Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Kiều
PC
#1 Posted : Friday, October 16, 2009 4:00:00 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
Xin mời quý vị đăng các bài nói về Kiều và tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh ở mục này. Cám ơn.
viethoaiphuong
#2 Posted : Saturday, October 17, 2009 8:53:42 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
Kỹ-thuật cấu-trúc nhân-vật của Nguyễn-Du trong Ðoạn-Trường Tân-Thanh

Ðỗ Quang-Vinh, Canada

Trên sân khấu, diễn-viên là những nghệ-sĩ đem hết tài-năng và tâm-hồn của mình để "nhập vai", vui, buồn, khóc, cười như nhân-vật có thực trong đời sống. Tài-năng ấy chính là nghệ-thuật diễn-xuất, diễn-xuất làm sao để khán-giả cũng buồn, vui, khóc, cười theo mình. Nhưng cho dù diễn-xuất hay mấy đi chăng, nếu tình-tiết truyện kịch nhạt tẻ mà sự sắp xếp các tình-tiết lại không có lớp-lang thuận lý hợp tình, thì vở kịch không tài nào hấp-dẫn được khán-giả. Ðấy là kỹ-thuật kết-cấu công-phu của nhà đạo diễn khi lựa chọn vở tuồng và kiến-trúc các tình tiết sao cho ăn khớp mạch lạc, cắt xén phối-hợp các màn cảnh sao cho nổi bật được nghệ-thuật diễn-xuất của diễn-viên.

Trên sân khấu Ðoạn-Trường Tân-Thanh, Nguyễn- Du không những là một nhà nghệ-sĩ nhào nặn nên các nhân-vật có thực trong xã-hội, mà còn là một nhà đạo-diễn đem kỹ-thuật khéo léo, kết-cấu nên vở kịch lôi cuốn được sự chú-ý của người thưởng thức, cất lên được tiếng kêu mới của kiếp đoạn trường (Ðoạn-Trường Tân-Thanh), khóc thương và cảm-thông cho nỗi niềm u-ẩn cùng khát vọng của kiếp người trong một xã-hội bi-thảm dẫy đầy những bất bình, những tệ-trạng cay đắng xót-xa.



1- Nguyễn-Du cấu-trúc các nhân-vật để dựng lại một sân khấu với toàn-thể bức tranh xã-hội có đủ mọi giai-tầng với đủ mọi hạng người đặc-trưng.

- Ðại-diện cho giới cầm quyền cai-trị thì trên có quan tổng đốc đại-thần Hồ Tôn-Hiến, dưới có quan huyện Lâm-Truy "mặt sắt đen sì", hạ-tầng thì có những sai nha "đầy nhà vang tiếng ruồi xanh" trong vụ tai-biến Vương-gia, những viên thư-lại ở chốn công-đường như viên lại già họ Ðô bên cạnh một tên "thổ-quan" trông coi sắc dân thiểu-số.

- Giới thượng-lưu quý-tộc thì có mẹ con nhà quan Lại-bộ họ Hoạn.

- Xã-hội đen thì có những lầu xanh của hai mụ chủ chứa họ Tú, họ Bạc, với những tay sai: vô học cũng có như Bạc Hạnh, mà trí thức cũng có như Mã giám-sinh và Sở-Khanh. Trong đám dân cùng nô-lệ, kẻ nhẫn-tâm cũng có như bọn Khuyển, Ưng gia nhân nhà họ Hoạn; người có lòng cũng có: như ả Mã-kiều đồng cảnh-ngộ đã vì cảm-thông mà bảo-lãnh Kiều khỏi bị đánh đòn tiếp-tục và thổ-lộ cho nàng biết hết những quỷ-thuật của mụ Tú; và như Mụ quản-gia nhà Hoạn-bà đã thương tình dặn nàng biết trước phải đề-phòng chuyện sẽ gặp Thúc-sinh cùng với Hoạn-Thư; sau cùng như lũ hoa-nô nhà Hoạn-Thư được sai đến hầu-hạ mà canh chừng Kiều nơi am Chiêu-Ẩn.

- Tôn-giáo thì có bà vãi Giác-Duyên, sư Tam-Hợp, có Ðạm-Tiên thuộc thế-giới vô hình nói thay cho Nguyễn Du về tư-tưởng Tự-Do và Ðịnh-Mệnh.

- Và cuối cùng là giới trung-lưu thấp cổ bé miệng sống trong cảnh trên đe dưới búa, quan trên trông xuống thì nhòm ngó tài sản, xã-hội đen nhìn vào thì tự-do bắt nạt hiếp-đáp.

- Thảng-hoặc thấy có bóng người dân lành thì đó là những kẻ vô danh bàng-quan đến nhà Tú-bà coi Kiều tự-sát cho thoả lòng hiếu-kỳ, hoặc chỉ biết chép miệng ngấm-nguýt chê tên Sở-Khanh là "bất nghĩa vô lương", hoặc là người dân vô danh ở Hàng-Châu kể cho Kim trọng biết tin-tức về Kiều.

Ðủ mọi hạng người, nhân-vật nào rõ ra nhân-vật ấy.



2- Các vai quan-trọng như Kim, Kiều, Từ Hải, Hoạn-Thư đã được đề-cập qua các trích-đoạn tiêu-biểu. Dưới đây, thêm vài nét bổ-túc cho các vai này và các nhân-vật phụ khác.

a) Bàn về Kiều, không thiếu gì lời chê-bai, nào chê là mất nết hư thân, nào chê là giả dối, mâu-thuẫn.

* Về điểm thứ nhất. Kiều mất nết hư thân, hay nói cho đúng, đó là bản-chất của con người mềm lòng, con người lãng-mạn, nhẹ dạ, nông-nổi, nhu-nhược, cả nể, cả tin. Ðiều bị chê bai này đã làm tốn bao bút mực.

- Quả thực Kiều có lãng-mạn, Với hành-động "thoăn-thoắt gót sen, xăm xăm băng lối vườn khuya, xắn tay mở khóa động đào, rẽ mây" rỡ rào sang nhà Kim Trọng mà tự tình, ngâm thơ uống rượu, cắt tóc thề bồi, quả là một tình yêu sôi nổi đam-mê. Kiều đúng là hành-động theo tiếng gọi tự-nhiên của con tim.

- Nhưng không phải là nàng đã đánh mất lý-trí. Nàng vẫn còn tỉnh-táo để biết rằng:

"Thói nhà băng tuyết, chất hằng phỉ phong,

Dù cho lá thắm chỉ hồng,

Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha."

Nàng cũng còn đủ sáng-suốt để đem lời "đoan-chính" mà cảnh giác người yêu, khi thấy chàng "xem trong âu-yếm có chiều lả-lơi":

"Ðã cho vào bậc bố-kinh,

Ðạo tòng phu, lấy chữ trinh làm đầu.

Ra tuồng trên Bộc, trong dâu,

Thì con người ấy, ai cầu làm chi!

Phải điều ăn xổi ở thì,

Tiết trăm năm, nỡ bỏ đi một ngày!

. . .

"Gieo thoi, trước chẳng giữ-giàng,

Ðể sau nên thẹn cùng chàng, bởi ai?

Vội chi liễu ép hoa nài,

Còn thân ắt cũng đền bồi có khi"

Lễ-giáo nhìn nàng một cách khắc-nghiệt không cần biết đó là những rung cảm thưc sự của con người, nhưng con người ấy chưa dám giơ chân đạp tung khuôn vàng thước ngọc cổ-kính. Người ta tự hỏi thế Kiều Nguyệt-Nga kia ôm tượng Vân-Tiên trầm mình vì yêu thì sao không bị lên án? Cũng quá ư lãng-mạn chứ! Hay tại vì nàng là con quan đại-thần, con của giới nho-sĩ thượng tầng cố bám lấy cái huyền-thoại Nho-giáo làm nền-tảng cho chế độ cai-trị?

Thế những người thôn-dân tỏ tình còn phóng túng táo-bạo biết bao nhiêu thì chẳng thấy các cụ nhà nho tố cáo cho:

"Thương nhau cởi áo cho nhau,

Về nhà mẹ hỏi, qua cầu gió bay,

Tại mẹ may áo rộng tay,

Con quen gió mát gió bay mất rồi "

Hoặc:

"Ước gì sông hẹp một gang,

May cầu dải yếm cho chàng sang chơi!"

Ðây những đôi trai gái khao-khát tự-do, muốn vượt khỏi khuôn thước "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy":

"Dầu mà cha mẹ không thương,

Hai đứa mình trải chiếu ngoài đường lạy vô"

Hãy nghe những thôn-nữ sau đây tỏ tình với trai làng:

"Trầu này trầu túi, trầu khăn,

Trầu này dải yếm, anh ăn trầu nào?

Trầu này trầu tính, trầu tình,

Trầu nhân, trầu nghĩa, trầu mình với ta,

Trầu này têm tối hôm qua,

Giấu cha giấu mẹ đem ra cho chàng."

Hoặc chỉ vì ấm-ức bất-mãn, mà chống-đối cả lễ-nghi:

"Không chồng mà chửa mới ngoan,

Có chồng mà chửa thế-gian sự thường."

Kìa những "cụ già đầu bạc răng long, cưới cô con gái còn măng tuổi đào!", những "bà già đã tám mươi tư, ngồi trong cửa sổ gửi thư lấy chồng!" Ðó có phải là lãng-mạn hay không? Có coi thường lễ-giáo hay không? Những tiếng nói ấy là những tiếng kêu khát vọng của tự-do, những rung cảm thực sự của con tim nhân-loại. Những tiếng nói ấy rất "người", rất gần gũi với đời sống thực-tại, trung-thực không giả-dối, giả hình, không miễn cưỡng gò-bó, tưởng chừng muốn phá tung hàng rào lễ-nghi của nho-giáo vốn được du-nhập làm một thứ khí-cụ chính-trị cho những thế-lực cầm quyền.

Tại sao những truyện cổ khác khuyến-khích cổ-võ đa thê mà lại lên án truyện Kiều có chủ-trương trái ngược? Thế cái việc nhà vua tác-thành nhân-duyên cho Kiều Nguyệt-Nga với Vân-Tiên mặc dầu chàng đã có vợ rồi, việc làm ấy là tôn trọng hay không tôn trọng nhân-vị của người phụ-nữ? Nhưng chính nàng Kiều đã không chấp-nhận cách này vì lòng hy-sinh cao cả, không muốn phá vỡ hạnh-phúc của tha-nhân, vì biết tự-trọng và giữ liêm-sỉ. Có lẽ tiếng kêu "tân thanh" của Kiều sẽ phát-động tiếng nói khát vọng sẵn có của người dân bùng lên làm nhức-nhối chế độ, một chế-độ hằng bao thế-kỷ chôn sâu mọc rễ, người ta sợ cái cây cổ-thụ Nho-giáo này vẫn từng nuôi sống và củng-cố chế-độ sẽ bị bứng đi chăng?

- Quả thực Kiều có nhu-nhược, nhẹ dạ, cả nể, cả tin. Kiều yếu đuối, luôn luôn bị ám-ảnh bởi hồn ma Ðạm-Tiên. Nhưng Kiều cũng như Ðạm Tiên và đạo cô Tam-Hợp là những ngôn-sứ của Nguyễn-Du muốn rao truyền triết-thuyết Thiên-Mệnh, đề xướng quan-niệm tự-do và định-mệnh, xác-định vị-trí của con người trong "cõi người ta", nói lên mối tương-quan Trời, Ðất, Người. Nàng cũng là người với tất cả những yếu-đuối và khổ đau của kiếp "làm người có thân", của người phụ-nữ thông-thường cũng có những hận-thù, tham-vọng, những cái nhìn thiển-cận "nghĩ rằng phu quý phụ vinh". Chính những chỗ yếu này làm nên nhân-vật có thực trong đời sống.

* Về điểm thứ hai, Kiều mâu-thuẫn, giả dối.

- Ông Lê Văn-Hoè, tác-giả Truyện Kiều Chú-Giải, chê rằng "Kiều chỉ là một cô gái khéo mồm mép và hết sức nhu-nhược".

Khi Kiều về đến trú-phường của Mã giám-sinh, Kiều "xót xa lòng" mà than-thở:

"Phẩm tiên rơi đến tay hèn,

Hoài công nắng giữ mưa gìn với ai.

Biết thân đến bước lạc loài,

Nhị đào thà bẻ cho người tình chung".

Ông bảo: "Kiều đã nói đi nói lại với Thuý-Vân rằng nàng sẽ "nát thân bồ-liễu đền nghì trúc mai" và "khối tình mang xuống tuyền-đài chưa tan", tức là nàng định chết đi để giữ lời thề với Kim-Trọng. Thế mà đến đây, nàng chuẩn-bị tinh-thần và thể chất để mà thất tiết rồi. Người ta thấy Kiều chỉ là một cô gái khéo mồm và hết sức nhu-nhược (trang 138).

- Khi Kiều thấy "trên yên sẵn có con dao, giấu cầm, nàng đã gói vào chéo khăn" là vì Kiều nghĩ "phòng khi nước đã đến chân, dao này thì liệu với thân sau này", Cũng một ý ấy, ông Lê Văn-Hoè bảo: "Nước đến chân tức là mối nguy-hiểm đe-doạ Kiều, tất-nhiên là việc nàng bị bắt buộc phải thất-tiết. Ta hãy ghi quyết định ghê-gớm và táo-bạo của nàng, để xem sau này có thực hiện được không?" (trang 140)

Cho nên sau "cơn mưa gió nặng-nề, thương gì đến ngọc, tiếc gì đến hương", Kiều "giận duyên tủi phận bời-bời, cầm dao nàng đã toan bài quyên sinh". Ông Hoè mỉa-mai chất-vấn Kiều: "Ðịnh quyên sinh, sao không quyên sinh ngay từ lúc Mã giám-sinh chưa làm ô-danh? Có thế mới giữ được trọn sự trong sạch." (trang 156).

Tóm lại, ông Lê Văn-Hoè chê Kiều hai điểm: Ðiểm thứ nhất là giả-dối vì sẵn-sàng thất-tiết, mà còn khéo mồm nói sẽ quyên sinh để giữ lời thề ra cái điều mình vẫn giữ tiết-trinh. Ðiểm thứ hai: nghe nói thì ghê-gớm lắm, sẽ quyên sinh mà đâu có dám quyên sinh.

