Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Condoleezza Rice
Vũ Thị Thiên Thư
#1 Posted : Wednesday, January 26, 2005 4:00:00 PM(UTC)
Vũ Thị Thiên Thư

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,033
Points: 2,430
Woman
Location: Thung Lũng Lá Rơi

Thanks: 231 times
Was thanked: 87 time(s) in 84 post(s)


Condoleezza Rice



Condi Rice, Hạt Huyền Ngoại Giao Mỹ

Đáng lẽ, Condi Rice có thể là một tên tuổi nghệ thuật, dương cầm thủ thượng thặng trong loại nhạc cổ điển Tây phương. Hoặc thể tháo gia ở cấp Thế vận. Hoặc cả hai. Nàng có thừa trí tuệ và bắp thịt cho cuộc sống ấy.
May cho Hoa Kỳ, Condoleezza Rice chọn con đường khác.
Nàng sinh năm Giáp Ngọ 1954, có tuổi Hổ Cáp của loại người dữ dằn mà nồng nàn kiên trì mà quyến rũ. Tên nàng, Condoleezza, là do mẫu thân đặt cho, một cái tên rất lạ, rất Ý, vì là một ký hiệu âm nhạc: con dolcezza - "với sự dịu dàng."
Một con bọ cạp dịu dàng?
Condi có sự thánh thiện của một nữ tu. Gia đình nàng giữ truyền thống ngoan đạo và yêu nhạc của dân da đen. Thân phụ nàng là mục sư, thân mẫu và bà ngoại là giáo sư âm nhạc và chơi nhạc trong nhà thờ. Họ muốn bé Condi phải có một nền giáo dục toàn hảo: ngoài việc học hàng ngày, phải luyện tập thêm về dương cầm, vũ cổ điển (ballet), sáo, vĩ cầm, và học cách đọc thật nhanh để hiểu thật nhiều. Rồi mỗi Chủ Nhật là đi lễ nhà thờ. Bé Condi đã nổi tiếng thần đồng âm nhạc từ khi lên ba, lên năm đã trình tấu tại nhà thờ.
Nhưng Condi vừa ra đời là phong trào tranh đấu cho dân quyền của người da đen mở màn. Sinh trưởng tại Birmingham của Alabama, nàng trực tiếp mục kích nỗi nhục nhằn của nạn kỳ thị màu da, những vụ bạo hành từ hai phía. Cho nên, kính Chúa và yêu người, nàng có máu đấu tranh từ nhỏ nhưng với nếp giáo dục của một gia đình tử tế. Cô nữ sinh Condi không lên chiến hào vứt bom xăng, hoặc trở thành tay khủng bố đốt nhà da trắng.
Nàng đi học, chuyên cần đĩnh đạc, để hoàn thành ước nguyện theo lối khác. Gia đình nàng suy nghĩ như dân Á châu: muốn vượt hàng rào kỳ thị, phải giỏi gấp đôi dân da trắng.
Condi Rice tốt nghiệp Trung học ở tuổi 15, qua Denver lấy bằng Cử nhân chính trị học với hạng danh dự, ngay năm sau hoàn tất Cao học (Master) ở tuổi đôi mươi. Nàng trình luận án Tiến sĩ về bang giao quốc tế dưới sự hướng dẫn của một nhà ngoại giao Tiệp, tỵ nạn phát xít và cộng sản tại Mỹ. Ông Josef Korbel này là thân phụ của Madeleine Albright, người về sau sẽ là Ngoại trưởng của Tổng thống Bill Clinton. Suốt thời ấy, Condi vẫn học dương cầm và có lúc dự tính tranh giải quốc tế.
Nhưng, chính trị học và bang giao quốc tế mới thực sự là nỗi đam mê lớn.
Condi Rice thành tài khi Ronald Reagan lên lãnh đạo Hoa Kỳ, năm 1981, và quan niệm về bang giao quốc tế mà nàng học hỏi được từ các giáo sư như Josef Korbel hay Hans Morgenthau bắt đầu thay đổi. Với thế giới quan cổ điển của Âu châu, đa số các học giả thường nghĩ đến một chánh sách ngoại giao dựa trên tương quan lực lượng giữa các đại cường. Condi Rice nghĩ khác, và ngày càng nghĩ khác: dân chủ là một giá trị có sức mạnh luân lý không kém gì sức mạnh kinh tế và quân sự.
Khi ra đời, nàng áp dụng quan niệm ấy.
Condi Rice là Giáo sư Chính trị học trẻ nhất ở một Đại học uy tín nhất miền Tây là trường Stanford tại California và được những giải thưởng cao quý nhất của giới sư phạm. Nàng còn là hội viên các trung tâm nghiên cứu thời danh, kể cả viện Hoover. Biên khảo về bang giao của nàng được chính quyền Reagan chú ý và kiến thức sâu rộng về ngoại giao quốc tế, nhất là về Liên xô, khiến nàng được mời vào Hội đồng An ninh Quốc gia trong chính quyền George H. Bush (ông Bush cha).
Từ 1989 đến 1991, khi khối Xô viết tan rã, Condi Rice là phụ tá của Cố vấn An ninh Brent Scowcroft rồi lên làm Giám đốc Liên Xô và Đông Âu vụ trong Hội đồng An ninh Quốc gia rồi Phụ tá Đặc biệt của Tổng thống về An ninh. Nàng là chiến lược gia của Bush về đối sách kết thúc Chiến tranh lạnh. Khi Bush thất cử, Condi về Stanford và tám năm cầm quyền của Bill Clinton là tám năm hàm dưỡng công phu của nàng.
Một tháng sau khi trở lại Stanford, người phụ nữ da đen mới 38 tuổi được mời làm Giám hiệu trường Stanford, điều hành ngân sách hàng tỷ và điều động hàng trăm giáo sư thượng thặng và ngồi trong Hội đồng Quản trị của các tổ hợp kinh doanh lớn nhất. Ở Condi, không có gì thuộc hạng nhì cả. Nàng không lập gia đình vì kết hôn với việc làm, coi việc làm là nhất.
Trong đại học và doanh nghiệp, nàng gặp một vị giáo chủ về ngoại giao và kinh tế của đảng Cộng hoà. Đó là George Shultz, Giáo sư Kinh tế học, Giám đốc Ngân sách, Tổng trưởng Lao động, Chủ tịch tổ hợp Bechtel rồi Tổng trưởng Ngoại giao. Ông là bậc đại trí và quân sư tối thượng của nhiều chính khách, từ George W. Bush tới Arnold Schwarzenegger. Ông khuyến khích Thống đốc Bush từ Texas tiến ra tranh cử Tổng thống và giới thiệu cho Bush một bửu bối về an ninh và ngoại giao, đó là Condi.
Kể từ đấy, đã hơn 10 năm rồi, tình bạn nảy nở giữa hai người. Condi là người Bush tin cậy nhất về đường lối đối ngoại, mà cũng hợp tánh nhất vì cả hai đều thành thực, ngoan đạo, ưa thích thể thao. Trong tư dinh của Tổng thống tại Thủ đô hay ở quê nhà tại Texas, luôn luôn có một phòng riêng cho Condi. Nàng là người thân trong gia đình Bush, Cố vấn An ninh của Tổng thống, là phụ nữ có ảnh hưởng nhất Thủ đô.

