ChloeNàng xuất hiện trên trang bìa của các tạp chí, một loaị rượu nho được đặt theo tên nàng và các bài thơ được viết để ca ngợi nàng. Nàng đã nổi tiếng, được tôn sùng và được các nhà phê bình hoan nghênh. Sự nghiệp của nàng, như bao nhiêu người mẫu khác sau nàng, khởi đầu ở Ba Lê nhưng nàng đã được sáng tạo bởi một bậc tài hoa.
Nàng là biểu tượng của Melbourne, là bùa hộ mệnh của chiến hạm HMAS Melbourne, là một tác phẩm nghệ thuật vô cùng quý giá, nàng là một thiếu nữ ngây thơ, một mỹ nhân, một ngôi sao diễm tuyệt. Nàng là Chloe, bức danh họa (thiếu nữ) khỏa thân được trưng bày ở khách sạn Young and Jackson từ năm 1909.
Suốt đời mình, Chloe đã gắn liền với các nghệ sĩ và thi sĩ, các ngài Thủ tuớng cũng như các tên nát rượu, các chiến binh và các chàng thủy thủ, những nhân vật tiếng tăm, những tên râu xồm, giới thợ thuyền và những nhà nghệ sĩ sành sõi. Quá khứ của nàng liên hệ đến sự đổi thay, chết chóc, mưu đồ, tình yêu, chiến tranh, sự phiền muộn và lòng đam mê.
Chloe được khai sinh ở Ba Lê vào năm 1875 bởi họa sĩ Jules-Joseph Lefebvre, một trong những họa sĩ tiếng tăm và tài hoa hàng đầu của truờng phái vẽ tranh khỏa thân vào cuối thế kỷ 19. Marie, một cô gái trẻ ở Ba Lê, đã làm người mẫu cho bức danh họa Chloe của Lefebvre khi nàng khoảng 19 tuổi. Có nhiều huyền thoại về Marie được kể lại nhưng mẫu chuyện đáng tin nhất đuợc George Moore, một người cùng thời và cũng là học trò của Lefebvre kể lại như sau: Marie làm người mẫu cho vài họa sĩ thời ấy và một hôm, sau một bữa tiệc thết đãi bạn bè, nàng đã dùng những đồng tiền cuối cùng còn lại để mua những que diêm, nấu chúng lên, uống cái thứ chất độc đó để tìm cái chết. Moore đã bóng gió rằng cô gái đã quyên sinh vì tình. Người ta tin rằng Marie chết khi nàng chỉ 21 tuổi.
Sự ra mắt của Chloe lần đầu tiên tại Paris Salon, nơi triển lãm các tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ tên tuổi hàng đầu của Pháp, là một sự thành công vang dội. Chloe và Lefebvre thắng giải Gold Medal of Honour, giải thưởng cao quý nhất từng được tặng cho một họa sĩ Pháp và là huy chương vàng đầu tiên trong ba huy chương vàng mà Chloe đạt được. Nàng cũng là tâm điểm của phòng triển lãm nghệ thuật Pháp tại các cuộc triển lãm nghệ thuật quốc tế ở hai thành phố Sydney năm 1879 và Melbourne vào năm 1880.
Chloe được Dr.Thomas Fitzgerald ở Melbourne mua với giá 800 đồng ghi-nê. Năm 1883 Dr. Fitzgeral đến phòng triển lãm quốc gia của tiểu bang Victoria và đề nghị cho Chloe được trưng bày ở đây trong khi ông đi Ái-Nhĩ-Lan trong ba năm.
Tuy nhiên, trong khi Chloe từng được hoan nghênh nhiệt liệt, nàng lại không được người Melbourne ưa chuộng. và phòng trưng bày nghệ thuật được mở cửa vào ngày Chủ nhật với (tranh) một thiếu nữ khỏa thân ở đó đã khiến những nguời Thiên Chuá giáo Prebyterian giận dữ phản đối.
Xã hội Melbourne thời bấy giờ cho sự hiện diện của Chloe trong phòng triển lãm là một sự phỉ báng. Nhiều cuộc họp đuợc tổ chức, đơn thỉnh cầu đuợc gởi đi. Tờ báo Argus còn bị tràn ngập những lá thơ của độc giả than phiền lẫn hâm mộ nên đã dành một cột riêng cho mục “Chloe trong phòng triển lãm”.
Chloe chỉ được trưng ở phòng triển lãm võn vẹn ba tuần lễ là bị tháo xuống, bị gởi tới thành phố Adelaide, nơi mà nàng không bị coi là một sự xúc phạm. Sau đó, Chloe trở về Melbourne với Dr. Fitzgeral và trong suốt 21 năm ở lại với ông, bức họa đã gây phẫn nộ cho công chúng vì được treo ở phòng tiền sảnh nơi ông làm việc. Người qua đường có thể thấy Chloe, những lời than phiền lại gióng lên và Fitzgeral bị buộc phải đem nàng ra phía nhà sau.
