Rank: Advanced Member
Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 9,291 Points: 11,028
Thanks: 758 times Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
|
Bị Xe Lửa Cán Nát Người Mà Vẫn Can Đảm Sống
Không ai có thể tưởng tượng một tai nạn ghê gớm xảy ra cho cô Daniela García. Nhưng cô gái 29 tuổi vẫn tiếp tục phấn đấu để sống, và còn nói: “Câu chuyện của tôi có kết thúc rất đẹp, và hạnh phúc.”.
Cô bước đi một cách tự tin vào hành lang của Viện Phục Hồi Trẻ Em Tàn Tật ở thủ đô Santiago của nước Chile . Cha mẹ của các em trong viện mỉm cười thán phục sự thành công của các bác sĩ trong viện đã giúp các bệnh nhân phục hồi khả năng tự lập của người mình. Nhất là khi họ trông thấy cô gái chìa cái móc sắt của bàn tay cho mọi người xem.
Cô Daniela Garcia không để ý đến những cái nhìn chòng chọc, tò mò, của các em bé bệnh nhân trong viện, bởi vì cô thừa hiểu rằng các em bé này cũng có những khuyết tật trong người, và các em cần sự can đảm vượt bực để thắng lướt những nhựợc điểm về hình hài của các em. Cô không cảm thấy khó chịu khi có em hỏi cô: “Tại sao chị lại có cái móc ở bàn tay của chị?” Các em đâu có ngờ cô còn mang cả đôi chân giả bằng thép nữa.
Cô Daniela tâm sự: “Tôi còn cảm thấy thích khi nghe các em hỏi như vậy. Bởi vì điều đó có nghĩa là chúng tôi có sự gần gũi, gắn bó với nhau.”.
Cô Daniela năm nay được 29 tuổi, cô trở thành một phụ nữ nổi tiếng nhất nước Chile hiện nay. Cô được tặng danh vị “Woman of the Year”, Người Phụ Nữ Danh Dự Trong Năm, hai năm liên tiếp 2006 và 2007. Cuốn sách tự truyện về cuộc đời của cô, Elegí Vivir (I Choose to Live- Tôi Nhất Định Phải Sống) trở thành cuốn sách bán chạy nhất trong nước. Nhưng cô là mẫu người nổi tiếng có tâm hồn. lương tâm đạo đức. Cô không muốn trở thành một người nổi tiếng chỉ vì mình “là một thiếu nữ gặp tai nạn khủng khiếp”. Cô không coi đó là một thảm kịch, cô gọi đó là một câu chuyện có hồi kết thúc rất đẹp, và hạnh phúc.
Cho đến ngày 30 tháng Mười năm 2002, cô Daniela Garcia vẫn có một cuộc sống yên lành sung túc, không có gì phải lo âu phiền muộn. Sinh trưởng trong một gia đình khá giả, thuộc tầng lớp xã hội quí phái ở Chile . Cha của cô, ông Cristian Ga rcia là một bác sĩ nhi khoa, và giáo sư đại học dạy tại trường Pontificia Universidad Catolíca de Chile, mẹ của cô, bà Leon or Palomer là một nha sĩ. Bà tạm ngưng làm việc một thời gian để ở nhà chăm sóc cô Daniela, hai người em trai sinh đôi, và ba người em trai khác nữa, khi các con của bà còn nhỏ.
Là một học sinh xuất sắc, cô Daniela được theo học tại trường y khoa PUC, một trong những trường nổi tiếng của Chile . Ở tuổi 22, cô Daniela đang học vào giai đoạn cuối của năm thứ tư. Người bạn trai của cô đang học về ngành thương mại. Hai cô cậu thích đi chơi ngoài trời. Lúc rảnh, hai người hay đạp xe đạp, và chơi thể thao chung với nhau.
Hôm đó là một ngày hè nóng nực ở miền Nam bán cầu, cũng là lúc các sinh viên phải vùi đầu vào bài vở để lo cho kỳ thi cuối năm. Vào dịp này, thường có nhiều cuộc thi đấu thể thao giữa trường y khoa, gọi là Inter-Medical School Games. Đây là dịp để các sinh viên y khoa tranh tài thể thao với nhau trong bốn ngày, về các môn bóng chuyền, bóng rổ, bơi lội, quần vợt, và bóng tròn. Năm nay, các trận đấu sẽ diễn ra tại thành phố Temuco , cách thủ đô Santiago khoảng 400 dậm về phía nam.
