Ðồng thời ông bầu Tư Láng cũng nói với Thanh Nga, rằng ở Bầu Bàng đại đa số dân chúng nghèo xơ nghèo xác, là thành phần mà quanh năm suốt tháng chỉ lo cái ăn cái mặc, tiền bạc đâu có dư giả để coi hát, nếu có dành dụm được chút ít thì cũng phòng khi đau bệnh, hoặc lâu lâu bỏ tiền đi coi hát thì thường là mua vé hạng cá kèo (thời này coi cải lương có 4 hạng: Thượng hạng, hạng nhứt, nhì và ba, thông thường hạng ba là đứng coi, còn gọi là hạng cá kèo). Ðó là nói đến gánh hát nhỏ, đào kép không tên tuổi như gánh của ông, chớ còn gánh lớn thì không thể nào về hát ở vùng nói trên, sẽ chẳng có ma nào vào coi vì tiền bán vé cao. Ông đề nghị bữa nay dù rằng có Thanh Nga, Hữu Phước cũng nên bán vé giá thật thấp thì may ra mới có người coi, ông nói:
- Gánh hát của tôi chỉ bán bằng phân nửa giá của gánh Thanh Minh mà người ta còn than không có tiền, phải hạ thấp thêm, cô liệu mà bán vé để có người coi.
- Chú Tư khỏi lo vấn đề đó, Nga biết mà!
Thanh Nga trả lời liền như vậy, không đắn đo gì cả, bởi cô đâu có ý định bán vé, mà mục đích là hát tặng cho bà con quê hương của người yêu, buổi hát chiều nay cô quyết định là không thu vô đồng nào cả nên mới mua giàn để cho bầu gánh không bán vé, dù là giá rẻ, cô nói tiếp:
- Chú Tư cứ lo phần của chú trong việc mở màn, chọn tuồng và điều động anh chị nghệ sĩ hát cho hay để bà con coi, còn phần của Nga thì đã lo xong rồi.
- Thì tôi khuyên vậy thôi, chớ bán vé mắc rẻ thế nào là quyền của cô, vì cô đã mua giàn rồi.
- Cám ơn chú Tư, mà chú có biết rằng chiều nay thiên hạ sẽ quy tụ đông đảo hôn vậy?
- Ðông là cái chắc rồi đó, nhưng họ có mua vé vô coi mới là điều cần thiết cho mình, ở thôn quê hễ có gánh hát về thì hầu như nhà nào cũng có người đến tụ tập trước rạp, đó là chưa kể những người mua bán họ có dịp bày bán bánh trái, thức ăn nước uống.
- Nếu không mua vé vào coi thì họ đến làm gì, Nga sợ rằng người ta sẽ không đến đông đảo đó chú Tư.
- Sao lại không, tôi bảo đảm là đông lắm, bữa nay dân phu cạo mủ cao su nghỉ làm, họ sẽ có mặt đầy chợ cho mà coi, nhưng họ có mua vé vô coi hay không thì khó mà đoán được, bởi đây là lần đầu tiên có nghệ sĩ tên tuổi như cô về đây hát.
Thanh Nga nghĩ bụng cô đâu có cần bán vé, mà chỉ muốn cho thiên hạ tập trung đông đảo là được rồi, cô nói:
- Người ta đến đông thì nghệ sĩ mới lên tinh thần, còn chuyện bán vé nhiều ít là do tình trạng làm ăn của người dân thôi, Nga không đặt nặng điều đó đâu.
Thanh Nga cười thầm cái ông bầu gánh hát nhỏ này đâu rõ được ý định của cô là chỉ muốn hát tặng cho bà con ở đây, chớ đâu phải mua giàn để kiếm lời. Ý định của cô là chiều nay mở trống vách bao quanh chợ cho bà con coi thả giàn, nhưng hiện giờ thì cô chưa thể tiết lộ vấn đề đó với ông, vì cô cần phải để tự nhiên xem người dân ở đây ủng hộ cô đến mức nào, cô nói:
- Thôi, chú Tư cứ về lo chuẩn bị công việc đi là vừa, chuyện bán vé để Nga lo.
