Rank: Advanced Member
Groups: Registered, Editors Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 4,945 Points: 1,581 Location: Đông Bắc Gia Trang
Thanks: 1 times Was thanked: 36 time(s) in 35 post(s)
|
VĂN NGHỆ TẠP GHI
Tôi đã từng tham gia văn nghệ những năm còn rất bé ở nhà trường. Nhân tài không đợi tuổi! Năm mười tuổi, các bạn trong lớp báo cho cô giáo tôi biết là tôi chưa hát, chưa thấy nó hát lần nào, nó chưa có điểm hát. Cô Hồng Nga bảo, nó có nhiều điểm kể chuyện, dư lắm rồi, không cần điểm hát nữa, nhưng thôi các bạn yêu cầu thì trò cứ lên hát đi. Tôi đứng lên hát, hát to lắm, rõ lắm và bài hát cũng nhí nhảnh lắm, thế là mọi người vỗ tay rần rần, nhưng cô Hồng Nga vẫn không cho điểm vì đã bảo điểm của nó dư lắm rồi, điểm kể chuyện cứ toàn là 10 điểm! Mười tuổi, không qua trường lớp nào, hát đại, được cái là dạn dĩ nên điểm cứ lên vù vù, thế là tốt rồi, đi học chỉ cần điểm, đâu cần được lên sân khấu hát? Vì thế cho nên, chỉ được hát trong lớp thôi, chứ không được hát trên sân khấu. Tôi nhớ trường tôi năm đó có bạn B.A., mọi người cứ đồn nhau là "Khánh Ly 2", giọng ca của nó điêu luyện lắm, nhưng hình như bề ngoài không được ăn ảnh lắm hay sao đó mà mãi sau này vẫn không nghe ca sĩ nào tên như vậy. Thế mới nói, nổi tiếng như "K. L. 2" mà còn không thấy tên tuổi đâu, thì cóc nhái như tôi làm sao mà tên tuổi? Làm văn nghệ là vậy, có tài còn phải có sắc, hát hay còn phải có khuôn mặt đẹp, nói ra thì có vẻ phũ phàng nhưng đó là sự thật, kể cả đàn ông, đàn bà, con trai, con gái gì cũng vậy.
Lớn lên một tí, lớp tôi cũng tham gia nhiều màn văn nghệ thi đua với trường, có đủ món: đơn ca, hợp ca, vũ múa, đóng kịch. Tôi lại tiếp tục chỉ được tham gia hợp ca chung với các bạn, còn đơn ca, song ca, tam ca gì gì là vẫn chẳng có tôi, đã nói rồi tài không chắc có hay không nhưng sắc mà không có thì khó mà được leo lên sân khấu độc diễn. Đứng trong đám xây lố cố không ai để ý đến mình, chỉ cần hát to, hát hùng, hát mạnh là ăn tiền rồi, bản hợp ca của lớp tôi năm đó được hạng nhất, còn các giọng ca thì cho đến bây giờ cũng chẳng thấy tuổi tên đâu hết. Ừ mà quên, đáng lẽ phải nói rằng "tuổi" thì có còn "tên" thì không có, thì đúng hơn! Thế nhưng, cái màn hợp ca đó nặng cân lắm, nó được dùng để làm áp lực cho các màn tam ca, vũ được trình diễn. Tôi còn nhớ các bạn tôi thẳng thắn tuyên bố hủy bỏ hết các màn văn nghệ nếu như màn vũ của các bạn tôi không được trình diễn. Cuối cùng, vì muốn màn hợp ca của lớp tôi trình diễn mà trường bắt buộc phải để cho màn vũ đó được trình diễn. Tập văn nghệ, các bạn rủ làm cái gì là tôi làm cái đó, kêu đóng kịch, tôi đóng kịch, kêu hát hợp ca, tôi hát hợp ca. Chỉ tại tướng tôi không đẹp, múa thì cứng ngắc chứ nếu không chắc tụi nó cũng đã kêu làm rồi, chứ chẳng để yên đâu. Chúng tôi được cái có tinh thần tập thể, "một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ", màn vũ bỏ nhiều công trình nhất để tập mà lại không được trình diễn thì bất công quá, nên chúng tôi đình công, đòi điều kiện, màn vũ phải được trình diễn thì màn hợp ca chúng tôi mới trình diễn. Vậy những giọng ca trong màn hợp ca kể ra cũng quan trọng đấy chứ!