Qua nhiệm kỳ hai của Bush, bậc nữ lưu mềm mỏng mà đầy trí tuệ đó sẽ là Ngoại trưởng của Hoa Kỳ.
Vượt qua quan niệm ngoại giao cổ điển của các bậc thầy và các vị chỉ huy cũ, Condi Rice tin là nền dân chủ có giá trị về luân lý và Hoa Kỳ có nhiệm vụ phát huy dân chủ để tiến tới một thế giới ổn định hơn. Trước hết, để diệt trừ nạn khủng bố Hồi giáo tận gốc. Trong quan niệm này, nàng được sự hỗ trợ bền bỉ và quyết liệt của Tổng thống.
Kể từ năm Dậu, ngoại giao Hoa Kỳ sẽ có nét cứng rắn ngang ngạnh của một siêu cường thực tâm tin tưởng vào sứ mệnh phát huy dân chủ như một giải pháp cho thế giới. Người thực thi đường lối ấy là một phụ nữ, da đen, một trí thức uyên bác và bạn thân Tổng thống. Trong bốn năm tới, chính quyền Bush không ưu lo gì về việc tranh cử và Ngoại trưởng Rice sẽ rộng quyền tiến hành một chủ trương ngoại giao đầy tính chất cách mạng. Với sự kiên trì và dữ dằn của một con bọ cạp.
Đây là tin vui cho những người đấu tranh cho dân chủ, như Aungsan Suu Kyi tại Miến Điện. Và lời báo động cho các chính quyền độc tài lạc hậu và quân khủng bố.
Họ làm nên lịch sử
Trong khi các lực lượng Hồi giáo cực đoan lạc hậu dùng khủng bố làm phương pháp thành lập một Đế quốc mê muội của Đạo Hồi, kéo dài từ Âu sang Á thì ba người đàn bà đang dịu dàng vận động một trào lưu trái ngược từ Á về Âu.
Thế lực độc tài quân phiệt ở Miến Điện, hay tàn dư chuyên chế của kiểu Liên Bang Xô Viết cũ còn váng vất đó, nhưng sẽ thành dĩ vãng.
Trong thế giới của chuyên chế độc tài hay độc tôn, phụ nữ không có vị trí đáng kể. Dân chủ hóa các xứ đó là điều rất lâu và khó, nhưng, nếu Aungsan Suu Kyi, Condoleezza Rice và Yuliya Tymoshenko thành công, phụ nữ Hồi giáo khắp nơi sẽ thấy được một tấm gương sáng. Phụ nữ Việt Nam cũng vậy.
Trước các thế lực đen tối, dùng bạo lực, tiền tài và sự xảo trá để duy trì quyền lực độc tôn, ba phụ nữ da vàng, da đen và da trắng kể trên có sức mạnh thực sự dời sông lấp biển bên sau dáng vẻ mềm mại yêu kiều. Họ sẽ làm nên lịch sử và góp phần thay đổi bộ mặt của thế giới...

LÊ THỊ SỚM MAI

chieuduong
#2 Posted : Thursday, January 27, 2005 1:44:32 AM(UTC)
chieuduong

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 442
Points: 0

Chị...

Cám ơn chị đã post bài này !

cd ngưỡng mộ ...2 người đàn bà trong chính quyền Hoa Kỳ :

* Bà Clinton
*Bà Rice

Họ thực là những người đàn bà xuất chúng trong lãnh vực chính trị của thiên niên kỷ...
Phượng Các
#3 Posted : Friday, February 11, 2005 10:43:54 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,704
Points: 20,055
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Chớ coi thường bà Rice

Ngô Nhân Dụng


Friday, February 11, 2005


Mỗi nền văn hóa có những cách miệt thị và rủa sả khác nhau. Khi chính quyền Bắc Hàn nghe Tổng Thống Bush và Ngoại Trưởng Condoleezza Rice lên án chế độ độc tài lạc hậu của họ làm bao nhiêu người dân sắp chết đói, thì họ bèn dọa sẽ chế tạo thêm bom nguyên tử. Chắc khi nhân dân Triều Tiên biết Lãnh Tụ Yêu Dấu cho mình làm chủ bom nguyên tử thì họ sẽ cảm thấy bớt đói bụng đi.

