Rank: Advanced Member
Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 9,291 Points: 11,028
Thanks: 758 times Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
|
Kỹ-thuật cấu-trúc nhân-vật của Nguyễn-Du trong Ðoạn-Trường Tân-Thanh
Ðỗ Quang-Vinh, Canada
Trên sân khấu, diễn-viên là những nghệ-sĩ đem hết tài-năng và tâm-hồn của mình để "nhập vai", vui, buồn, khóc, cười như nhân-vật có thực trong đời sống. Tài-năng ấy chính là nghệ-thuật diễn-xuất, diễn-xuất làm sao để khán-giả cũng buồn, vui, khóc, cười theo mình. Nhưng cho dù diễn-xuất hay mấy đi chăng, nếu tình-tiết truyện kịch nhạt tẻ mà sự sắp xếp các tình-tiết lại không có lớp-lang thuận lý hợp tình, thì vở kịch không tài nào hấp-dẫn được khán-giả. Ðấy là kỹ-thuật kết-cấu công-phu của nhà đạo diễn khi lựa chọn vở tuồng và kiến-trúc các tình tiết sao cho ăn khớp mạch lạc, cắt xén phối-hợp các màn cảnh sao cho nổi bật được nghệ-thuật diễn-xuất của diễn-viên.
Trên sân khấu Ðoạn-Trường Tân-Thanh, Nguyễn- Du không những là một nhà nghệ-sĩ nhào nặn nên các nhân-vật có thực trong xã-hội, mà còn là một nhà đạo-diễn đem kỹ-thuật khéo léo, kết-cấu nên vở kịch lôi cuốn được sự chú-ý của người thưởng thức, cất lên được tiếng kêu mới của kiếp đoạn trường (Ðoạn-Trường Tân-Thanh), khóc thương và cảm-thông cho nỗi niềm u-ẩn cùng khát vọng của kiếp người trong một xã-hội bi-thảm dẫy đầy những bất bình, những tệ-trạng cay đắng xót-xa.
1- Nguyễn-Du cấu-trúc các nhân-vật để dựng lại một sân khấu với toàn-thể bức tranh xã-hội có đủ mọi giai-tầng với đủ mọi hạng người đặc-trưng.
- Ðại-diện cho giới cầm quyền cai-trị thì trên có quan tổng đốc đại-thần Hồ Tôn-Hiến, dưới có quan huyện Lâm-Truy "mặt sắt đen sì", hạ-tầng thì có những sai nha "đầy nhà vang tiếng ruồi xanh" trong vụ tai-biến Vương-gia, những viên thư-lại ở chốn công-đường như viên lại già họ Ðô bên cạnh một tên "thổ-quan" trông coi sắc dân thiểu-số.
- Giới thượng-lưu quý-tộc thì có mẹ con nhà quan Lại-bộ họ Hoạn.
- Xã-hội đen thì có những lầu xanh của hai mụ chủ chứa họ Tú, họ Bạc, với những tay sai: vô học cũng có như Bạc Hạnh, mà trí thức cũng có như Mã giám-sinh và Sở-Khanh. Trong đám dân cùng nô-lệ, kẻ nhẫn-tâm cũng có như bọn Khuyển, Ưng gia nhân nhà họ Hoạn; người có lòng cũng có: như ả Mã-kiều đồng cảnh-ngộ đã vì cảm-thông mà bảo-lãnh Kiều khỏi bị đánh đòn tiếp-tục và thổ-lộ cho nàng biết hết những quỷ-thuật của mụ Tú; và như Mụ quản-gia nhà Hoạn-bà đã thương tình dặn nàng biết trước phải đề-phòng chuyện sẽ gặp Thúc-sinh cùng với Hoạn-Thư; sau cùng như lũ hoa-nô nhà Hoạn-Thư được sai đến hầu-hạ mà canh chừng Kiều nơi am Chiêu-Ẩn.
- Tôn-giáo thì có bà vãi Giác-Duyên, sư Tam-Hợp, có Ðạm-Tiên thuộc thế-giới vô hình nói thay cho Nguyễn Du về tư-tưởng Tự-Do và Ðịnh-Mệnh.
- Và cuối cùng là giới trung-lưu thấp cổ bé miệng sống trong cảnh trên đe dưới búa, quan trên trông xuống thì nhòm ngó tài sản, xã-hội đen nhìn vào thì tự-do bắt nạt hiếp-đáp.
- Thảng-hoặc thấy có bóng người dân lành thì đó là những kẻ vô danh bàng-quan đến nhà Tú-bà coi Kiều tự-sát cho thoả lòng hiếu-kỳ, hoặc chỉ biết chép miệng ngấm-nguýt chê tên Sở-Khanh là "bất nghĩa vô lương", hoặc là người dân vô danh ở Hàng-Châu kể cho Kim trọng biết tin-tức về Kiều.
Ðủ mọi hạng người, nhân-vật nào rõ ra nhân-vật ấy.
2- Các vai quan-trọng như Kim, Kiều, Từ Hải, Hoạn-Thư đã được đề-cập qua các trích-đoạn tiêu-biểu. Dưới đây, thêm vài nét bổ-túc cho các vai này và các nhân-vật phụ khác.
a) Bàn về Kiều, không thiếu gì lời chê-bai, nào chê là mất nết hư thân, nào chê là giả dối, mâu-thuẫn.
* Về điểm thứ nhất. Kiều mất nết hư thân, hay nói cho đúng, đó là bản-chất của con người mềm lòng, con người lãng-mạn, nhẹ dạ, nông-nổi, nhu-nhược, cả nể, cả tin. Ðiều bị chê bai này đã làm tốn bao bút mực.
