Bông Hồng Trắng Hay Đỏ?
Lâm Kim Loan
Sau cú điện thoại của em gái tôi, vào lúc 7 giờ 20 sáng ngày thứ Ba, 10 tháng 7 vừa qua, tôi biết tôi đã dự đoán sai về cách từ biệt cõi đời, cách chết của má tôi.
Khi tôi còn nhỏ, bên bà, nhiều lần tôi thấy bà thở hắt ra mạnh và nhanh. Bà bảo là do làm công chuyện nhiều nên bị mệt. Mệt như vậy mà cũng ráng rặn ra cho ba tôi và cho đời tám trự, trong đó có con nhỏ lóc chóc đủ chuyện lắm trò này. (Má tôi thường nói tôi bị Mụ Bà nắn lộn, lẽ ra tôi là con trai mới phải. Dì tôi nói tại má tôi sanh trước ngày tháng Trời định nên Mụ Bà chưa kịp gắn cho tôi " trái ớt hiểm").
Tôi bảo lãnh ba má tôi qua Sydney khi ông bảy mươi bảy tuổi và bà được bảy mươi. Khám sức khỏe mới biết van tim bà bị hở và bị suy hoá xương. Ở Úc, tôi cùng bác sĩ chuyên khoa lo trị liệu cho bà, nhưng bịnh càng tệ dần theo tuổi già.
Khoảng mấy năm nay, má tôi mệt và đau lưng nhiều hơn, dù đã dùng nhiều thuốc ở liều lượng cần thiết cho bịnh của bà. Hơn năm nay, tôi dọn má tôi về sống chung với đứa em gái vì nó làm việc ở nhà, có thể trông coi bà kỹ lưỡng hơn. Tôi làm việc ít lại để có thì giờ lui tới thăm bà.
Tim của má tôi đập không đều, lúc nào tôi cũng nơm nớp sợ trái tim càng mỏi mòn theo thời gian, một ngày nào đó, bà ngủ mà không bao giờ thức dậy nữa. Mỗi thứ Sáu từ hơn một năm nay là ngày tôi dành cho má tôi. Giúp bà tắm, dọn cơm, trò chuyện, đọc báo, bóp tay chân... Mỗi lần có việc bận vào ngày thứ Sáu, tôi thăm bù vào tối thứ Năm hoặc sáng thứ Bảy. Tôi không muốn bỏ qua dịp thăm má tôi mỗi tuần với tâm trạng, lỡ tim má tôi ngừng đập thình lình, không gặp bà thì tiếc biết bao!
Má tôi sợ nhất hai điều xảy ra ở tuổi xế bóng của bà: Bị mù và phải vào trại dưỡng lão. Bà đã bị ám ảnh từ bịnh mù lòa của ba tôi. Ám ảnh về trại dưỡng lão mà ông đã nương nhờ hơn một năm cuối của đời ông.
Sáng hôm đó, ngày Mười tháng Tám, em tôi qua điện thoại: "Chị đến coi sao má sáng nay không nói được, chỉ ư ư; cũng không đứng lên được". Tôi đoán ngay, má tôi bị tai biến mạch máu não ( stroke).
Kết quả Scan não bộ ở phòng cấp cứu bịnh viện Fairfield cho biết, má tôi bị một cục máu làm nghẹt và ảnh hưởng gần trọn bán cầu não bên trái, có cả xuất huyết não. Do đó má tôi bị liệt bán thân bên phải và vùng trung tâm ngôn ngữ trên não nên bà không nói được, chức năng nuốt cũng bị ảnh hưởng.
