Một hội đoàn tổ chức một cuộc biểu tình bên Mỹ và thành viên của tổ chức đó ở đây tổ chức một nhóm người qua đó để tham dự bằng xe buýt. Cuộc biểu tình thì thuộc về vấn đề nghiêm chỉnh, không giỡn đùa được và thường nếu phải tường thuật một cuộc biểu tình thì thật tình nó cũng sẽ dễ chán như bất cứ vấn đề nghiêm chỉnh nào. Thành ra tôi không biết là nên viết chuyện gì về chuyến đi này và không biết nên viết vào đâu, dưới đề mục gì. Nếu viết nghiêm chỉnh về cuộc biểu tình thì có lẽ tôi nên viết vào mục Đông Du Ký, một ký sự kể hết những gì xảy ra trong cuộc biểu tình đó và những mục đích, những tuyên ngôn mà ban tổ chức đã tuyên bố. Nhưng như đã nói, làm công việc đó, có thể là do được yêu cầu viết thì viết, chứ nếu tự ý viết, tôi sợ sẽ làm người đọc chán thì tốt hơn tôi không nên viết, vì viết ra mà làm cho người ta chán thì viết làm gì? Thành ra, có lẽ, cho nên, tôi nên viết về những chuyện xảy ra trên chuyến xe buýt, ở trong cái góc nhỏ bình yên ít ai nhìn tới này, có lẽ bài viết sẽ lý thú hơn.
Chúng tôi hẹn nhau ở quán cà phê Tim Hortons, đó là quán cà phê nổi tiếng của người Canada ở đây, nghe nói nó cũng đang phát triển sang Mỹ. Chúng tôi đi Mỹ không thấy được quán cafe này trong những service centre cũng rất bực mình, người ta uống cafe cũng theo thói quen, và theo cái vị mình quen thuộc. Hôm nay, chuẩn bị leo lên xe buýt đi đến hơn 10 tiếng để tới được thủ đô của Mỹ, trên đường chỉ có cái nhà vệ sinh trên cái xe buýt lưu động, không có những Service centre giữa đường giống Canada, mà cho dù có, mình cũng phải đi theo đoàn, đâu thể muốn kêu họ ngừng lúc nào thì ngừng theo vài cá nhân được? Đi trên xe buýt, là đi với một số đông người, nếu mỗi người suy nghĩ cho người khác trong đoàn và cho cả tài xế thì công việc của ban tổ chức sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Tôi không dám uống cafe vào buổi tối vì thường sau ly cà phê, người ta sẽ thường mắc tiểu, lui tới hoài nhà vệ sinh của xe, vừa bất tiện cho mình, vừa bất tiện cho những người ngồi gần nhà vs đó.
Xe buýt khởi hành khá đúng giờ sau khi người ở nhà chở người đi dự từng tốp, từng tốp ra chỗ xe buýt. Chúng tôi đã ăn uống đầy đủ trước khi đi, tôi đã dặn con tôi có ăn thì cũng ăn ít ít thôi, vì ăn nhiều quá, rất dễ bị say xe và ói mửa ra xe rất dơ và làm phiền cả những người ở chung quanh. Lên xe, ban tổ chức đã sắp sẵn người nào ngồi với người nào, thường thì các cặp đi với nhau thì ngồi với nhau, các anh chị còn đặt phòng riêng để được riêng tư với nhau coi như... đi tuần trăng mật vậy! Đi biểu tình rồi đi tuần trăng mật luôn, coi như một công đôi... ba chuyện!
Sau khi đã ổn định chỗ ngồi, ban tổ chức bắt đầu... mở máy! Khi tổ chức cho một nhóm đông người ngồi lại chung với nhau phải nghĩ ra những mục entertainment để không khí đỡ buồn chán. Các anh trong ban tổ chức kêu gọi mọi người hát hợp ca vài bài, rồi tập cả bài hát mới để sẽ hát trong cuộc biểu tình. Anh C, trưởng ban tổ chức văn nghệ kêu chị H và tôi lên tập hát chung luôn để vừa có giọng nam, vừa có giọng nữ. Theo đoàn, tôi thấy có sự hiện diện của một chị ca sĩ, đã một lần ra dĩa nhạc ở đây, tôi nói anh C hãy gọi chị P, thay vì gọi cá nhân tôi. Tôi đã quá quen thuộc với các anh chị và với những người trong cộng đồng, có làm hay không làm người ta cũng đều biết sự tham dự của tôi. Tôi muốn có những khuôn mặt mới, có thêm nhiều người tham dự trong những buổi sinh hoạt như thế này, và thế là tôi đề cử chị P. Chị P sốt sắng lên ngay, hai chị cùng với anh C hướng dẫn mọi người hát theo sôi nổi. Lúc chị trở về chỗ ngồi, tôi hỏi, chị thấy em "pát-xê" hay không? Chị cười cười, không biết chị có nghe câu hỏi của tôi không?
