Bên Ni, Bên Tê (trích)
................
- Bụi dậy chưa? Gà gáy từ khi hồi tới chừ mấy lần rồi đó, nghe không hay là điếc?
Giọng người mẹ nằm ở bên góc nhà nói vọng sang, cố ý bắt đứa con gái phải nghe, phải thức giấc, dầu biết hắn còn muốn ngủ. Không được, ngủ như thế là nhiều lắm rồi, nhà nghèo, hoàn cảnh không cho phép.
Có con để mà nhờ cậy, mà sai bảo, đó là quan niệm chung của nhà nghèo, con cái là cái vốn của mình. Tất cả mọi người đều nghĩ như thế, phải như thế mới đúng cương thường đạo lý, như thế là báo hiếu, mình đã báo hiếu cho cha mẹ thì bây giờ con cái cũng phải báo hiếu lại, có thế thôi, chẳng nên thay đổi.
Gọi xong, người mẹ yên tâm nằm chờ đợi, đợi nghe cái giường tre lên tiếng cót két. Tấm thân tròn, lẳn chắc ấy mà trở mình, bẻ xương sống thì cái giường cũng rên rỉ theo. Không phải thứ âm thanh vật chất của lọai giường Hồng Kông sang trọng, của những kẻ ăn chơi, mà là tiếng kêu của cái giường tre long mộng, gáy vạc, vứt ra đường cũng chẳng ai thèm nhặt về. Thêm vào cái thân hình vật voi của đứa con gái mười bảy, và cái thói quen đài các, trăn qua trở lại mấy chục lần rồi mới chịu ngồi dậy. Người ta dậy là vùng dậy, con gái mụ không thể, người mẹ biết cái tính xấu ấy của con gái mình nên sáng nào cũng phải thức để canh chừng. Lạ nhất là cái giường ấy vẫn chưa chịu gẫy.
Chờ mãi chẳng nghe tiếng giường kêu, người mẹ lên giọng gọi to hơn ban nãy.
- Bụi!
- Chi mạ ....
- Dậy chưa? Hay không tề!!!
- Dạ ....
Giọng người mẹ vượt hẳn tầm không gian của một ngôi nhà nhỏ bé, bốn bức tường đất, với hai tấm mái tranh che đơn sơ ở bên trên . Buổi sáng mờ hơi sương, chưa một âm thanh nào thức giấc để phá rối sự yên tĩnh. Giọng quát của người mẹ làm Bụi giật mình, hết dám ngủ gắng. Đứa con gái lên tiếng phân trần, nhà nghèo chỉ hơn đuợc nhà giàu ở cái điểm dân chủ ấy. Con nói với cha mẹ không phải e dè, thưa bẩm, như trong các gia đình quan liêu trưởng giả. Hẳn vì nhờ ở sự phân công rõ rệt, lớn bé đều có bổn phận của mình, chẳng ai ăn bám vào ai một cách tuyệt đối, ngoại trừ những đứa trẻ con, còn cần sự bồng ẳm.
- Còn sớm, con gà bên nớ khi mô cũng gáy trước nhà người ta. Không biết hắn ăn nhằm cái chi, bữa mô tui bắt, tui móc họng hắn ra coi thử .... dễ ghét!
- Bộ ngủ cả đêm chưa chán răng mà nói còn cãi, con gái lớn rồi mà hư ...
- Cả đêm mô mà cả đêm, khi hôm xay lúa cho ông Quản tới khuya.
Bụi bực mình giải thích rồi trở mình ra phiá song cửa, nhìn kỹ xem bên ngoài có thật là trrời sáng chưa, hay lỗi tại con gà gáy vội.
Tuy mấy tấm liếp đã được hạ xuống gài kỹ bằng một cái đòn tre, xỏ qua hai vòng thép cho gió sương khỏi hắt vào nhà, nhưng hai bên liếp có khe hở rộng, đủ chào đón cả ánh sáng lẫn gió sương. Mùa đông vẫn đủ chào đón cả ánh sáng lẫn gió sương. Mùa đông vẫn đủ lùa vào những làn gió lạnh, và mùa hè, những tia nắng chói của mặt trời.
Bên ngoài mờ mờ. Chưa biết rõ đó là ánh sáng gì, nhưng tính bướng bỉnh, Bụi vẫn nhất định cho đó là ánh sáng trăng. Đứa con gái lẩm nhẩm tính xem trăng đêm hôm hôm qua mọc hồi mấy giờ.