Lớn lên tí nữa, tôi lại tiếp tục tham gia văn nghệ, vẫn là những bài hợp ca, vẫn là một tập thể, một nhóm người mà đòi hỏi phải có tinh thần đồng đội cao. Tôi lại hát, hễ ai gọi là tôi hát, hát không hay lắm nhưng cũng không đến nỗi phá bè của người ta để mà không được cho hát, cho nên tôi vẫn được hát. Vẫn là một ca sĩ không tên tuổi, à mà không, trôi theo dòng thời gian, mình đã thành ca sĩ có "tuổi" mà không "tên"! Cũng theo dòng thời gian, bận bịu với cơm áo gạo tiền, tôi không được tham gia những màn văn nghệ nữa nhưng lại đến lúc phải đứng ra để hỗ trợ cho những đứa nhỏ hát, khuyến khích các cháu hát tiếng Việt để đừng quên tiếng Việt, cho nên tôi lại hát. Có người khen: "Ê, ca cũng được đó chớ!" Dĩ nhiên rồi, người ta đã được hát từ khi còn nhỏ, hát theo dòng thời gian, thì hát phải được chứ sao lại không được? Lại nữa, tôi rất chăm chú khi nghe nhạc, coi cách trình bày của các ca sĩ trên sân khấu để tự rút ra kinh nghiệm là làm sao để khán giả thích thú khi nghe nhạc. Phải công nhận, các ca sĩ bây giờ đa tài hơn các ca sĩ ngày xưa, họ phải hát hay, lại phải nhảy múa giỏi, thêm được cái năng khiếu nói chuyện có duyên nữa là bảo đảm sẽ được nhiều khán giả thích. Tuy nhiên, cái đẹp cũng vẫn quan trọng, không có hình thức bên ngoài thì cũng khó mà đứng trên sân khấu. Có nhiều người tuy không có sắc nhưng họ có tài thực sự thì người ta cũng khó mà bỏ qua nhưng điều đó rất hiếm. Vả lại, công nghiệp thẩm mỹ bây giờ lên rất cao, xấu cách mấy rồi người ta cũng che dấu để làm cho đẹp được thì cái sắc đẹp kể ra cũng không còn quan trọng lắm. Chỉ có cái tài thực sự là ít bị mai một, chứ còn đẹp cách mấy thì rồi thời gian cũng không còn đẹp được nữa. Thật lòng mà nói, một cô ca sĩ hay mà già rồi vẫn không nhìn thấy đã bằng một cô ca sĩ chưa giỏi lắm mà vẫn còn trẻ tuổi.