Daniela không chắc cô muốn đi coi đấu bóng. Cô còn lo ngại kỳ thi cuối năm về môn Da Bì sắp cận kề. Lại nữa chuyến đi Temuco cũng khá xa, và tốn kém không ít. Phải mất chín giờ đồng hồ ngồi trên xe lửa. Ngoài ra, cô cảm thấy có điềm gì khó ở trong người, không được thoải mái về chuyến đi chơi.
Nhưng rồi bạn bè cùng lớp cứ năn nỉ cô đi chung, bởi vì cô là một trong những cổ động viên sáng giá cho đội bóng tròn trong trường. Cuối cùng thì cô cũng siêu lòng.
Lúc đến sân ga, cô không được hài lòng khi trông thấy cảnh tượng ở nhà ga xe lửa. Để có thể đáp ứng nhu cầu chuyên chở số hành khách sinh viên đi Temuco quá đông, công ty xe lửa vận dụng lại các toa xe cũ mèm từ thời xưa để nối vào các toa xe hiện nay. Các toa xe cũ với nước sơn tróc loang lổ, cửa sổ cái còn cái hỏng, dơ dáy, và bóng đèn trong toa xe bị cháy bóng, hay vỡ nát, không hoạt động được nữa. Cô phải tự nhủ trong lòng. Thôi cứ bình tĩnh, dầu sao thì đi bằng xe lửa cũng rất an toàn.
Khi xe lửa bắt đầu chuyển bánh, một vài sinh viên mang đàn ghi ta ra chơi những bản nhạc đồng ca quen thuộc, và yêu cầu cô Daniela cất tiếng hát bài “Dance with us”. Nhưng tối hôm nay, cô cảm thấy trong lòng bụng dạ không yên, và không có hứng để hát. Cô ngồi ngó mông lung ra ngoài trời cao tối sẫm, thỉnh thoảng có vài vì sao ở tận ngoài xa.
Vào khoảng 10 giờ tối, tức là độ hơn một tiếng đồng hồ sau khi chuyến xe chuyển bánh, hai người bạn rủ cô Daniela đi sang các toa xe khác để tìm bạn bè quen.Ngọn đèn trên trần bị chết bóng, tối thui, vì vậy nhóm bạn phải vất vả đi dọ dẫm trong bóng tối, một người bạn đi trước Daniela, một người bước phía sau. Thật không ngờ cho cô Daniela, cái trụ nối giữa hai toa xe, không hiểu vì lý do gì bị hở ra, không nằm đúng vị trí của nó. Người bạn của Daniela, anh Diego cao lênh khênh, với đôi chân dài, nên anh có thể dễ dàng, nhún mình một cái là nhảy qua khoảng trống đó. Đến lượt cô Daniela, chiếc xe lửa đang đi đến một khúc có đường rầy cong cong, khiến cho khoảng cách mở lớn thêm nữa. Cô dượm chân bước tới, và cảm thấy như mình bị bước hụt vào khoảng không. Hai người bạn của cô mới ở gần cô cách đó có một phút, giờ này cô không còn thấy họ đâu cả.
Một hành khách đang đứng hút thuốc trong toa xe gần đó, vội vàng lên tiếng: “Ê!, Coi kià! Cô gái đó vừa bị ngã xuống đường rầy xe lửa rồi.”.
Giống như người vừa thức dậy sau một giấc ngủ mê dài, cô Daniela nhận ra mình đang nằm giữa đường rầy xe lửa trong đêm tối âm u.
Cô không cảm thấy đau đớn gì cả, hình như có cái gì âm ấm, nhờn nhuạ trên mặt của cô – thì ra có máu đọng trên khoé mắt bên trái của cô. Cô đơ tay trái để lên chùi mớ tóc dính trên mắt, nhưng cô làm không được. Cô ráng làm thử lần nữa, nhưng hình như tay cô đang quờ quạng trên không. Hoảng hồn, cô tìm cách ngửng đầu lên để quan sát. Cô hết hồn khi nhận ra bàn tay của cô không còn nữa, nguyên cả phần dưới cánh tay trái đã không còn trên người cô nữa.
Cô nhìn sang phía bên phải: Cánh tay phải và bàn tay phải cũng bị thương nát bầm. Lần đầu tiên cô định cử động, và cô thấy đau đớn vô cùng.
Cô Daniela không còn dám nhớ đến những gì cô trông thấy trên thân thể của mình. Nguyên cả chân trái của cô bị cưa đứt lià khỏi người, từ hông trở xuống. Chân phải của cô thì mất từ đầu gối trở xuống. Sau khi nhận ra tất cả tứ chi của mình đều trở nên vô dụng, cô rất sợ. Nhưng là một sinh viên y khoa, cô tự nhủ mình không được hoảng hốt.
