Rank: Advanced Member
Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 18,432 Points: 19,233 Location: Golden State, USA Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
|
" Tết này có lẽ không về được "
Nguyễn Thị Chân Quỳnh
Tôi rời Hà-nội sang Pháp từ lâu, đã ăn cả mấy chục cái Tết tha hương, cứ mỡi lần Tết đến, tôi lại nhớ đến mấy câu thơ của Nguyễn Bính :
Tết này có lẽ không về được, Em gửi về đây một tấm lòng. Chị có một em, em một chị, Giời làm cách trở mấy con sông ! Em đi theo đuổi đời mưa gió, Chị vẫn môi son, vẫn má hồng.
(...)
Một lá thư này là tất cả Nỗi niềm tâm sự kẻ sang sông. (1)
Vinh, 1941
Tôi không nghĩ đời tôi có thể gọi là "đời mưa gió", nhưng chắc chắn là năm nay tôi lại cũng "không về được" và "giời làm cách trở" không phải chỉ "mấy con sông" mà là tới "mấy đại dương" !
Hồi tưởng lại khi còn bé, mỗi lần Tết đến sao mà háo hức..."A ha ! Còn 5 hôm nữa thì đến Tết !". Tôi và mấy đứa em nhẩy nhót, hò hét ầm ầm. Chúng tôi đếm ngày, trừ dần : còn 4 hôm, còn 3 hôm...
Muôn mầu tươi sáng, phấn, hoa, hương, Đời ngọt ngào như có vị đường. Tôi sống, tôi say, và mỗi Tết Lòng tơ thêm động chút yêu đương. (2)
Tết Hà-nội hồi ấy thật là vui :
Trên hè phố người đi tấp nập, Cu-li hình như muốn chạy gấp
(...)
Bạn ơi, Xuân đã đến nơi rồi ! (3)
Tuy các cửa hiệu không trang hoàng rực rỡ như lễ Giáng sinh ở Pháp nhưng cũng có mấy phố đặc bìệt khác hẳn ngày thường : Hàng Đường với tủ kính bầy đầy kẹo mứt, phố Hàng Bồ của tôi thì có các ông Đồ đến xin ngồi nhờ trước cửa hiệu, bán chữ :
Với mảnh chiếu rách giải trên hè, Những tờ giấy đỏ buộc cạp tre, Vài ông Đồ kiết tay thu áo, Cất giọng oang oang, đọc để khoe... (3)
Ngoài đường tấp nập, trong nhà cũng nhộn nhịp lau sập gụ, tủ chè, đánh bóng đồ đồng, gói bánh chưng, muối dưa hành, làm giò thủ, nấu đông... Hễ thấy nhà gói bánh chưng là tôi mon men lại gần, xin gói cho riêng tôi một cái bánh bé tí xíu, bằng lòng bàn tay, cũng đủ nhân hệt như cái bánh thường, hình như gọi là "bánh cóc".
23 tháng chạp cúng ông Công ông Táo là đã bắt đầu thấy quang cảnh Tết nhưng phải đến 30 mới thực sự có không khí Tết. Tôi đi ngủ mà nằm thao thức đón nghe tiếng pháo giao thừa nổ từ xa, rồi nổ đoành đoành ngay bên tai, mùi thuốc pháo thơm nồng : nhà tôi cũng đang cúng giao thừa. Văng vẳng có tiếng mẹ tôi sai bảo người nhà bầy bàn thờ ngoài sân. Tôi thiếp đi trong khói pháo, hương trầm, đèn nến chập chờn...
Mồng một bừng mắt dậy, đèn sáng choang, chói lòa. Tuy bà tôi không "ngồi trong ổ, mặc áo đỏ cho tôi" (4) nhưng tôi cũng xúng xính trong bộ quần áo mới còn nguyên nếp gấp.
Bàn thờ nghi ngút khói hương, đèn nến lung linh, hoa đào, hoa cúc, cẩm chướng, lay-ơn, bừng sáng rực rỡ, những chậu quất chi chít quả đỏ ối, những cốc thủy tiên quý phái, hoa trắng thanh tao, hương thơm thoang thoảng. Có một năm trời mưa phùn lấm tấm, tôi ra sân lần đầu tiên được ngắm những bông hoa lạc mai (lạp mai ?) nhỏ bằng đầu ngón tay, còn đọng nước mưa, cánh trắng muốt nhỏ li ti, giữa phơn phớt hồng. Mưa thấm ướt áo song tôi không thấy.
Hàng phố, nhà nào cũng đóng cửa im ỉm, người qua lại thưa thớt, vắng tanh, chỉ có xác pháo rải đầy hè như những cánh hoa đào rơi rụng.
Bà tôi năm nào cũng sang xông đất và "mở hàng" mừng tuổi cho chúng tôi. Cầm những tờ giấy hay đồng tiền mới tinh chúng tôi hí hửng cất kỹ, dệt mộng, nhưng nỗi vui quá ngắn ngủi, sau ba ngày Tết mẹ tôi bắt nộp hết tiền mừng tuổi, không cho "tiêu bậy". Giờ đây thì đến phiên tôi phải chuẩn bị những cái phong bao đỏ...
Cái Tết xa nhà đầu tiên của tôi ở Paris. Tôi là nội trú học sinh, thấy Tết đến làm đơn xin cho cả bọn Việt-Nam nghỉ ba ngày ăn Tết, bất đồ cha tôi viết thư sang xin cho tôi nghỉ có một ngày, bà Đốc cho là tôi gian dối, phạt cả bọn Việt-Nam không cho ai ra nữa. Tôi phải giải thích Tết Việt-Nam thường là ba ngày, có thể kéo dài tới bẩy ngày, nếu không tin tôi thì chỉ nên phạt một mình tôi, đừng phạt oan các bạn tôi. Rút cục bà Đốc tha cả bọn.
