Rank: Advanced Member
Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 9,291 Points: 11,028
Thanks: 758 times Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
|
HỒNG VŨ LAN NHI RA MẮT THI PHẨM HOÀI NIỆM
Westminster (Nguyễn Ngân) -- Phải thành thật mà nói, chưa bao giờ có một buổi ra mắt thơ tại Quận Cam mà lại có đông người đến tham dự như buổi trình làng tập thơ "Hoài Niệm" của thi sĩ Hồng Vũ Lan Nhi vào ngày 20 tháng 7 năm 2003 lúc 1 giờ 30 chiều tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt.
Hơn 300 thân hữu đã đến tràn ra ngoài hội trường có sức chứa hơn 250 người. Thành phần diễn giả cũng quy tụ được nhiều khuôn mặt có tiếng tăm tại cộng đồng như: nhà văn Bích Huyền, Tiến Sĩ Phạm Thị Huê, Nhà Báo Trần Phong Vũ, Thi sĩ Cao Mỵ Nhân..v.. v..thành phần ca nhạc sĩ dến giúp vui cũng quá nhiều. Kim Tước, Thu Hà (trong ban Tam Ca Đông Phương ) Hoàng Nam, Ngọc Vân, Lê Như Quốc Khánh, Lê Thị Hiền Minh.
Buổi ra mắt được điều khiển bới Nguyễn Đình Cường và Uyển Diễm khá là linh động.
Nếu người ta biết được sự giao tình cũng như những hoạt động trong hai ngôi trường rất nỗi tiếng là Đồng Khánh và Trưng Vương của Hồng Vũ Lan Chi sẽ không ngạc nhiên vì số người đến tham dự đông đảo như thế.
TV Hồng Vũ Lan Nhi
Tên thật là Lê Hồng Diệp sinh quán tại Ninh Bình, bắt đầu vào tiểu học tại trường Notre Dame Du Rosaire năm 1949 sau đó lần lượt theo học các trường Đồng Khánh (Huế) rồi Trưng Vương (Sàigòn) năm 1962 vừa học Luật Khoa vừa đi dạy tại Trung học Hưng Đạo.
Trong thời gian này bà đã cộng tác đặc biệt phụ trách trang Phụ nữ cho Nhật báo Tự Do.
Sang Mỹ từ năm 1975 và sống tại Cali từ đó cho đến nay.
Tác phẩm Hoài Niệm gồm gần 300 bài thơ trong đó có vài bài đã được phổ thành ca khúc.
Ngoài một số bài thơ tình lãng mạn của thập niên 60, một số về cuộc đời thường vụn vặt trong cuộc sống cuộc sống, tâm tình cho bè bạn..v..v.. người ta chú ý rất nhiều đến một số bài thơ mà nhân vật được bà nhắc đến là người chị có tên là Hồng.
Trở lại với buổi ra mắt thi phẩm Hoài Niệm, chúng tôi nhận thấy nhiều người ở rất xa đến tham dự như số bạn bè Trưng Vương từ San Jose, nhiều bằng hữu đến từ San Diego và có người đã đến từ Paris Pháp Quốc, Canada.
Buổi ra mắt thơ dù đã kéo rất dài, đến gần 6 giờ chiều, số thân hữu đến cùng Hồng Vũ Lan Nhi vẫn còn ở lại rất đông. Đây là một thể hiện tình cảm rất hiếm thấy đối với một tác giả ra mắt một tập thơ, vốn xảy ra rất nhiều tại thủ đô người Việt Tỵ nạn.
Tập thơ không thấy đề giá bán, quý độc giả có thể liên lạc với tác giả ở Email: hongvulannhi@ yahoo.com hay Điện thoại (714) 963 2447.
Nguyễn Ngăn 7/22/03 VUI THEO NẮNG
Nắng đã lên rồi, nắng vàng tươi Nắng vàng vương toả khắp nơi nơi Bao nhiêu rét mướt tan theo gió Ấm áp về đây dệt mộng đời.
Đem lòng hoang lạnh ra phơi, hong Từng khối buồn bụi bám chất chồng Từng mảnh hồn rã rời năm tháng Từng suối sầu len chảy như sông.
Đốt hết hình bóng những ngày qua Lửa hắt vào từng nỗi xót xa Cháy bùng, tung nổ thành tro bụi Sức nóng hừng lên toả khói nhoà.
