Sắp thấy “sao chổi sáng nhất thế kỷ” Wednesday, July 24, 2013 12:44:20 PM
PASADENA, CA. (Space.com) – Sao chổi C/2012 S1 (ISON) mà các khoa học gia tin rằng sẽ là sao chổi sáng nhất thế kỷ khi đến gần Trái Đất vào tháng 11 năm nay, đang tiếp tục phát triển căn cứ trên những hình ảnh chụp được bằng viễn kính không gian hống ngoại tuyến Spitzer của NASA.
sao chổi ISONHình chụp qua viễn kính không gian Spitzer của NASA ngày 13 tháng 6, 2013 khi ISON còn cách xa Mặt Trời 312 triệu dặm (502 triệu km). Hình bên phải bằng ánh sáng thường và bên trái dùng tia hồng ngoại cho thấy cái đuôi bụi thoát ra từ sao chổi. (Hình: NASA/JPL-CALTECH/JHUAPL/UCF)
Hình chụp ngày 13 tháng 6 cho thấy khí carbonic CO2 và bụi thoát ra từ sao chổi đã tạo nên một cái đuôi dài 186,400 dặm.
Giáo sư Carey Lisse, khoa học gia thuộc phòng thí nghiệm vật lý ứng dụng của trường đại học John Hopkins ở Laurel, Maryland, và trưởng toán theo dõi sao chổi ISON của NASA, giải thích về việc này. Ông cho biết những quan sát trước đây bằng viễn kính không gian Hubble và từ các phi thuyền thám hiểm chỉ cho thấy hình ảnh khái quát về hơi thoát ra từ sao chổi và bây giờ viễn kính Spitzer mới xác định được rõ hoạt động ấy. Theo giáo sư Lisse: “Ước lượng mỗi ngày ISON phát ra khoảng 2.2 triệu pounds chất hơi có lẽ là khí carbonic và 120 triệu pounds cát bụi”.
ISON là tên viết tắt từ International Scientific Optical Network, hệ thống viễn kính quang học quốc tế. Sao chổi C/2012 S1 được hai nhà thiên văn Nga khám phá tháng 12 năm 2012 qua một viễn kính dùng gương lõm đường kính 0.4 mét ở Kidslovodsk.
Nhân của sao chổi C/2012 S1 ISON (cũng gọi là đầu sao chổi) lớn khoảng 3 dặm. Khi viễn kính Spitzer chụp được hình, sao chổi còn ớ cách xa Mặt Trời 312 triệu dặm (3.35 lần khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trời). Trên quỹ đạo, sao chổi sẽ đến cận điểm, nghĩa là gần Mặt Trời nhất, ở khoảng cách 724,000 dặm, vào ngày 28 tháng 11.
Theo dự đoán của các khoa học gia, sao chổi ISON xuất phát từ “đám mây sao chổi” Oort Cloud cách xa chúng ta từ 600 đến 6,000 tỷ dặm, và đây là lần đầu tiên sao chổi này đi tới gần Mặt Trời.
Càng tới gần Mặt Trời, nhân sao chổi chịu ảnh hưởng phát xạ của “gió Mặt Trời” sẽ thoát ra hơi và bụi tạo nên cái đuôi dài tiêu biểu của các thiên thể này. Vì ISON đi quá gần Mặt Trời hơn các sao chổi khác từ xưa đến nay, các khoa học gia chưa thể biết nó có bị tan rã hay không.
Hiện nay ISON còn ở quá xa nên chỉ xuất hiện như một điểm sáng rất mờ nhạt, mắt trần không thể nhìn thấy được. Tới cuối tháng 11 khi đi đến gần Mặt Trời, các khoa học gia hy vọng nếu ISON đừng bị tan rã quá sớm, có lúc nó có thể sáng ngang ánh trăng nghĩa là hơn tất cả mọi sao chổi nhìn thấy từ xưa đến nay.
Nhiều sao chổi có quỹ đạo ngắn, từ vài năm đến nhiều năm trở lại gần Trái Đất một lần. Quen thuộc nhất với nhân loại là sao chổi Halley, quỹ đạo tương đối ngắn, cứ 76 năm quay trở lại và người ta đã nhìn thấy vào các năm 1910, 1986, lần sắp tới năm 1062. Còn sao chổi ISON có quỹ đạo rất dài, nếu sắp tới đây không tan rã thì cũng phải hàng tỷ năm nữa chúng ta mới … hy vọng nhìn thấy trở lại ! (HC)/NV