Dạ, tôi xin phép dán vô đây một bài viết mới đọc được trong báo.
Hai-Ho.
* * *
Cũng là đọc sách. ... Những người muôn năm cũ ...
Tuổi thơ ấu của tui không có hoa có bướm nhưng có ông Khai-Trí đứng chình ình !
Nói vậy dễ sanh hiểu lầm là đang khoe khoang mình quen lớn. Trời, ông thi sĩ họ Nguyễn dám tui biết chớ ông Khai Trí thì thiệt là không, không biết ông mà cũng không rõ ông tên họ là chi nữa.
Chuyện ông Khai Trí đứng chình ình trong tuổi hoa niên của tui nó như vầy : Số là tui xuất thân giai cấp lao động thứ thiệt. Ba má tui do nghèo nên thành khẩn chuyện buôn thúng bán bưng, đâu có thì giờ giáo dục con cái. Vậy nên nếu sểnh ra là tui chăm chỉ vụ đầu đường xó chợ, chuyên cần liền tù tì việc ... đi một ngày đàng học một sàng khôn . Nếu cứ đi một ngày mà học được một sàng thì tui đã thông thái hết biết. Khổ cái ... đầu đường xó chợ thường hổng có những điều hay ý đẹp như trong sách, thành ra rồi tui đã học rất nhiều mà hiểu chẳng bao nhiêu !
Kế tiếp là ... một bữa tình cờ tiá tui lượm được con ổng ngoài đường vào cái thời điểm lẽ ra nó phải ngồi trong lớp học ! Dĩ nhiên tui theo tiá dìa nhà mà lòng dạ rối bời. Kết quả tui ăn sơ sơ đâu đó 10 cây roi mây quắn đít với lời giáo huấn chơn thành của gia phụ và một chén nước mắt của gia mẫu : Ôi, cha mẹ cực khổ nuôi con ăn học mà con như dzầy thì mơi mốt không ăn mày cũng trộm cướp !
Rồi tiá tui giác ngộ cái rột chuyện giáo dục tuổi hoa niên, sáng chúa nhựt ông thường thả tui ở Khai Trí và dúi cho ít tiền lẻ, hẹn 2 tiếng sau trở lợi rước dìa. Cả một chân trời mở rộng và chói loà ngay trong tiệm Khai Trí đó, rồi tui thành khách hàng thường trực và trung thành của tiệm mỗi chúa nhựt, cho mãi tới khi rời xứ đi xa. Tui dám mê sách hơn mê ... trai. Dĩ nhiên đây chỉ là giả tưởng, bởi sự thực thì tui hổng để ý tới ai vì hổng ai để ý tới tui ráo hết !
Ít lâu sau, tui được tiá cho hưởng quyền tự do trong khuôn khổ. Thời giờ bao lâu cũng đặng miễn cứ lòng vòng trong Khai Trí là tiá yên bụng lắm rồi. Để phát huy chuyện khuôn khổ và tự do ni, mỗi sáng chúa nhựt tui còn được thong thả leo lên xe thổ mộ và tà tà đổ bộ xuống Khai Trí, xong tới chiều lại đáp xe ngựa vòng về cùng với mớ chữ nghĩa đầy đặc chưa kịp tiêu hoá và tay chơn rời rã hết biết ! Rời rã tay chơn là vầy : Thời đó muốn ‘xuống phố’ bằng ngựa thì trạm chót là ga xe lửa gần bùng binh Chợ Bến Thành, xe ngựa bị cấm chạy vô Lê Lợi Nguyễn Huệ Tự Do để giữ thẩm mỹ và sạch sẽ thành phố. Từ trạm xe ngựa, đi bộ tới Khai Trí ngó chừng cũng xa, mỏi giò luôn nha.
Thư trung hữu nữ nhan như ngọc nghĩa là trong sách có mỹ nhơn. Người xưa nói vậy để dụ các bé trai cho chúng siêng năng việc sách đèn – vì rằng ... đọc ngày chưa đủ, tranh thủ đọc đêm, thành ra mới có vụ đèn đi chung với sách là dzậy - Thời nay hổng có chuyện người đẹp ngồi đứng chình ình trong sách nữa - nếu có họa là trong các tạp chí Playboy Penthouse thôi hà.
