Liên hoan Cannes 2011 : Cuộc tranh tài trên tột đỉnh Truyền thống bước lên bục thảm đỏ tại liên hoan Cannes (DR)
Tuấn Thảo -
rfiMùa gặt hái Cành cọ vàng đã mở màn. Hôm qua (14/4/2011), ban tổ chức Liên hoan Cannes đã công bố danh sách 19 bộ phim đi tranh giải thưởng cao quý nhất. Nhìn vào danh sách của Cannes 2011, giới báo chí phê bình tiên đoán một cuộc đọ sức hào hứng sôi nổi, nơi mà các tài năng mới đụng với các đạo diễn gạo cội.
Danh sách vừa được công bố chưa phải là hoàn toàn dứt khoát, vì từ đây cho tới ngày 11/5, tức là ngày khai mạc Liên hoan, ban tổ chức có thể công bố thêm một vài tác phẩm bổ sung cho chương trình Cành cọ vàng. Giới phê bình tỏ vẻ ngạc nhiên vì lần này không có phim của Trung Quốc và Iran được đề cử đi tranh giải. Hàn Quốc thì chỉ tham gia vào hai chương trình chiếu phim song song với Cành cọ vàng. Ngoài yếu tố này ra, có thể nói là các nền điện ảnh khác đều tham gia cuộc tranh tài.
Tài năng mới đụng đạo diễn gạo cội
Pháp, nước chủ nhà năm nay có đến ba phim đi tranh Cành cọ vàng. Nhật Bản, Ý và Hoa Kỳ, mỗi bên đều có hai tác phẩm. Bắc Âu hiện diện với phim của Đan Mạch và Phần Lan. Ngoài ra, điện ảnh Tây Ban Nha, Rumani, Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ , Úc, Áo và Israel đều có một ứng cử viên sáng giá. Trong những năm trước, Liên hoan Cannes áp dụng phương thức 50-50, tức là một nửa các tên tuổi lớn và một nửa các tài năng mới. Năm nay, nổi bật hơn cả là mô hình một phần ba : gồm ba thành phần đạo diễn từng đoạt giải – các tên tuổi được công nhận – các tài năng mới xuất hiện.
Trong số các mầm non, chương trình Cành cọ vàng giới thiệu ba tác phẩm đầu tay cộng thêm 3 đạo diễn lần đầu tiên có phim được tuyển chọn tại Liên hoan Cannes (Maiwenn người Pháp, Julia Leigh người Úc, Markus Schleinzer người Áo). Về phía các tên tuổi từng được công nhận trong làng phim quốc tế có Takeshi Miike (Nhật), Alain Cavalier (Pháp), Joseph Vedar Israel. Các gương mặt này sẽ phải đọ sức với bảy đạo diễn kỳ cựu từng đoạt Cành cọ vàng hay có mặt trên bảng vàng.
Đó là trường hợp của đạo diễn Phần Lan Aki Kaurismaki từng thuyết phục ban giám khảo vào năm 2002 với tác phẩm Người không có quá khứ (L’homme sans passé). Hai anh em đạo diễn người Bỉ Dardenne hai lần đoạt Cành cọ vàng vào năm 1999 (bộ phim Rosetta) và 2005 (L’enfant - Đứa bé). Lars Von Trier cũng nhận giải này vào năm 2000 (Dancer in the dark - Người múa trong bóng tối). Còn nhà làm phim Tây Ban Nha Pedro Almodovar thì đoạt giải kịch bản tại Cannes vào năm 2006 (Volver - Trở lại).
Thế nhưng, gương mặt được chờ đợi hơn cả vẫn là đạo diễn người Mỹ Terrence Malick. Ông từng đoạt giải đạo diễn tại Cannes vào năm 1979 với bộ phim Days of Heaven (tạm dịch Những ngày tháng thần tiên), và lần này ông sẽ xuất hiện trở lại với tác phẩm Tree of Life (Gốc cây Nhân sinh) với các diễn viên Brad Pitt và Sean Penn trong vai chính. Trong làng điện ảnh quốc tế, đạo diễn người Mỹ Terrence Malick có một vị trí hoàn toàn riêng biệt. Trong vòng 40 năm sự nghiệp, Terrence Malick chỉ quay có 5 bộ phim, những mỗi phim đều được giới phê bình đánh giá cao, xem đó là những tác phẩm lớn.