Mười tám nám bếp trấu
Mười chín nín hông xôi
Hai mươi tuất rốt
Hăm mốt nửa đêm ...
Tuất rốt là cuối giờ tuất, rõ ràng, lúc ấy Bụi chưa sàng xong thúng lúa cuối. Tắt đèn đi ngủ mà ánh trăng mới ở dưới thân tre, chưa qua khỏi ngọn. Giờ nớ mà trăng chưa qua khỏi ngọn thì chừ trăng đứng ngay giữa trời, sáng bừng là phải. Con gà ngủ no mắt thức dậy, thấy trời sáng là gáy, có biết ngày giờ chi.
Như thế thì Bụi còn có quyền nằm thêm một lúc nữa. Nhưng, trót tận dụng tất cả trí óc để tự bào chữa nên đứa con gái hết thấy buồn ngủ, mắt không còn cay nữa, hay là trời sáng thật rồi cũng nên.
Nhưng không buồn ngủ là một chuyện. Ở đời có gì sung sướng hơn là buổi sáng thức giấc rồi mà vẫn còn được nằm nán lại trên giường, nằm cho đến bao giờ hết thèm, giống như cuộc sống của các cô gái nhà giàu.
Đây là một trong những tật xấu của Bụi, mụ thợ nề biết từ khi hắn mới lên ba lên bốn tuổi, mụ cho đó là cái bệnh tiểu thư đài các, không thể có trong một gia đình nhà nghèo. Mụ cố sức hò hét la rầy cho đứa con gái phải chưà đi, nhưng trái lại, càng nghe mẹ bảo đây là cái bệnh của các cô tiểu thư, Bụi lại càng thích thú. Giá được sinh vào một gia đình quan sang thật sự để đuợc mọi người gọi mình bằng tiểu thư, chắc Bụi sẽ mãn nguyện, chẳng cầu mong gì hơn. Mụ thợ nề không cần phải chửi mắng, Bụi cũng biết rõ cái thân phận của mình, đã là con nhà thợ nề mà lại mồ côi, phải tự nuôi lấy thân, nuôi thêm cả mấy đứa em chứ không đuợc sống bằng số tiền trộn hồ xây gạch, mồ hôi nước mắt của người cha mỗi ngày.
Sáng nào cũng giống nhau, từ độ biết khôn, trên giường bước xuống là nghe tiếng ủn ỉn của lũ lợn đòi rong đòi cám. Vưà kêu vưà cựa quậy đào bới, làm xông lên nồng nặc mùi phân của chúng từ trong chuồng bay ra.
Để phụ họa với lũ heo, còn tiếng khóc lè nhè của thằng cu nhỏ và tiếng ngáp dài, ngáp ngắn, chờ ăn của mấy đứa lớn.
Bằm xong, xắt chuối, nấu ăn, giặt rửa quét dọn, vớt bèo, gánh nước, có ai gọi công thì đi cấy, đi gặt, hoặc tát cá, ngoài ra còn xay lúa, giã gạo thuê, để lấy chỗ cám rẻ về cho lũ lợn.
Công việc quanh quẩn của Bụi chỉ có thế mà không bao giờ xong. Ngày quá ngắn và đêm cũng quá ngắn đối với đứa con gái ấy ...
Gia đình ngày nay gồm có một người mẹ với năm đứa con, nhưng bốn đứa em nhỏ chỉ là bốn miệng ăn vô ích. Chưa đứa nào làm ra tiền, sự góp công của chúng nó chỉ đỡ đần tí chút, rửa chậu bát, quét cái sân, chứ những tờ giấy bạc, hay những đồng tiền kiếm được vẫn chỉ là do sức lực của Bụi và của người mẹ.
Đứa con gái nào ở hoàn cảnh Bụi, vào tuổi Bụi mà không có lúc chán nản, không mong chờ một sự thay đổi, mặc dầu chẳng biết để làm sao thay đổi được.
Cuộc sống tiểu thư của Bụi thường mang máng hình dung ra đây, là hình ảnh cuộc sống của hai cô gái nhà ông quận trưởng, lộng lẫn, xinh đẹp, ngồi trong chiếc xe màu vàng có tài xế lái. Mỗi khi xe chạy vụt qua làng, ngang trên đường cái quan mà Bụi trông thấy, là dẫu đang gánh nặng đến mấy cũng đứng ngẩn ra nhìn theo cho đến khi bóng xe vùn vụt, mịt mù, để lại đằng sau những lớp khói bụi tung trời.