Tôi chỉ có thể dạy được con bé lớn đọc tiếng Việt lúc nó 5 tuổi, nhưng bây giờ nó tiếp xúc với tiếng Anh, tiếng Pháp nhiều hơn nên nó đã quên dần tiếng Việt. Không thể bắt các cháu giỏi hơn nhưng ít nhất nó vẫn còn cái căn bản thì hy vọng mai mốt nó có phải đọc tiếng Việt thì nó vẫn có thể đọc được, còn nếu nó muốn hiểu cái nghĩa thì nó phải hỏi. Có nhiều người lớn, tiếng Việt đầy một bụng mà khi gặp chữ nào ít dùng tới thì vẫn không hiểu vẫn phải tìm hiểu hoặc tra từ điển như thường, hoặc là phải đi hỏi, thì mấy đứa trẻ lớn lên ở đây làm sao tránh chuyện đó được? Nếu nó muốn hiểu, nó sẽ tự tìm hiểu, chỉ cần nó biết được cái căn bản của tiếng Việt là tốt rồi. Hai đứa nhỏ, tôi cũng đã cố gắng hết sức nhưng có thể lúc sau này tôi bận bịu nhiều hơn vì có tới ba đứa, lại làm việc bên ngoài nhiều hơn nên không còn thời gian nhiều để dạy cho chúng tiếng Việt. Tuy thế, tôi cũng cố dạy cho chúng những điều căn bản của tiếng Việt, với hy vọng là chỉ cần nó nắm bắt được cái căn bản như con bé lớn thôi là tốt lắm rồi. Hai đứa nhỏ không được dạy nhiều như con chị, lại không có tài năng đặc biệt về ngôn ngữ như chị chúng nên chúng vẫn chưa nắm bắt được cái căn bản của tiếng Việt. Thí dụ như, I, Ê, T thì nhất định nó sẽ là âm "iết", bỏ vần V vào đằng trước thì nó thành "viết" nhưng muốn cho nó thành chữ "viết" thì nhất định là phải đánh thêm dấu sắc, còn muốn nó thành chữ "Việt" thì phải đánh dấu nặng. Con trai thường thường làm biếng, nó nhất định không chịu học nhiều như chị nó hay em gái nó, nên nó dở thì đành chịu. Thôi thì, nó biết được vài chữ căn bản đơn giản như Cơm, Phở, Phở Bò, Mẹ, Con... cũng là tốt lắm rồi, đòi hỏi quá kể ra cũng khó, nó lớn lên ở xứ này mà. Con gái thì thường chăm hơn mà hình như cũng có khiếu về ngôn ngữ hơn. Tôi cho con bé nhỏ con tôi nhìn bài hát tiếng Việt và kêu nó hát, nó hát theo được, chữ nào nó hát không rõ thì mình sửa cho nó, chữ nào nó thắc mắc và hỏi phát âm chữ đó như thế nào thì mình sửa cho nó, đó cũng là một cách để dạy cho nó tiếng Việt. Hôm vừa rồi, tôi dạy cho nó cả bài dân ca miền Nam, con bé hát xuất sắc quá, ai cũng khen. Nó được đăng hình trên báo, một cô bạn của tôi nhận thấy nó trên báo, hỏi bộ chị dạy cho nó hả, lại dạy cả tiếng Nam nữa hay quá! Ừ, thì ca sĩ phải vậy, không hát thì thôi, hát tiếng nào thì phải ra tiếng đó. Với lại, nó người Bắc mà nó hát giọng Nam mới lạ, chứ nó hát giọng Bắc như bình thường thì có gì lạ đâu? Cái chuyện trình diễn trên sân khấu đòi hỏi phải như vậy, không những chỉ có hay mà còn phải lạ nữa, không lạ thì thường dễ làm cho khán giả thấy chán, và nếu khán giả thấy chán thì màn trình diễn trở nên dở. Và dĩ nhiên tôi muốn nó hát cho các màn hợp ca cũng bằng cách đọc tiếng Việt như vậy để một phần là dạy cho nó đọc tiếng Việt, còn phần quan trọng hơn là tinh thần đồng đội trên sân khấu, muốn bài hợp ca hay là phải hát đều theo đồng đội, không giật le, không chơi nổi, không phá bè của người ta.