Cách nay mấy tháng, khi giúp bà tắm, má tôi hỏi: "Sao lúc nầy má bị bầm đủ chỗ, giống như bị Ma Chó cắn quá vậy?" Tôi tức cười trả lời: "Không có Ma Chó hay Quỉ Mèo nào đâu má ơi. Con có cho má uống một viên thuốc Cartia màu vàng cam làm máu hơi loãng để máu khỏi đông trong mạch nên má mới bị bầm như vậy đó". Mấy ngày sau má tôi cho biết là bà đi đại tiện có máu. Tôi ngưng viên Cartia và đề nghị đem bà đi soi ruột, nhưng bà từ chối: "Sống đến tuổi nầy má không còn ham sống nữa, vừa đau lưng, ăn uống không ngon, mệt tim hoài. Má muốn đi theo ba con càng sớm càng tốt"... Vậy là bà quyết định ngưng uống thuốc chống đông máu, kết quả là mấy tháng sau, biến cố xảy ra. Lần đầu tiên má tôi vào bịnh viện ở tuổi chín mươi. Các bác sĩ ngạc nhiên cho đến tuổi nầy, má tôi không có một hồ sơ bịnh lý lưu trữ.
Không nói được và nuốt bị sặc nhưng má tôi vẫn tỉnh táo. Bà nhận diện được người thân và trả lời các câu hỏi bằng cách gật hay lắc đầu. Ước gì má tôi nói được! Nếu không nói được thì ước gì má tôi liệt bên trái để bà còn viết lên được những ước muốn của bà!
Ngay ngày đầu tiên má tôi nằm bịnh viện, tôi đã đăng báo và lên mạng tìm bác sĩ thay tôi chăm sóc bịnh nhân tại phòng mạch tư của tôi. Tôi muốn dành thì giờ săn sóc má tôi toàn thời trong lúc nầy. Tôi không muốn năm mười năm sau, khi đã mất mẹ, một ngày nào, đó tôi sẽ hối hận vì sao tôi không nghỉ làm hẳn để chăm sóc má tôi. Cũng như tôi đã từng ray rứt vì sao tôi đã không làm việc ít giờ hơn lúc mới mở phòng mạch, để có thì giờ chăm sóc các con tôi nhiều hơn khi chúng còn thơ.
Mười hai tháng Bảy là sinh nhật chín mươi của má tôi, hai ngày sau khi má tôi nhập viện. Chị em tôi, mỗi người nấu một món như những năm trước. Chỉ khác là lần này mỗi đứa chỉ mang một cái hộp nhỏ đựng chút thức ăn đã xoay nhuyễn: bí hầm, cháo cá, tàu hủ, súp... Xung quanh giường bịnh, mỗi đứa thay nhau đút cho mẹ phần của mình. Mỗi phần má tôi chỉ ăn được vài muỗng, cũng đủ làm chúng tôi vui hớn hở. Buổi tối hôm đó, tôi lấy miếng tã lót của ba tôi dùng lúc trước, bịt cho mình. Đêm nay tôi sẽ "liệt" như má tôi. Tôi quyết định cả đêm sẽ không lăn trở, và đi tiểu trong tã để chia sẻ hoàn toàn những khổ sở má tôi đang và sẽ gánh chịu trong thời gian này. Nhớ lại khi ba tôi mới bị mù, tôi đã bịt mắt mình và quờ quạng từ giường ngủ của ông, lần mò đến bàn rửa mặt, nhà vệ sinh, đến phòng ăn... để tìm cách làm những mấu chốt giúp ba tôi định hướng dễ dàng hơn. "Ba lần theo sợi dây này là đến nhà vệ sinh nè". "Khi đến đây, ba vịn hai tay lên khung cửa rồi quơ tay về phía mặt, là đụng cái ghế của phòng ăn. Ba nhớ quơ tay thấp ngang bụng thôi nghen..."
Bác sĩ bịnh viện dùng Aspinrin làm tan cục máu bầm với hy vọng giúp má tôi phục hồi chức năng cơ thể. Vào ngày Chủ Nhật của tuần thứ hai, má tôi bị xuất huyết ruột rất nhiều do phản ứng phụ của Aspirin. Bác sĩ bịnh viện quyết định ngưng mọi trị liệu như một cách đầu hàng bịnh lý của bà. Tôi biết về lẽ tử sinh, có sinh phải có diệt. Má tôi cũng đã sống gọi là thọ. Tôi cũng không còn ở cái tuổi phải bám riết theo mẹ để được sinh tồn. Vậy mà trước đôi bờ sinh tử của mẹ, tôi bị chao đảo thật nhiều dù đã chuẩn bị tinh thần.
