:

Cô Tâm

Tức là Đỗ Thị Tâm, cũng là một nữ đảng viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng như hai cô Giang, cô Bắc. Sau khi cha cô là Đỗ Chân Thiết, một nhà cách mạng bị giết năm 1913, cô quyết tâm trả thù nhà đền nợ nước, liền gia nhập VNQDĐ. Cuộc khởi nghĩa Yên Báy bị thất bại, cơ sở của VNQDĐ ở phố Hàng Bột bị vây, cô cùng các bạn đồng chí dùng súng chống cự đến phút cuối cùng. Bị thực dân bắt tra tấn tàn nhẫn, cô liền dùng dải yếm nuốt để tắt hơi mà thác. Cô mất vào năm đúng 18 tuổi, và đã lưu lại cho đời sau một gương can đảm của bậc anh thư, và một tinh thần bất khuất.



Như vậy thì ngòai hai chị em cô Giang cô Bắc ra, VNQD Đ còn có một nữ đảng viên nữa là cô Đỗ Thị Tâm!






Chị Phượng !

Cám ơn chị đả gởi bài Cô Tâm vào góp ý ...

Cd cũng có đọc qua về giai thoại anh thư của cô Tâm và cd cũng rất là kính trọng vị anh thư này .

Riêng về vấn đề chỉ có cô Giang và cô Bắc là 2 nữ đảng viên duy nhất của VNQDÐ...thì cd xin góp ý kiến đôi phần :

Như cd đã trình bày ở trên thì VNQDÐ thành hình từ nhóm Nguyễn Khắc Nhu ( đã thành lập một đảng cách mạng trước đó ( là tiền thân VNQDÐ ) ở Bắc Ninh và Bắc Giang trong thập niên 27-30, lúc đó duy nhất chỉ có cô Giang và cô Bắc là phái nữ có mặt tham gia...Sau nhóm Nguyễn Thái Học gia nhập và VNQDÐ chính thức ra đời.

Sau vụ đoạn đầu đài ở Yên Bái 17/6/1930 và vụ dội bom làng Cổ Am thì VNQDÐ...rút vào trong bóng tối ( nghĩa là hoàn toàn im lặng để cũng cố lại nội bộ...) Một điều may mắn cho VNQDÐ là đã tạo một ấn tượng tốt cho giới sinh viên học sinh yêu nước thời bấy giờ một lòng sôi nổi náo nức căm thù chính phủ thuộc địa Pháp và cái hư vị của triều đình Huế...Người cầm đầu các anh chị sinh viên ( chỉ là cảm tình viên thôi ) là anh Hồ văn Mịch. Anh cũng bị Pháp bắt nhưng thả ra vì...ho lao. Anh Mịch tiếp tục hoạt động dù biết mình sắp chết.cùng các đồng chí đào thoát được mà thành hình thế hệ thứ 2 của VNQDÐ ( đa phần là trong giới sinh viên học sinh yêu nước )...

Thế hệ thứ hai này , tuy không bằng thế hệ trưởng tràng của Nguyễn Thái Học, vì quá trẻ tuổi nên VNQDÐ cũng không tạo được điều kiện thuận lợi như Tân Việt Ðảng , đảng Lao Ðộng ( cộng sản trá hình ) v.v...

Trường hợp cô Tâm...cd nghỉ cô nằm trong thế hệ thứ hai của VNQDÐ...
trong thập niên 40's.

Là vì :

CD nghỉ rằng cô Giang và cô Bắc là 2 nhân vật nữ anh thư đầu tiên và duy nhất của VNQDÐ , là 2 người Nữ tiền phong của VNQDÐ trong thập niên 30 's là chính xác , dựa trên các sử liệu và lời tường thuật của cố văn sĩ Nguyễn Vỹ trong cuốn Tuấn , chàng trai đất Việt ,,,( Nguyễn Vỹ...mới đầu chỉ có cảm tình , sau gia nhập chính thức từ... vụ đoạn đầu đài Yên Bái và Cổ Am. Sự kiện của cô Tâm không phải là nhỏ nhen gì , nếu không muốn nói là chấn động trong quần chúng và học sinh đương thời ,lẽ nào... mà Nguyễn Vỹ không tường thuật nếu cô Tâm...nằm trong thế hệ trưởng tràng của VNQDÐ...

Ðôi dòng góp ý cùng chị....

Thân
Phượng Các
#9 Posted : Wednesday, December 29, 2004 6:09:57 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Cô Giang

Em của cô Bắc và là hôn thê của Nguyễn Thái Học, đảng trưởng của Việt Nam Quốc Dân Đảng, cô cùng với chị họat động rất hăng hái và đắc lực cho VNQDĐ. Khi hay tin hôn phu là Nguyễn Thái Học bị bắt và bị xử ở đoạn đầu đài Yên Báy, cô Giang vô cùng tuyệt vọng, sau khi để lại một bức thư và một bài thơ tuyệt mệnh, liền dùng súng lục tự tử. Trong bức thư có những lời lẽ oai hùng và cương quyết như sau: "Anh đã là người yêu nước! Không làm tròn được nghĩa vụ cứu nước, anh giữ lấy tấm linh hồn cao cả để về mà chiêu binh, rèn lính ở dưới suối vàng. Phải chịu đựng nhục nhã mới có ngày mong được vẻ vang! Các bạn đồng chí phải sống lại sau anh để đánh đổ cường quyền mà cứu lấy đồng bào đau khổ. "

Trịnh Vân Thanh
Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân Từ Điển

Phượng Các
#10 Posted : Tuesday, May 16, 2006 12:42:45 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Nguyễn Thị Giang (1909 - 1930)

Nguyễn Thị Giang sinh năm kỷ Dậu (1909) tại thị xã Phủ Lạng Thương, thuộc tỉnh Bắc Giang, Bắc Việt. Nhà ba chị em gái, cha mẹ đặt tên theo tên tỉnh: chị là Bắc, rồi Giang, út là Tỉnh.