Vẫn là cơm áo, gạo tiền, vẫn là công này, chuyện nọ, vẫn là người lớn thì có nhiều việc làm hơn con nít, nên mấy buổi tập dượt cho lần trình diễn vừa rồi, tôi chỉ có thể gởi tụi nhỏ tới dượt chứ còn tôi thì vắng mặt. Làm văn nghệ mà không tập dượt thì lúc trình diễn thế nào cũng lọng ngọng, tôi biết là vậy, cũng muốn buông chỉ để mấy đứa nhỏ hát thôi, và như trên tôi đã nói rồi, nhìn những người trẻ hát vẫn thấy thích hơn là nhìn mấy người già hát, nhưng thật tình là buông không được, trưởng ban bảo tôi: "Không có bà "back-up" cho tụi nó, tui sợ tụi nó trật duột thì bể lắm! Hông được đâu, bà phải hát mới được, lỡ tụi nó có quên thì còn có bà back-up." Thế quái nào, mà đến hôm trình diễn thì tôi lại quên tuốt luốt, lời thì nhớ, nhưng nhạc thì không, vô khúc nào, khúc nào, tôi quên tuốt, chẳng nhớ gì cả! Hát xong, con bé bảo tôi hồi nãy mẹ hát sai rồi. Nó nhắc tôi, tôi mới nhớ ra. Chết thật, tôi hay cười anh nhà tôi là coi chừng bị bệnh Alzhemer, không chừng chính mình mới là người phải coi chừng, chết thật! Cũng may, là tuy tôi hát sai nhưng các cháu hát cũng hát theo tôi để lấp cái sai đó đi, và các cháu chơi nhạc cũng chạy theo tôi để mọi người không nhìn thấy cái sai của ca sĩ. Cho nên, chỉ có những người biết chơi nhạc mới biết chúng tôi hát sai, còn khán giả ở dưới cho dù có thấy điều gì đó hơi là lạ cũng không chắc chắn lắm. Mà lên sân khấu là vậy, đã lỡ sai rồi là phải tiếp tục nhặt từ cái sai đó đi luôn, chứ không được dừng lại, "xí hụt, xí lộn" rồi hát lại từ đầu, là không được! Tôi khen các cháu, sao các con biết mẹ hát sai mà vẫn chạy theo luôn được, hay thiệt, các cháu cười bảo, đó mới là chuyên nghiệp đó mẹ. Các cháu đã từng trình diễn cho ban nhạc của trường, đã được các thầy cô dạy nhạc dạy cho điều đó. Thế mới biết câu ông bà ta dạy từ xưa: "Không thầy đố mầy làm nên", thật chẳng sai tí nào!
Tuy vậy, tôi vẫn tự hào lắm, người điều khiển chương trình nói với khán giả là ai muốn cho con học tiếng Việt, hát tiếng Việt thì nên cho con đi tham gia văn nghệ như những em nhỏ này. Tôi im lặng, lúc nào cũng im lặng, vì tôi phải giả dạng như là các em nhỏ để làm nhiệm vụ "chống lưng" cho tụi nó mà thôi, không thể chường cái mặt mình ra là thành viên của hội Phụ Nữ được, vì nếu phụ nữ người lớn mà hát được tiếng Việt thì thường quá, có gì đâu phải coi, chỉ có con nít lớn lên ở đây hát được tiếng Việt thì mới hay để đáng coi thôi. Tôi tự hào cũng vì chúng tôi hát theo ban nhạc đàng hoàng, cho dù có trật duột chỉ bởi vì tôi chăng nữa thì các cháu cũng vẫn hát theo được, đánh theo được, nhìn theo, nghe theo mà hát, chứ không phải để máy thâu sẵn tiếng nhạc như Karaoke, cũng không được cầm giấy hát mà phải nhớ lời bài hát. Thật là chán khi phải coi các ca sĩ cứ nhìn chằm chằm vào tờ giấy trước mặt để nhớ lời bài hát, thành ra nhìn người nào cũng như là đang nhắm mắt hát. Còn chán hơn nữa là khi một số người đã nhìn theo lời bài hát rồi lại còn để thêm cái máy hát luôn theo mình, hay nói đúng hơn là mình hát theo máy, chẳng khác nào như hát nhép miệng vậy, mà lời hát ra thì hay hết biết vì là máy hát mà, ca sĩ thiệt hát mà, lại hát trong phòng thâu kín mít nữa thì làm sao mà không hay cho được?
Nói chuyện văn nghệ, bảo đảm nói hoài cũng không bao giờ hết, tự nhiên tôi đang nghĩ đến những chuyện này nên viết lại những gì mình nghĩ vậy thôi.
Bình Nguyên Tháng 8, 2011.
|