Chị PC,
Theo một số tài liệu, trải qua nhiều thế kỷ Đạo Phật đã được truyền bá khắp nơi, do đó được phân hóa ra các ngành, rất là phức tạp, chỉ xin tóm tắt hai nghành chính như sau: Tiểu thừa (Hinayana), là phương pháp tu chỉ cứu lấy mình, tự độ chứ không độ tha, rồi nhập Niết Bàn. Đại thừa (Mahayana,) căn bản là cứu độ vị tha, hành trì các đức hạnh (Bồ Tát) cứu vớt chúng sinh, tích lũy cả công đức và kiến thức (trí tuệ) trong việc tu tập để đạt Phật quả. Klinh đọc về Phật giáo, về luân hồi nghiệp quả nhưng đọc rồi tự suy ngẫm/suy luận để mà áp dụng, chứ không lệ thuộc nhiều vào kinh sách, vì nghĩ chẳng nên trói buộc mình vào bất cứ cái gì, ngay cả lòng mong muốn được lên cõi Trời/Niết Bàn. Klinh cũng cố tránh đem kiến thức mình đã thu lượm để phô trương, vì nghĩ đó chỉ là sự nhai lại mà thôi, không khéo lại sinh ra kiêu mạn thì sẽ tự rơi mãi vào vòng sinh tử luân hồi. Lục Tổ Huệ Năng vốn quê mùa ngu dốt, nhưng liễu ngộ hơn là các đệ tử của ngũ tổ, là những thiền sư tuy uyên bác, văn hay chữ tốt, mà vẫn không đạt được đạo. Kinh Thủ Lăng Nghiêm có nói về tôn giả A-Nan, là người đệ nhất đa văn, có trí nhớ phi thường, tuy vậy đi theo Phật cả đời mà không tu chứng được gì vì ông không có quay về cái tâm thanh tịnh bên trong. (Tương truyền rằng, sau khi Phật nhập Niết-bàn, tôn giả A-nan mới đắc quả A-la-hán.) Cần thêm điều này không thôi chị PC lại kêu là Klinh nói sai.
Klinh đem cái ví dụ thi test cũng như một hình tượng để so sánh với việc tu hành chứ không hề nói tới giám khảo hay thượng đế nào hết. Thí dụ kinh Phật dạy diệt tham sân si ngã mạn, đọc xong thì cách duy nhất để biết mình hiểu đến đâu, có diệt được hay không là kiểm soát lại cái tâm và hành động của mình đối với những sự việc xảy ra trong đời sống, mình sẽ hành động ra sao, có giảm bớt được tham sân si... không. Lại thí dụ nữa là có những người trong quá khứ mình có chuyện đụng chạm, cãi vã với họ, ăn miếng trả miếng, bây giờ mình có còn làm vậy nữa không, có còn thù ghét họ không? Người ta nói khác ý với mình, chọc ghẹo chế nhạo mình là ngu dốt hơn họ, mình có nhịn nhục được không hay là nổi sân hận mà trả miếng lại? Lúc đi chợ khi lấy tiền trả lại ở cái máy thối tiền lẻ, nếu thấy có tiền dư để lại từ khách hàng trước, mình có vơ vét luôn không hay là suy nghĩ mình có nghèo đến mức phải lấy số tiền đó để xài, thôi bớt đi cái tham không lấy, để dành cho những khách đến sau cần số tiền đó hơn mình. Như thế là chính mình nhìn vào cái tâm của mình để nhận biết những thay đổi trong tâm, chứ không có ai là giám khảo hay thượng đế cả. Cái quả tốt mình nhận lãnh cũng là thử thách đó, khi mình được giàu có thì mình có sanh lòng kiêu hãnh, khinh bỉ chê bai những kẻ nghèo, không làm việc phước thiện/bố thí, hoặc là sa đọa bê tha, đã sung sướng rồi thì lại muốn tìm đủ mọi cách sướng hơn nữa -- thí dụ có dinh thự nguy nga, ăn uống thỏa thuê nhưng lại cố tìm cái sướng tột cùng đi mây về gió, dùng rượu/thuốc v..v.. quá độ, để tuy ở dưới đất mà lúc nào cũng cảm thấy lâng lâng nơi mấy tầng Trời, chẳng bao lâu e sẽ đi đến chỗ tự hủy diệt. Nếu nhận được quả xấu thì mình có biết là do đã tạo nhân xấu, để ăn năn hối cải, tu sửa hành động, tâm tính, hay là cứ si mê đổ tại cái này cái kia, người ấy người nọ làm ra cho mình như thế. Nếu vượt qua được các thử thách đó thì tự biết là mình đã thăng tiến trong việc tu tập.
quote:
Gởi bởi Phượng Các
Ở cõi thiên nếu không chịu tu thì khi hết phước sẽ bị rơi xuống cõi dưới là do các nghiệp ác gieo trồng từ các tiền kiếp. Trong kinh cũng nói là ở cõi trời chúng ta có thể tu tiếp và chứng quả Niết bàn luôn, khỏi phải trở lại cõi trần gian nếu không muốn.
Ý của Klinh cũng thế. Tuy lên cõi thiên nhưng chưa thoát được luân hồi, khi hết phước rồi vẫn phải xuống trần để trả duyên nghiệp từ kiếp trước. Trường hợp bà hòang hậu Maya thì xưa nay có mấy người là mẹ của Phật? Có điều Klinh không thể nhớ mình đã được lên cõi Trời chưa, cho nên chưa biết là ở cõi Trời thì mình sẽ tu cái gì, tu cách nào để được ở trên đó mãi mà xóa hết các nghiệp ác đã gieo trồng, nếu vậy thì xóa bỏ luật nhân quả sao? Cái nhân mình đã tạo ra đó thì để quả cho ai lãnh nhận? Vì vậy không dám chắc là cứ tu ở trên trời thì sẽ vô Niết Bàn. Trong hiện tại thì đang sống ở cõi trần, mắt thấy tai nghe một số trường hợp về luật nhân quả đã chứng nghiệm được ở chung quanh mình. Lại thấy có rất nhiều người giàu sang đẹp đẽ, sung sướng và thường bố thí công của một cách rộng rãi mà sao già trẻ lớn bé họ vẫn hiện hữu ở cõi đời ô trọc này. Thế nên Klinh cứ tu được chút nào hay chút ấy ở cõi trần, chưa dám viễn vọng đến cõi Trời.
Đã giải thích dài dòng văn tự như trên, mong chị PC hiểu ý, nếu không lại vặn vẹo assume Klinh nghĩ thế này nghĩ thế khác thì không biết giải thích tới bao giờ mới xong. Riêng Klinh thì hiểu ý chị trong vấn đề này lắm lắm rồi.