Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

20 Pages«<1011121314>»
Ký lai rai
Phượng Các
#221 Posted : Tuesday, March 12, 2013 9:58:25 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)








Vài hình ảnh trên đảo
1 user thanked Phượng Các for this useful post.
ngodong on 4/10/2013(UTC)
Phượng Các
#222 Posted : Wednesday, April 10, 2013 11:12:04 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Ngày thứ nhất
Indian Wells Tennis Garden

Bạn có nghe nói về Time Share không vậy? Đây là một kiểu dịch vụ thương mại mua chung nhà với nhiều người khác và mỗi năm mỗi thành viên sẽ chia nhau ở một số ngày. Tất nhiên đây là kiểu mua dành cho các chương trình nghỉ dưỡng. Cái bất tiện là cứ nghỉ dưỡng là bạn chỉ được về căn nhà chung đó mà thôi. Thế là lại nảy sinh ra các chương trình mua nơi nghỉ dưỡng mà được ở nhiều nơi để mỗi năm người tham gia có thể đi đến các nơi khác nhau. Phẩm chất của nơi nghỉ dưỡng nói chung là tuỳ mức tiền đóng. Và để dụ dỗ khách hàng chịu hạ bút ký vào công tra, họ đã mời khách tới ở thử một hai bữa cho biết. Đó là duyên cớ tôi đi đến tới mé vùng Palm Springs đầu xuân này.
Công ty cho vài chọn lựa. Người bạn chọn Palm Spring vì muốn phối hợp với việc đi xem một cuộc đấu quần vợt ở thị trấn Indian Wells gần đó, và tôi được rủ đi chung với hai người nữa. Nhưng hai người này hủy bỏ chuyến đi. Vậy là chỉ còn hai chúng tôi. Palm Springs cách Los Angeles độ hai giờ lái xe trên xa lộ số 10. Đi độ chừng 1 giờ rưỡi thì bắt đầu thấy bên phải có nhiều những cây quạt gió tạo năng luợng đuợc trồng rậm rịt. Thứ này tôi từng thấy ở vùng Stockton trên Bắc Cali. Biết là nhân loại cần năng luợng sạch, nhưng thấy đám cây quạt gió nhân tạo khô khan này cũng thương cho núi rừng.
Từ xa lộ 10 chúng tôi chạy thẳng tới Indian Wells qua đuờng 111. Giải quần vợt ở Indian Wells hội đủ các khuôn mặt lớn trong làng tennis thế giới, nếu tính ở Mỹ thôi thì giải này nổi tiếng chỉ sau giải US Open ở New York.
Rẽ vào các đuờng địa phương, thấy hai bên nhà cửa mới mẻ, đường sá sạch sẽ, đẹp đẽ. Vùng này thuộc hạt Riverside. Nhìn cây cối núi đồi khô rang, khô rốc, biết ngay thuộc vùng sa mạc. Cây cọ là thực vật áp đảo, và thêm loại cây nổi bật nữa là bông giấy. Bông giấy đỏ tô điểm cho vùng sa mạc thêm màu sắc chói chan.

Thiệt tình là tôi mới nghe tiếng Indian Wells một hai năm trở lại đây do dính líu với giải quần vợt có tầm vóc quốc tế. Khu quần vợt rộng rãi kế bên dãy đồi màu nâu đẹp. Tổ chức chu đáo theo kiểu Mỹ, ngay từ cách huớng dẫn đậu xe là biết rồi. Dù ở Mỹ một thời gian dài hơn thời gian tôi ở nơi chôn nhau cắt rún của mình vậy mà lúc nào tôi cũng phục nguời Mỹ ở phong cách tổ chức của họ, xứng đáng để đuợc học theo. Tuy vậy, nhìn lối hàng chưa dựng xong cũng biết cơ ngơi này còn mới. Đi theo đoàn nguời hớn hở vào khu rồi táo tác đi tìm các bảng thông tin để chọn sân và các danh sách đấu thủ để xem. Chúng tôi vào sân nhỏ để xem trận đấu đôi nam.

Thiệt là xui xẻo, bình thuờng tháng 3 khí hậu còn mát mà, năm nay tổ trác hay sao mà nóng ơi là nóng. Nóng tới hơn 90 độ. Theo tin tức khí tuợng thì có thể lên tới 95 hay 98 trong ba ngày chúng tôi ở đó.
Khán đài không có mái che, nắng đổ xuống thì rán mà chịu. Mọi người ai cũng đội nón, vì nắng sa mạc thì da thịt đầu cổ nào chịu nổi. Thấy có nguời mang theo dù, nhưng họ phải lên hàng cuối mà ngồi để không phải án ngữ ai. Sau khi coi xong trận đấu đôi nam, chúng tôi đi xuống tìm đội đơn xem tiếp.

Nhưng trời nóng lên kinh khủng. Lên đấu truờng 1 coi hai cây vợt nữ Kvitova và Kirilenko đấu mà nắng cháy quá, chừng 20 phút. Sợ nhuốm bệnh nên tôi bỏ cuộc đi xuống sân ngồi. Nơi đây có thiết trí một màn ảnh truyền hình lớn dành cho ai không vào sân đấu vẫn có thể xem được. Khoảng sân này đuợc chăm chút bằng các luống hoa màu sắc tuơi tắn xinh tuơi. Đây là nơi thiên hạ hay dùng làm bối cảnh để chụp hình kỷ niệm và đuợc lên tivi mỗi khi đề cập tới các cuộc đấu. Các ghế dựa từ từ đuợc thiên hạ rinh đi vô các bóng mát của các cây cối ở sân đối diện. Tôi đành cố tìm một một bóng mát của một cây cọ nhỏ và vào đó, nằm lăn ra ...Nhiều nguời thấy vậy cũng men tới tìm bóng mát bất kỳ của bụi cây ngọn cọ nào để ngồi nằm la liệt. Càng lúc thì bóng mát càng dài ra vì mặt trời đi xuống ở phía sau đấu trường. Thấy đông nguời tôi đoán chắc là khán đài trống trải ghê lắm. Thiệt chớ, ai mà ngồi hai ba tiếng phơi nắng cho đổ bệnh hay sao. Nếu không vì cớ đi cho biết thì tôi sẽ phiền hà là cuộc đi coi này là một thất bại. Hai người bỏ ra cả trăm đô để vô đây cho nắng “bụp” lia chia vô đầu vô mặt.
Tôi chắt lưỡi vậy thì Mỹ cũng đâu có giàu như mình tưởng. Nếu giàu sao không làm mái che cho các khán đài. Nhưng rồi tôi cũng biện hộ cho họ là chắc thời tiết khiếp đảm như vậy là chuyện bất thường. Thường coi quần vợt và chơi quần vợt ở các vùng ôn đới ta chỉ ngại mưa chớ ai ngại nắng. Mà mưa thì cái vùng này chắc chỉ vài ngày mưa mỗi năm mà thôi. Âu cũng là cái xui của mình.


Khu quần vợt Indian Wells

Từ lúc ngồi ở khán đài cho tới khi đi rảo rảo trong khuôn viên tôi nhận xét nguời đi xem tuyệt đại đa số là người da trắng. Hình như quần vợt là sở thích của nguời da trắng. Hai chị em Williams là truờng hợp đặc biệt, nhưng kỳ này họ không góp mặt.

Đi tìm quán giải khát mặc dù cạnh bên restroom thấy có vòi nước cho thiên hạ châm vô các chai nước và người ta đứng sắp hàng khá dài. Đi lững thững xem qua các rạp lớn có mái che, có truyền hình màn ảnh lớn, ghế ngồi khắp nơi và dựa sát vào hàng rào là các hàng ăn, hàng uống, hàng bán các vật liên quan tới môn quần vợt.

Tới 5 giờ vé mới hết hạn nhưng người bạn đề nghị nên đi ra, vì còn phải check in khách sạn.
Khi lên xe để đi về khách sạn tôi đờ đẫn vì dãy núi San Jacinto trước mặt càng lúc càng gần. Núi không cây nên khác hẳn với núi ở vùng Los Angeles. Hồi nãy trên tầng 3 của đấu truờng 1 tôi có dịp nhìn cảnh từ trên cao. Chung quanh vùng khu dân cư là núi bao bọc. Thì ra đây là thung lũng. Nếu ai đi Las Vegas thì thấy cũng tuơng tự vậy. Té ra miền viễn tây Mỹ chỉ có cái rẻo dọc biển là đất thấp, càng đi vào lục địa thì càng thấy nhiều núi non, sa mạc.