- Báo cho cô xong rồi thì tôi cũng cần phải về sớm để lo công việc.
Sau khi trao đổi thêm một một số vấn đề liên quan đến buổi hát như chọn tuồng tích hay của gánh, lớp diễn của Thanh Nga, Hữu Phước trước hay sau hoặc giữa vở tuồng, cũng như tình trạng rạp hát tức nhà lồng chợ được bao bọc bằng những tấm tre đan đơn sơ, v.và Ông bầu Tư Láng an tâm ra về mà trong bụng cũng mong muốn buổi hát chiều nay Thanh Nga sẽ có lời nhiều để thu lại số tiền cô đã giúp cho ông trả lương đào kép bữa trước, coi như đền bù thiệt hại mà đoàn Thanh Minh đã gián tiếp gây ra cho đoàn hát nhỏ của ông.
Thế là việc gì đến đã đến, chiều nay mới khoảng 4 giờ là thiên hạ đã bắt đầu lũ lượt kéo tới chợ Bầu Bàng để xem mặt Thanh Nga, Hữu Phước, hề Kim Quang theo như tấm quảng cáo được dựng ở trước chợ. Dù không hoàn toàn tin vào tấm quảng cáo, tin vào lời của ông bầu nhưng người ta cũng tập trung rất đông, biết đâu có thật thì sao? Một số người đã nói như vậy, và người ta trông cho mau đến giờ để xem mặt các nghệ sĩ thần tượng, mà nếu không về đây thì họ khó có thể thấy mặt.
Trong khi mọi người trông ngóng chờ đợi thì ông bầu Tư Láng cũng ngồi đứng chẳng yên, bởi chỉ còn hai tiếng đồng hồ nữa là mở màn trình diễn, mà sao giờ nầy chẳng thấy tăm dạng của người bán vé do Thanh Nga cử đến. Ðã vậy mà thiên hạ hết người nầy đến người kia cứ hỏi vé bán giá bao nhiêu, coi họ có đủ tiền mua hay không? Câu hỏi này ông không thể trả lời được mà phải chờ người bán vé đến, còn số người khác thì thúc giục: Gần tới giờ rồi, bán vé đi chớ! Vài người còn nói bộ ông bầu tính gạt dân ở đây hay sao mà giờ nầy chưa thấy bán vé.
Thời gian không ngừng, thêm một giờ trôi qua, tức chỉ còn một tiếng đồng hồ nữa thôi mà cũng vẫn chưa thấy người bán vé tới, ông bầu càng thêm sốt ruột, ông đi đi lại lại mà hồi hộp mỗi khi có chiếc xe nào đó từ hướng Bình Dương chạy lên, coi chiếc xe có ngừng lại cho ai xuống không và người đó sẽ là người mang vé đến bán. Nhưng rồi những chiếc xe kia không hề giảm tốc độ, chạy nhanh ngang qua đây thôi, vô tình gây thất vọng cho ông. Giờ đây thì ông lại lọ lắng thêm vấn đề khác là Thanh Nga, Hữu Phước có đến, hay đã hủy bỏ chương trình nên không cho người đến bán vé chăng? Về vấn đề tiền bạc lời lỗ thì ông chẳng phải lo, bởi có người mua giàn rồi, đã có lời rồi, nhưng ông muốn Thanh Nga, Hữu Phước có mặt để ông lấy uy tín và hãnh diện với người dân vùng này rằng gánh hát bầu tèo của ông đã từng được đôi nghệ sĩ tài danh tên tuổi Thanh Nga, Hữu Phước về hát.