Chúng tôi hãnh diện mặc quốc phục, áo dài tha thướt, quần lụa trắng mỏng tanh, ngoài khoác "manteau", rủ nhau đi dạo Boul' Mich' (tiếng gọi tắt Boulevard Saint Michel ở xóm La-tinh, tức xóm học trò, quận 5, bị dân bản xứ chưa quen với quốc phục Việt-Nam, bình phẩm bô bô là bọn tôi mặc quần áo ngủ "pyjamas". Chúng tôi cười, không thèm chấp dân "nhà quê". Thời ấy Boul' Mich' có lệ lạ lùng là người ta đua nhau chỉ đi trên một hè phố bên trái tính từ sông Seine đi lên, một người bạn giảng cho tôi thế, tôi nhìn quả có thế thật, hè bên trái người đi nườm nượp, bên phải thưa thớt, hỏi tại sao thì không ai biết.
Đi thêm một quãng nữa thì đến vườn hoa Luxembourg nổi tiếng mà những người Việt nào học Pháp văn đều nhớ ngay đến những câu bất hủ của Anatole France :" Et les feuilles qui jaunissent dans les arbres qui frissonnent..." (5). Giờ đây Tết đến, lá vàng đã rụng sạch, hàng cây trụi chỉ còn trơ cành khô đen như những cái chổi xể dựng ngược in lên nền trời sáng mầu da bụng cá. Paris, "kinh đô của ánh sáng", mới lạnh lẽo và buồn bã làm sao !
"A, b, c, không có nhà, đi ở thuê" Chúng tôi trọ trong một khách sạn gần Boul' Mich', ngày ngày đi mua bánh mì về ăn với "pâté" cho đỡ tốn. Chưa quen cắp bánh mì đi đường, tôi nằn nì xin cho một tờ giấy để gói, lần đầu nhà hàng chiều ý, lần sau không cho nữa, tôi bèn giấu bánh vào trong áo "manteau", bánh còn nóng truyền hơi ấm sang nhưng về đến phòng thì đã nguội tanh nguội ngắt. Bây giờ sống ở đây lâu, mang bánh đi đường hệt dân bản xứ, tôi đã quên đi, không cảm thấy "xấu hổ" nữa, cho đến hôm thấy một cô bé mới ở Việt-Nam sang cũng không chịu mang bánh mì đi đường bắt gói lại tôi mới sực nhớ tới mình cái thuở xa xưa, đã lâu rồi... Chóng thật !
Hồi ấy ở Pháp phải giầu sang mới có nhà, có bếp để nấu ăn, tàng như chúng tôi thì ăn quán sinh viên 75 xu một bữa, Tết mới chung tiền rủ nhau đi ăn hiệu, khác với Hà-nội người ta thường chỉ ăn cơm nhà (năm 2000, tôi về Hà-nội thấy khác hẳn, dân chúng kéo nhau ngày ngày đi ăn hiệu, hay mua về nhà ăn, chứ ít khi nấu ở nhà). Hiệu Việt-Nam ở Paris lúc ấy rất hiếm, lại đắt, nhưng Tết đến chúng tôi cũng cố dành dụm đi ăn cơm ta. Vào hiệu, tôi ngẩn người nghe một cô bạn gọi thịt kho ! Ăn Tết sao lại gọi món thịt kho ? Ở lâu mới hiểu những món "cao lương mỹ vị" chả giò, miến, gỏi... thường được thưởng thức ở những chỗ bạn bè tụ hội nhưng những món tầm thường như dưa, cà, thịt kho thì lại ít khi được nếm. Đang ăn, bà chủ hiệu chạy lại hỏi han và khi biết chúng tôi sắp thi tú tài thì khuyên nếu vào Đại học chỉ nên thi từng chứng chỉ một, đừng ham ôm đồm quá mà "xôi hỏng bỏng không" vì trình độ mình còn kém, chưa thể đua đòi ngang sức người Pháp thi cả hai chứng chỉ một lúc được. Hỏi ra thì bà chủ hiệu cơm đang thi cử nhân Luật, tôi lấy làm kính phục lắm. Cuối bữa, một người bạn bật reo :"Bát rếch ! thế mà lâu nay nghĩ mãi không ra !" tôi tự bảo chắc anh này thấy mình mới chân ướt chân ráo sang đây nên "loè", làm gì hai chữ "bát rếch" mà "nghĩ mãi không ra" !
Lyon - Đỗ tú tài xong tôi tự thưởng, đi chơi hè chán chê, về mới lục đục nộp đơn xin vào Đại học, không biết rằng bên này phải chuẩn bị xin ghi tên từ trước khi có tú tài. Dĩ nhiên tôi nộp đơn chỗ nào cũng lắc, bấy giờ mới hoảng sợ, gõ cửa khắp nơi, vào cả trường "Agro" (6) lúc ấy đang hè, chỉ có ông canh cổng. Ông nhìn tôi thương hại, hói tôi đỗ tú tài ban nào, khi nghe ra tôi học ban "Sciences Expérimentales" (Khoa Học Thực Nghiệm) thì ông mỉm cười khuyên nên chọn trường khác, trường "Agro" không phải cứ có tú tài là vào được, dù là tú tài Toán chứ đừng nói tú tài Khoa Học (7), còn phải học thêm mấy năm dự bị, thi đỗ mới được học. Hóa ra mình điếc không sợ súng !