- Quả thực Kiều có lãng-mạn, Với hành-động "thoăn-thoắt gót sen, xăm xăm băng lối vườn khuya, xắn tay mở khóa động đào, rẽ mây" rỡ rào sang nhà Kim Trọng mà tự tình, ngâm thơ uống rượu, cắt tóc thề bồi, quả là một tình yêu sôi nổi đam-mê. Kiều đúng là hành-động theo tiếng gọi tự-nhiên của con tim.
- Nhưng không phải là nàng đã đánh mất lý-trí. Nàng vẫn còn tỉnh-táo để biết rằng:
"Thói nhà băng tuyết, chất hằng phỉ phong,
Dù cho lá thắm chỉ hồng,
Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha."
Nàng cũng còn đủ sáng-suốt để đem lời "đoan-chính" mà cảnh giác người yêu, khi thấy chàng "xem trong âu-yếm có chiều lả-lơi":
"Ðã cho vào bậc bố-kinh,
Ðạo tòng phu, lấy chữ trinh làm đầu.
Ra tuồng trên Bộc, trong dâu,
Thì con người ấy, ai cầu làm chi!
Phải điều ăn xổi ở thì,
Tiết trăm năm, nỡ bỏ đi một ngày!
. . .
"Gieo thoi, trước chẳng giữ-giàng,
Ðể sau nên thẹn cùng chàng, bởi ai?
Vội chi liễu ép hoa nài,
Còn thân ắt cũng đền bồi có khi"
Lễ-giáo nhìn nàng một cách khắc-nghiệt không cần biết đó là những rung cảm thưc sự của con người, nhưng con người ấy chưa dám giơ chân đạp tung khuôn vàng thước ngọc cổ-kính. Người ta tự hỏi thế Kiều Nguyệt-Nga kia ôm tượng Vân-Tiên trầm mình vì yêu thì sao không bị lên án? Cũng quá ư lãng-mạn chứ! Hay tại vì nàng là con quan đại-thần, con của giới nho-sĩ thượng tầng cố bám lấy cái huyền-thoại Nho-giáo làm nền-tảng cho chế độ cai-trị?
Thế những người thôn-dân tỏ tình còn phóng túng táo-bạo biết bao nhiêu thì chẳng thấy các cụ nhà nho tố cáo cho:
"Thương nhau cởi áo cho nhau,
Về nhà mẹ hỏi, qua cầu gió bay,
Tại mẹ may áo rộng tay,
Con quen gió mát gió bay mất rồi "
Hoặc:
"Ước gì sông hẹp một gang,
May cầu dải yếm cho chàng sang chơi!"
Ðây những đôi trai gái khao-khát tự-do, muốn vượt khỏi khuôn thước "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy":
"Dầu mà cha mẹ không thương,
Hai đứa mình trải chiếu ngoài đường lạy vô"
Hãy nghe những thôn-nữ sau đây tỏ tình với trai làng:
"Trầu này trầu túi, trầu khăn,
Trầu này dải yếm, anh ăn trầu nào?
Trầu này trầu tính, trầu tình,
Trầu nhân, trầu nghĩa, trầu mình với ta,
Trầu này têm tối hôm qua,
Giấu cha giấu mẹ đem ra cho chàng."
Hoặc chỉ vì ấm-ức bất-mãn, mà chống-đối cả lễ-nghi:
"Không chồng mà chửa mới ngoan,
Có chồng mà chửa thế-gian sự thường."
Kìa những "cụ già đầu bạc răng long, cưới cô con gái còn măng tuổi đào!", những "bà già đã tám mươi tư, ngồi trong cửa sổ gửi thư lấy chồng!" Ðó có phải là lãng-mạn hay không? Có coi thường lễ-giáo hay không? Những tiếng nói ấy là những tiếng kêu khát vọng của tự-do, những rung cảm thực sự của con tim nhân-loại. Những tiếng nói ấy rất "người", rất gần gũi với đời sống thực-tại, trung-thực không giả-dối, giả hình, không miễn cưỡng gò-bó, tưởng chừng muốn phá tung hàng rào lễ-nghi của nho-giáo vốn được du-nhập làm một thứ khí-cụ chính-trị cho những thế-lực cầm quyền.
Tại sao những truyện cổ khác khuyến-khích cổ-võ đa thê mà lại lên án truyện Kiều có chủ-trương trái ngược? Thế cái việc nhà vua tác-thành nhân-duyên cho Kiều Nguyệt-Nga với Vân-Tiên mặc dầu chàng đã có vợ rồi, việc làm ấy là tôn trọng hay không tôn trọng nhân-vị của người phụ-nữ? Nhưng chính nàng Kiều đã không chấp-nhận cách này vì lòng hy-sinh cao cả, không muốn phá vỡ hạnh-phúc của tha-nhân, vì biết tự-trọng và giữ liêm-sỉ. Có lẽ tiếng kêu "tân thanh" của Kiều sẽ phát-động tiếng nói khát vọng sẵn có của người dân bùng lên làm nhức-nhối chế độ, một chế-độ hằng bao thế-kỷ chôn sâu mọc rễ, người ta sợ cái cây cổ-thụ Nho-giáo này vẫn từng nuôi sống và củng-cố chế-độ sẽ bị bứng đi chăng?
- Quả thực Kiều có nhu-nhược, nhẹ dạ, cả nể, cả tin. Kiều yếu đuối, luôn luôn bị ám-ảnh bởi hồn ma Ðạm-Tiên. Nhưng Kiều cũng như Ðạm Tiên và đạo cô Tam-Hợp là những ngôn-sứ của Nguyễn-Du muốn rao truyền triết-thuyết Thiên-Mệnh, đề xướng quan-niệm tự-do và định-mệnh, xác-định vị-trí của con người trong "cõi người ta", nói lên mối tương-quan Trời, Ðất, Người. Nàng cũng là người với tất cả những yếu-đuối và khổ đau của kiếp "làm người có thân", của người phụ-nữ thông-thường cũng có những hận-thù, tham-vọng, những cái nhìn thiển-cận "nghĩ rằng phu quý phụ vinh". Chính những chỗ yếu này làm nên nhân-vật có thực trong đời sống.