- Chúng tôi trộm nghĩ:

Bảo rằng nàng "chuẩn-bị tinh-thần và thể-chất để thất-tiết" diễn ý như vậy e có phần võ-đoán vì đã lẫn-lộn thất tiết với thất trinh. Bởi lẽ:

Kiều lấy Mã giám-sinh với tư-cách là làm vợ, chứ không phải làm gái lầu xanh tuy rằng có sự trao đổi mua bán đánh đổi hôn-nhân lấy bạc tiền. Ðã chấp-nhận làm vợ lẽ, thì thất thân là lẽ đương-nhiên, Kiều đã biết việc phải đến nó sẽ đến có gì mà chuẩn-bị để thất tiết! Vả trong cuộc tranh-biện với Kim-Trọng khi tái-hợp, Kiều đã phân-biệt thất trinh với thất tiết. Kiều thất thân là thất trinh chứ không phải thất tiết. Theo cái nhìn duy-vật thì Trinh đáng quý nhưng nhìn theo khía cạnh duy tâm thì Tiết còn quý hơn trinh. "Chữ Trinh đáng giá ngàn vàng", đúng vậy, cho nên đến nước này, so sánh tên Mã giám-sinh phàm-hèn thô-tục với Kim-Trọng, người tình lý-tưởng cao-thượng, một đằng đáng khinh-bỉ coi thường và một đằng vốn kính yêu quý trọng, thì dĩ nhiên Kiều phải tiếc đã không chiều lòng người mình từng kính yêu trước đây, là người xứng đáng để được hiến tặng hơn là kẻ tục-tử phàm phu. Ðó là bản-năng, khi mà con người đã thấy mình là đồ phế bỏ. Chứ khi chưa xảy ra nông-nỗi này, Kiều vẫn giữ gìn đoan-chính cho dù Kiều có lãng-mạn sôi nổi theo cái nhìn của lễ-giáo khuôn thước ràng buộc. Vì phân-biệt như vậy, cho nên giữ trinh là chấp kinh, nhưng khi sa cơ chẳng may thất trinh vì phải tòng quyền, thì nghĩ rằng không phải vì thất trinh mà đã coi mình như thất tiết.

Cũng như bảo rằng nàng nhu-nhược vì toan-tính mà chẳng dám quyên sinh là do ông Lê Văn-Hoè đã hiểu sai "nước đến chân là khi nàng sẽ bị thất thân". Thật vậy, như đã nói, thất thân là việc đương-nhiên đối với Kiều, vì Kiều đã chấp-nhận điều này khi bán mình làm lẽ rồi. Ðó không phải là việc bất trắc, là việc "nước đến chân". Kiều giắt dao phòng thân là phòng những chuyện bất trắc khác, như bị mắc lừa chẳng hạn. Ðây là sự nhìn xa trông rộng do bản-năng tự-vệ thúc đẩy, do sự tinh khôn nhận xét đánh giá con người khi tên này đến mua Kiều mà "ghế trên ngồi tót sỗ-sàng" và "cò-kè bớt một thêm hai" cũng như do trực giác nhạy cảm của người con gái vốn cao tường kín cổng, nay lần đầu tiên bị quẳng ra cuộc đời muôn phương, bơ-vơ, vô-định thì phải biết phòng xa là lẽ đương-nhiên. Chính về điểm này, có lẽ lại phải nhận rằng Kiều nhạy cảm, thông-minh là đàng khác.

Vả trong lúc này, ngay cả khi đã thất thân, Kiều chưa thấy bị mắc lừa, chưa thấy có gì bất trắc. Nàng cầm dao toan bài quyên sinh là vì "giận duyên tủi phận". Chính chỉ vì giận duyên tủi phận" nên nàng đã "đắn-đo ngược xuôi" rằng:

"Một mình thì chớ, hai tình thì sao?

Sau dù sinh sự thế nào,

Truy nguyên chẳng kẻo luỵ vào song thân"

cho nên mới nghĩ lại mà đành chịu vậy:

"Nỗi mình âu cũng giãn dần,

Kíp chầy thôi cũng một lần mà thôi".

Ðấy là Kiều khôn ngoan có suy xét sao lại bảo rằng khéo mồm giả dối?

Ngay cả khi vào nhà Tú-bà, thấy bàn thờ thần "Mày Trắng", với cảnh "một bên mấy ả mày ngài, bên thì ngồi bốn năm người làng chơi", Kiều mới chỉ sinh nghi cũng vẫn chưa biết gì, thấy mụ bắt quỳ làm lễ "hương-hoả gia-đường" vái xin "cửa hàng buôn bán cho may", cho "xôn-xao oanh yến, dập-dìu trúc mai" mà "đưa người cửa trước, rước người cửa sau", thì mới "thấy lạ tai", đến khi bị bắt "rằng: con lạy mẹ đây, lạy rồi sang lạy cậu mày bên kia", Kiều mới vỡ lẽ ra mình đã bị lừa thật rồi. Lúc này thì Kiều rút dao tự-tử thật, khiến Tú bà phải lo sợ, chiều-đãi dỗ-dành. Kiều đã hành-động đúng lúc, có suy tính thiệt hơn. Kiều đâu có sợ chết, nhu-nhược. Kiều quả có nhu-nhược ở những chuyện khác, chứ không phải vì không dám quyên sinh, vì khéo mồm giả dối. Ví-dụ như nhu-nhược, cả nể, dễ tin khi nghe Hồ Tôn-Hiến mà xúi chồng ra hàng, hoặc bất nhất vị tình hơn là vì lý trong vụ trả ân báo oán thiếu vô tư và kém phân minh.

Thật vậy, bảo rằng Kiều khôn ngoan có suy xét, thiển nghĩ không quá đáng. Cứ xem việc khi bị Sở Khanh lừa, bị Tú bà "uốn lưng thịt đổ dập đầu máu sa" mà Kiều không tự-tử như lần trước mới vào, khi bị Tú bà chửi mắng rồi "Giật bì tiên, rắp sấn vào ra tay" thì đủ biết Kiều khôn lắm. Lần trước không phải lỗi của nàng, trái lại lần này do chính nàng mang tội, tội đang được chiều đãi thì trốn bỏ đi.

Kiều khôn lắm, nàng còn nêu cái mối lợi làm cho Tú-bà phải ngưng tay không đánh đòn nữa, nàng nói: đánh tôi thì thân này tôi chịu đã đành, dẫu chết nào có xá chi, nhưng nếu tôi chết, thì vốn bà đã bỏ ra mua tôi về đây sẽ tiêu tan còn gì đâu nữa:

"Nhưng tôi có xá chi tôi,

Phận tôi đành vậy, vốn người để đâu?"

Ngay khi còn ở trú-phường, Kiều cũng đã sinh nghi khi nhận xét thái-độ khác lạ kỳ-cục của Mã giám-sinh, nên trước khi từ giã cha mẹ về Lâm Truy, nàng đã rỉ tai với mẹ về tư-cách tên chồng này:

"Xem gương trong bấy nhiêu ngày,

Thân con chẳng kẻo mắc tay bợm già."

Như vậy thì Kiều cũng tinh khôn biết xét người lắm chứ!

Việc Kiều khuyên Thúc-sinh về thú thật với vợ là Hoạn-Thư, dàn xếp "sao cho trong ấm thì ngoài mới êm", sao cho khỏi cái cảnh "giấm chua lại tội bằng ba lửa nồng", thì đủ biết Kiều tỉnh-táo khôn ngoan đến thế nào!

Lại ngay cái việc quan huyện Lâm-Truy phán xét cho nàng:

"Một là cứ pháp gia-hình,

Hai là lại cứ lầu xanh phó về."

Nàng đã thà chịu gia-hình hơn là lại "cứ lầu xanh phó về", mà thưa rằng:

"Ðục trong thân cũng là thân,

Yếu thơ vâng chịu trước sân lôi-đình."

để rồi cắn răng nhẫn-nhục chịu bản án:

"Dạy rằng: Cứ phép gia-hình,

Ba cây chụm lại một cành mẫu-đơn,

Phận đành chi dám kêu oan,

Ðào hoen-quẹn má, liễu tan-tác mày.

Một sân lầm cát đã đầy,

Gương lờ nước thuỷ, mai gầy vóc sương."

Xem thế thì đủ biết Kiều can-đảm chịu đựng là bao! Xem thế thì đủ thấy Kiều không phải lúc nào cũng hành-động theo tiếng gọi của con tim, nhưng cũng là con người biết sáng suốt theo lý-trí dẫn dắt.

b) Bàn về Kim Trọng, chàng thư-sinh này quả là quá si tình. Chàng có cái lãng-mạn mà văn-chương xã-hội chủ-nghĩa quen gọi là "lãng-mạn tiểu-tư-sản". Lãng-mạn đến mức ngớ-ngẩn, cái ngớ-ngẩn tự-nhiên của kẻ mê-muội vì tình, quên hết mọi sự ngoài việc mơ-tưởng nhớ-nhung. Trở về thư-phòng thì:

"Song hồ nửa khép cánh mây,

Tường đông ghé mắt ngày ngày hằng trông",

Bắt được kim-thoa thì mải nâng-niu:

"Liền tay ngắm-nghía biếng nằm,

Hãy còn thoang-thoảng hương trầm chưa phai".

Cái lãng-mạn của Kim đúng với hình-ảnh của người văn nhân khôi-ngô tuấn-tú, yêu thì yêu thật tình say đắm, tình tứ mà trang-trọng, lời tán-tỉnh cũng khéo lượn-lách vẽ-vời, khéo trách móc thậm xưng:

"Trách lòng hờ-hững với lòng,

Lửa hương chốc để lạnh-lùng bấy lâu!

Những là đắp nhớ đổi sầu,

Tuyết sương nhuốm nửa mái đầu hoa râm."

Hoặc cường-điệu gợi mối thương-tâm, mà than-thở:

"Rằng: Từ ngẫu-nhĩ gặp nhau,

Thầm trông trộm nhớ bấy lâu đã chồn.

Xương mai tính đã gầy mòn,

Lần-lừa ai biết hãy còn hôm nay!

Tháng tròn nhờ gửi cung mây,

Trần trần một phận ấp cây đã liều!"

Ðấy là lần đầu mới gặp mà đã thấy nói chuyện muốn quyên sinh nếu mộng không thành. Trách chi lần sau gặp lại chàng cũng vẫn một giọng cảm-động thảm-thương:

"Sinh rằng: Giải cấu là duyên,

Xưa nay nhân-định thắng thiên cũng nhiều.

Ví dù giải kết đến điều,

Thì đem vàng đá mà liều với thân."

Không như chàng Thúc kia lãng-mạn trong cách cư-xử của người nhân ngãi "quen thói bốc rời", khởi sự từ kẻ ong qua bướm lượn, "trăng gió vật-vờ":

"Sớm đào tối mận lân-la,

Trước còn trăng gió, sau ra đá vàng",

con người này chỉ biết hiện-tại, không đủ năng-lực và can đảm, trung-thực để tiến tới tương-lai, không thực tình xây dựng, con người vô trách-nhiệm, đánh trống bỏ dùi:

"Liệu mà cao chạy xa bay,

Ái ân ta có ngần này mà thôi!"

Kim-Trọng trái lại có cái lãng mạn của tình yêu xây-dựng hôn-nhân, bất chấp mọi trở-ngại để tận-tình và tận-lực mà sẵn sàng chu-toàn trách-nhiệm của người chồng chung-thuỷ:

"Cùng nhau vàng đá đã nhiều,

Những điều vàng đá phải điều nói không?

Chưa chăn gối cũng vợ chồng,

Lòng nào mà nỡ dứt lòng cho đang!

Bao nhiêu của, mấy ngày đàng,

Còn tôi, tôi gặp mặt nàng mới thôi!",

Kim-Trọng cũng yêu say mê đắm-đuối, cũng đau xót khi mất người yêu, gần như tuyệt-vọng vì đã

"Biết bao công mướn, của thuê,

Lâm-Thanh mấy độ, đi về dặm khơi.

Người một nơi, hỏi một nơi,

Mênh-mông nào biết bể trời nơi nao?"

Ðến nỗi:

"Ruột tằm ngày một héo-hon,

Tuyết sương ngày một hao mòn mình ve.

Thẫn-thờ lúc tỉnh lúc mê,

Máu theo nước mắt, hồn lìa chiêm bao."

Rõ-ràng khác hẳn với cái say đắm của Thúc-sinh, kẻ thoạt đến với Kiều chỉ như một khách yêu hoa. Tình của Kim Trọng là những rung cảm thật sự và tự-nhiên của con tim trung-thực và trân-quý, của tâm-hồn trong sạch cao thượng. Nhưng cũng không bệnh-hoạn bạc-nhược như chàng Tú-Uyên trong Bích-Câu Kỳ-Ngộ, ngày đêm mơ tưởng người đẹp trong tranh, tương-tư sầu ốm, trò chuyện với người trong tranh, một thứ lãng mạn yếu-đuối không tưởng, siêu-thực. Kim Trọng cũng rất "người" như những con người thực đang sống xung quanh ta. Cái khéo của Nguyễn Du khi cấu-trúc các nhân-vật, dựng nên vai kịch sống động là vậy.

c) Bàn về Từ-Hải, từ nguyên-tác, Từ-Hải được Nguyễn-Du biến cải nhân-vật này thành "đường đường một đấng anh-hào". Ông đã tôn chàng làm anh-hùng, vì:

- Chẳng như Sở-Khanh và Thúc-sinh; dĩ-nhiên tên lưu-manh họ Sở ba hoa, khoác-lác tự khoe mình là "anh-hùng" này, làm sao dám xứng đáng mà so-sánh:

"Thuyền-quyên ví biết anh-hùng,

Ra tay tháo cũi xổ lồng như chơi!"

Thúc-sinh thì "mười voi không được bát nước xáo", rằng:

"Ðường xa chớ ngại Ngô, Lào;

Trăm điều hãy cứ trông vào một ta!",

người anh-hùng họ Từ này thì trái lại, đến với Kiều bằng một tình yêu xây-dựng, trang-trọng, nghiêm-chỉnh đứng-đắn, lời nói như dao chém đá, lời nói của người cao ngạo tự-đắc, coi khinh những kẻ trăng gió tầm-thường:

"Từ rằng: Tâm phúc tương cờ,

Phải người trăng gió vật-vờ hay sao?

Bấy lâu nghe tiếng má đào,

Mắt xanh chẳng để ai vào, có không?

Một đời được mấy anh-hùng,

Bõ chi cá chậu chim lồng mà chơi!"

- Người anh-hùng này có chí-khí hiên-ngang "đội trời đạp đất", "chọc trời khuấy nước mặc dầu, dọc ngang nào biết trên đầu có ai!" quyết sẽ "làm cho rõ mặt phi-thường". Người anh hùng này có tài-năng lỗi-lạc, có sự-nghiệp hiển-hách:

"Triều đình riêng một góc trời,

Gồm hai văn vũ rạch đôi sơn hà,

Ðòi cơn gió táp mưa sa,

Huyện thành đạp đổ năm toà cõi Nam."

- Người anh-hùng này có trách-nhiệm làm chồng, lo xây dựng hạnh-phúc gia-đình và vì hạnh-phúc của vợ mình mà lúc nào cũng muốn cho vợ được đoàn-viên xum họp thì mới đành tâm yên dạ:

"Xót nàng còn chút song thân,

Bấy lâu kẻ Tấn, người Tần cách xa.