Thế rồi sự lo lắng của ông đã được giải tỏa, chờ đợi thêm độ nửa giờ đồng hồ sau thì từ hướng Bình Dương có hai chiếc xe du lịch chạy lên và chầm chậm ngừng lại cạnh lề đường, nơi có khoảng đất trống phía trước nhà lồng chợ. Ðám đông reo lên: Thanh Nga, Hữu Phước tới rồi bà con ơi! Thiên hạ nhôn nhao cả lên, vồn vã hỏi han đủ thứ và vây quanh hai chiếc xe khiến cho người trên xe rất khó mà mở cửa bước xuống được. Chiếc Peugeot 203 màu đen do tài xế chú Tám lái, cùng ngồi phía trước với ông là người công nhân của gánh Thanh Minh, ngồi băng sau là Thanh Nga và bà Bảy Tầm Vu. Còn chiếc kia màu trắng Peugeot 203 decapotable mui trần do chính Hữu Phước lái, hề Kim Quang ngồi cạnh bên.
Ông bầu Tư Láng kêu bà con tránh ra để Thanh Nga, Hữu Phước xuống xe mới vào hát được, nhưng người ta vẫn vây quanh, cảm tình của người dân ở đây dành cho Thanh Nga đã khiến cho cô vô cùng cảm động, nghĩ rằng phải chi có Lý Hùng ở đây chứng kiến thì hay biết ngần nào!
Câu đầu tiên của ông bầu Tư Láng hỏi Thanh Nga là người bán vé ở đâu, cũng như gần tới giờ hát rồi bán vé sao kịp, và câu trả lời của Thanh Nga là do trở ngại gì đó mà người bán vé không đến. Thôi thì ông bầu hãy cho công nhân gở đi những tấm tre bao bọc vòng chợ cho bà con coi hát tự do mà không phải mua vé.
Thanh Nga vừa nói câu trên với ông bầu thì đám đông ồn ào lên như ong vỡ tổ, quá mừng rỡ kẻ chạy đi hướng này, người chạy hướng kia kêu người thân cùng đi coi hát.
Thế là con số người có mặt ở chợ Bầu Bàng vốn đã khá đông rồi, giờ đây hay tin gánh hát thả giàn, mở trống rạp cho bà con coi tự do không phải mua vé thì độ nửa giờ sau con số khán giả tăng lên gấp mấy lần, đứng chật cả khu vực quanh chợ mà còn tràn ra đường lộ, khiến cho xe cộ di chuyển trên Quốc Lộ 13 chạy đến đây đã phải dừng lại, và một lần nữa Thanh Nga lại chứng kiến cảnh kẹt xe do số người đông đảo tập trung coi hát.
Thật vậy, tuy đường lộ bị kẹt xe không trầm trọng như ở Bà Rịa trong đêm gánh Thanh Minh hát cúng cô hồn tại cầu Rạch Hào, bà con mê coi cải lương đã vô tình làm tắc nghẽn lưu thông trên Quốc Lộ 15. Hoặc là cái hôm kẹt xe khủng khiếp ở cầu Tham Lương từ sáng sớm đến chiều tối vẫn còn, do người Hoa gây nên trong ngày Ðại Hội Không Quân, nhưng cũng làm cho vài chục chiếc xe di chuyển trên con đường này bị trở ngại lưu thông. Các xe từ hướng Bình Long, Phước Long, vùng Cao Nguyên Trung Phần chạy về đây, và xe đi ngược trở ra đã phải dừng lại hơn cả tiếng đồng hồ. Dịp may hiếm có, hành khách xuống xe coi hát luôn, thật là một cảnh tượng được kể như lạ đời chưa từng xảy ra tại đây bao giờ.
Về phía Thanh Nga, Hữu Phước thì lúc xuống xe rồi vẫn không di chuyển đi đâu được, do bởi số đông khán giả ái mộ vây quanh và ông bầu Tư Láng sau một hồi kêu gọi mỏi miệng vẫn không hiệu quả, ông nóng ruột bởi gần đến giờ hát rồi mà các nghệ sĩ vẫn chưa ra khỏi đám đông, cuối cùng phải đi nhờ mấy chú lính Dân Vệ giải quyết cho vấn đề (Dân Vệ Ðoàn về sau biến cải thành Nghĩa Quân).
