Rank: Advanced Member
Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 18,432 Points: 19,233 Location: Golden State, USA Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
|
Trái vả
Trong các loại cây ngon quả ngọt của Huế, có một thứ trái đặc sắc được gọi tên rất bình dân: Trái vả. Ở những ngôi chùa, các nhà miệt vườn Kim Long, Nguyệt Biều, Long Thọ... hầu như chùa nào, nhà nào cũng có trồng một vài cây vả trong vườn.
Cây vả dễ trồng, ít cần phân bón chăm sóc, cứ thế mà theo mưa nắng thời gian mưa nắng lớn lên và tồn tại, tuổi thọ lại rất cao, đời ông bà vun trồng đến tận thế hệ con cháu vẫn còn hưởng lộc.
Chiều cao của cây vả - một người tầm tầm, không cao không thấp chỉ cần nhón chân rồi với tay là đến ngọn, gốc vả rất lớn, cành toả rộng che bóng mát cả một khoảng vườn. Lá vả to dày nên được các bà buôn bán ở chợ hay dùng để gói hàng rau quả. Trái mọc theo thân, cành cây, mọc sum sê từng chùm, mỗi chùm có hơn cả chục trái xanh tươi, mỗi trái lớn bằng nắm tay, trái vả tròn dẹt, vỏ màu xanh lục có lông tơ mịn màng.
Trái xanh - ruột trắng - lòng hồng, đó là một trái vả lý tưởng: ngòn ngọt, giòn giòn, nõn nà. Tuy có vị hơi chát nhưng trái vả mới hái trên cành sớm mai, cắn một miếng giòn tan và thú vị hơn là miếng vả tươi non sẽ cho ta cảm giác ở đầu lưỡi vị thanh thanh thơm thơm của cây trái thiên nhiên, khiến người háu ăn muốn nhai rau ráu cho khoái khẩu. Đặc biệt trái vả chín vàng ươm vị ngọt thanh tao, tuy độ giòn ít hơn trái xanh nhưng vẫn cho ta sự thích thú bởi hương vị riêng, chỉ có những người ở nhà vườn mới được hưởng thụ điều sung sướng này..Trái vả đã quá lứa, hoặc bị héo mềm, vỏ sẽ thâm xỉn màu, ruột hết hồng mà chuyển sang nâu nâu, vẫn ăn được tuy không còn độ ngọt, ít ngọt và chắc chắn là kém ngon.Về hình thể và cấu tạo trái vả giông giống trái sung, nhưng trái vả lớn, trái sung bé, có câu "lòng vả như lòng sung", sự ví von này có nghĩa: "họ cùng một bụng dạ, một tâm ý như nhau". Dân gian quan niệm rằng: Trái sung là trái sung túc, sung mãn nên thường được chưng trong mâm ngũ quả ngày tết để cầu mong gia đình gặp điều tốt lành, còn vả thì ngược lại là vất vả nên chỉ dùng để ăn.
Người Huế hay nói "Trồng vả trả người" hay "Trồng cây vả ngã một người" nên dù thích ăn nhưng chẳng mấy ai dám trồng trong vườn nhà sợ điềm không may sẽ xảy đến cho người thân thiết. Từ một vài trái vả đơn sơ, rẻ tiền, người nội trợ đã chế biến thành những món ngon lạ miệng, ăn mãi cũng không chán, du khách ai đã một lần nếm lại muốn có dịp ăn thêm nhiều lần, nhiều lần hơn nữa cho thoả thích. Và người Huế xa quê, trong nỗi nhớ thương quê nhà - những món ăn từ trái vả làm họ luôn tơ tưởng nhớ nhung.
Món vả trộn xúc bánh tráng: luộc vả chín cho bớt vị chát, gọt vỏ, xắt thành từng lát mỏng, trộn với tôm thịt cùng mè (vừng), tỏi, muối tiêu, rau thơm, rau răm. Nướng bánh tráng chín giòn thơm, bẻ từng miếng nhỏ thong thả xúc vả đã trộn đủ màu mè như trên, ăn rất ngon, món này có trong các nhà hàng sang trọng và trên các vỉa hè cho thiên hạ lai rai chiều tan sở.Đơn giản hơn là vả chấm ruốc, vả tươi gọt vỏ sạch, xắt lát đừng mỏng quá mà ít giòn, chấm với ruốc pha chanh, tỏi, ớt, ăn cùng cơm gạo trắng thơm nóng hổi, rất ấm bụng những khi đói lòng.
Vả nấu canh với tôm rằn: vả gọt vỏ, xắt vả thành từng lát mỏng, um tôm tiêu hành mắm muối cho thấm, thêm nước đủ dùng, nêm tý ruốc, nước sôi thả vả vào, khi vả vừa chín tới, cho lá hành, lá sung lót vào, thơm phức, ăn rất mát dạ.Vả hầm xương heo: gọt vỏ, xắt lát to bằng ngón tay cái, hầm xương trước cho mềm rồi thả vào, sôi một lúc là chín, bắc xuống cho lá hành, lá lốt vào, hấp dẫn.
Vả hầm giò heo, cách làm như hầm với xương heo vậy, đây là món ưu tiên cho phụ nữ sau khi sinh, ăn vào sẽ có nhiều sữa cho em bé bú.Ngoài ra vả còn là món ăn kèm trong rau sống, để ăn với bánh khoái, nem lụi, vả với tôm chua thịt phay, nếu ăn chay thì chấm với tương chao.
Ngày tết, vả đắt hơn ngày thường, ôi món vả chua ngọt ăn kèm với nem chả, thịt dầm... vị chua chua ngọt ngọt thoang thoảng tí chát chát ăn kèm với vị mặn mà.... thêm tí cay của rượu bia, thế gian còn gì tuyệt vời hơn!
Theo Văn hóa nghệ thuật ăn uống
|