Rồi đến mục tâm tình, các anh trong ban tổ chức mời nhiều người lên kể chuyện tâm tình cho mọi người nghe. Trong đêm tối, hai bên đường tối đen, có người này, người kia lên nói, con đường quả tình thấy có ngắn đi. Cái cảm giác tối đen chắc làm một anh nhớ lại chuyện vượt biên, anh kể, nhờ một lần anh không tham mà không chết. Trên chiếc thuyền vượt biên, mọi người ai cũng đói, lả, chợt anh nhìn thấy một lọ thuốc bổ của cha mẹ đứa nhỏ nào đó, lăn tới chỗ anh, anh bèn lấy ngay một hay hai viên gì đó uống vào, tính uống nữa, vì đang cơn đói, khát, nhưng nghĩ không nên tham, nên anh thôi, nhờ thế mà anh thoát chết, vì thuốc bổ mà uống nhiều quá lại đâm ra phản tác dụng, có thể gây hại đến người uống. May mà anh không tham, dừng lại đúng lúc, chính điều đó đã cứu anh. Tôi nghe chuyện, không hiểu rõ lắm, nhưng cũng không tiện hỏi lại, tại sao anh biết là anh dừng đúng lúc, anh đã lấy thuốc của người khác thì cũng là tham rồi còn gì? Nếu anh uống nhiều hơn thì anh sẽ bị sao? Bao nhiêu là câu hỏi nhưng vẫn không tiện hỏi, cho nên tôi đành ngồi yên, hình như cũng chẳng ai để ý gì cho lắm, có người đã bắt đầu ngủ.
Tôi cũng muốn nói nhưng hình như chẳng ai muốn nghe ai nói nữa, mọi người đã bắt đầu mệt mỏi. Tôi chuẩn bị sẵn trong đầu mình, nếu được chỉ định lên nói vài lời tâm sự tôi sẽ nói điều gì. Có thể tôi sẽ kể về chuyện tình của tôi chăng, đã chưa ai biết về chuyện tình của tôi, kể ra có thể sẽ có người thích thú? Nhưng rồi, chẳng ai chỉ định đến tôi, tôi nói chuyện với những người ngồi gần mình và thấy chính mình cũng díp mắt lại, tôi chợt buồn ngủ quá chừng chừng, nghĩ thầm thì cứ ngủ có sao đâu, thế là tôi ngả đầu vào ghế, thiếp đi. Xe vẫn chạy bon bon, chúng tôi tới được nơi tổ chức biểu tình đúng như hạn định, nghĩ là khá sớm, nhưng đã có một số dân địa phương đã tới sớm hơn, họ đã giăng sẵn cờ quạt ở đó, chúng tôi hòa vào với họ, những câu chuyện, những lời hỏi thăm râm ran.
