Condoleezza RiceCondi Rice, Hạt Huyền Ngoại Giao Mỹ Đáng lẽ, Condi Rice có thể là một tên tuổi nghệ thuật, dương cầm thủ thượng thặng trong loại nhạc cổ điển Tây phương. Hoặc thể tháo gia ở cấp Thế vận. Hoặc cả hai. Nàng có thừa trí tuệ và bắp thịt cho cuộc sống ấy.
May cho Hoa Kỳ, Condoleezza Rice chọn con đường khác.
Nàng sinh năm Giáp Ngọ 1954, có tuổi Hổ Cáp của loại người dữ dằn mà nồng nàn kiên trì mà quyến rũ. Tên nàng, Condoleezza, là do mẫu thân đặt cho, một cái tên rất lạ, rất Ý, vì là một ký hiệu âm nhạc: con dolcezza - "với sự dịu dàng."
Một con bọ cạp dịu dàng?
Condi có sự thánh thiện của một nữ tu. Gia đình nàng giữ truyền thống ngoan đạo và yêu nhạc của dân da đen. Thân phụ nàng là mục sư, thân mẫu và bà ngoại là giáo sư âm nhạc và chơi nhạc trong nhà thờ. Họ muốn bé Condi phải có một nền giáo dục toàn hảo: ngoài việc học hàng ngày, phải luyện tập thêm về dương cầm, vũ cổ điển (ballet), sáo, vĩ cầm, và học cách đọc thật nhanh để hiểu thật nhiều. Rồi mỗi Chủ Nhật là đi lễ nhà thờ. Bé Condi đã nổi tiếng thần đồng âm nhạc từ khi lên ba, lên năm đã trình tấu tại nhà thờ.
Nhưng Condi vừa ra đời là phong trào tranh đấu cho dân quyền của người da đen mở màn. Sinh trưởng tại Birmingham của Alabama, nàng trực tiếp mục kích nỗi nhục nhằn của nạn kỳ thị màu da, những vụ bạo hành từ hai phía. Cho nên, kính Chúa và yêu người, nàng có máu đấu tranh từ nhỏ nhưng với nếp giáo dục của một gia đình tử tế. Cô nữ sinh Condi không lên chiến hào vứt bom xăng, hoặc trở thành tay khủng bố đốt nhà da trắng.
Nàng đi học, chuyên cần đĩnh đạc, để hoàn thành ước nguyện theo lối khác. Gia đình nàng suy nghĩ như dân Á châu: muốn vượt hàng rào kỳ thị, phải giỏi gấp đôi dân da trắng.
Condi Rice tốt nghiệp Trung học ở tuổi 15, qua Denver lấy bằng Cử nhân chính trị học với hạng danh dự, ngay năm sau hoàn tất Cao học (Master) ở tuổi đôi mươi. Nàng trình luận án Tiến sĩ về bang giao quốc tế dưới sự hướng dẫn của một nhà ngoại giao Tiệp, tỵ nạn phát xít và cộng sản tại Mỹ. Ông Josef Korbel này là thân phụ của Madeleine Albright, người về sau sẽ là Ngoại trưởng của Tổng thống Bill Clinton. Suốt thời ấy, Condi vẫn học dương cầm và có lúc dự tính tranh giải quốc tế.
Nhưng, chính trị học và bang giao quốc tế mới thực sự là nỗi đam mê lớn.
Condi Rice thành tài khi Ronald Reagan lên lãnh đạo Hoa Kỳ, năm 1981, và quan niệm về bang giao quốc tế mà nàng học hỏi được từ các giáo sư như Josef Korbel hay Hans Morgenthau bắt đầu thay đổi. Với thế giới quan cổ điển của Âu châu, đa số các học giả thường nghĩ đến một chánh sách ngoại giao dựa trên tương quan lực lượng giữa các đại cường. Condi Rice nghĩ khác, và ngày càng nghĩ khác: dân chủ là một giá trị có sức mạnh luân lý không kém gì sức mạnh kinh tế và quân sự.
Khi ra đời, nàng áp dụng quan niệm ấy.
Condi Rice là Giáo sư Chính trị học trẻ nhất ở một Đại học uy tín nhất miền Tây là trường Stanford tại California và được những giải thưởng cao quý nhất của giới sư phạm. Nàng còn là hội viên các trung tâm nghiên cứu thời danh, kể cả viện Hoover. Biên khảo về bang giao của nàng được chính quyền Reagan chú ý và kiến thức sâu rộng về ngoại giao quốc tế, nhất là về Liên xô, khiến nàng được mời vào Hội đồng An ninh Quốc gia trong chính quyền George H. Bush (ông Bush cha).
Từ 1989 đến 1991, khi khối Xô viết tan rã, Condi Rice là phụ tá của Cố vấn An ninh Brent Scowcroft rồi lên làm Giám đốc Liên Xô và Đông Âu vụ trong Hội đồng An ninh Quốc gia rồi Phụ tá Đặc biệt của Tổng thống về An ninh. Nàng là chiến lược gia của Bush về đối sách kết thúc Chiến tranh lạnh. Khi Bush thất cử, Condi về Stanford và tám năm cầm quyền của Bill Clinton là tám năm hàm dưỡng công phu của nàng.