Buổi ăn gia đình chiều hôm đó, có cả chị Mai Hoa từ Canberra xuống thăm má tôi, cô bạn tôi quen biết lúc ở Kuala Lumpur, Mã Lai, năm 1978, những ngày trước khi được định cư ở Úc. Vào ngày cuối tuần nên các con tôi có mặt đầy đủ, đặc biệt để đến thăm bà Ngoại. Tôi bàn với chị Hoa, nấu những món mà lúc còn khỏe, má tôi thường nấu cho các cháu ăn: sườn ram, đùi gà ướp nướng, canh củ cải mặn nấu với giò heo. Khi các món ăn đã dọn lên, tôi chỉ tay vào một món và hỏi con gái Út: “Con biết món này gọi là gì không?”. Nó nói: "Sườn ram". Tôi xoay qua thằng con trai và chỉ món khác: "Còn món nầy?". Nó chợt la lên: "Bà Ngoại!". Rồi cả ba con tôi đều khóc thành tiếng. Những người trong bàn cũng chảy nước mắt...
Những ngày tiếp sau đó, má tôi khi tỉnh khi mê. Mỗi lần bên giường bịnh má tôi, tôi không đọc sách nữa, mà dùng thì giờ đó cho má tôi xem lại những hình ảnh cũ của ba má tôi và các con cháu để gợi lại trí nhớ cho bà. Đút cho bà ăn từng muỗng cháo nhỏ khi bà khá tỉnh táo, tôi cảm thấy mình đang đóng ngược vai trò của má tôi hơn năm mươi năm về trước. "Ùm, má giỏi lắm, ha ha ha" khi bà chịu hả miệng cho một miếng cháo. Kèm theo, tôi thưởng bà một nụ hôn. (thưởng cho mẹ hay thưởng cho chính tôi). Cái miệng móm không có hai hàm răng giả càng móm hơn. Môi trên và môi dưới thành một lằn ngang nhóp nhép rất dễ thương. Tôi thèm được nghe lại cái giọng nói truyền lịnh của bà qua điện thoại. "Loan, qua má biểu làm cái nầy cho má chút coi", "Qua coi sao ngón tay má bị đau hồi nãy tới giờ chưa hết".. Có bác sĩ trực hai mươi bốn trên hai mươi bốn mà. Tôi lái xe chạy "cái rẹt" qua nhà em tôi. Vừa đi vào, tôi vừa nói lớn đủ cho má tôi nghe với bịnh lãng tai của bà: "Nhỏng nhẻo ơi, hôm nay nhỏng nhẻo gì nữa đây?" Má tôi đưa ngón tay cho tôi coi. Xem tới xem lui có thấy gì đâu, nên tôi trả lời: "Má biết ngón tay má bị gì hông? Nó bị bịnh nhỏng nhẻo giống má rồi đó, hì hì hì..." . Sự có mặt của tôi làm bà yên tâm hơn là cần thiết.
Tôi đã cắt trụi lũi mười móng tay xinh xắn, cởi hết mấy chiếc nhẫn làm trang sức. Hai bàn tay trần trụi, nguyên thủy trông cũng ngồ ngộ. Làn da tuổi chín mươi của má tôi mỏng như giấy, thêm bị ứ nước vì suy tim, chỉ cần một vết trầy sướt nhỏ cũng đủ rách tươm và rướm máu. Vừa thoa bóp, tôi vừa hôn mặt má tôi, hôn lưng, hôn cả bàn chân sưng phù vì đã ngưng thuốc xổ tiểu. Chỗ nào cũng là da thịt của người mẹ. Khi má tôi ngủ, tôi ngồi đối diện và im lặng ngắm bà. Khoảng cách giữa tôi và má tôi tuy cố định, nhưng càng lúc tôi càng xa bà qua từng tiếng tíc tắc của thời gian.