Sao cho muôn dặm một nhà,

Cho người thấy mặt thì ta cam lòng."

- Người anh-hùng này có lòng tự-trọng, có đức liêm-sỉ, có tâm-hồn cao-thượng, không muốn làm kẻ ươn hèn quỵ luỵ chịu khuất-phục:

"Phong trần mài một lưỡi gươm,

Những loài giá áo túi cơm xá gì!

Nghênh-ngang một cõi biên-thuỳ,

Hớm gì cô quả, hớm gì bá vương?"

- Người anh-hùng này có tâm-hồn phóng-khoáng, yêu chuộng tự-do, "giang hồ quen thú vẫy-vùng, gươm giàng nửa gánh non sông một chèo":

"Áo xiêm buộc trói lấy nhau,

Vào luồn ra cúi công-hầu mà chi!

Sao bằng riêng một biên-thuỳ,

Sức này đã dễ làm gì được nhau?"

- Người anh-hùng này không phải là anh-hùng cá-nhân vị kỷ ham danh vụ lợi, nhưng có lòng vị-tha muốn xây-dựng một xã-hội công-bằng tươi đẹp hơn:

"Anh hùng tiếng đã gọi rằng,

Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha!"

Cho Kiều trả ân báo oán vì nể Kiều đã đành, nhưng động-cơ chính vẫn là bất-bình cái xã-hội này thối nát:

"Từ công nghe nói thuỷ chung,

Bất-bình nổi trận đùng đùng sấm vang!"

* Người anh-hùng này không phải mẫu người giả-tạo, nhưng có khối óc và trái tim nhân-loại, tuy anh-hùng khí-phách là thế, song lại mềm lòng cho nên mới "qua chơi nghe tiếng nàng Kiều" mà " tấm lòng nhi-nữ cũng xiêu anh-hùng".

Và cũng vì nặng tình cho nên dẫu vừa trước đó mới cứng rắn bất-khuất không chịu ra hợp-tác với triều-đình, thế mà liền sau tức thì chỉ vì lời ngon ngọt "mặn-mà" của vợ mà chàng mắc lừa bị chết đứng oan-khiên:

"Nghe lời nàng nói mặn-mà,

Thế công, Từ mới đổi ra thế hàng."

- Có điều bị chê là mâu-thuẫn ở chỗ Nguyễn-Du đã dựng nên nhân-vật họ Từ như "một đấng anh-hào", tại sao Kiều lại ví chồng như tướng giặc Hoàng-Sào?

"Rằng: Trong thánh-trạch dồi-dào,

Tưới ra đã khắp, thấm vào đã sâu.

Bình-thành công-đức bấy lâu,

Ai ai cũng đội trên đầu xiết bao.

Ngẫm từ dấy việc binh đao,

Ðống xương vô-định đã cao bằng đầu.

Làm chi để tiếng về sau?

Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng-Sào?

Sao bằng lộc trọng quyền cao?

Công-danh ai dắt lối nào cho qua?"

Xin thưa, đây là lời của Kiều, của người đàn bà vốn tính nhẹ dạ, tuy có thể ít nhiều biết việc chàng đánh đông dẹp bắc, nhưng không hẳn là một vị tham-mưu, và người đàn bà này chỉ lập lại tiếng nói của viên sứ-giả triều-đình mà thôi. Ðây cũng chính là cái yếu của Kiều. Nói khác, lời nói của Kiều chẳng qua đó là tiếng nói của phe cầm quyền đối-lập, dĩ-nhiên là ca-tụng mình và kết tội Từ-Hải để đem phần thắng-lợi về mình.

Cho nên khách-quan mà nhận-định:

Cuộc chiến nào là chả có đổ máu xương. Ðống xương vô định này có phải là do Từ-Hải đi cướp bóc hà hiếp dân chúng hay không? Vì sao có cuộc chiến này? Phải chăng như đã nói, vì

"Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha!"

Cái sự bất bằng ấy ở đâu mà ra? Có phải do triều-đình gây ra hay không? Thì cứ nhìn vào bộ mặt của chính-quyền, ắt sẽ thấy rõ.

- Bộ mặt ấy là một xã-hội kim tiền, mà sức vạn-năng của nó còn trải dài mãi đến về sau, khiến cho, chẳng những cụ tam nguyên Yên-Ðổ phải thốt lên rằng:

"Có tiền việc ấy mà xong nhỉ?

Ðời trước làm quan cũng thế a?"

mà ngay đến bây giờ, ở thế-kỷ hai muơi mốt này, người dân cũng vẫn hãy còn mai-mỉa: đồng tiền nó "là cái lọng che thân, là cán cân công-lý" (xem Tiếng Việt Tuyệt-Vời, Ðỗ Quang-Vinh, tr. 117, Toronto, 2000). Sức mạnh vĩ-đại của nó đã làm băng-hoại cả cái xã-hội Kiều mà thượng tầng thì quan lại thối nát tham nhũng hối-lộ công-khai, sai-nha như lũ "ruồi xanh", mè-nheo hối lộ, bắt người khảo của:

"Một ngày lạ thói sai-nha,

Làm cho khốc-hại chẳng qua vì tiền.

Tính bài lót đó luồn đây,

Có ba trăm lạng việc này mới xuôi."

hạ-tầng thì cũng vẫn, không tiền, đầu không xuôi đuôi chẳng lọt:

"Tiền lưng đã sẵn việc gì chẳng xong."

Trái lại có tiền, thì "nén bạc đâm toạc tờ giấy":

"Trong tay đã sẵn đồng tiền,

Dầu lòng đổi trắng, thay đen khó gì."

Thúc-sinh muốn vớt Kiều ra khỏi lầu xanh, cũng phải nhờ tay thầy thợ chạy chọt điều-đình:

"Chiến hoà sắp sẵn hai bên,

Cậy tay thầy thợ, mượn người dò-la",

cũng phải có tờ "thiếp hoàn-lương" như một thứ văn-tự đem trình cửa quan làm bằng để cho "công tư đôi lẽ đều xong":

"Rõ-ràng của dẫn tay trao,

Hoàn-lương một thiếp thân vào cửa công."

- Bộ mặt ấy đại-diện bởi những Hồ-tôn-Hiến đại-thần hèn mọn, tiểu-nhân bỉ-ổi, gian-trá, lọc-lừa, tráo-trở, thủ-đoạn, đê-tiện.

- Bộ mặt ấy là những tên Hồ Tôn-Hiến đại-thần, đã cướp vợ kẻ thù, ức-hiếp kẻ cô-thế, ham mê sắc dục, quá chén say-sưa trước nhan-sắc của vợ địch-thù:

"Bắt nàng thị yến dưới màn,

Giở say lại ép cung đàn nhặt tâu...

...Nghe càng đắm, ngắm càng say,

Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình!",

- Bộ mặt ấy "nghĩ mình phương-diện quốc-gia, quan trên ngó xuống người ta trông vào", cho nên tỉnh giấc, nhớ tới "tuồng trăng gió" tối qua khi "chén đã quá say", nên tính bài ăn ốc rồi bắt người đổ vỏ, ăn vụng rồi chùi mép phủi tay, đem gán ép ngay cho tên thổ-quan, coi dân như tên nô-lệ buộc phải cúi đầu tuân lệnh:

"Công-nha vừa buổi rạng ngày,

Quyết tình, Hồ mới đoán ngay một bài.

Lệnh quan ai dám cãi lời,

Ép tình mới gán cho người thổ-quan."

- Bộ mặt ấy là những ông huyện Lâm truy "mặt sắt đen sì", xử người theo ý riêng, theo luật rừng bất nhất, hết sức khôi-hài; lại chiếm công vi tư, lấy công-quỹ ra mà làm hôn-lễ long-trọng cho bị-cáo vừa mới bị ông ra án gia-hình, chỉ vì ông đắc-ý về thi tài tuyệt-diệu của bị-cáo này:

"Kíp truyền sắm-sửa lễ công,

Kiệu hoa cất gió đuốc hồng điểm sao."

- Bộ mặt ấy là cái thói "công-thần chủ-nghĩa" (!), "một người làm quan, cả họ được nhờ", như vợ con viên quan lại-bộ Hoạn-gia kia đã ỷ quyền cậy thế sinh-sát lê-dân, có bà lớn oai-vệ sống trong "lâu-đài" vương-giả, mà dân nô-lệ bước vào phải "bàng hoàng":

"Ngước trông toà rộng dãy dài,

Thiên quan trủng tể có bài treo trên.

Ban ngày sáp thắp hai bên,

Giữa giường thất bảo, ngồi trên một bà."

- Bộ mặt ấy là những dung-túng cho xã-hội đen tự-do hoành hành, gây nên biết bao thảm-trạng đau thương triền-miên cho người dân cô-thế, một xã-hội bẩn- thỉu đến nỗi người con gái phải xót-xa căm-hờn, cất lên tiếng thét não-nùng ai-oán:

"Thân lươn bao quản vũng lầy,

Tấm lòng trinh bạch từ sau cũng chừa!"

- Bộ mặt ấy là một địa-ngục cho bọn ác-quỷ lộng-hành từ trên xuống dưới, không lời nào lột cho hết được cái trắng-trợn tàn-nhẫn độc-ác của xã-hội, đành chỉ còn biết ngậm-ngùi nói lên nỗi uất-ức than rằng:

"Nước trôi hoa rụng đã yên,

Hay đâu địa-ngục ở miền nhân-gian!"

- Bộ mặt ấy là nền giáo-dục từ-chương cổ-hủ đào-tạo nên những tên trí-thức vô lương bất nghĩa, cam tâm hèn-hạ đi làm ma-cô tay sai cho bọn vô học.

- Bộ mặt ấy, tóm lại là một xã-hội vô kỷ-cương, vô luật pháp, mạnh được yếu thua, dẫy-đầy những thối nát bất công, làm người anh hùng thấy chướng mắt "bất bình" chẳng tha.

- Ðây chính là nét tương-phản, gián-tiếp làm tôn giá-trị, tư cách của Từ-Hải. Cái bộ mặt của triều-đình là như thế đấy! Bảo sao Từ-Hải không đứng lên đạp đổ? Người ta chống lại mình, thì mình bảo là giặc. Có lạ chi! Thiết-nghĩ nếu vô tư mà nhận xét thì không có gì mâu-thuẫn, chẳng qua Nguyễn-Du dựng nên phản diện để chứng-minh Từ-Hải là "đấng anh-hào" như ông đã giới thiệu ngay từ đầu, vì phải chăng nhân-vật này nói lên cái hoài bão, chí hướng và tâm-hồn ông. Và để che mắt nhà đương-cuộc, phản-diện này là lá chắn cho ông được yên thân giữa cái xã-hội tràn ngập tang-thương như thế với "những điều trông thấy mà đau-đớn lòng". Nguyễn Du tác-giả của "Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh", lòng đầy tình người, chan-chứa tình yêu rộng khắp, đồng thời cũng là người đạo-diễn tấn bi-kịch "Ðoạn-Trường Tân-Thanh", lòng ôm-ấp niềm khao-khát tự-do, mang bản-chất của tâm hồn cao-thượng như Kim, Kiều, Từ-Hải, cổ võ cho Tự-Do: tự-do luyến ái-quan, tự-do và định-mệnh, tự-do thoát vòng lợi-danh, danh-vị, tự-do tư-tưởng, tự-do trong tâm-hồn. Ta có thể nói: một phần nào Nguyễn-Du đã sống đời Kiều và mơ đời Từ-Hải.

d) Vương Ông Vương Bà quá vô-tình thụ-động, ươn hèn kiểu trung-lưu, gần như vô trách-nhiệm:

- Làm cha mẹ mà không tự đảm-trách, tìm cách lo giải-quyết việc nhà, lại để mặc tình và ưng thuận cho con gái quyết-định bán thân làm lẽ. Bậc cha mẹ này có phần nào ích-kỷ và vô trách nhiệm.

- Vương bà nghe con than-thở về tư-cách của tên "bợm già", chỉ biết "Tiếng oan đã muốn vạch trời kêu lên", cũng không rỉ tai cho Vương ông biết, để ông vẫn cứ hạ mình xuống nước mà "nằn-nì thấp cao", kèo-nhèo với tên chàng rể đi mua người hãy rủ lòng thương mà đùm bọc con gái:

"Nghìn tầm nhờ bóng tùng-quân,

Tuyết sương che-chở cho thân cát-đằng"

Ông chỉ biết vui mừng "mở tiệc tiễn-hành" cho "chủ khách dập-dìu" để gọi là làm "lễ vu-quy" cho con gái ra đi trong nước mắt.

e) Bà vãi Giác Duyên sợ trách-nhiệm không dám chu-toàn đúng chức-năng của người tế-độ. Bà dễ tin người, có lẽ vì bà phù-thịnh, thấy Bạc-bà "am mây quen lối đi về dầu hương" nên không biết được tung-tích mặt trái của mụ bất lương núp bóng cửa chùa. Còn cái đống kim ngân trên bàn thờ Phật nàng Kiều lấy trộm của nhà Họan-Thư, không thấy bà nói-năng gì đến khi bà bán Kiều cho mụ "bợm già" này. Bà có kể hết cho mụ, nên mụ mới "choang-choác" cái miệng liên-hồi mà đe doạ đuổi xua:

"Rằng: Nàng muôn dặm một thân,

Lại mang lấy tiếng dữ gần lành xa.

Khéo oan gia, của phá gia,

Còn ai dám chứa vào nhà nữa đây!"

Một là vãi lấy của này, hai là vãi trao cho Bạc-bà tùy nghi, ba là Bạc-bà lại dùng cái thói "quen lối đi về dầu hương" mà tặng lại cho vãi để mua lấy uy-tín cảm-tình hầu làm cái mặt nạ che giấu vết nhơ. Thật là khó hiểu! Mà sao vãi lại đi nói thật hết cho mụ? Gửi Kiều đi thì cứ gửi sao lại kể xấu nàng ra, đâu còn là nhân-nghĩa!

Ðúng là cái sơ-hở của Nguyễn-Du, nhưng chính chỗ sơ-hở này làm ta thắc-mắc, tác-giả để cho người đọc suy-đoán, đây là hư-tả. Người đọc sẽ có cảm-tưởng xã-hội này nó như thế đấy! Xã-hội ngày nay cũng không thiếu gì những trạng-huống như vậy, huống chi là ngày xưa cách đây mấy thế-kỷ! Cấu-trúc các nhân-vật rất thiết-thực như thế để lột hết bộ mặt thật của xã-hội đương-thời, phải chăng tác-giả muốn gào lên tiếng "tân-thanh" để mong chỉnh-đốn hay ít ra cũng nói lên mối quan-tâm đau lòng của mình?

Như vậy nói rằng Nguyễn-Du là một nhà cải-cách xã-hội, thiết-tưởng chẳng phải là quá đáng.