Terrence Malick đi tìm ngôn ngữ điện ảnh "ly tâm"
Tốt nghiệp đại học Harvard và Oxford, ông trở thành giáo sư triết học trước khi vào nghề viết kịch bản và quay phim vào năm 1973. Khác với các đạo diễn cùng thời, Terrence Malick thoát ra khỏi cách làm phim truyền thống, để đi tìm một ngôn ngữ điện ảnh mới đầy ẩn dụ triết học, mà nhà phê bình Michel Chion gọi là lối ‘‘kể chuyện ly tâm’’ (narration decentered), nội dung tuyến truyện không đi theo một hướng thẳng, nhân vật chính cũng không phải là trọng tâm hình ảnh mà lại được lồng vào một bối cảnh rộng mở hơn. Nổi tiếng là một nhà đạo diễn có tầm nhìn xa, Terrrence Malick do rất tỉ mỉ trong cách dựng phim và trau chuốt cho từng cảnh quay, cho nên ông thường được xem như là người có khả năng nâng tầm thưởng thức của giới yêu chuộng điện ảnh.
Trong cuộc họp báo tổ chức tại Paris hôm qua (14/4/2011), ông Thierry Fremaux, trưởng ban tổ chức và cũng là người điều hành ban tuyển chọn phim, đã cho biết về sự khó khăn trong việc thuyết phục đạo diễn Mỹ Terrence Malick đưa tác phẩm mới của ông đi tranh giải Cành cọ vàng tại Liên hoan Cannes.
Bộ phim Tree of Life (Ngọn cây nhân sinh), tác phẩm mới của đạo diễn Terrence Malick đáng lẽ ra đã được tuyển chọn từ kỳ Liên hoan năm trước, rủi thay 24 tiếng đồng hồ trước khi công bố đanh sách phim đi tranh Cành cọ vàng, tôi lại nhận được một cú điện thoại của ông, nói rằng ông quyết định không cho phim đi tranh giải với lý do là phần hậu kỳ chưa được làm xong. Mãi đến hơn ba tháng sau, tức là vào đầu tháng 9/2010, tôi mới được dịp xem phiên bản hoàn chỉnh của bộ phim Tree of Life.
Do vậy, cuộn phim này được xem là một trong tác phẩm đinh của Liên hoan năm nay, và lần này tôi tin chắc rằng sẽ không có chuyện chậm trễ do phần hậu kỳ. Cách đây không lâu, tôi mới được dịp xem lại tác phẩm này và tôi rất ngạc nhiên vì phiên bản cuối cùng ấy lại có thêm phần sửa đổi. Điều này cho thấy là đạo diễn Terrence Malick cầu toàn và tỉ mỉ đến chừng nào. Ông có thể sửa đi sửa lại một tác phẩm cho đến khi nào thật vừa ý mới thôi. Tôi không muốn tiết lộ nội dung bộ phim này, để cho khán giả và giới phê bình tự họ khám phá tác phẩm. Tôi chỉ có thể nói rằng bộ phim Tree of Life xứng đáng để cho mọi người phải chờ đợi săn đón, vì Terrence Malick đã bỏ rất nhiều công sức để hoàn tất tác phẩm của ông.
Nếu như các đạo diễn tên tuổi như Terrence Malick, Pedro Almodovar, Aki Kaurismaki đều đã nhận lời đưa phim của họ đi tranh giải, thì giới phóng viên hiện diện tại cuộc họp báo hôm qua đều không khỏi thắc mắc về sự vắng mặt của hai nền điện ảnh lớn là Iran và Trung Quốc. Kể từ hai tháng trước, đã có nhiều nguồn tin về việc đạo diễn Vương Gia Vệ gửi đến Cannes bộ phim mới của ông là The Grandmaster (tạm dịch là Đại sư võ thuật).
Vương Gia Vệ lỡ chuyến tàu đi Cannes
Bộ phim The Grandmaster kể lại cuộc đời và sự nghiệp của võ sư Diệp Vấn. Phim này quy tụ một dàn diễn viên gạo cội là Lương Triều Vỹ và Chương Tử Di. Cho nên tại cuộc họp báo, các phóng viên người Hoa mới đặt câu hỏi là phải chăng ban tổ chức ưu ái thể loại chính kịch (drama) hơn là phim võ. Về điểm này, ông Gilles Jacob, giám đốc Liên hoan Cannes nhận xét.
Phim hành động võ thuật là một trong những nét đặc thù của điện ảnh châu Á, bên cạnh nhiều thể loại khác như chính kịch, tình cảm tâm lý gần sát hơn với thực tế xã hội thời nay. Ở đây, tôi nghĩ đến các tác phẩm của đạo diễn Giả Chương Kha hay của Vương Toàn An. Phim hành động hay tâm lý đều có chỗ đứng tại Liên hoan Cannes. Điều quan trọng không phải là thể loại của tác phẩm mà chính là góc nhìn của người thực hiện, để chuyển tải một thông điệp. Có lẽ cũng vì thế mà chúng tôi rất hào hứng khi biết rằng đạo diễn Vương Gia Vệ bắt tay vào việc thực hiện bộ phim The Grandmaster. Chúng tôi tò mò không biết là một đạo diễn nổi tiếng như ông sẽ quay phim võ thuật như thế nào ?