Bụi chỉ còn một cách là tự tạo cho mình cái vai trò tiểu thư giàu sang ấy vào lúc mới thức giấc. Lúc tâm sự còn chơi vơi, chưa phân biệt đâu là mộng của đêm qua, và đâu là hiện tại, thực tế, lúc công việc hàng ngày chưa đến làm rối lọan đầu óc.
Giờ phút trăn qua trở lại trên giường, hoặc nằm yên lặng mở mắt nhìn mấy cái rui, cái mè, cái đòn tay bị máng nhện phủ chồng chất lên nhau, vẫn là những phút thần tiên nhất. Tha hồ nghĩ vẩn vơ, tha hồ xây mộng, nhà lầu xe hơi, lấy chồng, đám cưới. Giờ phút bổ khỏe nhất trong một ngày. Thiếu đi những giờ phút ấy thì làm sao Bụi có đủ can đảm mà tiếp tục, mà sống. Mẹ có mắng chửi cũng chỉ mất thì giờ, mỏi miệng, long hàm mà thôi.
Đang lơ mơ, Bụi bỗng giật mình vì tiếng chó tru, dài nghe nổi da gà, rởn tóc gáy. Mỗi khi đang đi ngoài đường, nhất là vào lúc chập tối, mà nghe tiếng tru ấy thì chỉ muốn chạy nhanh về nhà, trùm chăn, đóng chặt cửa, nhét tai. Tiếng tru thê thiết của con Mực nhà mụ Lú bán bún, ở cách một con đường mòn, bên tên một khỏang vườn khá rộng, mà nghe tưởng như cách chỉ một lớp dậu thưa.
Bụi định đưa tay lên kéo chiếu trùm kín đầu, nhưng lại thôi, biết rằng mình không có quyền nằm rán nữa. Nằm tới giờ phút này là đã quá lắm.
Lũ gà trong xóm đã thi nhau phành phạch đập cánh, gáy trước, gáy sau, như muốn bắt cả làng phải dậy. Ngay đến con gà của Lý là con Bùng Binh, vốn lười biếng, lúc nào cũng gáy sau mấy con gà khác mà cũng đã lên tiếng. Bụi thường nói đùa, bảo con Bùng Binh cũng lười, cũng bất cần đời giống Lý. Đặt con gà tên Bùng Binh vì xem nó như cái bùng binh, nuôi đến Tết mới bán lấy tiền sắm quần áo. Con gà này cũng vừa hùng dũng cất tiếng gáy thêm một lần nữa, nghe như tiếng còi thúc quân.
Bụi vưà cuộn chiếc chiếu xếp vào góc giường vưà càu nhàu, nhưng tại sao trong lòng Bụi cảm thấy vui vui. Có nhiều lý do làm hắn vui mà hắn không dám nhận, hay là chưa ý thức được rõ rệt.
- Đồ chó bệnh hoạn, chó mắc toi chi mô, đầu thai lầm chỗ chắc, răng mà không giết quách, hóa kiếp cho rồi.
- Nói vô duyên, người ta mang tội sát sinh ....
Mụ thợ nề trả lời giải thích. Cả hai mẹ con và khắp cả xóm đều không ai đồng ý, tin rằng chó hay tru là thứ chó đầu thai lầm kiếp, nên giải thóat cho nó, để nó còn được đi tìm kiếp khác, đúng với phần số của nó. Mụ Lú bán bún lại nghĩ khác, mụ nhất định không giết con Mực, ngay cả sự đem bán rẻ cho nhà bà Bắc lợp nón, hay ăn thịt chó, mụ cũng không chịu. Theo sự hiểu biết, tin tưởng của mụ Lú thì trong các thứ sát sinh, tội nặng nhất là sát trâu, chó và ngựa, ba con vật gần người nhất. Mụ Lú còn tin rằng, sau này khi chết, lúc đi qua cầu, lối vào âm phủ, ai đã từng giết chó, ăn thịt chó, thì sẽ bị lũ chó ấy đứng trên bờ mà sủa cho rơi xuống sông. Bên dưới sông là cả một lũ thuồng luồng đói đang nhe răng chờ mồi. Hết đầu thai kiếp khác.
- Sợ mình mang tội mà bắt cả xóm nổi da gà hoài, tưởng mô rứa thì khỏi mang tội chắc?