* Về điểm thứ hai, Kiều mâu-thuẫn, giả dối.
- Ông Lê Văn-Hoè, tác-giả Truyện Kiều Chú-Giải, chê rằng "Kiều chỉ là một cô gái khéo mồm mép và hết sức nhu-nhược".
Khi Kiều về đến trú-phường của Mã giám-sinh, Kiều "xót xa lòng" mà than-thở:
"Phẩm tiên rơi đến tay hèn,
Hoài công nắng giữ mưa gìn với ai.
Biết thân đến bước lạc loài,
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung".
Ông bảo: "Kiều đã nói đi nói lại với Thuý-Vân rằng nàng sẽ "nát thân bồ-liễu đền nghì trúc mai" và "khối tình mang xuống tuyền-đài chưa tan", tức là nàng định chết đi để giữ lời thề với Kim-Trọng. Thế mà đến đây, nàng chuẩn-bị tinh-thần và thể chất để mà thất tiết rồi. Người ta thấy Kiều chỉ là một cô gái khéo mồm và hết sức nhu-nhược (trang 138).
- Khi Kiều thấy "trên yên sẵn có con dao, giấu cầm, nàng đã gói vào chéo khăn" là vì Kiều nghĩ "phòng khi nước đã đến chân, dao này thì liệu với thân sau này", Cũng một ý ấy, ông Lê Văn-Hoè bảo: "Nước đến chân tức là mối nguy-hiểm đe-doạ Kiều, tất-nhiên là việc nàng bị bắt buộc phải thất-tiết. Ta hãy ghi quyết định ghê-gớm và táo-bạo của nàng, để xem sau này có thực hiện được không?" (trang 140)
Cho nên sau "cơn mưa gió nặng-nề, thương gì đến ngọc, tiếc gì đến hương", Kiều "giận duyên tủi phận bời-bời, cầm dao nàng đã toan bài quyên sinh". Ông Hoè mỉa-mai chất-vấn Kiều: "Ðịnh quyên sinh, sao không quyên sinh ngay từ lúc Mã giám-sinh chưa làm ô-danh? Có thế mới giữ được trọn sự trong sạch." (trang 156).
Tóm lại, ông Lê Văn-Hoè chê Kiều hai điểm: Ðiểm thứ nhất là giả-dối vì sẵn-sàng thất-tiết, mà còn khéo mồm nói sẽ quyên sinh để giữ lời thề ra cái điều mình vẫn giữ tiết-trinh. Ðiểm thứ hai: nghe nói thì ghê-gớm lắm, sẽ quyên sinh mà đâu có dám quyên sinh.
- Chúng tôi trộm nghĩ:
Bảo rằng nàng "chuẩn-bị tinh-thần và thể-chất để thất-tiết" diễn ý như vậy e có phần võ-đoán vì đã lẫn-lộn thất tiết với thất trinh. Bởi lẽ:
Kiều lấy Mã giám-sinh với tư-cách là làm vợ, chứ không phải làm gái lầu xanh tuy rằng có sự trao đổi mua bán đánh đổi hôn-nhân lấy bạc tiền. Ðã chấp-nhận làm vợ lẽ, thì thất thân là lẽ đương-nhiên, Kiều đã biết việc phải đến nó sẽ đến có gì mà chuẩn-bị để thất tiết! Vả trong cuộc tranh-biện với Kim-Trọng khi tái-hợp, Kiều đã phân-biệt thất trinh với thất tiết. Kiều thất thân là thất trinh chứ không phải thất tiết. Theo cái nhìn duy-vật thì Trinh đáng quý nhưng nhìn theo khía cạnh duy tâm thì Tiết còn quý hơn trinh. "Chữ Trinh đáng giá ngàn vàng", đúng vậy, cho nên đến nước này, so sánh tên Mã giám-sinh phàm-hèn thô-tục với Kim-Trọng, người tình lý-tưởng cao-thượng, một đằng đáng khinh-bỉ coi thường và một đằng vốn kính yêu quý trọng, thì dĩ nhiên Kiều phải tiếc đã không chiều lòng người mình từng kính yêu trước đây, là người xứng đáng để được hiến tặng hơn là kẻ tục-tử phàm phu. Ðó là bản-năng, khi mà con người đã thấy mình là đồ phế bỏ. Chứ khi chưa xảy ra nông-nỗi này, Kiều vẫn giữ gìn đoan-chính cho dù Kiều có lãng-mạn sôi nổi theo cái nhìn của lễ-giáo khuôn thước ràng buộc. Vì phân-biệt như vậy, cho nên giữ trinh là chấp kinh, nhưng khi sa cơ chẳng may thất trinh vì phải tòng quyền, thì nghĩ rằng không phải vì thất trinh mà đã coi mình như thất tiết.