(Trích từ tác-phẩm "Bút-Thuật Của Nguyễn-Du Trong Ðoạn-Trường Tân-Thanh" của tác-giả Ðỗ Quang Vinh, Canada)

viethoaiphuong
#3 Posted : Saturday, October 17, 2009 9:02:23 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
Thơ Kim Vân Kiều của Đại Thi hào Nguyễn Du

Trích Hợp xướng Truyện Kiều, Thơ: Đại Thi hào NGUYỄN DU.

Âm Nhạc: VŨ ĐÌNH ÂN'

Cố vấn nghệ thuật Giáo sư Nhạc sĩ CA LÊ THUẦN'

Biểu diễn Ban hợp xướng Thạch Đà và Suối Việt,

Nghệ sĩ Nhất Sinh, Ca sĩ Hoài Phương'

Nhóm Mặt trời mới, Vũ Đoàn Phương Việt'

Điều khiển chương I & III: Nhạc sĩ Nguyễn Bách, Điều khiển chương II: Tác giả, Nhạc sĩ Vũ Đình Ân



1/- Giới thiệu gia thế & tài sắc nàng Kiều



http://www.youtube.com/w...8aTx88I&feature=related



2/- Nàng Kiều gặp Kim Trọng



http://www.youtube.com/watch?v=RNFhUYRKh00



3/- Nàng Kiều đính ước cùng Kim Trọng



http://www.youtube.com/w...STNpiiU&feature=related



4/- Nàng Kiều bán mình chuộc cha



http://www.youtube.com/w...YZYYWz4&feature=related



5/- Nàng Kiều gặp Mã Giám Sinh



http://www.youtube.com/w...QFDZsio&feature=related



6/- Kiều bị sở khanh lừa, gặp Thúc Loan, bị Hoạn Thư đày đọa



http://www.youtube.com/w...jJtjqKk&feature=related



( Còn tiếp )


viethoaiphuong
#4 Posted : Saturday, October 31, 2009 5:33:15 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
KIỀU Của Nguyễn Du, Một Gia sản Văn Hóa Nhân Loại

Vĩ nhân không chỉ là người nắm bắt thời đại bằng tư duy của mình, mà còn giúp con ngời nơi cõi nầy đụng chạm đến vô tận.
Vì thế tự căn nét siêu việt trong tác phẩm và nơi cuộc sống người ấy cống hiến một tấm gương soi dẫn mọi thời đại, mỗi một người trong toàn thể nhân loại.
Karl Jaspers[1]

Thi phẩm Kiều của Nguyễn Du là một lời được cảm hứng[2], một tư tưởng.

Vì là lời được cảm hứng, thi phẩm đó ở bên kia bờ của việc mô tả hay biện minh cho một thời đại hay một xã hội nào bất kỳ. Lời ấy không bị ràng buộc bởi những định chế và các giá trị đang chi phối nếp suy tư của xã hội, nhưng đặt vấn đề về ngay chính nền tảng của chúng nhân danh một quyền uy khác hơn quyền uy đương đại, đó là quyền uy của sự thật, của ý nghĩa về nhân tính con người. Vì vậy lời được cảm hứng không quan tâm đến việc mô tả những thực tại xã hội, những tập tục của một cộng đòan, những sáng kiến, giấc mơ hay tình cảm của một nhân vật. Nhưng đưa tòan bộ thực tại con người, kể cả những nền tảng và định chế xã hội, trực diện với một câu chất vấn duy nhất và căn đế : chất vấn về ý nghĩa của nhân tính.

Con người là vấn nạn cho chính mình, đó là một câu chất vấn duy nhất gợi hứng cho đạo lý các thánh hiền, cho minh triết của những nhà tư tưởng đi tiên phong trong các nền văn hoá khác nhau của nhân lọai

Khi tiếp cận được lời thi ca, cảm hứng được câu chất vấn đến từ bờ bên kia, - lời vượt lên trên những kiến thức giới hạn của con người-, các thánh hiền và các nhà tư tưởng chạm đến con tim con người bất cứ nơi đâu và bất cứ thời đại nào. Sứ điệp của họ được tiếp nhận như là gia sản văn hóa đối với toàn thể nhân loại và đi vào Đại Ký Ức của các dân tộc.

Nếu gia sản văn hoá của nhân loại không chuyển đạt điều gì khác hơn là ý nghĩa về nhân tính, thì sứ điệp văn hóa ấy cũng hé lộ cho thấy thân phận con người tự căn vốn kỳ lạ và mâu thuẫn. Nét kỳ lạ ấy là dấu chỉ linh ư vạn vật của nhân tính buộc con người phải dấn thân vào Cuộc Chiến bi thảm, nhưng hào hùng để có thể chu tòan Mệnh làm người của mình.

Dưới ánh sáng của lời được cảm hứng từ bên kia bờ, Cuộc Chiến ngoại thường nầy [thánh hiền trong văn hóa Hy Lạp gọi là Khôn Ngoan về nhân tính (άνθρωπίνη σοφία)[3] hay Đức Lý (Ήθος)] vượt lên trên các hình thái đối nghịch của vũ trụ, trên các biện chứng tư duy và tranh chấp xã hội, trên mọi hình thức tự phủ định ý chí muốn sống hay con đường khổ hạnh để tu thân… Cuộc Chiến ngoại thường nầy là :

• Cuộc Chiến giữa Đạo sâu kín, chân thực, đối nghịch với những đạo giả tạo do trí năng vạch ra (xem Đạo Đức Kinh của Lão-tử, quyển 1, chương 1).

• Cuộc Chiến giữa một nhân tính đặt nền tảng trên Ngã đơn độc, tự mãn bên nầy bờ của bến mê và một nhân tính đích thực (Phi Ngã) bên kia bờ của Ngã mê lầm đó, trong đạo lý Phật giáo.

• Cuộc Chiến giữa Vương Đạo của chính nhân quân tử và Bá Đạo của tiểu nhân, theo Khổng giáo.

• Cuộc Chiến giữa Tài (Τέχνη) và Mệnh (Μοίρα) trong Bi Triết của Hy Lạp (đặc biệt trong Prométhée bị trói của Eschyle và trong Œdipe-Vua của Sophocle:

“Tài (Τέχνη) quá yếu so với uy quyền của Mệnh”[4].

“Cuộc chiến vinh quang mang nguồn sinh lưc cho quê hương, xin Trời đừng dẹp tắt.”[5]

• Cuộc Chiến (Πόλεμος) giữa Λόγος (Lời) siêu việt và lý lẽ con người trong tư tưởng của Héraclite.

• Cuộc Chiến giữa một bên là Đạo Công Chính và Chân Lý[6], – Đạo được linh hứng bởi Thần Khí và được hướng dẫn bởi những ái nữ của Thần Mặt Trời –, và bên kia là con đường bế tắc của mê lầm mà mọi người đang đi, không trừ một ai[7] trong Thi Ca của Parménide.

• Cuộc Chiến mà Socrate là một chứng tá sống động trong cuộc sống, trong cái chết bi thương nhưng vinh quang, trong lời giáo huấn ngược đời của ông.

• Cuộc Chiến giữa nhân tính đặt nền tảng trên (Tài), trí năng đo lường các sự vật trong vũ trụ, và một nhân tính khác được cảm hứng bởi « Lý của Con Tim » (Đạo Tâm) trong tư tưởng Pascal...

Chính cuộc chiến đấu bi hùng đó đã khơi nguồn cảm hứng cho tư tưởng gia-thi sĩ Nguyễn Du và được diễn đạt qua hai câu thơ đầu tiên của truyện Kiều:

Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ Tài chữ Mệnh khéo là ghét nhau (Kiều, c. 1-2)

Toàn bộ thi phẩm Kiều là một sự triển khai trực giác độc đáo nầy.

Nhân vật Kiều thể hiện cuộc chiến giữa hai căn tính con người, một căn tính đặt nền tảng trên chữ Tài và căn tính kia trên chữ Mệnh, ở ngay giữa cuộc sống.

Lời thi ca nơi Âm vọng Khổ Đau từ bờ bên kia (qua bóng dáng Đạm Tiên) thức tỉnh Kiều nhận ra một Kiều hồng nhan gắn liền với Nghiệp (Tài), và một Kiều chân thực bên trong (thanh cao) của Mệnh mà Giác Duyên sẽ cống hiến, sau cái chết rốt ráo của Nghiệp nơi sông Tiền-Đường, giao thoa giữa Tài và Mệnh.

Con đường của Tài xuyên qua những hình ảnh tượng trưng như :

- Sự tự vẫn : con đường vô sinh, vô cảm.

- Thúc Sinh – biểu tượng cho khóai lạc cá nhân và lòng trắc ẩn thường tình.

- Con đường khắc kỷ ở trong một am thất,

- Từ Hải – biểu tượng sự giải phóng xã hội...

Nhưng những con đường giải thoát của Tài đều bế tắc.

Tuy nhiên Lời từ bên kia bờ không ngừng âm thầm nhắc rằng thế giới Ảo-tưởng của Tài sẽ tàn, và Con Đường khác của Mệnh sẽ hé lộ nhờ Giác Duyên :

- Đạo của Mệnh, Đạo-Tâm tuyệt đối ở bên kia bờ của Tài và đòi hỏi cái chết tận căn của Tài (Kiều hồng nhan phải chết trên sông Tiền Đường để sống lại Kiều Giác Duyên).

- Đạo của Chữ Tâm là Đạo duy nhất của sự cứu rỗi, Đạo tuyệt hảo (Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài). (Kiều c.3252).

Từ hai thế kỷ nay, thi phẩm Kiều của Nguyễn Du đã cảm hứng tâm hồn và qui hợp con dân Việt-nam. Trong tương lai, hội ngộ nguồn cảm hứng tư tưởng thi ca của nhân lọai, thi phẩm Kiều hẳn sẽ cống hiến cho mọi dân tộc trên thế giới một lời mời gọi cấp bách để có thể nhận ra bí nhiệm vô tận, đó chính là CON NGƯỜI.

*****

[1] Les grands philosophes, tome 1, trad. C. Floquet et autres, Plon, Paris, 1989, tr.36.
[2] Socrate đã mô tả thi ca (lời được cảm hứng) như sau: « Không phải do tài năng nào của mình mà các thi sĩ làm thơ, nhưng là do cảm hứng từ một quyền năng của Thần. Vì nếu dựa vào một tài năng trình bày lưu loát như người ta thường làm được trong các bộ môn nào đó, thì phải chăng thi ca cũng chỉ là một bộ môn nào bất kỳ hay sao! Bởi vậy, Thần đã xóa hết tài năng lý trí con người để dùng họ làm thi sĩ, cho họ nhập Thần và trở nên những tiên tri của Trời. Nhờ thế khi nghe lời thơ của các thi sĩ, thì chúng ta hiểu được rằng không phải do chính tài năng họ mà họ có được những giá trị cao cả, bởi lẽ lúc ấy họ đã bị tước hết tài trí của mình rồi; nhưng chính Thần nói, Thần chuyển lời của Thần đến với chúng ta qua trung gian các thi sĩ ! » (PLATON, Ion. 534 c-d; 534 e..).
[3] cf. PLATON, Biện hộ Socrate 20 d-e.
[4] ESCHYLE, Prométhée bị trói c..514.
[5] SOPHOCLE, Œdipe-Vua, c. 879-880.
[6] Sđd. II 4.
[7] Sđd. V 9.

Nguyễn Đăng Trúc
hongkhackimmai
#5 Posted : Sunday, November 1, 2009 12:07:04 AM(UTC)
hongkhackimmai

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,788
Points: 774

Thanks: 3 times
Was thanked: 103 time(s) in 89 post(s)
Black EyeBlack EyeBlack Eye

Khi tác giả sáng tác là... viết, viết, viết theo cảm hứng
Người đời hay vẽ (chuyện) rồng vẽ (chuyện) rắn này nọ, rồi kết luận
Như vậy nói rằng Nguyễn-Du là một nhà cải-cách xã-hội, thiết-tưởng chẳng phải là quá đáng

Nguyễn Du ở bên kia thế giới đang lộn tròng mắt :
Thiệt dị hông ta ? hay ! hay! hay !

Big Smile

viethoaiphuong
#6 Posted : Wednesday, February 17, 2010 8:09:52 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
Truyện Kiều Nguyễn Du Với GS Nguyễn Xuân Vinh

» Tác giả: Lê Hữu Mục
» Dịch giả:
» Thể lọai: Biên khảo



Truyện Kiều Nguyễn Du Với GS Nguyễn Xuân Vinh

Em gái tôi, Hồng Vũ Lan Nhi, vốn thích văn thơ, cô xem bài viết về truyện Kim Vân Kiều và gửi đến tôi. Bài viết mang tựa đề là “Nguyễn Du Với Dòng Thời Gian”, tác giả là GS Nguyễn Xuân Vinh. Đây là bài nói chuyện của GS Vinh về buổi ra mắt CD của bộ Kiều Ca, do nghệ sĩ Thu Hà, tức bác sĩ Nguyệt Mehlert thực hiện. Những dòng thơ do họa sĩ Vũ Hối buông nét vẽ. Tôi thích nét vẽ thư pháp của Vũ Hối, nghe nói họa sĩ Vũ Hối đang dạy môn vẽ thư pháp tại một đại học Hoa Kỳ. Trong bài viết này, tôi chú trọng về Truyện Kiều Nguyễn Du với GS Nguyễn Xuân Vinh.

Bàn về chiều sâu nhân bản của nội dung tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du thì phải nói đây là tập thơ mang tính chất văn học nghệ thuật đã phổ quát trong dân gian và sống mãi với thời gian. Về nghệ thuật sân khấu thì có những vỡ kịch diễn Kiều. Phạm vi hội họa có những tác phẫm tranh Kiều, vẽ Kiều. Rồi về âm nhạc lại có lẫy Kiều, rồi ca Kiều. Nên trong bài viết của tác giả, ta thấy sự tổng hợp của ca Kiều và thư họa Kiều. Thực vậy, tác phẩm Truyện Kiều phổ thông trong quảng đại quần chúng, tác phẩm đã đi sâu vào mọi nẻo đường sinh hoạt về âm nhạc nghệ thuật như đã bàn.

