Rank: Advanced Member
Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 1,775 Points: 1,317
Thanks: 139 times Was thanked: 110 time(s) in 98 post(s)
|
Mộng Ký
Tôi đã tìm thấy trong những giấc mơ... hình ảnh một ngôi chùa ngỡ đã phai mờ trong ký ức, dù rất quen thuộc và chất chứa nhiều kỷ niệm của tuổi hoa niên. Đó là nơi cả hai bên nội ngoại thường lui tới để bày tỏ tín ngưỡng đối với Phật pháp, và cũng là nơi cư ngụ của Bà dì, em con chú con bác với bà ngoại. Mỗi lần có dịp đi ngang nhà chúng tôi trước khi trở về chùa, Bà luôn dừng lại ghé thăm. Những năm ấy Bà khoảng chừng ngoài 50 tuổi, mái tóc vẫn xanh với đường ngôi rẽ phía trước, thường búi gọn phía sau gáy. Vóc người nhỏ nhắn, khuôn mặt Bà dì có những nét thanh tú luôn được bao quanh bằng chiếc khăn quàng trên đầu, da trắng mịn không son phấn, và khi cười để lộ hàm răng đều đặn. Tôi nghe mẹ kể Bà đã lập gia đình từ thuở thanh xuân nhưng không có con, một mình lưu lạc vào miền Nam trước năm 1954. Không biết do cơ hội nào mà sau một thời gian dài ly tán, kẻ ở người đi, gia đình tôi đã gặp lại Bà tại thành phố Sài Gòn đông đúc, chi chít những hẻm nhỏ, sau khi bà đã chọn cửa chùa cư trú như một cư sĩ. Trong số các họ hàng ở Sài Gòn, Bà dì thân với gia đình tôi hơn cả, một phần vì mẹ là người cháu gái Bà đã biết rõ từ dạo chưa lấy chồng. Phần khác do bố của Bà khi lớn tuổi không có con cháu gần gũi, đã dọn vào ở chung với gia đình bà ngoại trong một ngôi nhà ngói rộng rãi. Mẹ tôi đôi khi vẫn nhắc cố Trà ngày xưa ngâm Kiều hay lắm. Bà dì luôn tỏ lộ lòng yêu mến đối với các cháu còn nhỏ tuổi, lần nào đến chơi cũng mang cho quà bánh trái cây gọi là lộc Phật. Riêng tôi bao giờ cũng thích ngồi gần để nghe bà kể chuyện. Có lẽ anh chị em chúng tôi đã tạo nên không khí ấm cúng và nhộn nhịp, bù lấp phần nào khoảng thời gian Bà sống tĩnh lặng và đơn độc trong chùa. Ngày Tết, mẹ rót mời Bà một ly rượu nếp cẩm, để sau vài nhấp, hai gò má ửng hồng, bà vui vẻ chuyện trò xen lẫn với tiếng cười khanh khách. Hằng năm vào những ngày lễ lớn như ngày Phật Đản, Tết Nguyên Đán hay rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy, là con gái út nên tôi được đi theo bà ngoại, bà nội cùng với mẹ vào chùa lễ Phật và đến thăm Bà dì. Chùa ở sâu phía trong một hẻm nhỏ rất dài. Bước vào cổng ngoài, phía bên trái là một điện thờ nhỏ trưng bày các loại trái cây, có sẵn nhang đèn cho khách thập phương làm lễ trước khi vào hẳn trong khuôn viên. Bên tay trái là chánh điện, tay mặt hướng ra một hồ sen, vài cội cổ thụ được trồng ở giữa sân hay sát bờ hồ soi bóng nước. Bên hông chánh điện là một hành lang hẹp, đối diện là phòng trai cho các chư tăng dùng bữa chính ngọ. Đi tới cuối hành lang, rẽ qua một đoạn ngắn là tới cốc của Bà dì ở ngay góc. Tôi chẳng dám đi xa hơn nữa hay vào cốc của ai khác.