Cô nhận thấy số lượng máu cô bị mất khá nhiều, nhưng nếu cứ nằm mãi ở đây, một chuyến xe lửa khác đi tới chắc cô sẽ chết mất. Cô phải tìm cách ra khỏi khúc đường rầy xe lửa này, và tìm nơi cấp cưú, nếu không cô sẽ phải chết. Cô đang nằm ngay ở khúc đường rầy cong cong. Ở một bên, cô trông thấy có hàng rào cao che khuất, còn bên kia là cánh đồng của nông dân. Tuốt ở ngoài xa, cô trông thấy có ánh đèn le lói, trông như là ánh đèn của một trạm bán xăng dọc theo xa lộ. Có lẽ, cô có thể đến đó được nếu cô ráng bò từng chút một.
Mặc dù bị thương nặng, song không hiểu bằng cách nào đó, cô đã có thể trườn mình ra khỏi đường rầy xe lửa. Cô đang nằm ở khúc mặt đất giữa hai tuyến đường rầy, một đi về hướng bắc, và một đi về hướng nam. Nhưng rồi cô không thể bò xa hơn được nữa. Cô tìm cách hét thật to để xin cầu cứu. “Bà con ơi! Hãy cứu tôi với.”
Một bác nông dân đi làm du canh tên là Ricardo Mo rales, đi lang thang ra ngoài trời để hút xì gà. Vợ của bác chịu không nổi mùi xì gà nên bắt bác phải hút thuốc ở ngoài trời. Khi chuyến xe lửa chạy ngang qua, bác còn đứng ở gần đường rầy xe lửa hút thuốc. Bác nghe tiếng đám sinh viên hát vang lừng từ trong xe lửa. Bây giờ, đột nhiên bác nghe tiếng cô Daniela kêu cứu. Bác chạy lại phía cô gái, và nói với Daniela: “Đừng có cử động gì cả. hãy nằm yên tại đó, để tôi kêu người đến cấp cứu cho.”. Sau đó, bác chạy vội xuống cây xăng để nhờ tiếp cứu.
Mặc dù lắng nghe thật kỹ chi tiết về tai nạn, người nhân viên cứu thương tên là Victor Solis không hy vọng nạn nhân còn sống sót khi anh tìm thấy cô ta. Ngay sau khi nhận được tin, năm phút sau, anh Victor đã đến hiện trường. Anh vội vàng đi theo ông Morales, trong lúc đó anh Patricio Herrera, một nhân viên cấp cứu khác ôm theo mớ dụng cụ y khoa theo sau.
Một đám chó hoang đang vây quanh cô Daniela , hú rầm trời như để doạ nạt cô Daniela. Anh Victor Solis phải xua tay đuổi chúng đi chỗ khác, khi anh đến gần nạn nhân. Lúc bấy giờ cô Daniela đang rên rỉ đau đớn, song thật là lạ, cô vẫn tỏ ra tỉnh táo, minh mẫn. Anh phải kinh ngạc khi thấy cô gái khai tên tuổi của cô, tên của cha mẹ, số điện thoại của cha mẹ cô, số điện thoại của mấy người chú, cậu trong gia đình, và cả tên bác sĩ thường chăm lo cho cô. Anh Victor quì xuống bên cạnh cô và khuyên cô hãy yên lặng: “Cô đừng nói nữa, nằm yên, để chúng tôi lo cho.” Anh Herrera và hai nhân viên cứu thương khác cùng chạy đến nơi.
Anh Herrea lớn tiếng hỏi: “Cô ta có chết chưa?”.
Nghe được câu nói này, Daniela tự hỏi: “Mình có chết chưa? Có thể mình đã chết rồi hay chăng?”. Cô Daniela vội hét thật to: “Tôi chưa chết”. Anh Herrera giật mình kinh ngạc trước tiếng hét thật to của cô gái bị nạn. Tiếng nói của cô nghe còn mạnh mẽ lắm.
Toán cấp cứu vội vàng làm những biện pháp khẩn cấp để cứu cho cô gái. Trước hết, họ tìm cách làm cầm máu chảy, và tiếp nước biển vào người cô gái.. Đột nhiên họ lại nghe có tiếng rầm rầm trên đường rầy xe lửa, và nghi rằng một chuyến xe lửa khác sắp chạy ngang qua đây. Họ không thể đứng tại đây lâu được nữa. Nhưng làm các nào để đưa cô gái ra khỏi đây bây giờ.
