Rank: Advanced Member
Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 18,432 Points: 19,233 Location: Golden State, USA Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
|
Cô gái mê cải lương nầy ăn mặc như phần đông các cô gái vùng thôn quê, lúc ở nhà thì lam lũ với chiếc áo màu ngắn tay đã cũ và quần đen thì ngả sang màu xám mốc, chỉ khi ra đường mới ăn mặc tươm tất. Cô vừa nói đến đây thì từ trong nhà có thêm hai người lớn tuổi đang đi ra cổng rào, cô nói nhanh:
- Ba má tôi đi ra kìa, có cần gì thì cô Thanh Nga nói ba má tôi giúp cho, bả mê coi cải lương dữ lắm!
Chú Tám tài xế thấy ông bà khoảng lớn hơn mình vài tuổi, chú hơi gật đầu và lên tiếng hỏi trước:
- Dạ thưa chào anh chị, tôi bị kẹt xe ở ngoài lộ nên đến đây nhờ anh chị giúp cho một việc.
Chưa đợi cha mẹ hỏi nhờ giúp cái gì, chú Tám vừa nói dứt câu thì cô gái đã nhanh nhẩu nói liền:
- Cô nầy là Thanh Nga đó má, cổ hát ở gánh Thanh Minh mà hôm bữa đi coi cải lương thấy cổ khổ, má khóc cho đến khi về nhà.
Nghe cô con gái nói, bà liền nắm tay Thanh Nga:
- Trời ơi! Cô Thanh Nga đây sao, cô đóng vai Cẩm Nhung làm tui khóc muốn hết nước mắt.
Biết chắc bà nầy có đi coi tuồng mình hát, Thanh Nga cảm động nói:
- Dạ cháu là Thanh Nga, bác có đi coi tuồng Lỡ Bước Sang Ngang à!
- Ði coi tới hai lần mà lần nào tui cũng khóc, thương cô quá đỗi, lúc đó nếu cho lên sân khấu tui cũng bước lên kêu cô đừng có buồn khổ nữa, tội gì phải khổ đến như vậy chớ!
- Ðó là do vai trò, chớ hát xong đi ra ngoài thì vẫn bình thường.
- Tui biết là tuồng hát chớ đâu phải ngoài đời, vậy mà cũng thương cô như là bị khổ thiệt vậy. À! Bữa nay cô đi lên trên nầy coi tàu bay phải hôn? Hồi nãy nó bay rền trời cả chục chiếc, bay ngang nhà tui nghe thiếu điều bể nhà.
- Phải đó bác, cũng vì đi coi máy bay biểu diễn mà giờ cháu nầy còn kẹt ở đây, muốn về sớm mà không được.
- Tui nghe nói từ sáng tới giờ cầu Tham Lương xe bị kẹt nằm đầy ngoài đó, thiên hạ đi đâu mà đông dữ quá!
- Thì họ cũng đi coi máy bay, và cũng như cháu bị kẹt không qua cầu được.
- À! Nãy giờ lo nói chuyện hát xướng, mà quên hỏi cô vô đây nhờ tui cái gì, nói đi nếu giúp được tui sẵn lòng.
Bà nhà quê nầy tính người nhân hậu và thiên hạ ở đây gọi bà qua thứ bậc của ông chồng: Ông Năm Ðáng! Thuở giờ làm ruộng rẫy và bà Năm thì cũng quanh năm làm việc nhà, phụ giúp công việc ruộng nương ngoài đồng. Cách nay không lâu bà có dịp đi thăm người em ở Sài Gòn, nhà trong hẻm đường Ðề Thám, xóm Sáu Lèo, từ đây đi bộ ra rạp hát Nguyễn Văn Hảo rất gần, nên tối đến người em đưa bà đi coi cải lương, đúng lúc gánh Thanh Minh liên tục hằng đêm diễn tuồng Lỡ Bước Sang Ngang của soạn giả Thu An-Hoàng Khâm.