Khi cuộc biểu tình kết thúc, chúng tôi quyết định kêu người tài xế xe bus chở chúng tôi tới trung tâm người Việt ở gần đó. Khi người tài xế quẹo xe vào trung tâm, ngay cái cổng, tự nhiên có cái rãnh hõm xuống, cái đầu xe thì gác lên phần cao ở bên trong, phần cuối xe thì cạ xuống phần cao của mặt đường, tạo nên tiếng kêu cọ sát, người tài xế bèn ngừng xe lại, và thử đi lùi nhưng không được, cái xe kẹt ở giữa hai bề mặt cao hơn, cái xe không đi lùi được nữa. Đợi một lát, xe vẫn không nhúc nhích được, chúng tôi đành phải đi vào trong khu thương mại, để ông tài xế bàn với một số anh trong đoàn làm sao để kéo cái xe ra khỏi cái chỗ đó. Trong cái rủi, cũng có cái may, may mà chuyện này xảy ra khi mục đích chính của chúng tôi đã được thực hiện, chứ nếu nó bị sớm hơn thì thật tình không biết phải làm sao? Chúng tôi mắc kẹt ở đó mấy tiếng đồng hồ, ai cũng mệt mỏi, muốn về khách sạn, nhưng không làm sao có xe về. Cuối cùng, chúng tôi phải lấy taxi về khách sạn, may mà nó cũng ở gần đó, chứ nếu xa hơn một chút thì chúng tôi sẽ phải mất nhiều tiền hơn cho các chuyến taxi. Thấy tội nghiệp cho ông tài xế, chúng tôi cũng không nỡ để ông ở lại đó một mình, thấy mình có vẻ bất nhẫn quá, nhưng khi tôi thấy anh nhà tôi háy mắt với tôi, bảo phải lo cho mấy đứa nhỏ nữa, tụi nó cũng cần phải tắm rửa, nghỉ ngơi và phải làm bài tập ở nhà nữa, vì chúng tôi đã kêu tụi nó đem theo trong chuyến đi, tôi đành quyết định lấy xe taxi về khách sạn trước, để mặc anh và một số anh khác ở lại với ông tài xế để đợi xe kéo, kéo cái xe buýt ra. Ai đó đã nói với tôi, điều này sẽ làm chúng tôi nhớ nhất trong chuyến đi. Mà thật, chuyến đi nào cũng có một chuyện đáng nhớ nhất và tôi chắc chắn chuyện này sẽ là chuyện đáng nhớ nhất trong chuyến đi này. Về sau, có nhắc lại chuyến đi này chúng tôi sẽ nhớ đến mấy tiếng đồng hồ chờ đợi dài đăng đẳng ở cái trung tâm thương mại này và bàn nhau chuyện này xảy ra là lỗi do ai, chủ trung tâm thương mại, chuyện của thành phố hay chuyện của sở cầu đường? Thật tình không biết tại ai?
Ở khách sạn bây giờ cũng có thể lên internet dễ dàng, vẫn có thể coi thư, xem tin tức, nghe nhạc, coi phim, chỉ cần cầm theo một cái máy điện toán cầm tay. Thế là mấy đứa nhỏ có thể chơi game, làm bài tập ngay khi đi xa nhà. Cô bạn gọi tôi trả cái khăn choàng cổ mà cô ta đã mượn khi đứng ngoài trời biểu tình. Tôi xuống phòng ăn của khách sạn vì mọi người hẹn nhau ở đó, đồ ăn của dân địa phương ủng hộ lại tiếp tục đem về đây để chúng tôi có thực phẩm liên hoan tiếp, nhưng khổ nỗi cái xe buýt vẫn chưa kéo lên được, chúng tôi không còn lòng dạ nào mà liên hoan nữa. Chúng tôi ngồi ăn uống, trò chuyện cùng lúc để đợi những người ở lại với ông tài xế xe buýt. Mãi sau, thì phái đoàn này cũng về tới khách sạn với lời báo cáo là xe buýt đã được kéo ra khỏi cái chỗ mắc kẹt với số tiền kéo xe là 500 đồng. Số tiền này với một người thì lớn, nhưng chia đều cho tất cả mọi người thì cũng chẳng bao nhiêu, mọi người đều vui vẻ đồng ý chia đều ra, chỉ mong cho người tài xế không bị mất tinh thần vì ông ta còn phải chở chúng tôi về nữa, an toàn vẫn là ưu tiên hạng nhất khi lái xe. Chúng tôi không muốn ông ưu tư về chuyện trả tiền kéo xe, có thể bị phân tâm khi lái xe nên các anh đã đề nghị với ông là chúng tôi sẽ trả tiền kéo xe cho ông, ông không cần phải lo lắng gì hết, cứ yên tâm ngủ ngon, lấy sức để hôm sau còn lái xe.
Anh thủ quỹ của ban tổ chức cảm thấy áy náy khi phải báo cáo và xin tiền mọi người thêm để đóng góp cho việc ngoài dự đoán này. Riêng tôi thì tôi thấy mỗi người chỉ trả thêm có 10 đồng thì thật tình không phải là chuyện lớn. Cả vợ chồng con cái chúng tôi chỉ tốn thêm có 50 mà mua được sự yên tâm, thoải mái, là tôi đã cám ơn trời phật rất nhiều rồi. Buổi sáng lại thêm một màn ăn uống để chuẩn bị trước khi lên đường. Chúng tôi lại lục tục kéo nhau lên xe để trở về lại thành phố của mình. Xe lại tiếp tục lăn bánh, các tiết mục giúp vui, tâm tình, văn nghệ lại tiếp tục để giết thời gian mười tiếng đường trường này. Mãi vẫn không ai thèm gọi tôi lên tâm tình hay phát biểu cảm tưởng gì hết như tôi vẫn nghĩ và mong họ sẽ gọi tôi lên, có lẽ họ nghĩ là tôi sẽ mắc cở và thích ngồi đằng sau hội trường giống như mọi lần khác nên không nỡ gọi. Quay qua, thấy anh nhà tôi đã ngà ngà ngủ, tôi đưa tay xin được lên phát biểu ý kiến. Tôi nói, tôi đợi hoài đợi hủy để được mọi người kêu lên phát biểu cảm nghĩ thế mà không ai cho tôi nói, nhất là anh xã tôi chẳng biết lăng xê vợ gì hết, cho nên chẳng ai biết tôi cũng có... khoa ăn nói (nhưng chắc ăn nhiều hơn nói.