Cuối cùng tôi thi vào một trường tư dậy trồng hoa vì tôi vốn ưa trồng trọt. Tôi thi đỗ không khó khăn vì vừa học thi tú tài xong, chương trình khoa học hơi giống nhau. Theo lệ, đỗ xong tôi phải vào gập ông Giám đốc, ông hỏi tôi vào vấn đáp với ai, tôi thật thà nói không biết tên chỉ biết là một "ông già", ông Giám đốc hỏi lại :"Ông ta bao nhiêu tuổi mà cô gọi là già ?", tôi đáp :"Chừng 40 tuổi", ông phá ra cười và hỏi :"Như tôi đây (độ 60 tuổi) thì cô liệt vào hạng nào ?". Tôi ngẩn người, biết là mình nói hớ, nhưng không biết đáp ra sao.
Gia đình tôi phản đối không cho học trồng hoa, bắt phải học môn gì ở nhà không có trường dậy. Thế là tôi đi Lyon học Dệt. Xa nhà, sang Pháp mới quen được một số bạn, tôi không muốn rời Paris, song cũng đành "ngậm ngùi" khăn gói lên đường.
Trường Cao Đẳng Kỹ Nghệ Dệt ở Lyon rất có tiếng về ngành dệt tơ lụa truyền thống, họ còn giữ được những tấm gấm dệt từ mấy thế kỷ trước ở Viện Bảo Tàng. Trường đã khai giảng từ hơn một tháng, không hiểu sao lại chịu nhận tôi là nữ sinh đầu tiên vào ban kỹ sư. Đến lớp nghe thầy giảng bao giờ cũng trịnh trọng bắt đầu bằng câu "Mademoiselle, Messieurs", được gọi đến trước mọi người nghe cũng khoái. Trời rét, tôi mặc quần Tây đi học không biết rằng tôi là một "quái thai", song cả thầy lẫn bạn đều lịch sự không ai phẩm bình hoặc bảo cho biết là phụ nữ Pháp chỉ mặc váy hay áo đầm (robe), không ai mặc quần. Thảo nào tôi thấy trời lạnh cắt ruột mà mấy cô bé đi học chỉ được mặc có đôi tất lên đến đầu gối, còn từ đầu gối lên đến bụng hở hang có mỗi cái váy xoè, tôi thương hại và thầm trách bố mẹ không chăm sóc con, để con rét tím người (lúc ấy chưa có nhà vẽ kiểu trứ danh Yves Saint Laurent đưa ra mốt đàn bà mặc quần).
Dân Lyon "tỉnh lẻ", không quen thấy ngoại quốc như dân Paris, tôi đi đường có người nhìn từ đầu đến chân không đủ, đi qua còn quay ngược lại để nhìn cho rõ hơn ! Họ cũng khá kỳ thị, tôi thuê phòng ở tư gia đâu đâu cũng từ chối đến nỗi trường phải can thiệp, cuối cùng xin được cho tôi vào ở trong một tu viện, rẻ tiền nhưng kham khổ và kỷ luật thép.
Tết đầu tiên ở Lyon, mồng một trời nắng ráo nhưng lạnh kinh hồn, 16 âm độ (Lyon bao giờ cũng lạnh hơn Paris). Giở lịch ra xem : "Mồng một xấu ngày". Vốn không tin nhảm, lại đi học chậm cả tháng, tôi không xin nghỉ ăn Tết. Vả lại mới đến Lyon chưa quen người Việt nào, ăn Tết với ai ? Đến trường gập giờ vẽ, tôi lặng lẽ ngồi vẽ cảnh tuyết phủ trắng những mái nhà xám xịt. Tĩnh lặng và buồn !
Năm ngoái ở Paris, rủ nhau đi ăn mì Lyon, nổi tiếng rẻ, người Việt nào cũng biết. Hiệu mì Lyon ở gần trạm tầu hầm "Gare de Lyon" chứ không phải ở tận Lyon. Hình như nhà văn Võ Phiến từng nghe tiếng "mì Lyon" nên có lần đi qua Lyon mầy mò đi tìm không thấy đã viết báo than thở không hiểu nó nằm ở chỗ nào mà kiếm mãi không ra ! Đây là một hiệu Tầu, đồng hồ lúc nào cũng chỉ 12 giờ 30, mì đựng trong bát chậu, nước lõng bõng chẳng hấp dẫn tị nào, tôi tần ngần nhìn, ngại ngùng không muốn cầm đũa lên :
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, Chẳng thanh, chẳng lịch cũng người Trường-an. (8)
Hà-nội của tôi bát to nhất là bát chiết yêu, miệng tuy rộng hơn bát ăn cơm nhưng thắt đáy, không đựng được nhiều, bát chậu đúng là dành cho những sinh viên đang sức lớn cần ăn lấy nhiều mà túi tiền lại eo hẹp. Tiếng là rẻ nhưng thực sự ăn mì Lyon lúc ấy đòi hỏi chúng tôi một sự hi sinh đáng kể. Còn nhớ khi mới thi đỗ tú tài tôi được một anh bạn mời đi "ăn khao" mì Lyon, thực thà đánh một câu rất tự nhiên :"Tôi mời chị hôm nay là mất một tuần đi làm của tôi đấy" (anh là sinh viên, làm giám thị một trường trung học) làm tôi càng hết muốn ăn !