Tôi đọc bài viết của GS Vinh cho thấy phần ôn lại nguồn gốc thi hào Nguyễn Du, rồi đến bình luận chú giải thơ Kiều. Ôn lại tiểu sử thì Nguyễn Du sinh năm 1766. Hiệu là Tố Như, Thanh Hiên, con Nguyễn Nghiễm, làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân thuộc tỉnh Nghệ Tĩnh. Ông rất giỏi về văn chương, dù học vị chỉ là ở bậc tam trường, tức bậc tú tài sau này. Nguyễn Du gặp nhiều gian nan thuở thiếu thời. Mười tuổi mồ côi cha, mười ba tuổi mất mẹ, suốt đời trai trẻ ông sống tá túc, ăn nhờ ở đậu hoặc ở nhà anh ruột (Nguyễn Khản), nhà anh vợ (Đoàn Nguyễn Tuấn), có lúc làm con nuôi một võ quan họ Hà, và nhận chức nhỏ là chánh thủ hiệu uý. Khi tình hình đất nước biến động, triều đình nhà Lê sụp đổ, ông trung thành với triều Lê, lơ là với nhà Tây Sơn. Khi nhà Tây Sơn bị vua Gia Long tiêu diệt, ông nhận chức làm quan cho triều Nguyễn, đi từ chức tri huyện lên đến tham tri (1815), rồi được cử làm chánh sứ sang Tàu (1813). Ông mất vì bệnh dịch tả vào năm 1820. Hưởng dương 54 tuổi. Cuộc đời ông có những nỗi băn khoăn trắc trở có lẽ là một nho sĩ, thấm nhuần đạo lý tam giáo, tự đặt mình trong khuôn khổ giới hạn của thời đại, tác phẩm Kim Vân Kiều được bảo rằng mang những ẩn ý tâm tư mà đời ông ủy thác. Nỗi khổ biết tỏ cũng ai hay "Ngã hữu thốn tâm vô dư ngũ", hay tấc lòng không nói cùng ai được". Tác giả Nguyễn Xuân Vinh dùng thơ chú giải sự trung trinh với Lê triều là:

"Vui là vui gượng kẻo là
Ai tri âm đó, mặn mà với ai?"

Mượn câu nhận xét của Từ Hải về Vương Thúy Kiều và chàng đã hỏi Kiều như vầy:

"Cười rằng: cá nước duyên ưa
Nhớ lời nói những bao giờ hay không?

Anh hùng mới biết anh hùng,
Rày xem phỏng đã cam lòng hay chưa?"

GS Vinh viết là nhà thơ nhắc lại câu tự hỏi đời sau có ai hiểu được mình hay không? Muốn nhìn thấy Nguyễn Du như là một con người có nghị lực phi thường, vượt qua được nhiều gian lao khổ ải, khắc phục được những trở ngại để một mặt sáng tác văn thơ tuyệt mỹ để lại đời sau, và cùng một lúc ra gánh vác việc công, có khi làm tri phủ Thường Tín ngoài Bắc, rồi có lúc được tiệu về Kinh lãnh chức đại thần, có năm dài đi sứ, mang trọng mệnh quân vương ký thác, thì chỉ việc đọc lại những đoạn tả Từ Hải gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo, khi buông cuốn cảo thơm người đọc phải nhận thức rằng nhà đại thi hào không phải là người yếm thế, buông tay theo thế sự xoay vần để ngồi nhà tưởng nhớ tới một thời xưa huy hoàng đã vang bóng. Trái lại, tuy là một nhà thơ thường hay ngâm vịnh nhưng Nguyễn Du cũng giầu khí lực để vượt qua nhiều đoạn trường cam khổ.

Rồi ẩn ý khác một khi đã chọn lựa đối tượng của cuộc đời thì hãy giữ lòng với duyên nợ ba kiếp trót trao:

"Ví chăng duyên nợ ba sinh,
Đạo tòng phu, lấy chữ trinh làm đầu.
Thương nhau xin nhớ lời nhau,
Nổi chìm cũng mặc lúc nào rủi may"

Trong ẩn ý ví von: "Anh hùng mới biết anh hùng, rày xem phỏng đã cam lòng hay chưa?", được hiểu như người có tài thì mới thấy được cái tài của người có tài, người có nhân tâm thì mới thấy được cái nhân tâm của người có nhân tâm. Chính cái chữ "Tâm" đã được Nguyễn Du dùng làm chuẩn trong thơ của ông.

"Nhân duyên đâu lại còn mong,
Cũng cho khỏi lụy trong vòng bước ra.

Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài!"

Hay là,

"Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ Tài, chữ Mệnh, khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng"

Lại tâm,

"Ðã nguyền hai chữ đồng tâm,
Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai"

Rồi tâm,

"Trông vời trời bể mênh mang,
Thanh gươm, yên ngựa lên đàng thẳng rong.

Nàng rằng: Phận gái chữ tòng,
Chàng đi thiếp cũng quyết lòng xin đi!

Từ rằng: Tâm phúc tương tri,
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?"

Truyện Kiều mang nội dung sâu sắc, và nghệ thuật dùng thơ diễn đạt phải coi là một sự thành công của tác giả. Chính tác phẩm này đã đưa thể thơ lục bát lên cao nhất như thơ tiêu biểu cho dân gian mà lắm đoạn được phổ thông hóa, được người đời dùng trong văn chương, báo chí hoặc trong đời sống thường nhật.

Tác giả Nguyễn Xuân Vinh kể lại chuyện xưa, kể về nội mình, vì bà cụ đã dùng thơ Kiều để nhắc nhở con cháu :

"Làm chi để tiếng về sau,
Ngàn năm ai có khen đâu Hoàng Sào"

Theo câu thơ 2176 trong thi tập Đoạn Trường Tân Thanh, Hoàng Sào là một lãnh tụ nông dân khởi nghĩa từ đời nhà Đường, GS Vinh ghi nhận thêm, về sau ông tìm đọc ở những cuốn Truyện Kiều có chú giải mới biết thêm là Hoàng Sào chính là một nho sinh hay chữ đời Đường, khi đi thi bị các giám khảo bất công đánh trượt mà uất ức nổi quân làm phản. Từ khởi sự dấy quân ở Sơn Đông, Hoàng Sào đã đánh phá được các tỉnh Hà Nam, Giang Tây, Phúc Kiến..., trong mười năm trời (675-884), rồi sau chiếm được Trường An lên ngôi Đế là Tần Kim Thống, nhưng sau cũng bị thua quân triều đình và bị thủ hạ hãm hại để cho ngàn đời sau không được một ai khen là người có tài đức. Cùng một lúc được biết đến những vẻ tuyệt mỹ trong thơ Kiều, tôi ghi nhớ lời khuyên của nội tổ rằng trong cuộc đời dù sự việc có xẩy ra không thuận với lòng người cũng nên kiên nhẫn, tìm cách vượt qua chứ đừng nổi lòng căm thù mà có thể làm việc trái với đạo nghĩa, thủy chung.

Truyện Kiều đã cho rất nhiều thành ngữ, điển tích, những từ ngữ cá biệt ví von, được dùng phổ quát trong cuộc sống dân gian, ví dụ như: Cá chậu chim lồng, Phượng liễn loan nghi, Cố quốc tha hương, Oan gia (Kiều là một oan gia từ kiếp trước), Cá nước duyên ưa, Lễ tơ hồng, Anh hào (Anh hùng hào kiệt), Tấm lòng nhi nữ (Lòng người đẹp hay tâm nữ nhi), Tri kỷ, Ý hợp tâm đầu, Tâm phúc tương tri, Ba sinh, Ăn xổi ở thì, Tri âm, Nhả ngọc phun châu, Tương tri, Tây nâng ngang mày (Thái độ trân trọng, quý mến), Yến anh, Sơn khê, Đài trang, Trao tơ, Gìn vàng giữ ngọc (Giữ gìn mối tình cho được thủy chung, thanh cao), Ôm cầm thuyền ai (đi lấy chồng khác), Hoạn Thư, Tương tư, Chắp cánh liền cành (Yêu nhau tha thiết), Bá Nha Chung Kỳ (Đôi bạn thân),...

GS Nguyễn Xuân Vinh là một nhà toán học, và ông bỏ ra bao thời gian để nghiên cứu các chuyển động của các vật thể trong không gian, theo với thời gian, vì vậy khi ông đọc Truyện Kiều ông lại nhìn Nguyễn Du qua lăng kính một nhân tài đã nhận định chính xác về sự luân lưu của thời gian. Để có một nhận định tổng quát, theo ông thì người ta chỉ cần đọc câu đầu và câu cuối của cuốn sách Kim Vân Kiều:

"Trăm năm trong cõi người ta...

Mua vui cũng được một vài trống canh."

Những dòng thời gian được khai triển, luôn luôn thể hiện trong cuốn thơ này. Các nhà bình luận Kiều thường công nhận là thi hào Nguyễn Du có biệt tài tả cảnh, tả người và tả tình. Tôi rất tán thành với GS Vinh trong quan điểm này. Vì ông là một nhà toán học uyên bác, ông áp dụng cả lý luận toán học vào văn học, một sự kiện lý thú khi chúng ta pha trộn giữa hai môn học vốn chịu ảnh hưởng bởi nguyên tắc và lý luận về toán, về sự sáng tạo văn thơ thì vốn dĩ mang tính cởi mở, ít bị ràng buộc như bên toán học. GS Vinh dẫn chứng bằng những câu thơ mang tính thời gian chính xác như con số 15 năm sau đây:

"Những từ sen ngó đào tơ,
Mười lăm năm mới bây giờ là đây"

"Những là rày ước mai ao,
Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình?"

"Từ con lưu lạc quê người,
Bèo trôi sóng vỗ chốc mười lăm năm"

Trong cái tâm tình đọc thơ Nguyễn Du theo cái nhìn toán học, GS Nguyễn Xuân Vinh trải những dòng tư tưởng cho phần cuối bài viết để kết luận đề tài như sau :

Thi hào Nguyễn Du lại có biệt tài tả tâm tình người trong truyện biến đổi, khi tăng, khi giảm theo với thời gian song song với nghệ thuật mô tả cảnh, tả người trong thi phong của ông. Trong thế kỷ 18 vào thời đại của Tố Như tiên sinh, bên chân trời Âu châu con người đã khai mở môt kỷ nguyên phát triển tuyệt mức về môn toán học, và đặc biệt là lý thuyết những hàm số, nghiên cứu sự biến thiên của một lượng tùy thuộc một lượng khác gọi là biến số, thường thường gọi một cách chung là biến số thời gian. Lấy môt thí dụ giản dị, nhiệt độ trong một ngày không phải là một hằng số mà luôn luôn thay đổi theo với thời gian. Dòng thời gian luân lưu một chiều, nghĩa là lúc nào cũng tăng. Nếu nhiệt độ tăng theo thời gian, người ta nói là nhiệt độ là một hàm số đồng biến. Nếu nhiệt độ giảm, ta nói là hàm số nghịch biến. Ban ngày nhiệt độ tăng lên rồi tới một thời điểm nào đó, nhiệt độ giảm đi. Từ đồng biến chuyển sang nghịch biến, hàm số nhiệt độ lúc đó qua một trị số cực đại. Ngược lại, khi thời gian đi về đêm nhiệt độ giảm đi rồi tới một thời điểm gần về sáng, nhiệt độ bắt đầu tăng lên với ánh dương. Từ nghịch biến chuyển sang đồng biến, hàm số nhiệt độ phải qua một trị số cực tiểu. Đơn vị thời gian có thể là giờ, hay nếu hàm số là tình người thì đơn vị thời gian có thề là ngày hay tháng, nhưng bao giờ cũng phải kể từ một điểm gốc. Trường hợp nhiệt độ trong một ngày thì điểm gốc thời gian là lúc nửa đêm. Một điều cần thiết khác để có thể viết theo một hệ thống quy chiếu là lượng biến thiên theo với thời gian là một lượng có thể đo được như trong thí dụ đang kể thì đó là nhiệt độ bách phân. Vì vậy khi nói rằng tình người là một hàm số của thời gian, ta mặc nhiên công nhận rằng có máy đo tình cảm con người. Nhiệt độ trong một ngày có thể chuyển từ số dương sang trị số âm, thì tình người, nếu đo lường được, cũng có những trị số dương và những trị số âm, và khi biến thiên theo thời gian, có thể mỗi ngày một tăng, hay mỗi ngày một giảm, có thể đổi tăng thành giảm sau khi qua một trị số cực tiểu. Khi yêu thì tình cảm có những trị số dương và khi hận thì tình cảm có những trị số âm, và dĩ nhiên khi tình cảm có trị số không thì "Sự đời đã tắt lửa lòng, còn chen vào chốn bụi hồng làm chi!".

Chủ đề "Truyện Kiều Nguyễn Du Với GS Nguyễn Xuân Vinh" mà tôi chọn viết với tâm tình đồng nghiệp thích văn chương và mến nghiệp dạy học. Trong quá khứ tôi có ít dịp liên lạc với GS Vinh, nhưng nay xin gửi bài viết này đến sách kỷ niệm về ông với những dòng chữ qua văn chuơng của cụ Tố Như.

Chân thành.

Lê Hữu Mục
Montreal, tháng 3, 2008.

viethoaiphuong
#7 Posted : Friday, February 26, 2010 4:07:46 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
"Hải đường lả ngọn đông lân"

Vĩnh Sính 2/2010

Ở miền Bắc và miền Trung có một loài hoa đẹp nở vào đầu Xuân; thân và cành cây cứng cáp, cao vừa phải; hoa năm cánh màu trắng, đỏ thắm hay hồng tươi; nhụy hoa màu vàng đậm nhưng không có hương thơm. Dân gian quen gọi loài hoa này là hoa "hải đường". Trong Từ điển tiếng Việt (1997) cây "hải đường" được định nghĩa là "Cây nhỡ cùng họ với chè, lá dày có răng cưa, hoa màu đỏ trồng làm cảnh". Từ điển Việt-Anh và Việt-Pháp thường dịch "hải đường" là camellia/camélia.


Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã nhắc đến hoa hải đường hai lần nhằm gợi đến nàng Kiều :

Hải đường lả ngọn đông lân,
Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà.[1]
(hàng 175-178)

Hải đường mơn mởn cành tơ,
Ngày xuân càng gió càng mưa càng nồng.
(hàng 1283-1284)

Sự cách biệt giữa một cây mang tên là "hải đường" có thân và cành cây cứng cáp mà tôi hằng thấy trong những khu vườn cổ ở Huế, với ấn tượng về một cây hải đường mảnh khảnh như đã được miêu tả qua những vần thơ trên đã khiến tôi thắc mắc trong một thời gian khá lâu. Không lẽ Tiên Điền tiên sinh lại miêu tả cây hải đường thiếu chính xác đến thế ? Niềm hoài nghi đó được giải tỏa khi chúng tôi tình cờ được thấy tận mắt cây hải đường đúng như tiên sinh đã miêu hoạ trong Kiều.

Một sáng mùa Xuân cách đây đã có hơn 30 năm (ngày đó tôi còn là một du học sinh ở Nhật), khi đang đi bách bộ quanh khu cư xá du học sinh ở một vùng khá yên tĩnh ở Đông Kinh, tôi chợt thấy một cây hoa mảnh khảnh, cành trĩu hoa màu hồng tươi. Loài hoa này tôi chưa bao giờ thấy ở Việt Nam. Nhân có người đi qua, tôi hỏi hoa ấy tên gì. Ông ta bảo : "Kaidô desu yo" (Hải đường đấy mà !). Không hiểu linh tính nào đó đã cho tôi biết kaidô đích thị là loài hoa hải đường "lả ngọn đông lân" mà Nguyễn Du đã nhắc đến trong Kiều ! Cho đến bây giờ khi ngồi viết những dòng này, tôi vẫn chưa quên được cảm giác khoan khoái nhẹ nhàng lúc đó khi vừa vỡ lẽ một điều thắc mắc đã ám ảnh tôi khá lâu.