Còn khi những người Iran đi biểu tình chống chính sách của Mỹ thì họ cũng vẫn gắn cho ông Bush cái nhãn hiệu “quỷ sa tăng” như tất cả các ông tổng thống Mỹ khác từ thời ông Carter; nhưng lúc nhắm tấn công bà Condoleezza Rice họ lại đem trưng hình nộm của bà với hàng chữ: “Gái Ế Chồng!”

Ế chồng là xấu lắm sao? Trong cách chửi đó hiện ra hai thứ đầu óc kỳ thị. Kỳ thị phụ nữ, coi sự nghiệp lớn nhất của đàn bà con gái chỉ là lấy chồng, đẻ con. Lấy được tấm chồng là điều vinh dự. Không có chồng là mất giá trị, đời bỏ đi. Rõ ràng, loài người văn minh không thể chấp nhận quan niệm trọng nam khinh nữ đó. Người Iran biểu tình còn pha trộn thêm mối kỳ thị thứ hai nữa, là họ coi thường người da đen. Trong lời miệt thị bà Rice, họ cũng ám chỉ bà là người da đen, không có nhan sắc đẹp đẽ theo quan niệm thưởng ngoạn của họ, cho nên bà không lấy được một ông chồng xứng đáng. Ở Mỹ cũng vẫn còn nhiều người có óc kỳ thị màu da. Họ sẽ nói, người da đen muốn khá lên ở xã hội Mỹ này, thì chỉ có cách là đàn ông thì đi chơi bóng rổ, bóng bầu dục, còn đàn bà thì chỉ còn cách đi làm tổng trưởng ngoại giao!

Tại Mỹ bà Condoleezza Rice từng làm provost, nắm địa vị quản trị hàng ngàn giáo sư hàng vạn sinh viên một trong những đại học lớn nhất là Standford, lúc bà mới ngoài 30 tuổi. Bà là vị ngoại trưởng phụ nữ và da màu đầu tiên của nước Mỹ. Nhưng đối với nhiều xã hội khinh thường nữ giới, bà Rice không có giá trị gì vì bị đeo cho một tấm bảng “Ế chồng.”

Kỳ thị phụ nữ là di sản của những xã hội lạc hậu, từ Âu sang Á không cứ gì ở Iran hoặc các nước Hồi Giáo khác. Ngay tại Tiểu Sài Gòn này, gặp một phụ nữ ngoài 40 tuổi đi một mình là người ta hỏi: “Sao, bao giờ mới cưới?” Làm như đám cưới là mục tiêu tất nhiên phải theo đuổi, vì đối với phụ nữ không còn việc nào quan trọng hơn. Ðàn ông không có vợ vẫn là một “con người” còn phụ nữ không chồng chỉ là “một nửa con người,” như một bộ máy chưa ráp đầy đủ các bộ phận!

Ở Thái Lan năm nay có bầu cử quốc hội, trong 500 đại biểu có 57 phụ nữ, tăng thêm được bốn ghế so với 4 năm trước. Các nữ dân biểu đã họp báo ngay trước khi quốc hội họp phiên đầu, để chứng tỏ tình phụ nữ liên đới. Và các bà đã lên tiếng kêu gọi đàn ông con trai Thái phải kính trọng phụ nữ, nói chung. Một mục đích cụ thể họ nhắm vào là kêu gọi các bạn đồng viện nam giới hãy chấm dứt chế độ đèo bòng vợ bé, lén nuôi nhân tình. Các bà dân biểu gọi đích danh một số nam dân biểu, không phân biệt đảng phái, yêu cầu họ phải giải quyết vấn đề phòng nhì. Hoàng gia Thái Lan không mang nhiều tai tiếng về những chuyện ngoại tình như hoàng tộc Anh Quốc, nhưng đàn ông Thái không biết lấy đó làm gương, vì mọi xã hội cổ hủ đều coi thường phụ nữ.

Ở Anh Quốc, khi điện Westminster loan báo Thái Tử Charle sẽ kết duyên với bà nhân tình kỳ cựu hơn ông một tuổi và đã ly dị chồng, thì họ cũng xác định thêm rằng khi thái tử lên ngôi bà này sẽ không được phong làm hoàng hậu, sẽ chỉ gọi là quý phi thôi! Ðàn ông ly dị thì vẫn làm vua được, tại sao lại coi đàn bà li dị như là thứ hàng bán garage sales vậy? Ở Ðài Loan, phó tổng thống là bà Lã Tú Anh, phụ nữ ở đó được tôn trọng hơn ngày xưa. Nhưng các bà vẫn tranh đấu bảo vệ nhân phẩm của chị em bên lục địa. Nhiều bà kêu gọi ngưng đầu tư vào Hoa Lục, không phải vì họ chống Cộng Sản nhưng họ muốn chấm dứt tình trạng bóc lột phụ nữ. Nhiều nhà kinh doanh Ðài Loan đã nhân dịp qua làm việc bên lục địa mà đèo bòng thêm một vài cái phòng nhì, công ty mở mỗi chi nhánh thì các ông doanh nhân lại thêm một phòng, khai thác phụ nữ Trung Hoa như những món hàng giải trí.