Chùa có khá đông Phật tử đến cả sáng lẫn chiều theo giờ giấc đã định để tham dự khóa lễ cùng với Thầy trụ trì và các sư tăng. Mọi người đều bỏ dép ngoài sân ở phía trước, bước lên bực thềm cao để vào bên trong chánh điện có lát gạch hình hoa văn bóng lộn như gương và mát lạnh. Phía trên cùng của tòa chánh điện trưng bày nhiều tượng Phật, tôi nhớ nhất là tượng Phật A Di Đà cao lớn, sơn son thếp vàng, nét mặt hiền từ ngồi ngay chính giữa. Hai bên trái và phải là các vị Bồ Tát. Ở mỗi góc có hai tượng Long Thần, Hộ Pháp mặc áo giáp, tay cầm vũ khí. Các Phật tử ngồi xuống sàn gạch hoa, trước mặt có kệ gỗ để đặt sách Kinh. Gần tới giờ khóa lễ các vị sư tăng mặc áo vàng lần lượt tiến ra chánh điện ngồi ở hàng trên cùng, Thầy trụ trì bắt đầu các nghi lễ rồi đọc kinh với giọng sang sảng rõ ràng, mọi người đọc hòa theo trong tiếng mõ lúc nhặt lúc khoan, thỉnh thoảng xen lẫn những tiếng chuông đồng, thanh thoát ngân lên hồi lâu như một làn khói lâng lâng thoát tục. Phần cuối khi khóa lễ sắp chấm dứt, tất cả mọi người đều đứng dậy xếp hàng một, đứng chung quanh chánh điện sát vách tường và lối vào, tạo thành một vòng lớn rồi nối tiếp nhau đi qua phía sau của chánh điện, vừa đi vừa niệm Phật. Tôi cũng bước lẫn vào trong cái vòng người ấy. Góc bên trái của chánh điện cùng một bên với cửa ra vào, có một người luôn đứng bên cạnh cái trống to bằng gỗ, tay cầm dùi đánh mạnh vào trống. Tiếng trống “Thùng Thùng Thùng...” vang dội liên tục như sấm rền khiến tôi có cảm tưởng cả chánh điện đang rung chuyển. Mỗi lần đi ngang qua đấy, nhìn những bức tranh vẽ cảnh địa ngục có các bộ mặt ma quỷ hung dữ treo trên tường, nhìn nét mặt khắc khổ và nhăn nhó của người đánh trống mỗi lần ông ta dùng hết sức nện cái dùi trống, tôi luôn cảm thấy sợ hãi. Khóa lễ xong, bà cháu chúng tôi nán lại chánh điện để đến chào hỏi Thầy trụ trì hay chúc Tết, bà nội khoe với Thầy là con bé thuộc nhiều kinh Phật. Thầy cười xoa đầu tôi và nếu là dịp Tết thì tôi sẽ được lì xì một phong bao đỏ. Sau đó chúng tôi cùng vào cốc của Bà dì, Bà ăn chay trường nên đã chuẩn bị sẵn một bữa cơm chay thịnh soạn có nhiều món ngon lạ, do chính tay Bà nấu. Thỉnh thoảng bà cháu chúng tôi gặp hai anh em chú tiểu ở hành lang lối rẽ vào cốc, trên đầu còn để một chỏm tóc đen. Bao giờ họ cũng cúi đầu chắp tay xá chào: “A Di Đà Phật.” Bà dì cho biết hai chú lớn hơn tôi mấy tuổi, được ở luôn trong chùa để tu tập. Những lần sau, họ đứng trước cửa cốc của Bà dì vẫy tôi ra chơi. Mẹ tôi dặn chơi ở gần cốc thôi để mẹ không phải đi tìm. Chú tiểu em da trắng, nét mặt hiền lành và có cử chỉ lời nói dịu dàng như con gái. Chú tiểu anh trông nghiêm nghị hơn, mặc dù chú cũng vui vẻ với tôi. Nhiều lần chú hay lườm mắt, gắt gỏng chú em khiến tôi cảm thấy bất nhẫn và muốn nói chú đừng làm thế nhưng chưa kịp nói thì bẵng đi một thời gian tôi không gặp lại hai anh em nữa.