Bao nhiêu kỷ niệm cất trong kho Thời gian bao phủ, lấp bụi mờ Mở toang cánh cửa tim hoen rỉ Nhắn gió mang về muôn ý mơ.
Để thấy niềm vui len lén đến Cho hồn bay bổng tận mây xanh Cho tim ngây ngất say tình đẹp Để thấy đời tươi thắm mộng lành.
HONG VU LAN NHI 11/16/03 MỘT BUỔI CHIỀU THƠ NHẠC THẮM TÌNH HOÀI NIỆM
Nguyên Huy
Cũng đã khá lâu những người yêu thơ nhạc trong cộng đồng người Việt tại nam California mới lại có được một buổi sinh hoạt văn nghệ thuần túy không mang mầu sắc gì ngoài cái tình Hoài Niệm đúng như chủ đề của buổi Ra Mắt Thơ của Hồng Vũ Lan Nhi.
MC là ông Nguyễn đình Cường và cô Uyển Diễm.
Trong phần nghi thức chào cờ Việt, và Mỹ, do cô Phan Thanh Hằng là cháu họ từ trên San José xuống, đã hát quốc ca Mỹ.
Vào buổi chiều Chủ Nhật vừa qua, tại phòng sinh hoạt của Nhật Báo Người Việt, khách yêu thơ hay đúng hơn là những thân hữu của nhà thơ Hồng Vũ Lan Nhi đã kéo đến với nhà thơ đông chật phòng sinh hoạt đến phải kê thêm ghế ba lần mà cũng không đủ chỗ ngồi.
Nhiều người đã tự hỏi không hiểu vì sao mà Hồng Vũ Lan Nhi lại có thể thu hút được một số lượng người đến tham dự Ra Mắt Sách, nhất là về thơ, một số lượng người tham dự đông như thế.
Phải kể lại rằng vào buổi chiều Chủ Nhật ấy, trời mùa Hè Nam California năm nay đã nóng "như thiêu như đốt" của không khí Saigon ngày nào. Thế nhưng đến với Hồng Vũ Lan Nhi người ta đã không nề hà cái không khí oi bức, mà phần lớn đều trịnh trọng trong những y phục dự lễ. Nhìn những vị phu nhân trong những bộ áo dài được biến chế theo thời trang, người ta những tưởng đang có một buổi tiếp tân ngoại giao nào đó. Nói như thế để thấy rằng, tình của những người đến với Hồng Vũ Lan Nhi trong buổi Ra Mắt Thơ này quả là thật nặng tình và trịnh trọng biết bao.
Nhà thơ Cao Mỵ Nhân mà người Việt qua ít ra là hai thế hệ được biết đến như với tập thơ "Thơ Mỵ" chẳng hạn, là một người thơ trong Quân Đội VNCH trước 1975 nhưng lại chẳng là "nhà thơ quân đội" như chúng ta thường nói thế, từng một thời "mài đũng quần" trên ghế Trường Nữ Trung Học Trưng Vương với Hồng Vũ Lan Nhi đã nói về cái "tình Hoài Niệm" của Hồng Vũ Lan Nhi trong tập thơ được ra mắt độc giả ngày hôm nay.
A! thì ra là như thế. Một thế hệ đang được nhắc nhở. Một khung trời Tưởng Nhớ đang được diễn ra. Những người con gái Trưng Vương ngày nào ôm mộng trắng trinh nay đang tụ về để nghe lại, nhắc lại những mộng trắng trinh ấy, khi đã qua một thời gian hơn nửa thế kỷ với những truân chuyên thời cuộc để xem "chúng ta còn lại gì".
Thắc mắc trên về số người tham dự đã được giải quyết và bây giờ chúng ta hãy thụ hưởng một chiều thơ nhạc trong tình Hoài Niệm của những người con gái Trưng Vương xưa.
Đúng như người ta mong đợi, chương trình được diễn ra với khá nhiều cảm xúc. Cảm xúc không chỉ cho Hồng Vũ Lan Nhi mà cho cả người tham dự. Phút bất ngờ mà nhà văn Bích Huyền đã "sáng tạo" là nói đến cái tình của người chị trong thơ Hồng Vũ Lan Nhi, cái tình không chỉ đơn thuần là tình chị em mà còn là tình mẫu tử nữa. Phút cảm động đã kéo dài trên sân khấu khi Bích Huyền "phá cách" mời người chị trong thơ Hồng Vũ Lan Nhi lên sân khấu để Hồng Vũ Lan Nhi được công khai bày tỏ tấm lòng mình trước bạn bè thân hữu với người chị mà Hồng Vũ Lan Nhi đã được sống với như sống trong tình mẫu tử.
