Rank: Advanced Member
Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 18,432 Points: 19,233 Location: Golden State, USA Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
|
Gánh Thanh Minh với đêm hát cúng cô hồn
(tiếp theo kỳ trước)
Thanh Nga nghĩ bụng nếu là xe của Mỹ Dung thì chỉ có 3 người chớ đâu phải 4, và mong rằng chiếc xe bị tai nạn kia không phải là mấy người bạn của mình, cô chưa nghĩ ra là có một cô khác thế chỗ của cô trong chuyến đi. Thế nhưng, nghĩ gì thì nghĩ tâm trạng vẫn hồi hộp lo âu, cô hối thúc chú Tám tài xế chạy nhanh ra cầu Rạch Hào để xem tự sự.
Đến nơi thiên hạ vẫn còn đứng xem rất đông, họ ở đầy trên chiếc cầu nhìn xuồng giòng sông mà giờ nầy chiếc xe định mệnh vẫn còn trầm mình dưới giòng nước, người ta đang tìm cách kéo lên và thi hài các cô tử nạn đã được đưa vô nhà xác bệnh viện Phước Tuy.
Hỏi thăm những người có mặt ở đây và theo lời thuật lại về khoảng tuổi của các cô, về quần áo mặc, cũng như cô gái duy nhứt sống sót tên Sinh, thì Thanh Nga không còn nghi ngờ gì nữa, hai trong ba cô gái xấu số chính là những cô bạn từng có chương trình đi Vũng Tàu. Cô nghĩ nếu như không được mẹ và bà Vũ Nhân ngăn cản thì giờ nầy số mạng của mình ra sao? Và liền sau đó Thanh Nga kêu tài xế quay xe trở vô Bà Rịa để nhìn mặt 3 cô bạn thân lần cuối. Đứng trước mấy cái xác không hồn mà chỉ mấy hôm qua đây đã huyên thuyên trò chuyện, và đây là lần đầu tiên cô đã khóc thật nhiều, khóc thiệt chớ không như khóc trong lúc hòa mình với vai trò bi thương khổ ải trên sân khấu.
Sau cái hôm nhìn tận mắt các cô bạn ở nhà xác bệnh viện Phước Tuy, Bà Rịa thì về nhà Thanh Nga lâm bệnh nặng, suốt mấy ngày không ăn uống khiến cho bà bầu Thơ lo lắng, hết chạy thuốc đến chạy thầy, trong tâm trí bà nghĩ rằng ba cô bạn muốn “bắt” Thanh Nga đi chăng? Và do vậy mà sau cái đêm hát tại rạp Thuận Thành, khán giả không thấy Thanh Nga thời gian khá lâu.
Thanh Nga bệnh lần nầy rất lạ lùng, sáng đêm chẳng ngủ được, bởi mới vừa thấy cô ngủ được đôi chút thì lại trỗi dậy la thất thanh, hơi thở dồn dập, mệt nhọc, và vốn thân hình mảnh mai ốm yếu, bị bệnh kỳ nầy Thanh Nga càng ốm hơn nữa nên hầu hết mọi người trong gánh hát ai cũng lo ngại, họ cầu nguyện cho cô sớm qua khỏi để trở lại sân khấu.
Còn bà bầu Thơ thì sau cái tai nạn nói trên đã đến tạ ơn bà Vũ Nhân, bởi theo suy nghĩ của bà thì chính nhà tướng số Vũ Nhân đã cứu mạng Thanh Nga, mà diễn tiến sự việc đã nói qua ở các kỳ trước. Tuy vậy bà Vũ Nhân cũng không thể làm phép cho Thanh Nga hết bệnh ngay trong lúc nầy, và trong khi đang chạy thuốc thang cho Thanh Nga thì có một nghệ sĩ của đoàn, quê quán ở Long Điền, Bà Rịa đã mách cho bà bầu Thơ rằng ngoài đó có một ông thầy có thể trị bệnh cho Thanh Nga, bởi theo anh ta thì có thể Thanh Nga bị bệnh “tà” phải tìm thầy cúng kiến.
Bà bầu Thơ nghe theo, rước ông thầy vô Sàigòn trị bệnh cho Thanh Nga và ông thầy nầy không trị bệnh bằng thuốc, mà khuyên nên lập bàn hương án để ông làm phù phép, và riêng bà bầu Thơ thì ông dạy phải vái van cúng kiến thế nào đó để Thanh Nga khỏi bệnh (?), đồng thời ông cũng khuyên bà bầu Thơ là khi hết bệnh phải có một buổi hát cúng cô hồn.