Palm Springs

Khu khách sạn chúng tôi cư ngụ nằm cách khu downtown Palm Springs độ bốn dặm (vậy mà trong quảng cáo trên Net thì bảo chỉ có nửa dặm, xạo thì thôi). Khách sạn nằm đối diện với tiệm bán xe hơi, cho nên cũng dễ nhận ra nếu lúc về phải đi trong đêm tối. Nói là khách sạn chớ tôi thấy nó giống như một cư xá. Nhiều khu ở hai tầng. Căn của chúng tôi coi như một cái nhà, gồm hai phòng lớn và một phòng có giuờng Murphy (giuờng ngủ lật xuống ban đêm, ban ngày đẩy lên để trống chỗ). Trong garage có sẵn hai chiếc xe đạp, loại garage có cửa tự động nên để xe trong đó cũng an toàn. Đúng ra thì đây là một cái resort chớ không hẳn là khách sạn. Khách sạn thì có nguời mỗi ngày vào dọn dẹp, còn nơi đây có bếp núc cho mình tự nấu ăn. Nếu đi chơi đông người thì nên chọn loại hình này. Điều bất tiện hả? Bạn phải tự dọn phòng, tự lo điểm tâm và resort thường xa khu thị tứ, buộc phải có xe hơi.

Tới khu downtown dọc theo con đuờng xuơng sống của thành phố là Palm Canyon Drive, chui vào chỗ đậu xe ở đuờng Baristo. Điều dễ thương là thành phố này không phải trả tiền đậu xe. Khu thị tứ gồm có một khúc đuờng từ Baristo đi lên khá rộn rịp. Hai bên đuờng nhiều quán xá tiệm tùng. Lề đuờng cũng có lát gạch kỷ niệm các minh tinh trong nghề giải trí, bắt chuớc theo kiểu Walk of Fames của Hollywood. Chúng tôi ghé vào tiệm Village Pub. Bên trong trang hoàng các tranh ảnh nghệ thuật. Thấy có vài tranh của Picasso, chắc chắn là đồ sao chép. Tôi không thấy đói vì sáng truớc khi đi tôi đã làm bánh mì kẹp thịt mang theo cùng với nhiều thức ăn vặt và đã quất một bụng trong khu quần vợt rồi; nhưng không lẽ vào tiệm mà không kêu món gì sợ bị chửi cho nên cũng gọi một dĩa rau trộn.
Ăn xong chúng tôi thả bộ đi về phía góc đuờng Tahquitz Canyon Way thì thấy một vật mà tôi đang mong thấy: bức tuợng nổi tiếng của Marilyn Monroe từ một cảnh trong phim The Seven Year Itch mà chắc ai cũng từng có dịp thấy qua: vị nữ thần nhục thể của Hồ Ly Vọng đè cái váy đang bị gió thổi tung lên.
Nếu khách sạn nằm ở trên mấy cái lầu phía trên các quán thì khoẻ rồi, đi suốt đêm cũng được. Nhưng vì phải lái xe trong đêm tối mà lại cần mua các thứ cà phê, bánh trái mà chúng tôi phải ra về sớm.

Ngày thứ hai

Sáng hôm sau dậy sớm, tôi đi xem xét căn nhà trọ. Hôm qua khi về trời tối nên lo đi ngủ trong sự đề phòng không biết "cư xá" có yên lành hay không. Tôi vẫn còn bị ám ảnh về cái chết bí ẩn của một cô sinh viên gốc Tàu ở Canada đi du lịch một mình và bị giết trong khách sạn ở downtown Los Angeles và xác bị nhét vào phuy chứa nước trên tầng thượng của khách sạn ...Nhưng buổi sáng thì thấy cư xá có vẻ yên lành. Trời ấm và xanh đẹp. Bên ngoài "tịnh xá" có dàn hoa giấy, sau nhà có lò nuớng, cùng bộ bàn ghế ở hiên dưới bóng mát cội cây. Trước nhà có cây quất đang có trái, và cây lài đang trổ bông … Vài người dậy sớm đi bộ thể dục. Đi dạo quanh thấy có mấy hồ bơi, sân tennis. Cảnh trí thanh nhã, chịu ảnh huởng phong cách Ý đại lợi, chính xác là Âu châu: hồ nước phun với các tuợng thú cá trang điểm. Tôi nghe thích thú, thảnh thơi. Với tôi, hạnh phúc là khi không có gì để lo toan. Và một không khí khác lạ để thưởng ngoạn.

Sau đó chúng tôi đi bộ khoảng vài phút tới phòng khánh tiết của cư xá để người bạn vào họp bàn chuyện mua time share, điều kiện để được ở miễn phí hai đêm ở đây. Tôi ngồi chờ ở phòng khánh tiết, nhâm nhi cà phê, trà và vào internet check mail. Một người đàn ông đang ngồi dùng laptop của ông vì dùng computer của khách sạn thì chỉ được dùng trong 15 phút nếu có người chờ. Trong phòng có tivi đang mở đài CNN. Cạnh đó là một phòng nhỏ có tủ đựng sách và phim dĩa. Một ông lão bước vào phòng và hụt giò suýt bị té vì ông không ngờ là phòng có bậc tam cấp đi xuống chớ không cùng mặt phẳng với phòng chính. Người đàn ông đang ngồi với cái laptop buột miệng: Giỏi nha! Ông lão quay lại: Gì cơ! – Tui nói là ông gượng lại giỏi quá, không thì chụp ếch rồi!
Sau đó chúng tôi lên xe đi ra downtown ăn trưa. Ban ngày nhìn rõ dãy núi sừng sững. Có đoạn thấy có nhà, khách sạn hay cơ sở gì trên đó. Chắc lâu ngày không thấy núi trọc hay sao mà tôi thấy dãy núi này quyến rũ quá. Nhất là khi đường Canyon Spring Drive đoạn East đổi sang đoạn South thì xe đi bên cạnh núi. Chúng tôi bàn chớp nhoáng chương trình cho ngày hôm nay. Với nhiệt độ 95-98 thì mọi kế hoạch ngoài trời phải loại ra. Vậy là chỉ còn chủ yếu đi thăm những thứ trong nhà. Nhưng tôi muốn đi trở lại coi bức tượng Forever Marylin.
Ăn trưa tại quán LULU, California Bistro, quảng cáo ba món giá 19.99 mỗi người. Sau đó chúng tôi tiếp tục đi dạo phố. Nói chung, phố không làm ta thất vọng, có nhiều tiệm để xem, nhiều quán ăn, quán uống. Nếu bảo phố không làm ta thất vọng thì tỏ ra khó tính quá, thực ra đây là một nơi bát phố đầy thú vị của dân có tiền. Và điều rất hiếm gặp là thành phần da trắng rất đông. Tôi nhận thấy nơi nào đông nguời da trắng thì nơi đó là chỗ giàu sang, an toàn. Tôi từng đi viếng các nơi vui chơi công cộng ở các nơi có tiếng vùng Nam Calif, nhưng thấy như đây là nơi thành phần da trắng áp đảo. Ngay cả ở đường Rodeo Drive nơi sắm hàng của các minh tinh nhà giàu bạn cũng thấy du khách đủ màu da. Tàu, Nhật lúc này thành dân nhà giàu rồi mà. Nhưng dân nhà giàu da trắng lại lui về vùng nắng cháy khô khốc này để vui chơi, tôi thật không hiểu nổi. Vâng, thì resort, thì sân golf, nhưng nắng quá, khô khan quá, họ ưa nắng tới vậy sao?


Forever Marilyn
Phượng Các
#223 Posted : Saturday, April 13, 2013 10:08:05 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Nhưng truớc khi tới thăm MM thì chúng tôi băng qua đường vì thấy có mấy cái lu làm cảnh trước một khu đất có các nhà kiểu xưa, bèn băng sang xem thử. Thì ra đó là các ngôi nhà bảo tàng của thị trấn. Ngôi thứ nhất tôi vào xem là Agua Caliente Cultural Museum. Đây là nhà bảo tàng nhằm giới thiệu về tộc người da đỏ thuộc nhóm Agua Caliente Band of Cahuilla Indians. Có các cuộc triển lãm định kỳ. Như hiện nay đang có phần triển lãm mang tên “Where are the Tipis, the changing perceptions about Indians”. Phần lớn là các thông tin lấy từ sách vở, phim ảnh nêu bật sự đối xử bất công của người da trắng với dân bản xứ da đỏ đã cư ngụ tại đây. Lâu nay ta cứ học theo văn hóa Âu châu cho ông Columbus là người khám phá ra châu Mỹ, trong khi nơi đây đã có một nền văn hóa lâu đời. Tôi cũng lớn lên cùng với phim ảnh của Hollywood, coi các tay cao bồi là “phe mình”, dân da đỏ là kẻ thù luôn gây rối, phá cuộc trị an. Một cái tivi nhỏ đang chiếu một tập hợp các mẩu phim lấy rải rác trong các phim của Hollywood mô tả về người da đỏ như những kẻ xấu, thấp hèn, đàn ông thì dữ dằn, đàn bà thì quyến rũ nguời da trắng. Trong đó tôi có nhận ra một nhân vật của phim Peter Pan, cô gái da đỏ đang ưõn ẹo với Peter. Trên tường thì treo các câu nói của các nhân vật nổi tiếng sỉ nhục người da đỏ

Henry Clay: Their disappearance from the human family would be no great loss to the world
On Native Americans
Philip Sheridan: The only good Indian is a dead Indian

Tự nhiên trong lòng tôi nổi lên niềm xúc động khôn tả. Máu thương người cô thế bỗng cuồn cuộn sôi lên, cũng như nhận ra cái một cách rõ ràng thảm kịch bị tẩy não của mình. Không phải là tôi không biết qua các chuyện khốn khổ mà người bản xứ phải chịu trước cuộc xâm lược của người Âu châu vào dải đất gọi là Mỹ châu này, nhưng cái biết đó lơ phơ, lất phất. Phải có những buổi triển lãm thực hiện theo tinh thần khoa học, quy mô, ngôn ngữ mang tính thuyết phục mới gây tác động sâu xa tới tâm trí người xem. Thật thương cho đám dân bản xứ. Số dân da đỏ bị tàn sát đến muốn thành tuyệt chủng cho ta thấy dã man trong nỗ lực xóa sổ thành phần này.

