Anh ở đây...
và em thì ở đây...!
Em đi nhanh qua mùa đông
Sợ cái rét lùa từng nếp áo
Làm sao tránh được khi tim em báo bão
Anh ở đây... và em thì ở đây...
Những người thương trên phim đang chia tay
Không nước mắt nhưng người ta khóc đấy
Cũng như em lạnh lùng kiêu hãnh vậy
Khi cạnh bên anh đang có một người
Anh ở đây... và em thì ở đây...
Im lặng gió cứ lùa sâu hun hút
Và em biết có hai người hạnh phúc (?)
Đang ngồi cùng bên nhau...
Em chỉ cười tê tái những nỗi đau
Cho vừa lòng người ta;
Cho một lòng nghiệt ngã
Về thương mình thôi, gió lùa lã chã...
Mặc mái tóc ba đào
Từ năm tháng yêu xưa...
Bài thơ hay không anh? Hơ, đừng vội khen... nịnh, không phải thơ em đâu. Em nhặt nhạnh được bài thơ này trên báo Trẻ; tác giả là Văn Hạnh Thủy. Tự nhiên, em thích bài thơ quá nên "ăn cắp" mang về đây (hy vọng tác giả nếu biết được không phiền, còn không biết được thì... thôi, hì). Bây giờ em càng tin rằng mỗi một người Việt Nam là một... nhà thơ!
Em đọc và hiểu thơ theo cảm xúc, nên một bài thơ hay đối với em được "cân lượng" bằng cảm xúc trong em. Chứ còn bảo phân tích thơ cho đầy đủ cả nội dung lẫn nghệ thuật thì em... chịu, nhiều khi cảm nhận về bài thơ của mình khác với người ta (đôi khi kể cả tác giả của bài thơ nữa). Để em thử diễn giải bài thơ theo "cái hiểu" của em nhé, đừng có cười em đấy. Cười, hở mười cái răng ráng chịu à...
"Em đi nhanh qua mùa đông
Sợ cái rét lùa từng nếp áo"
Mới đọc hai câu này, em cảm nhận được nỗi cô đơn khi đi qua mùa Đông của tác giả. Nếu như có "anh" ở bên cạnh thì "em" đâu có sợ gì cái rét, phải không? Vậy thì chẳng cô đơn là gì?!
Em cứ nghĩ đó chỉ là một mùa Đông của đất trời, có đâu ngờ hai câu kế dẫn em đến mở đầu của một chuyện tình ngang trái. Đó cũng là phép ẩn dụ của tác giả để đưa người đọc đến nội dung chính của "vấn đề":
"Làm sao tránh được khi tim em báo bão"
Phải rồi, nếu là cái lạnh bên ngoài, "em" có thể... quấn thêm mền, mặc thêm áo. Chứ nếu là "tim em báo bão" giữa mùa Đông thì "em" đành phải chịu... lạnh cóng thôi. Sao "anh" lại vô tình đến vậy, không dùng trái tim "anh" để che chở, sưởi ấm trái tim "em" được hay sao? Vậy thì "anh" ở đâu? Hãy đọc tiếp mình sẽ rõ:
"Anh ở đây... và em thì ở đây..."
Lúc mới đọc, em cứ nghĩ tác giả nên hỏi "Anh ở đâu... và em thì ở đây..." mới phải. Bởi vì, "em" không biết "anh" ở đâu nên "em" mới lạnh, mới đơn côi... Nhưng không, cái câu "Anh ở đây... và em thì ở đây..." hay và xúc cảm hơn nhiều. Có phải "hai ta" cùng ở chung một thành phố, cùng đi qua những con đường nhưng lại cách xa nhau ngàn trùng, cách xa nhau không bằng khoảng cách của không gian và thời gian mà là của một định mệnh... nghiệt ngã nào đó. Cái chua xót là "anh ở đây", "em cũng ở đây" mà sao "em" vẫn lạnh. Hay bên cạnh "anh" đã có... một người?!
"Những người thương trên phim đang chia tay
Không nước mắt nhưng người ta khóc đấy
Cũng như em lạnh lùng kiêu hãnh vậy
Khi cạnh bên anh đang có một người..."
Tác giả đã... "nói gần nói xa", mượn hình ảnh "người ta chia tay trên phim" để nói đến hoàn cảnh hiện tại của mình. Buồn, khóc được cũng là một... hạnh phúc, bởi vì nước mắt có thể gội rửa và làm vơi đi nỗi buồn. Điều cay đắng là "người thương đang chia tay" mà phải nuốt nước mắt vào lòng để nghe trái tim run bật lên từng tiếng nấc. Em đã từng gọi khóc không có nước mắt là khóc với... lệ khô. Khóc thế này... khổ đau hơn khi nước mắt, nước... mũi ràn rụa, phải không anh? Ừ nhỉ, nếu bên cạnh "anh" đang có một người thì "em" còn biết làm gì khác hơn là... làm bộ "lạnh lùng kiêu hãnh" để cho "anh", cho "người ta" không biết là "em"... đang đau lắm và cũng để cho "anh" yên lòng mà đắm say với cái hạnh phúc "anh" đang có khi ở bên cạnh một người khác, không phải... "em", híc...