Trong khi Tỉnh còn măng sữa, cô Bắc và cô Giang đã lớn khôn, nhan sắc tuy không vẹn mười nhưng gọn gàng xinh xắn. Cô Bắc chín chắn, nói năng đanh thép, cô Giang có phần lanh lợi, tháo vát hơn, cả hai đều ngay thẳng và dạn dĩ.

Bấy giờ, khoảng những năm 1920-24, dân ta âm thầm sau chuyện Đề Thám Đội Cấn thất bại thì Pháp lại càng thêm kiêu căng trên thắng lợi trong thế chiến thứ nhất. Sang đến 1925, bỗng cụ Phan Bội Châu bị bắt ở bên Tàu, giải về Hà Nội, chắc khó tránh khỏi án tử hình. Thế là ùn ùn nổi lên phong trào đòi ân xá, lòng ái quốc ngùn ngụt bốc trong đám sinh viên học sinh, những lời cổ võ của Đông kinh Nghĩa thục hồi 15 năm trước, nay không biết do ai mà bỗng khắc khoải bên tai:

Nghĩ lắm lúc thâm gan tím ruột

Vạch trời kia mà tuốt gưom ra

Cũng xương, cũng thịt, cũng da

Còn hòn máu đỏ con nhà Lạc Long

Cớ sao chịu trong vòng trói buộc

Bao nhiêu năm nhơ nhuốc lầm than...

Nhân tâm tuy bừng tỉnh về chính nghĩa dân tộc và tổ quốc song ít ai dám bộc lộ công khai, vì lực lượng Pháp đang mạnh, lại được hỗ trợ tận tình do nhân viên mật thám và phần lớn quan lại, nên đó đây chỉ có thể thành lập những nhóm gọi là "hội kín" mà thôi.

Ở Bắc Giang, một hội kín sớm qui tụ được khá nhiều thanh niên dưới sự dìu dắt của ông Xứ Nhu. Xứ Nhu là danh hiệu của ông Nguyễn Khắc Nhu ở làng Song Khê, đỗ đầu trong kỳ thi hạch của xứ Bắc Ninh do đó có tên "đầu xứ", năm 1912 xuống Nam Định thi hương, không đỗ, bực mình lén sang Quảng Châu theo các bạn trong nhóm Đông Du của cụ Nguyễn Hải Thần. Sau nhóm này bị đốc quân Lục Vinh Đình trục xuất vì không muốn gây chuyện với Pháp, thế là ông xứ lại quay về làng cũ, mở ra một lớp dạy trẻ để ngấm ngầm tuyển lựa đồng chí hòng mưu đồ khởi nghĩa. Đồng chí trước còn lơ thơ, nhưng sau vụ Phan Bội Châu, bỗng trở nên ồ ạt, trong đó cô Bắc và cô Giang là những phần tử hăng say mà ông xứ rất quý trọng.

* * *

Toàn quyền Varenne sang thả cụ Phan Bội Châu, vào cuối năm 1925, lòng dân đang hứng khởi vì thắng lợi này, thì sang 1926 xảy ra cái tang cụ Phan Chu Trinh: ba xứ Bắc Trung Nam tỉnh nào cũng rầm rộ làm lễ truy điệu, lòng yêu nước trở thành một cao trào, khiến Pháp phải bớt tay thống trị, cho tay sai phát hành tờ báo Đông Pháp, ngụ ý nước Nam trở thành hẳn một nước Pháp ở phương Đông. Nhưng làm sao thuyết phục được những người có tâm huyết như ông Nguyễn Thái Học?

Nguyễn Thái Học sinh năm 1901 tại làng Thổ Tang, tổng Lương Điền, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên, Bắc Việt. Buổi đầu học chữ nho, rồi sang trường tiểu học Việt Trì, sau xuống trường sư phạm Hà Nội. Lại bỏ đây, xin vào cao đẳng thương mại, sắp tốt nghiệp cũng lại bỏ luôn, vì chán ngán: thấy Varenne là người đảng Xã Hội, tưởng y có tư tưởng rộng rãi nên viết hai lá thư, một yêu cầu cho dân được tự do mở trường dạy công nông miễn phí, một nữa cũng cho dân mở thư xã ở các làng và các nơi công nghệ. Thì đều không được trả lời.

Ông tìm gặp mấy nho sĩ, giáo chức cùng sinh viên ở hiệu sách Nam Đồng, tọa lạc tại số 6, đường 96, gần hồ Trúc Bạch, Hà Nội. Nơi đây ngoài mặt xuất bản sách giáo khoa nhưng bên trong ngầm gieo mầm cách mạng. Rồi một ít sách bị cấm, thư xã hết vốn. Học thấy chữ nghĩa khó thành công, nên hô hào dùng sắt máu. Bèn liên kết những người cùng chí hướng, dựng ra Việt Nam Quốc Dân Đảng. Đảng chính thức khai sinh ở Nam Đồng thư xã, lấy chi bộ làm hạ tầng, rồi tỉnh bộ, kỳ bộ, và tổng bộ, phỏng theo phương thức của Quốc dân đảng Tàu. Học được bầu làm chủ tịch. Ý thức nhiệm vụ cao cả của mình, ông liền về ngay quê nhà, quỳ lạy cha mẹ, khẩn khoản xin tha cho tội bất hiếu, và cho phép ly khai gia đình, trả tự do cho vợ là Nguyễn Thị Cửu, để đem cống hiến hoàn toàn thân mình cho đảng.