Nói về hôn hít, dù ôn trí nhớ thật kỹ, tôi nhớ má tôi chưa bao giờ hôn tôi hoặc bất cứ đứa con nào. Ngoại trừ mấy năm gần đây, sau khi hôn bà, tôi thường đưa gò má vào mũi má tôi và nói: "Má hôn con một cái coi, hít mạnh nhe". Lúc còn sống, ba tôi nhiều lần nói cho chúng tôi biết: "Ba biết má con thương ba lắm chớ, nhưng ngộ nghen, bả chưa bao giờ hôn ba một cái". Tôi hỏi má tôi: "Sao má hổng chịu hôn ba vậy má?". Má tôi có vẻ bẽn lẽn: "Hôn làm chi, kỳ cục". Trời đất! Không chịu hôn chồng, chỉ chịu đẻ cho chồng thôi. Tôi tưởng tượng khi ôm nhau, chắc bà đưa tay úp mặt dù đã tắt đèn tối hù. Hèn chi tụi tôi, đứa nào đứa nấy đều đen thủi đen thui. Má tôi cũng hay dạy chúng tôi: "Có thương thì để trong bụng". Tôi ngược lại giống ba tôi, thương thì phải "biểu diễn" bộc lộ mới chịu nổi. Con gái giống cha, sao không giàu ba họ như ông bà nói vậy cà?
Khi má tôi nằm bịnh khoảng hơn ba tuần, "lối xóm" đối diện với giường bà là một người đàn bà người tây phương trạc bảy mươi. Mấy ngày đầu tôi chỉ gật đầu chào bà. Bà bị liệt bên trái, ăn uống có vẻ ngon lành. Không có người thân nào thăm viếng bà trong những ngày nầy. Một hôm, đang lui cui thoa bóp cho má tôi., tôi xoay đầu nhìn bà và mỉm cười vu vơ.
Bà lên tiếng:
-Cô là con gái của bà ấy phải không?
- Dạ phải.
- Thật là tuyệt vời.
Ánh mắt bà vui vui, giúp tôi bắt đầu khơi chuyện:
-Bà có con không?
-Tôi có một đứa con trai và hai đứa cháu nội. Tôi có hình của chúng nó.
Bà đưa tay kéo ngăn tủ, mở chiếc ví nhỏ và đưa lên cho tôi xem. Tôi đến gần để nhìn cho rõ. Hình hai vợ chồng rất xứng đôi va hai đứa nhỏ, một trai một gái rất xinh xắn. Bức ảnh nói lên được hạnh phúc của một đơn vị gia đình nhỏ qua nét mặt của bốn người.
-Chúng nó làm việc ở Nhật, hai năm rồi, chúng không liên lạc với tôi.
Tôi nghe tim mình se thắt. Không dám nhìn thẳng mặt bà. Má tôi đã say ngủ. Tôi giả bộ đi rửa tay để cắt ngang câu chuyện, mà tôi đoán biết sẽ làm cả bà và tôi buồn nhiều hơn vui.
Tôi bước ra cửa sau bịnh viện, tản bộ gần sân Golf, miên man nghĩ về gia đình người con. Họ có biết mẹ họ đang bịnh và rất cô đơn không? Những đứa con đang quay cuồng với nhịp sống đời, nên không có thì giờ nghĩ về hoặc trở về thăm mẹ? Hay tai nạn khủng khiếp nào đó đã cướp đi mạng sống của họ? Tôi mong sự thật là điều thứ nhất, để một ngày nào đó, khi biết buông bớt những hệ lụy trong kiếp nhân sinh, lá sẽ rụng về cội.
Buổi tối đó, sau khi lo cho má tôi xong, trước khi về, tôi qua đắp mền cho bà.
Bà nhìn tôi với cặp mắt biết ơn. Tôi đặt lên trán bà một nụ hôn và chúc bà ngủ ngon. Nụ hôn của tình đồng loại. Mấy đêm sau đó tôi đều làm như vậy, tôi cũng đấm bóp cho bà nhưng ít thôi. Những nụ hôn sau đó của tôi là những nụ hôn "dùm" âm thầm cho con trai, con dâu và hai đứa cháu nội của bà. Những ngày sau đó, mỗi lần săn sóc má tôi, tôi kéo màn cho bà khỏi tủi thân. Vài hôm sau nữa bà được dời qua khu hồi lực. Tôi chúc bà may mắn, an vui. Thầm lặng, tôi mong một ngày không xa lắm bà sẽ nhận được thư con trai, trong đó có câu: "Mẹ ơi con yêu mẹ lắm, con và gia đinh sẽ về thăm mẹ..."