Yêu sách là yêu chữ nghĩa, yêu vậy rồi trước sau chi cũng khấm khá, nghĩa là không thành công cũng thành nhơn ráo trọi. Nói nào ngay tiền tiá cho mua sách hổng nhiều nên tui chăm chỉ đọc sách chùa. Cái chi chùa đều dởm nhưng văn hoá chùa coi vậy mà nên, miễn rằng cái đưá chuyên nghiệp vô chùa hưởng lộc phật đó biết lựa oản mà ăn, và dĩ nhiên biết tạo duyên lành từ nghiệp quả !
Hồi đó Sài Gòn y hình chỉ có vài nhà xuất bản và nhà sách, trong đó nhà xuất bản Khai Trí là một và dám lớn nhứt hổng chừng. Nếu đổ từ Nguyễn Huệ xuống Chợ Bến Thành, Khai Trí sẽ nằm phía tay phải và ở lưng chừng đường Lê Lợi. Dọc lề đường phía trước nhà sách là những sạp nhạc (nhạc của nhà Tinh Hoa độc quyền xuất bản) xen lẫn với những sạp vải. Lề đường Lê Lợi phía bên kia cũng là những sạp vải và những sạp sách cũ, chạy dài xuống tới rạp hát Vĩnh Lợi và xuống mãi cửa nhà thương Đô Thành. Rạp Vĩnh Lợi chuyên chớp bóng những tuồng tích cũ rích nhưng hay.
Ngó chừng tâm ông Khai Trí là tâm phật, cứ lờ tít chuyện học trò nghèo đọc sách cọp, thành ra rồi ông được phật độ và ăn nên làm ra. Tiệm Khai Trí sau này xây lớn quá sức, từng trên từng dưới sách thôi là sách. Con mọt nào lọt vô đó cũng sẽ hết thấy đường ra, dám nó cắm dùi sanh trứng nở con, lập nghiệp luôn ở trỏng hổng chừng nếu đừng có màn đóng cửa tiệm mỗi tối !
Tóm lại kiến thức văn hoá việt do tui lượm chùa từ Khai Trí về, kiến thức nghệ thuật thứ bảy do tui thu từ Vĩnh Lợi ra - rẻ rề, vé đồng hạng bằng nửa tô phở, sau này nghe nói lên giá một tô nhưng ngon lành chiếu tới hai phim trong một xuất lận –
Rồi tui mở rộng tầm đọc sách bằng cách đi thám hiểm những chơn trời xa lạ ở tiệm Xuân Thu. Nhà sách Xuân Thu nằm tuốt luốt trên đường Tự-Do. Nếu từ Nhà thờ Đức Bà xuống nó sẽ ở bên tay phải, xế xế đó là khách sạn Continental. Đây là khu sang trọng cho khách ngoại quốc. Tầng trệt Continental là nhà hàng, sáng sáng bọn thực dân phong kiến Pháp tới đó ăn bánh croissant với bơ Bretel và xì xụp húp cà phê sữa, xong chúng mới đủng đỉnh băng qua đường vào tiệm Xuân Thu. Xuân Thu chỉ có sách báo ngoại quốc. Mỗi thứ năm đều có chuyến Air France mang sách thẳng từ Pháp qua, muốn đọc sách báo mới của thực dân thì phải chờ tới sáng chúa nhựt.
Bên hông nhà thờ Đức Bà có một tiệm sách tây mở ngay tại nhà của một bà đầm già nói tiếng việt khá sõi (tên tiệm sách tui quên rồi, ai còn nhớ làm ơn nhắc dùm) Khách hàng cứ tỉnh bơ dắt xe vào cổng biệt thự trải sỏi, khoá kỹ lại rồi ... tha hồ đọc, sách cũ nhưng toàn là sách hay. Ngăn cách bởi nhà thờ, đối diện phiá bên kia là Bưu Điện trung ương, đằng trước có quầy bánh Hương Lan nổi tiếng.
Đọc sách ở Xuân Thu hổng thong thả như ở Khai Trí được. Khách hàng Khai Trí đông nườm nượp nên mọt sách tỉnh bơ chuyện gặm nhấm. Ở Xuân Thu, khách hàng lèo tèo, mở sách báo ra rồi đứng lì hổng xong, bởi nhơn viên tiệm sách hay mang chổi lông gà ra giá sách làm màn ... phủi bụi, dòm nực và chướng thấy bà ! Rồi tui đọc chi trong Xuân Thu ha ? Mèn chữ tây chữ u gói gọn trong một cái lá mít chớ mấy, vậy mà sáng chúa nhựt cũng ta đây lên đồ làm màn đi đọc sách tây. Tui đọc từ sách hình Tintin qua tới tạp chí Paris Match, rồi thăng tiến nghề nghiệp, tỉnh bơ lôi ba quyển sách trên giá xuống đọc tên tác giả và đọc ... préface tức lời phi lộ.