Khi trở lại Hà Nội, ông được ngay Xứ Nhu tìm đến xin được kết nạp. Còn gì hoan hỉ hơn: ông xứ là người đứng tuổi, học thức, kinh nghiệm, lại sẵn cả mấy chục đồng chí nữa... Tổng bộ dành ngay cho chức vụ trưởng ban lập pháp. Ông xứ liền cử cô Bắc làm ủy viên tuyên truyền, cô Giang làm tổng thư ký. Mọi người hoan nghênh, mặc dầu đây là ngoại lệ: cương lĩnh đảng chưa dự liệu nhận đảng viên phụ nữ. Việc tuyên truyền, cô Bắc đã thành thạo, vì đã có nhiều kinh nghiệm khi ở Bắc Giang. Còn cô Giang thì công việc tế nhị và khó khăn hơn. Ngoài việc giấy tờ bề bộn, lại phải tự thân đi thông tin và truyền mệnh lệnh. Cô giỏi thay hình đổi dạng những khi phải qua mặt bọn mật thám, lại tài biến báo những lúc xảy khó khăn bất ngờ. Trong trường hợp gian nan nguy hiểm, cô thường biết an ủi cho đảng trưởng khỏi ngã lòng. Vì thế giữa hai người tự nhiên nảy ra mối tình tri kỷ.

Một hôm cùng đi công tác ở Phú Thọ, nhân đến gần đền Hùng Vương, không ai bảo ai mà sóng đôi trước bệ thờ Quốc Tổ, thành khẩn quỳ lễ và thề sống chết bên nhau. Lễ tạ xong, Học trao cho Giang khẩu súng lục vẫn thường dắt bên mình. Và khi về đến tổng bộ, đảng trưởng ngỏ lời xin toàn đảng cho phép cưới cô Giang làm người vợ cách mạng.

Từ đó hai người không mấy lúc rời nhau. Nhất là sau khi phần đông đồng chí bị hội đồng Đề Hình kết án nặng nề, và chính xứ Nhu cùng Học bị xử vắng mặt 20 năm khổ sai, mối tình đôi bạn càng thêm khắng khít, nhưng cũng hết sức giữ gìn cho lọt khỏi tầm nã của chính quyền.

Đến khi Học sửa soạn chỉ huy vụ đánh đồn Phả Lại, ông đem các tài liệu quan trọng giao lại cho vợ cùng dặn dò nhìêu về việc Đảng, thấy cô Giang tỏ vẻ băn khoăn thì ông nói:

_ Tôi phải nói rõ các chuyện vì biết đâu mai này...

Cô Giang mỉm cười:

_ Cuộc đời anh thế là sung sướng nhé!

_ Sung sướng nỗi gì?

_ Anh vì nước chỉ chết một lần thôi, còn như em đây phải chết những hai lần!

_ Là thế nào?

_ Còn thế nào nữa: Em cũng sẽ chết vì nước, mà lại còn chết vì anh nữa đấy...

_Chỉ nói dại thôi, nào ...

* * *

Thế rồi tin động trời báo tới: vụ Phả Lại thất bại, đảng truởng cùng mấy yếu nhân sa lưới. Cô Giang như điên như dại, khi khóc khi cười, lúc nghêu ngao hát. Các bạn phải khuyên giải cho khỏi lộ hình tích. Khi trở lại bình tĩnh, cô tự nhủ lòng: không sao! Tù 20 năm rồi cũng qua đi, hai đứa còn trẻ mà!

Cô họp cùng Lê Hữu Cảnh và Nguyễn Xuân Huân tìm cách thanh trừng những phần tử không xứng, cải tổ đường lối để củng cố cơ cấu của Đảng. Không ngờ ít lâu sau, Hội Đồng Đề Hình kết án đảng trưởng cùng 12 bạn vào tử hình chứ không phải chỉ khổ sai như hồi xử vắng mặt.

Nghe tin sét đánh, cô liền sửa soạn đáp tàu lên Yên Bái để chứng kiến tận mắt cuộc hành hình.

* * *

Chiều 17 tháng 6 năm 1930 nơi đầu làng Đồng Vệ, phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên (làng này ở giáp làng Thổ Tang là quê Thái Học) ánh mặt trời vàng sắp tàn, không một bóng người qua lại trên đường cái. Bỗng nghe một tiếng "đẹt", một người con gái khoảng ngoài hai mươi tuổi nằm sóng sượt bên hè, máu mê lêrth láng cả mặt mày. Thiếu nữ đó người đẫy đà, nét mặt rắn giỏi, mình mặc áo dài trắng, quần lụa thâm, đầu vấn khăn, nằm bên gốc đa cạnh quán nước, nơi vết thương trên thái dương bên trái máu vẫn rỉ ra không ngớt, gần phía tay thiếu nữ có một khẩu súng sáu. Khi nhà đương chức cho khám thi thể, thì ngoài các đồ lặt vặt có hai bức thư ngắn và một bài thơ. Bức thư thứ nhất:

Yên Bái, ngày 17-6-1930

Thưa thày mẹ,

Con chết là vì hoàn cảnh bó buộc, con không báo được thù cho nhà, rửa được nhục cho nước! Sau khi đã đem tấm lòng trinh bạch dâng cho chồng con ở đền Hùng, giờ con tìm về chỗ quê cha đất tổ, mượn phát súng này mà kết liễu đời con.

Đứa con dâu thất hiếu kính lạy.