Cũng như bảo rằng nàng nhu-nhược vì toan-tính mà chẳng dám quyên sinh là do ông Lê Văn-Hoè đã hiểu sai "nước đến chân là khi nàng sẽ bị thất thân". Thật vậy, như đã nói, thất thân là việc đương-nhiên đối với Kiều, vì Kiều đã chấp-nhận điều này khi bán mình làm lẽ rồi. Ðó không phải là việc bất trắc, là việc "nước đến chân". Kiều giắt dao phòng thân là phòng những chuyện bất trắc khác, như bị mắc lừa chẳng hạn. Ðây là sự nhìn xa trông rộng do bản-năng tự-vệ thúc đẩy, do sự tinh khôn nhận xét đánh giá con người khi tên này đến mua Kiều mà "ghế trên ngồi tót sỗ-sàng" và "cò-kè bớt một thêm hai" cũng như do trực giác nhạy cảm của người con gái vốn cao tường kín cổng, nay lần đầu tiên bị quẳng ra cuộc đời muôn phương, bơ-vơ, vô-định thì phải biết phòng xa là lẽ đương-nhiên. Chính về điểm này, có lẽ lại phải nhận rằng Kiều nhạy cảm, thông-minh là đàng khác.
Vả trong lúc này, ngay cả khi đã thất thân, Kiều chưa thấy bị mắc lừa, chưa thấy có gì bất trắc. Nàng cầm dao toan bài quyên sinh là vì "giận duyên tủi phận". Chính chỉ vì giận duyên tủi phận" nên nàng đã "đắn-đo ngược xuôi" rằng:
"Một mình thì chớ, hai tình thì sao?
Sau dù sinh sự thế nào,
Truy nguyên chẳng kẻo luỵ vào song thân"
cho nên mới nghĩ lại mà đành chịu vậy:
"Nỗi mình âu cũng giãn dần,
Kíp chầy thôi cũng một lần mà thôi".
Ðấy là Kiều khôn ngoan có suy xét sao lại bảo rằng khéo mồm giả dối?
Ngay cả khi vào nhà Tú-bà, thấy bàn thờ thần "Mày Trắng", với cảnh "một bên mấy ả mày ngài, bên thì ngồi bốn năm người làng chơi", Kiều mới chỉ sinh nghi cũng vẫn chưa biết gì, thấy mụ bắt quỳ làm lễ "hương-hoả gia-đường" vái xin "cửa hàng buôn bán cho may", cho "xôn-xao oanh yến, dập-dìu trúc mai" mà "đưa người cửa trước, rước người cửa sau", thì mới "thấy lạ tai", đến khi bị bắt "rằng: con lạy mẹ đây, lạy rồi sang lạy cậu mày bên kia", Kiều mới vỡ lẽ ra mình đã bị lừa thật rồi. Lúc này thì Kiều rút dao tự-tử thật, khiến Tú bà phải lo sợ, chiều-đãi dỗ-dành. Kiều đã hành-động đúng lúc, có suy tính thiệt hơn. Kiều đâu có sợ chết, nhu-nhược. Kiều quả có nhu-nhược ở những chuyện khác, chứ không phải vì không dám quyên sinh, vì khéo mồm giả dối. Ví-dụ như nhu-nhược, cả nể, dễ tin khi nghe Hồ Tôn-Hiến mà xúi chồng ra hàng, hoặc bất nhất vị tình hơn là vì lý trong vụ trả ân báo oán thiếu vô tư và kém phân minh.
Thật vậy, bảo rằng Kiều khôn ngoan có suy xét, thiển nghĩ không quá đáng. Cứ xem việc khi bị Sở Khanh lừa, bị Tú bà "uốn lưng thịt đổ dập đầu máu sa" mà Kiều không tự-tử như lần trước mới vào, khi bị Tú bà chửi mắng rồi "Giật bì tiên, rắp sấn vào ra tay" thì đủ biết Kiều khôn lắm. Lần trước không phải lỗi của nàng, trái lại lần này do chính nàng mang tội, tội đang được chiều đãi thì trốn bỏ đi.
Kiều khôn lắm, nàng còn nêu cái mối lợi làm cho Tú-bà phải ngưng tay không đánh đòn nữa, nàng nói: đánh tôi thì thân này tôi chịu đã đành, dẫu chết nào có xá chi, nhưng nếu tôi chết, thì vốn bà đã bỏ ra mua tôi về đây sẽ tiêu tan còn gì đâu nữa:
"Nhưng tôi có xá chi tôi,
Phận tôi đành vậy, vốn người để đâu?"
Ngay khi còn ở trú-phường, Kiều cũng đã sinh nghi khi nhận xét thái-độ khác lạ kỳ-cục của Mã giám-sinh, nên trước khi từ giã cha mẹ về Lâm Truy, nàng đã rỉ tai với mẹ về tư-cách tên chồng này:
"Xem gương trong bấy nhiêu ngày,
Thân con chẳng kẻo mắc tay bợm già."
Như vậy thì Kiều cũng tinh khôn biết xét người lắm chứ!
Việc Kiều khuyên Thúc-sinh về thú thật với vợ là Hoạn-Thư, dàn xếp "sao cho trong ấm thì ngoài mới êm", sao cho khỏi cái cảnh "giấm chua lại tội bằng ba lửa nồng", thì đủ biết Kiều tỉnh-táo khôn ngoan đến thế nào!
Lại ngay cái việc quan huyện Lâm-Truy phán xét cho nàng:
"Một là cứ pháp gia-hình,
Hai là lại cứ lầu xanh phó về."
Nàng đã thà chịu gia-hình hơn là lại "cứ lầu xanh phó về", mà thưa rằng:
"Ðục trong thân cũng là thân,
Yếu thơ vâng chịu trước sân lôi-đình."
để rồi cắn răng nhẫn-nhục chịu bản án:
"Dạy rằng: Cứ phép gia-hình,
Ba cây chụm lại một cành mẫu-đơn,
Phận đành chi dám kêu oan,
Ðào hoen-quẹn má, liễu tan-tác mày.
Một sân lầm cát đã đầy,
Gương lờ nước thuỷ, mai gầy vóc sương."