Chúng tôi đi tầu hầm mải nói chuyện, quên xuống ga, lúc nhớ ra vội đua nhau tới tấp nhẩy xuống, cô bạn N. ngã một cách "rất xinh" làm cả bọn cười ngặt nghẽo, các chàng Pháp galants (nịnh đầm) chạy vội lại vừa cười vừa đỡ dậy... Năm nay Lyon rét căm căm, đường xá ngập băng tuyết đến cổ chân, tôi run lập cập đi tắt về nhà cho nhanh, không ngờ đường dốc, đất trơn, tôi "vồ ếch" nhưng ếch Tây lẩn trốn quá nhanh chẳng bắt được con nào cả. Tôi nghĩ bụng kể ra mình ngã cũng khéo không kém N. thế nhưng chỉ có mình cười với mình, biết thế không ngã làm gì !
Mồng hai, đến trường, một người Pháp bạn học chạy lại chúc một câu :"Bonne Année !", có thế mà cảm động. Câu chúc đầu tiên của một người xa lạ, ở một xứ xa lạ.
Anh bạn Cao-mên, học lớp dưới nhưng nghĩ tình đồng chủng, mời đi ăn Tết với nhóm bạn Cao-mên (lúc ấy tôi tưởng họ cũng ăn Tết cùng ngày với mình nên nhận lời). Cũng vui nhưng họ nói tiếng Việt không thạo, tôi lại một mình đại diện phái nữ càng lẻ loi. Tuy trước khi đi tôi đã báo sẽ về "muộn" biết rằng tu viện đóng cửa sớm, nhưng mới 9 giờ 10, vừa bấm chuông cửa đã mở ngay, bà Mẹ Nhất đứng chực sẵn, thì thào trách khéo :"Chắc đây là trường hợp đặc biệt ? Mong rằng cô đừng tái diễn...". Cuối năm học, tôi dọn đi.
Nhà gửi ảnh chụp cả gia đình hội họp đông đủ ăn Tết, càng thấm thía cái Tết vô vị bên này.
- Tết năm sau đã khác. Tối 30 tôi đi ngủ sớm để mai còn đi chợ, về học đến trưa thì hẹn bạn Việt đi ăn cơm sinh viên quán MEC (Maison des Etudiants Catholiques, không phải chỉ dành riêng cho người có đạo) được kể là ăn ngon. Ăn xong chúng tôi rủ nhau đi chơi chung, lang thang dạo phố, 22 độ dưới số không. Ngoài đường, tuyết từ mái nhà, từ ống khói, tan rữa chẩy xuống gập lạnh đông lại như những nhũ đá trong các hang động, chúng tôi chỉ mặc "manteau" len, xuýt xoa kêu lạnh nhưng vẫn kéo nhau đi. Tối ăn quán sinh viên Foyer International rồi mới chia tay về. Ăn tồi nhưng gập đủ mặt anh tài : D. đầu năm không sợ rông vẫn "hầu bàn", T. ăn cùng với P., chuyện lạ, hai người vốn giận nhau từ lâu ai cũng biết, thế mà bây giờ lại "xóa bỏ hận thù", Tết có khác !
Kể như đã quen với Tết tha hương, năm nay tôi dửng dưng hơn năm ngoái. Năm ngoái còn ngồi hậm hực, oán trách những ai không nghĩ đến gửi thiếp chúc Tết mình, năm nay có thiếp đến nhưng đọc thấy sao nhạt phèo. Muốn đi Paris gập bạn trên ấy nhưng :
Tiền tầu ngại tốn, con đường thì xa (5 tiếng tầu suốt) Người đi, ta ở lại nhà, Cái dưa thì khú, cái cà thì thâm ! (9)
Tôi "ở lại nhà", không có "dưa khú, cà thâm", nấu một nồi cháo trắng ăn với trứng tráng "jambon " (chân giò ướp rồi luộc, thái mỏng từng khoanh), gọi là "ăn Tết", ít ra cũng "sang" hơn quán sinh viên.
Ống khói lò sưởi rơi ra hai mảnh, không lắp lại được, nhà có than mà không dám đốt sợ cháy nhà ! Nhớ năm ngoái thiếu kinh nghiệm, đợi nhà hết than mới đi mua, gập lúc tuyết xuống người ta đổ xô nhau mua than trữ, đến phiên tôi một nắm than cũng không còn, rét quá phải đến thư viện ngồi, tối về đun nước sôi chế "bouillotte" (bình cao su để chế nước nóng sưởi) chui vào chăn ngủ. Năm nay biết thân đã mua than trữ, không ngờ ống khói tụt ra hai mảnh, đúng là "chó cắn áo rách", hà tiện thuê phòng rẻ nên hết máy nước nhỏ giọt thì đến ống khói dở chứng !
- Lại một năm qua. Năm nay sinh viên Việt rủ nhau chung tiền nấu ở nhà, chia công việc. Có người đề nghị làm gà chặt bỏ đầu cổ, đỡ phải nhổ lông, một anh bạn quen tần tiện vội kêu :"Ấy chết ! Sao lại chặt đầu đi ?". Nhưng hỏi ai tình nguyện nhổ lông thì thấy im phăng phắc, con muỗi có bay qua chắc nghe cũng rõ (nhưng mùa đông ở Pháp làm gì có muỗi ?), thế là con gà đương nhiên bị chặt cụt đầu như Mỵ Nương ở Cổ Loa, chỉ khác không ai thờ cúng.