Bức thư thứ hai:

Anh đã là người yêu nước, không làm trọn được nghĩa vụ cứu nước, anh giữ lấy linh hồn cao cả để về dưới suối vàng chiêu binh rèn súng đánh đuổi quân thù. Phải chịu đựng nhục nhã mới mong có ngày vẻ vang. Các bạn đồng chí còn sống lại sau Anh phải

phấn đấu thay Anh để đánh đổ cường quyền mà cứu đồng bào đau khổ.

Bài thơ tuyệt bút:

Thân không giúp ích cho đời,

Thù không trả được cho người tình chung.

Dẫu rằng đương độ trẻ trung

Quyết vì dân chúng thề lòng hy sinh.

Con đường tiến bộ mông mênh

Éo le hoàn cảnh buộc mình biết sao!

Bây giờ hết kiếp thơ đào

Gian nan bỏ mặc dồng bào từ đây.

Dẫu rằng chút phận thơ ngây,

Sổ đồng chí đã có ngày ghi tên.

Chết đi dạ những buồn phiền

Nhưng mà hoàn cảnh truân chuyên buộc mình.

Quốc kỳ phất phới trên thành

Tủi thân không được chết vinh dưới cờ.

Cực lòng lỡ bước sa cơ,

Chết sầu, chết thảm, có thừa xót xa.

Thế ru? Đời thế ru mà?

Đời mà ai biết, người mà ai hay...

Hai bức thư và bài thơ đủ chứng tỏ tâm trạng người viết. Đó là tâm trạng một người lúc nào cũng sốt sắng trả nợ nước thù chồng, nhưng vì thất vọng, đành lấy cái chết để giữ thủy chung. Thư và thơ được viết bằng bút chì xanh trên ba mảnh giấy học trò.

Lý dịch làng Đồng Vệ phi báo lên viên tri phủ Vĩnh Tường và viên này bẩm tỉnh ngay. Ngày hôm sau, các thám tử tây, nam ở Hà Nội, đứng đầu là Cẩm Riner cùng với Công Sứ Vĩnh Yên, và tri phủ Vĩnh Tường về tận nơi làm biên bản, dựng thi thể lên, buộc vào một tấm ván và chụp ảnh rất cẩn thận. Thi thể thiếu nữ bị lột ra để khám nghiệm, rồi để loã lồ hai ba hôm mới cho đem chôn.

Mấy hôm sau, các báo hằng ngày ở Hà Nội đăng tin, công chúng mới biết thiếu nữ ấy là cô Nguyễn Thị Giang, đã tự sát, sau khi Học cùng 12 bạn đồng chí bước lên đoạn đầu đài, ở bãi cỏ trước trại lính khố xanh Yên Bái. Cô Giang từ Hà Nội lên tận Yên Bái, sau khi chứng kiến cái chết oanh liệt của đảng trưởng và các bạn đồng chí, đã ra nghĩa địa để thăm mộ, rồi đi mua vải sô để tang chồng và đáp ngay chuyến xe lửa chiều về Hà Nội, gặp Lê Hữu Cảnh, dặn dò mọi việc, sau lên Vĩnh Yên, đến làng Đồng Vệ tuẫn tiết.

Có người nói khi về tới làng Đồng Vệ, cô đến cái quán dưới gốc đa hỏi chuyện bà lão bán nước mấy câu ngớ ngẩn: hỏi có biết ở Yên Bái sáng hôm đó xảy ra việc gì chăng, có biết Nguyễn Thái Học đã bị chết chém chăng? Hỏi xong cô lại tự đáp "Có lẽ đó chỉ là tin đồn nhảm chứ Nguyễn Thái Học còn sống, có bao giờ bị chết chém".

Đời sống của cô là đời một chiến sĩ cách mạng: đến cái chết cũng lại khác thường. Năm tự sát cô mới ngoài hai mươi tuổi, còn Thái Học thì 30. Đôi bạn tình đều yêu nước tha thiết, hy sinh vì nước, thề cùng sống chết và đã giữ vẹn lời nguyền.

Nghe tin Nguyễn Thái Học và cô Giang cùng chết một ngày, Phan Bội Châu cảm khái làm bài văn tế:

Than rằng:

Sóng nhân đạo ở hai mươi thế kỷ, bạn má hồng toan cướp gái làm trai - Gương nữ hùng trên một góc trời Nam, bọn da trắng phải ghê giòng giống Việt.

Trên quốc sử mực chàm giấy phấn, ong cả đoàn nhan nhản bầy nô, - Dưới Long Thành máu thắm cỏ xanh, gái đến thế rành rành chữ liệt.

Trăng thu mờ mịt, trông những buồn tênh! Người ngọc xa vời, nghĩ càng đau tuyệt.

Nhớ nữ liệt sĩ xưa:

Đất nhả tinh hoa - trời treo băng tuyết.

Vóc quần thoa nhưng chí khí tu mi - Thân khuê các mà can trường khí tiết.

Thuở bé nhờ ơn gia giáo, Hán học vừa thông – Tuổi xanh vào chốn học trường, Pháp văn cũng biết

Tang hải gặp khi xoay cuộc, ngó giang sơn luống những lòng đau - Trần ai tức lôí không người, thâý nô lệ giương đôi tròng ngút.

Xem sách Pháp từng đem óc nghĩ: Dan Đà, La Lan thuở nọ, chị em mình đã dễ ai hơn, - Giở sử nhà bỗng vỗ tay reo: Bà Trưng, Cô Triệu sau này, non nước ấy có đâu hồn chết.

Triều cách mạng đang dâng sùng sục, cát Vệ Tinh ngậm đầy trước miệng, mong thấy bể vùi, - Vai quốc dân nặng gánh trìu trìu, đá Oa Hùng dắp sẵn trong tay, nỡ xem trời khuyết.

Tức tội cường quyền - Thi gan sấm sét.