Xem thế thì đủ biết Kiều can-đảm chịu đựng là bao! Xem thế thì đủ thấy Kiều không phải lúc nào cũng hành-động theo tiếng gọi của con tim, nhưng cũng là con người biết sáng suốt theo lý-trí dẫn dắt.
b) Bàn về Kim Trọng, chàng thư-sinh này quả là quá si tình. Chàng có cái lãng-mạn mà văn-chương xã-hội chủ-nghĩa quen gọi là "lãng-mạn tiểu-tư-sản". Lãng-mạn đến mức ngớ-ngẩn, cái ngớ-ngẩn tự-nhiên của kẻ mê-muội vì tình, quên hết mọi sự ngoài việc mơ-tưởng nhớ-nhung. Trở về thư-phòng thì:
"Song hồ nửa khép cánh mây,
Tường đông ghé mắt ngày ngày hằng trông",
Bắt được kim-thoa thì mải nâng-niu:
"Liền tay ngắm-nghía biếng nằm,
Hãy còn thoang-thoảng hương trầm chưa phai".
Cái lãng-mạn của Kim đúng với hình-ảnh của người văn nhân khôi-ngô tuấn-tú, yêu thì yêu thật tình say đắm, tình tứ mà trang-trọng, lời tán-tỉnh cũng khéo lượn-lách vẽ-vời, khéo trách móc thậm xưng:
"Trách lòng hờ-hững với lòng,
Lửa hương chốc để lạnh-lùng bấy lâu!
Những là đắp nhớ đổi sầu,
Tuyết sương nhuốm nửa mái đầu hoa râm."
Hoặc cường-điệu gợi mối thương-tâm, mà than-thở:
"Rằng: Từ ngẫu-nhĩ gặp nhau,
Thầm trông trộm nhớ bấy lâu đã chồn.
Xương mai tính đã gầy mòn,
Lần-lừa ai biết hãy còn hôm nay!
Tháng tròn nhờ gửi cung mây,
Trần trần một phận ấp cây đã liều!"
Ðấy là lần đầu mới gặp mà đã thấy nói chuyện muốn quyên sinh nếu mộng không thành. Trách chi lần sau gặp lại chàng cũng vẫn một giọng cảm-động thảm-thương:
"Sinh rằng: Giải cấu là duyên,
Xưa nay nhân-định thắng thiên cũng nhiều.
Ví dù giải kết đến điều,
Thì đem vàng đá mà liều với thân."
Không như chàng Thúc kia lãng-mạn trong cách cư-xử của người nhân ngãi "quen thói bốc rời", khởi sự từ kẻ ong qua bướm lượn, "trăng gió vật-vờ":
"Sớm đào tối mận lân-la,
Trước còn trăng gió, sau ra đá vàng",
con người này chỉ biết hiện-tại, không đủ năng-lực và can đảm, trung-thực để tiến tới tương-lai, không thực tình xây dựng, con người vô trách-nhiệm, đánh trống bỏ dùi:
"Liệu mà cao chạy xa bay,
Ái ân ta có ngần này mà thôi!"
Kim-Trọng trái lại có cái lãng mạn của tình yêu xây-dựng hôn-nhân, bất chấp mọi trở-ngại để tận-tình và tận-lực mà sẵn sàng chu-toàn trách-nhiệm của người chồng chung-thuỷ:
"Cùng nhau vàng đá đã nhiều,
Những điều vàng đá phải điều nói không?
Chưa chăn gối cũng vợ chồng,
Lòng nào mà nỡ dứt lòng cho đang!
Bao nhiêu của, mấy ngày đàng,
Còn tôi, tôi gặp mặt nàng mới thôi!",
Kim-Trọng cũng yêu say mê đắm-đuối, cũng đau xót khi mất người yêu, gần như tuyệt-vọng vì đã
"Biết bao công mướn, của thuê,
Lâm-Thanh mấy độ, đi về dặm khơi.
Người một nơi, hỏi một nơi,
Mênh-mông nào biết bể trời nơi nao?"
Ðến nỗi:
"Ruột tằm ngày một héo-hon,
Tuyết sương ngày một hao mòn mình ve.
Thẫn-thờ lúc tỉnh lúc mê,
Máu theo nước mắt, hồn lìa chiêm bao."
Rõ-ràng khác hẳn với cái say đắm của Thúc-sinh, kẻ thoạt đến với Kiều chỉ như một khách yêu hoa. Tình của Kim Trọng là những rung cảm thật sự và tự-nhiên của con tim trung-thực và trân-quý, của tâm-hồn trong sạch cao thượng. Nhưng cũng không bệnh-hoạn bạc-nhược như chàng Tú-Uyên trong Bích-Câu Kỳ-Ngộ, ngày đêm mơ tưởng người đẹp trong tranh, tương-tư sầu ốm, trò chuyện với người trong tranh, một thứ lãng mạn yếu-đuối không tưởng, siêu-thực. Kim Trọng cũng rất "người" như những con người thực đang sống xung quanh ta. Cái khéo của Nguyễn Du khi cấu-trúc các nhân-vật, dựng nên vai kịch sống động là vậy.
c) Bàn về Từ-Hải, từ nguyên-tác, Từ-Hải được Nguyễn-Du biến cải nhân-vật này thành "đường đường một đấng anh-hào". Ông đã tôn chàng làm anh-hùng, vì:
- Chẳng như Sở-Khanh và Thúc-sinh; dĩ-nhiên tên lưu-manh họ Sở ba hoa, khoác-lác tự khoe mình là "anh-hùng" này, làm sao dám xứng đáng mà so-sánh:
"Thuyền-quyên ví biết anh-hùng,
Ra tay tháo cũi xổ lồng như chơi!"