Đại từ điển tiếng Nhật Nihongo daijiten định nghĩa cây hải đường ở Trung Quốc (haitang) và ở Nhật (kaidô) như sau :

"Cây nhỡ rụng lá, thuộc họ tường vi (rose) trồng làm cây kiểng trong vườn. Hoa nở vào tháng 4 dương lịch, sắc hồng nhạt. Loại có trái giống như quả táo tây, có thể ăn được. Cao từ 2 đến 4 mét". Cuốn từ điển này còn chua thêm là hoa hải đường dùng để ví với người con gái đẹp, đặc biệt khi muốn nói lên nét gợi cảm hay vẻ xuân tình. Theo "Dương Quý Phi truyện" trong Đường thư, một hôm Đường Minh Hoàng ghé thăm Dương Quý Phi, nghe nàng còn chưa tỉnh giấc, nhà vua bảo : "Hải đường thụy vị túc da ?", nghĩa là "Hải đường ngủ chưa đủ sao ?" Trong văn học cổ Trung Quốc, cảnh hoa hải đường trong cơn mưa thường dùng để ví với dáng vẻ người con gái đẹp mang tâm trạng u sầu. Tên khoa học của cây hải đường là Malus spectabilis; tiếng Anh gọi là flowering cherry-apple (hay Chinese flowering apple, Japanese flowering crab-apple và nhiều tên khác nữa), tiếng Pháp gọi là pommier sauvage.



Hải đường (Malus spectabilis)

Như vậy tên tiếng Việt của cây camellia/camé lia mà từ trước đến nay ta thường gọi lầm là "hải đường" đúng ra phải gọi là gì ? Có người gọi camellia/camé lia là hoa trà, hay trà hoa. Chẳng hạn, tiểu thuyết La Dame aux camélias của Alexandre Dumas (Dumas fils) trước đây có người dịch là "Trà hoa nữ" hay "Trà hoa nữ sử", và từ điển Việt Anh của soạn giả Bùi Phụng cũng dịch "trà hoa" là camellia. Tuy dịch camellia là trà hoa (hay hoa trà) nghe có lý hơn là "hải đường", nhưng theo thiển ý cũng chưa được ổn cho lắm vì hoa trà chỉ có màu trắng, trong khi đó camellia/camé lia không chỉ có màu trắng mà còn có màu hồng và màu đỏ. Ta thử xem người Nhật và người Trung Quốc gọi camellia/camé lia là gì. Tiếng Nhật gọi cây này là tsubaki, chữ Hán viết là "xuân", gồm chữ bộ "mộc" bên trái và chữ "xuân" là mùa Xuân bên phải. Chữ "xuân" dùng trong nghĩa này nghe quá lạ tai đối với người Việt. Người Trung Quốc gọi camellia/camé lia là shancha (sơn trà), sơn trà nghe cũng thuận tai và khá sát sao vì cây này cùng họ với cây chè (trà) và sơn trà nên hiểu là cây "trà dại" hay một biến thể của cây trà.

Đang phân vân chưa biết dùng từ nào trong tiếng Việt để dịch camellia/camé lia cho thật sát nghĩa, chúng tôi lướt xem Truyện Kiều một lần nữa. Nào ngờ lời giải cho câu vấn nạn của chúng tôi đã có sẵn ngay trong đó : cụ Nguyễn Du trong tác phẩm bất hủ của mình cũng đã dùng hoa "trà mi" nhằm ám chỉ nàng Kiều, và trà mi chính là từ tiếng Việt tương ứng với camellia/camé lia :

Tiếc thay một đoá trà mi,
Con ong đã tỏ đường đi lối về.

(hàng 845-846)

hoặc :

Chim hôm thoi thót về rừng,
Đoá trà mi đã ngậm gương nửa vành.

(hàng 1091-1092)

Nhưng do đâu chúng ta có thể khẳng định như thế ? Việt Nam Từ điển của Hội Khai trí Tiến đức giải thích về hoa "trà mi" như sau : "Thứ cây, có hoa đẹp, sắc đỏ, hoặc trắng, mà không thơm". Trà mi cùng họ với cây chè, có sắc đỏ hoặc trắng, và không có có hương thơm – đó chính là những đặc điểm của cây camellia/camé lia mà chúng ta đã đề cập ngay ở đầu bài.



Trà mi (Camellia)

Một điều thú vị và rất đáng chú ý : "trà mi" là một tên gọi thuần Nôm, không có trong chữ Hán ! Nói một cách khác, thay vì gọi "sơn trà" như người Trung Quốc, ta chọn tên "trà mi" là cách gọi riêng của người Việt. Trong ấn bản chữ Nôm của Truyện Kiều (bản Lâm Nhu Phu, 1870), hai chữ "trà mi" được viết bằng hai chữ Nôm như sau : chữ "trà" được viết với bộ "dậu" với chữ "trà" bên phải, và chữ "mi" được viết với bộ "dậu" với chữ "mi" là cây kê bên phải (từ điển của Hội Khai trí Tiến đức mượn chữ "mi" là lông mày trong chữ Hán để viết chữ "mi" tiếng Nôm này). Trong Từ điển Truyện Kiều, học giả Đào Duy Anh trong phần văn bản viết hai chữ "trà mi" là "trà (đồ) mi" nhằm gợi ý "trà mi" cũng có thể đọc là "đồ mi", tuy nhiên trong phần "Từ điển" lại giải thích là "nước ta có hoa trà mi, nhưng khác với đồ mi của Trung Quốc". Theo thiển ý, hai chữ Nôm nói trên chỉ có cách đọc là "trà mi" chứ không thể đọc là "đồ mi", vì trong chữ Hán, loài "cây nhỏ, cành lá có gai, đầu mùa hè nở hoa sắc trắng, hoa nở sau các thứ hoa cây khác" mà Đào tiên sinh đã giải thích về "hoa đồ mi" trong cuốn Hán Việt từ điển do tiên sinh biên soạn, chính là hoa mâm xôi (Robus rosacfolius) trong tiếng Việt.

Qua bài viết ngắn ngủi này, chúng tôi hy vọng đã chứng minh được rằng cây hải đường mà chúng ta thường ngỡ là tương ứng với cây camellia/camé lia trong tiếng Anh và tiếng Pháp kỳ thực là một loài cây có hoa khác, có tên khoa học là Malus spectabilis. Mặt khác, tên gọi tiếng Việt của hoa camellia/camé lia đúng ra phải là trà mi.

Trong Truyện Kiều, cụ Tiên Điền Nguyễn Du -- nhà thơ muôn thuở của dân tộc Việt Nam – đã dùng tên của hai loài hoa này chính xác và tách bạch. Tiên Điền tiên sinh mượn hoa hải đường nhằm nói lên những nét yểu điệu gợi cảm của nàng Kiều qua bóng dáng của một Dương Quý Phi kiều diễm. Khi định mệnh đã đưa đẩy Kiều vào tay của Mã Giám Sinh và Sở Khanh -- những kẻ "thương gì đến ngọc tiếc gì đến hương" -- tiên sinh đã mượn hình tượng của đoá hoa trà mi nhằm nói lên kiếp hồng nhan trước những thử thách quá ư nghiệt ngã của số phận.

Nhân thể, chúng tôi cũng xin nói rằng trong Đại Nam nhất thống chí, trong phần nói về các loài hoa ở "Kinh sư" (Huế) và "Phủ Thừa Thiên", có đoạn nhắc đến hoa hải đường. Vì có liên quan đến bài viết này, chúng tôi xin trích lại nguyên văn :

"Kính xét bài thơ ‘Vịnh hải đường’ trong Minh Mệnh thánh chế có lời chú rằng : Theo Quần phương phả thì hải đường có bốn loại, là chiêm cánh, tây phủ, thuỳ lục và mộc qua, ngoài ra lại có hoa vàng loại hoa thơm, nhưng đều là cành mềm, hoa nhỏ, hoặc sắc vàng, hoặc đỏ lợt, hoặc như yên chi, chỉ có mấy sắc ấy thôi. Hải đường phương nam thì cây cao, lá to vừa dài vừa nhọn, hoặc sắc đỏ tươi, ruột có nhị, cánh to mà dày, lúc nở đẹp hơn hoa phù dung, nên tục gọi là "sen cạn"; so với hoa hải đường ở đất Thục thì đẹp hơn nhiều, tựa hồ phương Bắc không có giống hoa hải đường này, cho nên những lời trước thuật có khác. Còn như nói rằng ‘hoa đẹp lá tươi, mềm mại như xử nữ, hây say như Dương Phi say, yểu điệu như Tây Tử’ thực chưa hình dung hết được vẻ đẹp của hoa ấy. Năm Minh Mệnh thứ 17 khắc hình tượng vào Nghị đỉnh. Lại có một loại là Kim ti hải đường".

Đọc đoạn trích dẫn ở trên, ta có thể thấy là ngay từ thời vua Minh Mệnh đã có sự nhầm lẫn giữa hoa hải đường và hoa trà mi. Những loại hoa có "cành mềm" trong phần trích dẫn đúng là hoa hải đường, nhưng loại hoa gọi là "Hải đường phương nam thì cây cao, lá vừa to vừa dài vừa nhọn, hoặc sắc đỏ tươi, ruột có nhị, cánh to mà dày ..." thì đúng ra phải gọi là hoa trà mi chứ không phải là hoa hải đường.

Nguyễn Du viết Truyện Kiều trước đó (dưới triều vua Gia Long), nhưng tại sao thi hào họ Nguyễn lại có thể phân biệt hai loại hoa này rạch ròi đến thế ? Chúng ta có thể phỏng đoán là ngoài những kiến thức thu thập qua sách vở, chắc hẳn Nguyễn Du đã thấy tận mắt hai loài hoa này trong lần đi sứ sang Trung Quốc vào năm 1813.

Một thức giả cũng vừa cho chúng tôi hay là khi tìm trong Truyện Kiều đối chiếu của Phạm Đan Quế (Nxb Hà Nội, 1991) hai câu có từ "hải đường" trích dẫn ở trên thì "thấy đó là những câu tả cảnh tả tình do Nguyễn Du sáng tác", chứ không có trong nguyên truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (bản của Nguyễn Đình Diệm). Điều này càng xác nhận sự hiểu biết chính xác về cây cỏ cũng như tinh thần "vận dụng sáng tạo" của Tiên Điền tiên sinh khi viết Truyện Kiều.

Edmonton, cuối Hè 2003



[1] Theo học giả Hoàng Xuân Hãn và một số nhà nghiên cứu khác, chữ "gieo" trong câu này phải đọc "treo" mới đúng, hoặc chữ "tỏ" trong câu "Con ong đã tỏ đường đi lối về" phải đọc là "mở". Vì chưa bắt kịp với những nghiên cứu về Truyện Kiều hiện nay, trong khuôn khổ bài này chúng tôi xin tạm thời dựa theo cách đọc hiện hành.



viethoaiphuong
#8 Posted : Wednesday, October 27, 2010 12:08:38 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)


Sự thẩm định của GS Lê Hữu Mục về tiếng đàn của Thúy-Kiều
qua hai lần trình tấu cho Kim Trọng nghe,
trong tác phẩm Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du.


GS. Lê Hữu Mục

Trong tác phẩm Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du, Thúy-Kiều không chỉ là một trang giai nhân « quốc sắc » , với tấm nhan sắc tươi thắm, kiều mị, đến nỗi hoa phải « ghen », liễu phải « hờn » , mà nàng còn là một con người thông minh , tài hoa với một ngón đàn tuyệt diệu « nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương ».

Nguyễn Du đã mượn tiếng đàn của nàng Kiều để làm nền cho tác phẩm Đoạn trường tân thanh của mình. Thế nên, tiếng đàn ấy đã gắn liền với cuộc đời của Kiều. Mỗi biến cố trong đời là một lần thay xoang đổi điệu, để nói lên cảnh ngộ, cùng diễn tả tâm trạng, tình cảm của nàng.

Đặc biệt tiếng đàn của Kiều qua hai lần trình tấu cho Kim Trọng nghe, lần thứ nhất khi mới bước vào cuộc tình và lần cuối cùng khi vừa tái-hợp , đã thâu tóm thiên tình sử của họ.

Sau đây, chúng ta sẽ thưởng thức tiếng đàn đặc biệt này của nàng Kiều qua sự thẩm định giá trị của GS Lê Hữu Mục, được trích từ hai bài bình giảng trong cuốn biên khảo Truyện Kiều và Tuổi Trẻ, viết chung với Gs Phạm thị Nhung và Dược-sĩ Đặng Quốc Cơ.



GS Mục, GS Nhung cùng 2 thân hữu, Montreal.

1-Buổi trình tấu âm nhạc đầu tiên của Thúy-Kiều (c.c. 463-498).

Trong bài bình giảng này, phần diễn đề ( c.471-496), GS Lê Hữu Mục đã phân tích rất tường tận, rành rẽ từng tiếng đàn của Thúy-Kiều và đưa ra nhiều nhận xét thật tinh tế, xác đáng .

A - Trước hết, nói về bản đàn (c.471-480).

- Phần khai nhạc gồm bốn câu (471-474)

So dần dây vũ, dây văn
Bốn dây to nhỏ theo vần cung thương
Khúc đâu Hán Sở chiến trường
Nghe như tiếng sắt, tiếng vàng chen nhau.

Sau khi so dây, thử tiếng, Kiều bắt đầu đàn .

Tiếng đàn dồn dập, rầm rộ như có hàng ngàn, hàng vạn binh khí đủ loại xô xát vang lên… tiếng sắt, tiếng vàng chen nhau…Quang cảnh hỗn loạn, vô trật tự thật là cùng cực… khiến Kim Trọng có cảm tưởng (khúc đâu) như khúc Hán Sở tranh hùng, chiến trường đang hồi giao tranh khốc liệt.Theo GS Mục, vì đây là phần khai nhạc cổ điển, nên hơi nhạc mạnh tối đa, nhịp điệu đổi liên tiếp…tốc độ nhạc khí khai triển toàn-thể.

Kết thúc đoạn này, GS Mục nhận xét : Chỉ một mình Thúy Kiều với cây đàn nguyệt của Kim Trọng mà diễn tả được mọi âm thanh huyên náo của trận đánh khốc liệt, thì thực tài nhạc của Kiều quá cao siêu. Tiếng đàn vang dội trong gian phòng, Kim Trọng có cảm tưởng như đang đứng trước một ban nhạc lớn đang hoà tấu.