Bụi nói cho hả giận chứ sự thực nó cũng chẳng biết tội lỗi là thế nào, và nếu làm tội thì phải chịu những hình phạt gì, ai phạt. Tại cái tính nó nhát lại giàu tưởng tượng, mỗi lần nghe tiếng con chó ấy tru trong đêm khuya là đầu óc nó hình dung ra ngày từng đàn ma quái, từ đâu hiện về, dắt tay nhau đi kiếm chỗ ăn, chỗ ở .
Theo sự tưởng tượng của Bụi, và lũ bạn trong xóm thì nước Việt Nam, đánh nhau từ mấy chục năm nay, tức thị phải có hằng trăm nghìn con ma chết trẻ, chết oan, chết chưa phải số, không có chỗ đầu thai. Nào ma Pháp, ma thuộc điạ cuả Pháp, sau nầy còn ma Đồng Minh, ma Hoa Kỳ, ai chết đâu thì làm ma ở đó. Không sợ sao được, mỗi khi nghĩ đến, đấy là chưa nói đến ma đồng baò ba miền Nam, Trung, Bắc, thêm với ma Mọi, ma Mường, đếm sao cho hết.
Một phần khác, Bụi ghét mụ Lú vì mụ là thứ đạo đức giả. Mở miệng toàn là nói chuyện tu hành, ra chợ có thấy nấm tươi hay thức ăn gì ngon là dành mua cho được để đem vào cúng chùa. Ngày rằm mồng một nào cũng đến chùa lễ bái, thế mà mỗi khi chị em Bụi, hoặc những người nghèo trong xóm có mang gạo đến đổi lấy bún thì nhìn từng hạt gạo, hai mắt như cú vọ, mở trừng trừng coi có con sâu con mọt có sạn sỏi gì trộn thêm vào không. Làm như chỉ nhà nghèo mới biết gian dối. Sao không dám dòm kỹ gạo của nhà bà Cai, bà Chánh thử coi. Đã vậy lại không bao giờ thêm cho một con bún nhỏ. Như thế sao gọi là tu.
Đấy là chưa kể cái tội mỗi lần mụ xả bún, mà gặp hôm thuận gió thì cái mùi hôi chua, hôi nồng như quạt vào mũi từng người, bay tận vào các ngõ ngách buồng the từng nhà, không ghét sao được, nhất là thứ nhà tranh mỏng này.
Bụi thức dậy không phải sợ mẹ hét, con chó Mực tru hay con Bùng Binh gáy, mà vì biết còn nhiều việc làm đang chờ đợi.
Hai bếp lửa kê bằng ba viên gạch sát đất, bếp nào cũng cháy phừng phực, nhờ mấy dúm dăm bào khô vứt vào. Lửa cháy dễ dàng vì mỗi đêm trước khi đi ngủ, Bụi đều không quên đổ vào bếp cả một thúng trấu cho nó ủ lớp than hồng bên dưới. Ngày mai chỉ việc thổi lên là lửa bắt ngọn. Tro và trấu là hai thứ mà Bụi có quyền xa xỉ. Ánh lửa soi sáng chập chờn khắp nhà, gây ấm cúng, thứ ánh sáng dịu mắt, không làm chói chang như ánh đèn của đô thị.
Ánh lửa mỗi lúc một đậm đà hơn, nhờ mấy gộc tre già mà Bụi vưà bỏ vào, tre già là do lũ em đi nhặt nhạnh trong xóm để về nhà đun bếp, công tác của chúng nó quanh quẩn chỉ có thế.
Ngôi nhà vỏn vẹn gồm một căn rộng, ba hàng cột tre chống cho cả hai mái. Bên cạnh là một cái chái nhỏ, bên dưới nuôi heo, ở trên là cái gác, vưà để các thứ nong nia sàng dần, vưà là chỗ ngủ của con Bùng Binh. Trước mặt trái là cái cối xay lúa và cái chày đạp giã gạo. Cả mấy chị em đều lên đứng đạp mỗi khi Bụi có nhiều lúa mang về, nhưng chẳng bao giờ chúng đạp được lâu, rốt cuộc chỉ có mình Bụi và mẹ thay nhau.