Thanh Nga đóng vai chánh Cẩm Nhung, con gái của chủ tiệm cầm đồ, cô có người yêu là chàng họa sĩ Lam Sinh (vai chánh nam do Hữu Phước đóng), nhưng cha mẹ cô nhứt quyết cắt đứt mối tình của cô với chàng họa sĩ nghèo nàn, và gả cho chàng kỹ sư Tân, một tay “kỹ sư đào mỏ” mà ông bà không hề biết (nghệ sĩ đóng vai ông bà chủ tiệm cầm đồ, tức cha mẹ của Cẩm Nhung là Hoàng Giang và Ngọc Nuôi, còn vai kỹ sư Tân do kép độc Việt Hùng đóng).
Tưởng đâu gả con cho chàng kỹ sư thì con gái mình sẽ có hạnh phúc, có địa vị, nào ngờ đâu gặp phải tay lưu manh lường gạt cả tình lẫn tiền, tài sản của cải nhà cha mẹ vợ tay nầy phá hết, lại còn bỏ bê vợ ở nhà, bữa nào cũng đi ăn chơi thâu đêm suốt sáng, đến đỗi căn nhà tiệm cầm đồ ông bà đang ở, được cho đứng tên cũng kêu bán. Tình tiết vở tuồng như vậy nên khán giả quá thương xót cho thân phận của Cẩm Nhung mà Thanh Nga nhập vai làm người coi hát phải rơi lệ, trong đó có bà Năm, mẹ của cô gái đang đứng nói chuyện với Thanh Nga.
Phần chú Tám tài xế đang chờ bà chấm dứt câu chuyện cải lương để nhờ cậy, và đến khi nghe bà chuyển sang hỏi Thanh Nga muốn nhờ gì bà sẵn lòng thì chú Tám vọt miệng nói ngay:
- Tôi là tài xế chạy chiếc xe của cổ, mới qua cầu Tham Lương một đoạn đường thì bị kẹt nằm ì cho tới bây giờ, cổ muốn về sớm gặp người thân ở phi trường Tân Sơn Nhứt, nếu về trễ có thể không gặp nên cổ rất nóng lòng.
- Vậy à, không có cách nào về được hay sao?
- Nếu về được thì cổ đâu có lo lắng, dưới kia có chiếc xuồng mà đông người ta quá.
Vậy là chiếc xuồng của ông Thầy Kiện đó, ở đây không có chiếc xuồng nào khác (ở vùng nầy người ta gọi luật sư Trịnh Ðình Thảo là ông Thầy Kiện).
- Vì vậy nên tôi vô đây nhờ anh chị giúp giùm, may ra cô Thanh Nga có thể về bên đó kịp giờ, bởi người thân của cổ cũng đang mong đợi.
- Nhưng giúp thế nào đây chú nói ra đi.
- Bây giờ chỉ cần đưa cô Thanh Nga qua bên kia sông, rồi sau đó cổ sẽ tìm cách đi về Tân Sơn Nhứt, tôi biết anh chị đây sẽ giúp được.
Nói xong chú Tám nhìn thẳng ra bụi chuối phía sau nhà, có những cây lớn tàu lá xanh mướt, mà trong bụng nghĩ rằng nó sẽ là cứu tinh cho tâm trạng lo lắng của Thanh Nga. Ông Năm chủ nhà cũng nhìn theo ra bụi chuối và chợt nghĩ ra, ông lên tiếng:
- Thôi, tui biết rồi, có phải chú muốn nói đến chiếc bè chuối.
- Phải, tôi muốn mua mấy cây chuối và anh chị phụ giúp tôi làm chiếc bè.
Hiểu được ý của người tài xế và của ông chồng, bà Năm nói liền:
- Tưởng chuyện chi chớ cái đó có khó khăn gì đâu, ông nhà tui đủ sức làm.
Rồi bà day sang ông chồng:
- Ông mau giúp cho người ta đi, tôi cũng phụ vô nữa.
Kế bà nói với Thanh Nga:
- Cô không phải mua, chẳng mấy khi đến nhà nhờ giúp đỡ, ai đâu lấy tiền, để tui lo cho.
Thanh Nga mừng rỡ và cùng đi vào nhà, thẳng ra bụi chuối phía sau hè...