Trong nhà truyền thống còn chưng bày các vật như giỏ, hũ đan bằng vỏ cây, bằng đất nặn. Sau nhà có một khoảnh đất trồng vài cây cỏ. Thấy cây mang tên palo verde, một loại cây cho ra hạt, được người Cahuilla nghiền ra làm bột bánh. Vậy ra vùng Palos Verdes gần San Pedro mang tên loại cây này. Có loại cây xương rồng viết (cactus pencil), sản xuất ra loại trái ăn được, dùng nấu canh. Ngoài ra còn có một cái lều nhỏ mô hình nhà ở của người da đỏ.
Hiện đang có kế hoạch xây dựng một nhà bảo tàng rộng 100 ngàn feet ở một địa điểm gần đó với cơ ngơi quy mô hơn. Tôi cũng nghĩ là cơ sở này nhỏ quá so với tính cách quan trọng của nền văn hoá dân bản địa vùng thung lũng Coachella này.


Các nhà bảo tàng ở trung tâm Palm Springs

Kế bên nhà bảo tàng là tiệm Ruddy ' s General Store, nhưng tiệm đang đóng cửa với dấu hiệu xin trở lại, nên tôi đi vào căn nhà tiếp đó là McCallum Adobe, thuộc Palm Springs Historical Society (Hội Lịch Sử Palm Springs). Nhà này đuợc coi là nhà xưa nhất do nguời da trắng dựng nên vào năm 1885. Chủ nhân tặng nhà cho city với điều kiện là xin giữ gìn nguyên trạng. Nhà bảo tàng chưng các phẩm vật liên quan tới sự thành hình thị trấn này về mặt văn hoá, hãnh diện cho thị trấn là vì nơi này đã đuợc tiếp đón nhiều nhân vật Hollywood tới ở, vui chơi, trong đó tôi ghi nhận là Shirley Temple mua nhà ở đây khi tuổi còn rất trẻ. Trên tuờng có một list dài các phim đuợc quay tại đây.

Nhà kế bên là Cornella White House, bên trong thấy có các phòng giữ nguyên các vật dụng, bài trí của nguời chủ ở đó.

Đi ra khỏi nơi này tôi phải đi bộ lại chỗ để xe để cất túi đựng thức ăn còn dư từ bữa trưa khi nãy. Thuờng thì tôi không bao giờ ăn hết đuợc phần của mình, lý do là ở Mỹ, so với Âu châu, nguời ta dọn phần ăn rất nhiều. Nên số dân béo phì rất đông. Ở Anh, ở Pháp không có chuyện đem đồ ăn thừa về nhà. Chỉ thấy ở Mỹ mới có trò này. Thậm chí ở VN cũng không có cái mửng mang đồ thừa về nhà. Tôi hay cay đắng (hay cay cú?) nhớ lại thời xưa còn bé cứ bị dạy là đi ăn tiệm không đuợc húp hết nuớc lèo trong tô mì hay hủ tiếu, sợ bị chê là đồ chết đói, lúc nào cũng phải chừa miếng ăn lại trên dĩa. Cái não trạng kỳ cục, từ khi qua Mỹ mới thấy mình đuợc sống đúng như ý mình (ở cái khoảnh đó!).


Quay trở lại đi tiếp, tới một phông tên nước thấy có tuợng của một ông nào ốm ốm. Phải xem bảng đồng khắc bên dưới tôi mới biết đó là Sony Bono. Chèn, ai dè ông này từng là thị truởng của Palm Springs.


Tuợng Sony Bono

Sau đó tôi đi tới bức tượng Marilyn Monroe. Bức tượng này có tên là Forever Marilyn, do Seward Johnson thực hiện dựa vào tấm hình chụp của Bernard trong phim The Seven-Year Itch. Tác phẩm điêu khắc này cao 26 feet, nặng 34 ngàn cân (pounds), được làm tại New Jersey bằng inox và nhôm. Sau khi làm xong được đưa tới đặt tại Pioneer Court, Chicago, và được đưa tới Palm Springs vào tháng 5, 2012. Nghe nói tháng 6 năm 2013 sẽ dọn đi. Tháng 6 này nhân sinh nhật của bà, sẽ có chương trình văn nghệ có mặt ca sĩ Anh Elton John. Nghe nói khi ở Chicago, bức tượng này bị nhiều chỉ trích và phá phách. Gì chớ chuyện phá phách thì khỏi nói, tôi thấy bọn trẻ thích phun sơn vào bất cứ thứ gì ở nơi công cộng, huống gì là bức tượng gợi nhiều ý tình như bức hình này.
Marilyn Monroe, nữ thần nhục thể, biểu tượng của nền điện ảnh Hoa Lệ Ước. Đi đâu cũng hay thấy hình bà. Bà được chọn là người đàn bà hấp dẫn số một trong các cuộc thăm dò trong đám đàn ông (dĩ nhiên), dẫn đầu trong suốt nhiều năm, và chắc không có đối thủ về lâu về dài. Nhớ khi tem có hình bà phát hành là ngay lập tức bị bán hết veo. Tôi thấy về nhan sắc thì Elizabeth Taylor đẹp hơn, nhưng có lẽ cái chết bi thảm và chết trẻ của MM đã khiến hình ảnh bà ở lại lâu trong tâm hồn người ta. Taylor bị sống lâu quá, thân xác tàn tạ, nhiều năm vô bệnh viện cai rượu, đã xóa mờ niềm cảm mộ của khán giả, nên nàng Cleopatra năm nào nhanh chóng bị quên lãng. Brigitte Bardo và Sophia Loren cũng hấp dẫn, nhưng hai bà không phải người Mỹ nên đám Hollywood đâu đánh bóng, tôn sùng như các nguời Mỹ của họ.
Bức tượng không lúc nào vắng người tới chụp hình. Tôi cũng chụp nhưng ngần ngại không muốn đứng dưới háng bà như nhiều người. Có người ôm chân bà, ngay cả các ông già. Thấy họ ngước nhìn lên tôi đâm thắc mắc không biết điêu khắc gia có cho bà mặc quần lót hay không nên lon ton chạy lại gần để dòm lên. Thì ra bà cũng được mặc quần lót đàng hoàng.



Theo tôi thì để tuợng ở đây chắc khá hơn là ở Chicago. Đây là khu đi chơi, nhìn mặt mũi dân tình thấy sáng sủa, giàu có. Nguời trung niên có vẻ chiếm ưu thế. Nơi đây gần gũi thủ đô điện ảnh ...Hy vọng vậy!
Phượng Các
#224 Posted : Friday, April 19, 2013 4:01:09 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Đi tiếp trên đuờng Tahquitz Canyon Way về phía đuờng Indian Canyon Dr có tuợng hai nguời da đỏ ở góc đường, nhưng nơi đây hơi vắng nguời rồi. Đây mới là nơi có nguồn nuớc nóng với ngôi làng quan trọng của bộ lạc Cahuilla quần tụ. Agua Caliente tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là nuớc nóng. Mải tới giờ tôi mới té ra Palm Springs đuợc chiếu cố là nhờ nguồn nuớc ôn tuyền có công năng chữa bệnh. Từ năm 1871 họ đã xây nhà tắm công cộng ở đây và hiện vẫn tiếp tục đuợc quản lý. Khu resort casino đó nằm bên kia đuờng. Tôi buơn bả buớc sang ...Bên ngoài có một tuợng kỷ niệm cô gái nguời da đỏ. Theo truyền thuyết nàng và hai đứa em gái tới suối nuớc nóng, thấy một đứa bé sắp chìm bèn nhảy xuống cứu, nhưng nuớc xoáy đã nhận chìm nàng. Hai đứa em vội chạy về báo tin cho cha là một thầy lang, ông sai âm binh muỗi tới suối làm phép trấn ma (he witched the spring with mosquitos....) Sáng hôm sau xác cô nổi lên nhưng đã chết. Dân bộ lạc tụ tập cầu nguyện, cúng kiếng, đuợc phù hộ không còn sợ suối nữa và nhận đuợc khả năng chữa bệnh của nuớc suối. Do có nhiều cây cọ mà vùng đất này mang tên là Palm Springs.