Anh Solis nói với cô gái: “Chúng ta phải đi thôi. Chúng tôi sẽ quanh lại ngay tức khắc.”.
Daniela khóc, và nói: “Đừng bỏ tôi ở đây một mình.”. Trong lúc đó, toán cấp cứu nhảy tránh sang một bên. Cô Daniela nghe thấy có luồng gió thổi rất mạnh qua mặt mũi của mình khi đoàn xe lửa chạy ngang qua. Đoàn xe đi mãi, thật là lâu mới hết. Sau khi đoàn xe đi khỏi, toán cấp cứu chạy bổ trở lại, và họ mừng khi thấy cô Daniela còn sống.
Mười một phút sau khi đến nơi, toán cấp cứu đã đưa được Daniela lên xe cứu thương, và vài phút sau, họ đưa cô đến bệnh viện. Cô hỏi họ: “Liệu chừng tôi có sống được không hả các ông?”.
Nét mặt lo âu, buồn bã của các cô y tá làm cho Daniela lo sợ thêm. Cuối cùng khi người ta đưa cô vào thang máy để lên phòng giải phẫu, cô trông thấy một bác sĩ mặc áo giải phẫu, có ánh mắt hiền từ, và bộ râu quai nón, cô hỏi: “Bác sĩ ơi! Liệu tôi có sống được không?”. Ông mỉm cười và nói với cô: “Không sao đâu. Cô sẽ bình phục.”.
Cho đến lúc đó, cô Daniela mới cảm thấy dễ chịu, và nhắm mắt lại để thư dãn. Cô tự nhủ: “Mình đã làm hết sức mình rồi. Thôi thì đành để cho số phận đưa đẩy thôi.”
Điện thoại liên lạc với gia đình Garcia vào khoảng 11 giờ tối. Hai người em trai sinh đôi của cô trả lời điện thoại; mẹ cô nghe hai đứa trẻ khóc, bà hỏi thăm mới biết đầu đuôi câu chuyện. Cha của cô Daniela lúc bấy giờ đang làm công tác thiện nguyện tại bệnh xá dành cho người vô gia cư. Bà Leonor báo tin cho ông hay, và cho biết nhân viên bệnh viện nói rằng Daniela bị thương rất nặng, họ cần gia đình đến ngay lập tức.
Người bạn trai của Daniela, cậu Ricardo nhận được tin do một người bạn đi cùng chuyến xe với cô Daniela cho biết. Anh ta cũng vội vàng đi đến bệnh viện để đi gặp Daniela cùng với gia đình.
Bánh xe toa xe lửa đã nghiến nát chân tay của Daniela, hai chân của Daniela không thể gắn trở lại vào người. Tuy nhiên, bác sĩ tìm cách rửa sạch, băng bó chỗ da thịt bị cắt lìa để vết thương mau lành. Kế đến. bệnh viện đưa cô Daniela đến phòng hồi sinh. Và đánh thuốc mê cho cô giảm đau trong hai ngày. Khi tỉnh dậy, ra khỏi phòng ICU, cô trông thấy mặt cậu Ricardo, và hỏi: “Anh có giúp em hồi phục được không?”.
Ricardo trả lời: “Vâng. Được chứ. Anh sẽ giúp em.”. Tuy nói như vậy, nhưng trong lòng anh Ricardo, anh rất lo không hiểu mình có thể đảm đương được việc đó hay không.
Suốt thời gian nằm điều trị ở bệnh viện, nhiều lúc cô Daniela cảm thấy bàn chân và bàn tay của cô bị đứt lià đau đớn như thể là đang bị nướng trên lửa. Cô có cảm giác như mình vừa đút ngón tay vào lỗ cắm điện, và bị điện giật. Hiện tượng đó trong y khoa gọi là cơn đau vô hình ma quái- phantom pain- gây nên bởi sự biến động trong hệ thống thần kinh, chạy từ não bộ đến những bộ phận chân tay bị đứt lià. Thuốc giảm đau chỉ làm bớt một phần rất nhỏ cho những cơn đau hực lửa này. Cuối cùng, chỉ có phương pháp thiền định, và tập vật lý trị liệu gọi là Reiki mới giúp cho cô giảm đau, và kiểm soát được phản ứng của những tế bào thần kinh.