Gần một tiểu đội Dân Vệ Ðoàn được phái tới đây bảo vệ an ninh, cũng nóng lòng muốn coi hát nên giải quyết khá mạnh tay bằng cách giơ súng lên đạn “rốp rốp,” khiến một số người yếu bóng vía vội đi tránh. Giờ đây thì đám đông mới giảm bớt, số người vây chặt Thanh Nga, Hữu Phước, hề Kim Quang như lúc nãy đã tản ra và các nghệ sĩ đi vào hậu trường, tức phía sau nhà lồng chợ để hóa trang lên sân khấu. Và đúng như đã sắp đặt từ ngày hôm qua, chiều nay Thanh Nga, Hữu Phước diễn lớp tuồng Người Ðẹp Bạch Hoa Thôn của soạn giả Hoàng Khâm, và người dân Bầu Bàng đã được cái hân hạnh là những người đầu tiên đi coi vở hát này, dù là tuồng chưa được hát khai trương.
Lúc hóa trang gần xong, Hữu Phước kêu bầu gánh lo cho mình một gánh than, bởi trong tuồng anh ta đóng vai “chàng ngốc bán than,” và không biết ông bầu vô tình hay cố ý mà lại đem vào cho Hữu Phước một gánh than thật. Cũng cần nói rõ thêm là ở Bầu Bàng thuộc quận Bến Cát, tỉnh Bình Dương vào thời điểm này trừ các vườn cao su được trồng dọc hai bên Quốc lộ 13, còn vào sâu bên trong vài cây số thì toàn là rừng, dân làm rừng đốn củi đốt than đem ra để dọc hai bên lộ bán cho xe cộ qua lại, do đó mà tại khu vực Bầu Bàng có những chổ bán than, và ông bầu đã tận dụng món vật lý tưởng có sẵn này, đã mang vào cho Hữu Phước một gánh than thật.
Gánh than với hai giỏ chất đầy than, Hữu Phước gánh lên thử thấy nặng quá kêu bỏ bớt và ông bầu đã làm theo ý, nhưng gần đến lớp tuồng sắp sửa gánh than ra sân khấu, Hữu Phước gánh lên vẫn còn thấy nặng, nếu đợi ông bầu sẽ mất thêm thời gian, sợ không kịp nên anh ta tự tay bóc bỏ thêm ra, và có lẽ lau tay không sạch nên Hữu Phước vô tình đóng vai hề, dù là trong tuồng anh ta đóng vai chánh, kép mùi.
Số là bữa nay nhằm trời nóng bức mà ở vùng Bình Dương, Hớn Quản, Lộc Ninh vào mùa nắng có tiếng là nóng nhiều hơn bất cứ nơi nào ở miền Nam, có hôm đến giữa đêm vẫn còn nóng. Có lẽ cũng do trời nóng nực như vậy nên số người địa phương thuộc nam giới, thường họ chỉ mặc quần cụt ở trần, kể cả khi ra chợ cũng vậy, thói quen này ở đây trông rất thường nên chẳng có gì lạ, và bữa nay gánh hát bầu tèo về hát vẫn có một số đàn ông con trai đã không mặc áo, họ để lưng trần tập trung trước rạp hát cười nói huyên thiên.
Cái nóng đã làm cho nhiều người đổ mồ hôi mà trong đó có cả Hữu Phước cũng bị cái nóng ở đây hành hạ, lúc đang diễn tuồng với Thanh Nga thì Hữu Phước trong vai trò chàng ngốc bán than từ trong cánh gà đi ra với gánh than trên vai, anh ta để gánh xuống nghỉ mệt, mồ hôi nhễ nhại. Hữu Phước quên rằng tay mình vừa bóc than, đã đưa tay lên gạt mồ hôi khiến cho mặt mũi dính than tèm lem làm khán giả cười rần lên, vậy mà Hữu Phước vẫn không biết khán giả cười mình, tưởng rằng họ thấy gánh than rồi cười thôi, do đó cứ tiếp tục hát.