Hồi đó văn chương thời thượng phải là sách hiện sinh, chữ nghĩa nôn mửa tùm lum dzô cuộc sống ! Chữ nghĩa trong bụng tui có chút nẹo, biểu nôn thì hổng biết sao nôn, mà ợ cũng hổng biết sao ợ. Riết một hồi tẩu hỏa nhập ma và sanh ngán ngẫm, tui bèn lần mò về mái nhà xưa, chun dô Khai Trí yên tâm tiếp tục chuyện tụng niệm và hưởng lộc Phật.
Nhà Khai Trí xuất bản đủ loại sách. Từ tiểu thuyết ái tình bửu giám sang tới sách giáo khoa, từ sách Việt sang tới sách ngoại quốc dịch ra chữ việt, đủ hết hổng thiếu. Những năm khói lửa chiến tranh gia tăng, lúc nền tảng văn hoá việt bắt đầu lỏng đinh ốc sút bù loong, nhà Khai Trí còn tỉnh bơ xuất bản cả sách học làm người. Sự việc này đã được coi như can đảm, vì rằng các nhà xuất bản lấy lợi nhuận làm đầu họ hổng kham loại văn chương này, in chúng thường lỗ vốn hay không sanh lời như in tiểu thuyết. Tui còn nhớ hoài nhà văn Hoàng Xuân Việt, kiếng cận hấp háy, phụ trách một chương trình văn hoá trên băng tần số 9. Ông ni nói năng ỉu xìu như bánh phồng nhúng nước, vậy chớ cũng làm talk show, và dĩ nhiên coi show của ông người ta thường sanh màn ngủ gục, ngủ lẹ dám tới nỗi hổng kịp chạy dzô giường. Một bữa đẹp trời tui ra Khai Trí thấy một loạt sách của Hoàng Xuân Việt viết, trong đó có quyển ... Nghệ thuật Nói Trước Công Chúng, má ơi !
Nghe kể ông Khai Trí bị uýnh tư sản mại bản tui hổng ngạc nhiên, ai biểu tiệm sách ông lớn quá làm chi, lớn vậy tức phải có tiền, mà có tiền vậy ắt là phải bóc lột thứ thiệt. Bóc lột chi à, thì bóc lột sức lao động của văn giới chớ chi nữa. Không tự sức lao động sản xuất lại ngồi ăn lợi nhuận kiếm được từ sức sáng tác của các tác giả, nhứt là những tác giả có ý thức đấu tranh giai cấp để cải thiện và san bằng bất công xã hội. Tội lỗi tày đình, có đi học tập cải tạo cũng là quá phải !
Hồi đi học tập nghe nói ông đã luống tuổi, của nổi mất rồi nhưng của chìm chắc khẳm và còn dấu đâu đó hổng chừng, thành ra phải ‘khoan hồng’ cho đi học cải tạo. Học vậy rồi gia đình mới xì ra và tự nguyện dâng hiến chớ bộ. Hiến-dâng dâng-hiến hết ráo rồi thì ông được coi là đã giác ngộ và được thả dìa. Cũng may là Cách mạng cho ông giữ nguyên cái ‘trade mark’ Tư sản mại bản, chớ còn bị họ đổi thành Tư sản dân tộc chắc dám ông hộc máu thêm chớ không chơi.