Nguời da đỏ vẫn tin nuớc ôn tuyền này đã mang lại cho những nguời tắm trong đó, uống nuớc đó đuợc nhiều sức mạnh vì con suối này có nguồn từ thế giới bên duới.

Trở lại đuờng chính tôi thấy có một tuợng của nữ diễn viên của I Love Lucy đang ngồi thoải mái trên băng ghế dài. Hóa ra thị trấn này rất mặn mòi với các tài tử trình diễn. Tôi quên thêm vào danh sách các câu nói xúc phạm nguời da đỏ trong bảo tàng nói trên của John Wayne, đại ý là chê nguời da đỏ ích kỷ không chịu chia sẻ đất đai với nguời da trắng ...Mèn, "thần tuợng" sụp đổ cái rầm trong lòng tôi. Ông này có tên đặt cho phi truờng ở hạt Orange, có tuợng ở trên đuờng Wilshire gần bảo tàng LACMA. Phe nào tôn sùng thì tôn, phe nào mắng thì cứ mắng. Nuớc Mỹ tự do mà!

Sự sùng bái nghệ sĩ ư! Đây là điểm khác biệt với văn hóa VN ta. Ngành ca vũ nhạc kịch chiếu bóng không mang lại danh giá cho nghệ sĩ như ở nuớc Mỹ này.

Đi qua đi lại một lát thì trời tắt nắng. Theo lịch trình thì chiều thứ năm mỗi tuần có hội chợ mở ngay trên đuờng. Các lều vải đuợc căng ra và nguời đổ tới càng lúc càng đông. Có lẽ hội chợ đuờng phố này là một trong những chợ đông, vui, và nhiều cửa hàng có giá trị nhất mà tôi từng tham dự. Không nhiều lắm đâu, thuờng thì tôi tiện đi đâu thấy có hội chợ thì tắp vào coi thử mà thôi. Ở giữa đuờng nhìn thấy hai hàng cây cọ đuợc cắt tỉa đặc biệt, đặc trưng của phố xá Palm Springs, tiếng hát của nguời nữ ca sĩ da đen làm nghe thuơng cảm.

Khánh Linh
#225 Posted : Saturday, April 20, 2013 2:18:40 PM(UTC)
Khánh Linh

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,775
Points: 1,317

Thanks: 139 times
Was thanked: 110 time(s) in 98 post(s)
Một số handbag bán ở tiệm có kèm theo một cây dù nhỏ, đi ra ngoài lúc nào cũng có sẵn dù trong túi xách là tiện lợi nhất đấy chị, mưa hay nắng đều có thể dùng được.
Có lẽ Calif. là nơi có nhiều thắng cảnh và nhiều chỗ để đi chơi so với các tiểu bang khác. Người bản xứ thích nắng ấm Calif. phần vì muốn có làn da nâu thay vì trắng xanh, KL đã từng thấy mùa hè ở TX nóng tới trăm độ F mà họ mặc đồ tắm như ở bãi biển, nằm phơi nắng hoặc là chạy bộ trên đường phố không có bóng cây dưới trời nắng chang chang.

Chị PC đã đi chơi các vườn nho ở Bắc Calif. chưa vậy? KL có đọc một bài nói tới mấy chỗ đó thì tha hồ được nếm free đủ loại rượu nho.Cooling
Phượng Các
#226 Posted : Sunday, April 21, 2013 7:42:57 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Chị KL,
PC có nói về nơi trồng và làm rượu nho ở trong bài sau đây\. Bài viết sơ sài, chưa hết ý\. Mình vẫn thích viết tỉ mỉ để giới thiệu các địa điểm nhưng có khi "hết hơi" rồi ...

http://forum.phunuviet.o...u-Dai-Tinh-Ai--Napa.aspx

Hiện không biết có nơi nào cho thử rượu miễn phí hay không, có đi mấy chỗ thì có nơi sự nếm rượu nằm trong cái tour, nghĩa là mình đóng tiền trọn gói luôn rồi, như Lâu Đài Tình Ái. Có chỗ thì mỗi ly rượu thử nó tính rẻ mấy đô la gì đó, nếu mua rượu thì nó trừ tiền đó ra\. Napa được coi là Tuscany của Calif đó chị, khung cảnh đẹp, gần đó là Calistoga có suối phun nước nóng (Old Faithful Geyser, Tubbs Lane). Nếu từ Texas sang chơi thì chị cũng nên ghé thăm\.
Khánh Linh
#227 Posted : Sunday, April 21, 2013 5:18:50 PM(UTC)
Khánh Linh

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,775
Points: 1,317

Thanks: 139 times
Was thanked: 110 time(s) in 98 post(s)
Cám ơn chị, Napa Valley đúng là nơi KL thường nghe nói, mấy lần qua CA nhưng chưa có dịp tới đó. Nếu đi thì xem phong cảnh thôi chứ KL hay bị nhức đầu nên không uống được rượu/bia.Sad
Chị PC “hết hơi” vậy chớ vẫn còn phong độ viết lách à nha,ThumpUp KL mới gần “hết thở” đây nè.
Phượng Các
#228 Posted : Monday, April 22, 2013 9:15:31 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Chị KL,
PC cũng không dám uống rượu. Nhưng kỳ đi Napa vừa rồi thì cũng nhấm nháp chút đỉnh Blushing . Sau đó thấy trong phim có chiếu cảnh du lịch người ta nếm rượu rồi nhả ra, không nhất thiết nuốt vô. PC chỉ thử ba thứ rượu là thôi vì sợ say\. Nhưng có cô gái trẻ chừng 20 tuổi mà cho ly nào cô ta nốc cạn ly đó. PC không phân biệt được rượu nào ngon hay dở, thấy thứ nào cũng giống thứ đó (trừ khi nào dở lắm).

Về ô dù thì xứ Nam Cali ít mưa nên ít mang theo\. Có đi vùng East mới thấy bên đó mưa nhiều hơn bên đây. Bên Texas của chị thì sao, nắng mưa như thế nào?

Khánh Linh
#229 Posted : Monday, April 22, 2013 5:38:53 PM(UTC)
Khánh Linh

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,775
Points: 1,317

Thanks: 139 times
Was thanked: 110 time(s) in 98 post(s)
Nếm rượu rồi nhả ra chắc là rượu không hợp với khẩu vị? KL nghĩ biết thưởng thức rượu ngon thì có thêm hương vị cho đời sống nhưng cái khó là phải tự chủ và điều độ. Ảnh hưởng của rượu khiến cho tính nết con người thay đổi rất mau có lẽ vì vậy một trong ngũ giới của Phật giáo là không được uống rượu.

Texas nắng mưa bất thường chị ạ. Có khi KL đi vô tiệm thấy trời tạnh ráo, chừng 15 phút sau trời đổ cơn mưa ào ạt lại không đem theo áo mưa hay dù, đành đứng chờ tới khi ngớt mưa mới đi ra chỗ đậu xe được. Bây giờ đi đâu phải chịu khó xách cái handbag có sẵn cây dù bên trong, lúc nào cần tới thì có ngay.
Tuần này khí hậu TX gần giống CA đó chị, cỡ 65 – 70F, ra ngoài mặc thêm một áo len mỏng thì có thể đón nắng gió thoải mái mà không bị run.Smile
Phượng Các
#230 Posted : Monday, April 22, 2013 8:32:09 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Không phải nhổ ra vì không ngon đâu chị, mà là vì nó cho mình thử nhiều quá, ai mà uống tì tì 5 hay 6 ly vậy! Nói là thử nhưng ai muốn nó rót nhiều nhiều họ cũng rót cho, không có bủn xỉn đâu\. Họ cũng muốn vui lòng khách vậy\. Chu choa, đi vô mấy cái xưởng rượu thấy người đông nghẹt, vui ơi là vui\. Dân nhậu khoái chí tử\. Mình không uống rượu nên đi như vậy thấy phí phạm gì đâu!
Từ ngày rượu vang Cali trở thành thương hiệu có giá trị, nhiều vườn cam, hạnh nhân bị dẹp để người ta trồng nho đó chị\.
Phượng Các
#231 Posted : Friday, April 26, 2013 4:10:39 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Ngày thứ ba

Sáng dậy là lo trả phòng, tính đi thăm một nơi nào đó trước khi trở lại vùng Los Angeles. Vì trời cũng còn nóng cho nên chúng tôi chọn một nơi trong nhà cho khỏi lo bị nắng. Đó là Cabot's Old Indian Pueblo Museum ở thị trấn Desert Hot Springs nằm ở phía Bắc xa lộ 10. Đi theo GPS cho nên nó cố dắt mình lên xa lộ dù chỉ có một đoạn ngắn, trong khi nếu đi theo Gene Autry Trail thì tiện hơn. Trên đường đi thấy cảnh trí khô khan, trơ trụi toàn như đá sỏi. Có được cho không cũng không muốn ở!