Một tháng sau khi trở lại Stanford, người phụ nữ da đen mới 38 tuổi được mời làm Giám hiệu trường Stanford, điều hành ngân sách hàng tỷ và điều động hàng trăm giáo sư thượng thặng và ngồi trong Hội đồng Quản trị của các tổ hợp kinh doanh lớn nhất. Ở Condi, không có gì thuộc hạng nhì cả. Nàng không lập gia đình vì kết hôn với việc làm, coi việc làm là nhất.
Trong đại học và doanh nghiệp, nàng gặp một vị giáo chủ về ngoại giao và kinh tế của đảng Cộng hoà. Đó là George Shultz, Giáo sư Kinh tế học, Giám đốc Ngân sách, Tổng trưởng Lao động, Chủ tịch tổ hợp Bechtel rồi Tổng trưởng Ngoại giao. Ông là bậc đại trí và quân sư tối thượng của nhiều chính khách, từ George W. Bush tới Arnold Schwarzenegger. Ông khuyến khích Thống đốc Bush từ Texas tiến ra tranh cử Tổng thống và giới thiệu cho Bush một bửu bối về an ninh và ngoại giao, đó là Condi.
Kể từ đấy, đã hơn 10 năm rồi, tình bạn nảy nở giữa hai người. Condi là người Bush tin cậy nhất về đường lối đối ngoại, mà cũng hợp tánh nhất vì cả hai đều thành thực, ngoan đạo, ưa thích thể thao. Trong tư dinh của Tổng thống tại Thủ đô hay ở quê nhà tại Texas, luôn luôn có một phòng riêng cho Condi. Nàng là người thân trong gia đình Bush, Cố vấn An ninh của Tổng thống, là phụ nữ có ảnh hưởng nhất Thủ đô.
Qua nhiệm kỳ hai của Bush, bậc nữ lưu mềm mỏng mà đầy trí tuệ đó sẽ là Ngoại trưởng của Hoa Kỳ.
Vượt qua quan niệm ngoại giao cổ điển của các bậc thầy và các vị chỉ huy cũ, Condi Rice tin là nền dân chủ có giá trị về luân lý và Hoa Kỳ có nhiệm vụ phát huy dân chủ để tiến tới một thế giới ổn định hơn. Trước hết, để diệt trừ nạn khủng bố Hồi giáo tận gốc. Trong quan niệm này, nàng được sự hỗ trợ bền bỉ và quyết liệt của Tổng thống.
Kể từ năm Dậu, ngoại giao Hoa Kỳ sẽ có nét cứng rắn ngang ngạnh của một siêu cường thực tâm tin tưởng vào sứ mệnh phát huy dân chủ như một giải pháp cho thế giới. Người thực thi đường lối ấy là một phụ nữ, da đen, một trí thức uyên bác và bạn thân Tổng thống. Trong bốn năm tới, chính quyền Bush không ưu lo gì về việc tranh cử và Ngoại trưởng Rice sẽ rộng quyền tiến hành một chủ trương ngoại giao đầy tính chất cách mạng. Với sự kiên trì và dữ dằn của một con bọ cạp.
Đây là tin vui cho những người đấu tranh cho dân chủ, như Aungsan Suu Kyi tại Miến Điện. Và lời báo động cho các chính quyền độc tài lạc hậu và quân khủng bố.
Họ làm nên lịch sử
Trong khi các lực lượng Hồi giáo cực đoan lạc hậu dùng khủng bố làm phương pháp thành lập một Đế quốc mê muội của Đạo Hồi, kéo dài từ Âu sang Á thì ba người đàn bà đang dịu dàng vận động một trào lưu trái ngược từ Á về Âu.
Thế lực độc tài quân phiệt ở Miến Điện, hay tàn dư chuyên chế của kiểu Liên Bang Xô Viết cũ còn váng vất đó, nhưng sẽ thành dĩ vãng.
Trong thế giới của chuyên chế độc tài hay độc tôn, phụ nữ không có vị trí đáng kể. Dân chủ hóa các xứ đó là điều rất lâu và khó, nhưng, nếu Aungsan Suu Kyi, Condoleezza Rice và Yuliya Tymoshenko thành công, phụ nữ Hồi giáo khắp nơi sẽ thấy được một tấm gương sáng. Phụ nữ Việt Nam cũng vậy.
Trước các thế lực đen tối, dùng bạo lực, tiền tài và sự xảo trá để duy trì quyền lực độc tôn, ba phụ nữ da vàng, da đen và da trắng kể trên có sức mạnh thực sự dời sông lấp biển bên sau dáng vẻ mềm mại yêu kiều. Họ sẽ làm nên lịch sử và góp phần thay đổi bộ mặt của thế giới...
LÊ THỊ SỚM MAI