Trong lúc ông chồng đang lấy dao lấy rựa chặt chuối, thì bà Năm kêu cậu con trai khoảng 15, 16 tuổi đang làm rẫy ở đám ruộng khô cạnh vuông rào vô tiếp tay. Cậu nầy là em của cô gái, cậu ta lại kêu thêm vài người bạn nữa cũng đồng trang lứa tập trung lại cùng làm, kẻ lo chặt chuối, người lo đốn mấy cây tầm vông dùng kết bè, và riêng cậu trai thì lo chiếc xe bò, dẫn hai con bò buộc vào để di chuyển những cây chuối ra bờ sông.
Thấy mọi người lăng xăng làm công việc cho mình, Thanh Nga cũng xông vào khuân vác những cây chuối, nhưng bà Năm ngăn cô lại và nói:
- Cô ốm yếu, tay chân mỏng manh như vầy mà làm cái gì, để tụi nhỏ nó làm, cô ngồi nghỉ cho khỏe đi.
- Mọi người ai cũng làm, cháu ngồi không coi sao cho được đó bác.
- Cô ca vọng cổ cho tui với tụi nó nghe còn có lý hơn, ai cũng muốn cô ca cho nghe hơn là phụ vô chuyện nầy.
Chú Tám tài xế cũng nói:
- Cô Thanh Nga ca một bản vọng cổ cho anh chị đây nghe đi, coi có giống tiếng ca hôm bữa đi coi hát hôn, và mấy cậu nhỏ nếu nghe ca chắc sẽ lên tinh thần làm việc mau hơn.
Thế là Thanh Nga ở vào cái thế phải ca khơi khơi, bởi đâu có nhạc sĩ và cây đờn ở đây, cô suy nghĩ chưa biết phải ca bài nào vừa có ý nghĩa vừa thích hợp, bổng chợt nhớ ra bụi chuối trước mặt, cô liền cất tiếng hát lớp vọng cổ do Cô Ba Trà Vinh ca trong tuồng Cát Bụi Ðô Thành, trong đó có câu hát ru con mà người soạn tuồng đã đưa vào 8 nhịp chót cho dứt câu thứ sáu: “Gió đưa bụi chuối sau hè, anh mê vợ bé bỏ bè con thơ”.
Dù đang làm việc, tất cả đã ngưng lại vỗ tay yêu cầu cô ca thêm, và sẵn trớn Thanh Nga hát bài vọng cổ Tình Yêu Trong Mộng Tưởng, mà xưa kia dưỡng phụ của cô là cố nghệ sĩ Năm Nghĩa từng ca, được hãng dĩa hát Asia thu thanh phát hành thập niên 1940. Cô thuộc lòng bài ca nầy từ lâu và bắt đầu vô câu thứ nhứt: “Một khi đã lậm với tình, mà phải yêu nhau trong yên lặng và nhớ nhau trong bất bình, thì hỏi lại trong lòng mình đã chứa chan nhiều điều trắc ẩn...”
Ca dứt bài vọng cổ thì đúng lúc mọi người cũng đã xong công việc, chiếc xe bò đã chất đầy những cây chuối chuẩn bị di chuyển ra bờ sông, những khúc tầm vong dùng kết bè cũng được bỏ lên xe sau đó, và bây giờ thì bà Năm chủ nhà kêu cô con gái lại nói:
- Nghe nói phía bên kia cầu Tham Lương cũng bị kẹt xe, người ta đi chật đường bên đó, má sợ rằng khi qua sông rồi cũng khó mà đi xuống Ngã Tư Bảy Hiền để vô Tân Sơn Nhứt.
Cô gái nói:
- Con cũng nghi như vậy đó, má tính coi con có thể giúp cổ được hôn?
- Hay là con lấy chiếc xe máy đưa cô Thanh Nga đi mà chắc ăn hơn, đã làm ơn rồi thì làm ơn cho trót (ở nhà quê vùng nầy người ta gọi xe đạp là “xe máy” dù rằng chẳng có máy móc gì cả).