Bà Condoleezza Rice là một tấm gương cho phụ nữ thế giới. Nếu nói dại mà ông Bush tạ thế bất ngờ và các ông phó tổng thống, chủ tịch Hạ Viện, chủ tịch hàm thượng viện đều không còn, thì theo hiến pháp, chính bà Ngoại Trưởng Rice sẽ lên chấp chánh làm tổng thống xứ Mỹ này. Theo dõi những màn đối thoại giữa bà Rice và các nghị sĩ chất vấn bà trước khi phong nhậm thì thấy bà dư sức đảm nhiệm chức vụ đứng đầu ngành hành pháp của nước Mỹ. Nhiều người cho là khả năng đầu óc của bà còn cao hơn ông “boss” nữa. Cái tài của bà là luôn luôn đứng sau lưng ông Bush, và có khi sau cả bà Bush, chứ không bao giờ nhảy ra phía trước tranh lấy tiếng đóng vai trò chính, như các ông Cheney và Rumsfeld lâu lâu lại xuất hiện nói những lời trịch thượng. Riêng đức khôn ngoan đó cho thấy bà đi làm nhà ngoại giao số một của nước Mỹ là đúng nghề! Nhất là mọi người đều biết quan niệm của bà về chính sách ngoại giao khác hẳn ông Bush. Cái tài của bà là luôn luôn lập lại những lời tuyên bố chung chung của ông tổng thống để thiên hạ thấy người quyết định vẫn là ông Bush. Trong khi đó, ý kiến của bà cố vấn tự căn bản không giống ông tổng thống! Cái khó của một vị ngoại trưởng Mỹ là làm sao đối xử rất ngoại giao được với ông tổng thống và những người trong Tòa Bạch Ốc, với các đại biểu quốc hội. Còn khi đi ra nước ngoài nhân danh nước Mỹ mà nói thì ai chẳng nể nang? Bà Condoleezza Rice đã chứng tỏ vượt qua được nỗi khó khăn đó. Bà chứng tỏ biết che giấu các ý kiến sâu xa của mình, rất linh động khi cần thay đổi các chính sách nhất thời để phù hợp với tình thế mới.

Năm 1986 bà Rice đóng góp một tiểu luận trong cuốn sách “Thời đại Gorbachev,” một tuyển tập bàn về tương lai chính trị của đế quốc xô viết. Bà nhận xét về hành động của ông Tổng Bí Thư Ðảng Cộng Sản Liên Xô lúc đó, “Các quốc gia, đặc biệt là các siêu cường, không hành động như vậy... Uy tín, nghĩa vụ là những quan niệm vượt lên trên những tính toán lợi hại nhất thời.” Khi đó, bà Rice còn nghĩ rằng Liên Xô sẽ không thể nào bỏ rơi quyền lợi của đế quốc Nga tại các nước Ðông Âu. Quyền lợi thực tế của Nga đòi hỏi như vậy. Quan niệm thực dụng của bà chịu ảnh hưởng của Hans Morgenthau, một giáo sư chính trị học lớn lên ở miền Bavaria Ðức Quốc, lập nghiệp ở Mỹ. Morgenthau cho rằng yếu tố quyết định trong nền ngoại giao quốc tế là quyền lực quốc gia chứ không phải là những lý tưởng, các chủ nghĩa cao siêu. Do đó, muốn giữ trật tự và hòa bình thế giới thì cần sự cân bằng giữa các cường quốc. Bà Condoleezza Rice đã chịu ảnh hưởng của vị giáo sư này khi theo học ở Ðại Học Denver, cũng như được học hỏi một vị giáo sư khác di cư từ Tiệp Khắc qua là Joseph Korbel, thân phụ cựu Ngoại Trưởng Madeleine Albright thời Tổng Thống Clinton. Quan niệm “quyền lực cân bằng giữa các cường quốc” này cũng được cựu Tổng Thống Bush (bố) tin tưởng, khiến cho có lúc ông lên tiếng khuyến cáo người Ukraina hãy giảm bớt tinh thần ái quốc, đừng đòi tách ra khỏi Liên Bang Xô Viết. Vì ông sợ một đế quốc Liên Xô lo sụp đổ sẽ nổi giận, gây xáo trộn cho cả thế giới, nước Mỹ không đối phó nổi. Cuối cùng, tinh thần ái quốc của các dân tộc đã thắng. Vì ông Bush bố cũng như bà Rice, một nhân viên nhỏ trong Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia hồi đó, không ai ngờ đế quốc Nga lại suy yếu đến mức không cựa quậy nổi.

Khi đi học, bà Rice chuyên nghiên cứu về Liên Xô, có lẽ vì vậy nên quan niệm về “quyền lực cân bằng giữa các cường quốc” đã ăn sâu trong đầu bà, khó thay đổi, theo triết lý ngoại giao thực tiễn của Morgenthau. Năm 2000 khi đang làm cố vấn về ngoại giao cho ứng cử viên tổng thống George W. Bush, bà viết trên tạp chí Foreign Affairs rằng, “Quyền lực quan trọng. Mặc dù nhiều người Mỹ không thích nghe nói đến quyền lực chính trị, đến siêu cường quốc, hoặc cân bằng quyền lực... Chắc hẳn là khi nói đến công việc phục vụ cho nhân loại thì đó là một lý tưởng rất đáng kính rồi, nhưng đó cũng chỉ là hệ quả (của các chính sách ngoại giao thực tiễn) mà thôi.”

