Em tìm đuợc 2 bài này nói về nhuộm chàm ở VN nè:
Nghề nhuộm chàm của người MôngTrang phục của người Mông được đánh giá là một trong những bộ trang phục dân tộc đẹp với kỹ thuật nhuộm vải và vẽ sáp ong độc đáo. Mỗi bộ trang phục của phụ nữ Mông là một tác phẩm nghệ thuật thực sự với đầy đủ sự tinh tế, tỉ mỉ và kỳ công khi làm ra nó. Người phụ nữ Mông đôi bàn tay lúc nào cũng xanh màu chàm, đó là dấu ấn sau những lần nhuộm vải - công việc mà họ gắn bó cả đời. Phải mất khá nhiều thời gian trong việc nhuộm chàm mới có được màu sắc như ý cho bộ trang phục.
Sau những ngày tháng miệt mài bên khung cửi, là những ngày người phụ nữ Mông kiên trì nhuộm vải. Vải nhuộm một lần mới chỉ có sắc xanh lợt, nhợt nhạt dễ phai, sau nhiều lần nhuộm rồi phơi nắng, sắc xanh lợt lạt thẫm lại, trầm xuống thành sắc chàm sẫm như màu của núi rừng đại ngàn. Sau khi vải từ màu xanh chuyển sang màu chàm, người ta bắt đầu mài bóng vải. Vải được đặt trên một miếng gỗ và mài bằng một tấm đá. Để tạo độ trơn khi mài, người ta bôi sáp ong lên vải. Đôi chân người phụ nữ khéo léo đẩy đi, đẩy lại tấm đá, khi vải sáng bóng lên là được. Những tấm vải này dùng để làm áo khoác ngoài cho đàn ông và vạt áo trước cho phụ nữ với ưu điểm rất đẹp và bền.
Người Mông khi đi đến nơi ở mới, có một thứ không thể thiếu là cây chàm giống. Chàm được trồng vào tháng 2, tháng 7 thu hoạch. Chàm cắt về, đem vò nát để lấy nước. Thứ nước cốt đó được đổ vào thùng gỗ thông, qua một lớp tro bếp để trong bao tải rồi để lọc pha thêm nước, ngâm khoảng 1 tuần. Theo kinh nghiệm của đồng bào, phải có tro bếp thì chàm mới giữ màu được lâu, không phai.
(Lê Thu Hà)
http://www.bienphong.com...guoi-mong/34183.040.htmlCác nghề thủ công ở Sa PaNghề dệt vải Người Tày trồng cây bông, thu bông, kéo sợi rồi nhuộm sợi bông để dệt những tấm chăn làm của hồi môn truyền thống. Người Mông trồng cây gai, lấy sợi nhuộm màu chàm để dệt thành quần áo mặc. Các tộc người ở đây đều nuôi tằm lấy sợi để thêu thùa. Nhờ khéo thêu, phụ nữ hai tộc Hmông và Dao đã làm ra được những bức hoạ đích thực. Sợi và vải dệt truyền thống có nhiều ở các chợ phiên như Bắc Hà và Sa Pa.
Hầu hết các gia đình ở Cát Cát, Sín Chải đều trồng lanh để dệt vải mặc. Để làm ra bộ trang phục, người Mông cần rất nhiều thời gian và công đoạn:
- Khi thu hoạch lanh về, họ cạo vỏ giấy bên ngoài rồi bó lấy vỏ phơi khô, sau đó tước nhỏ thành từng nắm.
- Se lanh “sanh tua” có hai cách: Một là se bằng tay “sua tua”, hai là se bằng khung “sun tùa”. Người Mông thường tranh thủ vào lúc đi chơi, đi chợ... họ đem theo và se bằng tay. Se sợi bằng khung sẽ nhanh và được nhiều.
- Kiểm tra sợi cho đều và nối sợi bằng cách dùng khung quay để cuốn vào vòng tính độ dài của sợi, sau đó đưa vào dệt. Khung cuốn dây này gọi là “Sanh tra đang”, hoặc là “khô lì cái sú”.
Sau công đoạn cuốn vòng là kiểm tra sợi, do độ dài và dệt. Người Mông thường dệt 2 loại kích thước rộng cả khổ vải 30cm hoặc 45cm. Khung dệt này có tên gọi là “Tù tau”. Khi dệt xong vải họ dùng đòn nhẵn đập vải cho đều để sợi vải mềm ra sau đó cho vào nước đun sôi cho sợi nở ra làm kín các kẽ hở rồi đem phơi khô.
Khi được phơi khô, vải được đem nhuộm chàm. Họ dùng chàm cho vào chảo đun cho chàm tan ra rồi ngâm vải khoảng 2 tiếng thì vớt ra đem phơi khô. Việc nhuộm chàm rồi phơi khô được làm đi làm lại ít nhất 3 lần. Sau lần nhuộm cuối, phơi khô, vải được đem ngâm vào thùng lá me chua (nay dùng phèn chua) để giữ cho độ bền của mầu chàm. Ngâm vải vào nước lá me chua trong vòng 2 ngày rồi phơi khô, đêm giặt qua nước lã. Sau cùng họ cắt vải để may quần áo.
Khi vải được cắt ghép thành quần, áo, khăn... người Mông bắt đầu trang trí trên đó. Trước kia, họ dùng sợi thêu bằng lanh, nhuộm mầu lá cây “hình giề”, còn hiện nay họ mua sợi mầu ở chợ về để sử dụng. Việc thêu có hai cách: Thêu luồn “Sờ thợ háu cang” và thêu đột “sờ sú cang”. Việc thêu các hoa văn như cổ áo, cánh tay áo, váy chủ yếu là thêu đột. Còn thêu các hoa văn đường bo quanh các mép chủ yếu là thêu luồn. Những đặc điểm này đã trở thành phong cách, đặc thù trong cách thêu truyền thống của họ
Ngoài việc trang trí hoa văn, người Mông còn sử dụng cách tạo hoa văn bằng cách in sáp ong. Họ cho sáp ong đun chảy thành nước (hoặc trộn sáp ong với nến đun chảy thành nước) rồi dùng bút vẽ “Tổ che” chấm vào sáp ong đã đun rồi vẽ các đường hoa văn như ý vào tấm vải trắng. Sau khi nhuộm xong họ đưa vào công đoạn nhuộm chàm. Sau cùng họ bóc lớp sáp ong ra. Phần vẽ hoa văn bằng sáp ong sẽ có mầu trắng như mầu của vải vì chàm sẽ không ngấm qua được lớp sáp ong đó. Công đoạn chế ra cao chàm là đến mùa thu hoạch, họ nhổ cả cây chàm về rửa sạch, cho cả cây vào thùng nước vôi. Mỗi một tạ cây chàm họ ngâm với 2kg vôi hoà tan trong nước. Vôi sẽ có tác dụng làm chất xúc tác cho chàm rữa ra và phôi mầu. Ngâm chàm trong nước vôi trong vòng 1 tuần liên tục. Sau đó, vớt cặn bã ra chỉ để lại nước mầu chàm. Sau vài giờ đồng hồ phần mầu chàm sẽ lắng xuống, đổ nước trong và phần chàm lắng ở dưới vào bao treo lên cho róc hết nước. Khi chàm đã khô (thành cao chàm) họ đem cất đi. Khi cần sẽ đem ra hoà với nước để nhuộm vải. Cao chàm này người Mông gọi là “Thzớ gang”.
http://vietnamhoc.the-ta...forum-f24/topic-t552.htm