Khi nhập đảng tuổi vừa mười tám, cơ nữ binh đăng đội tiền phong; - Lúc tuyên truyền sách động ba quân, lưỡi biện sĩ trổ tài du thuyết.

Thổi gió phun mây từng mấy trận, nào Lâm Thao, nào Yên Bái, nữ tham mưu đưa đẩy đội hùng binh;

- Vaò sinh ra tử biết bao phen, kia thành huyện, kìa đồn binh, cờ nương tử xông pha hùm rắn rết.

Nguyễn Thái Học trổ tài kiện tướng, nhờ có cô mà lông cánh thêm dài - Phạm thị Hào nổi tiếng trung trinh, em có chị mà xứng danh nữ kiệt.

Khốn nỗi thay!

Vận nước còn truân - Tai trời chửa hết!

Trắc trở buồm xuôi gió ngược, tài anh thư gặp bước gian truân. - Ngại ngùng nước biếc non xanh, tay chức nữ uổng công thêu dệt.

Nhưng hãy còn:

Thiết thạch tâm can, - Châu toàn bách chiết.

Thời như thế, việc đành phải thế, đoạn đầu đài mừng được thấy anh lên. - Sống là còn thác vẫn là còn, súng kề cổ không nhường cho giặc giết.

Tiếng súng lúc vang lên một phát, núi đổ sông nhào! - Hồn anh thư hẹn phút trùng lai, thần gào quỷ thét

Ôi thương ôi!

Khóc nữa mà chi! - Nói không kể xiết!

Một nén hương lòng, - Mấy lời thống thiết!

Bạn nữ lưu ai nối gót theo chân? - Nghĩa đoàn thể, xin từ đây cố kết!

Hỡi ơi! thương thay!

* * *

Sau đó, cao hứng, cụ lại ngâm mấy vần thơ:

Cô Khóc Cậu

Thình lình một tiếng sét ngang lưng

Nuốt nghẹn tơ tình xiết nói năng

Mây mịt mờ xanh trời vẫn hắc

Giọt chan chứa đỏ, bể khôn bằng

Thân vàng đành cậu liều theo cát

Dạ tuyết thôi em gửi với trăng

May nữa duyên sau còn gặp gỡ

Suối vàng cười nụ, có ngày chăng?

Hồn Cậu Trả Lời

I

Gặp mình, mình lại thẹn cùng mình

Ai khiến em mà vội gặp anh?

Vẫn nghĩ có chung và có thủy

Thôi thề đồng tử chẳng đồng sinh

Trăm năm cuộc bụi dâu hay bể

Một tấm lòng son sắt với đinh

Gió dữ mưa cuồng thây kệ nó

Dắt nhau ta tới tận thiên đình

II

Dắt nhau ta tới tận thiên đình

Quyết dẹp cho yên sóng bất bình

Mặt nước, em còn hồng giọt máu

Nợ đời, anh chửa trắng tay tanh

Trăm năm thề với trời riêng đội

Bảy thước âu là mẹ chẳng sinh

Mình hỡi, mình đừng buồn bã quá

Hồn còn mạnh khỏe phách còn linh

Chị Khóc Em

(Thác lời cô Bắc khóc cô Giang)

I

Em ơi, em vậy, chị thì sao?

Ghê gớm, mà cùng tiếc biết bao!

Chung nợ cha sinh và mẹ dưỡng

Rẽ đường vực thẳm với bờ cao

Ngại ngùng gió yếu, mây trơ mực

Tức tối trời say máu úa đào

Hồn có thiêng liêng dùm tính nhỉ

Mẹ già em bé nghĩ dường nao?

II

Mẹ già em bé nghĩ dường nao?

Và nợ chồng con nặng biết bao!

Nổ đất thình lình tay vỗ kép

Nhuộm trời ghê gớm máu phun đào

Giữa trường tân khổ no cay dắng

Trước trận phong ba nổi gió trào

Chị có ngờ đâu em đặng thế

Biển ngần ấy rộng núi ngần cao!

* * *

Một chiến sĩ vô danh thời ấy đã có bài thơ ai điếu cô Giang:

Sống nhục sao bằng sự thác vinh?

Nước non cho vẹn chữ chung tình

Lưỡi dao xử tử chàng không ngại

Tiếng súng quyên sinh thiếp cũng dành.

Một tấm can tràng trời đất thảm

Ngàn thu tiết tháo quỷ thần kinh

Cuộc đời xá kể chi thành bại

Trai đã trung thì gái hẳn trinh!

Một thi nhân khác cũng có đôi lời ca ngợi:

Tình chồng, nợ đảng, gánh giang san!

Thác xuống tuyền đài hận chửa tan.

Xương trắng nêu cao gương hiêú nghĩa,

Máu hồng in thắm chữ trung can.

Ngàn năm tồ quốc ơn ghi mãi,

Một thác tình chung nghĩa trả toàn

Thành bại mặc ai người nghị luận,

Muôn ngàn năm để tiếng Cô Giang.

* * *

Và đây là một câu đối, viếng người liệt nữ :

Sống, có sống thừa, một thác tạ lòng người quốc sĩ

Chết, không chết uổng, ngàn thu mát mặt khách hồng nhan!

Lãng Nhân
http://datviet.free.fr/
viethoaiphuong
#11 Posted : Tuesday, March 9, 2010 6:46:14 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
NGUYỄN THỊ GIANG


Nguyễn thị Giang

Nguyễn Thị Giang (1906–1930), tức Cô Giang, là một nhà cách mạng người Việt chống thực dân Pháp và là hôn thê của Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Việt Nam Quốc Dân Đảng tại Việt Nam.