Một lối nhìn ngoại giao một cách thực tế như vậy là hoàn toàn tương phản với những điều mà ông George W. Bush hay nói, từ lúc ông đang ứng cử, nhất là trong bài diễn văn nhậm chức lần thứ nhì của ông vào tháng trước. Ông Bush chuyên hô hào các khẩu hiệu cao cả làm nức lòng người, chứ không nhắc đến các quyền lợi thực tế của từng quốc gia. Ông đề cao sứ mạng của nước Mỹ là truyền bá các lý tưởng dân chủ, tự do khắp thế giới. Khi được hỏi về chủ trương của ông ở Trung Ðông, Tổng Thống Bush bảo, “Hãy đọc cuốn sách của Natan Sharansky.” Trong cuốn “Biện hộ cho Dân Chủ,” vị Bộ Trưởng Sharansky trong chính phủ Israel hiện nay đã biện minh rằng muốn cho vùng Trung Ðông có hòa bình thì trước hết phải xiển dương thể chế dân chủ; nước Mỹ không thể đi o bế các chế độ độc tài như trước đây, thí dụ như chế độ hoàng tộc thối nát ở Á rập Sau đi. Ông Bush (con) có vẻ rất thích lối nhìn thế giới theo phong cách “nhà truyền giáo” như vậy.

Nhưng Sharansky rất thất vọng, ngay khi bà Condoleezza Rice lên làm ngoại trưởng bà đã đề nghị mọi cuộc hòa đàm về hòa bình ở vùng Palestine phải có đại diện của Sau đi tham dự. Ông Sharansky chấp nhận rằng rất khó thuyết phục “người Mỹ.” Thực ra chính sách ngoại giao của nước Mỹ sát với quan niệm thực tiễn của bà Rice chứ không theo đúng các bài diễn văn của ông tổng thống.

Nếu chúng ta nhìn vào chính sách đối ngoại của chính phủ Bush trong bốn năm qua thì thấy căn bản rất thực tế, không lý tưởng, cao xa như ông Bush tuyên dương theo lối các giáo hội bảo thủ ở miền Nam nước Mỹ. Năm 2002 sau khi quân Mỹ đã lật đổ chế độ Taliban ở Afghanistan, nhiều nghị sĩ Mỹ tỏ ý lo ngại nước này sẽ diễn ra tình trạng “nhị thập sứ quân.” Bà Rice nói với nghị sĩ Biden, “Nước đó đã như vậy từ lâu rồi, và chắc sẽ còn như vậy rất lâu nữa.” Chính phủ Bush đã nhắm mắt mặc nhiên công nhận quyền của chính phủ Nga khi họ đàn áp những người Chechnya nổi dậy đòi tự trị. Mỹ cũng ngoảnh mặt làm ngơ trước những vụ chính phủ Bắc Kinh đàn áp người Hồi ở Tân Cương. Ðổi lại, Mát Cơ Va ủng hộ Mỹ về chính sách chống khủng bố toàn cầu, và Bắc Kinh thì chịu đứng ra gọi Bắc Hàn tới dự các buổi họp về bom nguyên tử. Tuần rồi, Bắc Hàn đe dọa sẽ không dự các phiên họp 6 nước nữa, nhưng trong quá khứ họ đã từng dọa như thế nhiều lần rồi. Trong lúc bị các nghị sĩ chất vấn, bà Rice đã báo trước với họ rằng chính sách ngoại giao của chính phủ Bush trong 4 năm tới sẽ dùng thương thuyết và vận động hòa bình chứ không dùng chiến tranh.

Mặc dù trên lý thuyết chính phủ Mỹ vẫn đề cao các vấn đề tự do, nhân quyền, nhưng trong thực tế họ vẫn coi vấn đề cân bằng quyền lực là quan trọng. Tổng Thống Bush thì luôn luôn nói những lời cao cả, lý tưởng, lãng mạn, như khi ông trả lời nhà báo Bob Woodward rằng trước khi quyết định chiến tranh Iraq, ông cầu nguyện xin Thượng Ðế soi sáng. Nhưng trong hành động cụ thể, ông Bush vẫn nghe theo ý kiến của những người thực tế như bà Rice! Sau khi ông Bush gọi tên Iran ra, coi là mối đe dọa lớn cho cả thế giới; đến lượt bà Rice sang Âu Châu minh xác rằng chính phủ Mỹ không hề có ý định tấn công Iran. Ông Bush nói để cho những người bảo thủ trong nước nghe, còn bà Rice là người đi làm việc ngoại giao thật!

Chuyến công du dài đầu tiên của Ngoại Trưởng Condoleezza Rice là sang Âu Châu, cho thấy bà là người can đảm, chấp nhận làm công việc khó khăn ngay từ đầu. Một phần nào, bà chuẩn bị cho chuyến đi của Tổng Thống Bush trong một tuần nữa. Bà có thể chấn an các nước trong Liên Hiệp Âu Châu trước khi họ phải nghe những lời lẽ nảy lửa mà ông Bush sẽ phát biểu. Bà đã đi dội những gáo nước thực tế trước khi ngọn lửa truyền đạo bốc cháy. Là một người học đàn piano từ năm lên ba tuổi, bà Rice vẫn nói bà thích nhạc Brahms chừng mực hơn là nhạc Tchaikowsky sôi nổi. Trong chuyến đi vừa qua bà tránh nước Pháp, nhưng có ai hỏi bà “Cô yêu nhạc Brahms không?” - Chắc bà đã nói, “Mais oui!”