Vậy rồi cái khác biệt giữa Tư sản mại bản và Tư sản dân tộc là chi ? Thưa, Tư sản mại bản là cái đưá chó má, chỉ lo buôn bán hưởng lợi mà thiếu hẳn ý thức cách mạng. Lợi nhuận chúng hốt gọn hết rồi mang dô băng để dành tiêu dần. Tư sản dân tộc cũng buôn bán hưởng lợi, nhưng do ý thức được chuyện làm chủ tập thể của nhơn dân nên bọn chúng chia chác tí đỉnh cho ... đảng và nhà nước - để đảng có phương tiện dễ dàng trong khâu lãnh đạo và nhà nước dễ dàng trong khâu quản lý -
Hồi nhơn dân vừa lên làm chủ, tranh tối tranh sáng chưa phân thì ngó bộ lằn ranh giữa Tư sản mại bản và Tư sản dân tộc nó mờ ran và tuỳ thuộc vào cái khôn ngoan của cha nội mang mác tư sản đó. Làm chi thì làm cũng phải biết tới bề trên tức cái đứa đỡ đầu cho mình là một, đừng để chúng thấy mình rủng rỉnh là hai, nếu được nên đi chàng hảng là ba – nghĩa là đừng theo rõ bên nào, kẻo chúng xìu thì mình cũng rụng cái độp – Lỡ dại vi phạm ba điều trên thì ... bàn tối đi ngủ còn là Tư sản dân tộc, sáng bảnh mắt ra chưa kịp đánh răng súc miệng đã biến thành Tư sản mại bản cái ào, và do đó sẽ bị hốt vào trại cải tạo, xui xẻo hơn còn bị bánh xe hủ lô của lịch sử cán móp đầu bẹp ruột lòi phao câu là khác !
Sau khi nhơn dân làm chủ vững chắc xong xuôi, thì vụ Tư sản mại bản và Tư sản dân tộc cũng chấm dứt. Vì rằng chế độ sẽ công sản ráo trọi mọi quyền tư hữu, đảng sẽ lãnh đạo và nhà nước sẽ quản lý, nhơn dân yên tâm làm chủ khỏi ‘no’, no chi cho thêm nặng bụng ! Ở thời điểm ni, ba chuyện bề-trên, rủng rỉnh và chàng hảng vẫn phải tiếp tục, dám còn ‘căng’ hơn trước, vì rằng tội móc ngoặc tham ô hủ hoá nặng lắm lận, nó biểu hiện rõ cái mặt tiêu cực, thiếu ý thức xã hội chủ nghĩa (mình vì mọi người) thiếu quyết tâm trung thành với lý tưởng cộng sản vv và vv... Mà tội vậy rồi thì sẽ cải tạo hổng có ngày dìa, dám lại còn màn tỉnh bơ rửa chơn leo lên bàn thờ ngồi chổm hổm cho thân nhân cúng vái đều chi nữa !
Vụ ông Khai Trí từ Mỹ trở về thì thiệt tui hổng biết. Phần tui bận bịu chuyện gia đình ít theo dõi, phần ông lẳng lặng im lìm nên không có tiếng vang. Ông về sống những ngày còn lại và chết tại quê nhà theo đúng sở nguyện là việc tốt cho ông, vì ông đã muốn thế. Ông Khai Trí đã hiến cả cuộc đời mình cho sách việt và cho văn hoá việt. Anh hùng làm chuyện phi thường nên anh hùng thành vĩ nhơn. Ông Khai Trí chỉ là thường nhơn nên im lìm làm những việc thường, việc nhỏ. Những việc tưởng là thường là nhỏ này thiệt ra lại lớn lắm lận. Ông đã khai trí cho biết bao thế hệ con cháu (trong đó có tui). Tui mang ơn ông biết bao !
Gần đây đã có những đứa chiêng trống linh đình làm màn trở về. Những đưá ni hẳn còn sống trong hào quang ảo vọng, chúng (làm bộ) yên chí rằng mình còn thớ - thớ ni ràng dây kẽm nên vẫn còn nguyên - rồi chúng la làng, hy vọng thiên hạ ở trong linh đình đón tiếp và thiên hạ ở ngoài lõ mắt ngó vô đặng trầm trồ thán phục. Mèn, những đứa chết bầm ni chúng đang hào hứng kể chuyện cổ tích thần thoại cho con nít nghe chơi lấy thảo chắc. Chúng ồn ào vụ yêu quê hương, về tái thiết quê hương, gởi nắm tro tàn lại cho quê hương giữ làm của ! Lóng ni quê hương bận chết bà, mà hố xí hai ngăn y hình cũng đã biến mất !
Cũng là về, nhưng cách về của người quân tử và đưá tiểu nhơn thiệt khác xa nhau. Đứa tiểu nhơn, xưa trẻ mất tư cách đã đành, nay già còn làm chuyện ruồi bu chỉ vì chúng đã sanh lú lẫn !
T.N