Tiểu sử

Nguyễn Thị Giang, sinh năm 1906[1]tại thị xã Phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang. Bà là con của ông Nguyễn văn Cao (?- 1925) và bà Nguyễn Thị Lưu (?- 1936) và là em ruột Nguyễn Thị Bắc, tức Cô Bắc.

Bà là con thứ hai trong một gia đình gồm bảy người con cả trai và gái, vốn quê ở môt làng dệt thuộc tỉnh Hà Đông, vì thân phụ tham gia phong trào văn thân nên phải dời lên buôn bán tại số 2 phố Thọ Xương, thị xã Phủ Lạng Thương (nay là thị xã Bắc Giang, tỉnh Hà Bắc).

Gia nhập đội ngũ kháng Pháp

Sau khi học xong lớp nhất, Cô Giang cùng chị là Cô Bắc được nhà yêu nước Nguyễn Khắc Nhu (tức Xứ Nhu) dìu dắt rồi kết nạp vào tổ chức Việt Nam Dân Quốc[2]

Ngày 25 tháng 12 năm 1927, nhóm trí thức trẻ trong Nam Đồng thư xã đứng ra thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng. Sau đó, đảng này sáp nhập với Việt Nam Dân Quốc vì họ có cùng mục tiêu là “đánh đuổi người Pháp ra khỏi nước Nam, giành nước Nam lại cho người Nam”.

Nhờ việc sáp nhập này, Chủ tịch Việt Nam Quốc Dân Đảng là Nguyễn Thái Học có dịp làm quen với Cô Giang. Hợp lòng nhau, vào một buổi chiều từ Phú Thọ về xuôi, hai người ghé vào Đền Hùng, sau khi hội đàm với các đồng chí của mình, cả hai vào đền thờ Tổ để cùng thề hẹn... Theo một Ủy viên trong Việt Nam Quốc Dân Đảng là nhà văn Nhượng Tống, thì trong buổi ấy, Cô Giang đã cố xin Nguyễn Thái Học giao cho một khẩu súng lục, và hứa rằng “nếu Học chẳng may chết vì nước, thì Giang cũng xin lấy khí giới này mà chết theo chồng!”[3] Đứng trong hàng ngũ Việt Nam Quốc Dân Đảng, Cô Giang được cử giữ chức Tổng thư ký của đảng. Sau, cô cùng chị là Cô Bắc được cử phụ trách việc truyên truyền, làm binh vận và liên lạc giữa các cơ sở đảng ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Yên, Yên Bái... Và bất cứ ở nơi đâu, hai chị em cô đều hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc.

Vào trung tuần tháng 5 năm 1929, Nguyễn Thái Học triệu tập đại hội đảng toàn quốc tại làng Đức Hiệp, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, quyết định chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Công việc chuẩn bị chưa hoàn tất, thì cuối năm 1929 tại Bắc Giang một cơ sở chế bom bị tai nạn phát nổ, và đầu năm 1930 người Pháp bắt giữ được nhiều đảng viên và khám phá được rất nhiều cơ sở chế tạo vũ khí. Trước tình hình bất lợi, Nguyễn Thái Học cho triệu tập hội nghị khẩn cấp, quyết định tiến hành khởi nghĩa tại các nhiều nơi vào đêm mồng 10, rạng ngày 11 tháng 2 năm 1930.

Được phân công, chị em Cô Giang phụ trách chi bộ khu nữ vận chuyển vũ khí từ Phú Thọ lên Yên Bái bằng xe lửa. Họ giả làm người buôn bán gạo, cám, hoa quả... với những gồng gánh cồng kềnh nhưng phía dưới là mã tấu, lựu đạn và súng ống...

Khởi nghĩa thất bại

Cuộc khởi nghĩa đã nổ ra nhiều nơi (khi ấy Cô Giang được phân công chỉ huy mặt trận tỉnh Bắc Ninh), nhưng nhanh chóng bị thất bại. Bởi Thống sứ Robin đã cho lính đi trấn áp quyết liệt, sai cả máy bay trút bom dữ dội xuống làng Cổ Am (Hải Phòng) và nhiều làng mạc khác.
Lãnh tụ Nguyễn Thái Học cùng nhiều đồng chí nồng cốt (trong số đó có cả Cô Bắc) đều bị đối phương bắt được. Nghe tin vị hôn phu của mình bị bắt (ngày 20 tháng 2 năm 1930, Nguyễn Thái Học bị bắt tại ấp Cổ Vịt [Chí Linh, Hải Dương]).Cô Giang đã nghĩ đến kế hoạch táo bạo là tấn công nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) để giải thoát cho Nguyễn Thái Học và các đồng chí khác.

Kế hoạch chưa kịp thực hiện, thì ngày 16 tháng 6 năm 1930, Cô Giang nghe tin nhà cầm quyền Pháp đã đưa Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí từ Hà Nội lên Yên Bái, để xử chém vào ngày hôm sau (17 tháng 6).
Tức thì, Cô Giang cải trang, giáu khẩu súng lục trong người rồi đi tàu hỏa lên đó. Xem xử xong, cô lặng lẽ trở về phòng trọ viết hai bức thư tuyệt mệnh trên trang giấy khổ nhỏ, bằng bút chì xanh. Lá thư thứ nhất cô gửi cho cha mẹ anh Nguyễn Thái Học, còn lá thứ hai cô gửi cho người chồng nơi chín suối. Viết xong thư, Cô Giang ra chợ mua mấy vuông vải trắng, thắt ngang đầu để tang chồng, rồi đáp tàu hỏa về Vĩnh Yên, quê Nguyễn Thái Học, ngay buổi chiều tối hôm đó.