- Con biết phía sau xóm Tham Lương có con đường đất đi Bà Quẹo rồi đi xuống Ngã Tư Bảy Hiền.
- Ờ! Ðưa cô Thanh Nga đi bằng con đường đó chắc kịp giờ của cổ.
Cô gái dạ rồi vào nhà thay bộ đồ còn mới, quần đen mượt và chiếc áo bông hường dài tay may kiểu áo bà ba (trong bài vọng cổ Tình Anh Bán Chiếu của Viễn Châu cũng có đề cập đến cô gái nhà quê với chiếc áo bông hường), đồng thời lấy hai chiếc nón lá đưa cho Thanh Nga một chiếc, cô nói:
- Trưa nắng cô đội chiếc nón nầy chớ không thôi bị đen da đó!
- Cám ơn cô.
Biết Thanh Nga bị đau chân, bà Năm sắp xếp cho cô được ngồi trên xe bò mà người đánh xe là cậu trai, còn tất cả đi bộ theo con đường mòn dưới ruộng mà chiếc xe bò vừa đi trước, và riêng cô gái dẫn chiếc xe đạp đi sau cùng, trông cô cũng khá xinh với nét đẹp của người con gái thôn quê.
Bữa nay đang là mùa nắng, cái nắng chang chang của vùng Quang Trung từ lúc giữa trưa đứng bóng, cho đến bây giờ đã hơn 2 giờ chiều rồi mà bên ngoài trời vẫn còn nắng gắt, do vậy nên người nông dân họ vẫn ở trong nhà chờ cho cái nắng dịu xuống mới đi ra đồng lo việc rẫy bái (mùa nắng những đám ruộng biến thành đám rẫy với đậu, dưa, cà...). Thế nhưng, chiếc xe bò cọc cạch và những người hết lòng lo chiếc bè cho Thanh Nga thì lại không ngại cái nắng nóng, họ đang từ trong vuông tre nhà ông bà Năm di chuyển ra mé sông Tham Lương, mà trên khuôn mặt của mỗi người ai cũng lộ nét tươi vui, và bà Năm vừa đi vừa nói với mấy cậu trai:
- Tụi bây có làm giúp bữa nay, thì mai mốt đây thế nào cũng có vé đi coi hát.
Ðang ngồi trên xe bò, nghe vậy Thanh Nga nói vói ra phía sau:
- Ðể có tuồng hay, Nga sẽ đem vé mời và cho xe lên đón bác Năm cùng mấy cô cậu đi coi hát.
- Nhớ nghe chị Thanh Nga, tụi nầy ghiền đi coi hát cải lương lắm đó.
Ðó là câu nói của cậu trai khoảng 15 tuổi phụ giúp nãy giờ, còn bà Năm ông Năm thì cười thôi chớ không nói thêm, và riêng cô gái dẫn xe đạp đi sau thì lên tiếng:
- Mấy cậu khỏi lo, mai mốt cổ đem vé lên đây mặc sức mà đi coi hát, cậu nào có bồ thì nhớ xin hai vé nghen hôn.
Tất cả đều cười to, và kể như cô gái nhà quê nầy lời lẽ cũng khá bạo, dám đề cặp đến chuyện “có bồ” mà không ngại miệng như phần đông các cô gái mới lớn lên.
Thanh Nga cũng cười và trong cái nắng nóng như thiêu như đốt kia, nhờ có chiếc nón lá che mát từ đầu đến vai nên cô không thấy khó chịu như khi trưa, lớp thì bị nắng nóng, phần thì đi chân đất lội ruộng khô đau nhói hai bàn chân. Vả lại được ngồi trên chiếc xe bò, khỏi phải đi bộ nên đôi bàn chân cũng không đau như lúc còn lội ruộng, và điều mà cô yên lòng là biết chắc rằng lát nữa đây mình sẽ được qua sông, có thể về kịp để gặp người yêu ở Tân Sơn Nhứt. Cái lo còn lại của cô hiện giờ là liệu chàng có rõ biết được nổi cực khổ nhọc nhằn của cô từ sáng đến giờ, mà chờ cô về chớ không bỏ đi đâu.