- Phần hai (475-476)

Khúc đâu Tư Mã phượng cầu
Nghe ra như oán như sầu phải chăng ?

Theo GS Mục, phần hùng tráng giảm nhẹ tốc độ và cường độ. Đặc điểm phần nhạc này là khai triển cung nam, tức là nét nhạc ngả sang tình buồn. Kim Trọng nghe ra như oán…, như sầu…, GS Mục giải thích : …là vì Thúy Kiều cố nén những âm thanh mạnh của tiếng đàn để cho tiếng đàn trở nên rủ rỉ, bẻ bai ; tuồng như mọi âm lượng , mọi thể tích của âm thanh đều bị ngón tay của người nghệ sĩ đè xuống, ép xuống dây đàn và hoàn toàn bị thu nhỏ lại. Tiếng đàn như vậy là tiếng đàn bi ai, buồn thảm, tha thiết.

Kim Trọng nghe ra như khúc Phượng cầu Hoàng của Tư mã Tương Như, đang tỉ tê rủ rỉ tỏ tình quyến rũ Trác văn Quân. Người góa phụ trẻ đẹp , giầu có này đã bị tiếng đàn của Tương Như mê hoặc đến bỏ nhà trốn theo chàng .

Phần ba (c.477-478)

Kê Khang này khúc Quảng Lăng
Một rằng lưu thủy, hai rằng hàng vân.

Điệu nhạc đến đây chuyển động , tốc độ tiếng đàn tăng dần….Nét nhạc nghe lưu loát như lưu thủy ( nước chảy)…, còn gợi ra khung cảnh sông nước mênh mông ; như hành vân ( mây bay)… phác họa được một cảnh trời mây mung lung , bát ngát…Sau khi phân tích, Gs Mục nhận xét, Phần nhạc này gieo vào lòng người nghe những tiếng nhạc vui tươi , linh hoạt , nhẹ nhàng . Tương phản hoàn toàn với đoạn nhạc trên .

Phần bốn (c. 479-480)

Quá quan này khúc Chiêu Quân
Nửa phần luyến chúa , nửa phần tư gia.

Để kết thúc bản nhạc , theo GS Mục, nét nhạc trầm xuống, và kéo dài như vương vấn , như luyến lưu…Khiến Kim Trọng nghe như khúc Chiêu Quân Oán. Nàng Chiêu quân phải đi cống Hồ, Khi qua cửa quan, biệt Hán bước vào nước Hung nô, lòng nàng sầu bi … Khúc nhạc biệt ly thật buồn vời vợi.

B- Tiếp theo , Gs Mục phân tích giá trị của tiếng đàn ( c. 481-488)

Trong như tiếng hạc bay qua
Đục như nước suối mới sa nửa vời.
Tiếng khoan như gió thỏang ngoài
Tiếng mau sầm sập như trờI đổ mưa.

Trước hết bàn về âm sắc. GS Mục phân tích, tiếng nhạc trong trẻo tức tiếng nhạc không bị nhiễu, không bị tạp âm pha trộn. Trong còn có nghĩa là rõ ràng ,ngón tay bấm vào chỗ nào là âm thanh phát ra chính xác ,…không có tiếng dây khi ngón tay vuốt ve dây đàn…Trong là nói đến thính giác, tuy là nói đến thính giác, nhưng ta không chỉ dùng thính giác để nghe đàn, ta còn thấy tiếng đàn qua tiếng hạc đang bay vọng tới , một âm thanh tinh khiết không một chút gợn , và hình ảnh một màu trắng tinh khôi không một vết loang của cánh hạc đang bay nơi lưng trời.

Ngược với trong là đục. Nói về âm thanh đục là nói đến tiếng trầm, sâu lắng hay nặng nề, tối tăm.

Câu « Nước suối sa nửa vời », ta được nghe thấy tiếng rì rầm âm u ở phần thấp của tiếng đàn, đồng thời trông thấy mầu đục của âm thanh, giống như mầu đục của nước suối khi nó rời khỏi nguồn và sắp từ trên cao dội xuống.

GS Mục viết tiếp : Như vậy về âm sắc, tính trong và đục là hai sắc thái cơ sở của tiếng đàn, đã được mô tả trọn vẹn . Không gì thú vị bằng tai nghe một âm thanh của tiếng đàn mà mắt ta còn được trông thấy tiếng đàn nữa. Nguyễn Du thật là một thi sĩ lớn, khi ông biết sử dụng qui luật tương biến của ngũ giác.

Ngoài âm sắc, âm nhạc có giá trị nhờ ở tiết điệu, ở nhịp khoan, nhịp nhặt.Gs Mục giải thích, khoan là thong thả, chậm chạp, tiếng này cách tiếng kia một tiết tấu kéo dài. Nhịp khoan thường đi đôi với những âm thanh nhẹ nhàng, êm dịu, như gió thoảng ngoài… Trái với tiếng khoan là tiếng nhặt, nghĩa là mau, nói về những điệu dồn dập, lôi cuốn nhau liên tiếp, không dứt.Từ « sầm sập » để tả trời mưa lớn liên tiếp rất đúng, đã cho ta hình dung những âm thanh có độ mau và mạnh..

Và để đề cao hơn nữa về tài đàn của Thúy kiều , Gs Mục phân tích đoạn thơ nói về hiệu lực của tiếng đàn ảnh hưởng lên ngọn đèn và chàng Kim Trọng như thế nào ?

Ngọn đèn khi tỏ , khi mờ
Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu.
Khi tựa gối , khi cúi đầu
Khi vò chín khúc , khi chau đôi mày.

Theo Gs Mục, tiếng đàn được tả rõ hơn khi tác động của nó được qui chiếu vào môi trường chung quanh. Trước hết là ngọn đèn khi mờ, khi tỏ.Tỏ là sáng lên khi tiếng đàn mạnh và dồn dập ; mờ là tối đi , giảm ánh sáng đi, khi tiếng đàn chìm lắng, nhẹ và kéo dài. Ánh sáng của ngọn đèn đã bị tần số âm thanh của tiếng đàn chi phối.Tính thụ động của ánh sáng đã làm nổi bật sức mạnh của âm thanh, tạo cho tiếng đàn của Thúy Kiều có một mãnh lực gần như ma quái. Chính mãnh lực gần như ma quái này đã ảnh hưởng vào tâm trạng Kim Trọng, khiến chàng càng bị lôi cuốn, hòa nhập vào tiếng đàn : Khi tựa gối, khi cúi đầu/ Khi vò chín khúc , khi chau đôi mày. Nói khác đi, tâm trạng của chàng Kim đã bị tiếng đàn chi phối hoàn toàn.Tiếng đàn quả có một sức mạnh gần như thần thánh ! Gs Mục đã chứng minh được cái tài hoa của nàng Thúy Kiều qua tiếng đàn này.

Sang phần nhận xét, GS Mục cho biết : Nhờ kỹ thuật chuyển hóa âm thanh thành hình ảnh mà câu thơ của Nguyễn Du vươn ra ngoài lời, chắp cánh cho trí tưởng tượng của người đọc đi vào ý thơ một cách trực tiếp .

Và để bổ túc cho phần nhận định về giá trị tiếng đàn này của Thúy kiều, hay chính của Nguyền Du, Gs Mục viết : Nguyễn Du tuy lấy chất liệu trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân , và tiếng đàn trong thơ của Lý Kỳ, nhưng nhờ những kỹ thuật âm nhạc mà ông biết dùng một cách đứng đắn như « trong » « đục » « khoan » « mau » ; và nhờ kỹ thuật bố trí từ ngữ một cách chính xác, thi ca (Đ T T T ) của ông đã vượt xa cái thô sơ của chất liệu, để bay lên cao trong ánh sáng của các tinh thể muôn đời.

Phần giới thiệu trên của chúng tôi tuy chưa nói lên được đầy đủ về bài viết của Gs Lê Hữu Mục, nhưng cũng đã chứng tỏ, GS Lê Hữu Mục quả là một nhạc sĩ không chỉ giỏi đàn, nắm vững nhạc lý, ông còn là một sáng tác gia có hạng, nên mới có được những lời thẩm định xác đáng, tinh tế kia.

GÓP Ý

Nhân bàn về tiếng đàn của Thúy-Kiều trong bài này, chúng tôi cũng muốn góp ý thêm, Nguyễn Du ngoài sự mượn thanh để tả ý đã đành, ông còn dùng điển, mượn ý những bản đàn cổ điển như Hán Sở chiến trường, Phượng cầu Hoàng, Quảng Lăng tán, Chiêu Quân oán như đã đươc GS Mục phân tích trong những dẫn chứng ở trên, không ngoài chủ đích giúp chúng ta, những độc giả của ông, hiểu tường tận hơn cảnh ngộ cùng tâm trạng, tình cảm của nàng Kiều buổi đó.

Thật thế,nàng Kiều đang thời son trẻ xuân sắc, lại vừa bước vào một cuộc tình đẹp như mộng với chàng văn nhân Kim Trọng « Phong lưu tài mạo tót vời ».Thì trong cái đêm hội ngộ, được đối diện với người tình, đối diện với hạnh phúc yêu đương của đời mình, Kiều có cơ hội được gẩy đàn cho chàng thưởng thức, tiếng đàn ấy đáng lẽ chỉ có một điệu vui, nhẹ nhàng phơi phới hay rộn ràng hớn hở, biểu lộ một tâm trạng mừng vui, tình ý hả hê mới đúng. Đằng này tiếng đàn lại quá đỗi hỗn loạn, phức tạp. Khi thì rầm rộ, huyên náo như có hàng ngàn hàng vạn tiếng binh khí xô xát vang lên, chẳng khác nào chiến trường Hán Sở đang hồi giao chiến dữ dội ; khi lại nhẹ nhàng thanh thoát như nước chảy mây bay trong khúc Quảng lăng tán ; khi lại rền rĩ nỉ non như khúc Phượng cầu Hoàng của Tư mã Tương Như, gảy lên để tỏ tình quyến rũ Trác văn Quân ; khi lại sầu thương, ai oán như khúc Chiêu Quân oán , tả tình biệt ly của nàng Chiêu Quân trong giây phút quá quan, biệt Hán sang Hồ

Tại sao vậy ? Thưa rằng phải vậy mới diễn tả hết được nỗi rối bời đang diễn ra trong nội tâm Kiều lúc này, đó là giữa hai trạng thái tình cảm cực kỳ mâu thuẫn :- Hạnh phúc và khổ đau. Giữa hai hướng đời cực kỳ đối trọi:-Nàng thực sự có tự do , đã nắm bắt được hạnh phúc thiên đường trong tay hay đang đứng trên bờ vực thẳm của định mệnh tàn khốc, chờ chực xô đẩy nàng xuống địa ngục của số kiếp đoạn trường ? Thế nên, dù đang ngồi đàn cho người yêu thưởng thức mà niềm vui nào có trọn, nỗi khắc khoải về số kiếp đoạn trường do bóng ma Đạm Tiên báo mộng, cũng như lời tiên tri của người thầy tướng thuở nào:” Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa”,vẫn không buông tha nàng.

Tâm người còn đang rối reng bời bời, buồn vui bất ổn như thế, thử hỏi tiếng đàn làm sao không hỗn loạn , phức tạp?

Bản đàn Thúy Kiều trình tấu buổi đầu tiên này cũng đã báo trước cho chúng ta hay, cuộc tình của họ rồi sẽ tan vỡ, và nàng Kiều sẽ phải trải qua nhiều năm lưu ly tân khổ. Đúng với số kiếp đoạn trường của khách tài hoa:

Anh hoa phát tiết ra ngoài
Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa.

Những là:

Ma đưa lối, quỷ dẫn đường
Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi.

Và:

Làm cho sống đọa, thác đầy
Đoạn trường cho hết kiếp này mới thôi.

Quả nhiên, sau lần hội ngộ đó Kim Trọng phải lên đường gấp về Liêu-dương hộ tang chú, còn Kiều thì gặp cảnh gia biến. Vương ông bị thằng bán tơ vu oan, bọn sai nha ập vào nhà khám xét, vơ vét tiền của. Vương ông và Vương Quan bị chúng tra khảo, đánh đập tàn nhẫn (cốt để moi tiền), rồi bị bắt đem đi. Kiều đành bán mình cho Mã Giám Sinh, một khách phương xa,để lấy tiền chuộc tội oan cho cha mà phải rời bỏ quê hương, xa lìa cha mẹ, phụ tình người yêu; thân thì bị đọa đầy trong kiếp gái lầu xanh, trong phận tôi đòi. Sau gặp được Từ Hải, một khách anh hùng nơi biên thùy, thương yêu, Kiều được trả ơn báo oán,mát mặt với đời.Chẳng bao lâu, Kiều vì tin vào lời dụ hàng của Tổng đốc Hồ Tôn Hiến, khuyên Từ Hải giải giáp, ra đầu phục triều đình.Từ bị họ Hồ lừa, phải chết thảm, còn Kiều bị ép gả cho một tên thổ quan. Quá đau đớn, tuyệt vọng, Kiều đã nhảy xuống sông Tiền Đường tìm cái chết.

May nhờ được sư bà Giác Duyên , nghe theo lời tiên tri cuả Tam Hợp đạo cô, đã thuê người chăng lưới vớt được Kiều lên , đem về cho tu ở thảo am của bà … Sau lần chết đi, sống lại đó, Kiều mới thực sự thoát khỏi số kiếp đoạn trường , được trở về sum họp cùng gia đình và người yêu xưa.
Phạm thị Nhung
Phượng Các
#9 Posted : Thursday, May 2, 2013 4:37:27 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Xin giới thiệu bài thơ mới nhất của "thi sĩ Cuốc đất":



"Mình xin thay mặt tổ hai,

Bàn về tác phẩm của ngài Nguyễn Du.



Đời Kiều sóng gió cầm tù,

Giờ đây hồn đã ngàn thu giấc tròn.

Sắc, tài sánh với nước non,

Khách hồng nhan vốn chẳng còn điểm chê.

Gặp Kim, như trúng bùa mê,

Cùng nhau ước hẹn quên thề Đạm Tiên.

Bỗng đâu oan lớn ập liền,

Thuý Kiều buộc phải kiếm tiền chuộc cha.

Chẳng may mắc bẫy Tú Bà,

Biến Kiều bỗng chốc thành quà thanh lâu.

Đương cơn nhục nhã tủi sầu,

Thúc Sinh xuất hiện, phép mầu nhuộm lên.

Tưởng rằng Kiều đã gặp hên,

Hoạn Thư đày đoạ như tên ngục tù.

Nàng đau trong nỗi căm thù,

Phận đời sóng gió mây mù xa trông.

Bạc Bà giết những kiếp hồng,

Lầu xanh Kiều lại vào tròng lần hai.

Chẳng còn nhờ vả được ai,

Kể như nàng đã tương lai mịt mù.

Từ Hải khí phách trời thu,

Kiều được giúp đỡ trả thù bấy lâu.