Tự sát

Tờ mờ sáng ngày 18 tháng 6 năm 1930, cô về làng Thổ Tang, tổng Lương Điền, phủ Vĩnh Tường (nay thuộc Vĩnh Phúc) để lạy tạ cha mẹ chồng (ông Nguyễn văn Hách và bà Nguyễn Thị Quỳnh), tháo chiếc đồng hồ có khắc chữ "G" tặng cho Nguyễn Văn Lâm, em trai Nguyễn Thái Học và từ giã mọi người.

Trên đường đi cô ghé quán trà bên gốc cây đề, thuộc Xóm Mới, xã Đông Vệ giáp quốc lộ số 2, cách làng Thổ Tang ước chừng một cây số. Sau khi uống bát nước trà xanh, từ biệt bà chủ quán, cô đến đứng dưới gốc cây đề, mắt nhìn về hướng làng Thổ Tang và tự kết liễu đời mình bằng khẩu súng lục mà Nguyễn Thái Học tặng cô ở đền vua Hùng ngày nào.
Hôm ấy là ngày 18 tháng 6 năm 1930, nhằm ngày 22 tháng 5 năm Canh Ngọ. Nghe tin Cô Giang tự sát, quân Pháp lập tức có mặt để nhận dạng. Biết đúng là cô, họ liền ra lệnh chôn, rồi đặt điếm canh để không ai được đến thắp hương. Tuy nhiên, theo Lê Minh Quốc, thì “trên mồ của người nữ cách mạng này bao giờ cũng có những bông hoa đỏ thắm”.[4]

Hai bức thư của Cô Giang trước khi tuẫn tiết

Bức Thứ Nhất:

“Ngày 17 tháng 6 năm 1930

Thưa Thầy, Mẹ,
Con chết là vì hoàn cảnh bó buộc con; không báo được thù nhà, rửa được nhục cho nước! Sau khi đã đem tấm lòng trinh bạch dâng cho chồng con ở Đền Hùng. Giờ con tìm về chỗ quê cha, đất tổ, mượn phát súng này mà kết liễu đời con!
Đứa con dâu bất hiếu kính lạy. ”

Bức Thứ Hai:

“ Anh đã là người yêu nước! Không làm tròn được nghĩa vụ cứu quốc, Anh giữ lấy tấm linh hồn cao cả để về chiêu binh, rèn lính ở dưới suối vàng! Phải chịu đựng nhục nhã mới có ngày mong được vẻ vang! Các bạn đồng chí phải sống lại sau Anh, để đánh đổ cường quyền, mà cứu lấy đồng bào đau khổ!

Thân không giúp ích cho đời!
Thù không trả được cho người tình chung!
Dẫu rằng đương độ trẻ trung,
Quyết vì dân chúng thề lòng hy sinh.
Con đường tiến bộ mông mênh,
Éo le hoàn cảnh buộc mình biết sao!
Bây giờ hết kiếp thơ đào,
Gian nan bỏ mặc đồng bào từ đây!
Dẫu rằng chút phận thơ ngây,
Sổ đồng chí đã có ngày ghi tên;
Chết đi dạ những buồn phiền,
Nhưng mà hoàn cảnh truân chuyên buộc mình!
Đảng kỳ phất phới trên thành,
Tủi thân không được chết vinh dưới cờ.
Cực lòng nhỡ bước sa cơ,
Chết sầu chết thảm có thừa sót xa!
Thế ru! Đời thế ru mà?
Đời mà ai biết? Người mà ai hay?”

Thơ ca viết về Cô Giang

Văn tế
Khi nghe tin Cô Giang tuẫn tiết nhà cách mạng Phan Bội Châu cảm khái làm bài văn tế Nguyễn Thái Học và Cô Giang:

Than rằng:

Sóng nhân đạo ở hai mươi thế kỷ, bạn má hồng toan cướp gái làm trai – Gương nữ hùng trên một góc trời Nam, bọn da trắng phải ghê giòng giống Việt.
Trên quốc sử mực chàm giấy phấn, ong cả đoàn nhan nhản bầy nô, – Dưới Long Thành máu thắm cỏ xanh, gái đến thế rành rành chữ liệt.
Trăng thu mờ mịt, trông những buồn tênh! Người ngọc xa vời, nghĩ càng đau tuyệt.

Nhớ nữ liệt sĩ xưa:

Đất nhả tinh hoa – trời treo băng tuyết.
Vóc quần thoa nhưng chí khí tu mi – Thân khuê các mà can trường khí tiết.
Thuở bé nhờ ơn gia giáo, Hán học vừa thông – Tuổi xanh vào chốn học trường, Pháp văn cũng biết
Tang hải gặp khi xoay cuộc, ngó giang sơn luống những lòng đau – Trần ai tức lôí không người, thâý nô lệ giương đôi tròng ngút.
Xem sách Pháp từng đem óc nghĩ: Dan Đà, La Lan thuở nọ, chị em mình đã dễ ai hơn, – Giở sử nhà bỗng vỗ tay reo: Bà Trưng, Cô Triệu sau này, non nước ấy có đâu hồn chết.
Triều cách mạng đang dâng sùng sục, cát Vệ Tinh ngậm đầy trước miệng, mong thấy bể vùi, – Vai quốc dân nặng gánh trìu trìu, đá Oa Hùng dắp sẵn trong tay, nỡ xem trời khuyết.
Tức tội cường quyền – Thi gan sấm sét.
Khi nhập đảng tuổi vừa mười tám, cơ nữ binh đăng đội tiền phong; – Lúc tuyên truyền sách động ba quân, lưỡi biện sĩ trổ tài du thuyết.
Thổi gió phun mây từng mấy trận, nào Lâm Thao, nào Yên Bái, nữ tham mưu đưa đẩy đội hùng binh; – Vaò sinh ra tử biết bao phen, kia thành huyện, kìa đồn binh, cờ nương tử xông pha hùm rắn rết.
Nguyễn Thái Học trổ tài kiện tướng, nhờ có cô mà lông cánh thêm dài – Phạm thị Hào nổi tiếng trung trinh, em có chị mà xứng danh nữ kiệt.
Khốn nỗi thay!
Vận nước còn truân – Tai trời chửa hết!
Trắc trở buồm xuôi gió ngược, tài anh thư gặp bước gian truân. – Ngại ngùng nước biếc non xanh, tay chức nữ uổng công thêu dệt.