Trên con đường mòn xuyên qua những đám ruộng, chiếc xe bò chất đầy cây chuối, chậm chạp di chuyển ra hướng bờ sông, mà giờ đây nó lại hữu dụng gấp trăm ngàn lần hơn là chiếc xe hơi du lịch Peugeot 203 đang nằm một chỗ, không giúp ích gì được cho chủ của nó. Lần đầu tiên trong đời Thanh Nga mới có dịp ngồi xe bò, cô thấy nó là lạ làm sao đâu, và có cảm tưởng như mình là một thôn nữ ở đồng quê ruộng rẫy, chớ không phải là dân thị thành hay là đào hát cải lương đang được khán giả mến chuộng.
Ngồi trên những cây chuối được sắp nằm dọc trên xe bò, và chiếc xe thì từng lúc từng hồi lắt qua lắt lại chớ không êm ái như nệm xe hơi, nhưng nó lại tạo được niềm tin mãnh liệt cho Thanh Nga trong lúc này. Cô cảm thấy vui trong lòng, bởi có những cam go thử thách thế nầy mới đánh giá được tình yêu của cô đối với chàng phi công hào hoa, tuy gặp gỡ chỉ mới mấy ngày thôi mà tình yêu đối với chàng như đã có từ thiên niên vạn kỷ nào đó! Cô nghĩ nếu như rõ biết được cái gian khổ, cái lo lắng của cô ngày hôm nay thì chắc rằng chàng sẽ thương yêu cô nhiều hơn, và định bụng một ngày nào đó thuận tiện chàng được nghỉ phép qua Việt Nam, cô sẽ đưa chàng đến đây để xem cô diễn lại những gì mà mình đã trải qua trong cái ngày Ðại Hội Không Quân này.
Thanh Nga cũng nghĩ đây là thực tế trong đời, cô cần phải lưu lại kỷ niệm này mà không gì bằng là tường thuật lại cho các soạn giả viết thành tuồng cải lương, để mỗi lần tuồng được trình diễn thì ngoài việc phục vụ khán giả, nó còn nhắc lại kỷ niệm mối tình đầu trong cuộc đời cô, mà diễn viên chính lại là nhân vật chính trong tuồng. Ðồng thời cô cũng sẽ phối hợp với điện ảnh thực hiện đoạn phim quay lại cảnh gian nan, cảnh ngồi xe bò của cô ngày hôm nay kết hợp với tuồng cải lương giống như bầu Bảy Cao từng đưa phim ảnh lên sân khấu đoàn Hoa Sen những năm trước đây vậy.
Từ vuông tre nhà ông bà Năm ra đến bờ sông Tham Lương chỉ vài trăm thước đường chim bay, nhưng với lối đi ngoằn ngoèo của đường xe bò quanh co qua các đám ruộng, tính ra phải hơn nửa cây số, tuy vậy chiếc xe bò vẫn đến nơi được, chớ không như xe hơi gặp lúc nầy phải nằm một chỗ không chạy đi được lại phải mất công giữ gìn. Cô mãi miết nghĩ ngợi, đến chừng nghe ông Năm lên tiếng mới trở về thực tại, thì biết rằng đã đến bờ sông, nơi mà những người có mặt sẽ giúp đưa cô qua sông, không phải chờ đợi với rừng người ở cầu Tham Lương, mà chưa biết từ giờ đến chiều tối họ có được qua cầu hay không.
Theo sự hướng dẫn của ông Năm, chiếc xe bò dừng lại tại một khoảnh đất bằng phẳng thích hợp cho công việc kết bè, và Thanh Nga được bà Năm cùng cô con gái dìu xuống phía sau chiếc xe bò, đồng thời đưa lại ngồi dưới một tàn cây rợp bóng mát. Những cây chuối cũng được mau lẹ mang xuống để nằm sát bờ sông, và trong lúc mọi người đang bắt tay vào công việc thực hiện chiếc bè, thì trên cành cây rậm rạp gần đó phát ra tiếng kêu của chim bìm bịp, khiến cho ông Năm giựt mình, nhớ lại giấc mộng khi đêm, ông nhìn thẳng Thanh Nga rồi nói thầm: Sao lạ vậy cà? Không lẽ Thanh Nga là vị Nữ Vương?