Thúc-sinh thì "mười voi không được bát nước xáo", rằng:
"Ðường xa chớ ngại Ngô, Lào;
Trăm điều hãy cứ trông vào một ta!",
người anh-hùng họ Từ này thì trái lại, đến với Kiều bằng một tình yêu xây-dựng, trang-trọng, nghiêm-chỉnh đứng-đắn, lời nói như dao chém đá, lời nói của người cao ngạo tự-đắc, coi khinh những kẻ trăng gió tầm-thường:
"Từ rằng: Tâm phúc tương cờ,
Phải người trăng gió vật-vờ hay sao?
Bấy lâu nghe tiếng má đào,
Mắt xanh chẳng để ai vào, có không?
Một đời được mấy anh-hùng,
Bõ chi cá chậu chim lồng mà chơi!"
- Người anh-hùng này có chí-khí hiên-ngang "đội trời đạp đất", "chọc trời khuấy nước mặc dầu, dọc ngang nào biết trên đầu có ai!" quyết sẽ "làm cho rõ mặt phi-thường". Người anh hùng này có tài-năng lỗi-lạc, có sự-nghiệp hiển-hách:
"Triều đình riêng một góc trời,
Gồm hai văn vũ rạch đôi sơn hà,
Ðòi cơn gió táp mưa sa,
Huyện thành đạp đổ năm toà cõi Nam."
- Người anh-hùng này có trách-nhiệm làm chồng, lo xây dựng hạnh-phúc gia-đình và vì hạnh-phúc của vợ mình mà lúc nào cũng muốn cho vợ được đoàn-viên xum họp thì mới đành tâm yên dạ:
"Xót nàng còn chút song thân,
Bấy lâu kẻ Tấn, người Tần cách xa.
Sao cho muôn dặm một nhà,
Cho người thấy mặt thì ta cam lòng."
- Người anh-hùng này có lòng tự-trọng, có đức liêm-sỉ, có tâm-hồn cao-thượng, không muốn làm kẻ ươn hèn quỵ luỵ chịu khuất-phục:
"Phong trần mài một lưỡi gươm,
Những loài giá áo túi cơm xá gì!
Nghênh-ngang một cõi biên-thuỳ,
Hớm gì cô quả, hớm gì bá vương?"
- Người anh-hùng này có tâm-hồn phóng-khoáng, yêu chuộng tự-do, "giang hồ quen thú vẫy-vùng, gươm giàng nửa gánh non sông một chèo":
"Áo xiêm buộc trói lấy nhau,
Vào luồn ra cúi công-hầu mà chi!
Sao bằng riêng một biên-thuỳ,
Sức này đã dễ làm gì được nhau?"
- Người anh-hùng này không phải là anh-hùng cá-nhân vị kỷ ham danh vụ lợi, nhưng có lòng vị-tha muốn xây-dựng một xã-hội công-bằng tươi đẹp hơn:
"Anh hùng tiếng đã gọi rằng,
Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha!"
Cho Kiều trả ân báo oán vì nể Kiều đã đành, nhưng động-cơ chính vẫn là bất-bình cái xã-hội này thối nát:
"Từ công nghe nói thuỷ chung,
Bất-bình nổi trận đùng đùng sấm vang!"
* Người anh-hùng này không phải mẫu người giả-tạo, nhưng có khối óc và trái tim nhân-loại, tuy anh-hùng khí-phách là thế, song lại mềm lòng cho nên mới "qua chơi nghe tiếng nàng Kiều" mà " tấm lòng nhi-nữ cũng xiêu anh-hùng".
Và cũng vì nặng tình cho nên dẫu vừa trước đó mới cứng rắn bất-khuất không chịu ra hợp-tác với triều-đình, thế mà liền sau tức thì chỉ vì lời ngon ngọt "mặn-mà" của vợ mà chàng mắc lừa bị chết đứng oan-khiên:
"Nghe lời nàng nói mặn-mà,
Thế công, Từ mới đổi ra thế hàng."
- Có điều bị chê là mâu-thuẫn ở chỗ Nguyễn-Du đã dựng nên nhân-vật họ Từ như "một đấng anh-hào", tại sao Kiều lại ví chồng như tướng giặc Hoàng-Sào?
"Rằng: Trong thánh-trạch dồi-dào,
Tưới ra đã khắp, thấm vào đã sâu.
Bình-thành công-đức bấy lâu,
Ai ai cũng đội trên đầu xiết bao.
Ngẫm từ dấy việc binh đao,
Ðống xương vô-định đã cao bằng đầu.
Làm chi để tiếng về sau?
Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng-Sào?
Sao bằng lộc trọng quyền cao?
Công-danh ai dắt lối nào cho qua?"
Xin thưa, đây là lời của Kiều, của người đàn bà vốn tính nhẹ dạ, tuy có thể ít nhiều biết việc chàng đánh đông dẹp bắc, nhưng không hẳn là một vị tham-mưu, và người đàn bà này chỉ lập lại tiếng nói của viên sứ-giả triều-đình mà thôi. Ðây cũng chính là cái yếu của Kiều. Nói khác, lời nói của Kiều chẳng qua đó là tiếng nói của phe cầm quyền đối-lập, dĩ-nhiên là ca-tụng mình và kết tội Từ-Hải để đem phần thắng-lợi về mình.
Cho nên khách-quan mà nhận-định:
Cuộc chiến nào là chả có đổ máu xương. Ðống xương vô định này có phải là do Từ-Hải đi cướp bóc hà hiếp dân chúng hay không? Vì sao có cuộc chiến này? Phải chăng như đã nói, vì
"Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha!"