Trong lúc đó, cha của cô là một y sĩ nên ông đi tìm những danh sư giỏi nhất để giúp cho cô con gái phục hồi cơ thể. Cuối cùng, ông chọn Viện Phục Hồi Moss thuộc trường đại học Albert Einstein University để chữa trị cho cô Daniela. Viện phục hồi này ở ngoại ô thành phố Philadelphia , Hoa Kỳ. Một ngày thứ Bẩy trong tháng Hai, tuyết rơi khá nhiều, cô Daniela đã được đưa đến đây để điều trị. Cô ở đây điều trị sáu tuần lễ, tập cách đi, cách mặc quần áo, tự ăn uống lấy, và làm những việc cần thiết hàng ngày với chân tay gỉa.
Bốn ngày sau khi Daniela đến Viện Phục Hồi, cô chuyên viên tập vật lý trị liệu tên là Maria Lucas mang đến cho Daniela một bộ chân, tay giả để cô dùng thử. Cô Daniela nghĩ rằng đây là vật dụng bằng nhựa dẻo, và thép tuyệt vời nhất cô từng thấy. Sau khi gắn thử chân giả vào, với sự giúp đỡ của Maria Lucas, cô Daniela đứng bật dậy. Cô mừng hết sức. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày bị tai nạn, cô có thể tiếp xúc với người khác, nói chuyện và nhìn thẳng vào mắt họ.
Tinh thần thể thao, và lòng cương quyết vốn có sẵn trong người Daniela, đem lại cho Daniela những kết quả tức thì. Cô Daniela nói ngay: “Chị Maria, giúp tôi đứng dậy, và dìu tôi đi.”. Cô Daniela nhớ lại là cô Maria Lucas đã từ chối yêu cầu này. Vì cô ta nghĩ rằng phải có một thời gian làm quen với đôi chân giả, và tập luyện mới có thể dìu Daniela đi được. Cuối cùng vì Daniela cương quyết đòi hỏi quá, cô Lucas bèn cho Daniela đứng thử một mình, Daniela đứng vững một mình, và cả hai cùng rúc rích cười.
Bây giờ thì cô Lucas biết Daniela là lọai người có nghị lực, nên cô càng thôi thúc tập luyện gấp cho Daniela, và Daniela cũng cố gắng vượt bực. Cô kể lại: “Nếu chị Maria bảo tôi đi từ đây đến kia, một quãng ngắn. Tôi sẽ ráng làm gấp đôi quãng đường đó. Tôi nhớ tôi ráng tập thật nhiều, làm tôi mệt lử. Có khi tôi chẳng cần ăn tối, đi thẳng đến giường và ngủ luôn cho đến sáng.”
Không những cơ thể của Daniela được hồi phục mau chóng, cô còn tạo được sự cảm mến, thân tình với Bác sĩ Alberto Esquenazi, trưởng phòng tập vật lý trị liệu tại Viện Moss. Vị bác sĩ này nói thông thạo tiếng Tây Ban Nha. Ngoài ra, ông cũng bị mất một bàn tay phải khi xảy ra vụ nổ tại phòng thí nghiệm nơi ông làm việc trước đây. Bàn tay của ông bây giờ được thay thế bằng cái móc sắt, và ông sử dụng móc sắt đó rất nhuần nhuyễn, tự động, không cần phải suy nghĩ. Trông gương bác sĩ Alberto, cô Daniela hy vọng cô cũng có thể sử dụng bàn tay giả của cô thoải mái như vậy. Cô hứa với bạn bè ở trường Y khoa là cô sẽ quanh trở về học tiếp. Giờ đây, cô nghĩ ước mơ đó có thể thành sự thực.
Cô học cách sử dụng các bắp thịt sau lưng , gắn vào một sợi dây cáp để có thể mở ra đóng vào cái móc bằng thép của bàn tay giả. Tập mãi đâm quen. Bây giờ cô có thể dùng bàn tay giả để trang điểm lấy với những dụng cụ trang điểm để trong một túi nhỏ. Thậm chí cô còn có thể dùng bàn tay giả đó để nhặt sợi tóc dính trên ống quần của cô.