Ban tổ chức Liên hoan Cannes đã tiếp xúc với đoàn làm phim của Vương Gia Vệ ngay từ giai đoạn tiền kỳ của tác phẩm. Ban tuyển chọn phim đã thuyết phục đạo diễn Vương Gia Vệ hãy cố gắng làm sao để có thể gửi tác phẩm đến Cannes trước thời hạn chót. Nhưng rốt cuộc thì bộ phim The Grandmaster vẫn còn dang dở. Theo chỗ tôi được biết, thì tác phẩm này vẫn chưa đi vào phần hậu kỳ vì nhiều cảnh phim vẫn chưa được quay xong. Có thể xem đây là một trường hợp tiêu biểu cho một số bộ phim gửi đến Cannes. Ban tổ chức thường được xem tác phẩm dưới dạng phiên bản đầu tiên, đôi khi chưa có lồng tiếng nhạc hay âm thanh phụ họa. Mãi đến ngày khai mạc Liên hoan, đôi khi là vài tiếng đồng hồ trước xuất chiếu thì chúng tôi mới nhận được ‘‘phiên bản hoàn chỉnh’’. Sự vắng mặt của Vương Gia Vệ năm nay làm cho nhiều người thất vọng, và chúng tôi là những người đầu tiên bị hụt hẫng. Hy vọng rằng Vương Gia Vệ sẽ có tác phẩm được tuyển chọn vào năm sau.
Làm thế nào để cân bằng giữa một bên là các tác phẩm nghệ thuật và một bên là những bộ phim có tính chất giải trí. Ông Gilles Jacob, giám đốc Liên hoan Cannes tiết lộ đôi điều về cái bí quyết tuyển chọn tác phẩm để đưa vào các chương trình chiếu phim của Cannes, dù có tranh giải hay không.
Trên thực tế, ban tổ chức chỉ có thể xem những bộ phim nào đã được gửi đến cho ban tuyển chọn. Các bộ phim này ở trong giai đọan chuẩn bị phát hành hay sắp hoàn tất. Điều đó có nghĩa là có những bộ phim hay nhưng vì một lý do nào đó không được gửi đến cho chúng tôi. Trong số 1715 bộ phim mà ban tổ chức đã nhận được, chúng tôi đặt ưu tiên cho góc nhìn của nhà đạo diễn và nhãn quan nghệ thuật trong tác phẩm, từ cách dựng phim cho đến ngôn ngữ điện ảnh. Và nếu như các bộ phim này bám sát thời sự, để phản ánh thực trạng của thế giới thì điều đó lại càng đáng mừng, bởi vì đó là một trong những tiêu chuẩn mà ban tổ chức đã đặt ra.
Tuy nhiên, Liên hoan Cannes không thể nào quên khía cạnh giải trí của nghệ thuật thứ bảy. Một Liên hoan mà chỉ chiếu những bộ phim ‘‘nghiêm túc’’ đòi hỏi nơi khán giả nhiều sự suy ngẫm, thì chúng tôi ngại rằng bầu không khí sẽ trở nên khô khan nặng nề. Tôi còn nhớ là có những năm có cho ra mắt nhiều tác phẩm nghệ thuật, thì chỉ sau vài ngày công chiếu, Liên hoan Cannes như thể bị bao trùm bởi một bầu không khí ảm đạm. Chúng tôi phải dung hòa làm sao để cho Cannes vẫn giữ được tính chất liên hoan lễ hội. Phim nghệ thuật hay phim giải trí đều có chỗ đứng tại đây vì Cannes là tủ kính trưng bày điện ảnh thể giới, và nghệ thuật thứ bảy rất đa dạng chứ không thể chỉ có một diện mạo mà thôi.
Tranh luận xung quanh tác phẩm Midnight in Paris
Bộ phim khai mạc Liên hoan Cannes năm nay là Midnight in Paris (Paris lúc nửa đêm) của đạo diễn Woody Allen. Trong số các diễn viên, có cô Carla Bruni. Bên cạnh đó, Cannes cũng cho chiếu một bộ phim khác mang tựa đề La Conquête (có nghĩa là Chinh phục quyền lực), nói về cuộc vận động tranh cử tổng thống của ông Sarkozy vào năm 2007. Giới phóng viên không hiểu vì sao ban tổ chức năm kết hợp cùng một lúc 2 bộ phim có liên quan đến cặp vợ chồng Tổng thống Sarkozy. Ông Thierry Fremaux, giám đốc điều hành ban tuyển chọn phim tìm cách dập tắt tranh luận.