Gian giữa là bàn thờ của lão thợ nề, một bát hương bằng đất nung, cắm đầy chân hương mầu đỏ, một vài que không cháy hết, tắt dở chừng, trồi cao hơn những que khác. Đoi chân đèn gỗ, ngày xưa cũng là loại được sơn son thếp vàng, nhưng bây giờ cả hai mầu, son với vàng đều bị thời gian làm phai tróc đi. Chỉ vào những ngày giỗ hoặc ngày ết mới thấy lung linh ánh nến. Ngoài ra, mỗi chiều chỉ có một đốm hương đỏ, tỏa chút khói, nhắc nhở đến người chết mà thôi. Đầu góc nhà, gian bên phải, là chỗ ngủ của người mẹ với thằng cu út, mới hơn hai tuổi. Một bộ ván gỗ, tuy không đáng bao nhiêu tiền, nhưng cùng với cái bàn thờ, là hai vật giá trị nhất trong nhà. Mụ thợ nề chưa bao giờ nghĩ đến chuyện cầm bán cho ai, vì có mang ra mà cầm hay bán cũng chắc gì ai đã thèm. Bộ ván ngủ nầy sắm từ khi hai vợ chồng mới cưới nhau.
Bụi nằm ở gian trái, xa cách với mọi người. Đứa con gái nào cũng thèm được một chút riêng biệt mà cha mẹ chẳng mấy ai chịu hiểu. Chỗ ngủ của lũ em, còn là chỗ ngồi ăn cơm của cả nhà, nếu không ăn ngoài sân, cũng là chỗ chơi và chỗ học của chúng, những buổi trời mưa nắng.
Nhà lợp mái rạ, tường là đất bùn trộn lẫn với rơm trét dày lên mấy tấm phên tre. Tất cả đều mong manh, nếu xui xẻo có một trận bão lớn thì hẳn ngôi nhà sẽ được cuốn trôi đi trước nhất. May là ngôi nhà đuợc nằm vào một nơi khuất gió.
Bụi cầm chiếc đũa bếp quấy sàn sạt xuống cái chảo cám cho cám khỏi dính chảo, vưà quấy vưà nói chuyện với mẹ, những mẫu chuyện cần thiết, chương trình làm ăn trong ngày.
- Bữa ni bên ông Tổng tát cá, mai mốt tới phiên nhà bà Cai, ao bà Cai rộng, khi mô cũng kêu nhiều công.
Đứa con gái ngừng bặt, bỏ lững ý nghĩ của mình. Nếu cả hai người đàn bà cùng đến thì khỏi lo ăn cả tuần lễ, nhưng sợ ao nhỏ, người ta không mướn. Nếu đến mà người ta từ chối thì một người phải ra về, bẽ bàng! Và Bụi sợ nhất là cái cảm giác bẽ bàng ấy.
- Bữa ni mà đã tát cá rồi à? Răng họ không chờ vài bữa nữa cho cá lớn hơn, tát chi sớm!
- Sớm chi nữa mà sớm, họ nuôi thì ngày mô tháng mô họ biết. Nghe bà Cai nói con mô con nấy to bằng bắp chuối, nửa đêm dậy đi ra sau mà nghe hắn quẫy đuôi bắt giựt mình, không tát thì chờ đến răng chừ mới tát.
- Đi thì đi, mi lo dọn dẹp, kêu mấy đứa dậy cho hắn ăn uống mô vô nấy, để heo đó mạ cho ăn .....
Giọng nguời mẹ có vẻ lơ là, Bụi hơi ngạc nhiên, lệ thường nghe đuợc gọi đdi làm là người đàn bà mừng cuống lên, vồ lấy như kẻ khát nước đường xa gặp giếng trong. Hôm nay sao giọng nói nghe khác thường.
- Hay mạ mắc việc chi thì đừng tới, để tui đi một mình, mai mốt rồi qua nhà bà Cai.
- Nói vô duyên, tuần sau kỵ cha mi rồi đó, không đi thì lấy tiền mô mà cúng. Bà Cai với ông Tổng không tát cá thì mình phải lên cụ Quăng mà xin mượn, chưa chắc đã được.
- Răng lại không được, mình cong lưng ra mà trả tiền lời, mượn chi mà mượn.
- Ờ, thì cũng nói rứa, mà đã chắc chi người ta cho. May là hai nhà có tát cả .... thiệt là mệt, lo hoài không rồi. Một tiếng thở dài, chấm hết câu than. Thì ra vì thế, thảo nào mà mụ thợ nề có vẻ gắt gao với con gái từ khi gà gáy. Bụi lẩm bẩm riêng một mình không muốn cho mẹ nghe. Nó hơi xấu hổ vì đã quên mất, không nhớ đến ngày kỵ cha sắp tới.
Ngày ấy hai năm về trước là ngày đau đớn cho cả gia đình và Bụi cứ tưởng rằng mình sẽ không bao giờ có thể quên được.