Tuần qua, một người bạn trong nhóm thiền của thầy Nhất Hạnh rủ tôi dự Lễ Bông Hồng Cài Áo. Những người tham dự sẽ được cài lên ngực một bông Hồng đỏ nếu mẹ còn sinh tiền, bông Hồng trắng nếu mẹ đã quá vãng. Tôi bằng lòng đi ngay, vì biết đâu, đây chẳng là mùa Vu Lan cuối tôi còn được may mắn cài một bông Hồng đỏ thắm lên ngực! Ba má tôi theo Đạo thờ cúng ông bà tổ tiên. Tôi không có thói quen đi chùa. Ba tôi hay nói "Phật tại tâm". Tôi dạy lại các con lời ông dạy: "Sống sao cho đầy, đầy mà không đổ càng hay" , "Điều gì con không muốn người ta làm cho mình, thì mình đừng làm cho người khác". Tức cười các con tôi, chúng hay vuốt đuôi các câu nầy vì chúng đã thuộc nằm lòng. Tôi vừa nói: "Sống sao cho đầy," là ba đứa đồng thanh: "Đầy mà không đổ". Con gái lớn tôi: "Chim ngồi không bắt, sao bắt chim bay" (lẽ ra: chim đậu không bắt, lại bắt chim bay). Con trai tôi hồi nhỏ: "Người ta nói Phật ở chùa, sao má nói Phật nằm trong bụng?"...
Số Trời hay sao, má tôi tự động ngưng chảy máu ruột. Bác sĩ cho uống thuốc lại và bà tỉnh táo hơn. (Đương nhiên lần nầy, không có thuốc loãng máu). Nhưng, càng tỉnh má tôi biết rõ bà bị liệt nửa người. Mặt bà buồn dào dào, bà hay nhìn ra khung cửa sổ của bịnh viện. Ngày nắng, bữa mưa. Sáng sương mù giăng giăng, trưa nắng vàng rực rỡ. Với bịnh hoạn này, thân thể này, ngày cũng như đêm, Thu vàng hay Đông xám, bà biết bà sẽ lặng lẽ "sống" theo thời gian trôi qua, ngày nào cũng sẽ giống ngày nào!!!.
Tuần lễ thứ sáu, má tôi nhất định không uống thuốc và từ chối mọi thức ăn. Bà ngậm miệng rất chặt và khoát tay khi y tá hoặc chúng tôi mang thuốc hoặc thức ăn đến. Bà muốn quyết định những ngày cuối của đời bà. Tôi rất rành má tôi, một người đàn bà rất tự lập và cứng cỏi - (Hổ mẫu sinh hổ tử). Chị em tôi năn nỉ cách nào, dụ khị cách gì bà cũng nhất định không chịu hé miệng. Bác sĩ chuyên khoa nói, bịnh nhân có quyền quyết định cuộc đời mình. Ngày thứ ba sau khi tuyệt thực, má tôi ốm rất nhiều. Buổi chiều tôi về nhà ăn cơm, mỗi lần và cơm vào miệng, tôi chảy nước mắt và nuốt không trôi, má tôi như hiện ra trước mặt tôi với đôi mắt sâu hoắm, mất thần.