Cái sự bất bằng ấy ở đâu mà ra? Có phải do triều-đình gây ra hay không? Thì cứ nhìn vào bộ mặt của chính-quyền, ắt sẽ thấy rõ.
- Bộ mặt ấy là một xã-hội kim tiền, mà sức vạn-năng của nó còn trải dài mãi đến về sau, khiến cho, chẳng những cụ tam nguyên Yên-Ðổ phải thốt lên rằng:
"Có tiền việc ấy mà xong nhỉ?
Ðời trước làm quan cũng thế a?"
mà ngay đến bây giờ, ở thế-kỷ hai muơi mốt này, người dân cũng vẫn hãy còn mai-mỉa: đồng tiền nó "là cái lọng che thân, là cán cân công-lý" (xem Tiếng Việt Tuyệt-Vời, Ðỗ Quang-Vinh, tr. 117, Toronto, 2000). Sức mạnh vĩ-đại của nó đã làm băng-hoại cả cái xã-hội Kiều mà thượng tầng thì quan lại thối nát tham nhũng hối-lộ công-khai, sai-nha như lũ "ruồi xanh", mè-nheo hối lộ, bắt người khảo của:
"Một ngày lạ thói sai-nha,
Làm cho khốc-hại chẳng qua vì tiền.
Tính bài lót đó luồn đây,
Có ba trăm lạng việc này mới xuôi."
hạ-tầng thì cũng vẫn, không tiền, đầu không xuôi đuôi chẳng lọt:
"Tiền lưng đã sẵn việc gì chẳng xong."
Trái lại có tiền, thì "nén bạc đâm toạc tờ giấy":
"Trong tay đã sẵn đồng tiền,
Dầu lòng đổi trắng, thay đen khó gì."
Thúc-sinh muốn vớt Kiều ra khỏi lầu xanh, cũng phải nhờ tay thầy thợ chạy chọt điều-đình:
"Chiến hoà sắp sẵn hai bên,
Cậy tay thầy thợ, mượn người dò-la",
cũng phải có tờ "thiếp hoàn-lương" như một thứ văn-tự đem trình cửa quan làm bằng để cho "công tư đôi lẽ đều xong":
"Rõ-ràng của dẫn tay trao,
Hoàn-lương một thiếp thân vào cửa công."
- Bộ mặt ấy đại-diện bởi những Hồ-tôn-Hiến đại-thần hèn mọn, tiểu-nhân bỉ-ổi, gian-trá, lọc-lừa, tráo-trở, thủ-đoạn, đê-tiện.
- Bộ mặt ấy là những tên Hồ Tôn-Hiến đại-thần, đã cướp vợ kẻ thù, ức-hiếp kẻ cô-thế, ham mê sắc dục, quá chén say-sưa trước nhan-sắc của vợ địch-thù:
"Bắt nàng thị yến dưới màn,
Giở say lại ép cung đàn nhặt tâu...
...Nghe càng đắm, ngắm càng say,
Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình!",
- Bộ mặt ấy "nghĩ mình phương-diện quốc-gia, quan trên ngó xuống người ta trông vào", cho nên tỉnh giấc, nhớ tới "tuồng trăng gió" tối qua khi "chén đã quá say", nên tính bài ăn ốc rồi bắt người đổ vỏ, ăn vụng rồi chùi mép phủi tay, đem gán ép ngay cho tên thổ-quan, coi dân như tên nô-lệ buộc phải cúi đầu tuân lệnh:
"Công-nha vừa buổi rạng ngày,
Quyết tình, Hồ mới đoán ngay một bài.
Lệnh quan ai dám cãi lời,
Ép tình mới gán cho người thổ-quan."
- Bộ mặt ấy là những ông huyện Lâm truy "mặt sắt đen sì", xử người theo ý riêng, theo luật rừng bất nhất, hết sức khôi-hài; lại chiếm công vi tư, lấy công-quỹ ra mà làm hôn-lễ long-trọng cho bị-cáo vừa mới bị ông ra án gia-hình, chỉ vì ông đắc-ý về thi tài tuyệt-diệu của bị-cáo này:
"Kíp truyền sắm-sửa lễ công,
Kiệu hoa cất gió đuốc hồng điểm sao."
- Bộ mặt ấy là cái thói "công-thần chủ-nghĩa" (!), "một người làm quan, cả họ được nhờ", như vợ con viên quan lại-bộ Hoạn-gia kia đã ỷ quyền cậy thế sinh-sát lê-dân, có bà lớn oai-vệ sống trong "lâu-đài" vương-giả, mà dân nô-lệ bước vào phải "bàng hoàng":
"Ngước trông toà rộng dãy dài,
Thiên quan trủng tể có bài treo trên.
Ban ngày sáp thắp hai bên,
Giữa giường thất bảo, ngồi trên một bà."
- Bộ mặt ấy là những dung-túng cho xã-hội đen tự-do hoành hành, gây nên biết bao thảm-trạng đau thương triền-miên cho người dân cô-thế, một xã-hội bẩn- thỉu đến nỗi người con gái phải xót-xa căm-hờn, cất lên tiếng thét não-nùng ai-oán:
"Thân lươn bao quản vũng lầy,
Tấm lòng trinh bạch từ sau cũng chừa!"
- Bộ mặt ấy là một địa-ngục cho bọn ác-quỷ lộng-hành từ trên xuống dưới, không lời nào lột cho hết được cái trắng-trợn tàn-nhẫn độc-ác của xã-hội, đành chỉ còn biết ngậm-ngùi nói lên nỗi uất-ức than rằng:
"Nước trôi hoa rụng đã yên,
Hay đâu địa-ngục ở miền nhân-gian!"