- Rứa mà không ai nhắc, mắc nhiều công chuyện quá, nhớ mô cho hết, tội chết ....
Khỏi cần đợi mẹ giục, Bụi đã thuộc tất cả những bổn phận của mình, phải làm việc gì trước khi đi tát cá hoặc cấy thuê nhà khác. Mới có mười bảy tuổi, con gái mười bảy bẻ gãy sừng trâu. Bụi phải nói là bẻ cả ngà voi chứ không thèm bẻ gãy sừng trâu mà thôi. Tuy không muốn gì những cái công việc nặng nhọc ấy, và câu châm ngôn chưa chắc đã đúng hẳn. Có bao nhiêu đêm trước khi lên giường ngủ, hoă.c những buổi sáng thức giấc nghe chân tay rã rời, mỗi đốt xương, mỗi bắp thịt như muốn giã từ. Đấy là những hôm được người ta gọi xay lúa giã gạo gấp và nhiều. Năm sáu thúng lúa mà chỉ có một mình, từ lúc xay giã đến lúc sàng dần, kể cả sự gánh đi gánh về, đầu làng tới cuối làng giao cho chủ lúa. Có như thế mới khỏi chia công, số cám sẽ đủ nuôi mấy con heo trong tuần lễ, và số tiền công có thể đủ ăn cả nhà trong mấy ngày.
Nồi cám vưà chín, nồi cơm bên kia cũng vưà cạn, Bụi dùng hai miếng mo cau vẫn để sẵn, thay cho miếng giẻ, nhắc nồi cơm xuống, đặt cạnh bếp sau khi đã cời tro nóng ra, rồi bắc nồi nước chè lên bếp. Bên kia là trách cá kho ăn với cơm. Cá kho với xơ mít, không cần cho đường cũng đã chịu, đây là món thường xuyên của cả gia đình. Lâu lắm mới được ăn một bữa thịt, phải chờ ngày tết, hoặc ngày kỵ.....Thế là may lắm rồi. Bên tê, nghe nói có nhiều người không đủ cơm ăn, phải ăn cháo thì sao. Đây là lời an ủi cho cả nhà mà thỉnh thoảng người mẹ nói với các con, nhưng Bụi không bao giờ tin.
Chuối với rong đã băm sẵn từ hôm qua để hôm nay có thể rảnh rang mà đi làm thuê ở ngoài. Hoặc mụ thợ nề, hoặc Lý, có thể mang ra trộn với chỗ cám nấu, đổ vào máng cho lợn là xong.
Lũ em đã thức dậy, chúng nó kéo ra đằng sau chỗ đặt hai cái lu nước, giành nhau cái gáo, múc nước xối vào tay rồi quẹt lên mặt, sau đấy chùi khô bằng một cái khăn vải to mắc trên sợi dây kẽm phơi quần áo.
Phần vệ sinh như thế là xong, đứa nào cũng cảm thấy sạch sẽ và tỉnh táo, quay vào ngồi xúm quanh bếp chờ ăn. Những đôi mắt mở to, nhìn hau háu vào nồi cơm, nồi cá. Giờ nầy, với chúng nó, chỉ có hai thứ ấy là quan trọng.
Con Lý, còn được gọi là Lý lì, vì phải trông em nên khỏi làm việc, ngày nào thằng cu nhỏ biết đi, biết nói, đủ sức tự bảo vệ lấy mình thì con bé cũng sẽ phải gánh một phần trong việc gia đình cho đỡ mẹ, đỡ chị .
- Quý, Trọng, hai đứa làm chi mà ngồi đực ra, không đi lấy chén đũa sắp lên mâm rồi gắp cá dọn a)n.
Nghe lệnh của chị, hai thằng bé nhanh nhẹn đứng lên đi soạn bát đũa lên mâm, cái mâm cũ kỹ mầu mốc, đặt xuống chỗ chúng nó vưà ngủ ban nãy, sau khi đã cuộn vội mấy chiếc chiếu để dồn vào một góc nhà.
Lý đã lên mười ba mà vì có chị nên cái gì cũng giao cho chị, không dự vào những ưu tư của gia đình. Mẹ và chị cứ xem nó là trẻ con. Từ dạo cha chết, nó phải bỏ học, cả nhà đều bận, nó không muốn, nhưng phải nhường cho hai thằng em trai ít tuổi hơn nó đi học. Bụi vẫn thương em, cho rằng vì chúng nó sinh muộn, nên không hưởng đợc sự sung sướng lâu dài như mình trong thời kỳ còn cha.