Ngỡ là chấm dứt nỗi sầu,

Lại Hồ Tôn Hiến hiểm sâu đánh lừa.

Từ Hải chết đứng không thưa,

Thuý Kiều lại kiếp ngày xưa quay về.

Đớn đau, nhục nhã ê chề,

Nàng nay chẳng muốn quay về nhân gian.

Tiền Đường kết liễu kiếp oan,

Giác Duyên giăng lưới nhặt khoan sẵn chờ.

Rời xa nhân thế bẩn dơ,

Nàng nương cửa Phật - cõi mơ nâu sồng.

Ngày kia hết kiếp long đong

Tái duyên Kim Trọng, thong dong sắt cầm.

Đến đây xin phép được ngừng,

Cảm ơn cả lớp chẳng ngừng lắng nghe!"
Phượng Các
#10 Posted : Monday, September 3, 2018 3:48:54 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Vì sao tôi bỏ tiền túi dựng nhạc kịch Kiều ở Paris?

Quốc Phương
BBC Tiếng Việt

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45399744
Phượng Các
#11 Posted : Wednesday, August 7, 2019 5:51:54 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Kiều Việt Nam, Kiều Trung Quốc, Kiều nào đẹp hơn?

Nguyễn Mạnh Hà
Gửi tới BBC từ Hà Nội

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-49079947
viethoaiphuong
#13 Posted : Saturday, March 7, 2020 6:51:51 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Truyện Kiều đến với khán giả Paris qua nhạc kịch đàn ca tài tử

Thanh Phương - RFI - 07/03/2020
Vào cuối tháng 3/2020, lần đầu tiên Truyện Kiều sẽ đến với khán giả Paris qua một vở nhạc kịch đàn ca tài tử. RFI phỏng vấn nghệ sĩ Trúc Tiên, người đã chuyển thể Truyện Kiều và cũng là người thủ vai chính trong vở nhạc kịch này.

Trăm năm trong cõi người ta,

Chữ Tài chữ Mệnh khéo là ghét nhau.

Trải qua một cuộc bể dâu,

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.


Có lẻ những ai được học về văn học Việt Nam cũng đều thuộc nằm lòng, hay ít ra đã từng đọc qua 4 câu thơ nổi tiếng của Truyện Kiều, một kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du, người đã được tổ chức UNESCO tôn vinh là danh nhân văn hóa thế giới.

Cho đến nay Truyện Kiều đã được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ khác nhau với rất nhiều bản dịch, cho thấy đây là một kiệc tác mang tầm vóc quốc tế, một tài sản chung của nhân loại.

Lần đầu tiên Truyện Kiều sẽ đến với khán giả Paris qua một vở nhạc kịch đàn ca tài tử sẽ được trình diễn ngày Chủ nhật 29/03/2020 tại Théâtre Saint Léon, 11 Place du Cardinal Amette quận 15 Paris.

Đây là một trong những sinh hoạt của nhóm Cội Nguồn do nghệ sĩ Trúc Tiên sáng lập và cũng chính Trúc Tiên là người chuyển thể Truyện Kiều thành nhạc kịch đàn ca tài tử. Hôm nay, RFI Việt ngữ rất hân hạnh đón tiếp Trúc Tiên tại phòng thâu của đài.

RFI : Vì sao Trúc Tiên chọn Truyện Kiều của Nguyễn Du để chuyển thể thành nhạc kịch đàn ca tài tử?

Trúc Tiên : Lý do thứ nhất là Truyện Kiều có rất nhiều ảnh hưởng vào tiếng Việt của mình. Phạm Quỳnh có nói : « Truyện Kiều còn, tiếng Việt còn. Tiếng ta còn, thì nước ta còn ». Hồi nhỏ, khi học câu này thì Trúc Tiên không hiểu sâu lắm. Khi rời Việt Nam sang Pháp sống, mình thấy là con em của mình cần phải gìn giữ tiếng Việt. Lúc dạy tiếng Việt, Trúc Tiên đọc đi, đọc lại Truyện Kiều từng câu từng đoạn, thì mới thấy là trong Truyện Kiều có rất là nhiều thành ngữ mình dùng hằng ngày, mà có lúc mình quên đi, như là « xa chạy, cao bay », hay « mèo mả gà đồng », « kiến bò miệng chén ». Hay là có những câu thơ thường được dùng trong âm nhạc, như « có trời mà cũng tại ta », « tu là cõi phúc, tình là dây oan », hay những hình ảnh biểu tượng như Sở Khanh để chỉ những anh hay gạt gẫm, hay mấy chị ghen như Hoạn Thư.

RFI : Từ khi nào Trúc Tiên nảy ra ý định chuyển thể Truyện Kiều và khi nào thì bắt đầu chấp bút để soạn kịch bản ?

Trúc Tiên : Trúc Tiên mê Truyện Kiều từ nhỏ, vì thơ của ông rất là giản dị, thơ lục bát rất là hay. Trúc Tiên học Truyện Kiều cũng là để học thêm tiếng Việt, vì Trúc Tiên sang Pháp lúc mới 10 tuổi. Trúc Tiên đã rất mong có một ngày nào đó chuyển thể Truyện Kiều thành đàn ca tài tử, một thể loại nhạc mà Trúc Tiên rất yêu mến.

RFI : Truyện Kiều rất dài, chuyển thể thành đàn ca tài tử giống như là mình phổ nhạc nhiều bài thơ khác nhau, chắc rất là khó khăn ?

Trúc Tiên : Dạ phải. Khó khăn đầu tiên đó là mình phải để càng nhiều càng tốt những câu thơ của Nguyễn Du trong các điệu đàn ca tài tử. Những bài đàn ca tài tử có trước thì chỉ lác đác vài bài, mà là theo thể loại đàn ca tài tử kể chuyện, cho nên rất ít thơ của Nguyễn Du.

RFI : Cụ thể Trúc Tiên chọn chuyển thể những đoạn nào ?

Trúc Tiên : Truyện Kiều rất là dài, hơn 3.000 câu và đúng là trong đó có rất nhiều đoạn hay, nhưng Trúc Tiên không thể nào chuyển thể hết được, nên phải chọn. Đoạn đầu tiên mà Trúc Tiên chọn là « Trăng thề vườn Thúy », nói về mối tình đầu của Kiều với Kim Trọng, sau đó là một đoạn mà Nguyễn Du tả rất là dễ thương về hai chị em Thúy Kiều và Thúy Vân, đó là « Tình chị duyên em ».

Có những nhân vật như Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh thì mình không thể nào quên được, đó là những người đã đưa Kiều vào kiếp đoạn trường. Nói đến Kiều thì cũng không thể nào quên được Hoạn Thư, ghen rất là thông minh để giữ chồng mình. Và mỗi lần Trúc Tiên nói chuyện với các bác thì các bác hay hỏi : « Có Từ Hải không ? », thì thưa có, sẽ có đoạn về Từ Hải và Kiều. Từ Hải rất anh hùng và cũng rất là đa tình.

RFI : Và có lẽ Trúc Tiên cũng thấy nội dung của Truyện Kiều cho tới nay vẫn mang tính thời sự, tức là ai trong chúng ta cũng nhận thấy mình trong một nhân vật nào đó trong Truyện Kiều?

Trúc Tiên : Đúng như vậy. Truyện Kiều rất là tân thời, dù Nguyễn Du đã viết đầu thế kỷ 19. Hồi nhỏ Trúc Tiên có xem được bói Kiều ở Mỹ Tho. Các bác để Truyện Kiều ở giữa, ngồi chung quanh, rồi có một người khấn, hỏi một câu gì đó cho tương lai, rồi nhắm mắt lại, mở Kiều ra. Hễ tay chỉ đến câu nào thì câu đó sẽ là câu trả lời. Những câu, những đoạn trong Kiều rất là tân thời, thời nào cũng nói lên được tâm trạng của một người nào đó.

RFI : Để thực hiện vở nhạc kịch đàn ca tài tử này, Trúc Tiên sẽ huy động những nghệ sĩ trong nước, cũng như ở Paris. Cụ thể đó là những ai ?

Trúc Tiên : Là nhạc kịch, nên nó có một số phần tân nhạc. Anh Ngô Càn Chiếu sẽ giúp Trúc Tiên phổ phần tân nhạc. Về phía nhạc sĩ, từ Việt Nam sang có anh Văn Môn ( đàn guitare phím lõm ), anh Huỳnh Tuấn ( đàn kềm và đàn bầu ). Ở Paris có chị Thu Thảo ( đàn tranh ), anh Mai Thanh Nam ( thổi sáo ), anh Trang Bá Tùng ( keyboard ) và nhóm Souppaya sẽ chơi nhạc classique.

Một trong những khó khăn trong việc thực hiện vở nhạc kịch này là Trúc Tiên muốn làm hai thứ tiếng Việt và Pháp, để các bạn Pháp cũng hiểu được văn hóa Việt Nam. Cho nên sẽ có chị Tố Lan kể chuyện bằng tiếng Pháp và nhóm Souppaya chơi nhạc classique. Ngoài ra có anh Linh Quang đóng vai Nguyễn Du. Về các ca sĩ thì có anh Đình Đại, chị Phương Khanh, chị Kim Hoa, anh Văn Đệ, anh Tri Văn ở giáo xứ Paris, anh Công và một số anh chị em khác nữa.

Bên này không có ai là chuyên nghiệp, ai cũng đi làm, nhưng đều rất yêu mến nghệ thuật cổ của mình và muốn gìn giữ nó. Cho nên Trúc Tiên cám ơn các anh chị đó rất nhiều đã giúp trong vở này.

RFI : Vì sao Trúc Tiên chọn nhà hát Saint-Léon làm nơi diễn vở nhạc kịch này ?

Trúc Tiên : Vì nhạc kịch này cần một không gian lắng đọng để thưởng thức những câu thơ của Nguyễn Du, nghe những tiếng đàn cổ. Trúc Tiên muốn có một không gian rất yên lặng, dễ thương và êm đềm để mình nhớ lại quê hương của mình và hiểu được mình phải gìn giữ văn hóa của mình, dù không còn trong nước mình. Đó cũng là mong muốn của Hội Cội Nguồn.

Thi ca nhạc kịch "Dòng Đời"

Một sinh hoạt văn nghệ đáng chú ý khác của cộng đồng người Việt tại vùng Paris, đó là chương trình Thi Ca Nhạc Kịch chủ đề "DÒNG ĐỜI", sẽ được được trình diễn ngày 08/05/2020 lúc 14g30, cũng tại Théâtre Saint Léon, 11 place Cardinal Amette 75015 Paris, do hai nghệ sĩ Mỹ Ly và Băng Nhân thực hiện, với có sự tham gia của các ca, nhạc sĩ được cộng đồng Việt Nam ái mộ. Phần lợi nhuận của chương trình này sẽ sẽ được tặng hết cho Hội Cứu trợ Thương Phế Binh VNCH.

Phượng Các
#14 Posted : Thursday, April 2, 2020 5:07:30 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Lẩy Kiều thời đại dịch corona:

Từ rày khép cửa phòng thu,
Chẳng tu thì cũng như tu mới là
!Scared
nguyen1
#12 Posted : Saturday, April 4, 2020 4:47:24 AM(UTC)
nguyen1

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/23/2013(UTC)
Posts: 1,091
Points: 3,294

Was thanked: 104 time(s) in 92 post(s)
Originally Posted by: Phượng Các Go to Quoted Post
Kiều Việt Nam, Kiều Trung Quốc, Kiều nào đẹp hơn?

Nguyễn Mạnh Hà
Gửi tới BBC từ Hà Nội

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-49079947



- Về tâm lý nhân vật, hai cô Kiều có gì khác nhau, thưa ông?

- Kiều của Nguyễn Du đẹp hơn, quý phái hơn, tính cách nhất quán hơn, có tình hơn nhiều. Còn cô Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân nhiều khi rất dung tục.


Kiều của Nguyễn Du thành Kiều Việt Nam!
Người viết bóp méo để lôi cuốn thêm người đọc Bored !?!

Phượng Các
#15 Posted : Wednesday, April 8, 2020 1:04:20 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Quote:
Kiều- từ một nữ nhân bên lề tiến trình lịch sử Trung Quốc tới nữ chính mẫu mực tiêu biểu trong văn học Việt Nam.


Blink BigGrin

nguyen1
#16 Posted : Sunday, April 12, 2020 5:03:18 AM(UTC)
nguyen1

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/23/2013(UTC)
Posts: 1,091
Points: 3,294

Was thanked: 104 time(s) in 92 post(s)


Sao không thấy PC ghi câu đó lại khi giới thiệu bài?
Bộ bây giờ đọc lại mới thấy dã tâm của kẻ 'làm báo nói láo ăn tiền' Blink !

Không biết mấy vị bị phỏng vấn có phản hồi lại không? hay là lỡ 'há miệng' bị 'mắc quai' rồi ?

nguyen1
#18 Posted : Tuesday, April 14, 2020 12:24:23 PM(UTC)
nguyen1

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/23/2013(UTC)
Posts: 1,091
Points: 3,294

Was thanked: 104 time(s) in 92 post(s)

Không biết những vị nêu vấn đề Kiều Việt, Kiều Tàu nghĩ gì khi thấy bìa của cuốn sách này?
Các vị có tính tẩy chay không?





(hình: NET)
Phượng Các
#17 Posted : Wednesday, April 15, 2020 2:49:16 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Originally Posted by: nguyen1 Go to Quoted Post


Sao không thấy PC ghi câu đó lại khi giới thiệu bài?
Bộ bây giờ đọc lại mới thấy dã tâm của kẻ 'làm báo nói láo ăn tiền' Blink !



Co' thể nói rõ hơn về "dã tâm" không ?
nguyen1
#19 Posted : Thursday, April 16, 2020 2:21:23 AM(UTC)
nguyen1

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/23/2013(UTC)
Posts: 1,091
Points: 3,294

Was thanked: 104 time(s) in 92 post(s)


PC nghĩ sao khi trích câu này :

Kiều- từ một nữ nhân bên lề tiến trình lịch sử Trung Quốc tới nữ chính mẫu mực tiêu biểu trong văn học Việt Nam.

Blink

Phượng Các
#20 Posted : Friday, April 24, 2020 1:50:04 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Thấy mắc cười vì nghe cụm từ "nữ chính mẫu mực tiêu biểu" lại chợt nhớ tới ông (hình như) Huỳnh Thúc Kháng gọi Thuý Kiều là "con đĩ Kiều". Người ta thích truyện Kiều của Nguyễn Du vì ngôn ngữ, xúc cảm trong lời thơ chớ nội dung truyện thấy cũng thường thôi mà. Nhưng không phải là không có người bị ảnh hưởng trầm trọng triết lý trong ấy và lấy đó làm kim chỉ nam cho cuộc sống của họ .
Users browsing this topic
Guest (5)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.