Aimez vous Brahms? Câu hỏi đó là tựa một cuốn tiểu thuyết lãng mạn của Francoise Sagan cách đây 50 năm. Không biết có ai từng tỏ tình với bà Condoleezza Rice bằng một câu hỏi tương tự hay chưa. Một người bận rộn với sinh hoạt trí thức và đầu óc lại thực tế như bà chắc không có thời giờ cho những mối tình lãng mạn. Nhưng đâu cần? Tại sao người ta thích hoan hô các nhà chính trị gia khi các ông này không lấy vợ, hoặc giả bộ phát nguyện độc thân để “phục vụ dân tộc,” mà người ta lại không ca ngợi một phụ nữ cũng quyết định sống một mình? Ðến bao giờ thế giới này mới coi phụ nữ ngang hàng với nam giới?


Ngô Nhân Dụng

nguoiviet online
Phượng Các
#5 Posted : Tuesday, May 30, 2006 5:34:54 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,704
Points: 20,055
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Condie với sự ngọt ngào của âm nhạc
Tuesday, May 30, 2006

Quỳnh Giao

Có bảo rằng nàng là một trong những phụ nữ có uy quyền nhất thế giới hiện nay thì không sai.

Theo Hiến Pháp Hoa Kỳ, nếu tổng thống bất ngờ không đảm nhiệm được nhiệm vụ của mình thì lần lượt ba ông sau đây có thể tạm thời thay thế. Ðó là phó tổng thống, chủ tịch Hạ Viện, chủ tịch xử lý - pro tempore - Thượng Viện. Người thứ tư là nàng. Ngoại Trưởng Condoleezza Rice.

Gọi một Tổng Trưởng Ngoại Giao là “nàng” thì cũng như hát hơi “lạc tông”.

Nhưng nói về Condi Rice trong địa hạt âm nhạc, thì chữ “nàng” vẫn là hợp cách, huống chi vị ngoại trưởng trẻ tuổi này - sinh năm 1954 - vẫn là “cô”, một nữ lưu độc thân!

Người Mỹ ưa dùng tên tắt với giọng trìu mến nên gọi tên ngoại trưởng như một cô sinh viên, Condi Rice. Trường hợp cái tên Condoleezza còn đặc biệt hơn. Cha mẹ nàng đặt tên con gái trong tinh thần yêu nhạc. Như loại ngôn ngữ chỉ dẫn về nhạc mà học trò học nhạc bắt buộc phải hiểu dù chưa bao giờ học tiếng Ý, “Con dolcezza” (avec douceur) có nghĩa là “với sự ngọt ngào”. Một đoạn nhạc phải được trình tấu với sự ngọt ngào.

Cuộc đời nàng là sự ngọt ngào ấy.

Condoleezza sinh tại thành phố Birmingham của tiểu bang Alabama vào cái thời mà kỳ thị người da đen vẫn là phổ biến, cho nên nàng rất thấm thía chuyện phấn đấu để giành quyền bình đẳng. Nàng phấn đấu hơn người và vượt lên thành một phụ nữ siêu đẳng.

Người ta tin rằng trẻ thơ mà được nâng niu bú mớm trong nhạc thì trí thông minh càng sớm phát triển. Condoleezza có lẽ là trường hợp ấy vì gia đình thuộc loại “bốn đời yêu nhạc”. Từ bà cố, bà ngoại đến bà mẹ đều là dương cầm thủ và dạy nhạc. Họ có cuộc sống đạo hạnh, thân phụ nàng là một mục sư.

Trí thông minh của cô bé Condi này thì đã là nhãn hiệu có cầu chứng.

Tốt nghiệp cử nhân với hạng tối ưu về chính trị học ở tuổi 19, nàng hoàn tất cao học ngay năm sau và vừa xong tiến sĩ bang giao quốc tế năm 1981 là trở thành giáo sư tại viện đại học thuộc loại danh tiếng nhất Hoa Kỳ, Ðại Học Stanford ở Palo Alto của California.

Nàng dạy học, viết sách và cũng chỉ sinh hoạt chính trị bình thường trong đảng Dân Chủ cho tới khi theo đảng Cộng Hòa dưới kỷ nguyên của Tổng Thống Ronald Reagan.

Sau đấy nàng nhập cuộc, trở thành chuyên viên về an ninh trong phân vụ Liên Xô và Ðông Âu của Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia của Tổng Thống George H. Bush khi khối cộng sản bắt đầu lung lay rồi tan rã.

Dưới triều đại Bill Clinton, Condi Rice trở về Stanford ở một vị trí đầy phẩm giá và trách nhiệm là giám hiệu, Provost, vừa quản trị các nhà mô phạm khét tiếng vừa điều hành việc giảng huấn và nắm một ngân sách bạc tỷ, vừa dạy học. Trong khi ấy, nàng cũng vào hội đồng quản trị của nhiều đại doanh nghiệp và các tổ chức thiện nguyện trong cộng đồng miền Bắc California.

Năm 2001, khi Tổng Thống George W. Bush lên nhậm chức, nàng trở thành người phụ nữ đầu tiên, da đen và trẻ nhất, làm Cố Vấn An Ninh của tổng thống suốt nhiệm kỳ đầu. Qua nhiệm kỳ hai, nàng là Tổng Trưởng Ngoại Giao của Hoa Kỳ. Và là một cố vấn thân tín, một người bạn thân nhất của ông Bush.

Hai người hợp nhau ở rất nhiều điểm, trừ âm nhạc.

Condoleezza Rice lên tới vị trí chói lọi ấy vì chơi nhạc khá giỏi: “nhưng chưa hay”, theo lời nàng thú nhận - pretty good but not great! Còn ông Bush thì không chơi nhạc và chỉ thích nghe nhạc “Country” - rất dân ca Mỹ.