) Bây giờ, tranh thủ anh xã đang ngủ, tôi xin được trốn lên nói, để không anh thức dậy, anh lại không cho tôi nói. Vừa nghe thế, mọi người trong xe nhốn nháo lên ngay, ừ nói đi nói đi, để không ổng thức dậy bây giờ. Đến lúc đó thì tôi lại quên hết những gì đã tính toán trong đầu là sẽ nói, thế mới biết nói trước đám đông người không phải là dễ, người ta dễ khớp và dễ quên, cho nên phải có giàn bài viết trước là vậy, rồi sau đó cứ nhìn khán giả mà tùy cơ ứng biến, chứ không thể biết trước phải làm như thế nào và không thể cứ cứng nhắc làm theo hoạch định được. Nói xong, chẳng biết đã nói những gì nhưng nhìn xuống khán giả thấy mọi người có vẻ không chú tâm lắm, tôi xin ngừng nói. Một chị bạn lâu năm lên tiếng yêu cầu tôi hát một bài đi. Thật tình lúc đó tôi chẳng tính hát nên không nghĩ mình sẽ hát bài nào cả, đến lúc được yêu cầu, tự nhiên không biết nên hát bài nào, nên tôi đùa chương trình nhạc yêu cầu hén, rồi muốn tôi hát bài nào thì cứ ra yêu cầu đi, tôi sẽ sẵn sàng hát ngay bài đó ngay, bài nào tôi cũng biết hát hết đó. Một chị thích chí kêu tôi hát bài "Số Kiếp", tôi cười trừ, hà hà bài đó thì em lại không biết hát, em chỉ biết hát bài "Đáng Kiếp" để tặng ông xã em thôi.
Các anh chị bảo thôi cứ hát bản ruột đi, tôi đưa ra hai bài hát, "Chuyện Ba Người" và "Hạnh Phúc Lang Thang" cho các anh chị chọn lựa một trong hai bài thì dễ dàng hơn. Thế là các anh chị bảo tôi thôi "Hạnh phúc lang thang" đi, hà hà bài này là ruột ruột mà, dễ thôi! Ấy vậy, mới hát được một câu đầu, tôi lại quên béng đi mất câu kế tiếp hát như thế nào, thế mới biết không đặt lòng vào bài hát là hát trật ngay. Hát phải đặt cảm xúc vào bài hát thì hát mới có hồn được mà nói đi đâu xa phải đặt cảm xúc vào bài hát thì mới nhớ lời được, lo nói, lo giỡn như tôi biểu hát cái ào, không có tập dượt, chuẩn bị gì hết nên tự nhiên ý nghĩ của mình cũng "lang thang" đi luôn!
Tự nhiên quên, mặc dù tôi vẫn thường lảm nhảm hát hoài bài này, tôi biết rằng tôi đã không tập trung khi hát nên mới quên như vậy. Định thần lại, tôi hát hết trọn bài và giọng cũng chắc nịch lại, mọi người vỗ tay khuyến khích, anh bạn "cũ" còn đùa thêm "Ê, Bình thằng chồng mày nó nghe mày nói nó sợ quá làm bộ ngủ thêm mà rồi nghe mày hát nó cũng sợ quá nên dậy luôn kìa!" Về lại chỗ ngồi, mấy anh khác thì bảo giọng Bình được lắm, ý là không có nhạc đã hay như vậy, có nhạc thì còn hay hơn nữa! Chị bạn thì nói: "Ê, mai mốt nổi tiếng là nhờ công tui lăng-xê đó nghe chưa?"
Tôi sẽ nhớ mãi những chuyến đi như vầy, các anh chị bảo nhau mai mốt sẽ tổ chức thêm những chuyến đi như vầy nữa và ai cũng khen ban tổ chức hết lời.
BN.