Thật ra thì song song với việc nghe theo sự việc chỉ dẫn cúng kiến vái van của ông thầy, bà bầu Thơ vẫn cho Thanh Nga trị bệnh bằng Âu dược theo toa của bác sĩ Tây y và sau hơn một tháng điều trị Thanh Nga khỏi bệnh. Người tin dị đoan thì cho rằng do cúng kiến, kẻ không tin thì cho rằng nhờ thuốc tây và cũng có người nói rằng hết bệnh là nhờ cả hai thứ, cuối cùng rồi thì cũng không biết nhờ thứ nào mà hết bệnh.
Khi Thanh Nga vừa hết bệnh, ông thầy ở Long Điền, Bà Rịa bảo bà bầu Thơ phải thực hiện ngay một buổi hát cúng cô hồn tại cầu Rạch Hào, tức là nơi xảy ra tai nạn làm thiệt mạng 3 cô gái bạn của Thanh Nga. Ông thầy nói phải hát cúng thì ba cô mới để cho yên ổn, chớ không thôi thì mấy cô về phá phách Thanh Nga, cũng như phá gánh hát Thanh Minh không cho làm ăn.
Gánh Thanh Minh với đêm hát cúng cô hồn
(tiếp theo kỳ trước)
Vốn rất tin tưởng vào bùa chú, phù phép và những sự huyền hoặc vô hình, bà bầu Thơ chấp nhận ngay lời chỉ bảo gần như ra lệnh của ông thầy ở Long Điền, Bà Rịa và dự tính chương trình cho đoàn Thanh Minh lưu diễn Vũng Tàu để thực hiện đêm hát cúng cô hồn nói trên.
Thế nhưng, ông thầy chuyên trị bùa phép nầy là ai, “tốt nghiệp” trường lớp nào hay đã từng tu luyện trên Núi Tà Lơn mà có tài trị bệnh, đến đỗi ông nói gì người thân của con bệnh cũng nghe theo? Ông có tài thật sự hay do may mắn nhờ sự tin dị đoan của một số người, như trường hợp của Thanh Nga điều trị tây y song song với bùa phép của ông, để rồi khi hết bệnh ông được coi như là người thầy đã giúp cho bệnh nhân khỏi bệnh. Đối với những người tin vào bùa phép, tin vào huyền hoặc vô hình thì vô cùng kính phục ông, nhứt là thân nhân của những con bệnh sau khi được ông làm phép cho hết bệnh (?) thì tôn kính và luôn gọi là “ông Tề”, kể cả những lúc vắng mặt.
Theo như sự tìm hiểu dựa vào truyền khẩu và phỏng vấn những người biết rõ ông từ thời xa xưa lúc còn ở tuổi thanh niên, thì sở dĩ có biệt danh “ông Tề” là do vào khoảng đầu thập niên 1950 ở Long Điền, Bà Rịa tự dưng phát sinh ra bệnh dịch hạch, là một bệnh truyền nhiểm hiểm nghèo, mà tây y cho rằng căn nguyên là do loài chuột, nên cũng có người gọi là “bệnh hạch chuột”. Bệnh lây lan rất nhanh, và ai vướng phải thì chỉ vài ngày nổi hạch lên cơn sốt là theo ông theo bà, do đó gây kinh hoàng cho dân chúng địa phương kể cả các vùng lân cận.
Chính quyền thời bấy giờ (thời Pháp) đã lập hàng rào y tế “nội bất xuất, ngoại bất nhập” cho vùng Long Điền, và đến khi bệnh dịch bị đẩy lui thì trong số những người bị bệnh mà còn sống sót, có một nông dân không biết có phải do ông ứng bà hành mà tự xưng là Tề Thiên Đại Thánh. Những người có kiến thức cho rằng có lẽ do bị nóng sốt quá độ, ảnh hưởng đến hệ thần kinh nên ông ta ứng khẩu tự xưng như vậy, chớ Tề Thiên trong truyện Tây Du làm gì có thật. Thế nhưng có điều là tại sao ông ta nói trúng phóc nhiều việc, mà lại là những việc lớn mới là điều đáng nói, chẳng hạn như ông đem chiếc bàn ra để cạnh lộ với nhang đèn hoa quả bày biện như cúng lễ. Thiên hạ thắc mắc hỏi thì ông nói rằng: Vua Nhà Nguyễn hồi loan, sẽ đi ngang qua đây nên lo đặt bàn hương án! Người ta chỉ cười chớ chẳng ai thèm quan tâm việc ông nói, nhưng vài ngày sau đó thì xe nhà binh đổ lính đầy hết dọc con lộ giữ an ninh, do bởi Quốc Trưởng Bảo Đại về nước và đi nghỉ mát thăm biển Long Hải.