Làm thang không có bún, chúng tôi lấy mì thay, không có giò thì tạm dùng "mortadelle" (tựa như giò thúc mỡ nhưng không ngon bằng), tôm khô không có đổi ra ruốc thịt, không có cối giã thì có người đề nghị lấy đinh ghim khều từng sợi, "bắt chước anh D." (anh D. lúc ấy xấp xỉ 30 nhưng chúng tôi le lưỡi nhìn nhau, ai cũng cho là già quá cỡ !) nhưng chẳng ai chịu nhận công tác này, thế là "exit" món ruốc !
Mồng 1, chín mống họp nhau ở nhà chị A., có cả anh S. lấy tầu từ Saint Etienne đến dự, có lẽ ở St Etienne ít người Việt.
Cơm canh linh đình, đặc biệt nổi đình đám là món thang, không có ruốc, không có giò, không có bún, không có rau răm, không có trứng muối thế mà ai cũng xì xụp khen ngon. Chúng tôi tự cho là tốt số còn được thưởng thức hương vị Tết, nghĩ thương hại một người đồng hương đã già, vợ đầm, thèm cơm Việt mà không dám ăn vì các con lai thấy mùi nước mắm là bịt mũi... Chúng tôi vốn chỉ định làm có một bữa, song ăn không hết, ngồi họp chuyện vui, ai cũng rỗi rảnh nên cả bọn đồng ý ở lại ăn bữa chiều. 11 giờ đêm tối mù mịt mới lấy xe buýt về, áo không đủ ấm, run lập cập. Không có pháo, không đèn hương, không ai mặc áo mới nhưng họp nhau trò chuyện cũng có tí hương vị Tết.
Mồng 2 mở mắt ra đã 3 giờ 15 chiều ! Tưởng đồng hồ chết vì quên lên giây cót, nhưng nghe vẫn thấy tích tắc. Chắc tại hôm qua về khuya, trời lại lạnh nên ngủ ngon giấc một mạch, bỏ cả cơm trưa. Nhìn ra tuyết ngập bờ cửa sổ, leo lên che lấp một phần cửa kính như đường cát bám vào. Phòng tối âm u và lạnh lẽo, lò sưởi hết than tắt ngấm từ bao giờ. Mặc áo đi chợ, tuyết phủ ngập đường, dầy tới nửa gang tay, mênh mông bát ngát một mầu trắng xóa, trắng rợn người, không biết đâu là đường xe chạy, đâu là hè. Một bãi cát trắng phẳng lì, mới tinh khôi không dấu chân người, im phăng phắc, đẹp lạnh lùng và giá buốt mặc dầu theo lý thì tuyết xuống trời phải ấm hơn.
Về ngồi viết một đống thư chúc Tết.
Trở lại Paris - Tuy ở Lyon tôi cũng có một số bạn nhưng học xong ba năm là tôi hành lý lên đường đi Paris ngay, bạn đông và vui hơn.
Xin được một chỗ thực tập ở ngoại ô, đường xa và công việc khá vất vả, lương không nhiều nhưng đủ sống. Ngày Tết vẫn phải đi làm, không được nghỉ vì không phải ngày lễ của Tây. Giới kỹ nghệ tính toán rất sát chứ không "đại khái" như kiểu Việt-Nam. Tôi ngạc nhiên, và có hơi khinh thường, khi nghe ông Giám đốc dằn từng tiếng trách người giúp việc là làm như thế có biết thiệt hại bao nhiêu không ? mỗi thước vải sẽ tốn thêm những 3 xu ! Tôi nghĩ bụng 3 xu thì là bao, nghĩa lý gì mà làm to chuyện thế ? Giờ nhớ đến câu Samuel Baron (một người lái buôn lai Hòa Lan, thế kỷ 17) bình phẩm người Việt cũng có phần nào đúng :"Đã nghèo, không tiền nhưng lại khinh tiền". Tôi mới ra đời, không hiểu rằng ba xu tuy không là bao nhưng nhân lên cả triệu thước vải thì sẽ là một món tiền khổng lồ. Họ tính từng xu như thế mong gì xin nghỉ ăn Tết ? Thế là tôi đi làm như thường, tối về mới thắng bộ thay áo dài, trang điểm trong hai mươi phút để đi dự dạ hội. Tuyết ngập cổ chân, đường đá trơn tuột vẫn cố diện giầy cao gót nhọn như cái đinh, đi không vững nhưng là mốt !
Khu La-tinh ở Paris có nhà Hát lớn Maubert Mutualité nổi tiếng. Người Việt, cả hai phe "ông Hồ", "ông Diệm" năm nào cũng thuê để lấy chỗ trình diễn kịch Tết, khiêu vũ... Dân chúng nô nức đi xem cả hai bên, coi đấy là một dịp gập gỡ bạn bè, người đồng hương. Tôi cũng đi và lấy làm ngạc nhiên thấy có những bà chưa già, áo dài còn mới tinh nhưng kiểu lại "cổ lỗ sĩ", thì ra bên này thường mặc đầm cho tiện, áo dài chỉ Tết đến mới giở ra. Thời ấy không mấy ai theo sát mốt bên nhà và dù có muốn theo cũng không có thợ may bên này. Các bà các cô đã bắt đầu trang điểm theo dân "bản xứ", mặc đầm và không ngại đeo nữ trang giả, những chuỗi "kim cương" lóng lánh ánh đèn trông cũng sang trọng (năm 2003 ở Hà-nội vẫn còn những người chê đồ "Mỹ ký"), chải tóc rối chứ không "đóng hộp" quê mùa, những sợi tóc quăn buông rủ xuống trán, xuống tai, xuống cổ, trông ra vẻ như người luộm thuộm, lôi thôi mà thực ra là cả một nghệ thuật.