Nếu mà “hay” thì nàng đã là đại danh thủ dương cầm.

Condoleezza Rice biết đọc nhạc trước khi đọc chữ, từ bé đã là thần đồng về nhạc nhờ sự chỉ dẫn của bà và mẹ khi mới lên ba. Nhưng nàng sớm phát giác là mình chơi giỏi mà chưa hay. Có lần, thấy một đứa trẻ 11 tuổi liếc vào bản nhạc đàn luôn một tác phẩm mà nàng biết là mình phải luyện cả năm, Condoleezza kết luận: “mình sẽ chơi dương cầm trong quán nước hay tại Nordstrom chứ không thể vào được Carnegie Hall!”

Nàng bèn chọn sự nghiệp khác, nhưng vẫn yêu nhạc, chơi nhạc và coi âm nhạc là một phần của đời sống.

Trong bộ não kỳ diệu của con người lạ lùng này, đại sự lớn lao của thế giới không lấn được một cõi riêng là âm nhạc. Nhưng nàng không khi nào vừa nghe nhạc vừa làm việc. Kỷ luật của công việc, loại công việc ít người đảm nhiệm nổi, có ảnh hưởng đến sự thẩm âm của nàng.

Hay là ngược lại, tính đa cảm, sùng đạo, nỗi đam mê về công việc và gia đình lại xuất phát từ mỹ quan của Condi Rice về nhạc. Ða cảm nhưng chừng mực, đam mê mà kỷ luật?

Trong một chương trình “Mad About Music” của đài New York Public Radio vào đầu năm 2005, Condoleezza Rice được Gilbert Kaplan mời chọn lựa và giới thiệu những tác phẩm và nhạc sĩ nàng yêu thích nhất.

Về nhạc sĩ, nàng hâm mộ Mozart, Beethoven và Brahms. Về tác phẩm, nàng chọn một số bài khá đặc biệt, trong đó có “Concerto số 20 trên cung Ré Thứ” (K. 466 trong danh mục Korchel) của Mozart, bài “Symphony số 7 trên cung Sol Trưởng” của Beethoven, bài “Variation on a Theme by Joseph Haydn” của Brahms viết cho hai dương cầm. Bản “Concerto trên cung Ré Thứ” là bài nàng đã trình tấu trong cuộc thi dương cầm năm xưa, ở tuổi 15.

Condoleezza Rice là người luôn ăn mặc tề chỉnh, lịch sự mà nhã nhặn, chuyên cần tập luyện thể thao và có đời sống mực thước. Nàng yêu nhạc cũng theo phong thái ấy. Nàng không thiên về trường phái lãng mạn và những tác phẩm nàng chọn lựa và giới thiệu đòi hỏi một trình độ kỷ luật rất cao của người trình tấu.

Trong công việc, Condi Rice là người quả đoán, dám lấy quyết định dù có phải quyết định một mình. Trong âm nhạc cũng vậy, nàng không tương nhượng với lối ngẫu hứng (improvisé) mà tuyệt đối tôn trọng nguyên tác của nhạc sĩ. Vì khuynh hướng ấy và lại có rất ít thời giờ tập luyện, sau này nàng thích và thường chơi đàn với một ban nhạc thính phòng hơn là một dàn hợp tấu đại quy mô.

Là người luôn luôn lạc quan, nàng lại thích “âm giai thứ” mà nhiều người cho là ủ dột đen tối. Nàng cho rằng ton Thứ như vậy phong phú hơn, đòi hỏi nhiều sự trau chuốt của nhạc sĩ. Ða số nhạc khúc nàng yêu thích nhất đều viết trên âm giai thứ.

Là danh thủ dương cầm từng song tấu với Yo Yo Ma, Condoleezza yêu nhất hai diệu thủ là Artur Rubinstein và Evgeny Kissin. Nàng chọn Rubinstein là diệu thủ muôn đời cũng là điều lạ, vì sở trường của ông là nhạc Chopin, mà Chopin không nằm trong các tác giả nàng thích nhất. Nàng yêu nhạc Brahms vì cho là Brahms đam mê mà không ủy mị.

Là một chuyên gia về Nga, nói tiếng Nga ngoài tiếng Pháp, Ðức và Tây Ban Nha, việc nàng chọn danh thủ Nga Eygeny Kissin có thể là không lạ, nàng theo dõi sự nghiệp của Kissin từ lâu và cho rằng tay dương cầm trẻ này là một danh thủ có lửa. Nhưng trong danh mục các tác phẩm âm nhạc yêu thích nhất, nàng không chọn một tác giả nào của Nga. Cách đây ít lâu, trả lời báo chí Anh, nàng phát biểu là nếu yêu nước Nga thì phải yêu vở opera “Boris Godunov” của Mussorgsky. Cũng là đặc biệt!

Là phụ nữ da đen, Condoleezza Rice tất nhiên cũng yêu nhạc jazz, và những nhạc sĩ nàng ưa chuộng nhất là Eric Clapton, Ginger Baker và Dave Grusin. Cả ba người đều là da trắng và Eric Clapton và Ginger Baker người Anh. Nàng không yêu nhạc hay chọn nhạc sĩ vì mình mà vì nhạc.

Cách đây vài tuần, Condoleezza Rice bị một số sinh viên và giáo sư phản đối khi được Ðại Học Boston mời trao bằng Tiến Sĩ Danh Dự (nàng có cả chục bằng danh dự như vậy). Báo chí có hỏi là nghĩ sao về chuyện chấn động ấy. Nàng trả lời, với giọng “Minor”: “chuyện ấy có gì lạ đâu? Trong giới học giả mô phạm, bị phản đối như vậy là thường tình”.