Và một lần nữa tại bến xe Long Điền, ông ứng khẩu nói rằng: Mai mốt đây buôn bán Sài Gòn phải đi ghe tàu, đường xe không chạy được đâu! Cũng chẳng ai để ý lời nói bâng quơ đó, nhưng không đầy một tháng sau Việt Minh đánh mạnh, Quốc Lộ 15 bị cắt đứt, dĩ nhiên từ Bà Rịa đi Sài Gòn phải dùng đường thủy.
Thêm một lần nữa khoảng Tháng Năm 1952, thiên hạ trồng đậu, khoai, cà, hoa màu các loại chờ ngày thu hoạch, các vườn xoài đầy bông trái, thì ông đi nghêu ngao nói: Trồng làm chi cho mệt, mai mốt đây bão lụt tiêu hết, vườn xoài rụng hết cho mà coi! Người chẳng quan tâm thì nói ông điên khùng, kẻ bực tức thì chửi mắng cho rằng miệng ăn mắm ăn muối nói bậy. Thế rồi sau đó trận bão lụt Nhâm Thìn 1952 cây trái hoa màu tiêu rụi hết!
Có sự trùng hợp như vậy nên khiến cho một số người tin rằng ông được Tề Thiên nhập nên mới nói đúng, và người ta đến nhờ ông lấy oai “ông Tề” đánh đuổi tà ma. Có lẽ nhờ cơ may đưa đến nên sau khi đem con bệnh đến, được ông dùng khúc cây giống như cây thước bản của Tề Thiên quơ đánh chung quanh người bệnh, và kế đó lấy tờ giấy được xé từ trong cuốn tập học trò, vẽ nguệch ngoạc nói là bùa phép, bảo thân nhân mang về để dưới chiếc gối nằm của người bệnh thì tà ma sẽ tránh xa.
Không biết lúc bấy giờ bệnh nhân có điều trị thêm thuốc men hay phương pháp nào khác hay không, chứ sau đó vài ngày thì con bệnh dần dần thuyên giảm, và thời gian thì khỏi hẳn. Sau khi khỏi bệnh người ta mang đến nhiều hoa quả, bánh trái cúng tạ ơn, đồng thời cũng không quên kèm theo “cái gói nho nhỏ” giống như Trùm Sò mang mâm lễ vật đến cho quan huyện.
“Tiếng lành đôàn xa, tiếng dữ đồn ba ngày đường”, người bệnh tìm đến ông Tề ngày một nhiều hơn, do đó mà từ một nông dân ở nhà tranh vách đất, chẳng bao lâu ông có nhà cao cửa rộng, không phải tay lấm chân bùn mà sau mỗi vụ mùa lúa thóc cũng đổ đầy bồ như ai vậy! Đến khi được bà bầu Thơ đến rước vào Sàigòn trị bệnh cho Thanh Nga, thì ông Tề bằng lòng (bởi ông rất thích coi cải lương) nhưng ra điều kiện là phải được ở một nơi yên tịnh, riêng biệt không chung chạ với ai, không ồn ào để ông lập bàn hương án làm phép trị bệnh.
Tuy điều kiện của ông ra thật khó khăn, bà bầu Thơ cũng chấp nhận và tìm thuê những căn biệt thự còn để trống chờ bán cho ông Tề ở, nhưng rồi đến khi đi xem từ căn nhà nầy đến biệt thự khác ông đều lắc đầu. Không biết có phải rằng ông gây khó dễ cho bà bầu Thơ để làm tăng giá trị của mình, hay là do điều gì đó bất tiện mà ông chẳng nói ra chăng? Nhưng cái lo của bà bầu Thơ là ông đòi đưa ra bến xe để về Bà Rịa, thì coi như hỏng hết, vì bà đang cần ông ở đây trị bệnh cho Thanh Nga, và cuối cùng thì bà nghĩ ra cách, bảo tài xế đưa đến khách sạn Majestic ở đầu đường Tự Do cạnh bờ sông Sàigòn, bà nói:
- Đi từ trưa tới giờ chắc thầy mệt, xin mời thầy vào đây ăn cơm chiều rồi tôi cho tài xế đưa thầy về cũng kịp mà, xe hơi nhà chạy mấy hồi.