Tới nơi thì thấy bảo tàng nằm trên một triền đồi. Lai rai cũng thấy bóng các người khách thăm viếng. Bèn đi vào. Nhà bảo tàng là một khu phức hợp nằm giữa một khu đất có lác đác cây và bụi cỏ, bông hoa. Nhìn coi khô khan lắm. Mới vô vài bước đã thấy có bảng ghi coi chừng rắn rung chuông làm mình dội ngược. Tôi rón rén đi vừa cẩn thận trông trước trông sau, sợ bị rắn cắn thì không biết sao mà nói. Trên đỉnh có một bức tượng điêu khắc bằng gỗ một người đàn ông da đỏ. Tới gần bệ tượng thì có tiếng huýt gió khá lạ. Nghe không phải tiếng chim khiến khách đứng né không dám lại gần bụi cây từ đó tiếng phát ra. Thấy nhiều cây xương rồng, và bông giấy đỏ thắm. Dạo này tôi hay để ý dòm các thảm thực vật ở những nơi mình thăm viếng. Lòng tự hỏi sao xưa giờ mình hay bỏ qua cây cối cỏ hoa trong đời sống mình. Tôi trân quý từng loại thực vật mới mẻ lọt vào mắt mình. Bông giấy đỏ ở VN cũng có và ở Bắc Cali người ta ít thấy hơn ở Nam Cali. Nhưng ở đây nhiều quá xá. Có người từ New York đi chơi vùng Nam Cali đã ghi nhận và hết lời ca tụng màu sắc rực rỡ của bông giấy đỏ. Những bụi bông thật lớn lao, nhìn thấy đẹp vô cùng.

Đi vòng xuống phía dưới thì có dãy nhà thô sơ dùng làm nơi bán vé vô cửa đi thăm nhà bảo tàng. Một căn được "vẽ duyên" đặt tên là Pueblo Art Gallery. Giá tour là 11 đô mỗi người, và phải đi theo hướng dẫn viên. Nhóm tôi cũng gom được 11 người,



Người xây ngôi nhà là Cabot Yerxa vào năm 1941 vào cái tuổi 57 dù là ông đã có ý tưởng và sưu tập các đồ vật từ khi còn nhỏ. Khi đi coi hội chợ thế giới ở Chicago thuở bé, ông đã được gợi hứng từ ngôi nhà của người da đỏ vùng Tây Nam. Sau này ông mua lại ba cabin dùng cho thợ xây đường dẫn nước ở California, ông cho rã ra và dùng các vật liệu ấy bắt tay xây dựng nên ngôi nhà mơ ước này. Cơ ngơi rộng 5000 square feet và gồm 4 tầng, 35 phòng với 65 cửa và 150 cửa sổ. Còn đang ngạc nhiên vì sao các khu nhà coi nhỏ vậy mà lại có tới 35 phòng. Hoá ra, đi vô coi rồi mới thấy, đa số phòng nhỏ xíu. Cabot xây bằng tay, dùng đất trong mảnh vườn của mình để đúc thành gạch. Có phòng chỉ vừa một cái giường một người ngủ, trần thấp lè tè. Hướng dẫn viên cho biết nhiều phòng nho nhỏ như vậy cốt để giữ nhiệt độ cho mát. Đây là một phát giác mới và tôi rất vui được biết.

Cabot là người đào được nguồn nước nóng ở bên này và một giếng khác cho ra nước lạnh ở bên kia đường nứt Mission Creek Fault (một nhánh của San Andreas Fault). Do vậy vùng này được mệnh danh là Miracle Hill - Đồi Phép Lạ. Nguồn nước lạnh này đã đem lại sự phát triển của thị trấn Desert Hot Springs. Nước giếng ở đây được đánh giá là ngon nhất Cali.

Cabot có cha là một thương nhân khôn ngoan trong thời đào vàng. Họ định cư ở Seattle, nhưng khi lên Alaska nhận thấy mối lợi nhuận không nằm ở vàng mà ở các dụng cụ đào vàng, cha ông mua đồ nghề kiếm vàng chở lên Alaska bán. Nhiều người giàu nhờ ăn theo kiểu này. Theo tôi đó là người khôn ngoan. Sau đó họ mua nhiều đất đai ở Cuba để nhắm trước Cuba sẽ thành một tiểu bang của Mỹ. Nhưng giấc mộng không thành, họ mất hết tiền của cho vụ đầu tư này. Sau đó ông về Cali, ngụ tại Riverside và làm nghề nông, nhưng rồi bị trắng tay vì thời tiết hại mùa màng. Ông cưới người vợ sau vào tuổi khá lớn. Người vợ sau từng có hai đời chồng, đều không con. Bà là thuộc gia đình giàu có ở Texas và hai vợ chồng định cư tại Desert Hot Springs. Sau khi ông từ trần, bà trở lại quê cũ, bỏ phế cơ ngơi. Một người bạn cũ của ông tên Cole Ayraud mua lại, sửa sang và sau đã tặng lại cho thị trấn để trở thành nhà bảo tàng hiện nay.

Ti'nh ra thì cơ sở này mới mẻ quá, mà lịch sử của cuộc Tây tiến và hình thành nước Mỹ tưởng chừng như mới đây thôi mà.

Trong nhà người ta còn giữ lại các vật dụng, giường gối, bếp núc v..v..Có cả một máy cuốn tóc dành cho bà. Phòng thì chật, đứng đông nguời là không đủ chỗ. Hướng dẫn viên dặn không được chụp hình. Bao lâu nay đi thăm nhà xưa, đa số chưng bày theo phong cách Âu châu, nay có dịp nhìn thấy nhà theo cách người da đỏ, kể cũng thú vị.

Ra khỏi nhà, huớng dẫn viên dắt mọi nguời đi một vòng ghé thăm con suối phía sau đuợc bàn tay nguời chủ chăm chút đắp từng viên gạch, từng vỏ xe ông nhặt về làm thành bậc thang. Có thăm những vùng sa mạc mới thấy nuớc quý giá tới chừng nào. Có thời nguời ta chỉ cho định cư nếu nguời chủ tự tìm đuợc nguồn nuớc. Chắc giá đất những khi ấy rẻ lắm.
Tôi trèo lên đỉnh đồi. Xa xa thấy dãy núi còn tuyết trắng phủ trên chỏm. Dựa chân núi là một hàng cây quạt gió. Nếu ai muốn tìm hiểu thì có thể tham dự Windmill Tour, giá độ 80 đô la một nguời. Nếu không sợ rắn thì chắc tôi sẽ xông xáo, sục sạo lùm bụi ở đây nhiều hơn nữa. Từ đây nhìn về tuợng cây điêu khắc Waokiye thấy khuôn mặt gãy khắc khổ của nguời da đỏ. Tuợng này do điêu khắc gia Peter "Wolf" Toth làm ra. Waokiye trong ngôn ngữ bộ lạc Lakota Sioux có nghĩa là Traditional Help. Toth vốn là nguời Hung Gia Lợi, theo gia đình tị nạn sang Mỹ sau khi tổ quốc ông bị xâm lăng vào năm 1956. Khi tìm hiểu về nền văn hóa dân da đỏ ông tỏ ra đồng cảm sâu xa với thân phận của họ, cũng không khác gì thân phận của dân Hung đã từng bị áp bức. Ông khởi sự công trình The Trail of Whispering Giants nhằm nêu bật nỗi đau khổ bị áp bức của nguời da đỏ và nỗ lực đòi hỏi sự công chính và nhân quyền. Tuợng này là bức thứ 27 đuợc trình làng vào tháng 5, 1978 trong một loạt 70 bức đặt rải rác khắp Hoa Kỳ, Gia Nã Đại và Hung Gia Lợi. Chúng thể hiện cho nhân loại và đứng lên chống lại sự lại sự bất công cho mọi nguời. Triết lý này chính là tấm guơng phản ảnh sự quyết tâm của các các nhà hoạt động cho quyền lợi của nguời da đỏ. Một cây hồng mộc Sequoia đã đuợc bộ Lâm nghiệp tiểu bang Cali tặng cho Toth để đuợc khắc thành tuợng cao 22 feet và nặng 20 tấn. Phần cái lông chim làm từ cây thông huơng cedar cao 15 feet, dày 4 ft, và toàn bộ công trình cao 40 ft.