Nhưng hãy còn:

Thiết thạch tâm can, – Châu toàn bách chiết.
Thời như thế, việc đành phải thế, đoạn đầu đài mừng được thấy anh lên. – Sống là còn thác vẫn là còn, súng kề cổ không nhường cho giặc giết.
Tiếng súng lúc vang lên một phát, núi đổ sông nhào! – Hồn anh thư hẹn phút trùng lai, thần gào quỷ thét
Ôi thương ôi!
Khóc nữa mà chi! – Nói không kể xiết!
Một nén hương lòng, – Mấy lời thống thiết!
Bạn nữ lưu ai nối gót theo chân? – Nghĩa đoàn thể, xin từ đây cố kết!
Hỡi ơi! thương thay!

Thơ

Sau đây là hai bài thơ không đề:
Sống nhục sao bằng sự thác vinh?
Nước non cho vẹn chữ chung tình
Lưỡi dao xử tử chàng không ngại
Tiếng súng quyên sinh thiếp cũng dành.
Một tấm can tràng trời đất thảm
Ngàn thu tiết tháo quỷ thần kinh
Cuộc đời xá kể chi thành bại
Trai đã trung thì gái hẳn trinh!
(vô danh)

Tình chồng, nợ đảng, gánh giang san!
Thác xuống tuyền đài hận chửa tan.
Xương trắng nêu cao gương hiếu nghĩa,
Máu hồng in thắm chữ trung can.
Ngàn năm tồ quốc ơn ghi mãi,
Một thác tình chung nghĩa trả toàn
Thành bại mặc ai người nghị luận,
Muôn ngàn năm để tiếng Cô Giang.
(vô danh)
Trong dân gian cũng đã xuất hiện nhiều bài vè ca ngợi Cô Giang, trích một bài:

Cô Giang cũng bậc anh hùng,
Dốc tâm thề Đảng một lòng trung trinh.
Cùng ai thề chữ tử sinh,
Chưa chăn gối cũng ra tình sắt son.
Chung tay việc Đảng lo tròn,
Tài chính cổ động lại còn giao thông.
Thất cơ sự đến khi cùng,
Tím gan yên Bái, đau lòng Lâm Thao.
Thế gian mặc chuyện ra vào,
Lòng trinh xin nguyện trời cao soi cùng.
Chồng theo nước, thiếp theo chồng,
Tuồng chi dơ dáng số cùng hôi tanh.
Khen chê phó mặc sử xanh,
Treo gương đất nghĩa trời kinh đời đời...

Vinh danh

Tên tuổi của Nguyễn Thị Giang đã được ghi trong lịch sử Việt Nam. Tên của bà được dùng đặt tên một trường THPT ở Vĩnh Tường, ngoài ra tên bà cũng được đặt cho một số con đường ở một số thành phố của Việt Nam.

Chú thích

1. Ghi theo Khổng Đức Thiêm, bài viết đăng trên tạp chí Xưa và Nay số 2 năm 1995 của Hội khoa học lịch sử Việt Nam. Có nguồn cho biết Cô Giang sinh năm 1909 [1]. Nhưng theo Lê Minh Quốc, thì tài liệu của nhà nghiên cứu Khổng Đức Thiêm là rất đáng tin cậy.

2. Theo sự gợi ý của nhà cách mạng Phan Bội Châu, năm 1926, Nguyễn Khắc Nhu thành lập hội Quốc Dân Dục Tài, hoạt động như kiểu Đông Kinh Nghĩa Thục để đào tạo nhân tài ra cứu nước. Sau, ông Nhu cho đổi tên là Việt Nam Dân Quốc. Lúc này, ngoài việc đào tạo, hội còn mở xưởng làm lựu đạn, rèn vũ khí để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa bằng vũ trang (Lược theo Lê Minh Quốc, tr. 190).

3. Nhà văn Nhượng Tống cũng cho biết: Anh Học lúc còn trẻ, mẹ cha đã cưới một người vợ tên là Nguyễn Thị Cửu cho anh. Năm 1927, khi sắp lập Đảng, anh có nói với tôi (Nhượng Tống) là đã ly hôn với vợ. Bấy giờ nhiều người như thế lắm: anh Nho, anh Chính, đều từ hôn hay cho vợ về cả. Các anh không muốn đem cuộc đời sóng gió của mình mà làm phiền lụy đến một người đàn bà. Ấy vậy mà có một ngày Anh tuyên bố với các bạn là Anh xin phép để được kết hôn cùng cô Giang! Theo [2].
4 Lê Minh Quốc, tr. 195.

Nguồn tham khảo

- Nguyễn Q. Thắng & Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Nxb KHXH, 1992.
- Lê Minh Quốc, Các vị nữ danh nhân Việt Nam. Nxb Trẻ, 2009.
- Cô Giang: nữ danh nhân đất Việt.
- Nguyễn Thái Học (1902-1930), Nhượng Tông Nguyễn Thị Giang

Source: Wikipedia
Users browsing this topic
Guest (4)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.