Khi Sir Thomas (Fitzgeral) qua đời vào năm 1908, Chloe cần một nơi trú ngụ mới. Lần này Norman Figsby Young, một người Aí-Nhĩ-Lan từng đi đào vàng, nay là một nhà sưu tầm nghệ thuật cùng với người bạn thân của mình là Henry Jackson, cùng là chủ công ty thầu khoán nổi tiếng Young and Jackson đã mua lại Chloe từ một cuộc bán đấu giá các vật dụng của Sir Thomas, với giá 800 bảng Anh. Từ đó, nàng Chloe được trưng bày tại quầy rượu của khách sạn Young and Jackson và được chiêm ngưỡng bởi một lớp nguời thưởng lãm mới.
Chloe đã bầu bạn với các chiến binh trong hai cuộc Thế chiến I và II, cuộc chiến Triều Tiên và cuộc chiến Việt Nam. Suốt quãng thời gian này, nàng đã giữ một vị trí đặc biệt trong tim các chàng chiến sĩ. Cho đến nay, trong các ngày lễ Tuởng niệm Chiến Sĩ Trận Vong (Anzac Day), hàng ngàn người đã kéo đến khách sạn Young and Jackson để cùng cụng ly với nàng. Trong suốt các cuộc Thế chiến, các chàng trai Úc đã đến đó để cạn chén ly bôi với nàng trước khi ra trận. Những lá tình thư được viết cho nàng từ các chiến hào xứ Thổ-Nhĩ-Kỳ, Pháp và Papua New Guinea , thề thốt về tình yêu của mình và hứa hẹn ngày đoàn viên.
Trong thời Đệ nhị Thế chiến, có một nhân viên phi hành đoàn của một chuyến bay dân sự hạng sang của Đức bị kết tội gián điệp ở Mỹ, để bào chữa cho mình, người này đã đưa ra bằng chứng rằng trong thời gian sự việc xảy ra, ông ta đang ở Melbourne. Người này kể rõ về một nhà ga xe lửa với một khách sạn nằm đối diện, có một bức tranh khỏa thân treo ở quầy rượu. Vụ truy tố sau đó được huỷ bỏ.
Vô số đấng mày râu ái mộ nàng đến nỗi các bà vợ không cầm được lòng ghen tuông.
Những chàng GI của Mỹ đã quá say mê nàng đến nỗi họ đã âm mưu bắt cóc nàng. Cũng trong thời gian này, một chàng GI trước khi về nước, đã quá ư điên khùng mà ném một ly bia vào người Chloe với mục đích rằng chàng ta sẽ khiến nàng nhớ mãi đến mình.
Sau sự kiện nói trên vào năm 1943, Chloe được bảo quản kỹ luỡng như một bảo vật. Lần đầu tiên nàng rời "nhà" cũng vào năm này là để tham dự một cuộc triển lãm hai tuần lễ tại phòng trưng bày Kozminsky để gây quỹ từ thiện. Vé vào chiêm ngưỡng Chloe với giá 6 xu được bán ra để gây quỹ cho các chiến binh hồi hương. Nàng đã thu được 300 bảng Anh, một sự thành công rực rỡ.
Chloe được dời lên một gian trưng bày dành riêng cho mình ở tầng trên vào năm 1987.
Khách sạn Young and Jackson và Chloe được tặng danh hiệu là hai trong các biểu tượng của Melbourne.
Gắn liền với nhau gần 100 năm, nàng Chloe và Y&J’s đã trở thành một phần tài sản không thể tách rời của Melbourne và cả hai sẽ mãi gắn liền với nhau. Trong gần 100 năm này, Chloe chỉ rời "nhà" hai lần mà lần thứ hai này chỉ mới vài năm trước khi nàng được trưng bày tại National Gallery of Victoria cho công chúng thưởng ngoạn trong khi “căn nhà” của nàng đuợc sửa sang lại bởi công ty bảo trợ là hảng bia Foster. Lần này, Chloe giúp gây quỹ cho Challenge: một tổ chức trợ giúp cho các trẻ em ở Victoria bị mắc bệnh ung thư và các chứng rối loạn máu cùng với gia đình các em.
Y&J’s nay nổi tiếng là điểm hẹn họp mặt của nhiều cựu chiến binh Úc và Mỹ thời Thế chiến, họ luôn hàn huyên cùng nhau tại quầy rượu mang tên nàng Chloe và dành riêng cho nàng.
Và nàng Chloe khả ái từ trên cao vẫn luôn mỉm cười nhìn xuống mọi người.
Nếu bạn đến Melbourne và hỏi về nàng Chloe, bạn sẽ dễ dàng gặp được một người Melbourne mà người này có thể hiểu ngay là bạn đang muốn nói về một "bông hồng Pháp quốc", "Nụ Hoa Hàm Tiếu" diễm lệ đã đến đây và nhận chốn này làm quê hương.
Xuân VinhCác cựu chiến binh Úc đang cùng hàn huyên nơi quầy rượu mang tên nàng Chloe ở Y&J's
(Hình lấy từ Net)
Xin mời đọc thêm ở đây:
http://forum.phunuviet.o...n-co-biet.aspx#post74971