Mọi nguời giải tán ở phòng trưng bày nghệ phẩm. Các tác phẩm đồ gốm, đồ khắc, đồ đan. Thấy có một cái rổ nhỏ chừng nằm gọn trong bàn tay, đan bằng vỏ cây hay cỏ gì đó mà ghi giá 55 đô la.
Phượng Các
#232 Posted : Tuesday, April 30, 2013 11:25:03 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)

Waokiye



khung cảnh nhìn từ đồi bảo tàng
Phượng Các
#233 Posted : Monday, May 20, 2013 1:23:21 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Sea World

Truớc khi vô đây tôi đã "nghiên cứu" trong youtube về các trò chơi. Thấy tuơng đối là mình có thể tham dự. Chỉ có trò Journey to Atlantis là còn ngần ngừ. Tôi sợ độ cao và vận tốc, e là do thót tim mà tim có thể đứng lại chăng. Do hồi ở Universal Studios có trò tuơng tự lao xuống thác nuớc kiểu này thiếu điều muốn đứng tim.

Nhưng tới nơi thì may thay là trò chơi này đang bị ngưng lại vì lý do kỹ thuật. Tôi thở phào nhẹ nhõm, vậy là không phải tại mình mà không chơi đuợc. Sau đó đi tới khu Wild Artic. Khu này trình bày mô phỏng một căn cứ làm việc của nhóm các nhà khoa học ở Bắc Cực. Các chuồng có đá sơn trắng, và hồ nuớc đuợc giữ lạnh để các con vật ở vùng băng giá có thể cư ngụ như gấu trắng, cá voi, hải báo. Con hải báo ở đây lớn đồ sộ, khi nó bơi ngửa ra thì ai nấy cuời chỉ chỏ vì bộ phận sinh dục lớn khủng khiếp của nó. Tôi muốn chơi trò chơi nên có phần ơ thờ với các con vật, nhưng tới lúc đi ra rồi mới biết là mình đi nhầm cửa vào. Thế là dáo dác hỏi thăm để chui vào cho đúng nơi. Trò chơi này là mọi nguời vào hàng ghế ngồi để đuợc cảm giác là ngồi trên trực thăng đi thám hiểm Bắc cực. Ghế rung lắc theo với câu chuyện chiếu trên màn ảnh giả tảng như lên xuống đảo tới đảo lui khi trên trực thăng. Tôi chưa bao giờ đi trực thăng nên không biết ngồi trên đó có đúng là bị rung lắc như vậy không? Trò này khiến con nít rất khoái, nhất là các bé trai.

Mục kế tiếp là thăm chuồng các con xí nga (penguins). Đây là chuồng chứa xí nga lớn nhất cho tới nay tôi đuợc xem. Mọi người có thể vào hàng đầu để đuợc băng chuyền tự di chuyển, du khách không cần phải buớc. Mục đích cũng là để không ai có thể đứng lại quá lâu gây tắc tị không cho nguời đến sau tiếp cận đuợc. Khách có thể đi lên hàng sau có ghế ngồi nếu muốn ngắm lâu hơn.


túi kéo có hình xí nga

Kế đó thấy giờ trình diễn của Pets Rule đã tới, chúng tôi buớc vào xem. Màn này thì đám con nít cỡ duới 10 tuổi là thích lắm, khi chúng thấy các con vật thuờng ngày như chó, mèo, heo, vịt, gà, chim ... cũng góp mặt trình diễn. Thật là công phu luyện tập cho các con vật này đáng nể thiệt.

Chúng tôi trở lại Journey to Atlantis thì thấy trở ngại đã đuợc khắc phục, nhưng tì cằm vào hàng rào tôi bâng khuâng không biết có nên vào chơi hay không. Sau cùng nguời bạn đi chung dứt khoát không chơi nên tôi cũng chịu thua luôn. Nếu chơi trò này ở Orlando thì ít ra còn có cái để xem khi ngồi lên xe, tuơng tự như trò xem Khủng Long ở Universal Studios có cái để xem.

Trò kế tiếp là Shipwreck Rapids. 8 nguời ngồi vô một cái xe tròn đi trên dòng nuớc. Vuợt qua vài cái ghềnh thác và bị nuớc té tát lên nguời. Trò này ở Disneyland có khi tránh đuợc nuớc, nhưng ở đây họ cố tình để nuớc xối lên mình du khách, làm ai nấy tóc tai đầu cổ gì uớt mem. Để chi vậy? Hừm, buớc ra có cái phòng nhỏ để sấy khô quần áo, giá 5 đô. Duới ánh nắng chói chan của trời Nam Cali, một lát là nó khô ngay mà, tốn tiền làm chi! Tôi cũng lắc đầu truớc "thủ đoạn" móc túi của những con nguời khôn ngoan này.

Mục kế tiếp tôi xem là màn trình diễn của Hải Sư (Sea Lion) và Rái Cá (Otter). Trong khi chờ đợi tới giờ, có một anh chàng làm hoạt náo viên khá duyên dáng, nhảy nhót theo các điệu nhạc mà anh liên tục đổi dĩa cho khán giả đỡ chán. Những con hải sư và rái cá đuợc tập luyện thuần thục và chứng tỏ sự thông minh theo đúng bài bản để đuợc thuởng những con cá trong thùng mà nguời quản trò liên tục cung cấp cho chúng.

Kế tiếp là show Blue Horizons, đúng như tên gọi, khán đài lộng lẫy với màu xanh nuớc biển làm chủ đạo. Đây là mục của cá heo (dolphin), thấy có cá voi nữa, một con màu trắng. Thêm vào đó là các màn xiệc với nguời đeo lông làm chim và đu theo dây phía trên. Theo tôi có lẽ vì cá heo cũng làm tới làm lui bao nhiêu trò đó, nên phải thêm xiệc cho thời giờ đủ 25 phút trình diễn.

Kế tiếp chúng tôi đi xem cá mập. Khu này ít đèn, hơi tối, có lẽ để cho giống với môi truờng sinh sống duới biển sâu của chúng. Rồi mọi nguời đi qua bên duới hồ cá mập bằng kiếng để đuợc nhìn thấy những con vật đáng sợ của biển cả đó luợn qua luợn lại trên đầu mình.

Sau đó chúng tôi tới một cây đinh của Sea World, Shamu Rocks, những con cá voi. Các con cá voi khôn ngoan nghe theo quản trò làm khán giả vỗ tay quá trời. Thỉnh thoảng nhằm gây hứng thú cho khán giả chúng còn đi gần tới mé khán giả, đập đuôi cho nuớc văng tung tóe vào nguời xem. Có nguời uớt mem từ đầu xuống chân. Chưa thấy cái đuôi cá nào lợi hại như thế. Khán giả đuợc báo truớc nên ai ngồi các hàng ghế đầu là phải "chấp nhận thương đau". Thật ra hai show hải sư và cá heo đều có màn đập đuôi này, nhưng cá voi lớn hơn nên chúng làm nuớc văng xa và mạnh hơn. Kết thúc bằng bản nhạc giựt gân của Spy làm không khí vui nhộn hẳn lên. Ban tổ chức cập nhật các bản nhạc thời thuợng như thế thật là khôn khéo. Tôi nghĩ anh chàng Đại Hàn Psy kiếm đuợc khối tiền nhờ bản nhạc ăn khách này! [Vợ chồng tài tử Gwyneth Paltrow còn phải xin đuợc chụp hình chung và chữ ký với chàng ta để làm quà cho con).

Trời đã nóng lên, chúng tôi ghé ăn một ly cà phê đá nhận. Sự phấn khởi cũng nguội rồi, cái gì muốn xem thì đã xem xong. Giờ nhìn bản đồ để tiện đâu xem đó. Thấy có cái nhà gọi là Cirque de la Mer, bèn vào xem. Hóa ra đây là nơi chưng các con cá độc đáo của biển cả, những con vật hiếm thấy, hình dáng cổ quái, lạ lùng mà rất tiếc do ít đèn và nguời bu đông nên tôi không chụp đuợc hình cũng như nhớ đuợc tên chúng. Tôi chưa hiểu tại sao cái tên bên ngoài liên quan gì tới các con vật này. Nhưng nhìn ra ngoài kia thì thấy đang có một trò mới đang trong tình trạng xây dựng và theo bản tin thì trò này sẽ khai truơng sắp tới đây. Có vẻ như Cirque de la Mer thích hợp cho trò chơi mới này hơn, trong khi cái tên World of the Aquarium trong bản đồ mới là nơi mà tôi vừa mới xem. Vì sau đó cố đi tìm cái Aquarium này mải mà không ra.

Sau đó tới khu Bayside SkyRide. Thuờng thì tôi ít khi đi mấy trò này, nhưng nhìn thấy cái vịnh kế bên cũng tò mò muốn nhìn cảnh từ trên cao của một góc San Diego nên cũng chịu khó đứng sắp hàng chờ cả nửa giờ để lên ngồi. Nếu vì lý do kỹ thuật mà đuờng dây không chạy khi mình đang chơi vơi trên ấy thì chắc teo lắm đây. Từ trên cao nhìn xuống thấy thuyền, ca nô đậu san sát mà vui cho cuộc sống huởng thụ của nguời Mỹ ở bờ biển Nam Cali. Thiệt họ có phuớc quá!