Thông thường ở miền quê những nơi gần sông rạch, người ta thường nghe tiếng kêu của chim bìm bịp và những lúc đó thì đang nước lớn, vì vậy nên trong dân gian có câu “bìm bịp kêu nước lớn ai ơi, buôn bán không lời chèo chóng mỏi tay”. Ðó là câu ca dao xác định đặc tính của chim bìm bịp, mà người ta thường nghe các thiếu phụ thôn quê hát ru con. Bìm bịp là loại chim màu nâu đỏ sậm có điểm vằn đen, hễ thấy có bóng người là bay tránh đi nơi khác, nên người ta chỉ nghe tiếng kêu chớ ít khi thấy rõ, ngay cả ông Năm Ðáng thuở giờ có ruộng rẫy ở gần con sông Tham Lương, mà cũng chỉ thấy được dạng của chim nầy từ đàng xa. Và tại sao bữa nay nghe tiếng kêu của chim bìm bịp mà ông Năm lại giựt mình và nhìn thẳng vào Thanh Nga?
Số là đêm vừa qua, cái đêm mà rạng sáng ngày Ðại Hội Không Quân, phi cơ phản lực nối tiếp nhau bay xé trời vùng Quang Trung, thì ông Năm nằm mộng thấy quân binh tướng sĩ ăn mặc theo thời xưa, gươm giáo sáng choang, rầm rộ đến cổng rào nhà ông kêu: “Nữ vương sắp đi qua đây, mau mau tiếp đón!” Ông lật đật mở cổng rào thì đám quân binh đứng vẹt sang hai bên, một vị Nữ Vương cưỡi ngựa có binh tướng hầu cận tiến vô cổng rào. Vị Nữ Vương còn rất trẻ với áo mão trang phục giống như Nữ Hoàng thời xưa mà lúc đi coi hát bội ông đã thấy, cũng như thấy trong những bức tranh vẽ, hoặc là trong sách truyện.
Vào cổng, Nữ Vương dừng lại nhìn quanh chớ không vào nhà, và một lúc sau thì nghe tiếng chim bìm bịp kêu, tức thì trong đám quan quân có người lên tiếng: “Bìm bịp kêu nước lớn rồi, đem thuyền rồng đến rước Nữ Vương sang sông”. Thế rồi ông thấy chiếc thuyền rồng chạy đến, vị Nữ Vương thong thả bước xuống và thuyền rồng chầm chậm vượt qua sông.
Giựt mình thức dậy, ông Năm sợ hãi không biết là có điềm gì đây mà sao nằm mộng thấy lạ lùng, ông không dám ngủ tiếp, thức luôn đến gà gáy và sáng ra ông kể giấc chiêm bao kỳ lạ cho bà Năm nghe, bà nói:
- Thôi đi ông ơi! Người già hay đau bịnh, chắc trong giấc ngủ nghe bìm bịp kêu rồi nằm chiêm bao thấy bậy thấy bạ đó thôi, chớ thời nầy làm gì có binh tướng như thời xưa, làm gì có Nữ Vương, Nữ Hoàng.
- Tui nghi là có điềm gì đây, hên xui hỏng biết, chớ có bao giờ nằm chiêm bao mà thấy như vậy đâu.
Nhưng rồi sau đó thì công việc nhà nông bề bộn, chuyện ai nấy lo nên cả ông lẫn bà đều quên chuyện nằm chiêm bao, cho đến trưa thì Thanh Nga đến cổng rào và cô con gái của ông đi trước ra cổng tiếp chuyện, còn ông và bà vợ thì đi sau.