Từ khi tôi sang Pháp, Paris vẫn chia hai nhóm. Năm ấy khiêu vũ, các nhạc công người Pháp đang tấu nhạc Tây phương nửa chừng bỗng đưa ra một bản nhạc Việt-Nam (không nhớ bản gì). Dân chúng kinh ngạc đứng lặng người rồi bỗng pháo tay nổ rầm rầm. Một sáng kiến của Hội Liên Hiệp Việt Kiều.
3 giờ đêm mới về tới nhà. Đang ngủ ngon thì bộp một cái, bình hoa tulippes đỏ để trên kệ lâu ngày thiếu nước, phòng lại sưởi nóng, hoa nở rộng thành "nặng bồng nhẹ tếch", bình đổ ập xuống giường. Tôi đang ngủ, thò tay toan hất ra, sờ thấy cái gì mềm mềm, bật đèn lên mới biết là cánh hoa phủ đầy người. May quá, nếu hất mạnh thì bình hoa đi đời. Ngủ với hoa, nào phải chỉ có truyện Liêu trai ?
Bà dì tôi chuẩn bị nấu mứt ăn Tết. Không có quất, nấu "carottes" thay vào cũng đỏ, tôi có phận sự ngồi tỉa hoa. Buồn thay tỉa công trình như thế mà "carottes" nấu lên chín mềm, hoa lá biến thành một mớ hỗn độn, thế nhưng dì tôi vẫn không nản, hôm sau lại đem "carottes" ra "dì cháu mình tỉa", song tôi cương quyết từ chối. Phải nhớ là "dì cũng như mẹ" mà "con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư", song tôi biết mình đang đi trên con đường một trăm linh một nên dứt khoát phản đối. Không phải hễ cha mẹ phán gì con cũng phải tuân theo, Khổng Tử bảo thế.
Ở tư gia Tết chỉ có ăn uống rồi quay ra nói chuyện, đàn hát, ngâm thơ... Còn nhớ một chuyện khá ngộ nghĩnh : một ông thích văn nghệ đem truyện Kiều ra bàn :
Hỏi ông, ông mắc tụng đình, Hỏi nàng, nàng đã bán mình chuộc cha, Hỏi nhà, nhà đã dọn xa, Hỏi chàng Vương với cùng là Thúy Vân...
Ông nhất định cho là từ xưa đến nay người ta đọc sai, câu cuối phải đọc là :
Hỏi chàng Vương với cùng bà, Thúy Vân.
mới đúng, bởi không thế thì hóa ra Kim Trọng thiếu lễ độ, hói thăm khắp mọi người mà lại quên mất Vương bà ! Chúng tôi lăn ra cười. Tết nhất cười là đúng điệu lắm !
Lâu dần thấy dửng dưng với Tết và dạ hội, chẳng có gì mới lạ, chẳng có gì đáng nói, gập toàn những người năm nào cũng gập, cũng chừng ấy câu chuyện xã giao. Tôi đã bỏ nghề cũ vì dị ứng với hóa chất, chuyển sang học Anh văn. Đi dậy học thỉnh thoảng được một cô học trò bé bỏng đến thỏ thẻ chúc Tết, thấy người mình quả có tình nghĩa, đôi khi một vài cô đầm cũng đến chúc Tết tôi mới sực nhớ ra là Tết đã đến !
Ngày tháng theo nhau qua, Đời hiu hiu xế tà... (10)
Không vui mà cũng không buồn, quả nhiên "Rượu hả hơi rồi, hết vị men" ! (2)
Khi mới sang, mỗi lần sắp đến lễ Giáng sinh, thấy người Pháp tưng bừng sắm sửa, chăng đèn, kết hoa, tôi cũng tò mò đi xem các cửa hiệu lớn bầy hình nộm trong tủ kính, diễn nhiều cảnh trí rất đẹp, người lớn trẻ con sắp hàng nô nức đi xem, "dập dìu tài tử giai nhân...". Vui thì có vui nhưng mà là Tết của người, "Đình đám người..." nào phải Tết của mình ? Khi đến Tết Việt-Nam thì ngoài đường tẻ ngắt, người đi lại bình thường, các hiệu không đóng cửa, không có pháo nổ xác đỏ hè... Tết ở đâu ?
Dần dần chúng tôi bắt đầu hội nhập, đằng nào lễ Giáng sinh và Tết Tây cũng được nghỉ, tội gì không họp nhau lại cho vui ? Thế là chúng tôi bắt đầu viết thiếp chúc lễ Giáng sinh và Tết tây, tổ chức ăn uống, mua quà cho con trẻ, rồi người lớn cũng được quà "cho vui" và dĩ nhiên không quên tiền phong bao cho những người canh cổng, người phát thư, người đổ rác, móc cống... Ở Anh có tục gói những gói quà nho nhỏ, không cần phải đắt tiền nhưng thực nhiều, ngồi mở quà mất cả buổi, giấy gói xanh đỏ óng ánh ngập phòng, không phải là không đẹp mắt nhưng tôi thiên vị cứ thấy xác pháo đỏ đẹp hơn, lại thêm mùi pháo thơm gợi cảm.