Lão thợ nề lành nghề nhất quận, người ta kêu đi làm gần, làm xa, ban ngày và có khi cả ban đêm, những công sở cần xây cất gấp. Từ chối không hết việc. Độ ấy trong nhà lại còn thêm thằng Thương, đứa con đầu lòng của hai vợ chồng, ngày chưa bị bên tê bắt đi làm bổn phận công dân.
Trong nhà mà có những hai người đi làm ra tiề, cũng như hai cái máy đúc sự sung túc, thì bảo không sung sướng sao được.
Ngay cả mẹ Bụi cũng nhàn, Bụi thì được cắp sách đi học ở quận, học một buổi còn một buổi thì về nhà bế em. Người mẹ chỉ việc đẻ rồi để đấy, có Bụi và người bà con trông nom, sư, thật thì cứ thả chúng ra cho chúng bò lê la, chiều tối tắm rửa chút ít rồi đặt vào nôi ngủ là xong.
Năm nào mụ thợ nề cũng sản xuất đều đều, nuôi được hay không lại là một chuyện khác. Bụi thường so sánh mẹ với con gà mái, hai bên chẳng khác gì nhau là mấy, nhưng con gà khỏi cho con bú, khỏi giặt tã bẩn. Tiếng cục tác của con gà tuy có ầm ĩ nhưng dầu sao vẫn còn dễ chịu hơn tiếng rền rĩ âm thầm của mụ thợ nề khi bắt đầu lết đến nhà hộ sinh.
Sự sung sướng không kéo dài như lòng mong ước của con người. Bà con trong xóm an ủi, tại kiếp trước, chắc mụ thợ nề có làm nhiều điều tội lỗi, giết người, ăn trộm trâu hoặc đốt nhà của ai đó, nên kiếp này trời không cho hưởng lâu. Nghe nói như thế thì biết thế, nhưng Bụi không thể tưởng tượng ông Trời là một người tốt được. Chắc Trời phải là người đàn ông xấu, ác, chi li và chỉ chuyên đi rình mò từng gia đình, xem nơi nào có ai làm gì sai mà bắt tội.
Bụi không bao giờ quên được những kỷ niệm u ám trong đời. Kỷ niệm thứ nhất là ngày thằng Thương, anh hắn ra đi. Ngày ấy Bụi gần mười lăm tuổi, Thương lên mười tám, mới học xong nghề của cha, sau mấy năm lăn lóc đi làm tiểu công. Tiểu công thì chỉ có đi gánh, đi bưng các thứ vôi, gạch, cát và chờ mấy ông thợ cả có sai bảo gì thì chạy cho nhanh, kể cả những công việc thắp thuốc, pha nước, hoặc ra quán mua bao diêm.
Lão thợ nề không muốn con mình cứ đóng mãi cái vai tiểu công đó, nên chỉ dẫn cho thằng con trai tất cả mọi cách xây cất, đo lường, những bí quyết nhà nghề, kinh nghiệm bản thân. Cả những mưu mô gian dối trong nghề để lúc tính toán, dẫu mình không gian nhưng không ai qua mặt mình được.
Người cha có ý mong cho con sớm ra nghề, sớm kiếm được đồng tiền, cuộc sống sẽ thoải mái hơn. Trong gia đình có những hai tay thợ chính, chẳng mấy hồi mà sẽ cất được ngôi nhà gạch, chứ ai làm thợ nề mấy chục năm mà vẫn cứ chui rúc dưới một mái tranh tồi tàn. Nhà vườn ăn cau sâu, tuy câu ấy mang ra áp dụng vào gia đình này cũng chưa hẳn đã đúng.
Thế mà ông trời lại nghĩ khác, muốn khác. Ông Trời xui ra các đồng chí bên tê về tuyển thêm nhân công, và thêm phu phen để vận tải, khuân vác tiếp tế và những công tác cần thiết khác.
Hôm ấy, Bụi nhớ rõ như mới xảy ra ban nãy, cách năm mười phút trước. Bụi đang ở sau nhà rửa chén bát thì nghe có tiếng con Vàng sủa. Trời vưà chập tối, con chó sủa báo tin có khách đến thăm. Khách nào lại đến vào giờ này, mà tiếng con Vàng nghe cũng khác thường, không dòn dã như mọi khi.