Nhờ ở trên cao nhìn xuống mới thấy có một góc đầy chim hồng hạc, nên buớc xuống rồi thì chúng tôi ghé ngắm chúng. Màu hồng của chim thật là đẹp mắt lạ lùng. Trong thiên nhiên màu sắc ấy có làm lộ hình tích của chúng quá rõ không? Những con hồng hạc này đuợc tự do, không có chuồng bao nhốt. Tôi cũng không rõ đây là nơi ở vĩnh viễn hay chúng chỉ tạm dừng chân trong cuộc thiên di (loài này có thiên di không kìa!).

Nguời bạn của tôi ra vẻ mệt mỏi, muốn rời. Tôi năn nỉ rán đi thêm một trò nữa. Đó là Sky Tower Ride. Đây là một cột cao đâm thẳng lên trời và thiết trí một phòng gắn theo đó. Du khách vào trong và căn phòng này sẽ từ từ đuợc đưa lên theo vòng tròn. Từ trên cao nguời ta đuợc nhìn thấy toàn cảnh của khu Sea World. Tôi đếm đúng 5 phút từ lúc lên cho tới khi xuống. Đặc biệt là những nguời có quần áo uớt không đuợc đi. Điều kiện kỳ lạ này vậy mà cũng có nguời "dính chấu". Chắc họ vừa mới từ mấy cái trò uớt mem kể trên đi ra. Thôi, chịu khó dạo loanh quanh một lát cho khô áo đi "em hai" ơi ...Ở trên cao nhìn xuống đất thấy có một khu đang đuợc xây dựng. Lúc nào các công viên vui chơi cũng cần đuợc thêm thắt, canh cải. Tôi đã đi lần đầu tiên cách đây 20 năm. Tôi không còn nhớ nhiều các trò mình tham dự nhưng cảm giác lúc ấy rất là phấn khích. Bây giờ sau khi đã đuợc đi nhiều nơi, tham dự nhiều trò, lòng háo hức cũng không còn như xưa.





Nguời bạn tôi oải hết sức rồi, tôi thì có thể đi thêm vài chỗ nữa. Tôi muốn đi cho hết để không cần phải quay trở lại nữa, nhưng tôi không thể đi một mình, đành đi ra thôi. Bên ngoài gần cổng có hai cửa hàng kỷ niệm, một bán đồ mắc tiền, một bán đồ rẻ tiền mà đi đâu chúng ta cũng hay thấy. Thuờng tôi hay sưu tập mug uống cà phê, nhưng tủ cũng hết chỗ chứa rồi. Nên rốt cuộc đi ra tay không.
Phượng Các
#234 Posted : Wednesday, May 22, 2013 11:52:09 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Cabrillo National Monument

Nhìn qua cái list các nơi du khách có thể viếng thăm ở San Diego chúng tôi bàn nhau đi thăm một địa điểm lịch sử - Cabrillo Monument ở Mũi Loma.

Juan Rodriguez Cabrillo có một tiểu sử chưa được rõ ràng. Có nguời bảo ông người Bồ Đào Nha. Ông đi thám hiểm nhân danh vua Tây Ban Nha, 50 năm sau khi Columbus "khám phá" ra Mỹ châu. Mục đích của Cabrillo là để tìm ra con đường đi tới Á Châu, đảo Gia Vị, khám phá các miền biển chưa đuợc ghi nhận và để tìm vàng. Ông khởi hành từ Mễ Tây Cơ chỉ huy ba chiến thuyền và tiến vào cảng San Diego mà ông đặt tên là San Miguel vào ngày 28 tháng 9 năm 1542. Nhưng rất tiếc là ông đã chết truớc khi hoàn thành sứ mạng. Cái chết của ông cũng không rõ nguyên do, có nguồn tin là có lẽ ông bị nhiễm trùng. Ferrer lên thay, tiếp tục hành trình đi tiếp lên phía Bắc, sau đó Ferrer cùng thủy thủ cũng bỏ dở cuộc thám hiểm và trở về Navidad vào ngày 14 tháng 4 năm 1543. Đoàn đã tuyên bố chủ quyền 800 dặm đất cho Tây Ban Nha. Họ không tìm ra đuợc con đuờng sang Á Châu, eo biển huyền thoại Anián hay vàng, nhưng sự khám phá của Cabrillo có tầm quan trọng sau đó. Cuộc hành trình của ông đã gia tăng hiểu biết về vùng đất mới, về gió và các hải lưu, khiến cho các cuộc hành trình sau này dễ dàng hơn. Nhờ vậy mà 22 năm sau cuộc tiến về Phi Luật Tân từ Tân Tây Ban Nha đuợc thực thi cũng như các đuờng nối liền giữa các lục địa. Các cuộc khám phá của Tây Ban Nha đã mở đường cho thời kỳ Thuộc địa của lịch sử nhân loại.

Xe chạy ngang qua một nghĩa trang quân đội. Nguời Mỹ hay chọn làm nghĩa trang ở trên đồi thì phải. Thật sự đây là vấn đề tế nhị vì liên quan tới tín ngưỡng, nhưng tôi thấy ở các nước theo tục hoả táng thì họ không có nghĩa trang. Đất đai thì có hạn, mà nạn nhân mãn đã thành báo động, đất dành cho người sống còn không đủ thì làm sao có cho nguời chết. Làm ơn nghĩ lại cho con cháu ta nhờ tí.

5 đô la vô khu công viên. Khu parking đậu xe khá tốt. Bạn tin tôi đi, hễ một khi nguời Mỹ họ biến một nơi nào thành công viên cho du khách thăm viếng thì tổ chức của họ chu đáo lắm. Các khu công viên quốc gia (national parks) là phát minh của người Mỹ và đuợc các quốc gia trên thế giới làm theo. Bạn quen với cung cách sinh hoạt ở Mỹ rồi mà đi du lịch ra ngoài bạn dễ trở thành một nguời khó tánh. Cứ nghe các nguời ở các nuớc khác, dù là Âu châu thỉnh thoảng họ đề cập tới dân Mỹ như đám nguời khó chiều, hay đòi hỏi thì biết.

Bạn nên đi thẳng lên phòng thông tin để lấy tờ giấy cho ta một số tin tức về nơi sẽ viếng thăm. Bình thuờng tờ này đuợc phát ngay cổng vào công viên, đàng này lại như thế khiến tôi mất thời giờ lang bang một lát. Thời giờ đi chơi là quý lắm vì chúng tôi dự định chỉ ghé lại đây ít tiếng thôi. Nhưng thái độ du ngoạn như vậy hoá ra lại không tốt. Bạn đi chơi mà không để hết tâm trạng vào đó mà cứ ngong ngóng cho xong để đi chỗ khác nữa thì cuộc vui mất nhiều ý nghĩa. Đây cũng là điều phiền phức mà các nguời đi du lịch theo nhóm hay mắc phải.

Đứng ở điểm tham quan này ta có một cái view rất đẹp, trời mây nuớc thuỗn ra cho ta ngắm, xa xa là thành phố San Diego hãy còn xa lạ với tôi biết chừng nào. Trời không hoàn toàn quang đãng, một đám mây mù bốc lên làm sợ còn mưa nữa đó chớ. Nhưng một lát thì trời quang đi ít nhiều, màu xanh của trời hiện ra.

Sau đó vào phòng Visitor Center để xem hàng bán đồ kỷ niệm và tại nơi đây tôi mới lấy đuợc tờ thông tin nhờ vậy mà biết đuợc lịch sử của địa điểm này và tiểu sử của ông Cabrillo. Hôm nay tôi mới biết công cán của ông trong cuộc chinh phục cho vua Tây Ban Nha. "Khi không" cái rồi các nuớc Á Châu, Phi Châu, Mỹ châu, Úc châu bị xính vính vài thế kỷ cho tham vọng thuộc địa của các nước Âu châu. Đối với lịch sử ta khó lòng mà nêu lên câu hỏi NẾU để muờng tuợng về tình hình. Mà không cứ gì lịch sử của một quốc gia hay nhân loại, ngay chính cuộc đời của mỗi cá nhân, nếu một biến cố nào đó không xảy ra hay xảy ra khác đi, thì cuộc đời ta có ra như thế này hay không? Quả là một câu hóc búa!

Kế bên tiệm bán đồ kỷ niệm là một museum nhỏ đề cập tới cuộc hành trình của Cabrillo, vài hình nhân với phẩm phục quân đội Tây Ban Nha thời xưa, la bàn, đồng hồ cát, vài vật linh tinh. Đuợc hiểu thêm tôi thích lắm. Đồng ý là trong thư viện không biết bao nhiêu là sách vở, tài liệu nếu muốn tìm hiểu, nhưng phải có những nhát cuốc ban đầu này rồi thì chúng ta mới biết manh mối mà đào bới trong đó. Còn tự nhiên mà xách tai biểu học hỏi này nọ thì coi bộ khó làm theo. Với lại có khi vui đâu trút đó, gặp đâu xâu đó, chớ đi ra khỏi nơi đây thì cũng gởi gió cho mây ngàn bay hết trọi! Đi chơi mà! Biểu học nữa thấy ngán quá đi!