Mấy chiếc xương sườn càng hiện rõ dưới làn da mỏng khi tôi xoa kem lên ngực bà, đôi vú đầy đặn ngày nào nay đã xẹp khô. Đôi vú một thời là bầu sữa ngọt ngào đầy dinh dưỡng mớm nuôi đàn con tám đứa. Tự dưng tôi muốn bú vú má tôi như lúc tuổi chưa thôi nôi. Tôi cúi xuống nút núm vú của mẹ. Không có làn sữa nào chảy vào miệng, nhưng tôi nghe một luồng điện chạy rần rần khắp châu thân. Ngày thường, khi tôi đưa tay mân vú bà, bà hay gạt tay tôi ra: "Con khỉ, đừng có giỡn". Hôm nay lại khác. Tôi cảm được bàn tay của má tôi đặt lên đầu tôi, vuốt tóc tôi nhè nhẹ. Có thể má tôi đang nhắm mắt hồi tưởng về những ngày xa xưa lắm. Kỷ niệm của nhiều khoảng đời có lẽ đang chảy tràn trong lòng bà như giòng sông ngập nước trong những ngày mưa lớn, như những trũng sâu của lỗ kiến hang cua. Thuở thôn nữ, đoạn lấy chồng ra tỉnh, thời gian tảo tần làm vợ làm mẹ, những ngày xa quê hương làm quen với nước người, và, bây giờ sắp chết bỏ xác nơi xứ lạ... Ở nghĩa trang Liverpool, ba tôi đã nằm ở đó chờ má tôi từ hơn hai năm nay. Những ngày ở trại dưỡng lão, có lần ông nói với tôi, ông mong được về nhà nằm cạnh má tôi để nghe tiếng thở của bà ! Má tôi sẽ được chôn nằm cạnh ba tôi, để vĩnh viễn hai xác thân dù mục rã theo thời gian, nhưng sẽ đời đời bên nhau... Tôi quay quắt với biết bao ý tưởng của quá khứ gần xa, của những ngày sắp tới. Trong khoảnh khắc ấy, tôi mong một mãnh lực vô hình nào đó sẽ hất tung tôi lên thành muôn mảnh vụn. Ngàn mảnh vụn quay tít những vòng ly tâm, tách bỏ vải vóc và bụi đời đã bám đầy tôi trong mấy chục năm nay. Hữu thể đó sẽ quay ngược những vòng thu tâm, đong đầy lại tâm hao tình kiệt, tinh lọc và tụ lại thành một hài nhi trần truồng, tinh khiết, cuộn tròn, thu nhỏ, chui ngược vào bụng má tôi, một chốn bình an. Nơi không có ganh ghét, lọc lừa, hận thù, đố kỵ, cô đơn và đau khổ. Nơi không có những tình cảm mà tôi không thể đáp trả, hoặc những ân tình tôi không thể đền bù. Nơi tôi được ru ngủ bằng nhịp tim nhịp nhàng của người mẹ và được hưởng thứ hạnh phúc tuyệt đối.
Còn một tuần nữa là Rằm tháng Bảy, lễ Vu Lan. Má tôi sẽ sống thêm được mấy ngày nữa? Tôi sẽ cài bông Hồng trắng hay đỏ vào mùa Vu Lan năm nay? Màu trắng tôi thường rất thích: màu áo học trò quấn quít tuổi vào yêu, màu của trang thư ngập ngừng chưa được viết thành lời tỏ tình mộc mạc. Màu của trăng khuyết lại tròn từ những vòng quay vũ trụ. Tôi nhắm mắt tưởng tượng lần đầu, nếu tôi phải cài lên áo một bông Hồng trắng bệt, tang tóc. Tôi hình dung, lúc đó tay tôi sẽ run rẩy, run rẩy đến chiếc kim gài đâm vào ngón tay chảy máu. Nỗi đau xác đau lòng làm trái tim thắt lại đẩy máu thành giòng, lún phún lên đóa Hồng trắng càng lúc càng nhiều thêm, và, màu đỏ của máu sẽ thay dần cho màu trắng của hoa. Màu đỏ từ máu do má tôi truyền sang khi tôi hãy còn là một bào thai nhỏ xíu. Giả dụ, nếu tôi phải cài trên ngực một bông Hồng trắng. Với tôi, nó vẫn là một màu đỏ thắm, vì, "má ơi, má vẫn sống mãi trong con".
(Mùa Vu Lan 2007)
*Lâm Kim Loan
http://aihuuvanhanh.net/