Vừa xong Tết Tây là đến lễ "Fête des Rois" vào ngày mồng 6 tháng giêng Tây, nhưng thực sự kéo dài cả tháng. Người Pháp có tục hội nhau ăn bánh "galette des Rois", một loại bánh nướng vỏ bằng bột mì trộn bơ cán từng lớp mỏng (mille feuilles) trong là hạnh nhân tán trộn với đường và trứng, có giấu một hột đậu hay một tượng nhỏ bằng sứ, ai nhận được trong phần bánh của mình là người ấy được bầu làm Vua, có vòng giấy trang kim đội đầu hẳn hoi. Có người sưu tập cả ngàn tượng nhỏ, nhiều cái rất đẹp. Năm tôi mới sang, không biết tục lệ này, đang nhai bỗng thấy "cộp" một cái, điếng hồn tưởng vỡ răng, tôi nhả ra một tượng sứ bé tí tẹo, còn đang ngơ ngác thì mọi người cười ồ và đội cho tôi cái "vương miện".
Sau Fête des Rois, chưa kịp thở, Tết ta đã đến sau lưng, lại một màn ăn uống, quà cáp, hội họp cả tháng vì không phải ngày lễ của Tây, không được nghỉ, nên phải đợi cuối tuần dân chúng mới tụ hội gập nhau, hết nhà này mời đến nhà kia, hết Hội này đến Hội khác, chúng tôi không ăn Tết ba ngày hay bẩy ngày, Tết của chúng tôi kéo dài nhiều tuần, thường là bắt đầu ngay từ trước Tết vì nếu chậm không mời để người ta mời mất thì đành phải tổ chức vào những ngày khác xa Tết hơn, có nơi đến tháng ba vẫn còn gửi giấy mời đi ăn Tết, không ai ngạc nhiên cả.
Tháng giêng là tháng ăn chơi,
Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè...
Vui nhưng mệt. Cho nên bây giờ cứ sắp đến lễ Giáng sinh là tôi bắt đầu "sợ" : phải nhớ gửi thiếp chúc Tết không được quên ai, không được nhầm lẫn gửi thiếp giống nhau cho những người quen nhau, lại phải nhớ làm cơm mời người này, người kia... và hiểu thấm thía tại sao hồi bé khi chúng tôi háo hức mong chờ, Tết vui thích như thế mà mẹ tôi lại ngâm nga :
Tết đến sau lưng,
Con trẻ thì mừng, bác mẹ lo điên !
Do "giao lưu văn hóa" bây giờ người Pháp mỗi năm cũng chiếu mấy phút trên đài truyền hình cho xem "người Tầu" ăn Tết, múa lân ra sao... Tầu hay Việt-Nam đối với họ, nói chung, cũng thế cả chỉ những người có tiếp xúc nhiều với người Việt mới học đòi phân biệt, và cái họ phân biệt trước nhất là món ăn, phần đông rất thích cơm Việt-Nam vì không nhiều dầu mỡ như cơm Tầu, đặc biệt thích chả giò mà họ gọi là "nem" theo kiểu người Bắc. Có một hiệu Tầu (Hẩu Ký) ở Paris chuyên làm món ăn bán buôn cho các hiệu thực phẩm ở quận 13, không những bắt chước làm chả giờ còn "ăn gian" : chả giò loại chỉ có thịt lợn thì gọi là chả giò Việt-Nam, trộn thêm một ít tôm cua, ngon hơn thì họ đề trên nhãn hiệu là "chả giò Trung quốc" ! Mấy chú "con Trời" quả là hay nhận vơ, chuyện chả giờ của Việt Nam rành rành ra đấy ai cũng biết, "chả giò" thực của họ "dở ẹc", trong chỉ có giá và mỡ làm gì có cua và thịt thế mà họ dám trắng trợn nhận vơ trên nhãn hiệu, một nghìn năm nữa ai biết đấy là đâu, cứ gây được hoang mang cũng có lời rồi, cũng như chuyện trống đồng ! Người Pháp bất chấp, vẫn tiếp tục gọi "nem", và "nem" vẫn là của Việt-Nam, ai cũng biết.
Khi tôi mới sang Pháp ở Paris chỉ thấy có một hàng hoa chỗ chợ Maubert, quận 5, đon đả mời chào khách Việt-Nam mua hoa đào ngày Tết. Tôi đi qua họ gọi :"Mademoiselle, c'est le Têt ! C'est le Têt !" và chìa ra một bó hoa đào, thật ra là những cành hoa táo thẳng một gióng, bó lại thành bó. Họ bắt chẹt, bán rất đắt. Bây giờ thì ngoài chợ Tầu quận 13, các chợ vùng phụ cận Paris như Bourg-la-Reine, Châtenay-Malabry vv. mỗi lần Tết đến là các hàng hoa đều sẵn có hoa đào phục vụ khách da vàng. Có năm tôi chậm chân, hoa bán hết, về phàn nàn với hàng xóm là Tết mà không có hoa đào thì không phải là Tết. Tưởng nói chuyện chơi, không ngờ tối mịt mà họ còn điện thoại đi khắp vùng rồi phóng xe mua về một bó hoa to tướng cho tôi đỡ nhớ nhà !
Tết ở Paris ngày nay không thiếu thứ gì, từ bánh chưng bánh tét, giò lụa, giò bì, chả quế, đến rau răm, thìa là, giềng, nghệ, bánh mứt, thủy tiên, quất, nhãn, bưởi, đèn lồng, giấy đỏ với hàng chữ chúc tụng "kim ngọc mãn đường" hay "nhất bản vạn lợi"...