Cạnh bảo tàng là một phòng chiếu phim, vô coi độ 10 phút chỉ thấy nói về mấy con cá voi nên tôi cũng nản, đi ra sớm. Ở vùng biển này có chuơng trình đi coi cá voi nữa đó.

Ra ngoài thấy có nguời đang ngồi bày duới đất bán các vật của nguời đa đỏ nhưng tôi cũng không màng nán lại, vội vàng đi ra mõm đồi để xem bức tuợng ông Cabrillo.

Bức tuợng cao 14 feet, nặng 7 tấn, làm bằng sa thạch (sandstone). Điêu khắc gia nguời Bồ Đào Nha tên Alvaro de Bree tạc nên cho Hội Chợ Thế Giới tại San Francisco năm 1939. Sau đó ông tặng cho bang California. Governor lúc đó tặng tuợng cho thành phố Oakland vì nơi đây có đông nguời Bồ sinh sống. Biết đuợc tin này, nghị sĩ bang Cali là Fletcher liền vận động để đưa tuợng về San Diego với lý do đây mới là nơi xứng đáng để đặt tuợng ông. Bức tuợng nguyên thủy bị mưa gió bào mòn và năm 1988 một tuợng mới đuợc Hải quân Bồ chở sang thay thế. Bức tuợng này tạo nên từ sự phỏng đoán chớ Cabrillo không ai biết mặt mũi ông ra sao.



Chúng tôi bàn nhau có nên đi coi ngọn hải đăng hay không. Cũng muốn đi ngang ngó một cái cho biết. Nhưng chúng tôi đi lạc đuờng, thay vì tới hải đăng thì lại tới khu tidepool. Ngó thấy một nhóm nguời có trẻ con hào hứng đi miết về phía xa, nghĩ là chỉ là bãi biển đá sỏi không, chúng tôi bỏ ý định đi tới đó. Nhưng khi ra mé bờ biển nhìn về phía mọi nguời đang tụ thì thấy bờ đá cạnh biển đuợc nuớc biển xâm thực cho ra hình dạng từng lớp rất đẹp. Chúng tôi đứng ngắm một lát, xuýt xoa, phải chi mình có thì giờ nhiều hơn để lảo rảo nơi này thêm chốc nữa. Lên xe, chúng tôi đành ra đi, tới một bãi biển đã dự định truớc khi lên đuờng trở về lại vùng Los Angeles.
Phượng Các
#235 Posted : Thursday, May 23, 2013 1:32:18 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
La Jolla

Thị trấn này nghe danh đã lâu, đi tới San Diego mấy lần mà chưa có dịp viếng - nhiều thứ để coi quá mà, nay thì cũng đến được đây. Chắc nhiều nguời cũng nghĩ như mình (les grands esprits se rencontrent! Flapper ) nên cả hàng xe nối đuôi nhau trên con đường rẽ vào từ xa lộ số 5. La Jolla tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là jewel, đọc phát âm là Hoya, giống như San Jose đọc J thành chữ H vậy. Tôi có đem theo ba quyển sách huớng dẫn để đuợc gợi ý. Không có thổ công dắt đi chơi thì sự mày mò có khi mất thì giờ lắm. Chưa kể đi chung thì mỗi nguời mỗi ý (đây là một lý do mà tôi thích đi một mình khi thuận tiện). Thôi thì cứ theo bảng chỉ đuờng đi đại tới La Jolla Cove, vịnh vũng gì có nuớc có bờ thì ok thôi. Khi thấy biển rồi thì hỡi ơi tìm chỗ đậu xe cũng trần ai khoai củ. Đành đi tới, tới nữa, tới khi có chỗ đậu thì biết là phải lết bộ hơi xa rồi đó.

Đây không phải là bãi biển để tắm, vì biển bị xâm thực tạo thành những dốc đá dựng, thấp thôi, nhưng trợt chân té nhào xuống thì cũng gãy tay chân hay xây xát vóc ngọc thân ngà. Nhưng do hình thế các vỉa đất lởm chởm, lồi lõm như vậy mà lại thành ra một cảnh tuợng đẹp mắt. Dọc theo bờ là các bụi hoa màu sắc tuơi tắn, cộng với màu xanh tuyệt vời muôn thuở của Thái Bình Duơng đã biến nơi đây như một cảnh Bồng Lai. Dọc theo bãi cỏ lài xuống vịnh một đàn sóc be bé xinh xinh chạy lăng xăng kiếm ăn, không tỏ vẻ gì sợ hãi con nguời đang dạo qua dạo lại. Trên bờ có các băng đá rải rác. Nơi đây thấy na ná như Laguna Beach, cũng là một bãi biển nơi dân có tiền hay tậu nhà để huởng cái nắng gió và khí hậu ấm áp quanh năm của Nam Cali.

Đi tới chút nữa thì một cảnh tượng bất ngờ hiện ra: bãi nghỉ ngơi của các con hải cẩu. Tôi không phân biệt đuợc hải cẩu và hải sư, thấy chúng na ná nhau. Thôi cứ gọi chúng là hải cẩu vậy. Đuợc trông thấy một đám hải cẩu nằm lăn ra phơi nắng là một cảnh tuợng hào hứng. Nếu bạn có dịp đi Monterey ở Bắc Cali cũng thấy cảnh tuợng này; hay cầu tàu số 39 của San Francisco thì các con hải cẩu hay leo lên kè cầu mà rống. Để giúp du khách thấy rõ hơn, nguời ta còn cho xây một đường đê dài ăn ra biển một đoạn để giải tỏa bớt số du khách nuờm nuợp kéo tới. Chèn, tôi có thể đứng cả buổi chỉ để nhìn các con vật này. Nhưng rồi cũng phải đi lên, cạnh hàng rào thấy có bảng ghi bằng ba thứ tiếng Anh, Tây Ban Nha và Việt Nam dặn không nên ăn nghêu sò ốc hến gì đó trong một khoảng thời gian trong năm, sợ độc. Vùng biển San Diego tôi được biết nổi tiếng có một bãi rong khổng lồ ở ngoài khơi và thuờng đuợc cắt hàng ngày để bán. Nhìều khi thấy rong dạt trên bờ, tôi băn khoăn không biết có nên đem về để làm phổ tai ăn cho mát hay không? Trong các thùng bán phổ tai trong tiệm Tàu, Nhật có phải chính nó hay loại nào khác.

Sau đó là đi dạo trên phố. Có nguời bảo các cửa hàng ở La Jolla đuợc coi là Rodeo của vùng này. Window shopping thì không có tốn tiền, chỉ mỏi chân thôi. Thấy có toà nhà màu hồng La Valencia nổi tiếng gắn với tên tuổi của Gregory Peck và Olivian de Haviland ngày xưa. Cái làng này xưa nay cũng là nơi các minh tinh màn bạc từ Hollywood tới nghỉ ngơi. Cái gì dính tới Hollywood là cũng có giá. Làm như họ có cái đũa thần, đụng tới đâu thì nơi đó thành tiền thành bạc.

Phượng Các
#236 Posted : Tuesday, May 28, 2013 8:42:06 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)


La Jolla Cove
linhvang
#237 Posted : Tuesday, May 28, 2013 9:11:54 PM(UTC)
linhvang

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,933
Points: 1,248
Woman
Location: University Place, Washington State, USA

Thanks: 23 times
Was thanked: 45 time(s) in 43 post(s)
Giữa tháng tới, LV sẽ xuống San Diego nè - để dự lễ ra trường của một cô cháu.
Phượng Các
#238 Posted : Thursday, May 30, 2013 6:53:50 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Chị có qua Mexico bao giờ chưa?
linhvang
#239 Posted : Thursday, May 30, 2013 5:39:15 PM(UTC)
linhvang

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,933
Points: 1,248
Woman
Location: University Place, Washington State, USA

Thanks: 23 times
Was thanked: 45 time(s) in 43 post(s)
Qua Tijuana nhiều lần - bây giờ hết ham rồi. Sau này nếu có đi thì sẽ tìm chỗ nghỉ mát nào đó.
Phượng Các
#240 Posted : Friday, May 31, 2013 9:02:33 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Nghe các vụ bất an ở Mexico mà mình không dám vượt biên giới qua thăm, nhất là có bà vừa mới bị chụp mũ là buôn lậu cần sa, may mà ngày hôm nay được tin được thả vì lầm lẫn. Đi chơi mà lo lắng là mình chịu thôi.

Có những nơi đi một lần là đủ rồi. Trở đi trở lại một nơi nào đó có khi phải có lý do "chính đáng" chứ bộ. BigGrin
Users browsing this topic
Guest (95)
20 Pages«<1011121314>»
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.