Chơi đàn để nghỉ ngơi và trong ngơi nghỉ vẫn giữ kỷ luật mới là chuyện đặc biệt. Người ta có thể yêu ghét chứ không coi thường khối óc và nhân cách của một con người như vậy.

nguoivietweb.com
PC
#4 Posted : Monday, December 22, 2008 11:16:50 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
Ngoại trưởng Rice đã được tặng ở Trung Đông nhiều món nữ trang trị giá hàng trăm ngàn dollars nhưng sẽ không được giữ làm của riêng
Monday, December 22, 2008

WASHINGTON (AP) – Chính sách ngoại giao của Tổng thống Bush có thể không mấy được ủng hộ ở Trung Đông, nhưng các nhà lãnh đạo Á Rập đã tặng cho Ngoại trưởng Condoleezza Rice nhiều món nữ trang quý giá tổng cộng trên ¼ triệu dollars trong năm ngoái.

Riêng hai quốc vương Jordan và Saudi Arabia đã tặng cho bà Rice một số nữ trang trị giá ít nhất $316,000, theo hồ sơ kiểm kê được bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố hôm Thứ Hai. Trong cùng thời gian, Tổng thống Bush chỉ nhận được quà tặng trị giá khoảng $100,000 từ những nơi đó. Như vậy bà Rice đứng đầu danh sách những viên chức Hoa Kỳ được nhiều tặng phẩm của các nhà lãnh đạo và chính quyền ngoại quốc trong năm 2007.

Trên nguyên tắc, trong hầu hết mọi trường hợp các viên chức chính phủ Hoa Kỳ không được phép nhận quà tặng cho cá nhân. Do đó, theo luật liên bang những tặng phẩm này phải đưa vào công khố và người ta sẽ chỉ có thể thấy được trưng bày tại những cơ sở công cộng hay viện bảo tàng.

Tháng 1 năm 2007, quốc vương Abdullah II của Jordan tặng bà Rice một sợi dây chuyền nạm kim cương và lục ngọc (emerald), một chiếc nhẫn, một vòng đeo tay và một đôi bông tai, trị giá tổng cộng khoảng $147,000. Hoàng hậu Rania cũng tặng bà Rice một sợi giây chuyền rẻ tiền hơn, một đôi bông tai và một hộp đựng nữ trang trị giá $4,630.

Không chịu thua kém, tháng 7 năm đó quốc vương Abdullah của Saudi Arabia tặng bà Rice một bộ nữ trang gồm dây chuyền nạm hồng ngọc (ruby) và kim cương, bông tai, nhẫn, vòng trị giá $160,000. Quốc vương Saudi Arabia cũng đã tặng cho bà Rice một sợi giây chuyền trang trí theo kiểu những cánh hoa trị giá $170,000 từ năm 2005 và đến nay mới được khai báo.

Quốc vương Abdullah của Saudi Arabia trao tặng đệ nhất phu nhân Laura Bush một bộ nữ trang ngọc bích (sapphire) và kim cương $85,000 và một tác phẩm nghệ thuật bằng vàng trình bày cảnh sa mạc với những dân du mục, lạc đà, lều trại trị giá $10,000.

Bản kiểm kê của Văn phòng Nghi lễ bộ Ngoại giao Hoa Kỳ liệt kê tất cả các tặng phẩm đã được tặng cho các giới chức cao cấp – từ những vật tầm thường nhất như một hộp nhiều loại hạt và trái cây khô trị giá $6 do Đức Đạt Lai Lạt Ma tặng phu nhân Tổng thống Bush, cho đến những món nữ trang quý giá như tặng phẩm của bà Rice và các món đồ lạ thường như chiếc kéo tỉa cây “với tay cầm tiện nghi” trị giá $570 do Thủ tướng Thụy Điển tặng ông Bush để dùng tại trang trại ở Crawford, Texas.

Tổng thống Bush và phu nhân đã nhận được nhiều món quà đặc biệt như thế. Một giới chức Australia tặng một đồ vật để chặn giấy bằng đồng đen trị giá $150, hình con papyrus, con vật mõm như mỏ vịt và là động vật có vú duy nhất đẻ trứng chứ không đẻ ra con, chỉ có ở Australia. Thủ tướng Singapore tặng bộ đồ tập thể dục $450.

Năm ngoái bà vợ của cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tặng đệ nhất phu nhân Laura một cặp gối thêu tay hình cờ Mỹ có ghi tên và hình 2 con chó Barney và Miss Beazley của ông bà Bush. Bà Abe cũng tặng một chiếc hộp sứ Limoges (đồ sứ nổi danh ở Pháp) vẽ hình 2 con chó và một món đồ chơi nhồi bông, tất cả trị giá khoảng $900.

Một số tặng phẩm phản ánh công việc cá biệt của người nhận. Tướng Peter Pace, cựu Chủ tịch Ủy ban Tham mưu Hỗn hợp được các Tham mưu trưởng quân đội Nga và Colombia.tặng hai khẩu súng đại liên trị giá $1,300. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates nhận được một cây kiếm Á Rập có trang trí, trị giá $3,200 của một giới chức Bahrain và một dao găm thép trị giá $345 của quốc vương Jordan.

Những tặng phẩm gởi đến cho các viên chức tình báo Hoa Kỳ không được tiết lộ xuất xứ, nhưng Giám đốc CIA Michael Hayden trong năm 2007 đã nhận được một số quà trị giá $8,000 bao gồm gươm, bút máy và thảm lụa. (HC)

nguoiviet


Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.