- Thôi được, tôi chiều ý bà, ăn cơm rồi nhớ đưa tôi về sớm nghe hôn, đi về tối cô hồn dọc đường chạy theo phá phách, mất công tôi đánh đuổi nó!
Tuy mời ăn cơm chiều nhưng nhà hàng trong khách sạn Majestic không có cơm, chỉ có đồ Tây, và lúc mới vào thì ba người được một cô đầm trẻ đẹp vui vẻ bắt tay từng người (ba người vào khách sạn là bà bầu Thơ, cô đào chuyên đóng vai tỳ nữ và ông Tề, còn chú Tám tài xế thì ở ngoài giữ xe Simca), và có lẽ “nhân điện” của cô đầm có sức thu hút mạnh nên lúc ăn đồ Tây xong, ông Tề không nhắc đến chuyện đưa trở về Bà Rịa nữa.
Sau đó thì cô đầm khi nãy trở lại cùng một cô nhân viên người Việt đến chào mời, nói rằng bữa nay còn mấy phòng tốt và sang nhứt trong khách sạn, cửa day ra hướng sông, nếu có ai ở lại nghỉ thì cô đưa đi xem phòng.
Bà bầu Thơ nhìn ông Tề rồi nói:
- Hay là thầy nghỉ tại đây đi, sáng mai hãy về, trời tối rồi về ngoài đó cũng nghỉ ngơi thôi!
Ông Tề ngần ngừ chưa dứt khoát thì bà bầu Thơ bảo cô nhân viên khách sạn:
- Cô đưa thầy lên coi phòng đi, nếu thầy đồng ý thì tôi ký giấy mướn liền.
Bà bầu Thơ nói xong câu và cô nhân viên nói vài tiếng Tây, tức thì trong nháy mắt bàn tay ông Tề được bàn tay mềm mại nỏn nà của cô đầm nắm lấy xiết chặt kéo ông đứng lên và dẫn lên lầu coi phòng. Cô nhân viên người Việt đi theo và một lúc sau thì cô xuống báo cho biết là thầy đã chịu ở phòng đó, yêu cầu bà bầu Thơ ký giấy tờ thuê phòng, cô nói:
- Phòng đó sang nhứt trong khách sạn, cửa day ra sông mát lắm, bữa nay may lắm mới còn trống đó má Năm.
Cô nhân viên nầy từng biết bà bầu Thơ là chủ gánh hát Thanh Minh, và biết sớm muộn gì cũng được vé đi coi hát, nếu bà có liên hệ đến việc thuê phòng tại đây. Rồi vì do vô tình hay do quảng cáo mà cô nói thêm rằng, căn phòng đặc biệt kia từng được những ông lớn bên Tây chọn ở trong thời gian thăm viếng nước mình, cũng như từng là nơi nghỉ ngơi của tướng Văn Tiến Dũng, mà những năm trước đó Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến đã thuê cho phái đoàn Bắc Việt cư ngụ trong thời gian ở Sàigòn hội họp, thi hành Hiệp Định Genève 1954.
Ai ở cũng mặc kệ, bà bầu Thơ chẳng cần để ý chuyện đó, bà chỉ mong cho ông Tề chịu ở lại trị bệnh cho Thanh Nga mà thôi, vì bà rất tin tưởng điều trị bệnh loại nầy. Còn riêng về phần ông Tề thì từ một nông dân quê mùa ở một nơi xa xôi hẻo lánh Bà Rịa, giờ đây tự nhiên được mời thỉnh vô nghỉ ngơi trong khách sạn sang trọng nhứt ở đô thành, và lại được nhân viên khách sạn (cả đầm lẫn Việt) phục dịch, thì dĩ nhiên ở lại Sài Gòn “trị bệnh tà” cho thân chủ bao lâu cũng được. (còn tiếp kỳ sau)
|