Song tôi vẫn cứ muốn nếm lại mùi vị Tết quê nhà. Có người làm tôi cụt hứng :"Bây giờ ở Việt-Nam không khí ngày Tết không tưng bừng như xưa đâu, không có chuyện đánh bóng đồ đồng, tủ chè, sập gụ, cũng không ai nấu bánh chưng, người ta đi làm, chiều về mới chạy vội đi mua bánh, sắm Tết !". Tôi chưng hửng. Một người khác bồi thêm :"Tết Hà-nội lạnh lắm, ở bên này quen có sưởi, về không chịu nổi đâu !". Tôi nửa tin nửa ngờ. Tôi sinh trưởng ở Hà-nội, còn lạ gì cái rét của Hà nội, bất quá 7 hay 8 độ, đã lấy gì làm buốt giá như ở Pháp, sao xưa kia tôi vẫn chịu được ? Còn những người Hà nội chính cống, sống ngay tại nơi "nghìn năm văn vật" thì cả quyết Tết vẫn vui, các hiệu vẫn đóng cửa, người ta vẫn mặc áo mới đi chúc Tết nhau, vẫn có hoa đào, hoa cúc, bánh chưng, dưa hành...
Đành rằng bây giờ tôi không đủ sức chống lạnh như xưa, sự đời tôi cũng đã từng trải, tôi không còn trông đợi một cái Tết "muôn mầu tươi sáng" của ký ức, Tết trong ký ức bao giờ cũng đẹp, như bánh trong ký ức bao giờ cũng ngon, nhưng biết đâu "đời hiu hiu xế tà" vẫn có thể "ngọt ngào như có vị đường", tùy ở mình, tùy ở cách nhìn đời và nhận định cuộc sống mà thôi.
Tôi nhất quyết về nếm mùi vị Tết quê hương nhưng trớ trêu là mấy lần về, lần nào tôi cũng hụt ăn Tết. Năm nay (2003) loay hoay thế nào tôi cũng lại chọn về vào Tết Trung thu, được ăn bánh dẻo, cốm tươi, xem múa sư tử, nhưng không có cái không khí Tết nguyên đán, cho hay "người định không bằng Trời định". Chẳng nhẽ một năm về hai lần ? Thành thử Tết này lại cũng "không về được", đành khất đến lần sau vậy. "Promis, juré !" (Hẹn và thề như thế !)".
Châtenay-Malabry, tháng 12, 2003
Nguyễn Thị Chân Quỳnh
CHÚ THÍCH
(1) Nguyễn Bính (1918-66), "Xuân tha hương", Tuyển Tập Nguyễn Bính. Hà nội : Văn Học, 1986.
Mấy câu thơ trong bài tôi chép theo trí nhớ, hơi khác với bài trích trong Tuyển Tập :
Tết này chưa chắc em về được, Em gửi về đây một tấm lòng. Ôi ! chị một em, em một chị, Giời làm xa cách mấy con sông. Em đi dang dở đời sương gió, Chị ở vuông tròn phận lãnh cung...
Theo Tuyển Tập thì bài đăng báo lần đầu dài một trăm câu, sau Ngưyễn Bính sửa, rút ngắn, in trong Nước Giếng Thơi, rồi người biên soạn Tuyển Tập lại bớt thêm tám câu nữa. Có lẽ bài tôi đọc là bài in lần đầu ?
(2) Lan Sơn (1912-1964/5 ? ), "Tết và người qua", Thi Nhân Việt Nam, của Hoài Thanh và Hoài Chân, 1940 ; Saigon : Hoa Tiên tái bản lần thứ hai, 1968.
Phạm Thanh, tác giả Thi Nhân Việt Nam Hiện Đại (do Sống Mới tái bản nhưng không đề năm), trong Tập I I, cho biết "nghe nói" Lan Sơn mất "cách đây bốn hay 5 năm". song không chua rõ ngày tháng nên không hiểu "đây" là năm nào. Dựa vào bài "Cảm đề" của tác giả ghi năm 1959 in ở đầu tập I, tôi đoán Lan Sơn mất khoảng 1964.
(3) Thơ Minh Khuê, mất năm 13 tuổi.
(4) Mấy câu này trích một bài thơ Tết, không nhớ tên tác giả :
Sáng hôm mồng một Tết, Đèn nến thắp sáng trưng, Bà tôi ngồi trong ổ, Mặc áo đỏ cho tôi...
(5) "Lá vàng úa dần trên những hàng cây run rẩy ..." của Anatole France (1844-1924), giải Nobel 1921, Le Livre de Mon Ami.
(6) Trường Agronomie dạy Nông nghiệp, một trong những trường nổi tiếng của Pháp, thi vào khó.
(7) Vì chiến tranh, tôi thành học muộn, phải nhẩy lớp để thi tú tài, nhà trường cho là thiếu căn bản không nhận vào ban Toán.
(8) Ca dao
(9) Theo Tuyển Tập Tản Đà, Hà nội : Văn Học, 1986, thì năm 1923 Tản Đà (1888-1939) có làm bài thơ đăng báo :
Muốn ăn rau sắng chùa Hương, Tiền đò ngại tốn, con đường thì xa. Người đi ta ở lại nhà, Cái dưa thì khú, cái cà thì thâm.
Ít lâu sau nhận được một bó rau sắng (một thứ rau lá nhỏ, nấu canh không cần thịt cũng ngọt) gửi qua Bưu điện kèm với bài họa :
Kính dâng rau sắng chùa Hương, Đỡ ai tiền tốn, con đường đỡ xa. Không đi thì gửi lại nhà, Cho dưa khỏi khú, cho cà khỏi thâm.
Đồ Tang nữ bái tặng
(10) Vũ Hoàng Chương (1916-76), "Đời tàn ngõ hẹp", Mây. Saigon tái bản, 1959.
|