Diễn giả nói về thơ Hồng Vũ Lan Nhi gồm có ba người, một là nhà thơ Cao Mỵ Nhân, một là nhà văn "Lối Cũ Chẳng Sao Quên" Bích Huyền và một là nhà giáo, giáo sư tiến sĩ Phạm Thị Huệ. Cả ba vị này đều là "gái Trưng Vương". Họ nói về tình Hoài niệm thời học sinh trinh trắng. Họ nói về người chị trong thơ Hồng Vũ Lan Nhi và họ cũng nói về "cái đau tê tê" trong thơ Hồng Vũ Lan Nhi mà Giáo Sư Phạm Thị Huệ bắt gặp được khi đọc những dòng thơ cảm xúc. Nhà văn Trần Phong Vũ cũng đã phân tích những câu thơ lục bát rất thơ mộng, rất lãng mạn trong thi phẩm Hoài Niệm của Hồng Vũ Lan Nhi.
Văn nghệ sĩ đóng góp thì trước nhất phải nói đến giới trẻ có mặt. Uyển Diễm trong vai trò MC thật duyên dáng dễ thương trong những lời giới thiệu về thế hệ mà Uyển Diễm có lẽ chỉ được biết qua những lần thủ thỉ chuyện trò cùng mẹ là một "gái Trưng Vương" suốt thời con gái. Hẳn qua lần này trong nhiều lần làm MC trong những sinh hoạt văn học nghệ thuật, Uyển Diễm đã hiểu được vì đâu mà Mẹ, thế hệ trước thường nặng lòng hoài niệm.
Trong giá đình của Hồng Vũ Lan Nhi, còn có các cháu con của các ông anh, đóng góp rất nhiều trong buổi ra mắt sách hôm nay.
Người cháu lớn nhất là Minh Phú, một cộng tác viên kỳ cựu của báo Người Việt, đã cùng với người người bạn thân nhất là bà Nguyễn Văn Chấn, tức Nguyễn Thị Trinh là hai người trong ban tổ chức. Bà Nguyễn Thị Trinh đã nói về Tác giả Hồng Vũ Lan Nhi, nhắc lại thời còn đi học lớp Nhất trường Quang Trung, và những kỷ niệm từ năm 1952 cho đến ngày hôm nay, một tình bạn bền chặt trong tình thương yêu chân thật và thông cảm.
Đến như ca sĩ Hoàng Nam, một ca sĩ của tuổi trẻ hải ngoại cũng say sưa nhắc đến tình cảm với "bác" Hồng Vũ Lan Nhi và những sinh hoạt đầy tình cảm mà Hoàng Nam nhận thấy trong những sinh hoạt của "bác" với thế hệ cha anh. Vì thế hôm nay, Hoàng Nam đã "kính biếu" bác Hồng Vũ Lan Nhi ca khúc "Mưa Trên Cuộc Tình Tôi", một bản nhạc mà "Bác" rất thích.
Những nghệ sĩ cùng thời với Hồng Vũ Lan Nhi có mặt khá đông. Từ giọng ca điêu luyện Kim Tước, Thu Hà cho tới giọng ngâm "mê hồn" Giáng Hương một thời hoài niệm và Hà Phương, Phi Loan của những sinh hoạt thi ca hải ngoại. Người cháu tên Lê Như Quốc Khánh, cùng với vợ là Phạm Khanh, đã phổ thơ Sầu Tình trong tập Hoài Niệm, và hát giao duyên cùng giọng ngâm tuyệt vời Lãng Minh, đã làm cho cả hội trường im lặng lắng nghe. Tiếp theo đó là bài hát Nguyện Cầu do ông anh Lê Hữu Mục phổ nhạc, và do con gái là Lê Thị Hiền Minh hát tặng cô trong ngày ra mắt sách.
Trời bên ngoài vẫn nóng bức, nhưng chiều thơ nhạc trong buổi ra mắt thơ Hồng Vũ Lan Nhi đã đem lại cái mát trong tâm hồn những người còn tình Hoài Niệm một thời "Trưng Vương khung cửa mùa thu" cũng là một thời "để yêu, để nhớ, để vương thương" mà mỗi người trong chúng ta không ai là không có.
NGUYÊN HUY 7/23/03
|