Cánh liếp chưa chống lên thì có hai người, dáng dấp không dõng dạc như ông quận trưởng lúc đi kinh lý. Bụi chùi tay vào áo, lén nấp sau cửa nhìn trộm, nhận thấy sao cha mình lại có vẻ thắc mắc, sợ sệt, tại sao lại quá sợ như vậy?
Trong câu chuyện, Bụi rình nghe đại khái rằng:” Nước nhà đang cần trai thanh niên, khi mô thái bình độc lập đuổi hết lũ giặc đế quốc xâm lược Mỹ thì sẽ được trở về, khi nớ tha hồ mà sung sướng. Chính phủ sẽ tuyên dương công trạng”.
Các ông còn hứa hẹn rất nhiều chuyện, nào là nhà mình mình ở, đường mình mình đi, không chi sung sướng hơn làm dân một nước độc lập, chẳng còn sợ ai bóc lột, làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Làm thì có giờ giấc mà hưởng thì rất nhiều vì cái chi cũng được chính phủ lo lắng cho, không có sự bất công, kẻ sang người hèn nữa. Con cái có chính phủ nuôi ....Nhưng trước hết là phải quét sạch cái tụi đế quốc, thực dân. Răng chừ Mỹ ngụy chịu cuốn gói ra đi thì nước mình sẽ rạng rỡ, chen vai thích cánh với các nước xã hội bạn, tha hồ mà no ấm.
Giọng các ông nói thật lưu lóat như kẻ biết ăn ói ngay từ trong bụng mẹ. Người bên tê có khác, chắc ở bên tê ai cũng biết ăn nói như vậy chăng.
- Mà các đồng chí không cho đi cũng không được, vì quốc gia đang cần sự hy sinh, tinh thần xung phong, sức lực của thằng con trai, nợ nước là trai gái chi cũng phải trả.....
Câu sau chót nghe chặt chẽ nghiêm nghị, như sợi dây lạt cuối cùng buộc vào trên mấy cái sườn nhà ...... Lời nói như một bản án tuyên lên, một mệnh lệnh ....
Suốt buổi Bụi chỉ thấy cha gãi đầu, gãi tai dạ dạ, tưởng các đồng chí nói dạm vậy thôi, rồi cũng để cho thư thả vài ba ngày, không ngờ các đồng chí về bắt đi liền, ngay đêm hôm đó. Bụi vẫn còn như đang nghe giọng nói trang trọng của cha hắn, biết không thể trốn tránh đằng nào được, lão thợ nề đành phải cho là các đồng chí nói đúng.
- Dạ, các đồng chí đã cần tới sức lực của hắn để ra giúp nước thì vợ chồng tui mô dám tiếc chi, bởi vì có độc lập mới có giàu sang hạnh phúc ...
Bụi không biết cha hắn đã đọc đâu ra mà thuộc lòng những câu ấy. Ngày thường không hề nghe nói mà hôm nay trước mặt các ông này, lại tuôn ra như cái vòi phun nước, như con chim sáo được người ta bóc lưỡi cho nói. Độc lập hạnh phúc chưa thấy, chỉ thấy thằng con trai học xong nghề, có thể kiếm ra đồng tiền, cả nhà có thể trông cậy vào nó thì bị đưa đi. Gia đình như cái mái nhà xiêu vẹo, vừa đặt được một cái cột để chống đỡ thì có kẻ đến nhổ mất. Hết hy vọng xây nhà xây cửa.
Bụi chỉ nghe được có đến thế, sau đó, thấy đứa con gái thập thò, mụ thợ nề trừng mắt ra hiệu cho hắn đi chỗ khác, chỉ sợ các đồng chí cao hứng bắt luôn. Nuôi một đứa con cho đến tuổi nhờ cậy tốn bao nhiêu mồ hôi nước mắt, các đồng chí cũng có con, chắc các đồng chí phải biết.
Chỉ riêng thằng Thương là cái mặt vênh váo như sắp được mời vào uống trà ăn bánh nhà ông quận trưởng. Ra đi không có một giọt nước mắt thương cha, thương mẹ, thương em. Cái máu bên tê của hắn, chẳng biết thâm nhiễm từ khi mô? Chưa bao giờ nghe hắn nói, lầm lì vậy mà ai ngờ.
.........................
Minh Đức Hoài Trinh
(Trích trong Bên Ni, Bên Tê - NXB Nguyên Quang)
PC gõ lại từ báo Saigon Nhỏ số 644 ra ngày 26 tháng 3 năm 2004