Vài năm sau, mẹ giao cho tôi việc vào cốc gần như mỗi tuần để giúp Bà dì ghi chép sổ sách kinh doanh. Những buổi trưa khi đi ngang qua lối nhỏ dẫn vào cốc, tôi thường thấy quang cảnh các chư tăng chuẩn bị bữa trai ngọ ngồi hai bên các bàn dài, rồi rảo bước đến cốc của Bà dì là khoảng không gian riêng biệt cách ly hẳn với thế giới bên ngoài. Cốc có hình dạng như một hành lang, chiều dài lớn hơn chiều rộng, vừa đủ chỗ cho một người độc thân, các đồ vật đơn giản bên trong được sắp xếp gọn gàng. Sàn lát bằng gạch tàu màu đỏ trơn láng, tưởng như không một hạt cát bụi nào có thể len vào đấy. Giấy hoa dán ở các vách tường chung quanh đã trở thành vàng nhạt vì hương khói tháng năm. Một giường nhỏ sát góc phía trong, phủ nhiều lớp vải dày, trên cùng là một lớp gấm. Một tủ cỡ trung bình kê ở đầu giường, mặt ngoài có kính, ép bên trong là miếng vải gấm màu vàng tươi như y trang của các vị sư, điểm những đường thêu bằng chỉ kim tuyến óng ánh hình lá và trái nho. Gần đấy là mấy chiếc ghế gỗ lớn có lưng dựa. Ở góc đằng xa đối diện với giường, một tấm màn mắc từ vách này sang vách kia theo chiều rộng của cốc, là chỗ nấu bếp với một chum nước lớn, mà tôi ít khi bước vào. Ánh sáng thiên nhiên chiếu vào cốc qua hai cửa sổ nhỏ được chống lên bằng cây gỗ, bên ngoài là khu vườn có những tàu lá chuối xanh mướt. Sau khi tôi đã soạn giấy tờ và viết xong, Bà chắp tay lễ tạ bàn thờ Phật ở kệ trên cao lúc nào cũng có hai ngọn đèn nhỏ tỏa sáng, rồi kiễng chân, tay với những bánh oản màu trắng được gói bằng giấy bóng kính lóng lánh các màu xanh, đỏ, vàng, thêm mấy trái táo, cam, quít, và chuối. Bà bỏ tất cả vào một bao giấy đưa cho tôi mang về và dặn nhớ chia phần cho anh tôi.
Dòng đời lặng lẽ xuôi chảy.... thuở ấy tôi vô tư chẳng đếm thời gian... mặc những đổi thay nhân thế. Một buổi chiều mẹ lại dẫn tôi vào chùa. Sau khi lễ Phật, chúng tôi đi vòng phía sau chánh điện, đến một kệ thờ lớn và tìm thấy di ảnh cùng bình đựng tro cốt của Bà dì đặt chung với các vong khác. Mẹ thắp hương khấn nguyện trong không khí trang nghiêm thanh tịnh. Đấy là nơi an nghỉ cuối cùng Bà đã tự chọn cho mình, để vong linh phảng phất nghe kinh kệ sớm chiều như lúc còn sinh tiền. Chúng tôi lại đến cái cốc nhỏ, đứng nhìn cửa đóng im lìm, bốn bề hiu quạnh, rồi ngậm ngùi men theo hành lang mờ tối ra về. Ngoài kia là khoảng trời rộng, thấp thoáng dưới gốc cổ thụ bên hồ sen, Thầy trụ trì trông còn tráng kiện đang ngồi điềm nhiên bổ củi. Tôi vẫn trở lại ngôi chùa ấy... Khi thức giấc, lòng chợt dâng lên từng đợt sóng cảm hoài, ngỡ như trong không gian còn bàng bạc mùi hương của đất trời nơi chốn cũ. Đời người có bao nhiêu giấc mơ trong một giấc mộng dài! Biết bao giờ dứt mộng!
Khánh Linh
|