Liên hoan Cannes không có một chiến lược nào cả trong cách tuyển chọn. Ở đây tôi muốn nói là ban tổ chức đặt một số tiêu chí nghệ thuật lên hàng đầu, chứ không chọn một bộ phim bởi vì chúng tôi nghĩ rằng bộ phim này sẽ gây tai tiếng, và như vậy có thể thu hút thêm sự chú ý của giới truyền thông báo chí. Theo tôi thì Liên hoan Cannes tự nó đã có đủ tiếng tăm uy tín, chứ không cần phải dùng scandale để gây thêm tiêng vang. Liên quan tới bộ phim Midnight in Paris (Paris lúc nửa đêm) của đạo diễn Woody Allen, thì ông đã chọn quay một bộ phim ‘‘cộng hưởng’’ kết hợp nhiều tình huống và nhân vật khác nhau, trong đó có cô Carla Bruni.
Dĩ nhiên là khi bộ phim này được chọn để khai mạc Liên hoan Cannes, chúng tôi hy vọng là cả đoàn làm phim sẽ có mặt trên thảm đỏ, và cô Carla Bruni sẽ được mời với tư cách là một trong những diễn viên của bộ phim, chứ không phải là với tư cách đệ nhất phu nhân của nước Pháp. Bên cạnh đó, còn có sự kiện bộ phim La Conquête (Chinh phục quyền lực) được chiếu trong cùng một thời điểm. Tuy là phim truyện, nhưng bộ phim này kể lại cuộc vận động tranh cử của ông Sarkozy nhìn từ phía bên trong hậu trường. Theo tôi thì hai đạo diễn Woody Allen và Xavier Durranger không hề vấn ý nhau khi thực hiện phim của họ. Thật tình là do trùng hợp ngẫu nhiên mà hai bộ phim có liên quan trực tiếp đến hai vợ chồng ông Sarkozy. Nhưng khán giả nào có dịp xem hai bộ phim sẽ nhận ra ngay là hai sự kiện này chẳng có liên hệ gì với nhau.
Sức bật của nền điện ảnh Pháp
Liên hoan Cannes năm nay đánh dấu sức bật của nền điện ảnh Pháp với tổng cộng là 9 tác phẩm được chiếu trong các hạng mục chiếu phim quan trọng. Trong đó, có đến 3 tác phẩm trong chương trình Cành cọ vàng. Theo ông Thierry Fremaux, ban tổ chức đã muốn khuyến khích các tài năng trẻ khi tuyển chọn 2 gương mặt mới đi tranh giải thưởng cao quý nhất của Liên hoan Cannes.
Điện ảnh Pháp, đặc biệt là vào năm nay, có một sức sáng tạo chẳng những về hình thức mà còn về mặt nội dung. Theo tôi, cả 9 bộ phim Pháp được chiếu tại Cannes năm nay đều xứng đáng được đưa vào chương trình tranh giải Cành cọ vàng. Cho đến giờ chót, ban tổ chức rất là đắn đo, nếu không nó là khổ tâm khi phải chọn 3 tác phẩm trong số 9 bộ phim. Chúng tôi khó thể nào mà làm được hơn, bằng không sẽ bị chỉ trích là quá ưu ái phim Pháp mà bỏ bê các nền điện ảnh khác. Ban tổ chức đã tìm cách dung hòa hai tên tuổi mới xuất hiện là Bertrand Bonello và Maiwenn với một đạo diễn Pháp từng được công nhận (Alain Cavalier). So với 6 tác giả kia thì họ ít có được dịp trình làng tác phẩm của họ tại Liên hoan Cannes. Điều mà tôi thấy đáng mừng là cho dù cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn chưa qua, nhưng điều đó không tác động đến sức sống của nền điện ảnh Pháp. Số lượng phim Pháp khá dồi dào tại Cannes năm nay một phần cũng vì số lượng phim Pháp được quay hiện giờ có chiều hướng gia tăng chứ không hề suy giảm.
Sau một năm không có gì sáng sủa cho lắm, do tình hình khủng hoảng chung đã tác động đến việc huy động vốn để kinh phí tài trợ cho các dự án làm phim, và điều này cũng khiến cho ban tổ chức gặp khó khăn trong việc chọn lựa phim đi tranh giải. Có thể nói là năm nay Liên hoan Cannes đã phục hồi và như vậy sẽ hứa hẹn nhiều thú vị bất ngờ.
TV Festival de Cannes
http://www.youtube.com/watch?v=pATs8H1eQkU