Từ lúc Thanh Nga đứng ở cổng rào, ông Năm đã thấy quen quen, nên cố ôn lại trong trí xem đã từng gặp cô ở đâu, cho đến lúc chặt chuối, đốn tầm vong ông cũng cố ráng nhớ, nhưng cũng chẳng tài nào nhớ nổi. Ông nghĩ nếu có gặp chăng thì cũng trong sự tình cờ nào đó, chớ không phải trên sân khấu, bởi nhiều năm qua chỉ có bà Năm là thỉnh thoảng có đi Sài Gòn coi hát cải lương, chớ ông thì chẳng có lần nào đi coi, mà chỉ nghe tuồng hát trong radio mỗi tối thứ Bảy.
Trước thời kỳ chiến tranh, mỗi lần đình làng tổ chức cúng Kỳ Yên, có rước gánh hát bội về hát, thì ông la cà phía sau sân khấu coi mấy cô đào hát bội phấn son giặm mặt, nhưng đã mười mấy năm qua rồi, giờ đây nếu có gặp lại thì các cô đào đó đã ở tuổi sồn sồn, chớ không trẻ đẹp như Thanh Nga được, chỉ khoảng tuổi với đứa con gái của ông chưa đầy 20. Như vậy thì dứt khoát không có vấn đề thấy Thanh Nga trên sân khấu, mà phải là ở đâu đó, ở trường hợp nào đó. Thế nhưng nhớ mãi vẫn không ra, và giờ đây tại bờ sông nghe tiếng kêu chim bìm bịp, tức thì ông hình dung lại khuôn mặt của vị Nữ Vương trong giấc mộng khi đêm, thì rõ ràng hao hao với khuôn mặt Thanh Nga.
Ông Năm ngồi trầm ngâm suy nghĩ thì bà Năm kêu:
- Sao ngồi lâu quá vậy ông? Tụi nó đang chờ ông chỉ cho cách ráp chiếc bè.
- Thì nghỉ một chút cho đỡ mệt, cái chiếc bè thì làm mấy hồi.
Tuy nói thế, ông Năm cũng đứng dậy hướng dẫn mấy cậu trai làm chiếc bè, và độ vai mươi phút là xong, nhờ nước lớn tràn lên tới bờ nên chiếc bè được đưa xuống nước chẳng khó. Kiểm soát kỹ lưỡng sức chịu đựng, ông Năm nhận bốn góc chiếc bè thấy vững chắc, ông bảo bà vợ:
- Chiếc bè tốt lắm, bà mời cô Thanh Nga xuống đi.
- Chắc chưa vậy ông, cổ không biết lội đó.
- Tui coi kỹ rồi, bà khỏi lo.
Thế là bà Năm vừa kêu mời vừa từ giã Thanh Nga, và nhờ nước lớn chiếc bè cặp sát mé, Thanh Nga bước lên ngồi dễ dàng, kế được một cậu trai lội đẩy qua sông. Khi Thanh Nga đã lên bờ bên kia thì cậu nhỏ cho chiếc bè trở lại rước cô gái, và lần thứ ba thì chiếc xe đạp.
Sau lời từ giã nhắn nhủ cuối cùng, cô gái chở Thanh Nga ngồi đàng sau ba ga, chiếc xe theo đường bờ ruộng chạy lên con lộ số 8.
Lúc chiếc bè sắp sửa làm xong, thì một số người đang ở bến Trịnh Ðịnh Thảo thấy chờ đi xuồng lâu quá, đã đổ đến đây coi và khi biết được chiếc bè sẽ đưa người qua sông, nên họ ngỏ lời xin được đi. Ông bà Năm cũng đồng ý và khi thấy Thanh Nga và con gái đã lên xe đạp chạy đi, ông mới giao chiếc bè cho đám người cần qua sông kia. Thế nhưng, một người mới ngồi lên chiếc bè thì mấy người khác nắm kéo lại nói rằng mình hỏi trước, rồi la lối giành giựt với nhau khiến một cây chuối tách ra trôi đi, rồi hai cây, ba cây... Chiếc bè rã trôi theo dòng nước, và nếu có ai đứng gần thì nghe ông Năm nói nho nhỏ: “Thuyền rồng của Nữ Vương thì dân giả làm gì đi được chớ!”
(Còn tiếp kỳ sau)
|