- Bộ mặt ấy là nền giáo-dục từ-chương cổ-hủ đào-tạo nên những tên trí-thức vô lương bất nghĩa, cam tâm hèn-hạ đi làm ma-cô tay sai cho bọn vô học.
- Bộ mặt ấy, tóm lại là một xã-hội vô kỷ-cương, vô luật pháp, mạnh được yếu thua, dẫy-đầy những thối nát bất công, làm người anh hùng thấy chướng mắt "bất bình" chẳng tha.
- Ðây chính là nét tương-phản, gián-tiếp làm tôn giá-trị, tư cách của Từ-Hải. Cái bộ mặt của triều-đình là như thế đấy! Bảo sao Từ-Hải không đứng lên đạp đổ? Người ta chống lại mình, thì mình bảo là giặc. Có lạ chi! Thiết-nghĩ nếu vô tư mà nhận xét thì không có gì mâu-thuẫn, chẳng qua Nguyễn-Du dựng nên phản diện để chứng-minh Từ-Hải là "đấng anh-hào" như ông đã giới thiệu ngay từ đầu, vì phải chăng nhân-vật này nói lên cái hoài bão, chí hướng và tâm-hồn ông. Và để che mắt nhà đương-cuộc, phản-diện này là lá chắn cho ông được yên thân giữa cái xã-hội tràn ngập tang-thương như thế với "những điều trông thấy mà đau-đớn lòng". Nguyễn Du tác-giả của "Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh", lòng đầy tình người, chan-chứa tình yêu rộng khắp, đồng thời cũng là người đạo-diễn tấn bi-kịch "Ðoạn-Trường Tân-Thanh", lòng ôm-ấp niềm khao-khát tự-do, mang bản-chất của tâm hồn cao-thượng như Kim, Kiều, Từ-Hải, cổ võ cho Tự-Do: tự-do luyến ái-quan, tự-do và định-mệnh, tự-do thoát vòng lợi-danh, danh-vị, tự-do tư-tưởng, tự-do trong tâm-hồn. Ta có thể nói: một phần nào Nguyễn-Du đã sống đời Kiều và mơ đời Từ-Hải.
d) Vương Ông Vương Bà quá vô-tình thụ-động, ươn hèn kiểu trung-lưu, gần như vô trách-nhiệm:
- Làm cha mẹ mà không tự đảm-trách, tìm cách lo giải-quyết việc nhà, lại để mặc tình và ưng thuận cho con gái quyết-định bán thân làm lẽ. Bậc cha mẹ này có phần nào ích-kỷ và vô trách nhiệm.
- Vương bà nghe con than-thở về tư-cách của tên "bợm già", chỉ biết "Tiếng oan đã muốn vạch trời kêu lên", cũng không rỉ tai cho Vương ông biết, để ông vẫn cứ hạ mình xuống nước mà "nằn-nì thấp cao", kèo-nhèo với tên chàng rể đi mua người hãy rủ lòng thương mà đùm bọc con gái:
"Nghìn tầm nhờ bóng tùng-quân,
Tuyết sương che-chở cho thân cát-đằng"
Ông chỉ biết vui mừng "mở tiệc tiễn-hành" cho "chủ khách dập-dìu" để gọi là làm "lễ vu-quy" cho con gái ra đi trong nước mắt.
e) Bà vãi Giác Duyên sợ trách-nhiệm không dám chu-toàn đúng chức-năng của người tế-độ. Bà dễ tin người, có lẽ vì bà phù-thịnh, thấy Bạc-bà "am mây quen lối đi về dầu hương" nên không biết được tung-tích mặt trái của mụ bất lương núp bóng cửa chùa. Còn cái đống kim ngân trên bàn thờ Phật nàng Kiều lấy trộm của nhà Họan-Thư, không thấy bà nói-năng gì đến khi bà bán Kiều cho mụ "bợm già" này. Bà có kể hết cho mụ, nên mụ mới "choang-choác" cái miệng liên-hồi mà đe doạ đuổi xua:
"Rằng: Nàng muôn dặm một thân,
Lại mang lấy tiếng dữ gần lành xa.
Khéo oan gia, của phá gia,
Còn ai dám chứa vào nhà nữa đây!"
Một là vãi lấy của này, hai là vãi trao cho Bạc-bà tùy nghi, ba là Bạc-bà lại dùng cái thói "quen lối đi về dầu hương" mà tặng lại cho vãi để mua lấy uy-tín cảm-tình hầu làm cái mặt nạ che giấu vết nhơ. Thật là khó hiểu! Mà sao vãi lại đi nói thật hết cho mụ? Gửi Kiều đi thì cứ gửi sao lại kể xấu nàng ra, đâu còn là nhân-nghĩa!
Ðúng là cái sơ-hở của Nguyễn-Du, nhưng chính chỗ sơ-hở này làm ta thắc-mắc, tác-giả để cho người đọc suy-đoán, đây là hư-tả. Người đọc sẽ có cảm-tưởng xã-hội này nó như thế đấy! Xã-hội ngày nay cũng không thiếu gì những trạng-huống như vậy, huống chi là ngày xưa cách đây mấy thế-kỷ! Cấu-trúc các nhân-vật rất thiết-thực như thế để lột hết bộ mặt thật của xã-hội đương-thời, phải chăng tác-giả muốn gào lên tiếng "tân-thanh" để mong chỉnh-đốn hay ít ra cũng nói lên mối quan-tâm đau lòng của mình?
Như vậy nói rằng Nguyễn-Du là một nhà cải-cách xã-hội, thiết-tưởng chẳng phải là quá đáng.
(Trích từ tác-phẩm "Bút-Thuật Của Nguyễn-Du Trong Ðoạn-Trường Tân-Thanh" của tác-giả Ðỗ Quang Vinh, Canada)
|