Mỗi khi đạt được thành tích mới trong tiến trình tập luyện, cô mừng vô hạn. Tuy nhiên, ban huấn luyện trong Viện Moss vẫn còn lo, sợ một ngày nào đó Daniela có thể sụp ngã. Bác sĩ Esquenazi biết trước rằng những người bị cưa chân thường nôn nóng muốn dùng thử những phát minh mới của kỹ thuật khoa học, để thế chỗ cho phần thân thể bị mất. Cho đến một ngày, họ nhận ra sự thực là khoa học, kỹ thuật và thuốc men cũng có giới hạn của nó. Khi đó, họ trở nên thất vọng. Thực vậy, chính cô Daniela cũng phải ngậm sầu nuốt tủi khi cô nhận ra được điều này. Cô tâm sự: “Cái sốc lớn nhất cho tôi là khi tôi nhận thức được rằng hoàn cảnh của tôi không bao giờ có thể được hoàn hảo như trước khi xảy ra tai nạn. Dù cho kỹ thuật làm chân tay gỉa có tinh vi, tân tiến đến đâu đi nữa, không có gì có thể thay thế được tay chân ngày xưa của tôi. Thật là khó để có thể chấp nhận sự thực đau lòng này.”.
Bác sĩ Esquenazi không tìm cách dụ ngọt cô bằng những lời đường mật. Ông nói thẳng với cô: “Cô sẽ mãi mãi nhớ đến bàn tay cũ. Chúng tôi không có thể làm gì để thay thế hoàn toàn được bàn tay cũ được. Tuy nhiên, cô có hai chọn lựa. Hoặc là cô tìm cách sống ẩn dật, xa lánh mọi người, hay cô vui lòng chấp nhận những gì cô đang có.”.
Cô Daniela biết ông bác sĩ nói đúng, và nói thật, và cô chấp nhận lời khuyên của ông: “Cuộc đời của cô sau này sẽ ra sao là tùy ở việc cô làm với đôi bàn tay, bàn chân gỉa hiện nay.”.
Cô tự an ủi: “Tôi quyết định rằng từ nay về sau, nếu có những hạn chế trong quá trình phục hồi- đó sẽ là do cơ thể của tôi, chứ không phải do đầu óc của tôi.”
Sau sáu tuần tập vật lý trị liệu ở Viện Moss, cô Daniela bay trở về nước. Cậu Ricardo ra tận phi trường chờ đón cô. Cô bước từ từ bằng đôi chân giả đến ôm cậu Ricardo. Hai người ôm lấy nhau mừng tủi.
Đúng một năm sau, cô Daniela quanh trở lại trường y khoa để học tiếp. Cô cương quyết sẽ học một cách bình thường, không cần một sự nâng đỡ đặc biệt nào cả. Cô sẽ trở thành một y sĩ chuyên về phục hồi giống như bác sĩ Esquenazi. Tháng Chín năm 2007, trước sự hiện diện của hơn 300 người thân, bạn bè, và quan khách, cô Daniela và cậu Ricardo làm lễ thành hôn.Tối hôm đó, hai người khiêu vũ đến tận khuya. Và mùa thu năm ngoái cô Daniela quanh trở lại Viện Phục Hồi Moss. Kỳ naỳ cô đến đây không phải với tư cách bệnh nhân, mà đến để tu nghiệp. Cô cần hoàn tất giai đoạn huấn luyện sau cùng, gồm sáu tháng tập sự tại Viện Phục Hồi Moss để chính thức trở thành y sĩ chuyên về phục hồi.
Đến tập sự tại Viện Phục Hồi Moss một thời gian ngắn, cô đứng ra diễn thuyết, nói chuyện với các y sĩ, y tá, nhân viên, và bệnh nhân đang có mặt trong Viện Moss. Cô kể lại trường hợp cô gặp tai nạn, và những gì xảy ra sau đó. Khán gỉa trông thấy cái móc sắt ở bàn tay của cô, nhưng không một ai biết rằng cô cụt cả tứ chi, vì cô đi đứng rất khoan thai tề chỉnh.
Bà y tá Maria Lucas kể lại như sau: “Mọi người đều kinh ngạc. Cô Daniela có khả năng, và quyết tâm chấp nhận hoàn cảnh của cô hết mình, không dè dặt, ngại ngùng. Cô ung dung tự tại một cách chánh niệm.Cô không bao giờ chú ý đến những gì cô bị mất mát. Cô không để những thương tật chế ngự con người cô.”
Bà Lucas kể tiếp: “Tôi đã gặp rất nhiều bệnh nhân. Chúng tôi thường phải chỉ dạy cho bệnh nhân cách sống hội nhập với người xung quanh. Riêng cô Daniela, chính cô đã dạy cho chúng ta phải sống như thế nào với hoàn cảnh của mình. Cô dậy cho chúng ta nhiều hơn những gì chúng ta từng huấn luyện cho cô.” .
Nguyễn Minh Tâm dịch theo Reader’s Digest tháng 6/2010
|