Lúc đó Thanh Nga trong vai Lý Hương Lan, tức người đẹp Bạch Hoa Thôn dù cố nín cười, cô cũng không im được mãi nên cười ra tiếng. Thế nhưng, là một nghệ sĩ có biệt tài từ khi mới lớn lên, nên sau cái cười theo khán giả, Thanh Nga “cương” liền một câu có liên quan đến vai trò của hề Kim Quang, và anh này liền bước ra sân khấu, coi như cứu vãn tình hình, bởi hề xuất hiện khán giả cười là việc đương nhiên. Tiếng cười ồn vẫn tiếp tục cho đến lúc có tiếng ngâm trong hậu trường (do cô đào chánh của đoàn ngâm) và người ta lắng nghe như sau:
Mấy đời thằng ngốc bán than.
Ðược rờ gót ngọc nàng tiên trên trời.
Ðời sau có chuyện lạ đời.
Cóc ngồi đáy giếng lại đòi trèo thang.
Tiếp đó Hữu Phước xuống hò vô vọng cổ thì tiếng vỗ tay thay cho tiếng cười, và khán giả bắt đầu im lặng để thưởng thức làn hơi ca đang hái ra bạc triệu của Hữu Phước. Ðến chừng hát xong lớp tuồng Người Ðẹp Bạch Hoa Thôn, các nghệ sĩ tăng cường cho gánh hát bầu tèo đứng ngay ngắn chào tạ từ khán giả, chừng đó Hữu Phước mới biết là vừa qua mình đã vô tình đóng vai hề.
Hề Kim Quang hối thúc Thanh Nga, Hữu Phước ra về kẻo không kịp suất hát tối nay ở Phú Cường, thị xã Bình Dương, nhưng Thanh Nga vẫn còn lưu luyến đất Bầu Bàng, coi như đây là quê hương của cô vậy, và không hiểu sao người dân ở đây họ cũng quyến luyến Thanh Nga như người sinh trưởng ở đây, họ không muốn cô rời nơi này nên vẫn cứ vây quanh tiếp tục xem mặt cô đào khả ái. Tiếc rằng đêm nay cô phải có mặt ở Phú Cường để đảm trách vai trò đào chánh, mà vé đã bán hết từ lúc xế chiều kể cả vé đứng coi hạng cá kèo, chớ nếu như không có vai trò thì chắc là cô sẽ ở đây lâu hơn để trò chuyện với bà con quê hương của người yêu, mà giờ đây cô xem như là quê hương của mình vậy.
Khi lên xe rồi thiên hạ vẫn vây quanh, hai chiếc Peugeot 203 không nhúc nhích được, khiến cho hề Kim Quang than trời như bộng và ông bầu gánh lại một lần nữa yêu cầu mấy chú lính Dân Vệ can thiệp. Mấy chú lính này nãy giờ cũng mê coi cải lương, hay nói đúng hơn là mê coi mặt Thanh Nga, Hữu Phước, đồng thời theo dõi lớp tuồng khá hay, do đó mà dù cho đường lộ bị tắc nghẽn xe cộ lưu thông không được, mấy chú cũng tỉnh bơ coi hát không làm nhiệm vụ mở đường trong phạm vi trách nhiệm. Giờ đây Thanh Nga, Hữu Phước diễn xong, mấy chú mới bắt đầu làm phận sự, và sau khi hai chiếc xe du lịch của các nghệ sĩ chạy đi rồi, các xe khác cũng bắt đầu lăn bánh, sau hơn một tiếng đồng hồ bị kẹt xe nằm ụ tại đây.
Tình Sử Cải Lương Cuộc Ðời Thanh Nga phát hành thời gian qua được nhiều độc giả ủng hộ gởi chi phiếu về mua sách, tác giả xin thành thật cám ơn. Quí vị có thể đến các nhà sách ở địa phương để mua, hoặc liên lạc tác giả Ngành Mai P.O. Box 6936 Santa Ana, CA 92706. Ðiện thoại (714) 331-4880. E-mail nganhmai@yahoo.com.