"Anh ở đây... và em thì ở đây...
Im lặng gió cứ lùa sâu hun hút"
Tác giả đã dùng điệp ngữ khi lập lại câu "Anh ở đây... và em thì ở đây". Mỗi lần câu này được lập lại, em có cảm giác như sự chua xót càng tăng thêm... Đây có phải cũng là ý của tác giả (hay chỉ là... ý của riêng em), bởi vậy mới có cảnh đối nghịch như thế này "Im lặng gió cứ lùa sâu hun hút". Nỗi đau ngấm ngầm, không ai thấy đấy, kể cả "anh", là nỗi đau mà "em" đang gánh chịu:
"Và em biết có hai người hạnh phúc (?)
Đang ngồi cùng bên nhau..."
Đọc tới đây, em nhớ đến hai câu thơ "Một người đi với một người, một người đi với nụ cười hắt hiu" trong bài hát Chuyện Ba Người. Mà thường trong "chuyện ba người" hoạ may lắm chỉ có "hai người" đang hạnh phúc, còn người thứ ba đau khổ là cái chắc. Hay còn... tệ hơn thế nữa, là cả... ba người đều đau khổ như nhau... Nếu không đau khổ người ta đã chẳng gọi là... "chuyện ba người" đúng không anh? "Em" thật sự cũng muốn... giữ yên lặng để ngắm nhìn "anh" hạnh phúc, thế nhưng "anh" có thật sự hạnh phúc hay không hay vẫn còn nằm trong sự hoài nghi của "em". Tình yêu phải chăng luôn chứa đựng những điều... mâu thuẩn. Lý trí "em" thì bảo "Hãy lặng yên đi, hãy ngắm nhìn hạnh phúc của chàng đi. Trong tình yêu cần có sự... hy sinh, nếu chàng đang hạnh phúc, há chẳng phải mi cũng đang... hạnh phúc lắm sao? Vậy thì mi còn mong mỏi, tìm kiếm cái gì nữa? Đừng quá ích kỹ cô bé ạ!". Nhưng sâu thẳm tận cùng nơi trái tim, "em" lại hồ nghi "Anh có hạnh phúc không khi bên cạnh anh không phải là em? Và anh có thực sự quên lãng em không để có được cái hạnh phúc trọn vẹn?", thế cho nên mới có dấu chấm hỏi nằm trong ngoặc đằng sau câu "Và em biết có hai người hạnh phúc (?)". Ôi, em đọc câu thơ mà thấy... buồn ơi sao là buồn, anh ạ!
"Em chỉ cười tê tái những nỗi đau
Cho vừa lòng người ta;
Cho một lòng nghiệt ngã"
"Em" không phải là... thánh, "em" cũng biết ghen đấy. "Em" cười (với hạnh phúc của "anh") mà sao mắt "em" lại rưng rưng và lòng "em" lại tê tái. Đã vừa lòng "anh" chưa? Đã vừa lòng "người ta" chưa? Còn lòng "em" thì sao? Vâng, "em" đang cười với tấm lòng... nghiệt ngã... Sự nghiệt ngã này biết phải trách ai đây, thôi thì đành trách cao xanh sao khéo sắp bày chi những cảnh lá lay cay nghiệt...
"Về thương mình thôi, gió lùa lã chã...
Mặc mái tóc ba đào
Từ năm tháng yêu xưa..."
Tội nghiệp quá, hai câu cuối buồn như những tiếng thở dài, như những tiếng... than nhưng cũng là một sự chấp nhận và... an phận dù những dư âm xưa, những kỷ niệm cũ của cuộc tình "mình" vẫn còn đấy, còn lại trong cái hình ảnh "gió lùa lã chã" và mái tóc vẫn "ba đào từ những năm tháng yêu xưa". Biết không "anh", cuối cùng "em" chỉ đành làm kẻ hy sinh, đứng bên lề mà... cầu nguyện cho hạnh phúc của "anh"!
Cám ơn tác giả đã cho em đọc một bài thơ hay và thật dồi dào cảm xúc!
Khi yêu, mấy ai dễ quên nhau dù cuộc sống, dù hoàn cảnh có thế nào đi chăng nữa. Nếu như dễ dàng quên, em không gọi đó là tình yêu! Người ta thường gán ghép cho tình yêu nhiều sắc màu, và em cũng lắm khi nhầm lẫn những sắc màu quyến rũ đó là tình yêu. Thế nhưng, tình yêu đích thực... lại "đơn giản" hơn. Theo em, đó là một sự đồng điệu của nhịp tim và khi... "cả hai" cùng nhìn về một hướng. Đã mấy khi trong đời, mình có được một tình yêu trọn vẹn thế đâu nên khi "có được" mình phải biết luôn trân quý, phải không anh? Và, còn một điều nữa em muốn nói... Tình Yêu vốn là để thăng hoa cho cuộc sống chứ không phải để... giết lần giết mòn cuộc sống. Tình Yêu cũng không vì không gian chia cách mà héo mòn, không vì thời gian năm tháng lại phai phôi. Ứ ừ, sao hôm nay em lại... nói nhiều thế không biết nữa, mà có bữa nào em... ít nói đâu... hì...